MỒNG BA TẾT MẬU TUẤT 2018:

THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – GP. Xuân Lộc


Trong Tiếng Việt có nhiều từ ghép, nhưng có lẽ các từ được ghép với chữ “ăn” là nhiều nhất: ăn tết, ăn gian, ăn cắp, ăn trộm, ăn nói,.. công ăn – việc làm. Sở dĩ chữ ăn được dùng nhiều, có lẽ vì “ăn” là nhu cầu căn bản của con người, nó chi phối, gắn liền với đời sống của con người và cũng là mục tiêu cho nhiều hoạt động của con người. Trong năm vừa qua, tòa án Việt Nam đã xét xử nhiều vụ làm ăn bất chính, ăn gian của công, lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Những kẻ có tội phải lãnh những mức án hết sức nặng nề. Trong số các phạm nhân, có những người từng là quan chức cao cấp đã làm ăn không minh bạch, có những kẻ vì hám lợi trước mắt mà đầu tư ồ ạt để rồi thua lỗ nên bị xử phạt. Tình trạng ăn gian, làm gian, làm dối, ăn thật làm giả, đang tràn lan trong xã hội, đến độ có người còn nói: “Ở Việt Nam, nếu cứ khui ra sòng phẳng, chẳng có ai làm giàu mà không ăn gian”.

Việc làm ăn ngày nay đã trở thành việc ăn gian làm dối, lừa đảo. Việc làm và làm việc đã trở thành mưu mô xảo trá để kiếm lợi. Người ta đã đánh mất cái đẹp ban đầu của công việc và việc công. Công việc và việc công, việc làm và làm việc đã bị nhuốm màu gian dối, bất chính. Vì thế, ngày mồng ba tết, Giáo hội mời gọi chúng ta vượt lên trên cái phàm tục thông thường, bằng cách thánh hóa các công việc của mỗi người, biến công việc thường ngày trở thành việc thánh và thành phương thế để nên thánh, đó là mục đích, ý nghĩa của ngày thánh hóa công ăn việc làm hôm nay. Như vậy, Giáo Hội không tổ chức ngày này, như ngày cầu may, hay cầu hên trong công việc, mà mời gọi mọi người biết tin tưởng vào Chúa khi làm việc và phó dâng việc làm hằng ngày cho Chúa để xin Chúa ban ơn lành.

Sách Sáng thế cho thấy, ngay từ đầu, khi tạo dựng nên con người và vũ trụ, Thiên Chúa đã tạo dựng chúng trong sự trật tự, hài hòa, xinh đẹp. Mặc dù được sống trong tình trạng hạnh phúc, vui hưởng thành quả công trình tạo dựng của Thiên Chúa, nhưng khi đặt con người vào vườn địa đàng, Chúa vẫn trao cho con người trách nhiệm phải lao động, canh tác. Việc lao động này, hoàn toàn là một lời mời gọi và là ân phúc Thiên Chúa ban cho con người, được cộng tác với Chúa trong việc bảo tồn và làm phát triển trái đất, vũ trụ, con người lúc đó làm việc với niềm vui và hạnh phúc. Tuy nhiên, sau khi phạm tội, đất đai trở nên cằn cỗi, gai góc, chống lại con người, khiến cho việc lao động của con người trở thành vất vả, phải đổ mồ hôi và nước mắt để kiếm sống. Đồng thời, ma quỷ và tội lỗi đã đẩy con người đến chỗ kiêu căng, muốn chiếm trọn cả vũ trụ về tay mình và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi vũ trụ trái đất. Chính sự kiêu ngạo đó, đã khiến việc làm của con người ngày càng trở nên nặng nề, vất vả hơn. Cũng vậy, dục vọng của con người trỗi dậy, ma quỷ xúi giục lòng tham nổi lên, khiến cho con người chỉ còn biết nghĩ đến phần lợi cho mình, chiếm hữu cho mình. Từ đó, việc lao động trở thành gáng nặng cho chính con người, vì họ làm việc mà không vui, sống mà không hạnh phúc, luôn phải đề phòng và tranh giành với người khác. Như thế, việc lao động là hợp tác với Thiên Chúa, là ân phúc cơ hội Chúa ban, đã bị con người làm hoen ố và biến nó trở thành gánh nặng cho chính mình và tổn hại đến người khác.

Ngày mồng ba tết, bắt đầu cho một năm làm việc mới, Giáo Hội mời gọi con cái mình, đừng để việc lao động trở nên phàm tục, mà cần phải thánh hóa chúng. Thánh hóa công ăn việc làm, là thánh hóa công việc lao động, làm ăn thường ngày, để trả lại cho nó ý nghĩa và mục đích thuở ban đầu Thiên Chúa đặt định, đó là những việc thánh thiện. Chúng ta thánh hóa công việc làm ăn bằng cách nào? Lời Chúa hôm nay soi rọi cho chúng ta: Làm việc trong tâm tình tạ ơn vì được cộng tác với Thiên Chúa và tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, phó thác thành quả lao động cho Chúa, cho dù kết quả đó như ý hay không như mong muốn. “Các con chớ áy náy lo lắng, mình sẽ ăn gì, uống gì hay lấy gì mà mặc”, nhắc nhở điều này, Chúa muốn chúng ta nhớ rằng: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, đừng tưởng rằng chúng ta có nhiều khả năng, nhiều tài lực, chúng ta không cần Thiên Chúa, nghĩ như thế là tự kiêu, sai lầm. Chúa cũng không muốn chúng ta suy nghĩ theo kiểu dân ngoại, hoặc như kẻ kiêu ngạo, muốn giành tương lai của mình về cho mình quyết định, mà không cần sự trợ giúp của Thiên Chúa. Ngày xưa bà Eva đã bị cám dỗ muốn mình trở nên như thần linh, muốn mình biết trước tương lai của mình và người khác, không cần Thiên Chúa. Bà đã gặp thất bại, đã rơi xuống vực sâu của ham muốn và bị chính sự ham muốn dục vọng dày vò hành hạ.

Chúa muốn ta thánh hóa công việc bằng cách vừa làm việc vừa tìm kiếm nước trời, hay đúng hơn trong khi làm việc thường ngày, vẫn dành ưu tiên cho việc tìm kiếm hạnh phúc nước trời. Vì, của cải và những nhu cầu vật chất, Thiên Chúa vẫn lo liệu cho chúng ta dùng đủ hàng ngày, như Chúa vẫn nuôi sống chim trời và cá biển, Ngài vẫn tô điểm cho cây cối, hoa cỏ muôn màu xinh tươi; chúng ta là con của Chúa không lẽ nào Chúa bỏ quên chúng ta. Nước trời và sự sống đời đời Chúa đã dành cho con người, Chúa còn ban ơn trợ giúp để mỗi người cần nỗ lực cộng tác với sự Chúa để vun đắp mỗi ngày, ngay trên trần gian này. Dạy như thế, Chúa muốn lưu ý chúng ta rằng, cho dù trong cuộc sống vất vả mưu sinh hoặc sung túc, thì cũng phải biết đặt cho mình thứ tự ưu tiên trong cuộc sống. Đặt Chúa và hạnh phúc nước trời là mục tiêu ưu tiên tìm kiếm trước hết và trên hết, còn công việc và chuyện ăn uống, dù cần nhưng cũng chỉ là thứ yếu mà thôi.

“Tiên vàn, các con hãy tim sự công chính và nước Thiên Chúa” Tìm sự công chính là “tìm” chu toàn giới răn lề luật của Thiên Chúa, “tìm” sống sao cho đẹp lòng Chúa. Như thế, thánh hóa công ăn việc làm, tức là mỗi người cần làm và ăn trong sự công chính, phù hợp với lề luật và giáo huấn của Chúa. Công việc của chúng ta sẽ trở thành việc thánh khi chúng ta loại bỏ khỏi công việc sự gian dối, bất công, gian ác và nhẫn tâm.

Hơn lúc nào hết sự gian dối đang lan tràn trong xã hội, không chỉ trong đời sống, lời nói, mà người ta gian dối trong hành động và công việc. Ngày nay, hàng giả, hàng gian, hành kém chất lượng đang tràn lan, đánh lừa người tiêu dùng, thu nhiều lợi nhuận. Những cách nói trúng mánh, trúng quả, trúng kèo thơm,… là mỹ từ che đậy cho những phi vụ làm ăn gian dối lừa lọc người khác, con người tìm lợi nhuận bằng mọi giá. Thiên nhiên là quà tặng chung của Chúa cho mọi người, vậy mà, có những nhóm vì lợi ích riêng, đã phá hủy, khai thác thiên nhiên đến kiệt quệ để thu lợi cho cá nhân. Chung quanh chúng ta, môi trường đang bị hủy hoại tàn bạo, nước sông ô nhiễm, khói bụi độc hại do con người thải ra, chính chúng ta đang phải chịu những tác động xấu từ việc làm đó.

Trong lãnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, nhiều người vì hám lợi, đang đầu độc và giết chết anh em bằng những hóa chất độc hại, gây bệnh tật, ung thư và nhiều thứ bệnh lạ khác. Hậu quả là chính chúng ta phải gánh chịu. Có người nói: "không có khi nào con đường từ bao tử đến nghĩa trang lại gần như lúc này” ăn gì cũng có chất độc, gây bệnh và chết người. Những việc làm gian ác như thế và hậu quả của nó, đều phát xuất từ lòng tham, sự ham muốn chiếm hữu thật nhiều và thống lĩnh thiên hạ, khiến cho chúng ta phải chịu hậu quả.

Trong ngày xin ơn Thánh Hóa Việc Làm hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người, mỗi gia đình có được công việc để có thể lo cho cuộc sống. Nhưng hơn hết, xin cho mỗi người biết làm việc trong tâm tình tạ ơn, cộng tác với Chúa, làm cho trái đất và cuộc sống thêm tốt đẹp hơn. Xin cho mỗi người dù làm việc gì cũng tôn trọng giới răn lề luật của Chúa, làm theo tiếng lương tâm nhắc bảo, để qua đời sống và công việc thường ngày, chúng ta góp phần làm cho Nước Trời hiện diện ngay tại trần gian này, qua một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, bác ái và yêu thuơng. Amen.