CN I Mùa Chay / B
Bài đọc 1 : ( Xh 9:18-15). Bài đọc 2 : ( 1 Pr 3:18-22). Tin Mừng : ( Mc 1:12-15)
MÂU THUẪN NỘI TÂM
“ Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.”( Rm 7:19) Đó là kinh nghiệm mà thánh Phaolô đã trao đổi với tín hữu Rôma. Thiện- ác và tốt- xấu là những mâu thuẫn và nghịch lý của đời sống nội tâm của con người. Đó là cuộc chiến đấu nội tâm giữa ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của Satan.
Phát sinh từ Thiên Chúa và quy hướng về Ngài, con người chỉ đạt được cuộc sống nhân bản đầy đủ khi tự do liên kết với Thiên Chúa. Tự do đích thực là dấu chỉ rõ ràng nhất con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí để hành động hay không hành động. Con người phải vâng theo luân lý thúc đẩy làm lành lánh dữ. Đó là tiếng nói của lương tâm.
Nhưng ngay từ đầu lịch sử, con người bị thần Dữ cám dỗ nên đã lạm dụng tự do của mình mà sa chước cám dỗ và làm điều ác. Dù vẫn còn ước muốn điều thiện, nhưng bản tính của con người đã bị thương tổn vì nguyên tội, nên con người nghiêng chiều về sự dữ và có thể sai lầm: “ Trong chính con người đã có sự chia rẽ. Vì thế, tất cả cuộc sống con người, cá nhân hay tập thể, đều biểu hiện như một cuộc chiến bi thảm giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và tối tăm.” ( Gaudium et spes 13,2).
Một buổi chiều, cha bề trên của một tu viện kia hỏi một tu sĩ: “ Hôm nay con đã làm gì?” Tu sĩ trả lời: “ Cũng như những ngày khác, con rất bận bịu mà nguyên sức con không thể làm nỗi, nếu không có sự giúp đỡ của Chúa. Thưa cha, ngày nào con cũng phải coi hai con chim ưng, giữ hai con nai, dạy hai con hiều hâu, thắng một con cá sấu, trị một con gấu và chăm sóc một bệnh nhân.” Cha bề trên cười hỏi lại: “ Những việc như thế làm gì có trong tu viện này?” Tu sĩ giải thích: “ Thưa cha bề trên, thật đúng như thế. Hai con chim ưng là hai con mắt của con; con phải giữ cho chúng luôn trong sáng, không để chúng thu giữ những hình ảnh xấu xa. Hai con nai là hai chân của con; con phải luôn trông coi từng bước đi để chúng bước đi trên nẻo chính đường ngay. Hai con diều hâu là hai bàn tay của con; con phải luôn bắt chúng làm những việc tốt. Con cá sấu là cái lưỡi của con; con phải kìm hãm hằng ngày để nó khỏi thốt ra những lời thâm độc và thô bỉ. Con gấu là trái tim của con; con phải trừng trị nó để khỏi ích kỷ và phô trương. Còn bệnh nhân chính là thân xác con; con phải canh phòng ráo riết để nhục dục không xâm nhập và luôn sống lành mạnh.”
Khởi đầu cuộc rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy đi vào hoang địa. Ở đó Ngài bị cám dỗ. Ma quỷ không thể cám dỗ Ngài qua thiên tính, nhưng cám dỗ Ngài qua nhân tính. Ngài đã chiến thắng. Điều đó cho chúng ta xác định rằng con người không ai thoát khỏi sự yếu hèn của mình, không ai tránh khỏi sự cám dỗ của sự dữ. Càng sống theo lương tâm thánh thiện, theo ý muốn của Thiên Chúa thì lại càng bị cám dỗ nhiều hơn.
Khi kêu gọi chúng ta sám hối, Đức Giêsu đã biết thân phận của con người là yêu đuối hay sa ngã, đồng thời giúp chúng ta ý thức về tình trạng yếu kém, tội lỗi mình để biến đổi con người cũ thành con người mới là tin vào Tin Mừng. Trong Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu đã dạy chúng ta cầu xin: “ Xin chớ để chúng con sa chước càm dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Phương thế để chiến thắng cám dỗ là ăn chay và cầu nguyện. Sám hối vừa là hòa giải với Thiên Chúa vừa hòa giải với anh em, vừa trở về với Thiên Chúa vừa trở về với anh em.
Mùa chay là dịp cho chúng ta nhìn lại chính bản chất của mình để từ đó chọn cho mình một lối đi thích hợp với ý của Thiên Chúa, là dịp đi vào hoang địa giữa cuộc sống bon chen, là không để cho những nhu cầu, khát vọng của cuộc sống lôi cuốn, là đi vào cuộc sống nội tâm của mình để ở đó chúng ta gặp gỡ và tâm tình với Thiên Chúa tình yêu trong tinh thần sám hối và tin vào Tin Mừng.

LM Giuse Trịnh Ngọc Danh