Thánh Giu-se
Con người của niềm hy vọng



Sự kinh ngạc của thánh Giuse thật lớn lao khi thiên thần báo tin cho ngài biết con trẻ do Đức Maria cưu mang sẽ là Đấng Cứu Thế của dân tộc Ngài. Nhưng sự loan báo này tìm thấy được tâm hồn ngài đã sẵn sàng. Đấng Cứu Thế này, đó là Người mà thánh Giuse mong đợi với tất cả sự nhiệt tình của tâm hồn Do Thái.

Điều phân biệt tâm hồn tôn giáo Do Thái, đó là niềm hy vọng về Đấng Messia. Sự nhiệt tình của tôn giáo được hướng về tương lai, một tương lai sáng lạn ở đó Đấng Messia sẽ mang đến cho dân tộc Người sự cứu rỗi, và sẽ khôi phục vương quốc mà Thiên Chúa sẽ là ông chủ. Thánh Giuse được tiêm nhiểm bởi niềm hy vọng này một cách mật thiết và sốt ruột hơn những người khác, ngài mong đợi một kỷ nguyên mới.
Nhiều người mong đợi chủ yếu một sự khôi phục về chính trị , quốc gia. Việc chiếm đóng của ngoại bang làm gia tăng nỗi luyến tiếc sự tự do và nền độc lập: Đấng Messia xuất hiện như là một kẻ đến đem lại cho dân chúng sự giải phóng mà chính họ không thể nào nhận được bằng nổ lực riêng của họ. Thánh Giuse cũng cảm thấy ước muốn về việc giải phóng quốc gia, nhưng niềm hy vọng của ngài vượt quá tầm mức của những khát vọng chính trị. Ngài nhớ lại những lời sấm tiên tri đã từng loan báo một giao ước mới, qua đó dân tộc sẽ thuộc về Thiên Chúa thực sự, với một tinh thần mới và một trái tim mới (Jer, XXXI, 31-33; Ez, XXXVI, 25-29). Dân tộc lý tưởng của tương lai sẽ tràn đầy sự thánh thiện của Chúa. Chính sự đổi mới tinh thần mới là điều mà thánh Giuse mong đợi một cách tiên quyết.

Qua thông điệp của thiên thần, niềm hy vọng của ngài sẽ mang lại một thôi thúc mới. Niềm hy vọng đó đã được thỏa mãn về một điểm cốt yếu, từ nay về sau Đấng Messia sẽ hiện diện; Người hiện diện giữa nhân loại, và sự hiện diện này có ý nghĩa là giờ giải phóng và đổi mới các tâm hồn đang gần kề.

Trong khi sống bên cạnh Chúa Giê-su, tại sao niềm hy vọng này lại không triển nở thêm? Từ con trẻ lan tỏa sự thanh sạch đến nỗi nó làm cho chúng ta thoáng thấy sự thanh tẩy mà Thiên Chúa đã hứa cho những kẻ tội lỗi. Có sự thánh thiện nơi ngài đến nỗi thánh Giuse có thể phân biệt rõ sự thánh thiện của Chúa sẵn sàng tỏa lan ra giữa mọi người. Nơi con trẻ, ngài sẽ khám phá ra tinh thần mới và con tim mới để thôi thúc nhân loại mới. Vì vậy, ngài luôn ao ước thiết lập Giao ước mới. Càng nhìn thấy con trẻ lớn lên chừng nào, ngài càng cảm thấy sự lan tỏa của ân sủng toát ra nhiều chứng nấy và ngài càng vội vàng muốn cho những người khác tận hưởng được nhiều hơn. Được ưu tiên sống trong sự hiện diện của mẫu người hoàn thiện nhờ vào đó loài người có thể được tái lập, ngài càng ngày càng mơ đến sự tái lập này và mong mõi nó một cách nồng nhiệt.

Khi tiếp xúc với Chúa Giê-su, niềm hy vọng của ngài trở nên siêu nhiên hơn. Thánh Giuse hiểu đứa trẻ có cuộc sống phi thường này sẽ không được chuẩn bị để nắm giữ vai trò chính trị. Sự hoàn hảo của con trẻ thuộc về một phạm vi khác, và sự khôn ngoan đang phát triển nơi con trẻ không hướng đến sự nghiệp làm quan bảo dân và nhà chỉ huy quân sự hay nhà cai trị lãnh thổ. Đó là sự khôn ngoan chăm lo những việc của Thiên Chúa, của sự thăng tiến tinh thần con người; Chúa Giê-su chứng tỏ Người chỉ có mặt để thiết lập Nước Thiên Chúa, không giống với các vương quốc của trần gian này. Mặc dù thánh Giuse không bao giờ nghe nói đến những kế hoạch của Người, ngài phỏng đoán trong nhân cách của đứa trẻ rồi của chàng thanh niên ý hướng siêu nhiên này. Niềm hy vọng của ngài càng ngày càng hướng đến khía cạnh tinh thần của việc khôi phục mà Đấng Messia sẽ thực hiện.

Chính vì thế cuộc đời của thánh Giuse được liên kết một cách rất mật thiết với sự trưởng thành của Đấng Cứu Thế, cuộc đời đó là một niềm hy vọng không ngừng lớn mạnh. Với Đức Maria, ngài biểu hiện cho Chúa Giê-su chứng từ của sự khao khát nhân loại đối với một thế giới tốt đẹp hơn. Thiên Chúa chỉ có thể ban những hồng ân tràn đầy của Người cho những người mở rộng tấm lòng của họ bằng ước muốn đón nhận chúng. Nhân danh tất cả những người khao khát sự giải phóng và nâng cao các linh hồn, thánh Giuse biểu lộ sự mong đợi mãnh liệt của ngài đối với Chúa Giê-su. Niềm hy vọng của ngài là một sự khẩn cầu mời gọi Đấng Cứu Thế không nên chậm trễ nữa trong công việc mà Người phải tiến hành.

Thánh Giuse cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sự cộng tác mà chúng ta được mời gọi cung cấp cho công trình của Chúa qua niềm hy vọng của chúng ta,.. Thái độ hy vọng này, Thiên Chúa đòi hỏi nó cho chúng ta như Người đã yêu cầu nó cho thánh Giuse, để có thể lan tỏa tối đa những ân huệ của sự cứu rỗi cho mọi người. Người yêu thương những người hướng về Người với lòng khao khát mong đợi. Thánh Giuse đã không thể làm việc một cách trực tiếp, rõ ràng nhằm thiết lập vương quốc của Chúa Ki-tô nơi trần gian này, ngài dạy cho chúng ta cộng tác vào việc mở mang Vương quốc đó bằng sự thôi thúc âm thầm của tâm hồn chúng ta. Ngài có thể giúp cho chúng ta biến niềm hy vọng của chúng ta thành một lời cầu nguyện lôi cuốn những hồng ân của Chúa xuống trên nhân loại.

Ngài ban cho chúng ta tấm gương của một chân trời rộng mở trong niềm hy vọng. Thỉnh thoảng một vài người có khuynh hướng chỉ xem xét khía cạnh cá nhân trong niềm hy vọng. Thật ra mỗi người có thể hy vọng phần rỗi riêng của mình, quan tâm đến những hồng ân cho phép họ bước vào trong niềm hạnh phúc vĩnh cửu, và mong đợi một cuộc sống bên kia tốt đẹp hơn trần gian này. Nhưng niềm hy vọng không giới hạn ở tương lai cá nhân này; thậm chí ban đầu nó cũng không phải như thế; nó trước tiên là sự mong đợi phần rỗi của toàn thể nhân loại, và không muốn những giới hạn nào khác ngoài thế gian. Trong cuộc sống êm đềm và mờ nhạt ở Nazareth, thánh Giuse được thôi thúc bởi những ước muốn không giới hạn này. Định mệnh của dân Do Thái, và của toàn thể cộng đồng nhân loại, là đối tượng cốt yếu của niềm hy vọng của ngài.

Vì vậy, chúng ta được ngài lôi kéo vào một cuộc mở rộng những khát vọng của chúng ta. Ngài mời chúng ta đừng bao giờ hạn chế niềm hy vọng chúng ta vào số phận riêng của chúng ta, hoặc vào số phận của một nhóm, nhưng làm cho nó bành trướng trên toàn bộ vương quốc của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta.
Ngài cũng khuyến khích chúng ta giữ vững niềm hy vọng ở mức độ siêu nhiên. Chắc chắn những khát vọng của nhân loại về sự hạnh phúc, phát triển văn hóa, nền hành chính tốt đẹp của xã hội dân sự là chính đáng và phải được khuyến khích. Nhưng mục tiêu của niềm hy vọng Ki-tô giáo còn cao hơn nữa: nó liên quan đến lợi ích của các linh hồn, cuộc sống của Thiên Chúa được ban cho họ, định mệnh vĩnh hằng được quyết định cho các linh hồn ở trần thế này. Thánh Giuse được nổi bật khỏi những người đồng hương do bản tính tâm linh của niềm hy vọng, ngài hướng sự chú ý của chúng ta về những giá trị tinh thần mà chúng ta phải chờ đợi và hy vọng. Những của cải khác chỉ có một giá trị tạm thời; trong một vài trường hợp, chúng có thể bị đánh mất hoặc có thể bị hủy hoại. Nhưng người ta không bao giờ mệt mõi khi phải mong chờ sự cứu rỗi đời đời, lợi ích tối cao mới có thể làm thỏa mãn những ước muốn của con người. Thánh Giuse giúp chúng ta dâng lên Thiên Chúa những khát vọng của chúng ta.

Cuối cùng, ngài kích thích trong chúng ta sự gắn bó cá nhân với Chúa Ki-tô, Đấng kích thích và nâng đỡ niềm hy vọng. Chắc chắn ngài luôn luôn sốt sắng trong niềm hy vọng; nhưng niềm hy vọng này sẽ biến dạng từ lúc ngài sống trong tình thân mật với Chúa Giê-su. Cái nhìn của Đấng Cứu Thế làm cho niềm hy vọng của ngài chắc chắn chiếm hữu được điều ngài tìm kiếm. Sự chắc chắn này tồn tại trong niềm hy vọng ki-tô giáo của chúng ta, bởi vì chúng ta đã chiếm hữu Đấng có thể tạo nên niềm hạnh phúc đời đời. Chúng ta càng gắn bó với Người, và càng sống trong Người, niềm hy vọng càng có một sức bật vững bền và chắc chắn.

Trong cái nhìn chiêm ngưỡng mà thánh Giuse đặt vào Chúa Giê-su, ngài hiểu rằng sự thánh thiện và tình yêu có thể chiến thắng sự dữ đang phân tán trên thế giới. Nếu như đôi khi ngài lo sợ vì gặp nơi một vài người một sự hung ác gây bối rối hoặc một sự đồi bại bướng bỉnh, ngài được trấn an bởi sự hiện diện của một đứa trẻ có sức mạnh tinh thần mạnh mẽ hơn nay mai. Ngài tin vào thắng lợi của Đấng Cứu Thế, mặc dù những lời nói tương phản mà cụ già Siméon loan báo. Ngài kéo chúng ta đến chỗ hy vọng mặc dù những khuyết điểm của con người, và bởi vì chúng ta có niềm hạnh phúc biết được chiến thắng của Chúa Ki-tô Phục Sinh, và giữ niềm lạc quan qua mọi thử thách mà Giáo Hội trải qua. Được nương tựa vào Đấng Cứu Thế, niềm hy vọng của chúng ta chỉ có thể chiến thắng cùng với ngài.

Tác giả: Jean Galot, S.J. (Giáo sư Thần học)
Chuyển ngữ: Thiên Hựu và Kim Ngân