Thánh Giu-se
vị tông đồ ẩn dật


Trong niềm hy vọng của thánh Giuse, chúng ta khám phá ra trái tin tông đồ của ngài. Thánh Giuse sống cho phần rỗi thế gian: những tư tưởng và tình cảm của ngài hướng về mục tiêu này, nó tạo thành niềm ao ước thân thiết nhất của ngài.
Là tông đồ, thánh Giuse chỉ có thể như thế giống như các môn đệ của Chúa Ki-tô sau này, những người được sai đi rao giảng trên thế giới để loan báo Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội. Ngài không biết đến biến cố Hiện Xuống, khi Thánh Linh biến đổi những ngư phủ của xứ Galilée thành những người giảng thuyết hăng say và hữu hiệu; ngài không tham gia vào sự phát triển đầy ấn tượng của Giáo Hội vào những năm đầu tiên, và không dự phần vào việc bành trướng của Giáo Hội.
Ngài là tông đồ theo cách khác, mà không ra khỏi ngôi làng Nazareth. Ngài là tông đồ trước khi thiết lập Giáo Hội để chuẩn bị cho nó và góp phần vào việc dẫn dắt các linh hồn vào đó.

Nếu như ngài không có cơ hội triển khai hoạt động tông đồ, ngài vẫn có một tâm hồn tông đồ sâu đậm. Sự lo lắng chủ yếu của ngài là sự lo lắng đối với các linh hồn sống xa Thiên Chúa và có nguy cơ mất linh hồn. Sự bận tâm đến cứu giúp những người tội lỗi sẽ được cảm nhận một cách đáng chú ý nơi Chúa Giê-su trong suốt cuộc sống công khai, mối bận tâm đó đã choán hết tâm trí của thánh Giuse. Người đàn ông này đã xúc động về sự khốn quẫn về tinh thần đang ngự trị xung quanh ngài; ngài khổ tâm vì sự lầm lạc của những người cần đến một mục tử để soi sáng và hướng dẫn cho họ. Ngài có thể nhận thấy rằng tội lỗi của dân chúng, mà các ngôn sứ đã từng nói với biết bao lời kết án đã không biến mất. Ngài không thuộc số những người nhắm mắt làm ngơ để khỏi nhìn thấy một tình trạng nặng nề và để giữ được sự thanh thản hài lòng. Vì là người sống trong nguồn vui của tình yêu Thiên Chúa, ngài không phải không quan tâm đến những người khác; ngài cảm thấy hết sức thương hại đối với tình trạng thất vọng tinh thần của nhiều số phận nhân loại

Nhưng ngài có thể làm gì để sửa sai tình trạng này? Lòng thiện cảm của ngài đối với các linh hồn đang gặp khó khăn hoặc nguy hiểm có thể nào hữu hiệu và mang lại cho họ một sự giúp đỡ thật sự hay không? Thánh Giuse không có khả năng thực hiện điều mà Chúa Giê-su sẽ làm; vả lại, ngài không được mời gọi làm điều đó. Ngài sẽ tự cảm thấy bất lực hoàn toàn nếu như ngài không tin vào giá trị của lời cầu nguyện.
Vì không thể trợ giúp tình cảnh khốn quẫn của các linh hồn bằng những phương tiện của con người, ngài tìm kiếm sự cầu cứu nơi Thiên Chúa một cách sốt sắng hơn và cầu khẩn Người can thiệp.. Khi ngài là chứng nhân của một đời sống có vẻ như đi lệch hướng, ngài phó thác cho Thiên Chúa tình trạng này và ngài tin chắc rằng sự toàn năng của Thiên Chúa không bao giờ gây bất ngờ, sẵn có những phương tiện cuối cùng và có khả năng cứu thoát mọi thứ. Ngài biết sức mạnh bí ẩn mà lời cầu nguyện thành thật và sốt sắng tác động lên trái tim của Thiên Chúa. Ngài có được sự xác tín rằng bất cứ lời cầu khẩn nào cũng đều có kết quả. Càng cảm thấy bất lực trước cảnh tượng của sự dữ và sự gia tăng gấp bội của tội lỗi, ngài càng nhận thấy rằng lòng thương xót của Chúa sẽ bị nao núng bởi những lời cầu nguyện.

Thánh Giuse cầu nguyện cho những trường hợp cá nhân mà ngài biết đến: biết bao người đã mắc nợ ngài mà không hề biết những ân huệ đã cải thiện hoặc biến đổi cuộc đời họ! Ngài còn cầu nguyện nhiều hơn nữa cho sự đăng quang của ơn cứu rỗi, để vương quốc do Chúa Giê-su thiết lập có thể đạt đến với số đông các linh hồn một cách hết sức nhanh chóng. Đối với ngài, không phải Thiên Chúa khi có ý ban ơn cứu rỗi này, sẽ đòi hỏi lời nguyện cầu để mở rộng lợi ích của nó cho con người hay sao? Lời nguyện ngắm của thánh Giuse không phải là không có tính cách tông đồ, bởi vì nó phù hợp với ý muốn cứu thoát của Thiên Chúa.

Qua đó, cùng với Đức Maria, thánh Giuse mở đầu một hình thức tông đồ, hình thức này do những đại biểu trong Giáo Hội: hoạt động tông đồ về cầu nguyện. Ngài giúp chúng ta chú ý đến sự ưu tiên của cầu nguyện trong việc mở mang Vương quốc của Thiên Chúa ở trần thế này. Hoạt động tông đồ phải được chuẩn bị bằng cầu nguyện, và sự lan tỏa của Giáo Hội trước tiên tùy thuộc vào tổng số lời cầu nguyện được giấu kín trong linh hồn của các thành viên của nó. Một vài cuộc sống được mời gọi một cách đặc biệt bởi Thiên Chúa để làm tròn chức năng của cầu nguyện; nhất là đời sống tôn giáo và chiêm niệm là tấm gương của một đời sống chỉ mong đợi hoạt động tông đồ phong phú bằng sự cầu nguyện. Đó là đường hướng mà cuộc đời của thánh Giuse đã thực hiện trong khuôn khổ của nghề thủ công.

Vả lại, thánh Giuse nâng đỡ, bằng việc hiến dâng tất cả những biến cố của cuộc sống, sự phấn khởi của lời cầu nguyện tông đồ này. Bên cạnh việc cầu nguyện đúng nghĩa, qua đó chúng ta tâm sự với Thiên Chúa, có hàng ngàn sự kiện của cuộc sống hàng ngày có thể cũng đạt được sức mạnh của việc cầu nguyện, khi chúng được dâng cho Thiên Chúa, được đón nhận trong ý hướng tình yêu. Không phải chỉ qua cái nhìn của ngài hướng về Thiên Chúa, qua những yêu cầu mà ngài trình bày cho Người, nhưng còn qua hoạt động và tất cả những cử chỉ mà thánh Giuse muốn nhận những ân huệ dành cho những người khác. Ngài van xin Thiên Chúa bằng cách dâng lên Người công việc, những khó nhọc và những niềm vui của ngài. Trong việc tông đồ giấu kín, ngài đưa vào tất cả những gì mà đời sống của ngài được tạo nên. Ngài ý thức rằng lễ vật khiêm tốn nhất phải vươn tới Thiên Chúa và nhận từ Người hoạt động tông đồ phong phú.

Trong việc dâng hiến hàng ngày này, thánh Giuse biết rằng những đau khổ thật hết sức dễ chịu đối với Thiên Chúa và có thể góp phần vào sự giúp đỡ vô hình này mà ngài ao ước mang đến cho các linh hồn. Không phải trong đạo Do Thái lễ hiến tế chiếm một vị trí ưu tiên, và được xem như biện pháp lớn nhất để có được hồng ân của Chúa, khẩn xin lòng tha thứ của Thiên Chúa bị xúc phạm và đem lại sự thanh sạch cho những người tội lỗi hay sao? Giống như các ngôn sứ từng cho ngài biết, thánh Giuse hiểu rằng những lễ hiến tế chỉ là một biểu tượng, và Thiên Chúa đòi hỏi hiến tế đích thực nhất của một trái tim là chìu theo tất cả những ý muốn của Người. Những đau khổ mà ngài thu lượm trong cuộc sống được dành để tham gia vào sự hiến tế cơ bản này, vào việc làm gia tăng giá trị của nó.

Ngoài ra, lời tiên tri của Simeon đã soi sáng cho ngài một cách đặc biệt hơn về cái giá đau xót của sự cứu chuộc. Lời tiên tri này đã đối xử rộng lượng với ngài, bởi vì lưỡi gươm đau khổ chỉ được loan báo cho vị hôn thê của ngài. Nhưng thánh Giuse muốn liên đới với sự đau khổ của Chúa Giê-su và Đức Maria như hậu quả gián tiếp. Ngài chỉ có một khao khát: cộng tác trong khả năng của ngài vào công trình mà Đấng Cứu Thế có trách nhiệm. Trong mục đích này, ngài sẵn sàng hiến dâng tất cả những hy sinh.

Sự nhiệt tình mong muốn giải phóng một nhân loại bị đày đọa trong tội lỗi đã nâng đỡ lòng can đảm của ngài trong những giờ phút nặng nề hơn trong cuộc đời. Trước những đau khổ xảy đến cho ngài, ngài quan tâm đến sự đau khổ lớn lao được loan báo đối với Đấng Cứu Thế và Mẹ Người; ngài thấy những khó nhọc của mình chẳng thấm vào đâu so với sự hy sinh vĩ đại sắp đến, và ngài phải cố gắng liên kết chúng với sự hy sinh này một cách xứng đáng bằng lòng khoan dung của ngài. Ngài không bao giờ cau có; ngài dâng hiến những đau khổ của ngài, dù lớn dù nhỏ, với tất cả tâm hồn ngài.

Ngài tự hiến mình cho Thiên Chúa với một niềm vui sâu xa. Vì ngài không nghĩ đến sự khó nhọc, nhưng nghĩ đến lợi ích dành cho những người khác. Tinh thần tông đồ làm cho ngài chịu đựng một cách êm ái nhẹ nhàng tất cả những gì là khó nhọc, chán ngắt, bực bội, khó khăn trong cuộc sống của ngài.
Ngài hiện diện trước mặt chúng ta để nhắc cho chúng ta nhớ đến chức vụ tông đồ còn ẩn giấu, nhưng không kém phần hiệu quả hơn hoạt động tông đồ thực sự. Ngài mời gọi chúng ta tin vào tính cách phóng phú vô hình mà những hoạt động nhỏ bé nhất của chúng ta có thể đem lại vì phần rỗi của những linh hồn khác, nhất là tin vào kết quả tinh thần mà Thiên Chúa ban cho vì những hy sinh của chúng ta. Mọi người không thể thực hiện một hoạt động tông đồ lớn lao, nhưng mọi người có thể hiến mình cho Thiên Chúa theo ý hướng này; giống như thánh Giuse, họ luôn có thể dâng điều họ đang là hiện thân và điều họ đang làm với những khó nhọc và sự bất lực của họ. Tất cả những điều đó biến đổi thành sự tiến bộ của Vương quốc của Chúa Ki-tô trên thế giới.


Tác giả: Jean Galot, S.J. (Giáo sư Thần học)
Chuyển ngữ: Thiên Hựu và Kim Ngân