SỰ GẮN BÓ GIỮA CÂY VÀ CÀNH



Linh mục Giuse Đỗ Đức Trí – Gp Xuân Lộc


Ngày xưa, trái cây chỉ có theo mùa, mùa nào trái đó, nhưng ngày nay trái cây hầu như có quanh năm và rất ngon. Đạt được thành tựu này là do công nghệ gen phát triển cùng với kỹ thuật lai ghép đã tạo ra được trái ngon, quả ngọt như thế. Một ví dụ điển hình là công nghệ trồng nho của Phan Rang. Giống nho trái nhỏ, chua, nhiều hạt trước đây dần dần bị loại bỏ để thay vào đó là giống nho trái lớn, ngọt và không có hạt, được thị trường ưa chuộng hơn.

Cây nho là một trong những cây quen thuộc và được trồng nhiều tại vùng Israel thời Chúa Giêsu. Trong tự nhiên, để một cành trở nên tươi tốt, trước tiên cành đó phải được ghép vào một gốc cây khỏe mạnh, có bộ rễ khỏe, chắc. Kế đến, để nó sinh nhiều hoa trái và cho trái ngon, thì cành phải được ghép một cách bền chặt với thân, hút được nhựa và chất dinh dưỡng từ thân cây và phải được chăm sóc cắt tỉa cho phù hợp. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc này để nói lên tương quan gắn bó giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài: “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trông nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái thì Người chặt đi, còn cành nào sinh hoa trái thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều trái hơn”. Chúa Giêsu so sánh mình như cây nho được Chúa Cha vun trồng, chăm sóc và mỗi chúng ta là cành được ghép vào thân cây nho ấy. Đã là cành được gắn vào thân cây nho, Chúa muốn chúng ta phải sinh trái ngọt, không thể không sinh trái hoặc sinh trái kém chất lượng. Để sinh hoa kết trái, còn cần phải chấp nhận được cắt tỉa thường xuyên, loại bỏ những cành yếu, lá sâu, để chúng khỏi làm ảnh hưởng đến cành khác và có thể ra nhiều trái hơn. Chúa Giêsu cũng quả quyết rằng, chỉ những ai gắn bó mật thiết với Chúa, đón nhận dòng nhựa sự sống từ Ngài thông ban, thì mới có thể trở thành cành khỏe mạnh và mới có khả năng sinh trái tốt. Trái lại, ai từ chối đón nhận dòng nhựa sống từ nơi Đức Giêsu thông chuyển cho, thì sẽ trở nên cằn cỗi, khô héo và sẽ bị loại bỏ, bị cắt và ném vào trong lò lửa.

Sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy một hình ảnh cụ thể về cành nho được gắn vào thân cây nho là Chúa Giêsu; cành nho đó chính là phaolô. Phaolô giống như cành nho dại, nho chua, ông lớn lên với sự nhiệt thành của một người Do Thái bảo thủ. Ông tìm mọi cách loại trừ những ai tin vào danh Giêsu. Trên đường Đamas, Chúa đã cắt ngang cuộc đời của ông và ghép ông vào với cây nho Giêsu. Kể từ đó, Phaolô đã được biến đổi hoàn toàn, ông ý thức được tình yêu Chúa dành cho ông, vì thế ông gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu như cành liền cây, cây liền cành. Ông đã nói lên sự gắn bó mật thiết đó: “Đối với tôi sống là Đức Kitô… Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.

Câu chuyện hôm nay cho thấy, ông cũng gặp khó khăn khi lần đầu tiên tiếp xúc với các tông đồ. Các tông đồ không tin Phaolô đã được biến đổi và đã thuộc hoàn toàn về Chúa Giêsu, nên các tông đồ còn dè chừng ông. Sau đó, ông Barnaba đứng ra bảo lãnh và giới thiệu Phaolô với các tông đồ và đã được các tông đồ đón nhận trở thành thành viên trong tông đồ đoàn và cùng với các tông đồ tiếp tục rao giảng về Chúa Giêsu. Các người Do Thái tại Giêrusalem trước đây đã từng biết Phaolô, giờ đây họ hết sức ngỡ ngàng vì sự thay đổi nhanh chónh nơi ông. Trước đây ông kịch liệt chống lại và còn tìm cách bách hại những người tin vào Giêsu, thì giờ đây ông lại là người mạnh mẽ rao giảng về danh Chúa Giêsu cho mọi người. Ông còn đứng ra tranh luận với những người Do Thái về giáo lý mà ông đã rao giảng, khiến những người này hết sức ngạc nhiên và họ tìm cách giết ông. Để tránh nguy hiểm cho tính mạng của Phaolô, các tín hữu đã đưa Phaolô trở về Tácsô, quê hương ông.

Cuộc đời của Phaolô đã trải qua biết bao nhiêu gian khổ, bị bắt bớ, tù đày, roi đòn, nhưng tất cả những khó khăn đó không làm ông chùn bước. Trái lại, Thánh Phaolô còn sinh nhiều hoa trái, qua việc đem nhiều anh chị em lương dân về với chúa và hình thành nên các giáo đoàn. Sức mạnh nào khiến cho Phaolô có thể sống và làm được như thế? Chính Phaolô đã cho biết động lực và nguồn sức sống của ông là Chúa Giêsu, ông quả quyết: “không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô”.
Đoạn cuối của bài đọc một cũng cho thấy, Phaolô và các tông đồ là những cành nho gắn bó với Chúa Giêsu và đâm thêm cành nhánh làm nên một vườn nho tươi tốt là các cộng đoàn giáo hội sơ khai: “Lúc bấy giờ trong khắp miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, Hội Thánh được bình an, được vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, ngày một thêm đông nhờ Thánh Thần nâng đỡ”. Điều đó chứng tỏ rằng, sức sống của Chúa Giêsu phục sinh đang lưu chuyển trong từng thành viên của Giáo Hội, lan tỏa đến các cộng đoàn và biến các cộng đoàn trở nên đồng tâm nhất trí, hiệp ý yêu thương nhau. Đời sống yêu thương chính là trái ngon, trái ngọt mà các cộng đoàn tín hữu dâng tặng cho Chúa, đem lại niềm vui cho thế giới.

Thư của Thánh Gioan chỉ cho chúng ta những việc phải làm để trổ sinh những trái ngọt cho Chúa và thế giới, đó là yêu thương nhau cách chân thật và bằng việc làm cụ thể, đừng yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi. Trong thực tế, nói những lời lẽ ngọt ngào yêu thương rất dễ, nhưng yêu thương cách chân thật bằng việc làm đòi mỗi người phải cố gắng rất nhiều. Yêu chân thật là một tình yêu phát xuất từ trái tim chứ không phải từ trí óc. Tình yêu chân thật thì luôn hướng đến người mình yêu, quan tâm và dành những gì tốt đẹp nhất cho người mình yêu. Yêu chân thật là luôn nghĩ điều tốt, muốn điều tốt và làm những điều tốt đẹp nhất cho người khác và dám nhấp nhận sự thiệt thòi, đau khổ về cho mình. Yêu chân thật là lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình, lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của mình, lấy thành công của người khác làm niềm vui của mình. Thánh Gioan còn nhấn mạnh, phải làm những việc cụ thể vì yêu để diễn tả tình yêu. Vì nếu chỉ nói lời yêu thương mà không có hành động hay việc làm để thể hiện tình yêu, thì những lời ngọt ngào kia chỉ là giả dối và sáo rỗng.

Thưa quý OBACE, để có được một tình yêu chân thật, bằng việc làm cụ thể, hay nói theo cách so sánh của Chúa Giêsu, để có thể sinh hoa trái dồi dào và tươi ngon, chúng ta cần phải liên kết một cách mật thiết với gốc nho Giêsu. Chỉ khi gắn bó với Chúa, đón nhận sức sống và chất dinh dưỡng là Mình Máu Chúa, chúng ta mới có thể phát triển một cách mạnh khoẻ và có thể trổ sinh hoa trái. Chỉ khi để cho Lời Chúa cắt tỉa thường xuyên, chúng ta mới có thể loại trừ được những cành sâu, cành yếu là tội lỗi và thói xấu, nó làm cho chúng ta trở nên yếu ớt và không thể sinh nhiều trái. Là Kitô hữu, là người có Chúa Kitô, chúng ta không thể để mình bám vào Chúa một cách hời hợt như những cành tầm gửi lay lắt và có khi còn làm hại đến toàn cây, nhưng chúng ta cần để cho chất Chúa - chất Kitô, chan hòa, lan tỏa trong từng lời nói hành động và cách cư xử của ta, để mọi người tiếp xúc với ta, họ có thể nhận ra Chúa.

Thiên Chúa là người trồng nho, Ngài chờ đợi ta trổ sinh thật nhiều hoa trái. Ngài không muốn thấy chúng ta như một cây choán đất, ăn hại mà không sinh lợi gì. Trái lại, Ngài muốn chúng ta trổ sinh thật nhiều hoa thơm trái ngọt yêu thương cho đời. Các bậc cha mẹ cần phải làm mọi cành nho trong gia đình của mình gắn bó với Chúa qua việc cầu nguyện, tin tưởng hoàn toàn vào Chúa cho dù gặp giông bão của thử thách cũng không ngã lòng. Các cha mẹ phải giúp con cái đón nhận được nhựa sống từ Chúa Giêsu qua Bí Tích Thánh Thể, Thánh Lễ mỗi ngày và trổ sinh hoa trái là tình yêu thương, sự cảm thông, niềm vui và hạnh phúc cho gia đình.

Xã hội hôm nay đang bày ra trước mắt chúng ta nhiều hoa trái: tiền bạc, danh vọng, bằng cấp, địa vị, các thứ tụ điểm vui chơi… Đó là những thứ hoa trái tẩm hóa chất có thể gây ngộ độc, gây ung thư hủy hoại đời sống đức tin. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sinh nhiều hoa trái yêu thương bác ái cho thế giới ích kỉ thù oán hôm nay. Chúng ta phải làm sao để mọi người chung quanh có thể nếm được hương vị ngọt ngào của bác ái Kitô giáo, sự thơm ngon của đời sống Kitô hữu nơi mỗi người chúng ta. Amen.