Những chuyện khó khăn và cảnh giác khi học làm thơ.

Người xưa người ta ứng khẩu thành thơ mới được gọi là danh sĩ. Trong điển tích Tam quốc, vua nước Ngụy là Tào Phi có một người em trai tên Tào Thực( đều là con Tào Tháo) tính tình ngông nghênh, thường lộ ý bất phục ông anh đang làm vua. Sự việc truyền đến tai, Tào Phi gọi thằng em đến bảo:

___ Ta với ngươi là anh em, nhưng cũng là nghĩa vua tôi. Nghe nói nhà ngươi ỷ tài ngông nghênh coi thường thiên hạ! Thế thì hôm nay nếu ngươi có tài thực, ta sẽ thưởng. Ngược lại,ta sẽ trị tội!

Tào Thực ngỏ ý xin đề tài. Tào Phi nhìn thấy một bức tranh treo trên tường có vẽ hình hai con trâu núi đang đánh nhau, liền bảo đó là chủ đề, nhưng cấm dùng các từ con trâu...

Tào Thực chưa đi quá bảy bước, liền cất tiếng đọc:

___ Hai tấm thân đi đường
Trên đầu bốn khúc xương
Gặp nhau tại sườn núi
Bỗng đâu nổi chiến trường.
Hai bên đua sức mạnh
Một địch lăn xuống hang
Đâu phải thua kém sức
Chẳng qua sự lỡ làng.


Tào phi giựt mình,yêu cầu thằng em thử làm tiếp một bài thơ nữa với chủ đề là anh em, nhưng cấm dùng các từ như vua tôi, anh em...

Không cần đi vài bước, Tào Thực liền đọc:

__ Củi đậu đun hạt đậu
Đậu trong nồi khóc kêu
Cùng sinh trong một gốc
Bức nhau chi đến điều.


Tào Phi nghe xong rất xúc động, nhưng vẫn trừng phạt cảnh cáo Tào Thực từ tước vương hạ cấp xuống làm An Hương hầu.

Ở Việt Nam khi xưa, Tự Đức là một vị vua rất thích thơ văn. Một hôm vua đang ăn bị hàm răng cắn phải lưỡi, liền yêu cầu các quan làm thơ mô tả nhưng cấm không được dùng các từ nói về lưỡi, răng...

Ông Nguyễn Hàm Ninh liền xin đọc :

___ Thuở tớ sinh ra chú chửa sinh
Từ khi sinh chú tớ làm anh
Ngọt bùi chẳng để cùng san sẻ
Cốt nhục đang tâm nghiến đứt tình.


Rõ ràng Ông Ninh muốn xỏ xiên vụ Hồng Bảo chết trong ngục mà thiên hạ nghi ngờ là do Hồng Nhậm ( Tự Đức) ra tay. Vua cũng thừa hiểu như thế nên thưởng cho mỗi câu một lượng vàng nhưng phạt ý xỏ xiên mỗi câu đánh một trượng !

Chuyện cảnh giác thứ nhất khi học làm thơ trên đây, đó là tài giỏi như danh sĩ Tào Thực, nhưng vẫn không thoát bị giáng chức giáng cấp bởi chính tay ông anh làm vua của mình. Cũng như ông Nguyễn Hàm Ninh vẫn bị ăn đòn với những câu thơ thâm thúy sâu sắc của mình. Thế thì nói theo lối nói của Kinh Thánh :
" Cây tươi còn bị như thế thì cây khô sẽ ra sao...". Những danh sĩ ngàn năm danh tiếng như thế mà còn bị như trên, huống chi một kẻ dốt nát mà đòi tập tành làm thơ như tôi nếu còn án xử bá đao hay lăng trì thời xưa, không sớm thì muộn tôi cũng bị tội!

Thế nào cũng có người vặc lại rằng :" Không phải thi sĩ tài danh nào cũng gặp vận đen trên đường đời..." ! Bằng chứng như đại thi hào Nguyễn Du với tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh đã làm rạng danh Mẹ Việt Nam, để lại một di sản văn hóa vĩ đại cho người đời sau ...

He He! Về điều này tôi cho rằng mình có con mắt rất tinh tường, nên xin lưu ý mọi người về tài tiên tri của các danh nhân Việt Nam mà rất ít người chịu để ý! Nếu như tiên tri NS Trịnh Công Sơn lừng danh với lời tiên tri xuyên suốt bốn thế hệ ( có thể còn nhiều hơn nữa) :
" Gia tài của Mẹ, một bọn lai căng, gia tài của Mẹ, một lũ bội (bạc) tình"! Thế thì trước đó đại thi hào Nguyễn Du đã từng than vãn rằng không biết vài trăm năm sau có ai hiểu và khóc cho tâm trạng của ông (Tố Như) hay không?

Vì là một lời sấm như kiểu sấm Trạng Trình, cho nên nhiều nhà phân tích thơ văn cứ cho rằng Tố Như mang tâm trạng kẻ hoài Lê, rồi như thế này như thế nọ...Riêng tôi, ứng vào khoảng thời gian hơn kém vài trăm năm sau mà Tố Như đã tiên đoán, tôi kết luận rằng ông khóc cho số phận của đại tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của ông đã bị bôi bẩn, làm ô uế!

Trong thời đại coi trọng bản quyền tác giả như hiện nay, nếu tác giả đã quá cố vài trăm năm như đại thi hào Nguyễn Du, mọi người có thể tự do sao chép trích dịch tác phẩm của tác giả ấy mà không cần bận tâm đến việc vi phạm bản quyền. Tuy vậy, ngoài vấn đề phải xin phép in ấn phát hành của các cấp thẩm quyền, người sao chép trích dịch ấy không thể làm biến dạng, méo mó, bôi bẩn, xuyên tạc...bản quyền!

Với con mắt tinh tường, tôi cho rằng cụ Nguyễn Du khóc cho nhiều tâm trạng, mà một trong các tâm trạng ấy theo như kiểu nói bình dân :
"Chửi cha không bằng pha tiếng"!

Với chính sách chia để trị của thực dân pháp, chúng đã thành công không nhỏ khi làm cho ba miền Bắc Trung Nam kỳ thị lẫn nhau. Một trong nhiều thứ kỳ thị dân tộc đó là nhại tức chế nhạo tiếng nói của nhau! Vì tôi là gốc dân Bắc 54, cho nên trước đây khi còn là học sinh cấp một cấp hai, tôi đã khổ sở không ít khi học trong các lớp mà 90% đều là học sinh nói tiếng miền Nam. Tên của tôi bọn chúng không thèm nhớ, mà gọi bằng một cái tên nghe rất ấn tượng :"Thằng Bắc Kỳ"! Chưa hết! Cái chuyện : Chửi cha không bằng pha tiếng ở đây , là do có một thằng nào đó thường xem phim hài do NSND Hồng Vân diễn, rồi nó bắt chước rất khéo. Rồi trong một lần tụ tập trong trường, thiên tài bắt chước mà tôi vừa kể đã gọi đích danh Thằng Bắc Kỳ là tôi lên giữa đám đông học sinh bạn bè. Thế là nó xổ ra một tràng tiếng Bắc giọng Bùi Chu với nội dung thật dài đầy giễu cợt! Mặc dù tôi là thằng chết nhát như đã có lần tâm sự, nhưng kết quả là hôm đó tôi phải lên ban giám hiệu nhà trường để kiểm điểm với tội danh hành hung bạn học!

Cách đây không lâu, tôi cũng đã được xem một vài phóng sự trên báo về việc một vài cơ quan hình như ở Hà Nội không tuyển nhân viên là người dân xứ Nghệ, hoặc một vài địa phương ở miền Trung, vì các ông chủ, nhân viên ở đó kỳ thị những giọng nói nặng nề khó nghe khó hiểu của miền Trung.

Vài ví dụ minh họa ở trên tạm cho thấy rằng chửi cha người khác, họ có thể nhịn, nhưng việc chế nhạo cách phát âm, giọng nói của địa phương vùng miền nơi chôn nhau cắt rốn, người nghe thật khó giữ được bình tĩnh.

Như đã kể ở trên, không cứ gì tiên tri Trịnh Công Sơn, mà cụ Tố Như có thể còn trội hơn về thời gian tiên tri rất dài và rất xa! Cứ theo như mạch văn của cụ trong di sản văn hóa thế giới Đoạn Trường Tân Thanh, tôi chắc cú rằng cụ Tố Như đã khóc với tâm trạng :"Chửi cha không bằng pha tiếng "! Bởi vì cụ tiên tri thấy vài trăm năm sau, một tác phẩm đại diện cho văn học Việt Nam của cụ đã bị một cá nhân nào đó, hay một nhóm người nào đó bôi bẩn, làm ô uế khiến không thể nghe ra phát âm hay cách viết của tiếng Việt! Hoặc có thể nói nó chỉ còn là một tác phẩm, một cách phát âm, cách viết của một thứ nước lạ! Không khác gì cách phát âm của láng giềng phương Bắc nước Việt Nam!

Thế đấy! Đâu phải làm thơ giỏi mà không gặp phong ba bão táp! Có thể còn nghiêm trọng, đau khổ gấp ngàn lần người dốt nát thơ văn ấy chứ! Như tôi là một hạt cát trong sa mạc mênh mông, thế mà còn không chịu nổi khi người khác chế nhạo, pha tiếng Bắc kỳ của mình! Huống chi tác phẩm của cụ Tố Như dù sao cũng là tiêu biểu cho tiếng nói chữ viết cũng như văn học Việt Nam.Thế mà ngay người Việt nam khi nghe,đọc di sản văn hóa Việt của cụ, lại cứ tưởng là một trung hoa anh hùng đang tuyên bố một quân lệnh! Cụ Tố Như phải khóc, vì cụ mất đã hai trăm năm rồi, làm sao có thể sống lại để mà cứu vãn tình thế hay làm một điều gì đó!

Điều cảnh giác cũng như khó khăn thứ hai mà tôi nghiệm ra khi học tập làm thơ, đó là ngay đến thơ mới, loại thơ được cho là phóng khoáng không gò bó trong các khuôn khổ như các loại thơ Đường, thơ lục bát,thất ngôn tứ tuyệt... cũng không phải không khó khăn trên nhiều phương diện!

Cái khó thứ nhất là tôi không biết căn cứ vào một tiêu chuẩn, tức ni mẫu nào để nhận định loại thơ mới mà mình sáng tác ra hay hoặc dở! Tra cứu trên internet, tôi biết được rằng trước đây hàng trăm năm trước, tức thời pháp thuộc đã rộ lên phong trào nghệ thuật nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật gì đó mà điển hình là phong trào thơ mới và thơ cũ đối kháng nhau! Và tôi chỉ hiểu lơ mơ là phong trào thơ mới đã chiến thắng, rồi người ta nêu lên một tiêu biểu là bài thơ Tình Già của thi sĩ Phan Khôi , nói theo ngôn từ thời nay, đã đứng đầu trong danh sách BXH.

Tưởng rằng đã kiếm được một tiêu chuẩn, một ni mẫu để học hỏi, tôi lập tức gõ phím và sau một phút chân dung của một tiêu biểu cho loại thơ mới đã hiện ra. Tuy vậy, sau nhiều lần suy gẫm và nghiên cứu tôi đành phải kết luận do căn cơ của mình cực kỳ thấp, không thể nào lãnh nhận được bất kỳ một điểm nhỏ cái hay, cái phóng khoáng nào trong bài thơ mới hay loại thơ mới này, nên đứt gánh giữa đường!

Thật ra, tôi vẫn biết rằng Hàn mặc Tử mới thật là đại diện, hoặc khai quốc công thần, cũng như cây đại thụ trong làng thơ mới. Chẳng hạn như bài thơ:
" Ai mua trăng tôi bán trăng cho/ Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ/Ai mua trăng tôi bán trăng cho/ Chẳng bán tình duyên ước hẹn thề."
Hoặc:
"Làm sao giết được người trong mộng/Để trả thù tình duyên kiếp bẽ bàng..."
Nghe những câu thơ mới trên dù dốt nát về thơ như tôi cũng nhận thấy những cảm xúc dạt dào không bờ bến tràn về.

Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ mấy câu thơ mới trong cuốn "Nhật ký yêu" của Hoàng Uyên (?) kể về cảm xúc của một thiếu phụ khi người chồng giã từ tổ ấm bé nhỏ của hai người để lên đường ra mặt trận:

___ Ngày anh đi buồn vương lên mái tóc
Em đắm mình trong biển cả cô đơn
Đêm từng đêm nghe gió lạnh qua hồn
(hình như là) Buồn góp nhặt tâm tư qua từng trang giấy


Đến khi người chồng yêu dấu đã hy sinh vì tổ quốc, tâm hồn rướm máu của người góa phụ tan nát theo những câu thơ:

___ Ngày anh đi trời sầu sa lệ
Hoa cỏ buồn vì khăn áo trắng màu tang
Gió vi vu trỗi khúc thánh ca buồn
Em chết lặng tiễn anh về nẻo vắng.

Tôi đã từng khóc khi đọc những vần thơ này, cũng như buồn man mác, chìm sâu trong cảm xúc dạt dào khi nghe thơ Hàn mặc Tử. Nhưng tất cả những cảm xúc ấy dù có tăng lên hàng nghìn lần cũng chẳng giúp gì cho tôi trong việc học tập làm thơ mới! Bởi vì như trên đã nói, tôi không thể tìm ra một tiêu chuẩn nào để mà nhận định rằng thơ mình đang tập làm dở hoặc hay! Một người mù đơn độc dù cho khỏe biết mấy, kiên nhẫn và gắng sức biết mấy cũng luôn luôn lầm đường lạc lối giữa một sa mạc mênh mông hoặc thăm thẳm của rừng già...

Nhân ngày sinh nhật diễn đàn TCVN lần thứ 11 tôi đã cố sức để mong đạt thành một tâm nguyện là có một bài thơ góp mặt với đời. Nhưng sau gần mười ngày gắng sức, kết quả chỉ là vòng quanh rồi trở về chỗ cũ với những trang word trắng. Tôi đã phải tự thú trước bình minh là mình không có cửa để làm thơ! Nếu cố cho lắm, e rằng thơ của tôi còn thua thơ con cóc hàng trăm bậc!

Người ta thường nói đến cầu thủ thứ 12 hoặc 13 trong bóng đá, đó là khán giả hoặc trọng tài. Đó là những động lực rất lớn giúp cho đội bóng đạt đến chiến thắng Thế thì nhân ngày sinh nhật của tôi, chị cat đã hết sức khích lệ tôi làm thơ. Tôi vô cùng chân thành cảm ơn sự chân tình quý giá này. Vì bận một số chuyện không thể hồi đáp lời động viên của chị ngay lúc ấy, nên tôi đã tự hứa với mình sẽ cố gắng dùi mài kinh sử để đáp lại sự khích lệ lớn lao này...

Nhưng cho đến nay kể như một tháng trôi qua, tôi đã nhận ra rằng với vài trăm ngàn cổ động viên cuồng nhiệt, đội tuyển Brazil vẫn thua nặng nề với tỉ số 1-7 ngay trên sân nhà với tuyển Đức. Một con thỏ đế thì cho dù hóa trang nó thành một con hổ, nhưng khi gặp một con mèo nhỏ, nó vẫn cắm đầu chạy trối chết không hề dám chống cự. Một kẻ không tìm ra, không biết như thế nào là một ni mẫu, một tiêu chuẩn để cảm nhận thơ mình sáng tác ra là hay, hoặc dở, thì cố gắng đến đâu và được khích lệ ,động viên đến đâu đi nữa cũng chẳng làm nên cơm cháo gì...

Thánh Gioan Vianey lúc học làm linh mục, ngài dốt quá nên đã bị ông thầy không thể chịu đựng nổi phải thốt lên:

___ Gioan, anh là một con lừa!

Gioan Vianey nhỏ nhẹ trả lời :

___
Xưa kia,ông Samson chỉ dùng một cái xương hàm của con lừa, đã tiêu diệt đươc ba ngàn quân Philitin. Huống chi một con lừa như con đây, chắc chắn Người sẽ làm được nhiều việc...

Có thể trước mặt Thiên Chúa, tôi cũng gần được như một cái xương hàm con lừa. Và nếu Người muốn dùng, chắc có thể hoàn thành một vài công việc nhỏ bé...

Thành thật cảm ơn lời động viên và khích lệ của chị cat. Mong chị thứ lỗi vì không thể thực hiện nổi sự khích lệ của chị, bởi vì như em đã nhìn ra khả năng của mình trong bài viết trước đây :

_
__ Rợp trời thơ phú , tớ ngu ngơ.
Thôi đành lảm nhảm thế vào thơ..
.

Em sẽ tiếp tục lảm nhảm thay cho những bài thơ do không có khả năng, nghĩa là sẽ cố sức làm một cái hàm lừa nhỏ bé để mong Chúa dùng tạm...