Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Chủ đề: MỘT VÀI KHÁI NIỆM VỀ CÔNG ĐỒNG

  1. #1
    Damsan's Avatar

    Tham gia ngày: Oct 2008
    Tên Thánh: Joseph
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Tây nguyên xanh
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 1,860
    Cám ơn
    2,553
    Được cám ơn 8,696 lần trong 1,669 bài viết

    Default MỘT VÀI KHÁI NIỆM VỀ CÔNG ĐỒNG

    MỘT VÀI KHÁI NIỆM VỀ CÔNG ĐỒNG
    http://v3.hdgmvietnam.org/Default.aspx?tabid=67&mid=403&ArticleListPK=51

    Định nghĩa: Công đồng là một hội nghị gồm các giám mục, cùng một số bề trên của các tổ chức tu trì trong Giáo Hội, chính thức nhóm họp để bàn luận và quyết định những vấn đề thuộc giáo lý đức tin hay sinh hoạt của Giáo Hội.

    Phân loại: Công đồng có nhiều cấp bậc khác nhau, bao gồm trong hai loại tổng quát: công đồng chung và công đồng riêng.

    Công đồng chung: còn gọi là công đồng phổ quát. Từ khi có phong trào hợp nhất các Kitô hữu, người ta còn gọi là công đồng đại kết. Đây là hội nghị các giám mục toàn cầu, với sự góp mặt của các bề trên cao cấp trong các tổ chức tu trì, dưới sự chủ toạ đích thân của giám mục Roma hay qua các đặc sứ của ngài (x. GH 22). Trước Công đồng Vatican II, chỉ có giám mục chính toà mới có quyền tham dự công đồng chung. Từ nay mọi giám mục đều có quyền tham dự công đồng vì là thành phần của giám mục đoàn (x. GM 4).

    Công đồng riêng: là một hội nghị gồm các giám mục của một miền đất nào đó trong Giáo Hội. Người ta phân biệt: công đồng giáo tỉnh gồm các giám mục trong một miền, một giáo tỉnh dưới quyền chủ toạ của một tổng giám mục hay giám mục trưởng giáo tỉnh. Công đồng liên giáo tỉnh hay đại công đồng nếu hội nghị, gồm các giám mục của nhiều giáo tỉnh khác nhau dưới quyền chủ toạ của sứ thần Toà Thánh. Ta cũng có thể kể thêm công đồng toàn quốc, công đồng toàn miền. Ngoài ra, còn có hội nghị khác của các giám mục gọi là thượng hội đồng, hội nghị hay công nghị giám mục. Công nghị giáo phận (x. GL. đ. 460) dùng để chỉ phiên họp của vị giám mục giáo phận với hàng giáo sĩ của mình. Còn Thượng Hội đồng Giám mục (Synod) là một quy chế được thể hiện sau Công đồng Vatican II. Đây là hội nghị do chính Giáo hoàng Roma triệu tập các giám mục đại diện hay những người được ngài chỉ định để cùng tìm hiểu và giúp ngài về một số vấn đề liên quan đến hoạt động của Giáo Hội trong thế giới.

    Thẩm quyền của công đồng chung:

    Công đồng chung là cơ quan lập pháp và giáo huấn tối cao của Giáo Hội. Đó chính là giám mục đoàn được quy tụ lại vì Chúa Kitô đã ban quyền cho các tông đồ và những người kế vị các ngài để dạy dỗ và điều khiển Giáo Hội.

    Những nghị quyết của công đồng chung có một giá trị tối cao đối với toàn thể Giáo Hội. Theo một số điều kiện đã được ấn định trong Giáo Hội, chúng có tính bất khả ngộ, nghĩa là không thể sai lầm. Nghị quyết chia thành 2 loại: Nghị quyết về quy luật ấn định những luật lệ, tập quán, nghi lễ..., nghị quyết về giáo lý bàn về những điểm giáo lý gây tranh cãi, làm sáng tỏ những điểm giáo lý còn nghi ngờ, xác định những chân lý mạc khải bị lạc giáo chối từ hoặc lên án những điểm sai lạc bằng các phán quyết “tuyệt thông”.

    Các công đồng chung trong lịch sử

    Các công đồng chung đóng một vai trò đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội vì đã làm chứng và xác định những chân lý mạc khải, ấn định những hình thức thờ phượng và kỷ luật, tạo nên những cuộc biến chuyển và canh tân đời sống Kitô giáo. Nhìn chung, các công đồng biểu lộ những nỗ lực của Giáo Hội muốn luôn luôn chuyển biến chính mình để vừa bảo vệ khỏi những khủng hoảng của thời đại, vừa thanh tẩy mình khỏi những khiếm khuyết, vừa phát triển mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

    Trong dòng lịch sử suốt 20 thế kỷ qua, có tất cả 21 công đồng chung: 8 công đồng chung đầu tiên nhóm họp ở phương Đông, 13 công đồng sau ở phương Tây. Hầu hết, các giáo hội ly khai Đông Phương chỉ công nhận 7 công đồng chung đầu tiên. Các công đồng này, có thể nói, đã xác định phần lớn giáo lý cơ bản của Giáo Hội. Các hoàng đế Đông Phương đã có công tích cực trong việc triệu tập và giúp đỡ công đồng trong thời gian nhóm họp, dù giá trị của công đồng hệ tại ở việc chuẩn nhận của vị Giáo hoàng ở Roma.

  2. #2
    Damsan's Avatar

    Tham gia ngày: Oct 2008
    Tên Thánh: Joseph
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Tây nguyên xanh
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 1,860
    Cám ơn
    2,553
    Được cám ơn 8,696 lần trong 1,669 bài viết

    Default

    http://v3.hdgmvietnam.org/Default.aspx?tabid=67&mid=403&ArticleListPK=52

    II. LIỆT KÊ 21 CÔNG ĐỒNG CHUNG
    Chúng tôi đã trình bày một số điểm cơ bản của từng công đồng trong phần Niên biểu Lịch sử Giáo Hội. Sau đây chỉ là bản liệt kê danh sách, ngày tháng và một số chi tiết khác của các công đồng chung:

    1. Nicaea I, năm 325. Thành phần tham dự gồm khoảng 300 giám mục Đông Phương, 4 giám mục Tây Phương, 2 linh mục Roma làm đặc sứ của Thánh Giáo hoàng Sylvester I. Hoàng đế Constantinus I triệu tập. Công đồng họp từ tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 8. Công đồng định tín Con Thiên Chúa đồng bản tính với Chúa Cha.

    2. Constantinople I, năm 381. Hoàng đế Theodosius I triệu tập dưới triều Thánh Giáo hoàng Damasus I. Có khoảng 186 giám mục Đông Phương dự. Khoá họp từ tháng 5 đến tháng 7. Công đồng lên án các lạc thuyết Arius và Macedonius, xác nhận và triển khai Kinh Tin Kính Nicaea.

    3. Ephesus, năm 431. Hoàng đế Theodosius II triệu tập, dưới triều Thánh Giáo hoàng Celestinus I. Có khoảng 150-200 giám mục Đông Phương, 1 giám mục Tây Phương, 3 đặc sứ tham dự với 5 khoá họp từ 22-6 đến 17-7. Công đồng lên án 2 lạc thuyết Nestorius và Pelagius, công bố Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và xác định sự ngôi hiệp nơi Đức Kitô.

    4. Chalcedon, năm 451. Hoàng đế Marcianus triệu tập. Khoảng 600 giám mục Đông Phương, 2 giám mục Phi Châu, 3 đặc sứ của Thánh Giáo hoàng Leo I tham dự 17 khoá họp từ 8-10 đến 1-11. Công đồng lên án thủ lãnh lạc giáo Eutyches, tuyên bố Đức Kitô có một ngôi vị với hai bản tính riêng biệt.

    5. Constantinople II, năm 553. Hoàng đế Justinianus I triệu tập dưới triều Giáo hoàng Vigilius. Khoảng 150 giám mục Đông Phương, 8 giám mục Phi Châu tham dự 8 khoá họp từ 5-5 đến 2-6. Công đồng lên án “Ba Chương” trích từ tác phẩm của các giáo phụ bị cho là theo thuyết Nestorius: T. de Mopsuestus, Theodoretus và Ibas.

    6. Constantinople III, năm 680-681. Hoàng đế Constantinus IV triệu tập, dưới triều các Thánh Giáo hoàng Agatho và Leo II. Khoảng 165 giám mục Đông Phương, 6 giám mục Tây Phương và 3 sứ thần tham dự. Công đồng họp 16 khoá từ 7-11-680 đến 6-9-681. Công đồng lên án thuyết Nhất Ý và dạy rằng Đức Kitô có hai ý chí: ý chí con người và ý chí Thiên Chúa.

    7. Nicaea II, năm 787. Nữ hoàng Irene triệu tập dưới triều Giáo hoàng Adrianus I. Có khoảng 300 giám mục Đông Phương, 2 sứ thần tham dự 8 khoá họp từ 24-9 đến 23-10. Công đồng lên án phái Phá Huỷû Ảnh Thánh, xác định có thể tôn kính ảnh thánh mà không bị coi là thờ ngẫu tượng.

    8. Constantinople IV, theo Công giáo, Công đồng nhóm họp năm 870, do hoàng đế Basilius I triệu tập, dưới triều Giáo hoàng Adrianus II. Có khoảng 120 giám mục Đông Phương và 3 đặc sứ tham dự 6 khoá họp từ 5-10-869 đến 8-2-870. Công đồng lên án phái Phá Huỷ Ảnh Thánh và truất quyền Thượng phụ Giáo chủ Photius. Nhưng Giáo hội ly khai Đông Phương chỉ công nhận Công đồng năm 880, đồng thời huỷ bỏ hết quyết định của Công đồng năm 870.

    9. Lateran I (Lateranus), năm 1123. Do Giáo hoàng Callixtus II triệu tập. Khoảng 300 giám mục và 700 đại biểu khác tham dự các khoá họp từ 8-3 đến 6-4. Công đồng phê chuẩn thoả ước Worms và một số điều canh tân Giáo Hội.

    10. Lateran II, năm 1139. Giáo hoàng Innocens II triệu tập. Có khoảng 1.000 tham dự viên họp trong tháng 4, để lên án việc ly giáo của Anacletus.

    11. Lateran III, năm 1179. Giáo hoàng Alexander III triệu tập. Khoảng 300 giám mục và 400 giáo sĩ tham dự 3 khoá họp diễn ra từ ngày 5 đến 19-3 để lên án bè rối Albigenses. Công đồng quy định cách chọn giáo hoàng.

    12. Lateran IV, năm 1215. Giáo hoàng Innocens III triệu tập. Có 412 giám mục và 388 giáo sĩ tham dự các khoá họp từ 11 đến 30-11. Công đồng quy định việc xưng tội mỗi năm và rước lễ mùa Phục Sinh. Lần đầu tiên, Công đồng nói đến từ “chuyển bản thể” trong bí tích Thánh Thể.

    13. Lyon I, năm 1245. Giáo hoàng Innocens IV triệu tập. Khoảng 150 giám mục và nhiều giáo sĩ tham dự 3 khoá họp từ 28-6 đến 17-7 để lên án hoàng đế Frederick II.

    14. Lyon II, năm 1247. Giáo hoàng Gregorius X triệu tập. Khoảng 500 giám mục và 570 giáo sĩ (có Thánh Thomas và Bonaventura), hoàng đế Đông Phương M. Paleologus cũng tham dự. Gồm 6 khoá họp từ 7-5 đến 17-7. Công đồng bàn về sự hợp nhất giữa Giáo hội Đông Phương và Tây Phương.

    15. Vienne, năm 1311-1312. Giáo hoàng Clemens V triệu tập. Khoảng 132 giám mục với nhiều giáo sĩ tham dự 3 khoá họp từ 16-10-1311 đến 6-5-1312. Công đồng giải tán dòng Hiệp Sĩ Đền Thờ, lên án quan niệm sai lạc của tu sĩ Beguard và Beguin.

    16. Constance (Konstanz), năm 1414-1418. Hoàng đế Segismundo triệu tập dưới triều Giáo hoàng Gregorius XII và Martinus V. Khoảng 200 giám mục, nhiều giáo sĩ và chuyên viên tham dự 45 khoá họp, từ 5-11-1414 đến 22-4-1418. Công đồng bãi nhiệm ba giáo hoàng đang tranh chấp nhau, chấm dứt tình trạng ly khai ở Tây Phương, lên án J. Wycliff, Jan Hus và chọn Giáo hoàng Martinus V.

    17. Florence (Firenze), năm 1438-1455. Giáo hoàng Eugenius IV triệu tập. Lần đầu họp ở Basel, sau dời về Ferrara, rồi về Florence. Khoảng 150 giám mục Tây Phương, 30 giám mục Đông Phương tham dự. Công đồng đã đưa ra nhiều phương thức hợp nhất Giáo Hội.

    18. Lateran V, năm 1512-1517. Giáo hoàng Julius II và Leo X triệu tập. Có 115 giám mục Tây Phương tham dự 12 khoá họp, từ 3-5-1512 đến 6-3-1517. Công đồng xác định quyền bính giáo hoàng và quyền bính công đồng, lên án những người theo thuyết Tân Aristote.

    19. Trent (Trento), năm 1545-1563. Giáo hoàng Paulus III, Julius III, Pius IV triệu tập. Lúc khai mạc có 70 giám mục, lúc kết thúc có 252 giám mục và nhiều giáo sĩ tham dự trong 25 khoá họp từ 13-12-1545 đến 4-12-1563. Công đồng xác định một số điểm đức tin và giáo lý liên quan đến Phong trào Cải Cách, canh tân Giáo Hội về nhiều điểm thực tế.

    20. Vatican (Vaticano) I, năm 1869-1870. Giáo hoàng Pius IX triệu tập. Có 747 giám mục tham dự và nhiều giáo sĩ trong 4 khoá từ 8-12-1869 đến 1-7-1870. Công đồng lên án thuyết duy lý và tuyên bố tính bất khả ngộ của giáo hoàng.

    21. Vatican II, năm 1962-1965. Giáo hoàng Joannes XXIII và Paulus VI triệu tập. Có tất cả 2.860 nghị phụ tham dự. Số nghị phụ ở mỗi khoá thay đổi từ 2.150-2.500. Có 10 khoá trong 4 kỳ họp. Công đồng đã soạn thảo và công bố 4 hiến chế, 9 sắc lệnh và 3 tuyên ngôn nhằm đổi mới toàn diện đời sống Giáo hội Công giáo và hướng tới sự hợp nhất Kitô giáo. Sau đây, chúng ta sẽ nói thêm về Công đồng này

  3. Được cám ơn bởi:


  4. #3
    Rocky's Avatar

    Tham gia ngày: Apr 2008
    Tên Thánh: Phêrô
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Nơi tôi ờ là nhà
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 1,446
    Cám ơn
    630
    Được cám ơn 6,180 lần trong 1,245 bài viết

    Default III. VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II

    III. VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II Vatican II vẫn còn cần thiết
    (http://v3.hdgmvietnam.org/Default.as...ticleListPK=53)


    Công đồng Vatican II đã kết thúc cách đây 38 năm. Gần đây, một số người có khuynh hướng tự do trong Giáo Hội đang nói đến một công đồng chung mới. Công đồng này sẽ thực hiện việc đổi mới triệt để mà Công đồng Vatican II đã khởi xướng, để đạt được sự hợp nhất trọn vẹn mà Vatican II mới thu được một vài kết quả bước đầu và sẽ giải quyết một số vấn đề mới mẻ của Giáo Hội trong thế giới hôm nay. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ lời trong một hội nghị ở Vatican vào ngày 27-2-2000 rằng: “Công đồng Vatican II đã cho chúng ta nhiều phần thưởng quý hoá từ 35 năm qua và còn tiếp tục dẫn đưa chúng ta trong nhiều năm kế tiếp. Công việc của Giáo Hội bây giờ là học hỏi những điều đã đề ra trong các văn bản của Công đồng và đem ra thực hành cho có hiệu quả...”.

    Giáo hội Việt Nam, trong thời gian trước đây, từ năm 1965 đến 1975, do hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, chưa có dịp học hỏi kỹ lưỡng các văn kiện của Công đồng, trừ một vài giáo phận ở miền Nam Việt Nam. Chỉ trong các thành phố và đô thị lớn, giáo dân mới có dịp học hỏi về Công đồng này ít nhiều, còn lại hầu như chẳng mấy khi nghe nói đến, nhất là ở miền Bắc Việt Nam. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, dân tộc ta lại gặp nhiều khó khăn, vì thế các bài học đổi mới, hợp nhất của Công đồng hầu như ít được nhắc đến như những định hướng cơ bản cho Giáo hội Việt Nam.

    Do đó, chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn để tìm hiểu nghiêm túc về Công đồng qua những văn kiện nền tảng. Trong phạm vi cuốn Niên Giám này, chúng tôi chỉ có thể gợi ra vài nét đặc biệt và tóm tắt ít dòng về các kỳ họp của Công đồng Vatican II.

    Những lý do triệu tập Công đồng

    Công đồng Vatican II là sáng kiến độc đáo của Đức Gioan XXIII do một ơn linh hứng đặc biệt, khi ngài tham dự lễ bế mạc Tuần lễ Hợp nhất Kitô hữu vào ngày 25-1-1959, tại đền Thánh Phaolô Ngoại Thành. Với tên gọi Vatican II, Công đồng thật sự muốn tiếp tục những vấn đề còn đang bàn luận dang dở của Công đồng Vatican I, vì Công đồng này phải kết thúc đột ngột vào năm 1870, khi giáo phận Roma bị sáp nhập vào vương quốc Ý.
    Sáng kiến của Đức Gioan XXIII không nằm trong chiều hướng nghiên cứu các vấn đề hay lên án các giáo thuyết sai lạc như hầu hết các công đồng trong quá khứ, nhưng từ những nhu cầu thực tế và cấp bách của Giáo Hội trong thế giới đương thời, vì Giáo Hội lúc đó đang phải đối phó với những thách đố vô cùng khó khăn.

    Thật vậy, thế giới đổi thay quá nhanh kể từ Vatican I. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cuốn hút loài người vào một viễn ảnh vật chất vô cùng tươi sáng nhưng cũng đầy những âu lo, khắc khoải với thảm hoạ chiến tranh nguyên tử, với cuộc đối đầu giữa thế giới tư bản và cộng sản, với nền văn minh hưởng thụ... Tôn giáo dường như chưa giải đáp được những vấn nạn của con người.

    Trong nội bộ Giáo Hội, những xung đột, chia rẽ không ngừng xảy ra giữa các xứ Kitô giáo lâu đời. Công cuộc truyền giáo không còn đạt được những kết quả lớn lao vì chính Kitô hữu dường như an thân và thoả mãn với đời sống đạo thụ động của mình. Do đó, cần một công đồng để thực hiện cuộc đổi mới sâu xa trên toàn thể đời sống Giáo Hội, đem lại giá trị thật sự cho tư tưởng con người cũng như cho đời sống nhân loại, trong tinh thần tìm về nguồn và vâng theo Chúa Thánh Thần (x. Diễn văn khai mạc giai đoạn chuẩn bị Công đồng, AAS 59 (1960) 1004-1014).

    Công cuộc chuẩn bị

    Công đồng được chuẩn bị trong thời gian hơn 3 năm, từ 7-1959 đến 11-1962. Tất cả các tham dự viên đều được hỏi ý kiến, các đại học Công giáo được thăm dò về các vấn đề có thể đưa ra ở Công đồng với 2.109 bản trả lời, gồm 8.972 đề nghị. 12 Uỷ ban dự bị và 3 văn phòng làm việc không ngừng trong suốt một năm và góp về Uỷ ban Trung ương, do chính Đức Giáo hoàng làm Chủ tịch, 70 lược đồ lớn, được in thành 19 cuốn sách, gồm 2.060 trang.

    Kỳ họp đầu tiên (từ 11-10 đến 8-12-1962: khoá I).

    Có tất cả 2.904 nghị phụ được mời tham dự. Trừ các vị già yếu, bệnh tật và các vị ở một số nước không được phép đi, 2.449 vị có mặt, đại diện cho 134 nước trên thế giới.

    Các nghị phụ bầu ra 10 Uỷ ban Công đồng từ 12 Uỷ ban dự bị trước đây có các vị hồng y trong giai đoạn chuẩn bị làm chủ tịch. Cộng thêm Hội đồng Chủ tịch Điều hành và 3 Văn phòng. Ngôn ngữ chính thức là tiếng La Tinh. Ai muốn phát biểu cần ghi danh trước ở Hội đồng Chủ tịch và nộp một bản viết. Thời gian phát biểu không quá 10 phút. Các nghị phụ phải có mặt trong các phiên họp chung hay khoáng đại. Các biểu quyết bằng phiếu được kiểm soát bằng thiết bị điện tử. Phải có 2/3 số phiếu thì các quyết định của Công đồng mới có giá trị.

    Trong kỳ họp này, các nghị phụ làm việc theo 7 lược đồ đề nghị. Ngày 4-11 lược đồ đầu tiên về Phụng Vụ được chấp thuận với 2.162 phiếu thuận, 46 phiếu chống. Các lược đồ khác như: về nguồn mạc khải, về phương tiện truyền thông xã hội, về sự hợp nhất các Kitô hữu, về Giáo Hội được bàn luận. Cuối kỳ họp, số lược đồ tăng tới 73 và Đức Thánh Cha quyết định rút lại còn 20 lược đồ tập trung. Các nghị phụ có 9 tháng để đúc kết các lược đồ và soạn thảo công việc cho kỳ họp tới. Cũng trong thời gian này, Đức Gioan XXIII qua đời. Đức Hồng y Montini lên thay, lấy danh hiệu là Phaolô VI.

    Kỳ họp thứ 2 (từ ngày 29-9 đến 4-12-1963: khoá II và III)

    Đức Thánh Cha Phaolô VI đổi mới và cụ thể hoá chương trình làm việc của Công đồng. Trong kỳ họp này, các nghị phụ tập trung cho lược đồ về Giáo Hội, giám mục, giáo dân, sự hợp nhất, nhiều điểm vẫn chưa giải quyết. Ngày 4-12-1963, Đức Phaolô VI công bố “Hiến chế về Phụng vụ (PV) thánh” Sacrosanctum Concilium (Thánh Công đồng Chung) và sắc lệnh về các Phương tiện Truyền thông Xã hội Inter mirifica (Giữa những sự kỳ diệu).
    Trong thời gian nghỉ họp, các nghị phụ bắt đầu thực hiện chương trình “Dopfner” nghĩa là bố cục lại tất cả các lược đồ theo một trục chính là Giáo Hội. Các nhà thần học trong các uỷ ban giúp đỡ rất nhiều cho Công đồng.

    Kỳ họp thứ ba (từ ngày 14-9 đến 21-11-1964: khoá IV và V)

    Nhờ cải tiến cách phát biểu trong các phiên họp, công việc tiến hành nhanh hơn. Các nghị phụ bàn luận tiếp lược đồ Giáo Hội về tính cách cánh chung và vai trò của Đức Trinh Nữ Maria, về nhiệm vụ mục vụ của giám mục, về tự do tôn giáo, về mạc khải, về tông đồ giáo dân, về linh mục, về các Giáo hội Công giáo Đông Phương, về giáo dục Kitô giáo, và nhất là về lược đồ 13, lược đồ sau này trở thành Hiến chế Mục vụ (MV) về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

    Trong buổi lễ bế mạc ngày 21-11-1964, Đức Phaolô VI đã công bố 3 văn kiện: Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (GH) Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), Sắc lệnh về các Giáo hội Công giáo Đông Phương (ĐP) Orientalium Ecclesiarum (các Giáo hội Đông Phương) và Sắc lệnh về Hợp nhất (HN) Unitatis redintegratio (Tái lập sự hợp nhất). Ngài chính thức tuyên bố Đức Maria là Mẹ Giáo Hội và loan báo kỳ họp tới sẽ kết thúc Công đồng.

    Kỳ họp thứ tư (từ ngày 14-9 đến 8-12-1965: khoá VI-X)

    Trong bài diễn văn khai mạc kỳ họp, Đức Phaolô VI loan báo quyết định thành lập Thượng Hội đồng Giám mục. Đây là một bước tiến đáng kể trong việc canh tân Giáo Hội. Các nghị phụ bàn nhiều đến lược đồ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay và các lược đồ đang còn dang dở cần được tu chỉnh. Ngày 4 đến 5-10-1965, Đức Thánh Cha công du và đọc diễn văn tại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.

    Ngày 28-10-1965, Đức Phaolô VI chính thức công bố 5 văn kiện đã được các nghị phụ chấp thuận:

    - Sắc lệnh về nhiệm vụ Giám mục (GM) Dominus Christus (Chúa Kitô).

    - Sắc lệnh về việc canh tân thích nghi đời sống dòng tu (DT) Perfectae Caritatis (Đức ái hoàn hảo).

    - Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục (ĐT) Optatam totius

    - Tuyên ngôn về Giáo dục (GD) Kitô giáo Gravissimum educationis (Vai trò rất quan trọng của giáo dục).

    - Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo (NK), Nostra Aetate (Thời đại chúng ta)

    Ngày 8-11-1965, Đức Phaolô VI công bố hai văn kiện mới:

    - Hiến chế Tín lý về Mạc khải (MK) của Thiên Chúa Dei Verbum (Lời Thiên Chúa).

    - Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân (TĐ) Apostolicam Actuositatem (Hoạt động tông đồ).

    Ngày 7-12-1965, trong khoá họp IX, Đức Phaolô VI công bố 4 văn kiện cuối cùng là những văn kiện đã phải nhiều lần tranh cãi, sửa đổi, bổ sung:

    - Tuyên ngôn về Tự do (TD) Tôn giáo Dignitatis Humanae (Phẩm giá con người).

    - Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo (TG) của Giáo Hội Ad Gentes (Đến với muôn dân).

    - Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục (LM) Presbyterorum Ordinis (Chức vụ Linh mục).

    - Hiến chế Mục vụ (MV) về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng).

    Trong khoá họp này, có một số sự kiện mang ý nghĩa đại kết đáng ghi nhớ. Ngày 4-12, Đức Thánh Cha họp với các quan sát viên ngoài Công giáo tại đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành và cùng dự chung một nghi lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất. Ngày 7-12-1965, Đức Phaolô VI ở Roma và Đức Thượng Phụ Athenagoras ở Istambul đã cùng một lúc xoá bỏ án tuyệt thông lẫn nhau, chấm dứt cuộc ly khai từ năm 1054. Đây là một trong những sự kiện nói lên thành quả tốt đẹp và giá trị nhất của Công đồng. Bộ Thánh vụ được đổi tên thành Bộ Giáo lý Đức tin.

    Khoá X ngày 8-12-1965, Công đồng đã tổ chức nghi thức bế mạc long trọng tại quảng trường Thánh Phêrô. Công đồng gửi sứ điệp bế mạc đến nhiều thành phần nhân loại trên toàn thế giới.

    Về bản dịch Việt ngữ các văn kiện Công đồng Vatican II, đã có bản dịch của Senatus Sài Gòn, in năm 1966 và bản dịch của Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện Thánh Pius X, Đà Lạt, năm 1972, tái bản năm 1974. Năm 1975, Phân khoa Thần học hoàn thành trọn vẹn bản dịch với nhiều điểm sửa đổi và bổ sung thêm phần các sứ điệp Công đồng và Mục lục phân tích chủ đề gồm 500 trang. Năm 1980, bản dịch hoàn chỉnh này đã được xuất bản tại Hoa Kỳ.

    Nguồn tư liệu:

    Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện Thánh Pius X, Thánh Công đồng Chung Vatican II, Đà Lạt, 1972, tr. 1-56.
    Mathew Bunson, 2003 Catholic Almanac, NXB. Our Sunday Visitor, Inc. Huntington, Indiana 2002, tr. 236-237.
    Chữ ký của Rocky


    Trong lòng bàn tay Cha, con bình an.... yên nghỉ

    Thắp lên hy vọng ngay cả khi tưởng chừng đụng đến cực điểm của tuyệt vọng




+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com