CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN NĂM A
Ga 9,36-10,8


Chúng ta tiếp xúc với thế giới xung quanh, trước hết bằng đôi mắt: Đôi mắt em là cửa sổ tâm hồn (Đôi mắt- Xuân Hồng).Ta cũng biết yêu thương từ đôi mắt, rồi tới con tim. Nhưng trong thế giới công nghiệp ngày nay hình như người ta không còn thời giờ để nhìn nhau. Người ta sống trong một thế giới ảo, thậm chí trong gia đình, ngay trong bữa cơm, cha mẹ con cái cũng mỗi người một điện thoại, không ai nhìn ai. Không có giờ nhìn nhau thì nói chi đến hỏi han, chuyện vãn, cảm thông.

Nhà thơ Nguyên Sa cũng đã thấy viễn tượng này:
Và những người gặp nhau một buổi sáng thứ hai
Không cười với nhau một lần
Không nói với nhau lấy một câu…
Có những người yêu nhau không có thì giờ…
Chim lấy đâu mà về tổ
Tôi lấy đâu mà làm thơ
Em lấy đâu mà đọc những bài thơ sắp viết?...
(Tôi sẽ bỏ đi rất xa- Nguyên Sa)

Chúa Giêsu thì khác: Thấy đám đông, Người chạnh lòng thương.(Mt 9,36). Chúa thấy đám đông, nhưng để chạnh lòng thương, để cảm thông, thì không thể chỉ nhìn thoáng qua được, trái lại phải nhìn rất kỹ. Chúa nhìn mọi người, Chúa nhìn từng người: Chúa thấy họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt. (Mt 9,36). Chạnh lòng thương cũng là khẩu hiệu giám mục của đức tổng giám mục Ngô Quang Kiệt.

Tình thương của Chúa Giêsu là một tình thương mãnh liệt. Ngài có chương trình lâu dài. Ngài đã chọn 12 tông đồ. Ngài sai các ông nối tiếp sứ mệnh của ngài.

Chúa muốn dạy ta điều gì qua bài Tin Mừng hôm nay?

Trước hết: hãy biết nhìn người khác bằng ánh mắt cảm thông. Những người ta gặp trên đường phố, nơi quán chợ, trong siêu thị, tại công sở. Họ ăn mặc bảnh bao, thanh lịch, sang trọng nhưng biết đâu tâm hồn, thể xác họ đang khổ đau, dằn vặt, ray rứt. Chuyện sức khỏe, chuyện làm ăn, chuyện gia đình, con cái. Hãy đưa mắt nhìn họ và tìm cách cảm thông.

Thứ đến, hãy mở rộng con tim. Hãy có trái tim biết thương cảm: Đau nỗi đau của người, buồn nỗi buồn của người.(Chúa đau cùng con- xơ Quỳnh Thoại ).
Đời sống công nghiệp và thị trường dễ làm ta đóng chặt trái tim. Trái tim ta xơ cứng, vô cảm.. Hãy mở lòng ra. Hãy biết rung động. Hãy chạnh lòng như Chúa.

Không những ngước mắt nhìn người đời, cảm thông với họ, mà ta còn phải yêu thương họ. Chúa dạy chúng ta mang Tin Mừng đến cho họ. Muốn truyền giáo trước hết phải thực sự biết yêu thương. Kinh nghiệm của các vị truyền giáo trên Tây Nguyên: những người sắc tộc chỉ đến với các nhà truyền giáo nào thực sự yêu thương họ, biết chia sẻ, biết hòa đồng với họ. Họ tránh xa những người không thực sự yêu mến, không thực sự tôn trọng họ.

Hội Ái Hữu Kon Tum, KMF và hội Cựu chủng sinh Kon Tum, CVK, thành lập trạm xá Cao Thượng tại làng Kon Jơ Reh, cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 20 cây số, để phục vụ đồng bảo sắc tộc: khám bệnh và phát thuốc miễn phí. Đây chỉ là một trạm xá có những phương tiện hạng trung, thế nhưng nhiều bệnh nhân từ những làng xa xôi vẫn cứ kéo về đây để được khám chữa bệnh và phát thuốc. Có những người bệnh nặng, được yêu cầu đến những bệnh viện cấp cao hơn, để có những điều kiện xét nghiệm, chữa trị thích hợp hơn, nhưng họ nhất định không đến, họ nói: chúng nó khinh chúng tao lắm.
Vì thế muốn truyền giáo phải bắt đầu bằng Yêu Thương. Thánh Augustino nói: Ama et fac quod vis. Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm". Cứ yêu thương rồi tình yêu sẽ hướng dẫn ta biết phải làm gì.

Chúng ta được Chúa mời gọi làm nhân chứng cho Chúa. Hãy noi gương Chúa, biết nhìn người khác với ánh mắt cảm thông và yêu thương những người đau khổ, lẻ loi, lầm than, vất vưởng. Sống như thế ta đã bắt đầu truyền giáo rồi.

Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. (Mt 9,37-38).Lời mời gọi này của Chúa suốt bao thế kỷ vẫn luôn mang tính thời sự.
Ngày trước, khi nghề nông còn là thủ công, tới mùa lúa chin, nông dân phải vần đổi công, kêu gọi nhiều người gặt lúa cho kịp thời vụ, kẻo lúa chín quá sẽ rũ xuống đồng. Ngày nay, công nghiệp hóa, các máy gặt hỗn hợp gặt cả cánh đồng mênh mông trong một ngày. Chiều đến lúa sẵn sàng đóng bao, đem về kho.

Chúa Giêsu luôn dùng những hình ảnh đơn sơ, cụ thể để nói đến một thực thể cao siêu hơn. Ở đây Chúa muốn dạy gì, khi Ngài nói: lúa chín đầy đồng.

Lúa chín đầy đồng. Đó là những người chưa được rao giảng Tin Mừng. Họ đang tìm kiếm Thiên Chúa. Họ đang khao khát Lời Chúa. Họ đang tìm hiểu ý nghĩa đời mình. Có những dân làng xa xôi muốn tìm hiểu đạo, muốn học giáo lý, nhưng không có người đến dạy. Fides ex auditu. Đức tin có được là nhờ nghe. Họ không được nghe rao giảng, làm sao có đức tin. Dân làng đã cử người về thị trấn để học giáo lý. Sau một vài tuần, trở lại buôn làng, truyền đạt lại cho người khác. Họ như những ngọn nến leo lét, đang tìm cách bừng sáng trong đêm tối.
Đó là thời buổi khó khăn. Lúc này tình hình có phần dễ dãi hơn, nhưng một linh mục, có khi vẫn phải coi sóc hơn chục làng, trong vòng bán kính 40 đến 50 cây số, đường xá đi lại khó khăn, hiểm trở.

Giáo hội Tin Lành mới chỉ được phép sinh hoạt khoảng mấy chục năm trở lại đây, Nhưng số tín hữu Tin Lành đã xấp xỉ với tín hữu Công Giáo, mặc dầu Công Giáo có hơn 100 năm truyền giáo tại Tây Nguyên.

Lúa vẫn chín đầy đồng và thợ vẫn mãi còn thiếu.
Nguyên do tại đâu?
Người ta vẫn nghĩ là tại Việt Nam vẫn còn nhiều ơn Thiên triệu trong bậc tu trì. Thực ra, những năm gần đây trong nhiều chủng viện, nhiều hội dòng số lượng ứng sinh xin vào tu đã giảm dần.
Nếu những năm trước kia, tại chủng viện Kon Tum chủng sinh người Kinh nhiều hơn người sắc tộc, thì nay chủng sinh sắc tộc đã vượt hơn chủng sinh người Kinh. Sắc dân Xê Đăng đông hơn sắc dân Bana.

Có thể vì ngày nay giới trẻ không còn tha thiết với ơn gọi tận hiến như xưa, họ đã bị thế giới công nghiệp, việc làm, tiền bạc, tiện nghi lôi kéo. Tình dục được đề cao quá mức. Thế giới vật chất vẫn hào nhoáng hơn khung cảnh chủng viện hay tu viện. Họ ngại khó, ngại khổ, ngại hy sinh. Các sinh hoạt trong giáo xứ không còn hấp dẫn nữa. Các linh mục, tu sĩ không còn là thần tượng nữa. Chúa như xa vời vợi.

Cũng có thể do số con trong các gia đình đã giảm nhiều so với ngày trước.
Các bậc cha mẹ không còn rộng lượng như ông bà trước đây, không muốn dâng con cho Chúa. Muốn giữ con để nối dõi tông đường. Gia đình không còn là vườn ươm ơn Thiên triệu. Các cha mẹ ít hướng con cái về lòng hy sinh, về việc truyền giáo.
Trong thế giới công nghiệp, thị trường, con cái sớm rời xa vòng tay cha mẹ, ít còn được cha mẹ trực tiếp giáo dục. Môi trường và xã hội đã ảnh hưởng mạnh mẽ trên con cái: Bằng cấp, lương cao, xe xịn…là những mục tiêu phấn đấu của giới trẻ.

Một lý do nữa là nhiều người cho rằng việc truyền giáo là của các cha, các thầy, các xơ. Chúng tôi chỉ việc đi đạo, giữ đạo.Ta quên rằng lời cầu nguyện rất quan trọng. Lời Chúa dạy: Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.( Mt 9,38).
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, giam mình trong bốn bức tường dòng kín, chết vì ho lao, năm 24 tuổi, nhưng, vì chuyên chăm cầu nguyện cho các vị thừa sai, thánh nữ đã được Giáo hội tuyên phong làm bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang bằng thánh Phanxicô Xaviê, người đã đi khắp Á Châu rao giảng Tin Mừng.

Nhiều người quên rằng, để có thể phát triển, ngoài việc tin tưởng phó thác nơi Chúa và cầu nguyện liên lỷ, Giáo Hội Chúa cũng cần phải có những phương tiện vật chất, cần sự đóng góp của giáo dân.
Đó có thể là những lý do chính của việc lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít.

Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho việc truyền giáo. Gia đình và giáo xứ hãy ý thức ươm mầm và nuôi dưỡng ơn gọi. Cha mẹ hãy rộng lượng, dâng con lên Chúa, nêu gương sáng, hướng ý việc hy sinh, tận hiến mỗi khi có thể, nhất là khi con cái còn ngây thơ, dễ uốn. Cũng đừng quên đóng góp sức lực và tài chánh cho việc truyền giáo, khi có điều kiện.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn ý thức bổn phận truyền giáo của mỗi người chúng con trong nhiệm vụ và môi trường sống hiện tại của chúng con.

Nguyễn Đức Lân