CHÚA NHẬT XXI TN A:
TRAO CHÌA KHOÁ LÀ TRAO CƠ NGHIỆP

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

Sau khi nữ hoàng Elizabeth của nước Anh băng hà, thái tử Charles lên ngôi. Trong lễ phong vương của ông được tổ chức tại tu viện Wesminter, nghi thức được coi là quan trọng nhất và mang tính biểu tượng nhất đó là việc Tân Vương nhận kiếm và ấn của hoàng gia. Kiếm và Ấn được coi là báu vật quốc gia, tượng trưng cho quyền hành của một thể chế quân chủ. Không chỉ diễn ra tại Anh, nhiều thể chế quân chủ khác trên thế giới, trong nghi thức phong vương, vị chủ sự cũng trao ấn và kiếm cho vị tân vương biểu tượng cho quyền lực mà tân vương lãnh nhận. Tại Việt Nam trong ngày tuyên cáo cùng thiên hạ về việc thoái vị của mình, vua Bảo Đại cũng đã trao kiếm và ấn là báu vật truyền đời của nhà Nguyễn cho chính quyền lúc bấy giờ. Với hành động này, vua Bảo Đại từ bỏ quyền lực, vương quyền của mình để trở thành một công dân bình thường.

Thưa quý OBACE, theo truyền thống Kinh Thánh, Thiên Chúa không trao kiếm và ấn cho Đavít hay bất cứ vị vua nào trong lịch sử. Cũng vậy, trong việc thi hành sứ vụ của mình, Giáo Hội cũng không trao ấn và kiếm cho bất cứ vị giáo hoàng nào. Trong bài đọc một hôm nay, Thiên Chúa lại tuyên bố trao cho vua Đavít chìa khoá “nhà của Đavít” và trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng tuyên bố trao chìa khoá “nhà của Chúa” cho Phêrô. Nếu như chiếc ấn tượng trưng cho quyền lập pháp và tư pháp; cây kiếm tượng trưng cho quyền hành pháp, thì chiếc chìa khoá mang ý nghĩa khác hơn nhiều. Trao chìa khoá cho ai là hoàn toàn tin tưởng ở người đó; trao chìa khoá cho người nào còn là trao cả nhà, tài sản và cơ nghiệp của mình và mọi thứ trong nhà cho người ấy. Trao chìa khoá không phải là trao quyền hành sinh sát trên người khác, mà là trao cho trách nhiệm, bổn phận làm “quản gia, quản lý” cơ nghiệp của chủ.

Bài đọc một đề cập đến một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân Israel. Lúc đó, người Babylon đe doạ xâm chiếm đất Israel. Tiên tri Isaia đã nhân danh Thiên Chúa khuyên vua và quân lính nên đầu hàng trước sức mạnh của quân đội Syria, để bảo toàn sinh mạng cho vua và toàn dân cũng như bảo vệ được đền thờ khỏi bị chiến tranh phá huỷ. Trong khi đó, tể tướng Sepna và nhà vua lại chủ trương liên minh cầu viện người Ai cập để chống lại người Babylon. Cuộc chiến dựa vào liên minh đã thất bại, vua quan và những người tài giỏi bị bắt phải đi lưu đày. Khi đó, Thiên Chúa đã dùng tiên tri Isaia để nói với tể tướng Sepna rằng: Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị… Áo thụng của ngươi, ta sẽ mặc cho nó, quyền bính của ngươi ta sẽ trao vào tay nó. Người được chọn để lãnh đạo dân Chúa đó là Engiakim. Thiên Chúa đã tước hết quyền bính của những kẻ bất tuân để trao cho Engiakim: “Nó sẽ là cha đối với dân xứ Giêrusalem và nhà Giuđa. Chìa khoá nhà Đavít ta sẽ đặt trên vai nó. Nó đã mở ra thì không ai đóng lại được và nó đã đóng lại thì không ai mở ra được.” Lời này có nghĩa là Thiên Chúa đã chọn Engiakim là người tiếp nối dòng dõi vua Đavít, không chỉ về huyết thống, không chỉ là vương triều, quyền bính, mà còn được thừa hưởng lời hứa: “Đấng cứu độ sẽ xuất thân từ dòng dõi vua Đavít.” Engiakim sẽ có trách nhiệm với cả dòng dõi và thừa hưởng lời hứa quan trọng này.

Trong Tin Mừng Matthew hôm nay, Chúa Giêsu đã tuyên bố trao chìa khoá Nước Trời cho Simon Phêrô sau khi ông đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống.” Sau một thời gian dài đi theo Chúa, các tông đồ đã thấy những việc Chúa làm, nghe những lời Chúa giảng dạy và đã tin vào Chúa Giêsu. Hôm nay, trong bầu khí riêng tư Thầy – trò, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ về sự hiểu biết và quan điểm của dân chúng về Ngài: “Dân chúng bảo Con Người là ai?” Tất cả các câu trả lời mà các môn đệ ghi nhận từ nơi dân chúng, đều chưa chính xác: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, người thì bảo là Êlia…”

Chúa Giêsu dường như không quan tâm nhiều đến dư luận đám đông. Ngài đặt vấn đề cách trực tiếp với các môn đệ: “Còn anh em bảo Thầy là ai?” Phêrô đã đại diện cho anh em tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúa Giêsu đã khen câu trả lời của Phêrô là chính xác. Câu trả lời chính xác vì khi tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô, có nghĩa là tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng cứu thế, Đấng được xức dầu và là Đấng thuộc dòng dõi vua Đavít như lời đã phán hứa trong Cựu Ước. Và, khi tuyên xưng Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống có nghĩa là tuyên xưng Đức Giêsu là chính Thiên Chúa, là Đấng hằng sống, Đấng tạo dựng đất trời mà người Do Thái gọi Ngài là Giavê, là Đức Chúa. Chúa Giêsu cũng biết là Phêrô chưa thể hiểu sâu và hiểu hết lời mình vừa tuyên xưng. Ông nói lên được những điều này là vì Thiên Chúa Cha đã mặc khải cho ông biết những điều đó.
Tuy nhiên, với một đức tin chân thành và lòng yêu mến tuyệt đối mà Phêrô đã dành cho Chúa, cũng đủ để Chúa tin tưởng hoàn toàn và tuyên bố với ông: “Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy… Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời sự gì anh cầm buộc dưới đất trên Trời cũng cầm buộc…” Có thể nói, việc thiết lập Hội Thánh là tài sản, là ưu tư trăn trở, là sứ mạng của Đức Giêsu, giờ đây Chúa lại trao tất cả cơ nghiệp này cho Phêrô. Chúa không trao cho Phêrô thanh kiếm cũng không trao bửu ấn, nhưng lại trao cho Phêrô chìa khoá Nước Trời. Điều này Chúa Giêsu minh nhiên cho thấy, Chúa không trao cho Phêrô quyền lực địa vị theo kiểu vua chúa thế gian, cũng không trao vương miện hay hoàng bào, nhưng chỉ trao chìa khoá Nước Trời để Phêrô trở thành người quản lý và phục vụ.

Thưa quý OBACE, như đã nói ở trên, trao chìa khoá là trao cho Phêrô cả sự tín nhiệm, tin tưởng của Chúa, mặc dù Chúa biết rất rõ ông là con người quê mùa, chất phác, bộc trực nhưng thành tâm. Hội Thánh vẫn mãi mãi là Hội Thánh của Chúa, nhưng Chúa lại trao chìa khoá cho Phêrô. Trao chìa khoá là trao phó trách nhiệm trông coi, quản lý như một người quản gia có toàn quyền trên gia nghiệp của Chúa, chứ không phải thừa kế để làm chủ sở hữu. Sự tín nhiệm của Chúa được thể hiện qua việc Chúa hoàn toàn đồng thuận với Phêrô và coi mọi quyết định của Phêrô là quyết định của chính Thiên Chúa: “Dưới đất anh cầm buộc, trên Trời cũng cầm buộc; dưới đất anh tháo cởi, trên Trời cũng tháo cởi.”

Phải chăng Chúa đã quá dễ dãi hoặc đã cả tin vào Phêrô? Thưa, khi quyết định xây dựng Hội Thánh trên đá tảng đức tin của Phêrô, trao cho Phêrô quản lý Hội Thánh, Chúa không bỏ mặc Phêrô tự xoay sở, nhưng Chúa hứa sẽ ở với các tông đồ mọi ngày cho đến tận thế. Hơn nữa, Chúa còn dùng quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa để bảo vệ cho Giáo Hội và bảo trợ cho Phêrô. Vì thế, Chúa trấn an Phêrô: “Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.”

Nhờ ơn của Bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên những thành viên của Hội Thánh và mỗi người cũng được Chúa tín nhiệm trao phó một nhiệm vụ riêng, người làm giám mục, linh mục, tu sĩ, kẻ làm cha mẹ trong gia đình. Chúa cũng đang trao cho mỗi người trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ Hội Thánh cách chung và Hội thánh thu nhỏ là mỗi cộng đoàn giáo xứ, là gia đình nhỏ. Chúa đòi chúng ta phải dám đặt niềm tin trọn vẹn vào Chúa, phải có lòng yêu mến cách chân thành như Phêrô, để chu toàn trách nhiệm Chúa trao, như một người quản gia trung tín và khôn ngoan của Chúa; làm cho Giáo hội địa phương, giáo hội tại gia thêm bền vững và phát triển.

Dù là giám mục, linh mục hay tu sĩ, giáo dân, chúng ta không thể tìm cách chiếm hữu Giáo Hội làm của riêng mình, nhưng luôn ý thức Giáo Hội là của Chúa Kitô, do Chúa Kitô thiết lập. Vì thế, đừng tìm cách điều khiển Giáo Hội theo ý riêng của mình; đừng biến Giáo Hội thành một hội đoàn dân sự ngoài đời; cũng đừng biến mình thành một thành viên hờ hững hay một người bàng quan với Giáo Hội. Nhưng biết góp phần mình làm nên sự vững chắc và phát triển Giáo Hội qua việc cầu nguyện, chung tay góp sức, đồng hành, hiệp hành với mọi thành phần khác theo địa vị, ơn gọi của mình, để xây dựng Giáo Hội và giúp các thành viên thăng tiến.

Xin Chúa giúp chúng ta có cái nhìn đức tin và sự khiêm nhường để thi hành những điều Phêrô và các đấng kế vị hướng dẫn. Xin cho chúng ta có một lòng yêu mến, gắn bó với Hội Thánh, vì Hội Thánh là mẹ và là thầy của chúng ta trong đức tin. Amen.