PHÁN XÉT
Chúa Nhật 34 Thường Niên A. Mt 25, 31-46


Suy niệm

Đoạn Tin Mừng hôm nay đã thay đổi định hướng sống và trở thành chương trình hành động của người nữ tu Têrêsa Calcutta. Lời Chúa hôm nay cũng chính là Lời Chúa mà mẹ đã từng nghe, từng đọc, từng suy gẫm, nhưng tới lúc mẹ nhận ra một điều thật mới lạ làm chấn động trái tim mình. Đó là những người nghèo khổ, xấu số, bất hạnh… không chỉ là những người đáng thương cần cứu giúp mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đang đau khổ. Mẹ đã “tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người, dù họ có vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa”.

Từ đó, mẹ đã say mê phục vụ những bệnh nhân tồi tàn, đã cúi xuống bên những người kiệt sức, đã cứu giúp những người tàn tật, đã ôm về những người bị bỏ mặc cho chết bên vệ đường. Mẹ nhận ra phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Đối với mẹ, lòng thương xót là “muối” khiến cho mỗi việc mẹ làm thêm đậm đà hương vị, và là “ánh sáng” chiếu soi đêm tối của những cuộc đời không còn nước mắt nữa để khóc thương cho sự khốn cùng của mình.

Mỗi người khốn cùng cũng là một bí tích, là nơi mà chúng ta có thể thực sự gặp gỡ chính Đức Giêsu. Trong dụ ngôn ngày phán xét, Vua Giêsu đã đồng hoá mình với những người đói khát, khách lạ, trần trụi, đau yếu hay tù đày, mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày. Ngài ẩn mình hay đúng hơn Ngài tỏ mình qua những người hèn kém đáng thương nhất.

Hôm nay Vua Giêsu vẫn ngửa tay xin ta giúp các anh chị em bé mọn nhất của Ngài: những người lầm than khốn khổ và bệnh tật nghèo hèn; những người dốt nát và mù chữ; những người đang sống nơi đầu đường xó chợ; những người bị suy sụp tinh thần; những người không nơi nương tựa và đang sống cô đơn buồn tủi; những người góa bụa con côi: những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê; những người trần trụi vì phải sống nhờ thân xác và bị đẩy ra bên lề xã hội.

Sự tổn thương nặng nề nhất của người nghèo hôm nay là bị tuốt lột nhân phẩm, bị bóc lột nhân cách, bị trấn lột nhân tính, để rồi cuối cùng bị khinh khi chế giễu, bị coi là vô dụng, thừa thãi. Và như vậy, sự ác lớn nhất của con người hôm nay là mất tình yêu, là dửng dưng, vô cảm.

Martin Luther King, là Mục sư, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964, ông đã nói lên sự thật như sau: “Thế giới đang chìm đắm trong đau khổ, không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt”. Hóa ra những người tốt cũng là những kẻ xấu, vì đã đồng lõa hay thỏa hiệp với sự dữ, khi chỉ lo cho bản thân mà không quan tâm đến tha nhân; khi không dám lên tiếng cho những người thấp cổ bé họng, không dám che chở những người thất thế cô thân,v.v… Chúng ta có dám rửa tay nói mình là người sạch tội không?

Mọi người chúng ta sẽ không bị xét xử về điều gì khác ngoài tình yêu, nghĩa là những gì đã làm hay không làm cho anh chị em mình. Không phải mọi người đều đã biết Đức Giêsu, nhưng mọi người đều có một nẻo đường để gặp Ngài, đó là nẻo đường của lòng thương xót”. Chính Ngài đã kêu gọi chúng ta:“Hãy thương xót, như Cha các con là Đấng hay thương xót” (Lc 6, 36). Lòng thương xót không chỉ là hành động của Chúa Cha; mà còn trở thành một tiêu chuẩn để biết được ai là con cái thật của Ngài. Lòng thương xót“chính là nền tảng của đời sống Hội Thánh”, “là sự tròn đầy của đức công chính và là biểu lộ rực rỡ nhất sự thật về Thiên Chúa”. Đó là “chìa khóa Thiên Đàng” (GE 105).

Thánh Tôma cho biết, việc làm thương xót đối với tha nhân thậm chí còn hơn cả hành vi thờ phượng: “Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa … không phải đem lại ích lợi gì cho Thiên Chúa, nhưng là cho chúng ta và cho tha nhân… Lòng thương xót khiến ta đáp ứng cho những nhu cầu của người khác, là sự hy sinh được Thiên Chúa ưa thích hơn, vì nó hướng trực tiếp đến hạnh phúc của tha nhân”.

Bài học Tin Mừng hôm nay đã quá rõ: đến cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu; tình yêu đối với tha nhân cũng chính là tình yêu đối với Thiên Chúa. Để những việc ta làm được gọi là “tốt” đối với mọi người, ta hãy làm mọi việc cho họ như làm cho chính Chúa. Hãy thay đổi định hướng sống và chương trình hoạt động của mình để làm nổi bật lòng thương xót, hay nói sâu sát hơn là trở nên lòng thương xót của Thiên Chúa, để góp phần với Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, Đấng đang qui tụ những người lành để làm nên một thế giới tình yêu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Tha nhân gắn liền với bản thân con,
trong mọi mối liên hệ của đời sống,
đều được Chúa yêu thương và cứu chuộc,
nên tất cả cũng đều thuộc về Ngài.

Đời con chỉ kiện toàn được bản thân,
trong mối tình liên đới với tha nhân,
trong hân hoan hay khổ sở buồn rầu,
trong bình an hay lo âu của họ,
Số mệnh của đời con đều tùy thuộc,
vào những gì đã sống cho người khác,
vào những gì mà con đã hiến dâng,
để đem lại tươi tốt cho nhân trần.

Rồi đây tới ngày Chúa phán xét,
cũng sẽ dựa vào những điều ấy thôi,
để phân biệt người lành hay kẻ dữ,
để thưởng công hay xử phạt muôn đời.

Chúa nhân từ đã cúi xuống đời con,
đời tăm tối và hư vô tội lỗi,
để cho con thoát khỏi kiếp đơn côi,
làm sáng lên một cuộc đời tươi mới.

Nên con cần phải cúi xuống thật sâu,
đỡ nâng dậy bao người đang khốn khổ,
giúp họ thoát được nỗi sầu vạn cổ,
để buồn thương không còn chỗ trong đời.

Xin cho con một trái tim cảm thấu,
một trái tim nung nấu sống tình yêu,
dám cho đi và chia sẻ thật nhiều,
biết giúp đỡ ai lầm than túng thiếu,
cho cuộc sống hôm nay bớt tiêu điều,
để Chúa đến vui mừng biết bao nhiêu! Amen.


Lm. Thái Nguyên




Audio player

--->DOWNLOAD<---