LỄ LÁ 2024: LOẠI TRỪ THIÊN CHÚA


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc


Thưa quý OBACE, nhiều loại động vật từ loài chim đến loài thú có phạm vi lãnh thổ hoạt động khá rộng và chúng phải ra sức bảo vệ vùng hoạt động của nó, không cho con khác xâm nhập. Trong xã hội loài người cũng có điểm giống như thế, một khi con người đã không chấp nhận nhau, người ta tìm mọi cách để loại trừ nhau.

Cách đây hơn 2000 năm đã có một cuộc thanh trừng diễn ra tại Giêrusalem nhằm loại trừ Đức Giêsu, mà các thượng tế là những kẻ chủ mưu. Đạo diễn của vở bi kịch này là các thượng tế Do Thái và nạn nhân trong thảm kịch này chính là Đức Giêsu. Các bài đọc hôm nay, thánh Marcô đã kể lại cách sống động về cuộc thanh trừng loại trừ Chúa Giêsu. Qua cuộc thương khó này, tác giả đã chứng kiến sự dàn dựng, sắp xếp của các các thượng tế. Vì ghen tị với sự thành công của Đức Giêsu, vì thấy dân chúng ngày càng ủng hộ Ngài và vì thấy ảnh hưởng của mình ngày càng giảm sút, các thượng tế Do Thái cùng các luật sĩ đã tạo ra một vở kịch và mượn tay người Rôma để triệt hạ và loại trừ Chúa Giêsu. Vì thế, họ đã sắp xếp mọi sự để cho không ai phát hiện ra mưu đồ của họ.

Ý đồ loại trừ Đức Giêsu đã được các thượng tế ấp ủ và lên kế hoạch từ lâu, mà dịp lễ Vượt qua là một cơ hội cho họ. Câu chuyện bắt đầu từ việc Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem trong sự tung hô vui mừng của các môn đệ và người Do Thái. Chắc hẳn lúc đó, các môn đệ và đám đông dân chúng cuồng nhiệt kia nghĩ rằng, đã đến lúc Thầy Giêsu sẽ khởi binh chống lại người Rôma. Đất nước Do Thái lúc đó đã trải qua hàng trăm năm sống dưới sự đô hộ của người Rôma. Họ không chỉ bị đàn áp, mất tự do, phải phục vụ cho người Rôma, mà còn chịu sự nhục nhã vì đời sống tôn giáo của họ cũng bị người Rôma can thiệp. Thời ấy, các biểu tượng thần linh của người Rôma được trưng bày công khai trên đất nước Do Thái; những dịp đại lễ hành hương, quân lính Rôma đi lại nhiễu nhương trên đất thánh của họ, việc này bị coi như một điều xỉ nhục. Vì thế, khi thấy vị Thầy Giêsu công khai tiến vào thành Giêrusalem, dân chúng hình dung đến sự kiện ngày xưa vua Đavít hoặc Salômôn cũng đã tiến vào thành trong oai hùng như vậy. Do đó, họ hân hoan reo hò, trải áo, chặt lá lót đường và lớn tiếng tung hô: Hoan hô Con Vua Đavít, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Các thượng tế và luật sĩ sợ ảnh hưởng của mình bị giảm sút, lung lay, nên đã lập tức thực hiện một kế hoạch, một kịch bản mà họ đã sắp đặt và dàn dựng, đó là loại trừ Đức Giêsu.

Tin Mừng Luca cho thấy từng nhân vật xuất hiện và thực hiện mưu đồ của mình: Hai ngày trước Lễ Vượt Qua, các thượng tế và luật sĩ bày mưu tính kế bắt Đức Giêsu để giết Người. Họ đã cấu kết, mua chuộc một kẻ nội gián là Giuđa để thực hiện kế hoạch này. Họ đã gặp gỡ, trao đổi, thoả thuận với Giuđa và hứa trả cho hắn số tiền là ba mươi đồng bạc. Cả hai thành phần này một bên là thượng tế, một bên là môn đệ, đáng lẽ họ phải là những người đạo đức mẫu mực, đáng lẽ họ phải là những người kính mến Chúa, trái lại, họ lại muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn. Trong lòng những người này chỉ còn thù oán và tham lam, cả hai điều này đã che mờ con mắt và lương tâm, khiến họ đi đến hành động gian ác.

Giuđa là một môn đệ trong nhóm mười hai, tức là những kẻ thân tín nhất của Đức Giêsu. Anh còn được Thầy và anh em tín nhiệm trao cho giữ quỹ chung của cả nhóm. Tuy nhiên, dù ở gần Thầy, nhưng anh không yêu mến Thầy, dù trong nhóm mười hai, nhưng lòng anh đã rời xa anh em. Anh theo Thầy không phải để trở thành cộng tác viên, không chung lý tưởng với Thầy; anh đi theo Thầy không vì một mục tiêu trong sáng, nhưng là để tìm kiếm một cơ hội khác. Nhưng có lẽ, anh đi theo Thầy nhưng không dám từ bỏ, lòng anh không thanh thoát với tiền bạc vật chất, anh để cho sự tham lam và tiền bạc chi phối cuộc đời của anh. Vì thế, khi thầy trò dự tiệc tại Bêtania, có một phụ nữ đã lấy dầu cam tùng hảo hạng, đựng trong bình bạch ngọc, mà xức lên chân Chúa, anh đã phản ứng: Sao không bán lấy tiền mà bố thí. Điều này chứng tỏ anh không đồng cảm được với người phụ nữ kia, anh không nhìn thấy được lòng bao dung và sự tha thứ của Chúa đã dành cho cô, trái lại anh chỉ nghĩ đến tiền và còn mượn danh người nghèo để trách người phụ nữ. Vì thế Chúa Giêsu đã nhắc anh: Cứ để mặc cô ấy. Sao lại gây chuyện?

Ngày hôm sau, Thầy trò cùng vào dự bữa tiệc Vượt Qua - bữa tiệc truyền thống tôn giáo với những ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt. Đây là bữa tiệc của lòng biết ơn Thiên Chúa vì đã thương giải thoát người Do Thái khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, đã cứu họ khỏi tay vua Pharaon và đem họ trở về quê hương, được sống tự do và còn biến họ trở thành một dân tộc, một quốc gia hùng mạnh. Chúa Giêsu và các môn đệ cử hành bữa tiệc này mang cùng một tâm tình như người Do Thái. Tuy nhiên, trong bữa tiệc lần này, Đức Giêsu đã làm cho bữa tiệc Vượt Qua, từ đây mang một ý nghĩa mới, một mục đích mới. Trong bữa tiệc này, Đức Giêsu đã biến mình trở nên như Con Chiên Vượt Qua, Con Chiên gánh tội trần gian, chịu sát tế để giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết. Qua việc lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu, trở nên lương thực nuôi sống nhân loại trên hành trình trần thế. Bữa tiệc này trở thành bữa tiệc của tình yêu đến cùng mà Thiên Chúa, qua Đức Giêsu trao hiến cho nhân loại. Nhưng Giuđa đã từ chối tham dự bữa tiệc yêu thương này để dấn thân vào sự ác. Anh trở thành cầu nối, thành trung gian, kẻ chỉ điểm cho quân lính bắt Thầy như đã thoả thuận với các thượng tế. Mặc dù Đức Giêsu đã chủ động bước ra và chào hỏi hắn, nhưng hắn cũng không nhận ra tình yêu thương và sự tha thứ của Chúa. Hắn đã công khai dùng cái hôn để chỉ điểm cho quân lính bắt Chúa. Cái hôn của anh không còn để biểu lộ tình thương yêu mà đã trở thanh dấu hiệu của sự phản bội.

Không phải chỉ có Giuđa và các thượng tế đã muốn loại trừ Thiên Chúa, mà Phêrô, người môn đệ hết lòng yêu Chúa nhưng chỉ vì sợ hãi, anh cũng đã chối từ Thiên Chúa. Phêrô thực sự rất yêu thầy, nên cho dù các anh em khác bỏ chạy hết, thì Phêrô vẫn đi theo thầy từ xa xa. Tuy nhiên, một khi theo Chúa xa xa, thì chỉ cần một chút thử thách, một câu hỏi vu vơ của đứa đầy tớ gái: Ông có phải là người đã ở cùng Giêsu không? Phêrô đã lập tức chối bỏ tương quan của mình với Thầy: Tôi không hiểu chị muốn nói gì. Ông không chỉ chối một lần mà tới ba lần ông đã phủ nhận mối tương quan của mình với Chúa.

Cuối cùng, Chúa Giêsu trở thành kẻ cô đơn lẻ loi nhất trong cuộc thương khó này. Sự cô đơn càng đau đớn hơn khi bị những thượng tế là những người phục vụ Chúa khinh bỉ, bị Giuđa là môn đệ phản bội và giờ đây còn bị cả những người được Chúa tín nhiệm nhất chối từ. Ngài bước vào cuộc khổ nạn, bị quân lính lột trần, bị tước đoạt tất cả, không chỉ áo mặc, mà còn bị tước đoạt cả tình yêu, sự cảm thông của những người thân.

Thưa quý OBACE, suy gẫm một vài chi tiết và nhân vật được Tin Mừng kể lại như thế, chúng ta thấy ranh giới của lòng trung thành với sự phản bội thật mong manh. Mới ít phút trước đây còn là môn đệ, nhưng liền sau đó lại là kẻ phản bội; mới lúc trước còn thề thốt yêu thương và trung thành thì liền sau đó là chối từ; mới trước đây dân chúng tung hô trong hy vọng, thì giờ đây cũng những người đó tím cách kết án: Đóng đinh nó vào thập giá. Điều đó cho thấy rằng: những lời lẽ yêu mến trên môi miệng sẽ sớm qua đi, chỉ có một tình yêu thương gắn bó mật thiết như Đức Maria, như môn đệ Gioan được Chúa yêu mới có thể theo Chúa cho đến cùng dưới chân thập giá.

Tuy nhiên, không vì thế mà ta buông xuôi, nhưng ta được mời gọi giống như Phêrô, giật mình khi nghe tiếng gà gáy và khóc lóc hối hận. Thiên Chúa vẫn dùng tiếng gà gáy và bao nhiêu tiếng mời gọi khác mỗi ngày để thức tỉnh lương tâm chúng ta, chỉ có điều là ta có để cho lương tâm mình nhạy bén để có thể giật mình và hối hận trước những sai lỗi những chối từ của mình với Chúa.

Thiên Chúa đã quay lại nhìn Phêrô với ánh mắt của sự cảm thông và thương xót, ông đã vô cùng hối hận về việc làm yếu đuối của mình. Thiên Chúa cũng vẫn ngoảnh lại nhìn mỗi người bằng cái nhìn yêu thương và cảm thông như vậy. Xin cho chúng ta cũng biết giật mình nhận ra lòng bao dung của Chúa để quay trở về với Ngài. Amen.