TRÁO TRỞ !
Có lẽ chẳng có gì tráo trở nhanh như lòng người.

Như một số người nói và dường như là đúng : Ôi ! Cái con người đó hả ! Trở mặt như bánh tráng !

Thật vậy, chả phải con người ngày hôm nay mới tráo trở nhưng cái sự trân tráo, cái sự tráo trở của con người có tự hơn 2000 năm trước.

Trên đỉnh đồi Thập Tự, có lẽ hơn ai hết, Con Người chịu treo trên đó hiểu và cảm được cái sự tráo trở của con người là thế nào.

Mới ngày nào đó, cũng cái đám đông đó sau khi được ăn ngon, ăn no thì tìm cách tôn sùng cái người làm phép lại ấy làm vui. Thế nhưng rồi nay cũng cái đám đông ấy tìm giết và hô giết cái con người mà mình vừa tung hô đó một cách mạnh mẽ.

Cứ mỗi thứ Sáu Tuần Thánh, tôi lại nực cười khi nhìn xuống đám đông mà thường là đại diện cho ca đoàn như đã được phân vai là hát, là hét : Đóng đinh ! Đóng đinh nó vào thập giá. !

Trong cái đám đông ấy, chắc chắn là có những người đã từng thụ ơn Con Người chịu treo trên thập giá ấy. Chắc chắn không ít thì nhiều cũng hưởng được ân phúc từ Con Người ấy. Nhưng nay, lòng con người tráo trở để quay lưng lại để lên án treo người đã ban ơn cho mình.

Ngẫm nghĩ cái đám đông ấy cũng lạ và nghĩ đến thân phận chịu treo trên thập giá đó cũng thật bi đát. Có lẽ hoàn toàn bất ngờ khi ở trên đỉnh cao của thập giá nhìn xuống người người hờn ghen, nhìn đời bạc đen.

Cái kinh nghiệm của người bị treo trên thập giá ấy phải chăng là kinh nghiệm của tôi, của anh, của chị, của em, của dì, của cô, của bác, của chú, của em và của tất cả mỗi chúng ta. Chúng ta cũng đã cố gắng hết sức sống cho người mình yêu thương. Có những người như đã hy sinh điều gì quý nhất và hy sinh cả đời cho người mình yêu thương nhưng ngược lại nhận được sự tráo trở của con người.

Mới hôm qua, có một người tìm nhân thân của tôi và họ tìm thấy. Họ gửi cho tôi và tôi đi vào tìm cái “nhân thân” của tôi. Một bài viết đọc chỉ thấy buồn cười. Đại loại là họ chê bai cung cách sống bình dân của tôi và đặc biệt khi tôi nhờ 1 người trong nhóm của họ chụp cho tôi bức ảnh khi tôi ngồi ở cái cầu ao (là hình ảnh quen thuộc của miền Tây sông nước).

Thì ra cũng là những nhân vật gặp gỡ ngày hôm ấy rêu rao chê bai tôi. Rồi cũng chính người ở trong nhóm đó lại xin bài, lại lấy bài để gửi cho nhóm.

Đặc biệt hơn là có một vị cao tuổi ăn nói gọn ghẽ cũng ở trong cái nhóm chê bai tôi ấy lại có thái độ ngược khi gửi email thăm tôi. Cũng con người ấy nhưng tôi ngạc nhiên vì cung cách của họ. Họ cũng trở mặt như chong chóng và quay lưng lại như cái bánh tráng nướng để trên lò.

Những người tráo trở và lật mặt này xem chừng ra cũng nhiều nhất là khi mình không làm theo ý của họ hay không làm vừa ý họ. Họ muốn điều khiển mình như ý của họ và khi không điều khiển được thì họ quay lưng đó thôi.

Kinh nghiệm ấy phần nào gợi lên những kinh nghiệm về người khác mà mới ngày nao khen mình và ngày hôm nay lại đạp mình.

Với tất cả những điều đó giúp tôi trở về với cái cảm giác cô đơn và bị chà đạp của Thầy Giêsu. Rồi sau đó nghĩ rằng ngay cả Chúa mà họ còn quay lưng họ đạp như thế thì mình là ai mà họ không đạp. Nếu như có thể treo mình lên thập giá như Chúa được chắc có lẽ họ cũng chả tha cho tôi. Và như thế, tôi bình tâm trước những sự tráo trở của con người và tha thứ cho họ như Thầy Giêsu đã tha cho họ khi Ngài bị treo trên thập giá.

Trở về với đám đông, tôi tự hỏi sao họ lại can đảm tráo trở như thế ? Và nghĩ về mình, không khéo mình cũng tráo trở với người thương, người ơn của mình như vậy để rồi từ đó mình rút ra cái kinh nghiệm cho bản thân của mình là đừng bao giờ hành xử với người mình yêu, người thân của mình như đám đông xưa vẫn hành xử.

Tráo trở của con người như đã nói xưa cũng vậy mà nay có thể tinh vi hơn và tinh tế hơn. Người ta tìm đủ mọi cách để hạ bệ người khác có thể chỉ vì ghen ăn tức ở. Trong gia đình, trong cộng đoàn, trong hội đoàn cũng vẫn diễn ra cái cảnh của ngày xưa trên đỉnh đồi Thập Tự.

Với kinh nghiệm đau đớn xưa và nay, mỗi chúng ta hãy nhìn lại mình và hãy đừng trân tráo, đừng tráo trở với người thân người thương của mình như đám đông xưa. Và nếu như mình có rơi vào hoàn cảnh như Thầy Giêsu thì cũng hãy học bài học như Thầy Giêsu là tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm. Khi mình tha thứ như vậy lòng của mình sẽ bình an. Thật sự để nói lời tha thứ như Thầy Giêsu không phải là chuyện dễ nhưng nhờ ơn Chúa và với ơn Chúa thì mình sẽ tha thứ được.

Mỗi chúng ta cũng tự thầm trong lòng với những người mang lại khổ đau cho mình như Chúa : Lạy Chúa ! Xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm !

Lm. Anmai, CSsR