Chúa nhật Lễ Lá. Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa – Năm B

Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Marcô (15,1-39, bài ngắn)
Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão, luật sĩ và toàn thể công nghị. Họ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô. Philatô hỏi Người: "Ông có phải là vua dân Do-thái không?" Chúa Giêsu đáp: "Ông nói đúng!" Và các thầy thượng tế cáo Người nhiều điều. Philatô lại hỏi Người rằng: "Ông không trả lời gì ư? Hãy coi họ tố cáo Ông biết bao nhiêu điều!"

Nhưng Chúa Giêsu không trả lời gì thêm, khiến Philatô ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ, quan có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. Bấy giờ trong khám có tên Baraba bị giam cùng với những kẻ phiến loạn, vì chúng đã giết người trong cuộc khởi loạn. Dân chúng tiến lên Philatô xin ân xá theo như quan quen làm.

Vậy Philatô hỏi: "Các ngươi có muốn ta phóng thích cho các ngươi Vua dân Do-thái không?" (Vì quan đã biết rõ do lòng ghen tương mà các thượng tế nộp Người). Nhưng dân xin quan phóng thích Baraba cho họ. Philatô bảo dân chúng rằng: "Các ngươi muốn Ta làm gì cho vua dân Do-thái?" Nhưng chúng lại kêu lên: "Ðóng đinh nó đi!" Philatô đáp lại: "Người này đã làm gì nên tội?" Song chúng càng la to hơn: "Ðóng đinh nó đi!"

Sau cùng Philatô muốn vừa lòng dân, liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu cho chúng đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Quân lính điệu Người vào sân tiền đường và tập họp cơ đội lại. Chúng mặc áo choàng đỏ cho Người, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người. Ðoạn chào Người rằng: "Tâu Vua dân Do-thái".

Rồi chúng lấy cây sậy đánh đầu Người, khạc nhổ vào Người và quỳ gối triều bái Người. Khi đã nhạo cười Người, chúng lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục lại cho Người và chúng điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Chúng gặp một người qua đường, tên là Simon, quê ở Xyrênê, là thân phụ của Alexanđrô và Rôphô vừa ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác đỡ thập giá cho Người. Chúng điệu Người đến nơi kia gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Chúng cho Người uống rượu pha mộc dược, nhưng Người không uống. Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi chúng chia nhau áo Người bằng cách bắt thăm xem ai được phần nào.

Vào lúc giờ thứ ba, chúng đã đóng đinh Người vào thập giá. Và có bản án ghi rằng: Vua dân Do Thái! Và cùng với Người, chúng đóng đinh hai tên trộm cướp vào thập giá, một đứa bên hữu, một đứa bên tả Người. Như vậy là ứng nghiệm lời Thánh Kinh rằng: Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác. Những người qua đường sỉ nhục Người, lắc đầu và nói: "Kìa! Kẻ phá đền thờ Thiên Chúa và xây lại trong ba ngày: hãy tự cứu mình xuống khỏi thập giá đi!" Các thượng tế với các luật sĩ cũng nhạo báng Người và nói với nhau: "Nó đã cứu được những kẻ khác mà không tự cứu mình! Bây giờ Ðấng Kitô Vua Israel, hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta thấy mà tin nào!" Cả những kẻ cùng chịu đóng đinh với Người cũng lăng nhục Người.

Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tối tăm bao trùm toàn thể lãnh thổ. Và đến giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng: "Eloi, Eloi, lema sabachtani!" Nghĩa là: "Lạy Chúa con, lạy Chúa con, tại sao Chúa bỏ con!" Có mấy người đứng đó nghe thấy liền nói rằng: "Kìa, nó gọi Elia!" Bấy giờ có kẻ chạy đi nhúng miếng bông biển đầy dấm và cuốn vào cây sậy và đưa lên cho Người uống mà rằng: "Hãy đợi xem Elia có đến đem nó xuống không?" Nhưng Chúa Giêsu kêu một tiếng lớn và trút hơi thở.

(Thinh lặng trong giây lát)

Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới. Viên sĩ quan đứng trước mặt Người thấy Người kêu lên và trút hơi thở như thế, liền nói rằng: "Ðúng người này là Con Thiên Chúa!"

***

Bài chia sẻ Tin Mừng của Linh mục Giuse Vũ Thái Hòa

Chúa Giêsu là ai vậy?

Hôm nay Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Dân chúng đón rước Người như một vị vua. Họ chặt cành lá và lấy áo choàng trải xuống đường trên lối Người đi. Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavit, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!”. Nhưng sở dĩ đám đông chào đón Chúa Giêsu cách long trọng như vậy, vì họ nghĩ rằng Người là Đấng Mêsia, đến để khôi phục vương quyền của Đavít, Người sẽ giải phóng đất nước họ khỏi quân xâm lược Rôma.

Rất nhiều lần, Chúa Giêsu luôn tránh đi khi đám đông muốn tôn Người lên làm vua. Vậy tại sao lần này, Người lại chấp nhận điều đó? Vì Người muốn mạc khải cho họ biết Người thực sự là vua, nhưng là một vị vua khiêm nhường khi ngồi trên lưng lừa con. Và đám đông hò reo tung hô Người vào thành Giêrusalem hôm nay sẽ nhận ra khuôn mặt của vị Vua Yêu Thương khi họ hò la chế giễu Người trên đường lên núi Sọ và đóng đinh Người.

Chúa Giêsu là ai vậy? Vâng, Người là vua. Và lần này sẽ không còn ai hiểu lầm nữa. Người là một vị vua, nhưng không phải một vị vua độc đoán, mà là một vị vua với tình yêu vô biên. Vị Vua của Vương Quốc tình yêu mà Người không ngừng loan báo bằng lời nói và việc làm. Đó là vị vua mà các môn đệ và những ai theo Người đã thấy trong suốt ba năm: gần gũi với những người tật nguyền, đau yếu, những kẻ bé mọn, và với tất cả những người mà xã hội và tôn giáo khinh thường. Vị vua này thậm chí còn dùng bữa với “phường thu thuế và quân tội lỗi”, để rồi trở thành duyên cớ chống đối cho những người Pha-ri-sêu, vốn luôn tự nhốt mình trong lề luật và các quy định. Người nói rằng chính Thiên Chúa là Cha của Người, đã sai Người đến trần gian để rao giảng và sống giới luật mới, giới luật yêu thương. Đó là lý do tại sao Người bị bắt và bị đóng đinh.

Chúa Giêsu là ai vậy? Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau chiêm ngắm Người trong bài Thương Khó theo thánh Máccô. Chúa Giêsu, vị vua của tình yêu, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác chiếc áo choàng đỏ như một kẻ ngốc, tay cầm vương trượng là cây sậy lố bịch. Nhưng ngay cả khi bị tra tấn dã man nhất và cả trong lúc hấp hối, Người vẫn tiếp tục rao giảng sứ điệp yêu thương bằng việc chấp nhận những trận đòn, những lời sỉ vả, chế giễu mà không một lời oán trách, nhưng còn “xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Người đã chấp nhận những cơn đau đớn tột cùng và chấp nhận cái chết chỉ vì yêu thương.

Chúa Giêsu là ai vậy? Thánh sử Máccô đã đặt lên miệng của viên đại đội trưởng La Mã một lời tuyên xưng: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa”. Đó là đức tin mà thánh sử Máccô muốn tuyên xưng ở đây. Và đó cũng phải là lời tuyên tín của mỗi Kitô hữu chúng ta: “Đức Giêsu là Con Thiên Chúa”. Người là Đức Kitô, Đấng Phục Sinh mà chúng ta tung hô và tuyên xưng hôm nay với nhành lá trong tay.

Chúa Giêsu là ai vậy? Đây là câu hỏi, hay đúng hơn là một lời chất vấn của rất nhiều người trong thời đại hiện nay dành cho chúng ta. Là Kitô hữu, mỗi người chúng ta có bổn phận phải trả lời cho họ, không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng chính hành động của mình. Qua cuộc sống yêu thương hằng ngày, chúng ta có thể làm chứng rằng: Đức Kitô là Con Thiên Chúa, là vua tình yêu. Chính Người “là Đường, là Sự Thật và là Sự sống”.

Hôm nay, sau khi tham dự “Lễ Lá”, chúng ta thường có thói quen để nhành lá trên cây thánh giá trong nhà hoặc đặt trên một ngôi mộ. Đây không phải là bùa may mắn để ngăn sét đánh vào nhà, hoặc để gia đình thoát mọi hiểm nguy! Khi đặt nhành lá xanh tươi trên cây thánh giá, chúng ta tin rằng, thánh giá không còn là dấu hiệu của sự chết, mà là cây sự sống. Để nhành lá trên mộ, chúng ta bày tỏ niềm tin vào sự Phục Sinh của Chúa Kitô và sự sống vĩnh cửu: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).



Audio player

--->DOWNLOAD<---