THỨ NĂM TUẦN THÁNH 2024:
BỮA TIỆC CỦA TÌNH THƯƠNG



Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc


Thưa quý OBACE, chúng ta quen gọi ngày lễ hôm nay là Thánh lễ Tiệc Ly, điều này không sai, vì quả thật thánh lễ này kỷ niệm lại bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng của Chúa, mà trong bữa tiệc này, Chúa Giêsu chia tay với các môn đệ để bước vào cuộc khổ nạn. Tuy nhiên, chúng ta có thể gọi bữa tiệc này là Bữa Tiệc Tình Yêu. Trong cuộc sống hiện đại, người ta thường so sánh và gọi: Tiệc âm thanh, tiệc ánh sáng, tiệc âm nhạc, để nói về những sự kiện trình diễn âm thanh, ánh sáng hoặc âm nhạc đặc biệt, thì hôm nay chúng ta cũng có thể gọi bữa tiệc của Chúa Giêsu với các môn đệ là Bữa Tiệc Tình Yêu. Vì trong bữa tiệc này, ngoài món ăn là bánh không men và thịt chiên, thì những người tham dự còn được thưởng thức món ăn vô cùng đặc biệt đó là tình yêu thương. Từng cử chỉ, từng hành động trong bữa tiệc này, Đức Giêsu đã cho các môn đệ của Ngài được hưởng nếm, đụng chạm đến tình yêu và còn được “ăn” cách cụ thể qua việc Chúa Giêsu trao ban thân mình cho các môn đệ với lời truyền: Các con hãy cầm lấy mà ăn, hãy cầm lấy mà uống.

Bữa tiệc tình yêu này được Giáo Hội tái hiện lại cách đặc biệt trong thánh lễ hôm nay, với nhịp điệu trầm ấm của các nghi thức cử hành. Hai hành động của Chúa Giêsu được nhấn mạnh cách đặc biệt trong thánh lễ này đó là việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể - chức Linh mục và việc Chúa rửa chân cho các môn đệ.

Tin Mừng Gioan không thuật lại chi tiết việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, nhưng lại diễn tả việc Ngài trao ban con người của mình cho các môn đệ qua việc rửa chân cho các ông. Thánh Phaolô trong bài đọc hai đã ghi lại: Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: Trong đêm bị nộp Chúa cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn, bẻ ra và nói: Đây là Mình Thầy hiến dâng vì anh em… Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy… Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. Thánh Phaolô cho thấy, việc đón nhận Mình và Máu Chúa mà cho đến hôm nay Giáo Hội vẫn liên tục cử hành là điều các tông đồ đón nhận từ nơi Chúa chứ không phải từ ai khác. Vì hành động yêu thương đến trao ban cả máu thịt mình như thế, thì chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện được và chỉ có một tình yêu đến tận cùng mới có thể có sáng kiến tuyệt vời như thế.

Bữa tiệc Vượt Qua ngày xưa, con chiên đã bị giết, máu bôi lên khung cửa làm dấu chỉ đem lại sự sống, sự vượt qua, còn thịt chiên thì trở thành bữa ăn tăng thêm sức lực để đoàn dân lên đường. Nhưng với bữa tiệc Vượt Qua hôm nay, Chúa Giêsu đã thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của bữa tiệc truyền thống, bữa tiệc này trở thành bữa tiệc của tình yêu thương đến tận cùng. Vì trong bữa tiệc này, Đức Giêsu đã biến mình thành Con Chiên bị sát tế, đã đổ máu ra để ký kết một giao ước mới, đã biến thịt mình thành của ăn nuôi dưỡng toàn nhân loại qua việc Chúa cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ trước sự ngỡ ngàng và dường như chưa hiểu của các ông: Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy. Ngài cầm lấy chén và nói: Đây là chén máu Thầy, máu giao ước mới... Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.

Với việc biến bánh rượu trở nên thịt máu Chúa và trở nên của ăn cho nhân loại, Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu thương đến cùng. Ngài không còn tiếc gì với các môn đệ và cũng không còn giữ lại gì cho riêng mình, nhưng muốn cho đi, muốn trao tặng tất cả con người, linh hồn và thể xác cho những người mình yêu thương. Ngài không trao tặng bản thân như món quà lưu niệm, nhưng lại trao ban để làm của ăn, để qua việc bị ăn, Chúa có thể trở nên một xương một thịt, một thân xác, một tâm hồn với những kẻ Ngài yêu thương. Khi yêu nhau mãnh liệt, người ta luôn muốn nên một với nhau, ở trong nhau, thì giờ đây khi trở nên của ăn, của uống, Chúa Giêsu có thể nên một thực sự với những kẻ Ngài yêu thương.

Chúa Giêsu không muốn để bị thiếu của ăn cho nhân loại, không muốn để tình yêu thương của Ngài bị vơi cạn, vì thế, Ngài đã tín nhiệm và trao cho các môn đệ chức Linh Mục khi truyền cho các ông: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Dẫu biết rằng các môn đệ của mình còn nhiều yếu đuối bất toàn, biết các ông chưa thể hiểu hết, nhưng Chúa vẫn trao gửi cả thân mình cho các ông, để từ đây các ông nối dài tình yêu của Chúa cho thế giới. Khi trao thân mình vào tay các môn đệ, từ vị trí của một người Thầy, Ngài chấp nhận trở thành kẻ phục vụ, vì qua việc các tông đồ “Làm như Thầy đã làm”, Chúa tiếp tục hiện diện, tiếp tục yêu thương, tiếp tục trao ban thân mình và ở lại với nhân loại.

Tin Mừng Gioan đã diễn tả việc Đức Giêsu hoán đổi địa vị Thiên Chúa để trở nên tôi tớ phục vụ qua việc Chúa rửa chân cho các môn đệ. Với lời kể của Gioan, chúng ta thấy một khung cảnh, một căn phòng đậm đặc tình yêu: Chúa Giêsu biết đã đến giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Cha… Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình và Người yêu thương họ đến cùng. Vì yêu đến cùng nên Chúa Giêsu không những trao tặng cả con người, máu thịt, mà còn trao tặng cả địa vị, danh dự cho các môn đệ: Ngài trỗi dậy rời khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn thắt lưng, lấy nước vào chậu và rửa chân cho các môn đệ, lấy khăn thắt lưng mà lau. Từ địa vị là Thầy, là Chúa, mà Đức Giêsu đã cởi bỏ, để thắt lưng mang thân phận của một kẻ nô lệ, quỳ gối rửa chân cho các học trò, trước sự ngỡ ngàng của các ông. Chắc chắn những đôi chân được Chúa rửa hôm đó, có đôi chân của kẻ phản bội là Giuđa, có đôi chân của kẻ chối Thầy và còn có những đôi chân của những kẻ bỏ trốn. Chúa Giêsu đã nâng niu những đôi bàn chân ấy với lòng yêu mến, cảm thông và đã lau khô chúng bằng chiếc khăn thắt lưng của Ngài. Ngài đã đem vào mình sự dơ bẩn, yếu đuối và tội lỗi của các học trò chỉ vì yêu thương.

Simon Phêrô đã không thể hiểu và không dễ dàng để chấp nhận việc làm này của Thầy. Ông đã phản ứng quyết liệt: Không lẽ nào Thầy lại rửa chân cho con. Không đời nào con chịu. Chúa Giêsu đã ân cần trả lời cho Simon: Việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu. Quả là bài học quá lớn, quá bất ngờ đối với Simon và các môn đệ, mà Chúa Giêsu muốn thực hành làm gương trước và nói lý thuyết sau. Chúa Giêsu đã giải thích bài học sau khi đã mặc áo vào, trở về chỗ, Ngài giải thích: Thầy là Thầy là Chúa, mà con rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Đây chính là bài học Chúa muốn để lại cho các môn đệ, muốn các ông sau khi đã được Chúa trao ban Mình Máu và quyền nhân danh Chúa để tiếp tục cử hành những điều Chúa đã làm, thì các ông phải là những người phục vụ chứ không phải là người ban phát. Chúa còn muốn các ông phục vụ trong sự khiêm nhường, hạ mình như người tôi tớ phục vụ chủ. Vì thế, Chúa truyền cho các ông: Thầy đã nêu gương cho anh em, anh em cũng hãy làm như Thầy đã làm.

Bài học của Thánh Lễ cử hành Bữa Tiệc Tình thương hôm nay, Chúa cũng muốn để lại cho mỗi chúng ta, đó là hãy khiêm nhường, cúi xuống để phục vụ anh chị em. Tuy nhiên, để thực hành bài học này vẫn là điều khó, vì mỗi người đều có sẵn trong mình cái tôi và sự cao ngạo của nó. Chính cái tôi này điều khiển, khiến nhiều người muốn đặt mình trên tất cả mọi người, muốn người khác phục vụ mình, chứ không ngược lại. Tuy nhiên là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không thể từ chối bài học và mẫu gương của Chúa. Chúng ta sẽ phải hạ mình để nhìn thấy những nhu cầu và thấy cả những hoàn cảnh của anh chị em. Chúng ta hạ mình xuống để dễ dàng cảm thông, quan tâm phục vụ nhau, hy sinh cho nhau. Chúng ta được mời gọi phục vụ đến quên mình và thậm chí còn được mời gọi hiến mình theo gương Chúa Giêsu, để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác.

Tham dự bữa tiệc tình yêu của Chúa mỗi ngày và đón nhận món quà yêu thương là Mình Máu Chúa, chúng ta xin Chúa biến đổi ta nên những môn đệ thấm nhuần bài học yêu thương phục vụ của Chúa hôm nay, để mỗi người cũng biết yêu anh chị em chung quanh và phục vụ mọi người theo mẫu gương và lời dạy của Chúa: Hãy yêu như Thầy đã yêu và hãy làm như Thầy đã làm. Amen