SAO CÒN NGỜ VỰC TRONG LÒNG?
Hai môn đệ trên đường đi Emmau. Họ đã gặp một người khách lạ cùng đồng hành. Người khách lạ nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho họ. Khi ngồi vào bàn ăn với họ, người khách lạ “ cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ”; họ nhận ra người khách lạ ấy chính là Thầy. Họ vội vàng quay trở lại Giêrusalem gặp nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Chưa kịp nói cho ai biết Thầy đã chỗi dậy, họ đã được bạn hữu cho hay: “ Chúa chỗi dậy thật rồi và đã hiện ra với ông Simon. “ Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường. Có lẽ chờ quy tụ đầy đủ các môn đệ, Chúa Giêsu mới hiện ra với họ một cách chính thức và trao những lời căn dặn chung.
“Các ông còn đang nói, chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “ Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là ma”. Con người thật mâu thuẫn! Khi không thấy thì đòi hỏi thấy mới tin như ông Tôma, nhưng khi thấy rõ ràng lại đâm nghi ngờ, bởi vì sự việc vượt quá suy tưởng thường tình của họ.
Và Chúa đã phải khiển trách: “ Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng?” Người này người kia đã thuật lại việc Thầy đã chỗi dậy, thế mà khi nhìn thấy Thầy họ vẫn chưa tin. Ngờ vực trong lòng là biểu hiện cho sự thiếu tin tưởng, yếu lòng tin. Rồi Ngài bảo: “ Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Vì mừng quá,các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng. Chúa Giêsu lại cho các ông nhìn thấy một dấu hiệu khác; Ngài hỏi: “ Ở đây anh em có gì ăn không? Các ông đưa cho Ngài một khúc cá nướng. Ngài cầm lấy và ăn trước mặt họ. Ngài còn nhắc nhớ các ông Kinh thánh, luật Môsê, các sách Ngôn sứ và các Thánh vịnh đã nói trước về việc Ngài “ phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.” Chứng cớ đã rõ ràng. Không còn gì phải thắc mắc hoài nghi.
Việc kế tiếp Ngài muốn trao gửi cho các môn đệ là “ phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi sám hối để được ơn tha tội.” Rao giảng và kêu gọi sám hối là những công việc của một chứng nhân mà Chúa đã giao phó cho các môn đệ xưa kia và cho chúng ta hôm nay: “ Chính anh em là những chứng nhân của những điều ấy.”
Chúng ta chưa thể trở thành chứng nhân cho một ai đó hay một chân lý nào đó khi bản thân chúng ta không biết, không tin vào Đấng hay vào điều mình làm chứng. Do đó, điều kiện tiên quyết để trở thành nhân chứng của Chúa Kitô Phục Sinh là phải xác quyết niềm tin vào Ngài, phải hiểu biết về Ngài và phải thực hành những gì Ngài truyền dạy.
Là con cái của Thiên Chúa nhờ bí tích Thanh Tẩy, mỗi người chúng ta cũng trở thành môn đệ của Ngài và cũng có nhiệm vụ làm chứng nhân cho Ngài bằng niềm tin và bằng chính cuộc sống của mình. Nhưng để giữ vững niềm tin, mỗi người cũng phải sống kết họp với cộng đoàn đức tin là cộng đoàn địa phương nói riêng và Giáo Hội nói chung. Các môn đệ sau khi được Chúa tỏ hiện, đã quay trở lại thông báo cho cộng đoàn để rồi từ đó được củng cố và thêm sức mạnh về niềm tin để làm chứng cho Thiên Chúa.
Dân tộc Việt nam rất vinh dự có 117 vị thánh Tử Đạo đã can cường chết vì đức tin. Các ngài thuộc nhiều thành phần : có những vị có chức quyền trong chính quyền hay trong quân đội như thánh Micae Hồ Đình Hy, quan Thái bộc, thánh Phaolô Tống viết Bường, thị vệ, thánh Phanxicô Trần văn Trung, Cai đội...có những vị giáo dân trong hội đồng giáo xứ như thánh Antôn Nguyễn hữu Quỳnh, trùm xứ và thầy thuốc, thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, Trùm cả Bình định, thánh Emmanuel Lê văn Phụng, Câu phủ họ Đầu nước tỉnh An giang...có phụ nữ như thánh Anê Lê thị Thành, một bà mẹ Công giáo gương mẫu...Rồi có những anh hùng vô danh từ Nam chí Bắc; đó là những cụ ông cụ bà đã bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn, rồi bị rạch mặt lấy mực tàu xâm lên trên má hai chữ “ Tả Đạo” để đi đến đâu, nhân dân ai cũng nhận ra đây là những người theo đạo tả; nhưng đối với giáo dân, đây là biểu tượng của đức tin kiên cường.
Giáo hội Nhật bản cũng phải trải qua một thời kỳ bắt đạo lâu dài ác liệt và dã man. Các vua Nhật tưởng đã diệt được đạo Công giáo tận gốc rễ. Ai cũng nghĩ rằng đức tin của giáo dân Nhật còn non yếu, khó đương đầu với việc bắt đạo gắt gao như thế, nhất là với chính sách cấm các nhà truyền giáo đặt chân lên đất Phù Tang. Đến khoảng giữa thế kỷ XIX, thời Minh Trị Thiên Hoàng, các nhà truyền giáo lại được đặt chân lên đất Nhật.
Một hôm, cha Petitjean, một truyền giáo đến giảng đạo tại Nagasaki trước một số đông người Nhật. Nghĩ rằng những người nghe giảng toàn là những người lương dân nên sau bài giảng , ngài tươi cười hỏi: “ Có ai thắc mắc gì không?” Một người đưa tay hỏi: “ Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều. Xin ông chỉ trả lời cho chúng tôi là có hay không.” Cha Petitjean đồng ý.Họ hỏi: “ Câu hỏi thứ nhất: Các ông có tin Đức Mẹ đồng trinh không?” Cha Petitjean trả lời: “ Có.” Họ hỏi tiếp: “ Câu hỏi thứ hai: Các ông có vâng lời và thông hiệp với Đức Thánh Cha không?” Cha Petitjean trả lời : “ Có.” Họ hỏi câu hỏi cuối cùng: “ Câu hỏi thứ ba : Là linh mục, các ông có giữ mình đồng trinh và sống độc thân không?” Cha Petitjean trả lời : “ Có.” Và họ kết thúc: “ Vậy thì mấy trăm người chúng tôi đây với ông là đồng đạo. Chúng tôi là những người Công giáo cả.”
Hết sức bàng hoàng và ngạc nhiên, cha Petitjean hỏi: “ Bấy lâu nay có ai giảng dạy cho anh chị em không?” Họ trả lời: “ Thưa cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi.” Nhà truyền giáo hỏi tiếp: “Vậy nhờ dâu anh chị em còn sống đạo sốt sắng thế?” Giáo dân trả lời: “ Thưa cha, đó là nhờ ông bà Tổ tiên chúng con truyền lại, sau là nhờ chúng con biết âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết yêu thương đùm bọc lẫn nhau từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.” ( Những Người Lữ hành Trên Đường Hy Vọng)
Cộng đoàn đức tin là môi trường để cá nhân giữ vững và củng cố niềm tin. Kitô giáo không phải là một cách suy nghĩ, nhưng là một con đường sống. Sống liên kết với Đức Kittô trong cộng đoàn đức tin bằng bác ái, yêu thương là chúng ta làm chứng cho Đức Kitô. Ngày nay, chúng ta không chứng kiến Chúa sống lại như các môn đệ xưa kia, nhưng chúng ta lại được Chúa chúc phúc: “ Phúc cho ai không thấy mà tin.
Để củng cố và giữ vững đức tin, chúng ta cũng phải tham chiếu, học hỏi Kinh Thánh. Đọc, học hỏi Kinh Thánh là để hiểu biết Chúa hơn, để tìm ra thánh ý của Ngài; và từ đó thực hành Lời Ngài dạy qua cuộc sống hằng ngày. Đó là những điều kiện cần phải có đối với những chứng nhân cho Thiên Chúa, và cũng từ đó cuộc sống chúng ta sẽ được nuôi đưỡng bằng bình an,niềm vui và hy vọng.

Hoàng Trung