Chúa nhật V Phục Sinh – Năm B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (15,1-8)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

"Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy".

***

Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Hãy ở lại trong Chúa Kitô

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một đoạn trích từ những lời cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn. Vì thế ta có thể coi đây như là bản di chúc của Người mà các môn đệ gìn giữ một cách trân trọng.

Và đây là một trong những lời trăn trối của Chúa Giêsu: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy thì người ấy sinh nhiều hoa trái”; “Hãy ở lại trong Thầy”. Động từ “ở lại” đã được lặp lại đến tám lần trong đoạn Tin Mừng ngắn này, cho thấy Chúa Giêsu tha thiết mong các môn đệ của Người, và chúng ta hôm nay, ở lại trong Người như thế nào.

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi ở lại trong Chúa Kitô. Nhưng “ở lại” với Người bằng cách nào? Chúng ta có thể gặp Chúa Kitô ở đâu? Làm sao chúng ta chắc chắn sẽ gặp được Người?

Dĩ nhiên chúng ta không thể gặp Chúa một cách trực tiếp như hằng ngày chúng ta gặp gỡ người này người kia, nhưng chúng ta có thể gặp Chúa qua những trung gian. Truyền thống Giáo Hội chỉ cho chúng ta ba con đường chính yếu giúp chúng ta gặp được Chúa, đó là : qua Lời Chúa, qua cầu nguyện và bí tích, và trong cuộc sống hằng ngày. Cả ba con đường này đều cần thiết và quan trọng.

Con đường thứ nhất là Lời Chúa. Ðể ở lại trong Chúa Kitô, chúng ta phải ở lại trong Lời của Người, vì Lời Chúa là chính Chúa. Có thể nói rằng, tiếp xúc với Lời Chúa là tiếp xúc với chính Chúa vậy. Vì vậy chúng ta không thể đọc Lời Chúa như đọc một cuốn tiểu thuyết nhiều chương, hay một câu chuyện lịch sử về một dân tộc hay một nhân vật nào đó trong quá khứ. Nhưng chúng ta phải dành thời gian để đọc và suy gẫm, để lắng nghe điều Chúa muốn nói với chúng ta qua Lời của Người, và đem Lời đó vào trong cuộc sống của chúng ta.

Ở điểm này, chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của việc dạy giáo lý cho trẻ em. Chúng ta không chỉ giải thích cho các em hiểu Lời Chúa, nhưng làm sao giúp các em có thói quen đọc và yêu mến Lời Chúa. Việc chia sẻ Lời Chúa trong các buổi họp, hay việc lập những nhóm để học hỏi và chia sẻ Lời Chúa là một trong những cách chúng ta có thể giúp nhau suy niệm Lời Chúa và chia sẻ Lời Chúa với những người khác.

Con đường thứ hai để ở lại trong Chúa Kitô là cầu nguyện và các bí tích. Cầu nguyện là một cuộc trò chuyện với Chúa, là lúc để chúng ta nói với Người và nghe Người nói với chúng ta. Vì vậy, để ở lại trong sự hiện diện của Chúa, chúng ta cần cầu nguyện một cách trung thành, đều đặn và thường xuyên. Việc cầu nguyện giúp nuôi dưỡng đời sống đức tin của chúng ta, giúp ta sống và thực hành Tin Mừng trong đời sống hằng ngày. Trong cầu nguyện, chúng ta không chỉ được kết hợp với Chúa mà còn được hiệp nhất với tha nhân khi chúng ta cầu nguyện với nhau và cho nhau.

Như thế, sự liên kết mật thiết với Chúa Kitô được biểu lộ trong cầu nguyện. Sự liên kết mật thiết này được thực hiện đặc biệt hơn trong các bí tích, nhất là trong bí tích Thánh Thể. Khi đón nhận Mình Máu thánh Chúa, chúng ta được kết hiệp mật thiết với Chúa và nên một với Người. Nhờ lãnh nhận các Bí tích, chúng ta đón nhận tình yêu của Chúa để bước theo Người trên con đường sự sống và tình yêu.

Con đường thứ ba để ở lại trong Chúa Kitô là cuộc sống hằng ngày. Ðể ở lại trong Chúa Kitô, không có chuyện tách ra khỏi đời sống thường nhật. Môn đệ đích thật của Chúa Giêsu không phải là người chạy trốn thế gian. Vì chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian.” (Ga 17,15), nhưng là ở trong thế gian và trở nên “men-muối” bằng đời sống yêu thương và phục vụ như Chúa. Chúng ta không thể là môn đệ của Ðức Giêsu nếu chúng ta không đến với anh chị em của mình, và không cố gắng yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã thương yêu họ.

Để tóm tắt ba con đường gặp Chúa, chúng ta có thể nói rằng: Làm sao chúng ta có thể hiểu được Lời của Chúa nếu chúng ta không yêu mến Người? Nhưng làm sao chúng ta có thể yêu mến Chúa nếu không dành thời gian để trò chuyện cùng Người? Và làm sao chúng ta có thể nói là mình yêu Chúa khi trong suốt ngày sống, chúng ta không nhìn thấy Chúa đang hiện diện bên ta, ngang qua tất cả các biến cố và những con người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống?

“Hãy ở lại trong Thầy”. Mỗi người hãy để lời mời gọi này của Chúa Giêsu vang lên trong tâm hồn mình như một lời trăn trối, để cảm nhận biết bao nhiêu tình yêu mà Người muốn dành cho mỗi người chúng ta khi nói “hãy ở lại trong Thầy”. Chúng ta hãy dành một ít phút thinh lặng để nghe tiếng Người đang “năn nỉ” chúng ta : “hãy ở lại trong Thầy”, để đời sống chúng ta sinh được nhiều hoa trái tốt lành... Con Thiên Chúa đã làm người, và Người ở giữa chúng ta. Còn chúng ta, chúng ta có muốn ở lại trong Chúa không? Chúng ta đã làm gì để ở lại với Người và trong Người?



Audio player

--->DOWNLOAD<---