DẤN THÂN


Sáng nay, đến chia sẻ tại huynh đoàn bạn về đề tài “Sống Ơn gọi trong sống Đạo hôm nay”. Phần dẫn nhập, tôi kể lại câu chuyện mình đến huynh đoàn bạn (khá xa) bằng xe ôm. Khi đi, tôi gọi một cháu xe ôm (con ông bạn trong xóm). Tiền xe trao cho cháu không đáng là bao, nhưng nó cũng mang một ý nghĩa giúp thêm chút đỉnh vào sinh kế độ nhật của cháu. Từ đó, tôi vận dụng vào bài chia sẻ.

Đến đề tài cần chia sẻ, tôi dựa ngay vào bài Tin Mừng trong thánh lễ buổi sáng mới được nghe giảng “Đức Giê-su chịu phép rửa” (CN 11/01/2009) : “Ông rao giảng rằng: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần. Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng : "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con." (Mc 1, 6-11)

Bình thường thì chúng ta vẫn quen nghĩ : Ơn Gọi là lời Thiên Chúa mời gọi con người tới để ban cho một ân huệ nào đó. Vd : Ơn gọi làm người là lời mời gọi con người làm con cái Thiên Chúa ; Ơn gọi Ki-tô hữu là Ơn gọi tái sinh làm con Thiên Chúa và là em của Đức Kitô, hay nói cách khác, là lời mời gọi nên thánh giữa đời, được tham dự vào 3 chức vụ của Đức Giê-su ; Ơn gọi Đa Minh là lời mời gọi sống Ơn gọi Kitô hữu cách trọn hảo bằng tinh thần và linh đạo Dòng Đa Minh, để được hưởng những ơn ích thiêng liêng của Dòng v.v… Hiểu như vậy là đúng, nhưng chưa đủ. Có lẽ cũng chính vì thế nên trong một bài viết, ĐGM GB. Bùi Tuần mới gọi bằng 5 tiếng “Ơn gọi được sai đi”. Quả thật, Ơn gọi thì nhiều, mà cách thức đón nhận và sống Ơn gọi lại càng đa dạng hơn (“Nếu có nhiều ơn gọi thiêng liêng của Chúa Thánh Linh, thì trong một ý nghĩa nào đó, lại có vô số những cách sống của tất cả các thành phần trong Giáo Hội là những thợ làm trong vườn nho của Chúa, xây dựng Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô. Thật vậy, mỗi người trong tính cách duy nhất của lịch sử đời sống mình đã được gọi đích danh để đóng góp phần riêng của mình cho tiến trình hoàn thành Nước Thiên Chúa. Không một tài năng nào dù nhỏ bé đến đâu, lại có thể bị che dấu hoặc không dùng đến - Mt. 25:24-27” – Tông Huấn KTHGD, số 56).

Trở lại câu chuyện đi xe ôm, thì việc trao cho cháu xe ôm vài chục ngàn dù là quá nhỏ, nhưng có thể tạm gọi là làm ơn của tôi, chính là để nhờ (sai đi) chở đến nơi tôi cần. Mẹ Têrêsa Calcutta cũng đã nói : “Việc làm của chúng tôi chỉ là một giọt nước trong biển khơi. Nhưng nếu không có giọt nước ấy thì đúng là biển khơi thiếu mất một giọt nước”. Với Ơn gọi Ki-tô hữu, được mời tham dự vào 3 chức vụ của Vua Giê-su, quả là một ân huệ quá lớn – lớn tuyệt đỉnh. Tuy nhiên, Vua Giê-su không phải là mấy ông vua phong kiến ngồi trên ngai vàng hưởng thụ (được phục vụ), mà là phục vụ, phục vụ đến quên cả thân mình, hiến cả mạng sống mình cho đối tượng mình phục vụ (Mc 10, 46). Vậy thì được mời tham dự vào chức vụ của Đức Vua Giê-su, chính là được mời – được sai đi – làm công việc phục vụ như Người đã làm, cũng như Người được Chúa Cha sai đi thực thi sứ mệnh cứu độ. Thánh Phêrô Tông Đồ cũng từng dạy : “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa ; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban” (1Pr 4, 10-11).

Mời đến thụ hưởng một cách nhưng không thì thoải mái thôi, chẳng có gì phải đắn đo cả. Nhưng mời đến để phục vụ, phục vụ hết mình, sau đó mới được thụ hưởng thành quả của chính công việc phục vụ ấy, thì … khó nói lắm ! Chẳng hiểu sao tôi vẫn cứ luôn miệng nói là tôi làm việc cho huynh đoàn hoàn toàn vô vị lợi, chẳng vì tiền bạc (không lương), mà cũng chẳng bởi lợi danh. Thế mà, mỗi khi làm được một việc thiện mà không được khen, lại thấy ấm ức. Khi huynh đoàn tổ chức bầu cử mà không được bầu vào ban Phục vụ, thì hậm hực cho là anh em chưa biết tài (hoặc ém tài) của mình, nhưng giả thử được bầu vào thì lại ra vẻ “tôi có ham đâu, anh em bắt tôi phải làm đó chứ” (!!!). Ai bắt ai nhỉ ? Chưa hết đâu ! Làm một đoàn viên bình thường cũng có nhiều lý do, nhiều cơ hội để “ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dậy” (Mt 23, 2) hoặc “cầm bó đuốc mà rê chân người” (ca dao VN), huống hồ được bầu vào trong ban Phục vụ, nhất là lại trúng cử chức Trưởng ban. Có tới cả ngàn lẻ một lý do cơ đấy ! Nhưng mà, hình như vẫn chưa có lý do nào để nhìn lại mình cả !

Nhìn lại mình ư ? Có chứ ! Khổ một nỗi chỉ toàn thấy mình đúng, mình tốt thôi. Khó lòng bỏ được cái tôi trong cách cư xử, cách sống, cách làm việc hàng ngày. Có lẽ cũng chính vì thế nên Thư Mục vụ 2006 của HĐGMVN mới kêu gọi phải dấn thân : “Con người ‘mới’ theo gương Chúa Giêsu phải là con người dấn thân phục vụ. Nếu việc phục vụ tha nhân có thể giúp cho người khác nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Kitô hữu, thì chính việc phục vụ đó cũng có thể giúp Kitô hữu cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa cách rõ nét hơn… Khi dấn thân phục vụ…, Ki-tô hữu làm chứng một cách hùng hồn về tính khả thi của lời mời gọi Phúc Âm … con người được cứu chuộc đã bước ra khỏi cái tôi của chính mình để phục vụ Chúa nơi những anh em bé nhỏ” (Thư MV của HĐGMVN 2006, số 6). Dấn thân là nhấn chìm cái tôi xuống (chữ “dấn” – tiếng cổ – có nghĩa là nhấn xuống, như “dấn nước” là đem nhấn chìm xuống nước một vật dụng nào đó), quên mình đi (xả kỷ) thì mới có hy vọng nhớ và đến với anh em (vị tha) được.

Chính Đức Giê-su khi gọi và sai các môn đệ, Người cũng đã muốn các ông phải dấn thân (kềm chế bớt những dục vọng, những tự tư tự lợi cá nhân) : “Người gọi nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy ; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng ; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo” (Mc 6, 7-13). Tất cả những gì, dù là cần thiết cho đời sống thể lý, cũng không được mang theo, mà chỉ mang theo duy nhất một cây gậy để chống trên con đường thiên lý Truyền Giáo. Ôi chao ! Như thế thì chẳng phải là hy sinh, là dấn thân, thì còn là gì được nữa ?

Có nhiều anh em nói : “Trong 4 điều cốt yếu của Tinh thần Dòng Đa Minh, nói dấn thân để làm việc tông đồ bác ái, dấn thân sống hiệp thông huynh đệ, dấn thân học tập, thì còn khả thi ; nhưng đến như cầu nguyện là việc làm hoàn toàn riêng tư mà cũng đòi phải dấn thân nữa ư ?”. Xin thưa : Cầu nguyện lại càng cần dấn thân hơn hết. Kinh Thánh có ghi lại câu chuyện người Pha-ri-siêu giàu có đứng gần cung thánh và người thu thuế đứng mãi dưới cuối nhà thờ để cầu nguyện. Thiển nghĩ người thu thuế – một giai cấp khá giả trong xã hội Do thái – đã phải can đảm lắm để nhìn lại con người thật của mình, bỏ cái tôi đi mà đấm ngực ăn năn : “Lạy Chúa, con là kẻ có tội”, nên tội người ấy được tha. Phải chăng sự can đảm ấy chính là tính xả kỷ, là dấn thân ?

Lại cũng có người nói sống đúng theo linh đao Dòng cũng là một cách khổ chế. Đúng thế thật. Chính những hãm mình, đè nén dục vọng, những hạn chế tự do, hy sinh tự ái cá nhân … để “nói với Chúa”, để “nói về Chúa” bằng cách sống với anh em, để học hỏi, để đến với anh em khó nghèo, tật bệnh hoặc bị lao tù oan ức … đều là khổ chế cả. Chẳng cứ phải ở trong Dòng, một giáo dân bình thường sống đúng theo 3 lời khuyên Phúc Âm (khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục) cũng đã là khổ chế rồi.

Còn mùa Chay Thánh nữa chứ. Giảm thiểu những hưởng thụ về vật chất chẳng phải khổ chế là gì. Song song với việc chay tịnh phần xác, còn cần có những hoạt động về mặt tinh thần (tông đồ bác ái). Và tất cả những việc làm ấy đều được thể hiện trong tinh thần tự giác, tự nguyện, hy sinh. Muốn được vậy, điều hiển nhiên là phải khổ chế, hay nói khác hơn, đều cần – rất cần – phải biết dấn thân. Có thể xác quyết : Muốn SỐNG ĐẠO, cần phải DẤN THÂN, bởi vì : “Sống Đạo bao giờ cũng đòi nhiều phấn đấu và tỉnh thức … Sống Đạo hôm nay đòi phải có cả cái tâm và cả cái trí” (ĐGM GB. Bùi Tuần – “Ơn gọi được sai đi” – CGDT 22-9-2006)

Vâng, quả thật sống trong thế giới hiện đại với quá nhiều những phát minh tân kỳ, những tiện nghi tuyệt hảo, những phương tiện tối ưu, đầy rẫy những hấp dẫn lôi cuốn con người. Thế thì quả thực rất khó dấn thân sống Đạo. Không sống Đạo được thì làm sao giữ Đạo cho nổi ! Nếu chỉ có cái “Tâm” hướng thiện, muốn sống Ơn gọi cách tốt lành không thôi thì chưa đủ, mà còn phải có cả cái “Trí” để hiểu biết tường tận mục đích và hơn thế nữa, để kiềm chế những dục vọng lệch lạc, để can đảm nhấn chìm cái tôi xuống, hy sinh cho sứ mệnh phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân.

Ôi, lạy Chúa ! Xin Chúa luôn soi sáng cho con, thêm sức cho con, giúp con biết sám hối và canh tân bản thân, để dấn thân phục vụ Chúa nơi những anh em bé nhỏ. Amen.


JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm