Trong thế giới hiện tượng này, cái gì có sinh thì cũng có diệt theo định luật “thành, trụ hoại, không”. Phận con người “tất cả chúng ta đều phải chết, và chúng ta không ngừng đi dần đến phần mộ, cũng như những con nước chảy mà không trở lại “ (2 Sm 14, 14). Đó là chuyện bình thường.co
Ai cũng cảm thấy tiếc nuối xót xa khi nhìn thấy một bông hoa xinh đẹp sớm nở tối tàn, một chiếc lá rơi xuống. Nhưng mấy ai hiểu được, hoa nở để hoa tàn, là rụng để trở về với mẹ đất. Chuyện bình thường.

Hạt lúa nảy mầm, hạt lúa đơm bông, rồi hạt lúa chết đi. Chu kỳ sự sống cứ thế, cứ thế quay đều tiếp nối nhau. Chuyện bình thường.

Sách Tử Thư Tây Tạng có viết :

“Cái gì đã sinh ra, sẽ chết.
Cái gì đã tụ, sẽ tan.
Cái gì có tích lỹ sẽ cạn kiệt
Cái gì đã xây dựng sẽ sụp đổ
Và cái gì lên cao sẽ xuống thấp”
Chuyện bình thường.

Sách Giảng Viên cũng viết :
“ Mọi sự đều có thì giờ của chúng. Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng. Có thời gian sinh, thì cũng có thời gian chết. Có thời gian trồng xuống, thì cũng có thời gian nhổ lên cái đã trồng. Có thời gian chết, thì cũng có thời gian chữa lành. Có thời gian phá huỷ, thì cũng có thời gian xây dựng. Có thời gian khóc lóc, thì cũng có thời gian vui cười. Có thời gian than van, thì cũng có thời gian nhảy múa. Có thời gian rải đá, thì cũng có thời gian lượm lại. Có thời gian gần gũi, thì cũng có thời gian xa cách. Có thời gian gìn giữ, thì cũng có thời gian loại bỏ. Có thời gian xé rách, thì cũng có thời gian vá lại. Có thời gian thinh lặng, thì cũng có thời gian nói năng.Có thời gian yêu thương, thì cũng có thời gian giận nghét. Có thời gian chinh chiến, thì cũng có thời gian hoà bình…” ( Gv 3, 1-10). Chuyện bình thường.

Tiến trình của sự chết là tan rã

Dù cái chết là chuyện bình thường chẳng có gì mới lạ dưới ánh mặt trời. Song không ai có kinh nghiệm về sự chết, nếu có thì cũng chỉ là kinh nghiệm cá nhân. Trong khi con người lại muốn chính bản thân mình có kinh nghiệm về sự chết diễn ra như thế nào và sau cái chết mình đi về đâu.

Sách Tử Thư Tây Tạng đã phân tích tiến trình về sự chết là tiến trình tan rã gồm hai giai đoạn : một sự tan rã bên trong và bên ngoài. Sự tan rã bên ngoài khi các căn và tứ đại phân tán ; và sự tan rã bên trong thuộc về các ý tưởng và cảm xúc thô và tế. Trong phần này ta chỉ xét đến sự tan rã bên ngoài.

Sự tan rã bên ngoài: các giác quan và tứ đại.

Sự tan rã bên ngoài xảy ra khi các giác quan và tứ đại phân tán. Điều trước tiên chúng ta có thể ý thức là các giác quan ta ngưng hoạt động như thế nào. Nếu người đứng xung quanh giường ta đang nói chuyện, sẽ đến một lúc ta có thể nghe âm thanh tiếng nói họ, mà không thể nghe ra một lời nào. Đây là dấu hiệu nhĩ thức đã ngưng hoạt động. Ta nhìn một vật trước mặt, mà chỉ có thể thấy hình dạng lờ mờ, không rõ chi tiết. Đấy là dấu hiệu nhận thức đã suy. Và việc cũng xảy ra tương tự đối với các khả năng ngửi, nếm, sờ. Khi các giác quan không còn được cảm nhận một cách trọn vẹn, đó là giai đoạn đầu tiên cho tiến trình tan rã.

Bốn giai đoạn tan rã kế tiếp đi kèm với tan ra của bốn đại:

Địa đại tan rã :Thân xác con người bắt đầu mất hiết sức mạnh, kiệt quệ, không còn chút năng lực nào, không thể ngồi thẳng, đứng lên hay cằm bất cứ vật gì, thậm chí không thể giữ nổi cái đầu của mình. Ta cảm thấy như mình đang té xuống, đang bị nhận chìm xuống đất hay đang bị một sức nặng ghê gớm như trái núi đè bẹp và nghiền nát. Ta cảm thấy nặng nề, khó chịu trong bất cứ tư thế nào…Tâm ta giao động, nói nhảm, nhưng rồi lại chìm vào hôn trầm.

Đấy là những dấu hiệu địa đại đang hút vào thuỷ đại. Điều này có nghĩa rằng gió liên hệ đến địa đại đang trở thành ít có khả năng cung cấp một nền tảng cho khả năng của thuỷ đại bây giờ rõ rệt hơn.

Thuỷ đại tan rã : Chúng ta mất khả năng kiểm soát chất lỏng trong thân. Mũi và miệng bắt đầu chảy nước, và miệng bắt đầu rỏ nước miếng. Có thể có nước mắt chảy ra, và ta cũng có thể mất hết sự tự chế. Ta không thể nào di động cái lưỡi. Lỗ mắt khô cạn, môi tái lại và thụt vào, miệng và cổ bế tắc, lỗ mũi như thụt vào. Ta run rẩy, co giật và rất khát nước. Mùi tử khí bắt đầu phảng phất xung quanh…

Thuỷ đại tan rã vào hoả đại, bây giờ hoả đại thắng lướt và có khả năng nâng đỡ tâm thức. Bởi thế, “dấu hiệu bí mật” là người sắp chết thấy một đám mờ như khói cuộn.

Hoả đại tan rã : Miệng và mũi chúng ta hoàn toàn khô cạn. Tất cả hơi ấm trong cơ thể bắt đầu mất dần, từ chân tay đến tim. Hơi thở trở nên lạnh khi qua miệng và mũi…

Kalu Rinpoche viết : “Đối với người sắp chết, kinh nghiệm bên trong là như thể bị nuốt chửng trong một ngọn lửa lớn, ở giữa một cái hoả lò hừng hực, hay toàn thế giới đang bị thiêu đốt” .

Phong đại tan rã : Càng lúc ta càng khó thở. Không khí dường như thoát ra ngõ yết hầu. Hơi thở vào càng lúc càng ngắn và khó nhọc, hơi thở ra càng lúc càng dài. Ta nằm bắt động với đôi mắt trợn trừng lên. Lúc này ta bắt đầu có ảo giác và thấy các cảnh tượng : nếu trong đời ta đã tạo tạo nhiều nghiệp ác, ta có thể trông thấy những hình thù ghê rợn. Nếu ta sống đời với tấm lòng từ bi, bác ái, tử tế, xót thương và độ lượng, chúng ta có thể kinh nghiệm những cảnh thiên đường đầy hỷ lạc, gặp các bạn bè thân yêu hoặc những bậc giác ngộ. Những người sống đời lương thiện, khi chết cảm thấy bình an thay vì sợ hãi.

Kallu Rinpoche viết : “Kinh nghiệm nội tâm đối với người sắp chết là một ngọn cuồng phong quét sạch toàn thế giới, kể cả chính mình, một trận gió xoay cuốn hút toàn vũ trụ”
Vào thời điểm này, máu tụ lại đi vào trong “kinh mạch của sự sống” nằm chính giữa tim ra. Ba khối màu lần lượt tụ lại gây nên ba hơi thở ra cuối cùng. Rồi thình lính, hơi thở chúng ta chất dứt. Chỉ một chút hơi ấm còn lại ở nơi tim ta. Một dấu hiệu của sự sống không còn, và đây là điểm mà sự xét nghiệm lâm sàng cho là “chết”.

Tiến trình của sự chết là chết hôm nay

Kitô giáo không phủ nhận tiến trình tan rã dẫn đến cái chết của thân phận con người. Song, qua những thông điệp và giáo huấn, Kitô giáo còn khẳng định : “Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao đến tột độ. Con người không những bị đau khổ và suy nhược dần dần của thân xác hành hạ, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời. Theo bản năng, con người có lý để ghê sợ cũng như từ chối sự huỷ hoại hoàn toàn và sự tiêu diệt vĩnh viễn của bản thạn. (Gaudium et spes, số 18).

Tuy nhiên, niềm tin Kitô giáo dạy rằng tiến trình của sự tan rã, chết đi không phải là sự huỷ diệt mà là sự đổi mới : “Dù con người của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới”( 2 Cr 4, 16). Dù có có chết về phần thân xác thì “ …đang bước vào cõi sống” ( GLHTCG 1011).

Cho dẫu sự chết, thao cách hiểu của Tử Thư Tây Tạng, chỉ kéo dài trong chốc lát hay một thời gian ngắn nhất định. Còn sự chết, theo niềm tin Kitô giáo là chết mỗi ngày và tan rã mỗi ngày : “Tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ”… ( 2 Cr 4, 11) và “Mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết” ( 1 Cr 15, 30).

Cả đời người ta từ lúc sinh ra đến lúc nhắm xuôi tay là một tiến trình của sự chết, vì “ …khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai tang với Người” ( Rm 5, 3-4); “Hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi”( 6, 11).

Tiến trình của sự chết là sự sống

Với niềm tin Kitô giáo như vậy, thì sự chết không phải là điều ghê gớm, Thánh Phanxicô Assisi đã gọi sự chết bằng chị chết : “Lạy Chúa ! Chúc tụng Chúa, vì chị chết mà không ai thoát khỏi được…” ( GLTC 1014).

Phao lô nhìn sự chết chỉ là dời nhà đi nơi khác “Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất là chiếc lều này ; bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng nên, một ngôi nhà vĩnh viễn ở trên trời, không do tay người thế làm ra” ( 2 Cr 5, 1). Và từ đó, Phaolô đã “… Ao ước ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần” ( Pl 1, 21-23).

Ngôn ngữ thông thường gọi sự tan rã của thân xác là chết, còn thần học đã gọi cái chết là giai đoạn bước vào cuộc sống thật : “Chết là chấm dứt cuộc đời trần thế. Cuộc đời chúng ta được tính bằng thời gian. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta thay đổi, già đi rồi chết, bình thường như mọi sinh vật khác trên mặt đất. thực tại này cho chúng ta một cái nhìn bức thiết hơn về cuộc sống…( GLTC 1007).

Do đó, mỗi lần đứng trước di ảnh của những người qua đời, chúng ta không quá đau buồn trước cái chết của họ “như những người không có niềm hy vọng” ( 1 Tx 4, 13).

Với nhãn giới của đức tin, sự chết là chuyện bình thường phải xảy ra. Nhưng những người đã qua đời nhắc nhở những người còn sống nhớ rằng cái chết đã chất dứt thời gian lập công của con người ( DS 410, 839, 858,926,1002,1306,1488).

Bởi thế, Thiên chúa ban cho mỗi người một khúc sông để vùng vẫy chắc hẳn không ai tắm hai lần trên một dòng sâng ấy ? Vì vậy, “…nhớ đến cái chết, chúng ta phải nhớ là đời người có hạn”( GLTC 1007), để rồi tận hưởng một cách lành mạnh và làm phong phú thêm cuộc sống mà Thiên Chúa đã thương ban cho

[align=right:4aa64af4df]Lm. Đaminh Đặng Quốc Hưng[/align:4aa64af4df]