PDA

View Full Version : Chân phước Gioan Duns Scott



maria_phan_97
13-07-2009, 09:48 PM
http://www.dongcong.net/CacThanh/ChungNhanCKito/pic02.jpg http://www.dongcong.net/CacThanh/ChungNhanCKito/pic03.jpg



Biên soạn: Rev. John, CMC


CHÂN DUNG CHÂN PHƯỚC GIOAN DUNS SCOT
LINH MỤC DÒNG PHANXICÔVietCatholic News (Thứ Ba 21/10/2008 22:41)

Nhắc đến chân phước Gioan Duns Scot người ta thường nghĩ ngay đến những đóng góp to lớn của ngài trong các lĩnh vực triết học và thần học. Thực vậy, những suy tư thần học của ngài làm cho nền triết - thần Kinh Viện thêm phần phong phú và độc đáo. Ngài cùng với thánh tiến sĩ Bônaventura, Dòng Phanxicô đã có công xây dựng một trường phái thần học Phan sinh song song với trường phái Đa minh.

Từ lâu người ta đã rất yêu quý và ngưỡng mộ Gioan Duns Scot và tặng cho ngài danh hiệu “Tiến Sĩ Tinh Tế”, nằm chỉ sự sự thông minh xuất chúng và học thức uyên bác của ngài.

Trong cuộc đời, Gioan Duns Scot đã đặt bước chân tới nhiều trung tâm học vấn nổi tiếng ở Âu Châu và đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong trái tim của dân chúng ở những nơi ngài đến. Từ sất sớm sau khi ngài mất, người dân ở những nơi đó đã bày tỏ lòng tôn kính ngài như một vị Chân phước.

Tuy vậy, ở Việt Nam thì có rất ít ai biết đến ngài hoặc người ta chỉ biết đến ngài như một nhà triết học và thần học Phan sinh mà thôi.

Ngày 08/11/2008 tới chúng ta sẽ mừng kỷ niệm 700 năm ngày mất của ngài và 17 năm ngài được phong chân phước.

Vì lẽ đó, chúng tôi xin được tóm tắt sơ lược vài nét chấm phá trong cuộc đời của Gioan Duns Scot qua các tài liệu thu thập được trong tầm tay, như món quà mừng lễ ngài và chia sẻ với mọi người.

1. Vài nét sơ lược về thời thơ ấu của Gioan Duns Scot.
Theo một số học giả thì Gioan Duns Scot sinh năm 1266 tại Ecosse, nước Scốtlen. Cuộc đời thơ ấu, thân sinh và thân thích của Duns Scot ít được nhắc tới, nhưng theo một sốt tác giả thì: “Chắc chắn ngài đã học trong tu viện Phan sinh ở Sốt-len hoặc ở Anh, rồi sớm đến Oxford để bắt đầu con đường học vấn của mình”.( Các trích dẫn in nghiêng trong bài này trích từ tài liệu Triết học của Lm. Nguyễn Hồng Giáo, Ofm).

Theo đó, chúng ta biết được rằng, năm 11 tuổi Duns Scot được bố mẹ gửi vào trường dòng Phan sinh, được nuôi dưỡng và giáo dục ở đó. Thời gian sau Duns Scot đã trở thành một tu sĩ Phan sinh thông thái và đạo đức, đặc biệt ngài có lòng yêu mến Đức Mẹ.

Ngài mặc áo Dòng Anh em Hèn mọn ở tu viện Dumfries, nay là trường Merton, nơi đây còn lưu giữ căn phòng và bức chân dung của ngài.

Người ta biết đến ngài là một tu sĩ linh mục ưu tú trong đời sống học thức và có nhiều đóng góp to lớn cho nền triết học và thần học Kitô giáo.

Cuộc đời và sự nghiệp của Gioan Duns Scot được gắn liền với những địa danh nổi tiếng về sự phát triển của học vấn, tri thức và văn hóa của nhân loại trong thời Trung cổ.

2. Những địa danh mang đậm dấu ấn của Gioan Duns Scot

• Tại Đại học Oxford, Anh Quốc.
Đại học Oxford là đại học nổi tiếng nhất so với các đại học khác của nước Anh lúc bấy giờ. Các sinh viên của trường này được tuyển chọn từ các đảo thuộc Anh quốc, không có sinh viên nước ngoài ở Oxford, nhưng tiếng tăm của nó vượt ra ngoài ranh giới nưới Anh.

Duns Scot đến Oxford trong tư cách là một tu sĩ Phan sinh. Tại đây “Ngài đã theo học chương trình thông thường được ấn định cho các tu sĩ trẻ Phan sinh theo học thần học”. Sau nhiều năm miệt mài với đèn sách “Ngài đã nhận được văn bằng tương đương bằng tú tài thần học, bởi vì đối với tu sĩ Phan sinh không cần phải thi tú tài”. Ngoài ra ngài cũng đã tham gia giảng dạy nhiều năm tại đại học Oxford.

Là một nguời thông minh lỗi lạc, nhưng chức danh giáo sư ở đại học này không mỉm cười với ngài, ngài không thể có được chức danh này trong thời gian ở Oxford, “vì không có một ghế giáo sư cho dòng Phan sinh tại nước Anh”. Nhưng có lẽ thánh ý Chúa nhiệm mầu không muốn người tôi tớ khôn ngoan của Ngài phải dừng lại ở đó, mà muốn ngài tiến xa hơn trên con đường học thức, để khám pha ra những chân lý cao siêu trong kho tàng mạc khải, nhằm sinh ích cho Giáo hội và phần rỗi của các linh hồn. Điều này thể hiện qua việc Tỉnh dòng Anh em Hèn mọn Anh Quốc đã gửi Duns Scot sang Paris trong thời gian không lâu sau đó.

• Tại Đại học Paris, Pháp Quốc.
Paris có một vai trò và tầm ảnh hưởng to lớn trong thế giới Kitô giáo thời Trung Cổ. Đây là một trung tâm tri thức rất nổi tiếng, thu hút nhiều sinh viên từ các nước khác đến học tập, nghiên cứu và đã sản sinh ra nhiền nhà thần học lỗi lạc như: Alexandre de Halis và Thánh Bônaventura dòng Phanxicô, Tôma Aquinô dòng Đa minh. Theo tác giả Jacques Verger: “Paris đã đóng một vai trò và có một tiếng tăm còn lớn hơn cả Oxford bởi vì cương vị của nó mang tính quốc tế; người tứ xứ đến đó và những nhà thần học thời danh nhất được tuyển chọn trong các Dòng hành khất”.

Đây cũng là trung tâm học vấn có chổ đứng quan trọng của các Dòng Hành khất, là nơi tập trung những học trò và giáo sư xuất sắc nhất của các dòng này: “Các tu sĩ Phan sinh và Đa minh đã đến đó lập nhà từ những năm 1230, và mặc dù các giáo sư triều đã có một đôi lần tìm cách nếu không phải trục xuất thì ít ra cũng là giảm bớt vai trò của họ, nhưng họ vẫn chi phối việc giảng dạy thần học một cách tuyệt đối vào thế kỷ XIII. Và do đó, các Dòng Hành khất đưa các học trò xuất sắc nhất và những thầy giáo nổi tiếng nhất của mình đến Paris”.

Khỏang năm 1300 hoặc 1301, Gioan Duns Scot được các tu sĩ Phan sinh thuộc tỉnh dòng Anh Quốc gửi tới Paris, trong tư cách một tú tài để tiếp tục học tập và tranh luận. Ngài cũng đã tham gia dạy học nhiều năm tại đại học Paris, vì thế tại đại học này ngài được nhận các danh hiệu cao quí nhất của một thầy dạy. Năm 1036 ngài vinh dự được nhận chức danh giáo sư thần học của Đại học Paris: “Dunt Scot đã nhận được bằng giáo sư thần học vào lúc ấy (ngài khỏang 40 tuổi)”.

Kế đến ngài được bổ nhiệm làm giám đốc đại học Phan sinh tại Paris. Trong thời gian này thầy của Duns Scot là Gonzalve de Espagne là một giáo sư thần học Phan sinh. Ngài vừa được bầu vào chức vụ Tổng phục vụ của Hội dòng. Ngài vẫn giữ lòng quí mến với người học trò xuất sắc của mình là Scot, và chính ngài đã đề nghị Duns Scot để làm giám đốc Trường Phan sinh tại Paris. Thế là Duns Scot đã lên thay thế thầy mình và giữ chức vụ này cho đến năm 1307.

Đến thời điểm này danh tiếng của Duns Scot đã lan ra khắp nơi, nguời ta biết đến ngài như một vị “Tiến sĩ Tinh tế”, và thế là một sứ mệnh mới của ngài lại được bắt đầu.

• Tại Cologne, Đức Quốc.
Sau Oxford và Paris thì Cologne nước Đức là địa danh nổi tiếng mà Duns Scot đã từng đến. Riêng địa danh này lại có nhiều ý nghĩa trọng đại hơn trong cuộc đời của ngài, vì nơi đây ngài đã sống những ngày tháng cuối đời và được an nghĩ trong vòng tay yêu thương của các Anh em cùng dòng và sự thương tiếc của mọi người dân thành Cologne.

Cologne là một trung tâm tri thức rất lớn đối với công việc giảng dạy thần học trong thời Trung cổ. Đây chưa phải là một đại học, nhưng là một trường Chính Tòa nổi tiếng ở thế kỷ XI - XII. Hơn nữa, Cologne đã sớm trở thành một trung tâm tri thức lớn của các dòng Hành khất ở Đức, nhất là dòng Đa minh. Albert le Grand, nhà thần học đầu tiên của Dòng Đa minh đã mở trường học ở đó vào khỏang năm 1242.

Dòng Anh em Hèn mọn, cũng sớm có một tu viện ở Cologne. Sự hiện diện trong một môi trường thuận lợi cho các hoạt động tri thức, hẳn anh em Phan sinh cũng đã nghĩ tới việc thành lập một trường học của mình, bên cạnh trường học của anh em Đa minh. Đây là một trong những nguyên nhân mà Duns Scot có mặt ở Cologne.

Khỏang cuối năm 1307 Dòng Phan sinh đã gửi Gioan Duns Scot là vị tiến sĩ nổi tiếng nhất của dòng tới Cologne để thực hiện ý định trên.

Địa danh Cologne như một chân trời mới đang mở ra với Dunt Scot, có nhiều việc ngài phải làm nhằm mở mang tri thức cho nhiều người và tạo lập được mộn ảnh hưởng nào đó cho phong trào Phan sinh. Tuy nhiên, sự nghiệp của ngài ở đây không diễn ra như ý muốn. Chỉ vọn vẹn một năm sau khi đến Cologe, Gioan Duns Scot đã bị đau bệnh và mất tại đó, và được an táng một cách đơn sơ trong nguyện đường của Dòng: “Gioan Duns Scot từ trần ngày 11 tháng 8 năm 1308 và được an táng đơn sơ theo tục lệ riêng của dòng Anh em Hèn mọn. Được bọc trong áo dòng, đầu phủ một tấm khăn, ngài được an táng không có quan tài, tại đây trong nhà nguyện Ba Vua này. Một tấm đá đơn sơ khắc tên và chức danh thần học gia của ngài đánh dấu nơi ngài được chôn cất”.

Cuộc đời của chân phước Gioan Duns Scot là một cuộc hành trình liên tục đúng như tinh thần của Cha thánh Phanxicô “Lữ hành và khách lạ”. Ngài cất tiếng khóc chào đời tại Ecosse, Scotlen, được gửi đến Oxford, nơi ngài đã có một thời gian để “dùi mài kinh sử, và bắt đầu sự nghiệp tri thức của mình. Điều đặc biệt là nơi đây ngài đã được dạy dỗ và hướng dẫn để bước theo Đức Kitô trong cuộc đời thánh hiến trong Dòng Anh em Hèn mọn.

Sau đó ngài được gửi đến Paris, đây là nơi ngài gặt hái được nhiều thành công nhất trong sự nghiệp tri thức của mình với những danh hiệu cao quý, nhất là học vị Tiến sĩ Tinh tế và chức danh Giáo Sư thần học.

Cuối cùn, tại Cologne ngài sống những ngày tháng còn lại của đời người và ra đi về với Thiên Chúa trong niềm thương tiếc của Anh em cùng dòng và người dân thành Cologne.

Một món quà mà dân thành Cologne đã dâng kính ngài, dưới chân mộ của ngài bằng tiếng La tinh sẽ tóm gọn cả cuộc đời của ngài:

“Scốtlen đã thấy tôi sinh ra
Anh quốc đã làm cho tôi thành tu sĩ Phan sinh.
Pháp quốc đã dạy dỗ tôi
Nhưng Cologne đã gìn giữ tôi”.

Những dấu ấn phó phai của một cuộc đời vì Chúa và vì anh chị em, Duns Scot sớm trở thành một Bậc Đáng Kính và một vị thánh trong lòng sùng kính của mọi người.

3. Một vị Chân Phuớc trong lòng sùng kính bình dân và trong Giáo Hội.
Nhìn vào cuộc đời thánh thiện và thông thái của ngài cũng như những gì ngài đã để lại cho hậu thế, dân thành Cologne và những người cùng thời đã tôn kính ngài như một vị Chân phước. Chúng ta nhận thấy điều đó nơi “lịch sử ngôi mộ của ngài”.

Trước hết, để tỏ lòng tôn kính ngài như một bậc thầy thông thái, một người con ưu tú của Giáo hội và đáng được thưởng hạnh phúc đời đời, họ đã khắc ghi trên bia mộ của ngài một câu như sau: “Nơi đây an nghĩ-sau khi tới cùng đích-dòng sông sinh động, ngọn suối của Hội thánh, con đường đưa tới sự giáo huấn về sự công chính, bằng hoa học vấn, hòm bia Khôn Ngoan”. Các nhân đức của ngài là điều mà những người đã chứng kiến và thậm chí cả những người được biết đến một cách gián tiếp, cũng đều đem lòng ngưỡng mộ và kính phục.

Một việc làm cụ thể khác của dân thành Cologne nói rõ hơn sự tôn kính của họ đối với Gioan Duns Scot như là một Chân phước, đó là việc họ di dời hài cốt của ngài rồi đem đặt ngang hàng với vị trí dành riêng cho các vị thánh và chân phước trong cung thánh của nhà thờ: “Khoảng 80 hay 90 năm sau (ngài mất), thi hài của Scot được cải táng vào trong cung thánh của thánh đường. Một ngôi mộ ngay trong cung thánh, bên cạnh bàn thờ đó là nơi dành riêng cho các thánh, các chân phước. Từ đó người ta có thể kết luận rằng, ngay từ đầu hẳn là Scot đã được sùng kính như một vị Chân phước”. Đây là bằng chứng rõ ràng nhất nói lên lòng sùnh kính của mọi người dành cho ngài trong thời gian xa xưa.

Gần đây Giáo hội cũng đã ghi nhận lòng tôn sùng của truyền thống này và ghi nhận những đóng góp to lớn của Gioan Duns Scot cho triết học và thần học Kitô Giáo. Điều đó được thể hiện qua việc Đức Giáo Hòang Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho ngài vào ngày 06/07/1991.

Việc tôn kính chân phước Gioan Duns Scot ngày nay đã trở thành chính thức cho cả Giáo Hội. Lễ kính ngài được ấn định vào ngày 08/11 hằng năm.

4. Thay lời kết
Đọc lại đôi nét về cuộc đời của chân phước Gioan Duns Scot là dịp thuận tiện giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quát về cuộc đời và sự nghiệp của một nhà triết học và thần học thông thái của Giáo hội nói chung và của Phong trào Phan sinh nói riêng. Ngài là tấm gương cho đời sống học vấn của người trẻ.

Kế đến. chúng ta cũng tìm hiểu những lý do tại sao Dòng Phan sinh và vô số tín hữu khác tôn kính ngài như một vị Chân phước từ lâu đời và gần Đây Giáo hội đã phong chân phước cho ngài. Qua đó, chúng ta ôn lại các nhân đức thánh thiện của ngài, để chúng ta noi gương bắt chước ngài, nhằm làm cho đời sống thiêng liêng của chúng ta ngày càng phong phú hơn.

Hơn nữa, việc làm này cũng giúp chúng ta thêm lòng sùng kính ngài và tin tưởng hơn vào lời chuyển cầu mạnh thế của ngài bên Tòa Chúa, để chúng ta năng chạy đến với ngài, cầu khẩn ngài ra tay nâng đỡ và dẫn dắt chúng ta trong cuộc đời lữ thứ thần gian.
Quang Huyền, Ofm