PDA

View Full Version : Chuỗi bảy sự vui của Đức Mẹ.



Dauan_tinhyeu
21-07-2009, 10:06 AM
CHUỖI BẢY SỰ VUI CỦA ĐỨC MẸ



FX Long, ofm
1.- Lịch sử
Đây là việc tôn kính Đức Mẹ đã có từ lâu đời trong Dòng Phan Sinh. Theo cha K. Esser, chính thánh Phanxicô là nguồn gốc của truyền thống đạo đức này (x. Thèmes spirituels, cước chú 88, tr. 177), vì ngài đã dạy anh em phải ham thích suy niệm cách ưu tiên về CÁC SỰ VUI CỦA ĐỨC MẸ, “để Chúa Kitô một ngày kia, ban cho anh em niềm vui vĩnh cửu” (Truyện ký bằng thơ, XII, 9-15).
Tuy nhiên phải xác định thêm rằng: lời dạy của cha thánh chỉ gợi hứng và mở đường cho một truyền thống đạo đức trong Dòng, dẫn tới hình thức tôn kính cụ thể là Chuỗi bảy mươi Kinh Kính Mừng kính Bảy Sự Vui của Đức Mẹ. Chuỗi này xuất hiện vào năm 1422 với câu chuyện sau đây được đã cha Luca Wadding (1588-1657), là một tu sĩ Phan Sinh Ai-len chuyên viết biên niên sử của Dòng, kể lại.
Năm ấy, có một thanh niên vốn rất yêu mến Đức Mẹ, xin vào Dòng Anh Em Hèn Mọn. Từ lấu rồi, anh đã có thói quen ngày nào cũng kết một vòng hoa đặt lên đầu tượng Đức Mẹ. Vì chương trình sống nhiệm nhặt của tập viện không cho phép anh làm việc đó, anh có ý định xuất tu. Đang lúc lương tâm anh bị dằn vặt như thế, Đức Mẹ đã hiện ra nói với anh: “Con lo buồn làm gì? Hãy nghe Mẹ đây này: Từ nay con hãy thay thế món quà con thường dâng cho Mẹ bằng một món quà quý báu hơn. Con hãy kết cho Mẹ một triều thiên đẹp hơn vòng hoa hồng kia, một triều thiên thiêng liêng làm bằng những lời kinh Kính Mừng của thiên thần, mà con có thể đọc bất cứ lúc nào. Vậy mỗi ngày con hãy đọc 7 lần một chục kinh Kính Mừng kèm với một kinh Lạy Cha, để kính nhớ Bảy Sự Vui của Mẹ:
1- Khi thiên thần đến truyền tin cho Mẹ chịu thai,
2- Khi Mẹ đi viếng bà thánh Elisabét,
3- Khi Mẹ sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá,
4- Khi Ba Vua đến thờ lạy Người,
5- Khi Mẹ tìm được Đức Chúa Giêsu nơi đền thánh,
6- Khi Đức Giêsu sống lại,
7- và khi Mẹ được về trời vinh hiển.
Nếu mỗi ngày con đều làm như thế, quả thật đã con dâng cho Mẹ một triều thiên làm cho Mẹ vui lòng và làm cho con được đầy công đức”. Thầy tập sinh quỳ gối làm ngay như lời Đức Mẹ dạy. Vừa lúc ấy cha giám sư đi qua. Ngài trông thấy một thiên thần đang đặt lên đầu thầy một triều thiên kết bằng hoa hồng và hoa huệ.
Câu chuyện này được phổ biến nhanh chóng trong Dòng, và từ đó phát sinh Chuỗi Kinh Phan sinh kính Bảy Sự Vui của Đức Mẹ. Một lúc nào đó người ta đã thêm vào cuối “Chuỗi Bảy Mươi” hai kinh Kính Mừng, rồi một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng để cầu nguyện cho Đức giáo hoàng (x. Manuel de l’Ordre de la Pénitence, Paris 21946, tr. 578-579).
2.- Vài suy nghĩ
Việc tôn kính Đức Mẹ bằng chuỗi Bảy Sự Vui chắc chắn phù hợp với tinh thần và ý muốn của thánh Phanxicô. Cũng chắc chắn là việc đạo đức này đã được phổ biến rộng rãi trong Đại gia đình Phan sinh, và đã được Giáo hội công nhận, tương tự như việc đạo đức của Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ, được gọi là Chuỗi Bảy Sự Thương Khó của Đức Mẹ. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận cách khách quan rằng Chuỗi Mân Côi của Dòng Đa-Minh với 150 kinh Kính Mừng, phân phối thành Năm Sự Vui, Năm Sự Thương và Năm Sự Mừng, có giá trị bao quát và đầy đủ hơn Chuỗi Bảy Sự Vui của Dòng Phan Sinh. Chính vì thế, các Đức giáo hoàng, từ thánh Piô V thuộc Dòng Đa-Minh (tk 16) đến Đức Phaolô VI và Đức Gioan-Phaolô II (tk 20) đều đồng thanh khuyến khích mọi thành phần Dân Chúa chuyên cần cầu nguyện bằng Chuỗi Mân Côi (xem chẳng hạn Tông huấn Marialis Cultus về việc tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, số 42-55). Mới đây Đức Gioan-Phaolô II còn lập ra Năm Sự Sáng (x.).
Nhìn trong quá trình lịch sử, chuỗi Phan sinh Bảy Sự Vui đã hình thành và phát triển song song với Chuỗi Mân Côi. Hai truyền thống tôn kính Mẹ Maria của hai Dòng Đa-Minh và Phan-Sinh tiếp nối và phát huy truyền thống tôn kính Mẹ Maria của Dòng Xitô. Thánh Bênađô, “ca sĩ của Đức Mẹ”, đã đóng góp rất nhiều vào việc phổ biến lòng sùng kính đậm nét vui tươi và đượm màu hoa (piété joyeuse et fleurie) đối với Đức Maria (M.-M. Gorce, “Rosaire”, trong Dictionnaire de Théologie Catholique, X, cột 2906-7). Rồi đến một lúc nào đó, hầu như toàn bộ nội dung của Chuỗi Phan Sinhtrùng hợp với gần một nửa nội dung của Chuỗi Mân Côi. Trong số Bảy Sự Vui của Chuỗi Phan Sinh, chỉ có Sự Vui thứ tư (Ba vua đến thờ lạy Chúa Giêsu) là thiếu vắng trong Chuỗi Mân Côi được ấn định chính thức từ thời thánh Piô X.
Truyền thống dạy anh em đọc kinh Kính Mừng sau kinh Lạy Cha và suy niệm về Các Sự Vui chắc chắn ăn khớp với bầu khí của giai đoạn đầu của trong quá trình hình thành Chuỗi Mân Côi. Thật vậy, trong giai đoạn đó (tk 12-14), Chuỗi Mân Côi còn đượm tính chất vui tươi, chứ chưa chú ý tới các Sự Thương của Chúa Giêsu và Mẹ Maria (x. Gorce, cột 2908). Sự hình thành Chuỗi Phan Sinh vào năm 1422 tập trung rõ nét vào Năm Sự Vui của Đức Mẹ cũng tương ứng với sự hình thành rõ nét của Các Sự Vui trong Chuỗi Mân Côi vào thời kỳ ấy. Sau đó, Chuỗi Mân Côi tiếp tục phát triển theo hướng bao hàm thêm Các Sự Thương. Phía Dòng Phan Sinh, chuỗi kinh kính Đức Mẹ dừng lại ở Bảy Sự Vui, nhưng lòng sùng kính đặc biệt của các Anh Em Hèn Mọn đối với Sự Thương Khó của Chúa Kitô lại sáng tạo ra Đàng Thánh Giá. Vào khoảng tk 16, Chuỗi Mân Côi của Dòng Đa-Minh cũng như Đàng Thánh Giá của Dòng Phan-Sinh đạt tới hình thức cố định. Cũng vào khoảng thời gian đó, thánh giáo hoàng Piô V chính thức phê chuẩn Kinh Truyền Tin dưới dạng công thức đơn giản như ta đọc hiện nay. Kinh Truyền Tin cũng là một hình thức suy niệm về Các Sự Vui của Đức Mẹ và có liên hệ tới Dòng Phan-Sinh.
Tóm lại, nếu nhìn vào nội dung của Chuỗi Phan Sinh và bảy Sự Vui và đạt nó vào trong toàn bộ cuộc tiến hóa của lòng sùng kính Mẹ Maria trong Giáo hội, từ thời thánh Bênađô (tk 12) và có lẽ từ trước thời ngài nữa, cho đến khi Giáo hội, qua tiếng nói của thánh giáo hoàng Piô V (tk 16), chính thức công nhận và giới thiệu Chuỗi Mân Côi của Dòng Đa-Minh cho toàn thể Giáo hội, chúng ta có thể kết luận: Chuỗi Phan-Sinh về Bảy Sự Vui là một giai đoạn – và là một giai đoạn vừa quan trọng, vừa độc đáo – trong cuộc ttiến hóa dẫn tới Chuỗi Mân Côi.
Chúng ta có lý do chính đáng để dành ưu tiên cho Chuỗi Mân Côi. Và trong thực tế, hiện nay đại đa số, nếu không phải là tất cả anh chị em Phan Sinh, đã làm như thế. Tuy nhiên, nếu không làm được hằng ngày như các thế hệ Phan Sinh trước đây, ít nhất thỉnh thoảng chúng ta cũng nên đọc Chuỗi Phan Sinh về Bảy Sự Vui của Đức Mẹ (có thể thay thế Năm Sự Vui của Chuỗi Mân Côi) để nuối dưỡng trong mỗi người chúng ta ý thức về truyền thống Phan Sinh là một truyền thống lớn, có nhiều nét đẹp, phong phú và độc đáo. Thêm vào đó, việc suy niệm về Sự Vui thứ tư (Ba vua đến thờ lạy Chúa Giêsu) trong Chuỗi Phan Sinh có thể góp phần rèn luyện tinh thần thừa sai và tinh thần đối thoại hòa bình và cứu độ của các tôn giáo, như cha thánh Phanxicô đã chứng tỏ và nêu gương cho chúng ta.
www.tamlinhvaodoi.net (http://www.tamlinhvaodoi.net)