PDA

View Full Version : SUY NIỆM LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B



Ngaibiet_conratyeuduoi
23-07-2009, 01:38 PM
“Cá cược” cuộc đời vào tay Chúa Ga 6, 1-15
Tạm biệt tin mừng Máccô, chúng ta trở lại với Tin mừng Gioan trong trình thuật về việc Chúa hoá bánh ra nhiều. Nhìn chung, trình thuật này cũng như nơi Tin mừng Nhất lãm ít nhiều chịu ảnh hưởng của trình thuật về phép lạ hoá bánh ra nhiều của ngôn sứ Êlisê (x. 2V 4, 42-44). Tuy nhiên, nơi trình thuật của Tin mừng hôm nay còn bao hàm dụng ý thần học, chúng ta cùng tìm hiểu.
Trong Tin mừng, có một địa danh nhưng được gọi bằng nhiều tên. Đó là biển hồ Galilê. Vậy thì đây là biển hay hồ? Địa danh này nằm ở phía bắc xứ Palettine, thuộc miền Galilê. Tân ước thì gọi là biển Galilê, nhưng Cựu ước thì gọi là hồ Ghennêxarét (x. Lc 5,1 ; Gs 12,3). Đúng ra là hồ, vì nơi đây chứa một lượng lớn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng. Sở dĩ người ta quen gọi là biển vì đó là cách gọi của ngôn ngữ Sêmít. Thánh sử Gioan còn gọi là hồ Tibêria. Lý do là vào năm 20 BC, vua Hêrôđê Antipa xây một thành ở phía nam hồ Galilê và đặt tên là Tibêria- tên của hoàng đế Roma Tiberius. Tại nơi đây, một lần nữa, chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều nuôi sống dân chúng.
Chúng ta không biết lý do vì sao Chúa Giêsu lại hỏi ông Philipphê, chỉ biết là Chúa hỏi để “thử” ông vì Chúa biết phải làm gì. Trái lại, Philipphê thì không nghĩ như vậy. Ông bắt đầu tính toán, ước lượng để rồi sau đó là một kết luận đầy vẻ bi quan. “Có mua 200 đồng bạc bánh cũng chẳng đủ mỗi người một chút”! Thật vậy, Philípphê bi quan cũng đúng thôi. Vì 200 đồng bạc lúc bấy giờ là một số tiền lớn. Chúng ta biết một đồng thời đó là tiền công của cả một ngày lao động vất vả (x. Mt 20,2). 200 đồng bạc tương đương với 200 ngày công. Đem tiền công của 200 ngày lao động để mua bánh cho một bữa ăn, điều đó cho thấy nổi lo lắng của Philípphê là có cơ sở đồng thời cũng cho thấy dân chúng đông đến cỡ nào! Phản ứng của Philipphê cũng giống như phản ứng của Môsê năm nào. Nó cho thấy tự sức, con người không tài nào giải quyết được chuyện gì nếu không có sự can thiệp của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, nỗi lo lắng của Philípphê phần nào được Thánh Anrê chia sẻ khi ông phát hiện một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá mang theo để làm lương thực cho gia đình. Chính từ đây, phép lạ xuất hiện. Phép lạ của Chúa Giêsu mang âm hưởng phép lạ thời Cựu ước và loan báo bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy đối chiếu phép lạ thời Ngôn sứ Êlisê và thời Chúa Giêsu để xem có những mối tương đồng nào:
Sự kiện
Thời Ngôn sứ Êlisê (2V 42-44}
Thời Chúa Giêsu (Ga 6, 1-15)
1. Không có cùng sự cân xứng.
2. Người trong cuộc tỏ vẻ lo lắng.
3. Cùng ra lệnh cứ làm theo.
4. Ăn vẫn còn dư.
- 20 bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị cho 100 người.
- Chú tiểu đồng của Êlisê hỏi : “Làm sao cho đủ 100 người?”
- Êlisê bảo: “Cứ phát cho người ta ăn”.
- Họ đã ăn mà vẫn còn dư.
- 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé cho 5000 người đàn ông
- Philipphê trả lời : “Có mua đến 200 đồng bánh cũng chẳng đủ mỗi người một chút”.
- Chúa Giêsu bảo : “Bảo họ nằm ngã xuống đi”.
- Dư 12 thúng đầy.
Nhìn vào bảng đối chiếu chúng ta thấy việc làm của Chúa Giêsu vượt trội hơn rất nhiều so với việc làm của ngôn sứ Êlisê thời Cựu ước. Chính phép lạ của Ngôn sứ Êlisê như là hình ảnh tiên báo về phép lạ mà hôm nay Chúa Giêsu thực hiện cho dân Người. Và, Chúa Giêsu chính là Môsê mới- người hằng quan tâm lo lắng cho dân chúng và chu toàn trách vụ Giavê giao phó. Câu hỏi mà Chúa Giêsu đã hỏi Thánh Philipphê như là lời vang vọng của Môsê xưa thân thưa cùng Thiên Chúa khi dân lẩm bẩm trách ông trong hoang mạc : “Con kiếm đâu ra thịt cho dân này ăn đây?” (Ds 11,13). Phép lạ đã được Thiên Chúa thực hiện để nuôi sống đoàn dân lữ thứ trong hoang địa xưa kia, nay cũng được tái hiện bên kia biển hồ Tibêria, nhằm giúp cho dân Người no lòng thoả dạ.
Lời lẽ của trình thuật “Cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn và phân phát” chính là những lời mà cộng đoàn Gioan vẫn thường nghe trong những buổi cử hành nghi thức Thánh thể. Như thế, trình thuật Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều nuôi sống dân chúng không chỉ đơn thuần là một phép lạ mà còn là lời loan báo cho một nhiệm tích – rồi đây, chính Chúa Giêsu sẽ trở nên lương thực Thần linh nuôi sống dân Người.
Cậu bé trong Tin mừng hôm nay khi quảng đại dâng trọn vẹn lương thực của mình như là chất xúc tác để Chúa Giêsu thực hiện phép lạ khiến không ít người cảm động. Thật vậy, nói như Đức Gioan Phaolô đệ nhị trong lần người viếng thăm mục vụ Scotland năm 1982, rằng cậu bé đã trao cho Chúa tất cả những gì cậu có để nhờ đó, Chúa thết đãi cho đám đông ăn no mà vẫn còn dư. Đồng thời người còn kêu gọi các bạn trẻ trên toàn thế giới hãy trao phó cuộc đời vào tay Chúa. Chắc chắn Chúa sẽ chúc lành và biến đổi cuộc đời mỗi người trở nên tốt đẹp vượt xa những gì họ đang ước vọng.
Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa như cậu bé trong Tin mừng đã làm. Hãy nhớ phép lạ chỉ trở nên hiện thực khi chúng ta dám “cá cược” cuộc đời chúng ta vào tay Thiên Chúa để nhờ đó, Người sẽ làm nên những điều kỳ diệu. Vấn đề ở chỗ, chúng ta có dám “trao thân gửi phận” cho Thiên Chúa hay không mà thôi.
Lm Joseph Phạm Ngọc Ngôn,Csjb