PDA

View Full Version : SUY NIỆM LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN NĂM B (2-8)



Ngaibiet_conratyeuduoi
29-07-2009, 10:18 AM
SUY NIỆM LỜI CHÚA



CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN NĂM B







RA CÔNG TÌM KIẾM LƯƠNG THỰC



KHÔNG HƯ NÁT!

Đoạn Tin Mừng Gio-an chương 6 gây cho ta một thắc mắc : Đúng lý ra trình thuật Chúa hóa bánh cá ra nhiều nuôi dân (x Ga 6,1-15), phải đi liền với diễn từ về mầu nhiệm Bí tích Thánh Thể (x Ga 6,22t), để nói lên người ta phải tìm của nuôi linh hồn quan trọng hơn là bánh nuôi thân xác. Thế mà tác giả Gio-an lại viết chen phép lạ Chúa Giê-su đi trên mặt biển đến với thuyền các môn đệ đang gặp biển động quyền phong đốc thổi (x Ga 6,16-21).
Sở dĩ ông Gio-an viết chen phép lạ này giữa trình thuật hóa bánh và diễn từ Thánh Thể, là dấu chỉ báo trước cho các môn đệ biết : Nếu các ông thấy dân đói khát của ăn vật chất, họ phải chạy đi tìm kiếm các ông để xin giải quyết (x Ga 6,14.22-26), mà các ông thấy đó là việc phải làm quan trọng, rất thực tiễn, phải giúp họ tận tình mới là sống bác ái, để rồi các ông bỏ bê xao nhãng việc cầu nguyện và giảng Lờilà bổn phận chính của các ông, thì chắc chắn cộng đoàn sẽ gặp sóng gió, gây bất hòa với nhau (x Cv 6,1-7). Sóng gió này hơn thuyền các môn đệ gặp giông tố bão táp trên biển!
Vậy ta muốn được bình an đích thực, ta cần phải có Chúa Giê-su Phục Sinh hiện diện (x Ga 6,20 ; 20,19.26) từng ngày trong đời ta, để ta sống khác với dân ngoại, Ngài giúp ta canh tân đổi mới cuộc đời, cho ta được sống giống như Thiên Chúa (x Ep 4,17.20-24 : Bài đọc II).
I. ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI MUỐN ĐƯỢC BÌNH AN ĐÍCH THỰC CẦN PHẢI CÓ CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH HIỆN DIỆN.
Chúa Giê-su Phục Sinh không bao giờ chúc bình an cho ai khi Ngài gặp họ không sống chung với các Tông Đồ trong ngày Chúa nhật! Nói cách khác, Ngài chỉ ban bình an cho cộng đoàn Ngài chọn họp nhau trong ngày Chúa nhật mà thôi! (x Ga 20,19.26)
Ta biết ngày Chúa nhật là ngày Chúa Giê-su hoàn tất giá trị Phụng Vụ, đó là kế hoạch Chúa cứu độ con người, nhờ mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su, và chỉ trong Phụng Vụ, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa mới nói với chúng ta : “Mọi sự của Cha đều là của con” (x Ga 17,7-10 ; Lc 15,31), vì khi ta “CÓ” đầy đủ mọi sự Chúa ban cho,ta mới thực sự được bình an.
Ông Mô-sê được Chúa dùng dẫn dân Chúa thoát nô lệ Ai-cập, ông hỏi tên Chúa là gì, để ông về nói với dân theo ông ra khỏi Ai-cập. Chúa nói với ông : “TA LÀ” hay “TA CÓ” (x Xh 3,13-14). Suốt thời Cựu Ước dân Chúa cứ thắc mắc : “Chúa là gì? Hay Chúa có gì?” Vào thời Tân Ước, Con Thiên Chúa sinh làm người, Ngài mới mạc khải nội dung và ý nghĩa danh Gia-vê qua bảy lần Ngài nói :

1-Ta là bánh ban sự sống, ai đến với Ta không còn đói khát (Ga 6,35).
2-Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta không còn ở trong tối tăm, nhưng có ánh sáng sự sống (Ga 8,12).
3-Ta là cửa ràn chiên (Chúa Giê-su dẫn ta vào Hội Thánh), ngoài Ta ai dẫn các ngươi nó là trộm là cướp! (Ga 10,7).
4-Ta là Mục Tử tốt lành, Ta thí mạng sống vì chiên (Ga 10,10).
5-Ta là sự sống lại và là sự sống (Ga 11,25).
6-Ta là đường và là sự thật, sự sống (Ga 14,6).
7-Ta là cây nho đích thực (Ga 15,1).
Chúng ta lưu ý 7 lần Chúa Giê-su nói “Ta Là”, thì mở đầu (lần I) : “Ta là bánh”, và kết thúc (lần VII) : “Ta là nho”. Bánh và nho là dấu chỉ của Bí tích Thánh Thể. Như thế, qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su Phục Sinh tái tạo (số 7 dấu chỉ một tuần Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ) kẻ đón nhận Ngài mỗi ngày được nên hoàn hảo giống Thiên Chúa hơn. Đó là ý định ngàn đời Thiên Chúa muốn tạo dựng con người cách hoàn hảo trong Chúa Giê-su, như lời thánh Phao-lô nói :
-“Thiên Chúa đã quyết ý cho tất cả được viên mãn đậu lại trong Chúa Giê-su” (Cl.1,19).
-“Bởi vì Người đã chọn ta trong Ngài từ tạo thiên lập địa, để ta được nên thánh… nhờ máu Người đổ ra cho ta được ơn tha tội… Vì sự an bài của Người cho muôn thời được viên mãn, là thâu họp vạn vật dưới một đầu một mối trong Đức Ki-tô, vật ở trời cao, vật nơi dương thế” (Ep 1,4-10).
II. ƠN CỨU ĐỘ CỦA CHÚA CHỈ BAN “HÔM NAY” THÔI.
Trong giờ Kinh Phụng Vụ ban sáng, chúng ta thường đọc : “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa” (Tv 95/94,7). Nên Chúa kêu gọi : “Hôm nay con đi làm vườn nho cho cha” (Mt 21,28). Bởi vì Chúa chỉ xét xử người ta trong giây phút hiện tại : “Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của nó, và làm điều bất chính, thì chính vì điều bất chính nó đã làm, mà nó phải chết ; còn kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó cứu được mạng sống nó” (Ed 18,26-27).

Ta nhớ 7 lần Chúa Giê-su đều xưng danh “Ta Là” (ở thì hiện tại) mà Tin Mừng Gio-an đã ghi lại, để diễn tả sự vô cùng giàu có của Chúa (ý nghĩa con số 7) trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su công bố ở thời hiện tại. Do đó xưa dân Chúa đi trong sa mạc, muốn có đủ sức tiến về miền đất Chúa hứa, thì mỗi ngày (hiện tại), họ phải đi lượm man-na để ăn cho đủ ngày hôm đó thôi (x Xh 16,2-15 : Bài đọc I). Man-na đó là dấu chỉ về Bí tích Thánh Thể, Chúa thông ban sự sống đời đời của Ngài cho ta (x Ga 6,57). Thế mà ta không thèm ăn Man-na mới của Chúa Giê-su ban cho mỗi ngày, thì làm sao ta đủ sức tiến về Thiên Đàng, đấy mới là đích thực miền đất Chúa hứa cho dân Ngài, hơn xưa đất Ca-na-an Chúa hứa cho dân Do-thái.
III. TA ĐÁP LẠI TÌNH YÊU CHÚA BAN CHO TA QUA BÍ TÍCH THÁNH THỂ.
Thánh Phao-lô trong Bài đọc II đã dạy chúng ta :
1/ “Anh em đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ chỉ sống theo những tư tưởng phù phiếm” (Ep 4,17). Họ chỉ lo tìm kiếm của cải vật chất, vì chủ trương rằng : “Có tiền mua tiên cũng được”, nghĩa là cứ có đầy đủ của cải là có dư thừa hạnh phúc! Đó thực là tư tưởng phù phiếm mà nhiều kẻ lại lấy đó làm thánh giáo! (x Mt 15,9)
2/ “Anh phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát, vì bị những ham muốn lừa dối” (Ep 4,22), như dân Do-thái muốn trở lại kiếp nô lệ Ai-cập, mơ tưởng được ngồi bên niêu thịt mà ăn bánh thỏa thuê, nên họ kêu trách ông Mô-sê và ông A-ha-ron : “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập” (x Xh 16,3 : Bài đọc I) ; còn dân Chúa hôm nay, chỉ mong ước được thỏa mãn các đam mê xác thịt, chấp nhận nô lệ cho sa-tan! Văn hào người Nga tên là Dostoeski nói : “Ngày nay nếu đặt trước mắt người ta tự do và bánh mì ; hoặc chân lý và quyền lợi, thì người ta sẽ chọn bánh mì và quyền lợi! Mặc dù lương tri con người ai cũng biết : Tự do và chân lý thì cao quý hơn quyền lợi và bánh mì!”
3/ “Anh em phải để cho Thần Khí đổi mới tâm trí anh em” (Ep 4,23). Cụ thể như 11 môn đệ của Chúa, họ kiên nhẫn theo Thầy Giê-su đến cùng (x Mt 24,13), nên sau khi họ đã được rước lễ, Chúa biến đổi họ từ những mảnh đất vệ đường, đá sỏi, bụi gai (x Mt 13,19 = Mc 8,17-21 ; Mt 13,20-21 = Mc 14,50 ; Mt 13,22 = Mc 10,35-40), trở thành những mảnh đất tốt, làm cho hạt giống Lời Chúa đơm bông kết trái, cho muôn dân, mọi thời cho đến tận thế được no thỏa.
4/ “Anh em phải mặc lấy con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, để thực sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,24).
Trong các bài giảng của Chúa Giê-su, chỉ có bài giảng về mầu nhiệm Thánh Thể là dài nhất (x Ga 6,26-59 : 33 câu), như vậy Chúa Giê-su muốn nói về việc cử hành Thánh Thể : giáo dục dân bằng Lời Chúa là quan trọng nhất ; bởi lẽ mỗi Thánh lễ là một cuộc Sáng tạo mới trong Chúa Giê-su Phục Sinh, mà giáo dục ai, chính là tạo hình (formation) người ấy theo một khuôn mẫu, Thiên Chúa đã không chọn được một con vật nào mà Ngài đã dựng nên nó rất tốt đẹp, để làm mẫu tạo dựng loài người (x St 2,19-20), mà Thiên Chúa chỉ lấy hình ảnh Ngài làm khuôn mẫu tạo dựng loài người, để con người được đồng hóa với Thiên Chúa (x Gl 2,20). Chính vì thế mà khi tạo dựng loài người, Thiên Chúa bàn bạc với nhau, để nhờ Lời của Ngài phán ra, con người được được Thiên Chúa nắn tạo theo hình ảnh của Ngài (x St 1,26-27). Cũng vì Chúa muốn qua mầu nhiệm Thánh Thể, dân Chúa phải được tái tạo hình (formation) theo mẫu Thiên Chúa bằng việc giáo dục Lời của Ngài. Đó là lý do Chúa Giê-su nhắc lại lời ngôn sứ I-sai-a chương 54, câu 13 : “Con cái của ngươi (Giê-ru-sa-lem mới) hết thảy đều được Thiên Chúa giáo dục” (Ga 6,45).
Trong trình thuật Sáng tạo lần II, Thiên Chúa đã lấy đất sét nắn tạo nên loài người (x St 2,7). Nên mỗi khi ta dự Thánh lễ, ta như cục đất sét trong tay Đấng Sáng Tạo (x Is 64,8). Do đó mỗi lần ta đến dự lễ cách trọn vẹn, ta lại được Chúa Giê-su nắn tạo ta mỗi ngày nên hoàn hảo hơn. Thánh Phao-lô nói : “Phàm ai kết hợp với Đức Ki-tô, họ là thụ tạo mới, con người cũ đã qua đi, và con người mới được tạo thành” (2Cr 5,17).
Nếu nắm đất sét trong tay người thợ gốm, ông chỉ nắn tạo tác phẩm có một lần trong ngày, thì tác phẩm đó chắc chắn là tầm thường. Trái lại, tác phẩm đó được người nắn tạo ra nó mỗi ngày ông sửa một chút, cho tới cả trăm năm mới xong, thì chắc chắn nó là một kiệt tác. Không biết một Ki-tô hữu chỉ giữ Luật rước lễ mỗi năm một lần vào mùa Phục Sinh, mà họ được Chúa cho sống tới 100 tuổi, thì họ chỉ được Chúa nắn tạo 100 lần, trong khi đó muốn Chúa nắn tạo họ 36.000 lần mà không được, thì liệu trong thời Phục Sinh, họ có phải là người “khuyết tật” không?! Mà đã trở thành kẻ “khuyết tật” vì lười rước lễ, nên vào ngày cánh chung, nó lết mãi mới tới Thiên Đàng, lúc ấy các thánh mạnh khỏe vào trước đã dự tiệc xong, ai cũng được no thỏa vui vẻ ra về, còn kẻ “khuyết tật” vào Thiên Đàng trễ, để đi dọn bàn hay rửa chén ư?!
Thánh Gio-an diễn tả : “Ngày cánh chung các thánh là những cô dâu mặc áo trúc bâu vào dự tiệc cưới, áo trúc bâu đó là công đức của các thánh” (Kh 19,7-8), mà kẻ lười rước lễ, chắc chắn là do thiếu đức tin, thiếu lòng mến Chúa, thì áo đó có phải là áo cưới của họ mặc không? Kẻ không mặc áo cưới mà vào dự tiệc, sẽ bị tống vào ngục tù! (x Mt 22,1-13)
Chúng ta cùng cầu nguyện : "Lạy Chúa, Chúa khiến man-na tựa hồ như mưa đổ xuống và ban bánh bởi Trời nuôi dưỡng con, kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần, Chúa gởi đến cho con dồi dào lương thực, Chúa dẫn đưa con vào miền đất thánh” (Tv 78/77, 24-25.54-55 : Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh (Ga 6,27)
Lm Đinh Quang Thịnh