PDA

View Full Version : Cầu nguyện theo sách Giáo Lý Căn Bản.



Dauan_tinhyeu
21-08-2009, 12:20 PM
Cầu nguyện theo sách Giáo Lý Căn Bản

Cầu nguyện là gì ?
Cầu nguyện là chú ý tới Chúa nghe Lời Chúa, nói với Chúa, nhìn về Chúa, ý thức Chúa hiện diện. Có nhiều cách cầu nguyện cũng như có nhiều cách liên hệ và nói chuyện với người khác. Thinh lặng nhưng chú ý có thể là lời cầu nguyện.

Cầu nguyện một mình hay theo nhóm tốt hơn ?
Cả hai đều quan trọng. Lời cầu nguyện Kitô hữu tập chú trong việc cử hành Thánh Thể: đây là lời cầu của toàn thể cộng đoàn cùng với Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu cũng dạy ta cầu nguyện một mình với cha: "Đấng thấy hết những việc làm trong bí mật." (Matt. 6:6)

Chúa Giêsu có cầu nguyện khi còn tại thế ?
Ngài thường lên đồi vào ban đêm hay vào những nơi thanh vắng để cầu nguyện. Ngài cầu nguyện trước khi có những biến cố quan trọng hay quyết định đặc biệt. Ngài cũng cầu nguyện trong những dịp khác: với các môn đệ, trên người bịnh, cho người đau khổ. Khi đọc tin mừng ta có cảm tưởng cầu nguyện là hơi thở của Ngài và Ngài gần Chúa trong mọi lúc.

Chúa Giêsu nói với Chúa Cha thế nào ?
Ngài gọi Chúa Cha là: Abba. Đây là tiếng trẻ thơ gọi cha nó. Cũng giống như trong Việt ngữ: Ba, Bố, Thày, Cha. Ngài nói với cha đơn sơ và cảm xúc.

Chúa Giêsu có dạy bạn hữu cầu nguyện không ?
Ngài bảo họ cầu nguyện liên lỷ, không nản chí, nhất là khi gặp khó khăn. Ngài dạy là trước hết chúng ta phải cảm tạ Chúa và chấp nhận những gì Chúa cho ta. Ngài nói Chúa luôn nghe lời cầu nguyện. Ngài không hứa là Chúa sẽ nhận lời cầu của ta như ta xin nhưng nói là Chúa sẽ trả lời cho lời cầu nguyện của ta. Cầu nguyện hợp nhất ta với Chúa.

Chúa Giêsu có dạy môn đệ cầu nguyện không ?
VÌ bạn hữu khẩn khoản xin Ngài, ngài dạy họ một lời cầu nguyện đó là kinh Lạy cha. Đây là lời cầu ngắn gọn mạnh mẽ và lưu truyền qua bao thế hệ Kitô giáo. Kinh này được hát lên hay đọc trước khi hiệp lễ.

Tại sao nói "Lạy Cha chúng tôi" thay vì nói "Cha tôi" hay "Chúa tôi ơi" ?
Ta đọc Lạy Cha vì Chúa Giêsu muốn tạo lập một cộng đoàn và một dân Chúa mới nơi bạn hữu Ngài. Ngài muốn tụ họp nhân loại vào một gia đình dầu cho khác biệt ngăn cách họ. Khi ta đọc kinh Lạy Cha ta nói Chúa là cha tất cả và tất cả là anh em chị em của Chúa Giêsu. Lời cầu nguyện này nối kết ta trong tình liên đới phổ quát.

Những lời xin trong kinh Lạy Cha có ý nghĩa gì ?
Những lời xin đầu tiên không phải cho nhu cầu của con người. Ta xin Cha cho danh Ngài sáng láng và ý Ngài thể hiện. Chúng ta không để ý đến lợi lộc của ta. Chúng ta chấp nhận Chúa biến đổi đời ta. Ta xin cho vương quốc tình yêu và an bình lớn lên trong thế gian nơi bạo lực, kiêu ngạo và tiền bạc làm chủ. Ta nói muốn làm theo ý Chúa, Đấng kêu mời ta tìm kiếm công bình và thiện hảo. Trong phần nhất của kinh này, ta ra khỏi chính mình cũng như ao ước chật hẹp của mình để hiện diện trước mặt Chúa.

Xin bánh hàng ngày có nghĩa gì ?
Tiến bánh hàng ngày có nhiều nghĩa: bánh cho thân xác, những gì nâng đỡ cuộc sống và sự vất vả của ta và sau cùng có nghĩa là bánh Thánh là của nuôi ta ban lại sự sống đời đời.

Tại sao Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự tha thứ ?
Chúa làm cho nhiều người ngạc nhiên khi ngài nói:phải yêu cả kẻ thù. (Luke 6:27-35) Ngài muốn nhấn mạnh đến sự tha thứ và lòng nhân từ của Chúa và gọi ta chia xẻ cuộc sống của Ngài. Ngài xin kẻ theo ngài phải từ bi như cha là đấng từ bi và tha thứ như Chúa thứ tha. (Luke 6:36-37). Nói cách khác, Ngài đòi ta tỏ ra yêu thương hơn hết mọi sự ngay cả khi không thể được.

Cám dỗ Chúa nói tới là gì ?
Trong thời Chúa Giêsu người ta có cảm tưởng một biến cố lớn lao sắp xảy ra và trong đó người ta sẽ bị khủng hoảng đức tin: nói có hay không với Chúa. Họ xin cho sự thử thách đó đừng quá lớn lao đối với họ. Chúa muốn nói chính yếu đến thử thách hay cám dỗ này. Mọi quyến rũ của tội lỗi là quay đi khỏi Thiên Chúa và ta cũng xin cho khỏi bị những cám dỗ như thế.

Ta có cầu nguyện với Mẹ Maria và các Thánh không ?
Chúng ta nên cầu nguyện với những người đang ở bên Chúa nhất là với Maria Mẹ Chúa Kitô. Khi cầu nguyện ta thông hiệp với những phần tử khác trong gia đình Con Chúa của ta, là những người bạn thân thiết nhất. Chúng ta có thể thông hiệp với những người chúng ta yêu mến. Nhưng lời cầu với Maria hay các thánh không như lời cầu với Chúa. Chúng ta không thờ lạy các Ngài, nhưng là xin các Ngài hợp lời cầu với ta. Có một kinh cầu với Đức Mẹ rất hay là kinh Kính mừng thường đọc với kinh Lạy Cha.

Ta cầu với Chúa hay với Chúa Cha, Chúa Giêsu hay Chúa Thánh Thần ?
Chúa Giêsu dạy ta cầu với Cha nhưng Ngài cũng chấp nhận ta cầu với Ngài và cũng hứa ban Thánh Thần. Giáo hội trong lời cầu nguyện Thánh lễ, thường cầu với Cha qua Con và trong sự hợp nhất với Thánh Linh. Mọi người được tự do cầu nguyện với Chúa hay một ngôi trong Ba ngôi nhưng ta phải nhớ lời cầu nguyện của ta diễn tả mối liên hệ với Chúa trong sự phong phú toàn vẹn của Ba Ngôi.

Ta có thể cầu nguyện với thân xác, giơ tay, quì gối hay chỉ thở thôi ?
Chúa không dạy ta cách thế cầu nguyện đặc biệt nào. Ngài không nói rõ về nơi và thời gian cầu nguyện. Ngài cho ta tự do khi Ngài dạy ta những điều chính yếu: cầu nguyện, làm theo ý Cha, và yêu anh em chị em như mình
www.honganthienchua.org (http://www.honganthienchua.org)