PDA

View Full Version : TẠI SAO LẠI ĐI NHÀ THỜ?



Dauan_tinhyeu
13-09-2009, 12:29 PM
TẠI SAO LẠI ĐI NHÀ THỜ?


Bài Viết Của Lm. Joseph Nguyễn Thanh
http://www.thongdiepducme.org/ (http://www.thongdiepducme.org/)


http://www.thongdiepducme.org/tin_tuc/images/eucarestia.jpg (http://www.thongdiepducme.org/tin_tuc/images/eucarestia.jpg)Một tín hữu đi nhà thờ đã viết cho ông chủ bút một tờ báo và than phiền rằng đi nhà thờ mỗi Chúa nhật chẳng có ý nghĩa gì. Ông viết: "Cho tới bây giờ tôi đã đi trong 30 năm, và trong thời gia ấy tôi đã nghe khoảng 3,000 bài giảng. Nhưng, cho đời mình, tôi chẳng còn nhớ dù chỉ một bài. Vậy, tôi nghĩ mình đã uổng phí thời giờ của mình, và các cha xứ cũng phí uổng thời giờ giảng dạy của các ngài mà thôi."
Rồi một vài tuần sau, có một độc giả, sau khi thưởng thức lý luận trên, đã viết cho tòa soạn tờ báo ấy: "Cho tới nay tôi đã thành hôn được 30 năm. Trong thời gian ấy, bà xã tôi đã nấu cho tôi chừng 32,000 bữa ăn. Nhưng, cho đời mình, tôi không thể nhớ lại được toàn bộ thực đơn của một, dù chỉ một, trong các bữa ăn đó. Nhưng tôi biết được điều này… Chúng đã nuôi dưỡng tôi và cho tôi sức mạnh tôi cần để làm việc. Nếu vợ tôi đã không cho tôi các bữa ăn này, hẳn hôm nay tôi đã thác về phương diện thể lý rồi. Tương tự, nếu tôi đã không đi nhà thờ để được bồi bổ, hôm nay hẳn tôi đã chết về mặt tâm linh!"

Bạn nghĩ sao về câu chuyện rất ngắn, nhưng thú vị "Why Go To Church?" này mà sáng nay tôi đã đọc được trên trang web Liendoanconggiao. Tác giả khuyết danh đã đưa ra bình luận của mình: "When you are DOWN to nothing …. God is UP to something! Faith sees the invisible, believes the incredible and receives the impossible. Thank God for our physical and our spiritual nourishment." (Lúc bạn đi xuống đến không còn gì …. thì Thiên Chúa đi lên tới điều gì đó! Lòng tin nhìn thấy điều vô hình, tin tưởng điều khó tin và lãnh nhận điều bất khả. Cảm tạ Chúa về của dưỡng nuôi vật chất và tinh thần Ngài ban cho chúng ta). Rồi cuối cùng, tác giả xin bạn sau khi đọc được điệp văn này, hãy gửi nó cho người khác. Tôi viết sổ tay này là để đáp ứng đề nghị chính đáng của "văn hào" dễ thương.

Trước hết, tôi còn nhớ Đức Cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910-1995) đã nói thật đơn giản nhưng rất đúng: "Người Công giáo là người đi lễ!" Nếu bạn bỏ lễ, không đi nhà thờ nữa, bạn đã đánh mất bản lai diện mục của mình.

Tín hữu Công giáo đi nhà thờ cả đời cũng không uổng phí thời giờ đâu, và linh mục giảng suốt đời mình cũng không phí uổng thời giờ đâu, như tôi sẽ trình bày. Họ đi nhà thờ là để tuân giữ điều răn thứ nhất trong Thập Giới, mà Thiên Chúa đã long trọng ban cho dân Ngài, qua thủ lãnh Mô-sê trên núi Sinai, khi họ đi tới Đất Hứa – "nơi chảy sữa và mật ong". Chúng ta vẫn thường đọc: Hội thánh có 6 điều răn, thứ nhất xem lễ ngày Chúa nhật. Với não trạng hôm nay, người ta không muốn dùng từ "xem", vì xem là ngó-nhìn-coi, như kiểu ta xem chớp bóng, truyền hình, kịch tuồng. Tiếng Pháp nói là "dire la Masse", dịch sát là "đọc Lễ"; Anh ngữ thì dùng từ "celebrate the Mass", có nghĩa "cử hành Lễ". Cách nói này là chính xác hơn cả, vì đúng vậy, Thánh Lễ là một cuộc cử hành -- cử hành Chúa Kitô Phục Sinh từ cõi chết và vinh hiển lên với Cha Ngài. Dự Lễ Chúa nhật là chúng ta cùng nhau "mừng ngày thứ nhất trong tuần, tưởng nhớ ngày thứ nhất của việc sáng tạo trời đất muôn vật, vừa là ngày thứ tám tức ngày mà Chúa Kitô sau khi an nghỉ, ngày Sabát vĩ đại, đã khai mạc ngày mà Chúa đã làm nên, ngày không có chiều tà. Bữa ăn của Chúa là trung tâm điểm của Ngày Chúa Nhật, vì đây là lúc mà toàn thể cộng đoàn các tín hữu gặp Chúa Phục Sinh của mình, Đấng mời gọi họ đến dự tiệc với Ngài." (Giáo Lý GHCG, số 1166)

Kế tiếp, Giáo Lý Giáo Hội CG nhận định: "Ngày Chúa nhật là ngày của cộng đoàn phụng vụ hơn hết, vì trong ngày này các tín hữu họp nhau 'để nghe Lời Thiên Chúa và tham dự Thánh Thể, và như thế họ tưởng nhớ cuộc Khổ Nạn, sự Phục Sinh và vinh quang của Chúa Giêsu, cảm tạ Thiên Chúa đã tái sinh họ, để được hy vọng sâu sắc vào sự Chúa Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết'". (số 1167)

Như vậy, tín hữu Công giáo đi nhà thờ, không phải là để đến xem linh mục "làm" Thánh Lễ, mà để lắng nghe Lời Hằng Sống và tham dự Thánh Thể, hay còn gọi là "bữa tiệc tình thương" (Agapè meal). Đó chính là của ăn đàng của các Kitô hữu – Bread for the journey. Nhà văn Pháp André Gide (1869-1951) đã viết tác phẩm "Les nourritures terrestres" (Thức ăn trần thế) năm 1895, trong đó ông khước từ những thành tựu của giáo dục hoặc những đòi hỏi của luân lý, đồng thời ca ngợi sự "thành tâm" và lòng mê say một khả năng nhục cảm -- một cuốn sách có ảnh hưởng cực lớn đối với thanh niên.

Con người cần thức ăn để nuôi dưỡng thân xác, cho nó sống, sống để làm việc và để cầu nguyện (labo et ora), chứ chúng ta không cần những thức ăn trần thế của ông Gide, bởi chúng sẽ vong hóa đời ta, rồi đưa ta xuống hỏa ngục, lúc nào không hay!

Bạn đi nhà thờ không phải để nghe linh mục giảng, nhất là nghe những lời về chính "sự nghiệp" của ngài! Thay vào đó, bạn hãy lắng nghe Lời Chúa được công bố trong Thánh Lễ, hãy để những lời ấy đi vào tâm hồn mình. Bài giảng có thể chỉ là những cắt nghĩa, gợi ý, cảm tưởng, suy nghĩ của người giảng có tính cách rất chủ quan. Nhiều người rất đạo đức mà đã phải thở than "cha giảng dài, giảng dở, giảng… dai!" Đặc điểm thứ ba này xảy ra khi người giảng vì không soạn bài, nên không thể kết luận huấn từ (đối với người nghe là huấn nhục) của mình được, y như ông phi công không tìm ra bãi đáp! Ông Horatius (65-8 trước Công nguyên) đã chí lý khuyên một câu nguyên văn La ngữ: "Quidquid praecipies, esto brevis" (Bất cứ bạn muốn giảng dạy điều gì, hãy vắn gọn). Như có người đã cho rằng cuốn sách hay nhất là cuốn sách chỉ có… một chữ -- chữ ấy là MARIA, bài giảng hay là bài giảng đi ra từ cuộc sống tốt lành thánh thiện của người giảng. Để tôi kể bạn câu chuyện minh họa tôi đọc được trong trang web Simonhoadalat:

Một ngày nọ, có người đàn ông tìm đến vị mục sư để xin theo đạo. Mục sư hỏi:
- Đã bao giờ ông đến nhà thờ và nghe giảng chưa?
Người ấy đáp:
- Thưa, tôi chưa bao giờ đến nhà thờ và cũng chưa bao giờ nghe giảng, nhưng tôi có "thấy" một bài giảng rất hay.
- Anh "thấy" một bài giảng ư? Thế anh "thấy" bài giảng đó ở đâu?
- Thưa mục sư, tôi "thấy" bài giảng đó trong chính đời sống của bà xã tôi!

Tôi cũng đã được đọc một câu chuyện tuyệt vời về một linh mục truyền giáo. Ngày ấy, ngài xuống thuyền ra đi giảng đạo thì chiếc thuyền của ngài bị gió bão đánh đắm, rất may ngài bơi được vào một hoang đảo. Lên "vùng đất mới", với thổ dân xa lạ, họ cũng đâu có đạo, ngài không làm gì ngoài việc sống và làm đúng những gì Chúa đã dạy và đã làm. Năm tháng trôi qua, một bữa nọ, có một chiếc thuyền táp vào hòn đảo này trên đó có ba nhà truyền giáo. Các vị này sau khi lên đất, đã "mở hết ga" rao giảng về Chúa Giêsu cho những người địa phương. Các ngài mô tả đầy đủ chân dung của Chúa Cứu Thế. Rồi, đám dân "bơ vơ không người chăn dắt" liền xác tín nói với ba vị rằng: "Chúng tôi đã thấy, đã gặp, đã nghe, và đã sống với Ông Giêsu mà các ngài lâu nay giảng". Nghe vậy, một nhà truyền giáo hỏi: "Vậy Ông Giêsu ấy đang ở đâu?" Họ dẫn các vị tới một túp lều tranh. Lúc ấy các ngài nhận ra Ông Giêsu này là chính người anh em thuộc Dòng Tu của mình đã bị mất tích từ lâu nay.

Trở lại câu chuyện trên kia, ông tín hữu than thở rằng sau 30 năm đi nhà thờ và nghe khoảng 3,000 bài giảng mà không còn nhớ được dù chỉ một bài. Ông chẳng cần phải nhớ các bài giảng của các linh mục mà làm gì, ông chỉ cần ghi nhớ Lời Chúa để làm lương thực hằng sống và trường sinh cho tâm linh mình. Ngôn sứ Giêrêmia khao khát Lời Thiên Chúa đến độ đã nói: "Gặp được Lời Chúa tôi đã nuốt vào". Ông hãy khắc tâm một câu rất quan trọng trong Thánh Vịnh số 118: "Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi."

Đức Phật đã nói rõ cho các môn sinh của ngài: "Hãy xem các lời dạy, giáo pháp của ta chỉ là những phương tiện như con đò đưa các con sang sông; một khi đã sang được sông rồi, tức đã đạt giác ngộ, các con hãy vất bỏ con đò ấy đi." Tôi nghĩ các bài giảng của bất cứ linh mục nào, nhất là các sổ tay tôi viết, không hơn chẳng kém chỉ giống như con đò kia mà thôi. Khi chia sẻ với bạn đọc những bài viết thô thiển, tôi chỉ có một ý nguyện là tặng lại cho đời, cho anh em gần xa, một số tinh hoa tư tưởng đạo giáo mà tôi đã cảm nghiệm trong đời sống mình.

Hẳn bạn đã nghe câu nói "ngón tay chỉ mặt trăng"? Ngón tay là phương tiện để chỉ cho ta chân lý tức mặt trăng. Các bài giảng chỉ là "ngón tay" ấy, chúng chỉ cho bạn Thiên Chúa, chúng dẫn bạn đường lên Thượng Trí, chúng dắt bạn về Cõi Sống vĩnh hằng.

* LM. Joseph Nguyễn Thanh (13-2-2004)