PDA

View Full Version : Nguồn gốc, phong tục và ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu



Damsan
30-09-2009, 09:41 PM
Tết Trung Thu

Theo phong tục người Việt chúng ta, Tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu, tức là hôm rằm tháng tám ta. Trong dịp này người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng.
Nhân dịp tết này, người lớn thì uống rượu, thưởng trăng, và hát trống quân; trẻ em thì rước đèn, đi xem múa lân, ca hát các bài hát Trung Thu, và vui hưởng bánh kẹo cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung Thu dưới hình thức một mâm cỗ. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo trái cây trong đêm Trung Thu này được gọi là "phá cỗ."

Damsan
30-09-2009, 09:42 PM
Nguồn Gốc Tết Trung Thu

Người Việt ta ăn Tết Trung Thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch là do ta phỏng theo phong tục của người Tàu. Chuyện xưa kể rằng vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng tám âm lịch. Trong đêm Trung Thu, trăng rất tròn và trong sáng. Trời thật đẹp và không khí mát mẻ. Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ La Công Viễn còn được gọi là Diệp Pháp Thiện. Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng. Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn. Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và du dương với âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu xinh tươi múa hát. Trong giờ phút tuyệt vời ấy nhà vua quên cả trời gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn bàng hoàng luyến tiếc.
Về tới hoàng cung, nhà vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng trong khi nhà vua cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân gian.
Cũng có người cho rằng tục treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám âm lịch là do ở điển tích ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng. Vì ngày rằm tháng tám là ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng nên triều đình nhà Đường đã ra lệnh cho dân chúng khắp nơi trong nước treo đèn và bày tiệc ăn mừng. Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám trở thành tục lệ.
Người Hoa và người Việt đều làm bánh trung thu để cúng, ăn, biếu thân bằng quyến thuộc, và đãi khách. Điểm chung kế tiếp là người Hoa và người Việt đều tổ chức rước đèn trong đêm trung thu.
( Nguồn Internet)

Damsan
30-09-2009, 09:44 PM
SỰ TÍCH MÚA SƯ TỬ

(chuyện vui)

Ngày xửa ngày xưa, đã lâu lắm rồi. Khi rừng Bản Đôn còn là rừng già có rất nhiều cây, thú rừng cũng lắm. Trong rừng Bản Đôn có một con sư tử đã thành tinh rất hung dữ. Gần rừng Bản Đôn có một ngôi làng cổ kính, dân làng chuyên làm nghề đốn củi, đốt than và đi săn bắn kiếm sống; người ta quen gọi là làng Châu Sơn.
Con sư tử đã thành tinh, nó đòi hỏi dân làng mỗi năm phải cống nạp cho nó một người con gái đẹp để nó ăn thịt, nếu không nó sẽ phá hoại mùa màng và dân làng bị chết đói. Dân làng sợ nó lắm, và mỗi năm cứ đến giữa mùa thu khi trăng lên soi chiếu khắp cả buôn làng thì cũng là lúc dân làng phải đau khổ tiễn chân một cô gái làm mồi cho sư tử.
Không chịu được đau khổ mãi bao trùm lên buôn làng mỗi độ thu sang. Các trai làng bàn bạc với già làng lập kế hoạch để giết con yêu tinh.
Theo thói quen hách dịch như mọi năm, sư tử đến nơi quy định đã nhốt một cô gái đẹp cho nó. Nhưng khác với mọi năm, năm nay người ta treo ba cái cối đá ngay cửa ra vào chỗ nhốt cô gái, hóa trang bằng các khẩu hiệu rất đẹp; kính chào ông sư tử đã đến, dân làng chúng tôi hoan hô ông sư tử oai hùng số một thế giới. Hai bên cánh gà, cạnh cửa ra vào các trai làng mai phục với gươm giáo và gậy gộc.
Đúng giờ, sư tử đi vào ưỡn ngực hống hách: quân bay đâu, ra nộp mạng cho ta, trăng sáng đêm nay ta sẽ có một bữa chén no say thật thú vị, ha ha ha! Ngay lúc đó, bất chợt người ta thả bẫy, các cối đá lớn rơi xuống trúng đầu sư tử, các trai làng hò nhau vật lộn với sư tử và trong chốc lát họ đã chém đứt đầu sư tử lìa khỏi thây nó. Hai mắt sư tử long lên sòng sọc nhưng hắn không còn làm gì được nữa để hại cô gái. Cô gái được cứu thoát và cùng với các chàng trai khiêng đầu sư tử đi múa vui khắp làng Châu Sơn, tai họa đã được diệt trừ. Từ đó về sau mỗi năm dân làng lại tổ chức làm đầu sư tử bằng giấy đi múa vui suốt đêm nhân dịp Rằm Tháng Tám để mua vui cho thiếu nhi.

Lm. Đaminh Đinh Công Tiến


Giáo xứ Châu Sơn - Buônmathuột