PDA

View Full Version : giúo e với!!!!



con yêu Chúa
11-10-2009, 05:58 PM
chào mọi người, e có một số thắc mắc về Giáo Lý mong mọi người giúp đỡ nhé:
theo như e biết thì màu nhiệm một Chúa ba ngôi là màu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô Giáo, vậy tại sao màu nhiệm ấy lại là màu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô Giáo? Và Hội Thánh tuyện xưng màu nhiệm ấy như thế nào?
vì kiến thức cạn hẹp nên nhờ mọi người giải giùm he:115:

Dauan_tinhyeu
11-10-2009, 09:38 PM
MẦU NHIÊÄM THIÊN CHÚA BA NGÔI

Trong sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo

Lm. Giêrađô Trần Công Dụ

Theo chương trình chuẩn bị Năm thánh 2000 Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã đề ra Giáo Hội Công Giáo toàn cầu, sau khi đã dành trọn ba năm để tìm hiểu và suy nghĩ về Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ duy nhất, Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống và Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót, mục tiêu của cuộc cử hành năm Toàn xá 2000 sẽ là việc tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi là cội nguồn và cùng đích của lịch sử nhân loại và toàn thể vũ trụ (Xem tông thư Tiến về ngàn năm thứ ba, số 55).
Vì thế, thiết nghĩ công việc bổ ích và thực tiễn nhất đối với đa phần tín hữu Công giáo Việt Nam chúng ta là cùng nhau tìm hiểu giáo lý chính thức của Giáo Hội về mầu nhiệm này, như đã được trình bày trong sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo do Tòa Thánh đã công bố năm 1992 (hiệu đính năm 1997). Sách đã được chuyển dịch sang việt ngữ và được Tòa Tổng Giám Mục Thành phố Hồ Chí Minh phổ biến năm 1997.
TRÌNH BÀY GIÁO HUẤN VỀ THIÊN CHÚA BA NGÔI
theo SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Đoạn trình bày giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi, gồm từ các số 232 đến 267 trong sách Giáo lý, được chia làm bốn phần : dẫn nhập, giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được mặc khải thế nào, Giáo Hội dạy điều gì về mầu nhiệm này và, sau hết, sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần hoàn tất kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
I. PHẦN DẪN NHẬP (232-237)
Đoạn này mở đầu với lời khẳng định mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống kitô hữu (234). Điều tích cực đáng ghi nhận là Sách Giáo lý khởi đi từ Phụng vụ (232) : Thánh Tẩy là bí tích qua đó chúng ta được dẫn đến không phải với một vị Thiên Chúa chung chung nhưng là một Thiên Chúa Ba Ngôi. Các Kitô hữu được rửa tội "nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28,19). Cần lưu ý rằng động từ mà chúng ta dịch bằng "rửa tội" thật ra, theo từ nguyên, chỉ có nghĩa là "dìm". Cũng vậy, thuật ngữ "nhân danh" không nhắm diễn tả nguồn gốc của phép rửa nhưng đúng hơn "hướng vươn tới" hay "nhắm đến". Nhờ phép rửa, từ nay cuộc sống chúng ta qui hướng về và được thánh hiến cho Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, hòa nhập vào sức năng động của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tuy nhiên Danh Thiên Chúa là một danh duy nhất chứ không phải ba danh (233). Sách Giáo lý cũng nhắc nhớ rằng hình thức nguyên thủy của lời tuyên xưng đức tin khi chịu phép rửa tội là hình thức hỏi đáp ; trước khi ban bí tích rửa tội, người ta hỏi thỉnh nhân ba câu, dựa trên cấu trúc của kinh Tin Kính : Anh (chị, em) có tin kính Thiên Chúa Cha toàn năng không ? Có tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, . không ? Có tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh và tin xác loài người ngày sau sống lại không ? Sau mỗi lần trả lời : "Tôi tin", người ban phép rửa sẽ nhấn thụ nhân xuống nước. Đó là cách thức cử hành bí tích rửa tội trong các thế kỷ đầu.
Sách Giáo lý khẳng định "mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống kitô hữu". Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa mà cũng là mầu nhiệm của Thiên Chúa "cho chúng ta". Mầu nhiệm này còn là nguồn mạch phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Giáo huấn về mầu nhiệm này là giáo huấn cơ bản và trọng yếu nhất theo "phẩm trật các chân lý đức tin". (234) ; (Theo Bản chỉ nam tổng quát về việc huấn giáo, số 43, các chân lý cơ bản về đức tin có thể được tập hợp dưới bốn đề mục cơ bản : mầu nhiệm Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ; mầu nhiệm Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể ; mầu nhiệm Chúa Thánh Thần ; mầu nhiệm Hội Thánh là nhiệm thể Đức Kitô, trong đó Đức Maria có một vị trí trổi vượt.
Đoạn này bao gồm một lời khẳng định quan trọng về bản nhất của mặc khải : "Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần dùng để tự mặc khải, để giao hòa và kết hợp với Người những ai từ bỏ tội lỗi". Điều được khẳng định ở đây là Thiên Chúa tự tại chính là Thiên Chúa đã tự mặc khải trong lịch sử cứu độ và việc trình bày về lịch sử cứu độ này trong Kinh Thánh là một con đường đáng tin cậy dẫn đưa chúng ta đến bản tính ba ngôi của Thiên Chúa.
Phần dẫn nhập còn bàn thêm về sự phân biệt các giáo phụ đã đưa ra giữa "thần luận" (theologia) và "kế hoạch hay nhiệm cục" (oikonomia). Từ "thần luận" ở đây được định nghĩa là mầu nhiệm đời sống nội tại nơi Thiên Chúa Ba Ngôi còn "kế hoạch hay nhiệm cục" (cứu độ) chỉ các công cuộc của Thiên Chúa trong việc tạo dựng và lịch sử cứu độ. Kế hoạch cứu độ tỏ bày đời sống nội tại nơi Thiên Chúa và ngược lại thần luận (đời sống nội tại của Thiên Chúa) làm sáng tỏ kế hoạch cứu độ. Sách Giáo lý gợi lên sự tương tự trong các tương quan nhân loại : con người biểu lộ chính mình qua hành động và càng hiểu biết một người thì càng hiểu rõ hành động của họ hơn. Tuy nhiên, chúng ta phải khiêm tốn nhận rằng, chúng ta không biết gì trực tiếp về "hữu thể nội tại" của Thiên Chúa mà chỉ biết những gì Thiên Chúa mặc khải về chính mình qua công cuộc tạo dựng, nơi bản thân Đức Giêsu Kitô và qua sự hiện diện và hoạt động thường tồn của Chúa Thánh Thần.
II. MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI ĐÃ ĐƯỢC MẶC KHẢI THẾ NÀO ? (238-248)
Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm đức tin theo nghĩa chặt chẽ : thực vậy, nếu không có Thiên Chúa mặc khải, chúng ta không biết gì về Ba Ngôi, trước việc nhập thể của Con Thiên Chúa và sứ mạng của Chúa Thánh Thần.
Trong ba số (238-240), Sách Giáo lý đề cập đến danh Thiên Chúa là Cha. Đối với một số tôn giáo, Thượng Đế được coi là Cha theo một nghĩa rộng, nhưng dân It-ra-en gọi Thiên Chúa là Cha xét như Người là Đấng Tạo Hóa (Đnl 32,6 ; Ml 2,10), vì đã giao ước và ban lề luật cho It-ra-en (Xh 4,22), là Cha của vua It-ra-en, Cha của người nghèo, của cô nhi, quả phụ (x.2 Sm 7,14 ; Tv 68,5-6). Sách Giáo lý trình bày những điều trên để nói lên rằng, Thiên Chúa trước hết là cội nguồn và là Đấng uy quyền siêu việt, đồng thời, Người cũng là Đấng nhân hậu yêu thương chăm sóc mọi con cái. Sách Giáo lý nhìn nhận rằng lòng trìu mến này của Thiên Chúa như của bậc cha mẹ có thể được diễn tả qua hình ảnh Kinh Thánh về tình mẫu tử (Is 66,13 ; Tv 131,2), làm rõ nét hơn mối thâm tình giữa Thiên Chúa và thụ tạo. Như vậy, tính cách làm Cha của Thiên Chúa liên hệ đến tính siêu việt còn tính cách làm mẹ diễn tả tính nội tại nhiều hơn. Tuy nhiên, mặc dù có sự tương tự giữa Thiên Chúa và Cha mẹ nhân loại, Thiên Chúa vượt trên sự phân biệt nam nữ. Người không là nam mà cũng không là nữ (239).
Những chứng từ về tính cách làm Cha của Thiên Chúa trong Tân Ước thì mạnh hơn nhiều. Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha không phải chỉ với tư cách Người là Đấng Tạo Hóa, nhưng theo một nghĩa hết sức cá vị : Thiên Chúa là Cha của Người Con duy nhất (Mt 11,27).
Từ cơ sở Kinh thánh này, Sách Giáo lý chuyển sang lời tuyên xưng của các tông đồ về Đức Giêsu Kitô là "Ngôi Lời của Thiên Chúa" trong Tin Mừng Gioan (Ga 1,1), là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15), là "phản ánh huy hoàng, là hình ảnh của bản thể Thiên Chúa" (Dt 1,3) (241). Tiếp đó, Sách Giáo lý nhắc đến công đồng chung thứ nhất Ni-xê-a năm 325, khẳng định rằng Chúa Con "đồng bản thể" với Chúa Cha (242). Công đồng Con-tan-ti-nô-pô-li năm 381 xác định chi tiết hơn Đức Kitô là "Con Một Thiên Chúa sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra chứ không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha".
Chúa Thánh Thần, mặc dù đã hoạt động ngay từ lúc khởi đầu công cuộc sáng tạo và qua các ngôn sứ trong Cựu Ước, đã được Đức Kitô cử đến cách đặc biệt, như ta đọc thấy trong các chương 14-16 của Tin Mừng Gioan. Từ dữ kiện này trong Tân Ước, Sách Giáo lý chuyển sang khẳng định như một tín điều rằng "Chúa Thánh Thần được mặc khải như một ngôi vị khác", trong tương quan với Đức Giêsu và với Chúa Cha (243). Nguồn gốc vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần được mặc khải trong sứ mạng (việc sai đến) trần thế của Người, trong kế hoạch cứu độ (244). Công đồng Con-tan-ti-nô-pô-li khẳng định thiên tính của Chúa Thánh Thần, vì Người cùng được phụng thờ và tôn vinh như Thiên Chúa. Công đồng Tô-lê-đô (năm 638) cũng khẳng định "Chúa Cha là nguồn gốc và khởi thủy của tất cả thiên tính (của Chúa Con và Chúa Thánh Thần). Công đồng Tô-lê-đô thứ XI (năm 675) khẳng định Chúa Thánh Thần là Thần khí của cả Chúa Cha và Chúa Con (Filioque).
Sách Giáo lý sau đó giải thích vắn tắt thuật ngữ Filioque (Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con), trưng dẫn công đồng Flo-ren-xê năm 1438 trình bày công thức đức tin của Giáo Hội Công giáo Rô-ma về điểm này. Sách Giáo lý nhìn nhận rằng từ ngữ đó không có trong kinh tin kính của công đồng Con-tan-ti-nô-pô-pô-li năm 381 và đã dần dần được đưa vào trong phụng vụ và thần học tây phương. Từ Filioque xuất hiện lần đầu trong phụng vụ ở thế kỷ VIII.
Các Giáo Hội đông phương không tuyên xưng Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha "và Chúa Con". Trên thực tế, việc Giáo Hội tây phương thêm từ Filioque (và Chúa Con) vào kinh tin kính làm cho các Giáo Hội chính thống rất khó chịu và bực bội vì cảm thấy họ bị áp đặt cách đơn phương. Sách Giáo lý giải thích rằng Giáo Hội đông phương cũng tin rằng Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Con, đồng thời gợi ý rằng hai truyền thống đông và tây, nếu không quá cứng nhắc, đều có thể bổ sung cho nhau cách chính đáng và không phương hại đến sự đồng nhất đức tin về cùng một thực tại mầu nhiệm được hai bên cùng tuyên xưng (248).
SỰ HÌNH THÀNH TÍN ĐIỀU THIÊN CHÚA BA NGÔI
Sách Giáo lý khẳng định rằng chân lý mặc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi, ngay từ buổi sơ khai, đã được Hội Thánh nhận biết và tuyên xưng, chủ yếu là qua bí tích Thánh Tẩy. Chẳng hạn, lời chào ta gặp thấy ở đầu phụng vụ Thánh Thể : "Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em" (2 Cr 13,13). Thật ra, người ta có thể tìm thấy những dữ kiện cơ bản mà sau này, ở thế kỷ thứ IV, sẽ được lập thành công thức đức tin chứ ngay từ đầu không có một giáo huấn minh nhiên về mầu nhiệm này trong Tân Ước.
Trong ba thế kỷ đầu của Kitô giáo, đã có nhiều chất liệu thần học, đặc biệt là trong lãnh vực kitô học và, sau cùng, trong lãnh vực thần học về Ba Ngôi. Mặc dù không nhắc đến tên, nhưng rõ ràng Sách Giáo lý nhắm đến Ariô, một linh mục ở Alexandria bên Ai Cập (k. 256-336), khi nói đến những sai lầm làm lệch lạc đức tin của Hội Thánh (250). Ariô là người cho rằng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, có một bản thể khác với Chúa Cha và không bằng Chúa Cha.
Sách Giáo lý bàn thêm về một số thuật ngữ chuyên môn được các nhà thần học sử dụng, như "bản thể", "ngôi vị" và "tương quan". "Bản thể" chỉ yếu tính hay bản tính và được dùng để diễn tả sự duy nhất của thiên tính. "Ngôi vị" liên hệ đến những sự phân biệt giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. "Tương quan" qui chiếu về việc sự phân biệt giữa Ba Ngôi cốt tại mối liên hệ của mỗi ngôi vị với hai ngôi kia" (252". Sách Giáo lý lưu ý rằng, khi dùng các thuật ngữ này, dựa vào những khái niệm bắt nguồn từ triết học, Hội Thánh không muốn đức tin lệ thuộc vào một sự khôn ngoan trần thế nào, nhưng đã gán cho các từ ngữ đó một ý nghĩa mới, ngõ hầu từ nay chúng sẽ được dùng để diễn đạt một mầu nhiệm khôn tả" (251).
Trong đoạn trình bày "Tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi", Sách Giáo lý đưa ra ba khẳng định cơ bản ta có thể tìm thấy trong các lời tuyên bố của các công đồng, cách riêng công đồng Tô-lê-đô XI (năm 675), La-tê-ra-nô IV (năm 1215) và Flo-ren-xê (1442).
Thứ nhất, Ba Ngôi là Một. Không có ba Thiên Chúa, nhưng một Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi. Mỗi ngôi vị Thiên Chúa là Thiên Chúa trọn vẹn, nghĩa là mỗi ngôi vị Thiên Chúa là bản tính Thiên Chúa.
Thứ hai, các ngôi vị Thiên Chúa thực sự phân biệt với nhau. Điều đó có nghĩa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không phải là những "hình thái" (hay những cách thức hiện hữu khác nhau) của một hữu thể Thiên Chúa duy nhất. Ở đây, sách Giáo lý vận dụng quan điểm của Giáo Hội chính thống hy lạp để giải thích các ngôi vị Thiên Chúa phân biệt với nhau do các mối "tương quan về nguồn gốc", nghĩa là tính cách đặc trưng phân biệt mỗi ngôi vị phát xuất từ nguồn gốc "bởi đâu mà đến". Như vậy, Chúa Cha là "Khởi nguyên vô nguyên", không đến từ ai ; Chúa Con được "sinh ra", đến từ Chúa Cha ; Chúa Thánh Thần "phát xuất", đến từ Chúa Cha.
Thứ ba, Các Ngôi vị Thiên Chúa có liên hệ với nhau. Ba Ngôi Thiên Chúa không "chia nhau" một thiên tính duy nhất. Mặc dù bản văn không dùng từ thần học chuyên môn perichoresis (tiếng hy lạp) hay circumincessio (tiếng la tinh), có nghĩa là tương thuộc hay tương tại, nhưng cũng ghi rõ, tuy Ba Ngôi thực sự phân biệt với nhau, Ba Ngôi liên kết chặt chẽ với nhau, ở trong nhau. Chính mối tương quan đó làm nên tính duy nhất của Thiên Chúa. Bản văn lấy lại lời tuyên bố của công đồng Flo-ren-xê rằng "mọi sự đều là một (nơi Ba Ngôi) ở đâu không có sự đối lập về tương quan" (Ở chỗ này bản dịch việt ngữ 1997, trang 108, không chuẩn). (255). Cũng nên ghi nhận rằng khi trưng dẫn công đồng Flo-ren-xê bản văn qui chiếu về cách hiểu sự phân biệt các ngôi vị theo Giáo Hội la tinh chứ không phải hy lạp vì nói đến những "tương quan đối lập".
III. SỨ MẠNG CỦA CHÚA CON VÀ CHÚA THÁNH THẦN(257-260)
Đoạn sau cùng bàn về các sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong kế hoạch cứu độ. Lời lẽ ở đây đầy chất Kinh thánh và gợi cảm. Bản văn dựa trên thánh thi phụng vụ rất đẹp trong thư Êphêsô 1,3-14. Bản văn mô tả việc Thiên Chúa tuyển chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, Người tạo dựng trong Đức Giêsu Kitô và tiền định cho ta làm nghĩa tử của Người, nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, được kêu gọi để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa. Kế hoạch này phát xuất từ tình thương của Thiên Chúa, được biểu lộ trong công trình tạo dựng, trong lịch sử cứu độ và trong sứù mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần mà sứ mạng của Hội Thánh tiếp nối (257).
Kế hoạch cứu độ là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa ; bởi vì bản tính Thiên Chúa là một, nên Ba Ngôi chỉ có cùng một hoạt động. Nhưng đồng thời sự duy nhất không được làm lu mờ căn tính riêng biệt của từng ngôi vị. Do đó, phải nói rằng tạo vật phát xuất từ Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Sứ mạng của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần, sự hiện diện và hoạt động của hai Ngôi vị này trong kế hoạch cứu độ phải biểu lộ đặc tính độc nhất của từng ngôi vị (258-259).
Sau hết, cùng đích của toàn bộ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là cho các thụ tạo được thông dự vào cuộc sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Bản văn kết thúc với một lời nguyện của chân phúc Ê-li-sa-beth Chúa Ba Ngôi trong đó chân phúc cầu xin cho được kết hiệp trọn vẹn hơn với Thiên Chúa Ba Ngôi.
MỘT VÀI SUY TƯ
Trong lời mở đầu, Sách Giáo lý xác định rõ mục tiêu là dành cho các vị phụ trách huấn giáo mà đứng đầu là các giám mục, với tư cách là Thầy dạy đức tin và mục tử trong Hội thánh (số 12). Vì thế, đối với đa phần các tín hữu, kể cả các tu sĩ, việc thấu triệt giáo huấn được trình bày trong quyển sách này không phải là điều dễ dàng, nếu đã không được trang bị trước với một số kiến thức chuyên môn về thần học, nhất là về những gì liên quan đến mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, tuy các soạn giả đã cố tránh tối đa những thuật ngữ quá chuyên môn.
Ngoài ra, chúng ta có thể đưa ra một vài nhận xét liên hệ đặc biệt hơn với phần trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
A. VỊ TRÍ CỦA GIÁO HUẤN VỀ THIÊN CHÚA BA NGÔI TRONG TOÀN BỘ PHẦN TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Mặc dù đề tài về Thiên Chúa Ba Ngôi còn được nhắc đến ở nhiều chỗ khác trong quyển Giáo lý, giáo huấn về mầu nhiệm này chủ yếu được triển khai trong mục 1 ("Tôi tin kính Đức Trời là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất") của kinh Tin kính các Tông đồ, trong chương một có tựa đề là : "Tôi tin kính Thiên Chúa là Cha". Vị trí của giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi là một vấn đề thường được đặt ra ngày nay trong thần học tín lý cũng như trong việc soạn thảo các sách giáo lý. Ta cần lưu ý ngay rằng trong các kinh Tin kính, không hề có lời tuyên xưng trực tiếp về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mà chỉ tuyên xưng đức tin về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong thần học kinh viện, từ thời Trung Cổ, người ta bàn về Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi trong cùng một khái luận ("De Deo Uno et Trino"). Vì lẽ đó, theo truyền thống lâu đời, trong các sách thần học tín lý cũng như các sách giáo lý, giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi được trình bày ngay ở đầu, sau khi đề cập đến mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất. Điều này cũng hợp lý nếu chúng ta xem xét mọi sự từ quan điểm của Thiên Chúa. Thế nhưng rõ ràng ngày nay người ta thích tiếp cận mầu nhiệm Thiên Chúa khởi đi từ lịch sử cứu độ hơn. Theo cách này, chúng ta nhận biết Thiên Chúa qua các công trình Người thực hiện trong vũ trụ vật chất, cách riêng trong việc nhập thể của Chúa Con và sứ mạng của Chúa Thánh Thần. Vấn đề Thiên Chúa duy nhất chỉ được bàn đến sau khi đã khẳng định, dựa trên Kinh Thánh, rằng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng là Thiên Chúa do vai trò của Ba Đấng trong chương trình cứu độ.
Vì vậy, ta có thể tự hỏi liệu có nên đặt giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi sau cấu trúc kinh Tin kính đã ấn định hay không, nghĩa là ở cuối đoạn II, sau khi đã trình bày về mầu nhiệm Chúa Cha (chương 1), Chúa Con (chương 2) và Chúa Thánh Thần (chương 3). Cách sắp xếp này sẽ biểu thị rằng giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi là khẳng định tổng hợp đức tin Kitô giáo, chứ không phải là một nguyên lý tiên thiên mà từ đó người ta có thể suy diễn ra mọi chân lý đức tin. Hơn nữa, chương trình chuẩn bị Năm Thánh 2000 cũng đi theo lược đồ đó, sát với lịch sử cứu độ, khi đề ra cho chúng ta học hỏi về Đức Giêsu Kitô, về Chúa Thánh Thần và về Chúa Cha và sau cùng tổng kết trong mầu nhiệm Ba Ngôi. Đọc lại các câu xướng đáp mở đầu các kinh cầu, ta cũng gặp lại thứ tự đó.
Giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi cần được quan niệm là một giáo huấn có liên hệ mật thiết với công cuộc cứu độ và do đó không thể tách rời khỏi giáo huấn về Chúa Kitô (Kitô học) và về Chúa Thánh Thần (Thánh Linh học, môn học thường bị quên lãng nhiều nhất). Cả ba mầu nhiệm chính này làm thành một thể duy nhất và phản ánh chương trình cứu độ được Chúa Cha thực hiện, nhờ Đức Kitô, trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Thật ra, ta phải khẳng định rằng hết mọi khía cạnh của đức tin kitô giáo đều mang dấu ấn của Ba Ngôi. Nói cách khác, Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong mọi lãnh vực của đời sống Kitô hữu như Sách Giáo lý có vắn tắt gợi lên ở đầu số 234. Do đó, thiết tưởng cũng nên làm sáng tỏ mối tương quan của giáo huấn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi với nền tu đức, luân lý kitô giáo và Giáo Hội học. Ta phải công nhận rằng chân lý trọng yếu này được bảo toàn cách riêng trong phụng vụ, tuy có lẽ nhiều tín hữu chưa ý thức đầy đủ về điều này. Chiều hướng của nền thần học và khoa huấn giáo hiện đại đang nỗ lực tìm lại các chân lý và nhận thức chủ yếu của giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi và diễn đạt bằng những từ ngữ mà con người ngày nay có thể hiểu được và nhờ đó làm sáng tỏ các chiều kích thực tiễn và mang tính cứu độ của giáo huấn này.
B. NHỮNG CHIỀU KÍCH THỰC TIỄN CỦA GIÁO HUẤN VỀ THIÊN CHÚA BA NGÔI
Có lẽ cách tốt nhất để tìm ra những hệ lụy thực tiễn của giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi là trở về với các giáo phụ trước và sau công đồng Ni-xê-a (325) là những người đã nhấn mạnh đến kế hoạch cứu độ và sự phân biệt giữa Ba Ngôi Thiên Chúa khi thực hiện các hành vi cứu độ trong lịch sử. Cách tiếp cận này sẽ tránh được khuynh hướng đưa ra những suy diễn thiếu cơ sở về "đời sống nội tại" của Thiên Chúa.
Giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi mang tính thực tiễn vì liên hệ đến đời sống của Thiên Chúa mà loài thụ tạo được thông dự vào. Dĩ nhiên chiều kích thực tiễn này không cung cấp những giải đáp trước mắt cho mọi cuộc tranh chấp giữa con người. Đúng hơn, giáo huấn này hướng chúng ta đến một lẽ khôn ngoan, một phương cách nhận định điều Thiên Chúa dự tính trong kế hoạch cứu độ của Người. Đời sống kitô giáo bao hàm việc nhận biết, yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Kitô và hành động phù hợp với mặc khải này.
Đức Giêsu Kitô rao giảng triều đại Thiên Chúa đến gần và mặc khải trật tự của trong gia đình mới của Người, trong đó hết mọi người, cách riêng những người bị loại trừ như người phong cùi, người phụ nữ Samaria, sẽ sống chung an hòa với những người nắm giữ những vị thế ưu đãi. Quả thực, trật tự mới này lan rộng đến trật tự tạo dựng, bởi lẽ trong triều đại đang đến của Thiên Chúa, mọi tạo vật sẽ tìm được sự viên mãn. Trong cái nhìn của Isaia, thậm chí sói và chiên con sẽ nằm chung với nhau (Is 11,6).
Sách Giáo lý khẳng định rằng "cùng đích của toàn bộ nhiệm cục của Thiên Chúa là đưa các thụ tạo vào sự kết hợp trọn vẹn với Ba Ngôi diễm phúc" (260). Điều này thật đúng nhưng chúng ta cần ghi nhớ rằng đi vào đời sống của Thiên Chúa đòi hỏi ta phải sống cách sung mãn, trong những quan hệ đúng đắn, theo kế hoạch của Thiên Chúa. Câu tiếp theo cũng rất thích đáng : "Nhưng ngay từ bây giờ, chúng ta được mời gọi trở nên nơi cư ngụ của Ba Ngôi chí thánh". Thiên Chúa chia sẻ sự sống của Người với chúng ta và nhờ ân sủng của Người, chúng ta được nâng lên đời sống thần linh đó. Thế nhưng, sống trong Thiên Chúa hay "trở nên nơi cư ngụ cho Thiên Chúa" không đưa đến một sự cứu độ duy cá nhân. Thực vậy, theo cái nhìn kitô giáo, Thiên Chúa cứu độ con người trong một cộng đoàn được gọi là thân thể Đức Kitô. Do đó, chúng ta không thể nào đi vào đời sống của Thiên Chúa nếu không đồng thời dấn thân vào một cuộc sống yêu thương và hiệp thông với kẻ khác.
Nước Thiên Chúa do Đức Giêsu Kitô rao giảng vạch ra cho chúng ta đường hướng cho cuộc sống. Mặc dù chắc chắn Đức Giêsu đã không thấy trước hết mọi vấn nạn luân lý mà con người gặp phải, chúng ta có thể rút ra một số nguyên tắc chỉ đạo từ giáo huấn của Người. Giáo huấn của Người về Nước Thiên Chúa được diễn tả rõ nét qua hình ảnh ngôi nhà hay gia đình, trong đó hết mọi người ăn năn thống hối tội lỗi đều được đón nhận, bất luận địa vị của họ về mặt xã hội, kinh tế, chính trị hay tôn giáo.
Lời giảng dạy của Đức Giêsu về gia đình mới hay Nước Thiên Chúa được phản ánh trong suy tư của các giáo phụ miền Ca-pa-đô-xi-a (thánh Basiliô, Ghêgoriô thành Nazianze, Ghêgoriô thành Nysse) khi các ngài nhấn mạnh rằng mọi hình thức độc quyền đều xa lạ với giáo huấn kitô giáo về Thiên Chúa. Thực vậy, các ngài lý luận rằng ngay cả sự cai trị của Thiên Chúa cũng không thuộc một ngôi vị duy nhất nhưng được chia sẻ đồng đều bởi Ba Ngôi. Mọi tổ chức xã hội hay chính trị của con người phải họa lại cách hành xử của Thiên Chúa. Mục tiêu chính của việc các ngài phi bác lạc thuyết của Ariô là nhằm loại trừ mọi hình thức cấp bậc và lệ thuộc giữa các ngôi vị Thiên Chúa. Áp dụng qui luật này cho chúng ta có nghĩa là không một con người nào được quyền thống trị kẻ khác, bất luận về mặt chủng tộc, phái tính hay dựa trên một sự phân biệt nào khác. Những mô hình đẳng cấp trong các mối quan hệ giữa người với người hoàn toàn trái ngược với giáo huấn của Đức Giêsu Kitô và đạo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi.
Để minh họa cụ thể hơn các chiều kích thực tiễn của giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta có thể áp dụng vắn tắt những nhận định trên vào một số lãnh vực như bản chất của Giáo Hội, các bí tích, tính dục, luân lý và tu đức.
Giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi gợi cho ta thấy rằng Giáo Hội thực sự là hình ảnh của Thiên Chúa khi thể hiện niềm hy vọng cánh chung về đại gia đình của Thiên Chúa bao gồm hết mọi người. Giáo Hội cần phải trở nên dấu chỉ của trật tự mới về các mối tương quan theo đó "không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, tự do hay nô lệ, đàn ông hay đàn ba ; nhưng hết mọi người chỉ là một trong Đức Kitô" (Gl 3,28). Giáo huấn của Đức Kitô về triều đại của Thiên Chúa phải được biểu hiện rõ ràng qua các mối tương quan bên trong Giáo Hội. Cũng như giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi khẳng định rằng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần bằng nhau mặc dù thực sự phân biệt với nhau xét theo ngôi vị, cũng vậy trong Giáo Hội chúng ta có thể khẳng định sự bình đẳng nhưng khác biệt đa dạng về nhân vị, ân huệ và đặc sủng. Sự lãnh đạo là một điều cần thiết trong Giáo Hội và cũng phù hợp với ý muốn tỏ tường của Đức Kitô miễn là để phục vụ (diakonia) chứ không phải để thống trị và kiểm soát (Mc 10,43-44).
Chúng ta cũng có thể ghi nhận thêm rằng theo suốt dòng lịch sử Kitô giáo, một nền thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi nhấn mạnh cách đơn phương đến tính duy nhất của thiên tính, coi nhẹ sự phân biệt thực sự giữa các ngôi vị, như đã là cám dỗ khá thường xuyên bên tây phương, thì luôn có khuynh hướng cổ xúy một cách hành xử trung ương tập quyền và đồng bộ trong sinh hoạt của Giáo Hội. Ngược lại, một nền thần học Ba ngôi khởi từ việc suy tư về từng ngôi vị trong sự phân biệt và hiệp thông của các ngôi, như ta gặp thấy trong truyền thống hy lạp và đông phương, đã giúp phát huy một cách hành xử trong Giáo Hội dựa trên sự bàn tính trao đổi với nhau giữa các Giáo Hội, cách riêng qua nhiều hội nghị, thượng hội đồng. Trên thực tế, một Giáo Hội thể hiện mầu nhiệm Ba Ngôi nhiều hơn sẽ là một Giáo Hội trong đó có sự tham gia của nhiều thành phần dân Chúa hơn, ở mọi cấp.
Các bí tích đưa chúng ta vào gia đình Thiên Chúa và sát nhập chúng ta vào đời sống của Thiên Chúa. Nhờ phép Thánh Tẩy, chúng ta "mặc lấy Đức Kitô" (Rm 13,14), đồng hóa với Người. Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta cử hành mầu nhiệm hiệp thông các ngôi vị vừa thần linh vừa nhân loại. Tất cả ý nghĩa của phép Thánh Thể có thể được gồm tóm trong từ "hiệp thông" (koinonia) : hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa và hiệp thông với nhau. Đời sống bí tích của Giáo Hội có thể được gọi là "công giáo" nghĩa là bao trùm toàn thể nhân loại, mời gọi mọi người thông phần vào mầu nhiệm cứu độ nhờ Đức Kitô. Bất cứ khi nào Thánh Thể biến thành một dấu chỉ của sự loại trừ, kỳ thị thì nó mâu thuẫn với điều nó biểu thị, nghĩa là trật tự cứu chuộc mới do Đức Giêsu Kitô rao giảng.
Tính dục cũng có thể là một hình ảnh diễn đạt Thiên Chúa. Theo sách Sáng thế, con người là hình ảnh Thiên Chúa mà Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ (St 1,26). Con người thể hiện hình ảnh Thiên Chúa trong sự hiệp nhất giữa nam và nữ (x.2,23-24; 5,2). Tính dục là một con đường dẫn đến sự hiệp thông cá vị với một kẻ khác, qua đó nó biểu lộ ước muốn cơ bản của con người muốn kết hợp với Thiên Chúa. Tính dục có tiềm năng trở nên thánh thiện, sáng tạo và phong phú, nhưng cũng có thể bị méo mó do bạo lực, ích kỷ, tha hóa và hỗn loạn (chẳng hạn những hình thức tính dục đồng giới). Mặc dù một trong những tính năng động của tính dục là hướng đến sự độc hữu (= một người khác phái mà thôi), giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi cho thấy rằng tính dục phải vượt lên trên tương quan lứa đôi, bao hàm và tiếp đón cả những người xa lạ. Theo nghĩa đó, tính dục cũng mang đặc tính "công giáo", nghĩa là đại đồng.
Đời sống luân lý kitô giáo trên nguyên tắc, không thể thể hiện ngoài giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Một trong những khẳng định cơ bản của giáo lý kitô giáo về Thiên Chúa là chúng ta đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa là Đấng đời đời hiện hữu trong sự hiệp thông giữa con người. Ở đâu có những con người hiệp thông với nhau trong tình bác ái chân thật, ở đó có Thiên Chúa hiện diện. Do đó, luân lý kitô giáo liên hệ đến các động thái của con người phục vụ sự hiệp thông giữa con người, cổ võ sự phát triển toàn diện của con người, đưa đến việc ngợi khen Thiên Chúa, tưởng nhớ đến Đức Kitô đang sống động và hiện diện, quay lưng cho tội lỗi và hoán cải để sống nhân tính của mình cách chân thật. Nói tóm lại, đời sống luân lý kitô giáo cốt tại việc đồng hành với Thiên Chúa qua việc phục vụ tha nhân, yêu thương kẻ thù, tiếp rước người xa lạ vào gia đình của Thiên Chúa.
Sau hết, đời sống thuộc linh kitô giáo là thể hiện điều chúng ta tin và cách chúng ta cầu nguyện. Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa chúng ta và dẫn đưa chúng ta vào đời sống của Thiên Chúa, nhờ ân sủng, sự thánh hóa và thần hóa (theo kiểu nói của các giáo phụ đông phương). Tất cả những từ này nói lên rằng Thần khí Thiên Chúa làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và qua đó tháp nhập chúng ta vào sự hiệp thông giữa các thánh. Đời sống thuộc linh là một phương thế để "biện phân" điều Thiên Chúa đang thực hiện trong kế hoạch cứu độ. Vì thế, đời sống thuộc linh không phải chỉ là một khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta, tách biệt khỏi các chiều kích khác, nhưng chi phối hết mọi lãnh vực của hiện hữu nhân sinh kitô giáo.
KẾT LUẬN
Sách Giáo lý đã có lý mà nhấn mạnh đến tính cách trọng yếu của giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Sách đã khởi đầu trình bày đạo lý đầy sức sống này bằng cách nhắc đến phụng vụ Thánh Tẩy. Thế nhưng Sách Giáo lý chưa minh chứng rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa những lời khẳng định giáo thuyết với đời sống kitô giáo khiến người ta chưa thấy tại sao phải quan tâm đặc biệt đến giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi hay làm sao và tại sao giáo huấn này lại nằm ở trung tâm đức tin kitô giáo. Điều may mắn là người ta đang chứng kiến một sự phục hưng thực sự giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi trong suy tư thần học và khoa huấn giáo hiện nay. Chúng ta được phép hy vọng rằng trong năm thánh 2000, sẽ xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị về mầu nhiệm cao cả và trọng yếu nhất này, hầu đem lại một sức sống mới cho hết mọi kitô hữu tuyên xưng đức tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa .
www.simonhoadalat.com (http://www.simonhoadalat.com)

Hơi dài dòng, em chịu khó đọc và sẽ hiểu đấy :67:
Chúc em thành công :103:

con yêu Chúa
11-10-2009, 09:55 PM
hic hic lần nào chị cũng tìm nhiều như vậy hết, e nhìn thấy đuối quá nhưng thôi dù sao e cũng cám ơn chị vì e cũng hiểu được phần nào rùi, nếu rút gọn tí nữa thì dễ hiểu hơn chị ạ, cám ơn chị lần 2 nhé:115:

Dauan_tinhyeu
12-10-2009, 10:37 AM
Thông cảm cho Dấu Ấn em nha, vì bận quá nên chẳng có thời gian mà ngồi giải thích cho em hiểu nữa là có gì em liên hệ với chị sau đi nha, chị sẽ giải thích cặn kẽ hơn cho em hiểu :65:

con yêu Chúa
12-10-2009, 06:44 PM
vâng. ko sao chị ơi, để e đi hỏi thăm thêm một số người, dù sao e cũg cám ơn chị đã giải cho e một nửa.:6: