PDA

View Full Version : Bạo lực học đường



Dauan_tinhyeu
18-10-2009, 08:37 PM
Bạo lực học đường: Vì đâu nên nỗi?

“Ai thấy không kìm chế được thì ra khỏi ngành sớm đi. Đừng để đến lúc xảy ra chuyện lại nói tôi không kìm được”, cách đây hơn một năm, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã tỏ thái độ bất bình về bạo lực học đường.
Bạo lực học đường chỉ là hiện tượng cá biệt. Song trên thực tế, nơi này nơi kia, nó đã và đang diễn ra. Cách đây mấy hôm, một thầy giáo đã dùng thước đánh ba học sinh (HS) lớp 8 (Trường THCS Xuân Diệu, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) gãy cánh tay, thủng lòng bàn tay... Thầy giáo này đã bị đình chỉ công tác.
Nguyên nhân nào dẫn tới việc ứng xử thô bạo không hề giảm cho dù người đứng đầu ngành Giáo dục đã có chỉ đạo?
1. Mối quan hệ thầy - trò đã có sự thay đổi. Học trò hôm nay được tiếp xúc với nhiều luồng thông tin hơn. Họ không dễ gì chấp nhận “vai trò tối thượng” của giáo viên (GV) ngay cả khi ở trên lớp. Một bài hát có lời: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền” - HS, thậm chí người lớn cũng thuộc. Nhưng có lẽ thực tế đã khác. Nếu như trước đây, khi ở trường, GV đóng vai trò người cha, người mẹ của HS thì bây giờ chuyện đó dường như hoàn toàn xa lạ. Ngay cả với phụ huynh cũng ít thấy “trăm sự nhờ thầy” như trước đây. GV trong con mắt HS đã có sự thay đổi, trong khi đó, nơi này nơi kia vẫn còn GV đối xử với HS theo kiểu thầy đồ như vài chục năm về trước.
2. Áp lực dạy và học hiện nay quá lớn. Hiện nay, hầu như trường nào cũng có lớp chọn, cho dù nhà trường không chính thức thừa nhận. Phụ huynh nào cũng muốn con vào lớp chọn, dẫn đến lớp chọn quá đông. Lớp quá tải, chương trình học nặng nề, SGK nội dung dàn trải, thời gian lại ít, GV muốn giữ danh hiệu dạy giỏi... nên phải ép, phải đe nẹt, thậm chí dùng cả biện pháp phi sư phạm như mắng nhiếc, chê bai, cốc, véo tai, quật... để bắt HS thực hiện các yêu cầu của mình.
3. Dường như người ta đánh giá chưa đúng nghề dạy học. Việc dành nhiều ưu đãi cho sinh viên sư phạm, xét ở một góc độ nào đó, là tích cực. Tuy nhiên, đi kèm với các ưu đãi đó, cũng cần phải tuyển chọn kỹ hơn HS thi vào sư phạm. Cách đây vài năm, một vị GS chua chát nói: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Hình như thi vào trường sư phạm quá dễ chăng? Trên thực tế, đã có sinh viên sư phạm không thực sự yêu thích nghề dạy học mà chỉ coi đó là lối thoát cho mưu sinh. Nghề dạy học có đặc thù riêng. Đối tượng, “sản phẩm” của nghề dạy học không phải gỗ đá mà là con người bằng xương bằng thịt. Nó biết yêu, ghét và phản ứng khi không bằng lòng hoặc chưa thoả mãn. Khi người thầy không tâm huyết với nghề thì thật khó tìm được những biện pháp ứng xử đúng đắn khi nảy sinh các vấn đề phức tạp trong hoạt động dạy học.
4. Quản lý và sử dụng nhân sự chưa hợp lý, chưa khoa học. Nếu quản lý không khoa học thì biên chế là chỗ ẩn náu an toàn nhất cho những người thiếu năng lực; biên chế là cách thủ tiêu hữu hiệu nhất động lực phấn đấu của mỗi người. Bởi ở nhiều ngành nghề - trong đó có GD - khi đã vào biên chế, người giỏi và người chưa giỏi được đãi ngộ như nhau.
Với GD, vào được biên chế đã khó, ra khỏi biên chế còn khó hơn nhiều. Và thế là có người cứ ung dung dạy thật dở, nhưng lương thì nhận đủ và “đến hẹn lại lên”, 3 năm lên một bậc. Không phải ai cũng hình thành sở thích và tình yêu nghề ngay từ sớm. Nhiều người đi dạy vài ba năm mới biết mình không hợp với nghề làm thầy. Khi không còn tìm thấy niềm vui, niềm đam mê trong nghề dạy học nữa thì làm sao người thầy có thể giữ gìn trọn vẹn được chữ “Thầy”.

Theo Báo Tiếng Nói Việt Nam/VOV
www.dantri.com.vn (http://www.dantri.com.vn)