PDA

View Full Version : Thầy giao làng



tini
02-11-2009, 11:32 AM
Hà Thanh nước mãi trong xanh, Đèo Son thắm mãi mối tình đôi ta...:54::54::54:

Lần theo câu ca xưa, chúng tôi đến một làng chài nhỏ nằm ven dòng sông này, làng Tây Định, khu vực 7, P.Nhơn Bình, TP Quy Nhơn (Bình Định). Nơi đây, có hàng trăm gia đình đã và đang mang ơn ông giáo tuổi đã ngoài thất thập, từng "dỗ" vợ bán của lận lưng vỏn vẹn mấy chỉ vàng để xây phòng học tình thương cho con em làng chài đến học mỗi ngày.



Mơ ước tuổi thơ
Ông giáo Lê Sĩ Nguyên sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó thuộc hàng nhất nhì ở làng. Thân sinh của thầy Nguyên là cụ Quang từng là một "đồ làng" miệt mài khơi nét chữ cho bà con lối xóm. Chuyện thường ngày của cụ Quang không ngờ lại là gương sáng cho cậu con trai. Cũng từ đó, trong tâm trí người con này chớm nở một tình yêu vốn luôn bừng cháy ở người cha: Dạy học!


Mái tóc lấm tấm bạc vì tuổi tác, màu da hanh hao bởi nắng gió ven sông, nụ cười của thầy móm mém khi chúng tôi xin hầu chuyện. Thầy Nguyên hồi tưởng: "Lúc tui còn nhỏ, chuyện người dân biết được mặt chữ ở làng đâu có được phổ biến như bây chừ. Ai cũng nghèo, chỉ biết lăn lộn kiếm sống... Thời tui đi học, không có tiền mua giấy tập chép, phải đến xin tập cũ của mấy đứa con nhà khá giả...". Nghiêng người nhắc cả lớp cẩn thận chép bài, ông chậm rãi: "Giấy hồi đó được làm bằng rơm, xin về phải đem nhúng vào nước cho nhòe đi nét chữ cũ, mang phơi nắng, đóng thành tập mỏng, dùng gạch đá dằn lên cho phẳng mặt giấy, nhưng viết lại vẫn... ngon". Ngày lại ngày cần mẫn trong sự cơ cực, ông sớm thông thạo chữ quốc ngữ. “Trước lúc lâm chung, cụ thân sinh dặn tui phải thực hiện trọn vẹn việc dạy học của ông”. Không dám thất hứa, hơn 50 năm trôi qua, cậu con trai thuở nào vẫn canh cánh bên lòng bổn phận của mình.


Những năm kháng chiến, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, thầy Nguyên tham gia dạy các lớp bình dân học vụ. Tại những lớp học đầy tình nghĩa này, ông đã phải lòng cô Trần Thị Hiếu. Được hai họ đồng ý, "đôi bạn trẻ" về sống chung với nhau; đồng cam cộng khổ vượt qua mọi nỗi gian khó. Sau ngày thống nhất đất nước, cả gia đình ông đi kinh tế mới ở xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh. Hơn 10 năm gắn bó với đồng bào dân tộc Ba na, ông cùng gia đình về lại quê cũ...

Bán của "lận lưng"
Về lại quê cũ, tình cảnh lam lũ của những gia đình quanh năm sống nhờ sông nước khiến ông động lòng. Trẻ con bơ vơ, lay lắt lớn lên không biết mặt chữ là gì. Rồi ông quyết định tự mở lớp học. Với ông, dường như cái gì cũng "xin". Để các em nhỏ đến lớp thường xuyên mỗi ngày, ông phải xin phép cha mẹ của chúng; để có thời gian chăm lo dạy dỗ bọn trẻ, ông xin... vợ thông cảm ! Hiểu được tính chồng, bà Hiếu không một lời ta thán.


Sau một năm mở lớp học tình thương, những đứa trẻ xóm chài khờ khạo bỗng nhanh chóng biết đọc, biết viết. Kết quả này khiến những gia đình khó tính "ngộ" ra. Những người từng cấm con em đi học vì sợ chúng không còn thời gian phụ giúp việc chài lưới, lặn ốc, mò cua thì nay, chính họ lại tấp nập dẫn con em đến tận nhà ông giáo Nguyên, nhờ ông dạy chữ. Học sinh tăng lên hàng trăm em. Thầy Nguyên vừa mừng, vừa lo. Chòi tranh làm nơi dạy học mỗi ngày không còn đủ chỗ. Thầy tâm sự: "Tui không biết phải tính sao để có phòng học rộng rãi hơn. Thu tiền học sinh thì không đặng. Một hôm tui nghe bà Hiếu nói còn mấy chỉ vàng. Mừng quá, tui bảo bà bán đi để mua vật liệu cất một phòng học. Nghe vậy, bà giãy nảy lên, mắng: “Ông "điên" hả, mấy chỉ vàng này là của "lận lưng" phòng lúc tuổi già đau yếu, bán đi hết trọi lỡ có chuyện gì biết xoay sở ra sao!". Bẵng đi mấy ngày, chờ cho bà Hiếu nguôi ngoai, ông nhỏ nhẹ: "Con cháu nhà mình giờ đã trọn bề gia thất. Bà với tui sống được ngày nào hay ngày đó, giữ vàng bạc trong nhà mà làm gì. Tui vui chắc bà cũng vui; bà buồn thì làm sao tui tiếp tục nối nghiệp cụ thân sinh được". Thấu nỗi lòng của ông Nguyên, bà Hiếu thưa lại: "Mình vui mà tụi nhỏ xóm chài không được vui theo thì đâu phải lẽ. Thôi thì tùy ông định liệu...". Mắt ông giáo sáng lên, ông vội bán 8 chỉ vàng và cũng vội thuê xe chở vật liệu về bắt tay xây cất phòng học mới.

Lương bằng... khoai sắn
Lớp học của thầy Nguyên hiện nay có gần 40 em, chủ yếu là những em quá tuổi, tật nguyền, thiểu năng trí tuệ không đủ điều kiện tham gia các lớp học chính quy. Gia cảnh của chúng lại nghèo, thầy Nguyên tâm tình: "Thỉnh thoảng có gia đình mang khoai, sắn hoặc một vài con cá đánh lưới được đến biếu thầy, xem như là đóng... tiền học phí".


Đến nay, thầy Nguyên đã có thâm niên gần 20 năm phụ trách lớp học ở làng chài. Niềm vui của nghề "gõ đầu trẻ" đã xóa nhòa những nhọc nhằn cuộc sống. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, thầy bước sang tuổi 72. Nghe thầy kể chuyện và giảng bài trên lớp, giọng thầy vẫn còn ấm lắm. Cách đây mấy năm, trong một lần về thăm lớp học, ông Vũ Hoàng Hà, nay là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định hỏi rằng, thầy có ước muốn gì nữa không? Ông giáo làng chài không ngần ngại trả lời: "Mỗi tháng, tui cũng được nhận tiền trợ cấp rồi, chỉ muốn mình thọ thêm vài năm nữa, đủ thời gian xóa mù hết cho con em ven cửa sông này".


Mặt trời đứng bóng, vọng vang khắp một góc làng lời ca cùng tiếng vỗ tay nhịp nhàng từ lớp học... Trái đất này là của chúng mình, quả bóng xanh bay giữa trời xanh... cùng bay nào, cùng bay nào... Những đứa trẻ khấp khểnh rảo bước trên bờ đê gồ ghề của sông Hà Thanh. Chúng í ới gọi nhau. Phía dưới dòng sông, nước vẫn hiền hòa chảy.



Đình Phú
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)
http://vietbao.vn/Giao-duc/Thay-giao-lang/45125495/202/