PDA

View Full Version : Lễ Thánh Gia 2009 - Năm C: THIẾU NIÊN MƯỜI HAI TUỔI NƠI ĐỀN THỜ



Bố Già
27-12-2009, 06:52 AM
Lễ Thánh Gia 2009 - Năm C
THIẾU NIÊN MƯỜI HAI TUỔI NƠI ĐỀN THỜ

R. Gutzwiller
Những biến cố chung quanh vị thiếu niên trong đền thờ đã mang một tầm mức đặc biệt vì đó là tất cả những gì người ta biết được trong khoảng thời gian dài của ba mươi năm ẩn dật; chỉ có một lần này là im lặng bị phá vỡ: vì thế quang cảnh này như là một luồng sáng giữa đêm đen.

1. Lễ Vượt Qua.
Cần phải nói qua về lễ Vượt Qua. Từ nguồn gốc lễ Vượt Qua là lễ mùa xuân của những người chăn chiên du mục trong hoang địa. Mỗi khi họ tụ tập lại dưới căn lều để ăn thịt chiên thui và nướng, chia sẻ bánh và vây quanh chén lớn, thì họ ý thức về cộng đoàn của họ; với việc bôi máu chiên trên cọc lều họ tin rằng đã đuổi được ma quỷ. Cứ thế, họ có thể tán tụng mùa xuân đang tới trong niềm vui vẻ.
Môisen, sau khi đã biết lễ này nơi hoang địa, ông thánh hoá nó và mang lại cho nó một ý nghĩa mới. Đưa vào đó một mùa xuân của các tân cộng đồng, gia đình và dòng tộc dân Chúa. Trong máu con chiên là hiến lễ hy sinh, là bảo vệ đời sống và chiến đấu chống lại thần chết. Như vậy Israel hằng năm cử hành lễ kỷ niệm cuộc rời bỏ Ai cập và ra đi dưới sự phù trợ của Giavê. Nhưng phải đứng mà ăn chiên, tay cầm gậy du hành: dấu hiệâu cho thấy Israel chưa đạt được mục đích và luôn trên đườgn lữ thứ.
Khi dự lễ Vượt qua cuối cùng, Chúa Giêsu sẽ mang lại cho nó một ý nghĩa mới nữa. Chính Ngài sẽ là con chiên và máu Ngài sẽ bảo vệ khỏi satan và khỏi cái chết thiêng liêng. Cộng đoàn dùng bữa mà Ngài thiết lập không hệ tại ở chuyện ăn cùng một bánh, uống cùng một chén: bánh này đã được đổi thành Thịt Ngài, rượu này thành Máu Ngài và như vậy, người ta sẽ thành kẻ đồng bàn với Ngài và bởi đó cũng là đồng bàn với nhau.
Để kỷ niệm cuộc thoát ách tôi đòi ở Ai cập ngày xưa, Ngài đã liên kết vào việc từ bỏ tội lỗi và làm nô lệ cho nó để đi vào đời sống mới của tự do. Sự sống lại từ cõi chết của Ngài là bước đầu của một dân mới Thiên Chúa trong nước Vinh Quang.
Hơn nữa, đó luôn còn là ngày lễ Giáo Hội lên đường. Nhưng với ngày tái lâm của Chúa mới là cuộc biến đổi thứ tư của lễ Vượt qua này. Khi đó, dân được chọn sẽ bỏ đời sống tạm này để bước vào cuộc biến hình trên trời.
Tất cả sẽ nhận biết rằng mình đã được cứu nhờ Máu Con chiên và được dự phần trong tiệc cưới của cộng đoàn Đức Kitô. Đó là lễ Vượt Qua vĩnh cửu mà người ta nhắc đến mỗi năm và nhớ đến mỗi tuần trong ngày Chủ nhật. Đây là những giai đoạn của cuộc lễ này, từ khởi đầu hoàn toàn tự nhiên và chưa được khai hoá, có tính cách tượng trưng nơi dân Israel, tới khi hoàn tất với việc Đức Kitô đến rồi trọn vẹn đầy đủ khi Ngài trở lại.

2. Cậu thiếu niên ở lại.
Đức Maria và Thánh Giuse lên đường trở về cùng với dân Nagiarét, mà tân hồn họ đang hân hoan vì còn vang vọng niềm vui ngày lễ. Các trẻ nhỏ thường đi chung với họ, và chỉ tìm thấy chúng vào buổi tối nơi trạm nghỉ chân đầu. Lần này Chúa Giêsu ở lại. Điều đó hẳn có ý nghĩa. Đây là lần đầu tiên Chúa ở lại đền thờ của Cha Ngài với đầy đủ ý thức và ở đó, trong ánh sáng chói loà, trong sự sung mãn dồi dào, trong sự cao cả lan toả. Ngài hiểu sứ mạng đặc biệt nhận từ nơi Cha, sự hiện diện của Ngài bên Cha, và trong Cha. Đó là cảnh huy hoàng, hùng vĩ thứ nhất của Tin mừng.
Cảnh thứ hai là khi Chúa chịu phép rửa ở sông Giođan với tiếng nói từ trời và Thần Trí ngự xuống, còn cảnh thứ ba là trên núi Tabor.
Cả khi Chúa Giêsu được hưởng kiến Chúa Cha trong bản tính cao với của Ngài, tâm hồn Ngài cũng không luôn để tràn ra nếu Ngài đã không biết đến đau khổ. Việc Ngài lớn lên, trưởng thành, học hỏi, triển nở tiệm tiến chỉ là một tác vi bên ngoài và mang tính cách nhân loại. Thỉnh thoảng ánh sáng từ trên cao mới vọt sáng nơi Ngài theo như sứ mạng cứu thế của Ngài. Trên bờ sông Giođan một sự sung mãn tràn lan trên Ngài, thống trị Ngài tới độ sự phong phú của Thần khí thúc đẩy Ngài xa lánh con người để vào nơi hoang địa.
Trên núi Tabor, ánh sáng chói ngời vây phủ Ngài đến nỗi Ngài biến hình hoàn toàn.
Ở đây, cậu bé mười hai tuổi, đã đầy tràn Thần khí Thiên Chúa đến độ ở lại đền thờ và trong một tầm mức nào đó, đã mất đi cái ý niệm về không gian và thời gian. Trong nhà của Cha Ngài, Ngài ngụ cách hữu hình đã vậy, nhưng luôn luôn vẫn là cách vô hình. Nhưng tại sao Ngài phải ra đi? Sự hiện diện của Ngài ở đền thờ không phải là cuộc hành hương ngắn ngủi; Ngài thực sự ở nhà Ngài, nơi mà Ngài phải ở. Cái làm ta ngạc nhiên là chuyện Ngài sẽ ra đi vào một lúc nào đó, chứ đâu phải chuyện Ngài ở lại.
Đối với chúng ta thì khác, sựï diện kiến Chúa Cha trong những phút ngắn ngủi của các giờ kinh nguyện, luôn là một kinh nghiệm yếu đuối. Chỉ là một tiếng vọng vang nhẹ, xa xa của lời mời gọi mạnh mẽ đã đủ đi sâu vào tâm hồn thiếu niên Giêsu, thoát ra một luồng ánh sáng mờ mờ từ một Thần trí phong phú. Hình như đối với chúng ta, việc trở lại vết xe cũ một cách nhanh chóng, quả là quá tự nhiên. Chúng ta thấy mình bỡ ngỡ trong những cái mà chúng ta phải quen thuộc. Thế giới cầu nguyện có lẽ là cái gì không hề và ít được biết đến, đang khi chúng ta quá biết rằng chúng ta đang ở một nơi mà chúng ta phải nhận thực rằng: cách biệt với Thiên Chúa.

3. Lời của Chúa Giêsu
Đây là lời nói đầu tiên của Chúa Giêsu được ghi lại trong Tin mừng; nó mang đến cho chúng ta một ý nghĩa đặc biệt, và như trước và sau đó, là một vực thẳm im lặng vây kín. Lời đó giống như một hòn đảo kỳ dị chìm xuống đại dương trầm lặng.
‘Thì tại sao lại tìm con?’ Cha mẹ không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao? Lời của Đức Maria: ‘Này con, sao làm như vậy?’ Hẳn là một lời khiển trách nghiêm khắc. Chúa Giêsu đã trả lời lại với vẻ hơi ngạc nhiên và che dấu một sự trách cứ nhẹ nhàng. Tại sao người ta lại tìm Ngài ở những chỗ không phải là của Ngài? Nếu muốn kiếm Ngài, thì phải đến nơi Cha Ngài, đó là chỗõ của Ngài. Chớ gì họ biết đến điều đó và hành động theo đó. Chúng ta cũng thế, đôi khi ta cũng tìm Đức Kitô không đúng chỗ, ta nghĩ Ngài sẽ đến chỗ đang xẩy ra những biến cố quá quan trọng nhưng lại thật vô ích; ở những nơi mà dục vọng quả thực là rất đê tiện, đã làm ta choáng váng, cuối cùng ở những chỗ mà chúng ta cho là quan trọng đối với cuộc sống, mặc dù nó chỉ là những cái không đáng để ý gì hết. Thật ra, chúng ta phải tìm Chúa không phải nơi ta ở mà là nơi Ngài ở: bên trong Chúa Cha, trong thánh ý và thần trí Ngài.
Lời Chúa nói đây đặt ra những khoảng cách đâỳ ý nghĩa. Ngài không thuộc về cha mẹ thế trần này. Ngài sẽ không ở trong căn nhà nhỏ bé Nagiarét, trong giới hạn của Thánh gia này. Nếu bây giờ Ngài trở về đó và vâng phục các vị, thì Đức Maria và Thánh Giuse, từ nay cũng biết rằng chuyện đó không kéo dài mãi đâu, vì đấy chỉ là tạm thời và nặng tính cách sửa soạn thôi. Ngài được ban cho các vị, thực ra, là để các vị trao lại Ngài. Ngài ở lại giữa các vị, ngõ hầu để Ngài đi vào giữa lòng dân tộc và nhân loại. Không phải vì chuyện ích kỷ mang mầu đạo đức hay lợi dụng ơn thánh, nhưng hồng ân phải được triển đạt và tuần hoàn.
‘Con phải ở nơi nhà Cha con’. Phải tham dự vào vẻ vĩ đại và bao la của nước Thiên Chúa. Thế giới và nhân loại thuộc về Cha Ngài. Tất cả thuộc Cha Ngài. Chính vì thế mà Ngài đến cho vũ trụ và con người, cho mọi loài và mọi người. Sứ mạng của Ngài thật lớn lao phổ quát. Khi Ngài ngồi dưới hàng cột đền thờ giữa các vị thông thái để hỏi và đáp lời họ, đó chính là dấu hiệu bên ngoài của thái độ ở giữa nhân loại của Ngài để đặt ra những câu hỏi mà đã lâu con người không biết trả lời và đưa ra những giải đáp mà không ngừng gây ngạc nhiên cho chính các vị thông minh và giỏi giang.
Từ những lời này, mỗi người trong nhân loại sẽ nhận được một lời mời gọi riêng của Thiên Chúa, dù là linh mục, tu sĩ, để biết rằng phải bỏ sự an toàn của đời sống gia đình êm ấm, nhưng chật hẹp, biết rằng họ sẽ phải ném vào làm mồi cho một thế giới náo loạn, hiếu chiến; vào những vấn đề lớn lao và khó khăn mà chỉ còn một nơi nương ẩn duy nhất là lòng Chúa Cha.
Biến cố lạ kỳ của ngày lễ Vượt qua đầu tiên đây chỉ là bước đầu; giai đoạn kỳ lạ hơn phải là ngày vượt qua cuối cùng của đời sống trần thế của Chúa Giêsu, đó mới là kết luận và đồng thời là khởi điểm của một đời sống mới bên Chúa Cha.
Tin mừng viết thêm: ‘Nhưng ông bà đã không hiểu lời Ngài nói với các vị’. Đức Maria và Thánh Giuse, những người sáng suốt, thông thái đã chẳng hiểu gì về cả các hành vi lẫn ngôn từ trong ngày lễ Vượt qua này. Mà đâu phải dễ hiểu, dù là trong tầm mức nhỏ nhoi, bí mật của Chúa Giêsu, và những lời nói lạ lùng của Ngài. Đức Maria chỉ có thể để những điều đó thấm vào lòng dần dần, từ từ, tầm trí Mẹ chỉ có thể được như vậy thôi, vì như Tin mừng cho thấy: ‘Ngài giữ hết những sự việc đó trong tâm hồn’. Chỉ ai có được trí tuệ thông suốt và một tâm hồn giầu đức ái, năng suy lời Chúa và giữ trong tâm hồn, mới đi dần dần, nhẹ nhàng vào thế giới bí ẩn thần thiêng được.

NAGIARÉT (2, 51-52)

1. Cuộc sống.
Người ta không thể hình dung đủ về cuộc sống ở Nagiarét như lúc khởi thuỷ được, cả bằng điều kiện sinh sống bên ngoài lẫn quá trình của cuộc sống. Đây là một làng ở hướng đông thành Galilê, nằm trên một miền cô quạnh của những đồi trọc, chỉ ngưng làm việc vào những ngày Sabbat và lễ tôn giáo. Người ta tự hỏi tại sao Chúa Giêsu mang trong mình một sứ mệnh quá ư là lớn lao mà lại làm người sống hơn ba mươi năm trong cảnh u tịch và xét về mặt con người trong cảnh sinh hoạt vô nghĩa này.
Tin mừng không cho ta biết lý do, vì thế, khi suy niệm, chúng ta phải tìm đến những suy tư cá nhân. Chắc chắn chúng ta được phép đề cập đến những điểm sau:
Trước hết, đời sống ẩn dật tự nó là một lý do đầy đủ vì nó cho ta thấy rằng đối với Thiên Chúa có cái gì khác; với cái nhìn phàm trần, để gây ấn tượng, thì phải có những gì đập vào mắt, vào tai, gây chú ý… Tác vi và công việc bên ngoài hình như là tiêu chuẩn quyết định. Còn với Thiên Chúa thì lại khác hẳn, ý hướng bên trong đáng giá hơn cả. Những việc bình thường thôi, nhưng được làm với lòng mến tuyệt vời lại lớn lao, đang khi việc lớn mà làm với ý hướng thấp yếu, thì kém giá trị.
Một dân quê cả đời chỉ biết có xóm làng quê mùa của miền sơn cước, hết năm này qua năm khác trung thành với nhiệm vụ của mình thôi, thì hiển nhiên, theo phán quyết của Thiên Chúa là lớn lao và ảnh hưởng hơn một người làm đảo lộn thế giới, hoàn tất những công trình vĩ đại, làm ngạc nhiên tất cả những ai như họ, và để lại đằng sau họ một luống sâu. Người không biết đến giá trị của đời sống âm thầm và ẩn dật không thể tự bào chữa trước mặt Thiên Chúa, Đấng hoà hoãn và ẩn mình.
Thứ đến phải nói thêm vào đó tầm quan trọng của việc sửa soạn. Trước một sứ mệnh thật lớn lao, Chúa Giêsu đã theo luật dậy là phải có thời giờ để sửa soạn. Một luật gia không thể xuất hiện trước quần chúng trước khi được ba mươi tuổi. Chỉ có người chín chắn thực sự mới được coi là đã chuẩn bị đủ để loan báo luật Chúa. Vì thế, linh mục mà vai trò của Ngài là giảng truyền và phân phát ơn thánh, phải biết dành tời giờ để sửa soạn lòng trí và tâm hồn. Những người đến với Ngài chắc chắn không phải để gặp một người lịch sự xã giao hoàn hảo, chỗ nào cũng đầy thoải mái, hay một cầu thủ ‘hết xẩy’ với vai u thịt bắp hoặc là một thương gia tài khéo, biết kinh doanh sinh lợi lộc về tiền bạc. Và càng không muốn tìm kiếm một người lành nghề tổ chức, không bao giờ thiếu kế hoạch kinh doanh; một nhà trí thức, thông thái trả lời được mọi vấn đề hay nhà ngoại giao giỏi giang luôn tìm ra được cánh cửa kín, nhưng người ta tìm nơi linh mục, người của Thiên Chúa, là người biết đón nhận lời Chúa trong học hỏi và cầu nguyện, và thành thực cố gắng sống theo những nguyên tắc đó. Trên tất cả, con người linh mục phải phát triển trong an hoà và tĩnh mịch.
Đó là lý do tại sao người ta đã tách các linh mục tương lai ra khỏi gia đình họ, khỏi đám bạn bè, khỏi nơi ồn ào và náo động của đời sống thị thành, và chỉ chọn các nơi yên tĩnh để lập Đại chủng viện và Tập viện. Vị linh mục cần có những năm yên ổn để học hỏi và suy nghĩ. Chỉ khi nào các Ngài có cuộc sống Nagiarét, các Ngài mới có thể sống và hoạt động cho lợi ích của Chúa Cha.
Ta còn tìm được lý do thứ ba của cuộc sống ẩn thân ở Nagiarét, vì đây là một cuộc thánh hoá đời sống gia đình: vì nơi đó, người cha, người mẹ và cậu con sống chung trong công việc và cầu nguyện, vui buồn có nhau. Đức Kitô đã sống ba mươi năm trong tổ ấm không được biết tới nhưng rất thánh thiện này để chứng tỏ cho thế giới thấy tầm quan trọng của đời sống gia đình và việc thánh hoá đời sống đó.
Gia đình chúng ta ngày nay đang tan vỡ. Ngoài những nguyên do bên trong hay trật tự phong hoá đảo lộn, các sự việc bên ngoài cũng ảnh hưởng không ít: chính sách sai lầm về nhà cửa, với những gian nhà ổ chuột, người đàn bà bỏ sứ mạng làm mẹ nơi tổ ấm; với những người trẻ quá vất vả hầu như chẳng được chút tiền gì, với những bố trí chưa ổn trong việc giải trí và tất cả các thứ tổ chức khác…
Truyền thanh và truyền hình đôi khi cũng làm quấy rầy các cuộc truyện vãn trong gia đình, và nhất là các gia đình bị phá đổ bởi dễ dàng ly dị, bởi giới hạn sinh sản, mỗi ngày mỗi thiếu kính trọng, vâng phục và yêu thương nhau trong thẳm sâu của tổ ấm gia đình. Phải canh tân đời sống gia đình theo gương Thánh gia Nagiarét: đó là một trong những đòi hỏi quan trọng nhất hiện nay.

2. Lớn lên.
Chúa Giêsu lớn lên theo tuổi, khôn ngoan và ân sủng trước nhan Chúa và trước mặt người ta. Tin mừng nhấn mạnh tới các điểm này. Xét về tuổi thì chẳûng có gì lạ cả. Trong phạm vi này, đó là luật chung dù muốn hay không cũng vậy. Nhưng với Chúa Giêsu Đấng làm chủ muôn loài, Ngài không lệ thuộc vào đó. Ngài, Đấng hoàn hảo, mà vẫn khuất phục luật sinh tồn phát triển. Ở Nagiarét, vâng lời cha mẹ Ngài, tuân hành luật luân lý cũng như uốn mình dưới các luật lệ khác của cuộc sống.
Vì thế nơi Ngài, thân xác vẫn phát triển: từ một trẻ nhỏ tới cậu thiếu niên, thanh niên và người lớn. Nụ phát triển thành hoa thành trái. Thân xác thêm mạnh mẽ, tâm trí thêm cởi mở lên. Ngài không đốt giai đoạn, vẫn tuân theo luật trưởng thành tiệm tiến và lâu dài trong kiên nhẫn và chịu đựng. Ngài không muốn cưỡng bức, ép buộc cái gì cả; Ngài tôn trọng luật phát triển cơ thể trong không gian và thời gian. Việc phục tùng luật thiên nhiên này cho thấy vẻ cao thượng của tâm hồn cùng với sự luôn sẵn sàng nhận biết và chu tất Thánh ý Chúa Cha.
Chúa Giêsu lớn lên về khôn ngoan. Điều này ta đã thấy rõ. Chắc chắn là mỗi ngày sao thấy được sự khôn ngoan này nẩy nở thêm ở bên ngoài, vì đó là sự phát triển tận bên trong. Đức Giêsu thực sự có học hỏi. Những kinh nghiệm về cuộc sống luôn được Ngài tổng hợp tất cả; đó không phải chỉ là một sự hiểu biết đã được tiêu hoá, mà còn là một sự khôn ngoan: vì Ngài thấy cả các sự vật trong liên hệ xác đáng với Thiên Chúa Cha và như vậy là hiểu đúng chỗ, đúng tầm mức và đúng quy cách.
Sự khôn ngoan này, sự khôn ngoan giúp phán đoán tất cả theo một thứ tự đúng đắn, không để bị ràng buộc mù quáng, không bước theo những dấn thân sai lầm, những xu hướng phóng đãng, những đam mê hỗn loạn, nhưng là được đức ái của Thiên Chúa hướng dẫn và đem đến với Ngài, đó là sự khôn ngoan đích thực mang lại giá trị riêng cho việc hiểu biết.
Chúa Giêsu lớn lên trong ơn sủng trước nhan Thiên Chúa và trước mặt người ta. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày của cuộc sống quý giá này làm rạng rỡ thêm chương trình của Thiên Chúa và nhờ đó thánh hoá trái đất hơn nữa. Và vì thế, chứng tỏ từ tâm đã mỗi ngày mỗi lớn thêm. Ở Nagiarét, Chúa Giêsu đã chẳng làm gì cho người ta phải để ý đến. Chúng ta biết được điều đó khi Ngài xuất hiện lần đầu ở quê hương Ngài.
Trong cuộc đời tuổi trẻ của Ngài, Ngài đã chẳng làm một dấu kỳ phép lạ nào, nhưng Ngài được mọi người yêu mến, có cảm tình, quý chuộng… Sự yêu kính này kéo dài tới khi Ngài không đáp ứng được những ước vọng của người cùng quê Ngài vì họ đầy hẹp hòi, và Ngài đã làm nổ tung chân trời chật hẹp của họ. Tuy nhiên, trong những năm tuổi trẻ này, Ngài lắng nghe và vâng phục, im lặng lắng nghe nhiều hơn là nói năng, chống đối và phản ứng chưa xuất hiện.
Như vậy Ngài làm rạng rỡ trên tuổi trẻ của Ngài một bầu trời xanh của một thiếu niên đầy thiện chí. Ngài lớn lên và trưởng thành trong cảnh êm đềm sung sướng; đó là mùa xuân hứa hẹn một mùa hè phong phú và một mùa thu nặng chĩu hoa màu. Không ai có thể nghĩ khác, thực sự với cái nhìn của con người, thì cuộc sống của Chúa cứu thế tiến triển và kết thúc tốt đẹp.

Người nào không được hưởng nếm mùa xuân thực sự của tuổi trẻ, thì sẽ không thể sẵn sàng để đương đầu với những phong ba và nguy hiểm của cuộc đời. Cây phải có rễ để chống cự với bão táp. Nhà phải có nền kẻo lung lay. Hãy tạo một thế hệ mà tuổi trẻ của họ được hạnh phúc, thuần khiết về luân lý, xác đáng về tôn giáo, hẳn sẽ là thế hệ biết thống trị tương lai và rèn luyện mình theo Thánh Ý Thiên Chúa.


http://tinmung.net/SUYNIEM_HANGTUAN/suyniemINDEX.htm