PDA

View Full Version : ĐTC Bênêđictô XVI: Thánh Giá Chúa Làm Chứng Cho Phẩm Giá Lớn Lao Của Con Người



princessprincess1993
11-02-2010, 07:27 AM
Chính khi ngắm nhìn Thánh Giá, chúng ta thấy phẩm giá và giá trị của con người cao cả biết bao. Không có điểm nào khác có thể giúp hiểu con người gía trị dường nào, chính bởi vì Thiên Chúa khiến cho chúng ta trở nên quan trọng đến thế, Ngài coi chúng ta quan trọng đối với Ngài đến độ đáng cho Ngài phải đau khổ. Như thế phẩm giá con người xuất hiện nơi tấm gương của Thánh Giá và hướng nhìn về Thánh Giá luôn là suối nguồn việc thừa nhận phẩm giá con người.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ vị cha chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 10-2-2010.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt thánh Anton thành Padova, là một trong những vị thánh nổi tiếng được tôn kính khắp nơi trên thế giới, với bức tượng tay cầm bông huệ tượng trưng cho sự trong trắng và tay bồng Chúa Hài Nhi nhắc nhớ biến cố Chúa Hài Nhi hiện ra với thánh nhân. Là người rất thông minh, quân bình, có lòng hăng say làm việc tông đồ và lòng sốt mến thần bí, thánh nhân đã góp phần ý nghĩa vào sự phát triển tinh thần tu đức phan sinh. Đề cập tới tiểu sử của người Đức Thánh Cha nói:

Sinh ra tại Lisboa trong một gia đình quyền qúy khoảng năm 1195, người đươc rửa tội với tên thánh là Fernando. Người gia nhập cộng đoàn các Kinh Sĩ sống theo luật dòng thánh Agostino, ban đầu tại đan viện thánh Vincenzo trong thủ đô Lisboa, sau đó tại đan viện Thánh Giá tỉnh Coimbra, là trung tâm văn hóa nổi tiếng nước Bồ Đào Nha thời đó. Thánh nhân chuyên cần học Kinh Thánh và các Giáo Phụ và chiếm hữu được sự hiểu biết thần học dùng cho việc giảng dậy sau này. Tại Coimbra vào năm 1220 biến cố hài cốt của 5 tu sĩ Phanxicô tử đạo bên Marốc được trưng bầy cho tín hữu kính viếng, làm nảy sinh nơi tu sĩ Fernando ước muốn bắt chước các vị trên con đường trọn lành. Fernando xin đổi sang dòng Anh Em Hèn Mọn Phanxicô, lấy tên là Anton rồi sang Marốc truyền giáo. Nhưng Chúa Quan Phòng định liệu cách khác.

Sau một trận đau nặng Anton phải trở về Italia và năm 1221 tham dự tu nghị của dòng và gặp thánh Phanxicô tại Assisi. Tiếp theo đó Anton sống trong thầm lặng một thời gian tại Forlì bắc Italia, cho tới một hôm tình cờ được mời giảng trong một thánh lễ truyền chức linh mục, người mới tỏ ra là người học cao biết rộng và có tài giảng thuyết. Các bề trên chỉ định người cho công tác rao giảng, và thế là thánh nhân bắt đầu công việc rao giảng tại Italia và Pháp và gặt hái nhiều thành qủa khiến cho nhiều người đã xa rời Giáo Hội quay trở về với đức tin. Thánh Anton cũng là thầy dậy thần học đầu tiên cho các tu sĩ của dòng tại Bologna với phép lành của thánh Phanxicô qua lá thư ngắn trong đó thánh Phanxico viết: ”Cha thích con dậy thần học cho các anh em tu sĩ”. Thế là thánh Antôn đặt nền tảng cho thần học phan sinh, với các tư tưởng gợi hứng của các vị nổi tiếng như Bonaventura thánh Bagnoreggio và chân phước Duns Scoto.

Trở thành Bề trên giám tỉnh của dòng tại miền bắc Italia thánh nhân tiếp tục thừa tác giảng dậy và cai quản dòng. Sau khi mãn nhiệm giám tỉnh người lui về Padova và qua đời tại đây ngày 13 tháng 6 năm 1231 rất được dân chúng ngưỡng mộ và sùng kính. Chính Đức Giáo Hoàng Gregorio IX có lần nghe người giảng đã định nghĩa người là ”Hòm Bia Di Chúc” và đã tôn phong người lên hàng hiển thánh năm 1232, tức một năm sau khi người qua đời.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời thánh Anton viết hai loạt bài giảng: ”Bài giảng Chúa Nhật” và ”Bài giảng về các Thánh” dành cho các vị có nhiệm vụ thuyết giảng và dậy thần học trong dòng. Trong hai tác phẩm này thánh nhân chú giải các văn bản Kinh Thánh phụng vụ và dùng kiểu giải thích của các giáo phụ thời trung cổ theo 4 ý nghĩa: nghĩa chữ hay nghĩa lịch sử, nghĩa biểu tượng hay nghĩa kitô học, nghĩa luân lý và nghĩa loại suy hướng tới cuộc sống vĩnh cửu. Chúng là 4 chiều kích của Lời Chúa trong Kinh Thánh. Các bài giảng này là các văn bản thần học giảng thuyết. Chúng vang vọng lời giảng sống động trong đó thánh Anton đề nghị một lộ trình cuộc sống kitô và cho thấy các giáo huấn tinh thần phong phú, đến độ năm 1946 Đức Pio XII đã tuyên bố thánh Anton là ”Tiến Sĩ Giáo Hội” và gọi người là ”Tiến sĩ tin mừng”, vì các tác phẩm của thánh nhân tỏa thoát ra sự tươi mát và xinh đẹp của Tin Mừng đem lại rất nhiều lợi ích cho cả con người thời nay. Đức Thánh Cha khai triển thêm điểm này như sau:

Trong các Bài giảng này thánh Anton nói về lời cầu nguyện như là một tương quan tình yêu, thúc đẩy con người chuyện vãn với Chúa một cách ngọt ngào, tạo ra một niềm vui không thể nào diễn tả nổi, bao trùm linh hồn của người cầu nguyện. Thánh nhân nhắc cho chúng ta biết rằng lời cầu nguyện cần có một bầu khí thinh lặng, không tách rời khỏi tiếng ồn ào bên ngoài nhưng là kinh nghệm nội tâm, tạo ra sự thinh lặng trong chính tâm hồn. Theo giáo huấn của thánh nhân lời cầu nguyện bao gồm 4 thái độ không thể thiếu. Thứ nhất là ”obsecratio” tin tưởng rộng mở con tim cho Chúa; đây là bước đầu tiên của việc cầu nguyện mở rộng trái tim cho sự hiện diện của Chúa chứ không phải chỉ là đơn sơ tiếp nhận một lời nói. Thứ hai là ”oratio” nói chuyện với Chúa một cách yêu thương trìu mến, thấy Ngài hiện diện với tôi. Thứ ba là ”postulatio” trình bầy với Chúa các nhu cầu của chúng ta. Và thứ bốn là ”gratiarum actio” chúc tụng và cảm tạ Chúa.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: giáo huấn này của thánh Anton cho thấy một trong các nét đặc thù của linh đạo phan sinh: đó là vai trò của tình yêu Chúa, thấm nhập lãnh vực tâm tình, ý chí, con tim và cũng là suối nguồn làm nảy sinh ra sự hiểu biết tinh thần vượt cao hơn mọi sự hiểu biết. Thật thế, khi yêu mến chúng ta hiểu biết. Thánh Anton viết: ”Đức ái là linh hồn của đức tin khiến cho đức tin được sống động. Không có tình yêu đức tin sẽ chết” (Sermones dominicales et Festivi II. Messaggero, Padova 1979, tr.37). Chỉ khi một linh hồn cầu nguyện mới có thể tiến tới trong cuộc đời thiêng liêng. Đó là nòng cốt lời rao giảng của thánh Anton. Người biết các thiếu sót của bản tính nhân loại và khuynh hướng hay sa ngã phạm tội của chúng ta nên thánh nhân liên tục thúc đẩy chúng ta chống trả lại sự hướng chiều về tham lam, kiêu ngạo, không trong sạch, và thực thi các nhân đức khó nghèo, quảng đại khiêm tốn và vâng lời, khiết tịnh và trong sạch.

Vào đầu thế kỷ XIII trong bối cảnh của các thành phố nảy sinh và sự phồn thịnh của cuộc sống thương mại, người ta ngày càng ít chú ý tới các nhu cầu của dân nghèo. Vì thế thánh Antôn nhiều lần mời gọi các tín hữu trợ giúp tiếp đón các người nghèo nàn túng thiếu, nghĩ tới sự giầu có đích thực là sự phong phú của con tim khiến cho họ trở nên tốt lành nhân hậu và tích trữ các kho tàng trên trời. Đây lại chằng là giáo huấn rất thời sự trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay khiến cho nhiều người lâm cảnh bần cùng túng thiếu hay sao?

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến một nét đặc thù khác nữa trong cuộc sống của thánh Antôn và nền thần học phan sinh: đó là luôn lấy Chúa Kitô làm trung tâm cuộc sống và tư tưởng, hành động và việc giảng dậy. Thần học phan sinh chiêm ngưỡng và mời gọi chiêm ngưỡng các mầu nhiệm nhân tính của Đức Kitô Con Người, đặc biệt là mầu nhiệm Giáng Sinh, một điểm chính của tình yêu của Chúa Kitô đối với nhân loại. Ngoài ra việc ngắm nhìn thập giá gợi hứng cho các tư tưởng của thánh Antôn biết ơn Thiên Chúa và qúy trọng phẩm giá con người. Vì thế mọi người tin cũng như không tin đều tìm thấy nơi Thập Giá và trong hình ảnh của Chúa một ý nghĩa khiến cho cuộc sống được phong phú.

Thánh Anton viết: ”Chúa Kitô là sự sống của bạn, bị treo trước mắt bạn để bạn nhìn vào thập giá như nhìn vào một tấm gương. Nơi đó bạn có thể nhận biết các vết thương của bạn có thể gây chết chóc như thế nào, các vết thương không có thuốc nào chữa được, nếu không phải là thuốc Máu của Con Thiên Chúa. Nếu bạn nhìn kỹ bạn có thể ý thức được bản tính nhân loại của bạn và giá trị của nó lớn lao đến mức nào... Không ở nơi nào khác con người có thể ý thức được giá trị của mình cho bằng khi nhìn vào tấm gương của thập giá” (Sermones Dominicales et Festivi III, tr.213-214).

Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn du như sau: Khi suy ngắm các lời này chúng ta có thể hiểu rõ ràng tầm quan trọng của hình ảnh của Thập Giá đối với nền văn hóa của chúng ta đối với thuyết nhận bản của chúng ta nảy sinh từ đức tin kitô. Chính khi ngắm nhìn Thánh Giá chúng ta thấy phẩm giá và giá trị của con người cao cả biết bao. Không có điểm nào khác có thể giúp hiểu con người gía trị dường nào, chính bởi vì Thiên Chúa khiến cho chúng ta trở nên quan trọng đến thế, Ngài coi chúng ta quan trọng đối với Ngài đến độ đáng cho Ngài phải đau khổ. Như thế phẩm gia con người xuất hiện nơi tấm gương của Thánh Giá và hướng nhìn về Thánh Giá luôn là suối nguồn việc thừa nhận phẩm giá con người.

Trong Năm Linh Mục này chúng ta hãy xin thánh Anton bầu cử cho toàn thể Giáo Hội, đặc biệt là các vị giảng thuyết, các linh mục và các phó tế trong sứ mệnh loan báo và thời sự hóa Lời Chúa, để các vị biết kết hiệp giáo lý vững chắc lành mạnh với lòng đạo đức chân thành sốt mến và khả năng truyền thông bén nhọn.

Linh Tiến Khải