PDA

View Full Version : Hội Thảo Chuyên Đề Về Đại Kết



princessprincess1993
19-02-2010, 07:25 AM
Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo vừa tổ chức một hội nghị chuyên đề kéo dài trong ba ngày, từ 8 tới 10 tháng 2, 2010 tại Vatican, qui tụ các thần học gia của các Giáo Hội Luthêrô, Cải Cách, Anh Giáo và Methodist. Mục đích của hội nghị chuyên đề là để thảo luận cuốn “Gặt Hái Các Hoa Trái: Các Khía Cạnh Căn Bản của Đức Tin Kitô Giáo trong Cuộc Đối Thoại Đại Kết” đã được công bố hồi tháng 10 năm ngoái. Các thần hoc gia này sẽ cùng nhau xem sét các bước kế tiếp trong cuộc đối thoại này, theo lời mời của Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ Tịch Hội Đồng.

Cuốn sách trên tóm lược thành quả của 40 năm đối thoại song phương giữa Giáo Hội Công Giáo La Mã và Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới, Liên Minh Các Giáo Hội Cải Cách Thế Giới, Hiệp Thông Anh Giáo và Hội Đồng Methodist Thế Giới.

Theo thông cáo của Hội Đồng, Hội Nghị Chuyên Đề cũng “nêu ra nhiều vấn đề quan trọng đối với hướng đi tương lai và nội dung của cuộc thảo luận đại kết”. Bởi thế, Hội Nghị Chuyên Đề không hẳn chỉ “xem sét các yếu tố thoả thuận đã đạt được trong 40 năm đối thoại chính thức, mà còn xem sét các phương thức để thông truyền các thành quả đáng kể ấy cho các thành viên của mọi cộng đồng Kitô Giáo khác nhau”.

Hội Đồng hy vọng rằng bằng cách này, các cộng đồng sẽ chứng tỏ “một cách đầy đủ hơn qua cuộc sống của họ sự tiến bộ hướng về hợp nhất đã đạt được”. Các thần học gia đã “xem sét trong chi tiết vấn đề tiếp nhận các công bố và thoả hiệp chung, nhu cầu làm chứng chung giữa các Kitô Hữu ở mọi cấp, và bối cảnh thay đổi trong đó Kitô Giáo phải đảm nhận sứ vụ của mình”. Họ cũng đã thảo luận việc phải tiến hành cuộc đối thoại đại kết trong tương lai ra sao và cần phải thực hiện những bước nào hướng tới mục đích “hiệp thông trọn vẹn và hữu hình”.

Hiệp thông

Đức Hồng Y Kasper nói với các tham dự viên rằng: “Hiệp thông là gì theo nghĩa thần học? Nó không có nghĩa một cộng đồng theo chiều ngang nhưng là ‘việc thông công của các thánh’ -- điều mà ta có thể gọi là việc tham dự theo chiều dọc vào những gì là ‘thánh’, vào ‘những sự việc thánh’ – nghĩa là, Thần Trí Chúa Kitô hiện diện trong Lời của Người và trong các bí tích do các thừa tác viên được thụ phong xứng đáng cử hành”.

Các tham dự viên của Hội Nghị Chuyên Đề “đã thăm dò xem các bất đồng vốn có xưa nay có thể được tái thẩm định ra sao nếu ta nhìn chúng trong ngữ cảnh sứ vụ và cái nhìn của Nước Chúa”. Họ nói về cuộc đối thoại đại kết bằng ngôn từ của một “tiếp cận mới và đầy hứa hẹn” qua đó, nó được nhìn như “một trao đổi ơn phúc”. Các thần học gia cũng thảo luận “các đề nghị thực tế để khích lệ việc tìm tòi hợp nhất, cách riêng việc đưa ra Tuyên Bố Chung về điều chúng ta đã đạt được về phương diện đại kết”.

Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo đề nghị rằng một khả thể đối với hình thức của bản Tuyên Bố trên có thể là “cùng khẳng định chung đức tin của Phép Rửa, bao gồm việc chú giải Kinh Tin Kính và Kinh Lạy Cha”. Hội Nghị Chuyên Đề lần này bao gồm các chuyên viên nhiều kinh nghiệm về đối thoại và cả “các thần học gia trẻ trung hơn mới bước chân vào phong trào đại kết”. Các đề xuất tích cực của Hội Nghị sẽ được đem ra thảo luận tại cuộc họp khoáng đại của Hội Đồng Giáo Hoàng vào tháng 11 năm 2010. Bản thông cáo của Hội Đồng thêm rằng các tham dự viên đánh giá cao tiềm năng của Rôma trong việc tổ chức những hội nghị chuyên đề loại này, chúng rất có ích cho phong trào đại kết.

Một sách giáo lý đại kết

Cindy Wooden của Hãng Tin Catholic News Service nhân dịp này nhấn mạnh tới đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper ngỏ với Hội Nghị Chuyên Đề về một sách giáo lý đại kết để chứng tỏ hoa trái của 40 năm đối thoại giữa các Giáo Hội Công Giáo, Anh Giáo, Luthêrô, Methodist và các thành viên của các Giáo Hội Cải Cách. Đức Hồng Y nói với đại biểu các Giáo Hội trên như sau: “Chúng ta vốn khẳng định nền tảng chung của chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô và Ba Ngôi Thiên Chúa như đã được phát biểu trong kinh tin kính chung của chúng ta và trong tín lý của các công đồng chung đầu tiên”.

Khai mạc hội nghị chuyên đề kéo dài ba ngày tại Vatican để thảo luận về tương lai của phong trào đại kết, Đức HY Kasper cho hay điều chủ yếu là phải luôn ghi nhớ các thành tựu của chúng ta trong đối thoại, phải giáo dục tín hữu để họ nắm vững các thành tựu đó và phải chuẩn bị cho các thế hệ tương lai để họ biết tiếp tục công trình này. Ngài cho hay các thành viên thuộc Hội Đồng của ngài đề nghị phải có một sách giáo lý đại kết, được viết ra với sự tham khảo của mọi đối tác. Tuy nhiên, ngài chưa rõ sách giáo lý ấy sẽ có cấu trúc ra sao và phải được soạn thảo như thế nào. Theo ngài, điều chắc chắn là hiện đang có nhu cầu phải có “một đại kết về những điều căn bản để nhận diện, tăng cường và thâm hậu hóa nền tảng chung” của đức tin vào Chúa Kitô và niềm tin vào các tín điều trong kinh tin kính. Các Giáo Hội có thể đang tuân giữ các tín điều đó một cách chính thức, nhưng nếu các thành viên của họ không tuân giữ một cách vững vàng các điểm căn bản của đức tin Kitô Giáo, thì cuộc đối thoại không thể tiến triển được.

Đức HY Kasper, một nhà thần học sẽ 77 tuổi vào tháng 3 này và từng điều khiển Hội Đồng Cổ Vũ Hợp Nhất 9 năm nay, cũng nói rằng cuộc đối thoại đại kết có lẽ đang có nguy cơ trở thành một vấn đề của riêng các nhà chuyên môn và do đó, tách rời khỏi quần chúng tín hữu. Ngài kêu gọi phải có một đại kết lấy tín hữu làm tâm điểm, một đại kết có thể hỗ trợ và đem lại sinh lực mới cho cuộc đối thoại thần học.

Đối với các vấn đề còn phải đương đầu ngõ hầu các Kitô hữu có thể đạt được sự hợp nhất trọn vẹn và được chia sẻ chung Phép Thánh Thể, Đức HY nhận diện hai lãnh vực căn bản: một cái hiểu chung về giáo hội và cơ cấu của giáo hội; một phương cách chung để áp dụng Phúc Âm vào các vấn đề xã hội và luân lý hiện đại mà không sa vào thuyết duy tương đối.

Đức Hồng Y cho rằng các vấn đề đạo đức như đồng tính luyến ái và quyền bình đẳng của phụ nữ không những đang chia rẽ các giáo hội, chúng còn đặt ra nhiều vấn nạn có tính nền tảng hơn cho xã hội hiện đại và hậu hiện đại, như: Con người là gì, và trong kế hoạch Thiên Chúa, làm đàn ông và làm đàn bà có nghĩa chi?

Theo ngài, trong lãnh vực cơ cấu và thừa tác vụ của giáo hội, các cuộc đối thoại đã có tiến triển hướng tới một thỏa thuận chung về bản chất bí tích truyền chức thánh và về việc kế tục tông đồ trong thừa tác vụ của giám mục, và đang có những bước khởi đầu hướng tới việc thảo luận về tính tối thượng (primacy) của giám mục Rôma, tức Đức Giáo Hoàng.

Về việc này, Đức Hồng Y Kasper đặt câu hỏi: trên bình diện căn bản hơn, các cuộc đối thoại phải đi vào vấn đề không phải chỉ là giáo hội là gì mà còn là giáo hội ở đâu? Thiên Chúa có ban cho giáo hội của Người một cơ cấu đặc thù hay để mặc cho giáo hội ấy tự tìm ra cơ cấu cho chính mình, đến độ có thể có một hình thức đa nguyên về cơ cấu? Theo ngài, Vatican cần giải thích rõ hơn cho các đối tác đối thoại của mình xác tín Công Giáo sau đây: Giáo Hội Công Giáo là giáo hội của Chúa Kitô và Giáo Hội Công Giáo là giáo hội đích thực dù trên thực tế nhiều yếu tố quan trọng của giáo hội Chúa Kitô quả có hiện diện ở bên ngoài các biên giới hữu hình của Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo tin rằng “có nhiều thiếu sót trong các giáo hội khác. Ấy thế nhưng, trên một bình diện khác, cũng có những thiếu sót hay đúng hơn những vết thương phát sinh do chia rẽ và tội lỗi bên rong Giáo Hội Công Giáo nữa”. Đức HY cho rằng cuộc đối thoại đại kết là nơi các Kitô hữu “học hỏi để lớn lên và trưởng thành trong lòng trung thành với Chúa Kitô” và nhờ mỗi người biết xích lại gần Chúa Kitô hơn, tự nhiên họ sẽ xích lại gần nhau hơn".

Mời gọi thế hệ mới tham gia đại kết

Tại Hội Nghị Chuyên Đề này, một mục sư thuộc Giáo Hội Trưởng Lão (Presbyterian), Ông Neal D. Presa, 33 tuổi ở New Jersey, Hoa Kỳ, phát biểu rằng muốn cho thế hệ mới tham gia phong trào đại kết, các giáo hội phải chỉ cho họ thấy các cố gắng vun đắp cho việc hợp nhất các giáo hội thích ứng ra sao đối với quan tâm của giới trẻ về một thế giới đổ vỡ. Ông bảo: “đại kết rõ ràng sẽ ra khác. Sở dĩ như thế chỉ vì hiện tượng hoàn cầu hóa”. Mục sư Presa là một trong các đại biểu của Liên Minh Các Giáo Hội Cải Cách Thế Giới tham dự Hội Nghị Chuyên Đề nói trên.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, nơi kết thúc Hội Nghị với một buổi cầu nguyện chung, Mục Sư Presa cho hay: phần lớn giới trẻ hiện nay không coi giáo hội là quan trọng. Họ có thể là Kitô hữu, nhưng với họ, tư cách thành viên cho có lệ không quan trọng bằng việc dấn thân vào các cố gắng cổ vũ hòa bình, công lý, liên đới và chăm sóc môi sinh. Theo ông, “sau ngày 11 tháng 9 và với những thống khổ nhân bản từng được khuếch đại sau không biết bao nhiêu biến cố xẩy ra trên thế giới -- thuộc kinh tế, môi sinh và chính trị -- thế hệ tôi, tức thế hệ thanh thiếu niên, sẵn sàng vượt qua ranh giới hệ phái và tôn giáo để kiến tạo một thế giới tốt hơn”. Ông bảo các nhà lãnh đạo tôn giáo phải giúp người trẻ thấy rằng: trong một thế giới đổ vỡ, được ghi dấu bằng phân mảnh, chúng ta đang đi tìm hợp nhất. Và đó mới là chứng tá mạnh mẽ. Mục sư Presa cho rằng việc hội nghị chuyên đề đưa ra sáng kiến soạn thảo các bản chú giải đại kết về Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ, Mười Điều Răn và Kinh Lạy Cha rất có ích trong phạm vi này. Vì ba bản văn đó giải thích cho người ta thấy “có một ý nghĩa ở bên ngoài bạn, thuộc một cộng đoàn lớn hơn cuộc sống bạn là điều quan trọng, cuộc sống đạo đức là điều đáng kể và có một ý nghĩa không phải chỉ cho gia đình và cộng đoàn của bạn, nhưng cho toàn thế giới”.

Các thần học gia và các nhà lãnh đạo giáo hội khác tại Hội Nghị cũng thảo luận các phương thế giúp các tín hữu của mình hiểu việc hợp nhất các Kitô hữu chia rẽ quan trọng ra sao. Nhưng họ cũng hiểu rõ điều này: trong nhiều trường hợp các tín hữu mong muốn các thần học gia và các nhà lãnh đạo giáo hội phải giải quyết những dị biệt còn lại để họ có thể tiếp nhận Thánh Thể trong các buổi phụng vụ của nhau.

Đức Hồng Y Kasper nói rằng các cuộc đối thoại đã nhận diện được một đức tin chung rất mạnh mẽ vào Chúa Giêsu Kitô và Ba Ngôi Thiên Chúa, trong nội dung kinh tin kính và trong Phép Rửa. Nhưng theo ngài, để các Kitô hữu đạt được sự hợp nhất trọn vẹn và cùng tiếp nhận Thánh Thể chung, họ phải giải quyết các dị biệt liên quan đến ý nghĩa của việc thụ phong và ai được thụ phong, đến thẩm quyền trong giáo hội, và đến việc giải thích Thánh Kinh cách chân chính.

Giám mục Anh Giáo, N. Thomas Wright của giáo phận Durham, Anh Quốc, nói rằng các cuộc đối thoại đã cho thấy người Công Giáo, người Anh Giáo, người Luthêrô, người Methodist và các thành viên các Giáo Hội Cải Cách chủ yếu đã nhất trí với nhau về các điểm căn bản của đức tin Kitô Giáo. Nhưng ông đặt câu hỏi: “Điều gì khiến ta có thể nói với nhau rằng vì ta rõ ràng đã nhất trí với nhau về bản thể nội tại của đức tin, nên ta phải có khả năng đồng ý khác biệt nhau trên các vấn đề còn lại?”

Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, Giám Mục Wright cho rằng một số dị biệt không quan yếu bao nhiêu đối với căn tính Kitô Giáo đến nỗi có thể ngăn chặn các cộng đồng Kitô hữu khác nhau không nhìn nhận nhau và chung chia Thánh Thể với nhau. Ông đặt câu hỏi: “Nếu đã nhất trí với nhau về ý nghĩa của Thánh Thể, thì có quan trọng không khi tôi cử hành nó, tôi vốn không phải là người được thụ phong trong truyền thống Rôma? Điều ấy có thực sự quan trọng không? Hiện nay, nó là điều quan trọng. Nhưng có nên như thế hay không?”. Ông bảo: theo quan điểm Thánh Kinh và quan điểm Anh Giáo, tư cách để chung chia tình đồng bàn Thánh Thể là chung chia đức tin vào Chúa Giêsu, nhận Người là Đấng Được Xức Dầu và là Chúa, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại.

Mục sư Geoffrey Wainwright, thuộc Giáo Hội Methodist và là đồng chủ tịch cuộc đối thoại Công Giáo và Methodist, cho rằng một trong những dấu chỉ đại kết tích cực nhất phát sinh từ các giáo xứ và cộng đoàn địa phương là: “áp lực lớn lao đòi được chung chia Thánh Thể với nhau… Theo tôi, hiện nay chúng ta chưa thể tức khắc làm được việc đó. Cần có đủ nhất trí về điều việc gì đang xẩy ra khi chúng ta tụ họp với nhau chung quanh bàn thờ. Nhưng rõ ràng ngày càng có nhiều áp lực từ phía dân chúng, họ bảo: này, qúy vị giám mục và qúy vị thần học gia, qúy vị phải chung lưng hành động để chúng tôi thực sự, chứ không phải giả đò, đến với nhau trong tình hiệp thông đi chứ!”

Vũ Văn An