PDA

View Full Version : Bài học về sự lễ phép



thỏ ngọc
01-04-2010, 01:45 PM
Bài học về sự lễ phép




Nhiều người vẫn phàn nàn rằng, trẻ nhỏ bây giờ nhiều người thiếu lễ độ với người lớn quá. Học sinh nhìn thấy thầy giáo thay vì chào lại chỉ chỏ, bình luận, con cái đi ra khỏi nhà cũng chỉ “phóng” lại một câu với bố mẹ như chỉ thị. Cái gọi là “gọi dạ, bảo vâng” với trẻ bây giờ dường như bị lãng quên nhiều, nghi lễ, phép tắc của lời chào, lời xin lỗi, cảm ơn, bị nhiều bậc làm cha làm mẹ xem nhẹ. Có lẽ đó là nguyên nhân khiến sự lễ độ trong lời ăn, tiếng nói, cách cư xử của trẻ bị giảm sút nhiều từ chính trong gia đình.

Con còn bé, bố mẹ thường có suy nghĩ trẻ con không biết gì, nên khi trẻ có thái độ không ngoan, thậm chí hỗn với người lớn thì cũng bỏ qua mà không uốn nắn. Nhưng việc giáo dục để trẻ biết vâng lời, lễ phép và cư xử đúng mực là điều vô cùng cần thiết và nên uốn nắn trẻ từ sớm. Một ông bố phàn nàn rằng, lúc anh đưa con đi dự buổi liên hoan do cơ quan tổ chức, khi ra về anh nhắc cháu chào các bác, các chú, nhưng cháu nhất định không nghe. Bố càng giục, cháu càng lơ đi làm anh vừa bực và ngượng với mọi người. Một bà mẹ khác lại kể, bé Bông nhà chị mới 4 tuổi, ai nói gì nó cũng giơ nắm đấm vào mặt người lớn khi trò chuyện. Chị cũng cho rằng, đó là hành vi hỗn và cần được dạy dỗ nghiêm khắc. Nhưng khi chị quát con không được làm thế, dùng tay phát vào mông con, nó lại hét to vào mặt chị, dùng tay kéo tai hoặc giật tóc chị. Bực mình chị đánh nó, nhưng lần sau nó vẫn thế.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, từ bé dạy trẻ những kỹ năng giao tiếp cần thiết để bé biết cách xử sự lịch sự và cũng là hình thành đức tính tốt cho bé sau này. Đơn giản, cha mẹ hãy dạy bé biết nói “dạ, thưa” mỗi khi trả lời câu hỏi của người lớn, vừa lễ phép lại vừa dễ nhớ như “dạ có, dạ không…”. Ban đầu, nên dạy con biết khoanh tay và chào hỏi người lớn khi đưa bé đến chơi nhà ai đó. Sau đó, theo lứa tuổi và khả năng nhận thức mà cha mẹ hướng dẫn trẻ những bài học khác. Điều quan trọng hơn cả là cha mẹ cần chú ý đến thái độ của chính mình khi trò chuyện hoặc trong cách ứng xử với trẻ. Khi trẻ chưa ngoan, cần nhắc nhở trẻ một cách nhẹ nhàng. Nếu bị la mắng nặng lời, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi và lần sau không dám tái phạm vì sợ bị mắng chứ không phải trẻ vâng lời vì tôn trọng cha mẹ.

Bé Bin ở nhà líu lo như chim sáo, nhưng ra đường gặp người lớn, mẹ nhắc bé chào, bé lấy tay che miệng lại và lảng ra chỗ khác. Có lần, mẹ bé đã nhốt con trong nhà vệ sinh một mình, nhưng bé vân không chịu chào ông bà. Bố giận quá, mắng con, đánh con, con chỉ khóc nhưng nhất quyết “không mở mồm”. Bé Hà cũng có “thói quen” nhất định không chịu khoanh tay lại “ạ” ông bà như lời mẹ dạy. Mẹ bé càng ra sức quát mắng, bé càng khóc to hơn. Thấy vậy, bà bế bé, dỗ dành một lúc. Khi về, bà chỉ nhắc: “Con ạ bà nào”, bé đưa tay lên vẫy vẫy, mồm “ạ” rất to. Có người mẹ khác cũng tâm sự, con gái chị bình thường rất ngoan, nhưng thi thoảng bảo chào khách nhất định nó không chào, có khi nhắc mỏi miệng mà con chỉ im thôi. Chẳng biết làm thế nào với con nữa.

Thực tế cho thấy rằng, muốn trẻ có thái độ lễ phép trước hết cha mẹ cần làm gương cho con. Mặc dù khi trẻ còn nhỏ chưa ý thức được về điều này, nhưng ngay từ nhỏ bố mẹ cần tạo cho trẻ thói quen tốt này. Bố mẹ cần gương mẫu trong việc xưng hô với bề trên, giữ đúng nền nếp trong gia đình. Đó chính là những ấn tượng tốt và tạo thói quen cho trẻ học tập theo.

Sự chiều chuộng quá mức cũng là nguyên nhân khiến trẻ thiếu lễ phép. Chị Nguyện có một bé trai gần mười tuổi kể, hồi nhỏ bé ngoan lắm, gặp ai cũng khoanh tay chào. Từ ngày vợ chồng mải việc, cháu ở nhà với ông nội, được chiều chuộng nên bây giờ hư lắm. Có khách, quát con đến khản cổ, bé cũng không chào ai. Nói chuyện thì toàn nói trống không. Đến nhà người khác, thích ăn gì, thích lấy gì cứ tự nhiên mở tủ lấy khiến bố mẹ rất ngượng. Nhưng đánh nó cũng bằng thừa, mặt nó cứ câng câng lên.

Việc chào hỏi, lễ phép trong ăn nói, tưởng như là việc rất nhỏ nhưng không nên xem nhẹ hoặc bỏ qua. Cha mẹ cũng nên kiên trì dạy con, làm sao cho quá trình giáo dục con không bị gián đoạn vì bất kỳ lý do nào. Nhiều trường hợp cho thấy, do cha mẹ lơ là, một số bé có thể từ ngoan, biết nghe lời đã chuyển thành cứng đầu, khó bảo chỉ sau 1-2 năm. Giáo dục con là việc làm thường xuyên trong gia đình (giống như mưa dầm thấm lâu) và ở bất kỳ độ tuổi nào. Chính cái sự lễ phép từ ngày thơ dại trong gia đình ấy sẽ cho ra đời những người biết cư xử có văn hóa trong xã hội sau này.




Trần Liên Anh

Theo www.ktdt.com.vn (http://www.ktdt.com.vn)