PDA

View Full Version : Bước chân của cậu học trò mồ côi



hongbinh
12-10-2011, 05:46 PM
Bước chân của cậu học trò mồ côi


http://www.tuoimuctim.net/uploads/thongtin/tmtim_204735.jpg

Sáu tuổi mồ côi cha, 12 tuổi mồ côi mẹ nhưng cậu học trò ấy đã không gục ngã. Em vẫn vượt khó học tập: suốt chín năm liền đều là học sinh giỏi. Em là Phạm Văn Thông, vừa tốt nghiệp lớp 9 Trường THCS Truông Mít (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh).


Thông có một người chị gái. Sự ra đi của mẹ khiến hai chị em đau đớn, ngơ ngác như gà con lạc mẹ, chỉ biết ôm nhau khóc, chẳng biết rồi sẽ về đâu... Bất hạnh chồng lên bất hạnh. Khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng cuộc sống phải tiếp diễn, phải bước về phía trước. Chị gái của Thông dù học giỏi cũng đành gác lại ước mơ làm cô giáo để đi làm mướn nuôi đứa em thơ.


Thương hai đứa cháu côi cút, bà ngoại em dọn đến ở cùng. Toàn bộ nguồn sống của gia đình Thông dựa vào số tiền 500.000 đồng/tháng của người chị đi phụ quán cho người quen và 200.000 đồng tiền trợ cấp xã hội dành cho trẻ mồ côi. Trước hoàn cảnh gia đình Thông, năm 2009 chính quyền xã Truông Mít đã xây cho gia đình em căn nhà đại đoàn kết.


Không để chị vất vả lo cho mình ăn học, hằng ngày sau mỗi buổi đi học Thông lại lo làm hết mọi việc trong nhà và chăm sóc bà ngoại để chị yên tâm đi học nghề uốn tóc ở một tiệm gần nhà. Hai tháng nay bà ngoại bị bệnh tim, cao huyết áp phải đi khám và uống thuốc thường xuyên. Thương ngoại, Thông xin đi phụ bán quán nước gần nhà vào tối thứ bảy và chủ nhật.


Dù cuộc sống khó khăn, bất hạnh nhưng Thông không buông xuôi việc học và học rất giỏi. Đặc biệt năm học 2010-2011 Thông đoạt rất nhiều giải thưởng như giải nhì kỳ thi học sinh giỏi giải toán trên máy tính Casio (vòng tỉnh), giải ba môn vật lý kỳ thi học sinh giỏi (vòng tỉnh), đạt giải thưởng Lê Quý Đôn (giải thưởng của UBND tỉnh Tây Ninh trao tặng cho học sinh có thành tích học tập xuất sắc)...


Biết Thông mồ côi, nghèo khó và ham học, có một thầy giáo nhận Thông về nuôi và cho em ăn học nhưng Thông đã xin từ chối. Bởi nếu em đi thì ai chăm sóc bà ngoại những khi bệnh tật. “Em muốn chị gái học thành nghề để có cuộc sống ổn định. Chị đã hi sinh vì em quá nhiều rồi. Em là con trai nên phải có trách nhiệm với gia đình” - Thông bùi ngùi tâm sự.


Thông mơ ước sau này sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Dẫu biết rằng con đường phía trước với em là gian nan, trắc trở nhưng em quả quyết sẽ không chùn bước. Cảm phục nghị lực phi thường của em, tôi viết bài này gửi tới chương trình "Bạn tôi - người vượt khó", coi đây như chút tình của một nhà giáo dành cho một em học sinh đã vẽ nên một tấm gương đẹp trong đời.

Tác giả: Hà Giang
Nguồn: Tuổi Trẻ

hongbinh
14-10-2011, 07:43 PM
Cô bé chăn trâu ở đảo Lòng Hồ


http://www.tuoimuctim.net/uploads/thongtin/tmtim_100613.jpg


Năm học 2010-2011 vừa rồi tôi được phân công giảng dạy lớp 7E Trường THCS thị trấn huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Ở lớp học này, tôi có một kỷ niệm sâu sắc với một em học sinh mà tôi nhớ mãi.


Hôm ấy, vào tiết học thứ nhất, sau khi ổn định lớp tôi gọi em lên trả bài, em bối rối cầm quyển tập lên bục giảng mà mắt ngân ngân nước. Hỏi ra mới biết do hôm qua mẹ em bệnh nặng, em thay mẹ chăn trâu mướn cả ngày, nhà lại không có tiền mua dầu lửa để thắp vào ban đêm nên em đã không học thuộc bài.


Trình bày xong lý do của mình, đôi vai em run run và em ôm mặt òa khóc nức nở. Là một học sinh giỏi nhiều năm liền, nên việc không học thuộc bài đã làm em xấu hổ và mặc cảm. Vỗ nhẹ vào vai em, tôi thương quá cô học trò bé bỏng của mình, em chỉ mới vào tuổi 13 nhưng đã biết chia sẻ công việc cùng ba mẹ.


Theo chân em về nhà vào ngày cuối tuần, tôi mới cảm phục sự quyết tâm của em trong việc đeo đuổi con chữ. Một căn nhà nhỏ nằm lẩn khuất sau những hàng tràm đước tại Bến Quỷnh, mảnh đất cuối cùng của đảo Lòng Hồ thuộc huyện Dương Minh Châu. Từ nhà em đến trường hai bận đi về cũng khoảng 20km.


Vào mùa nắng, em vượt 7km đường bờ ruộng mới đến được khu dân cư, sau đó em vượt tiếp hơn 2km đường nhựa nữa mới đến trường. Vào mùa nước lên, cha em phải chèo xuồng băng qua vùng nước nổi, lên bờ rồi em trèo lên chiếc xe đạp cũ kỹ gửi tạm nhà dân ven đường, gò lưng đạp. Nhà ở vùng bán ngập, có hôm sóng to gió lớn ngập cả cột nhà, cả nhà phải dời lên gác được che bằng nhựa và mấy tấm ván lơ lửng phía trên ở tạm. Những hôm ấy em cứ ngồi ôm khư khư chồng sách vở, lo sợ sóng vỗ mạnh sập đổ ngôi nhà, tập sách bị ướt không học được.


Em là con gái út trong gia đình. Anh hai có vợ và hai con thơ nhưng vẫn ở chung trong ngôi nhà nhỏ bé. Cả gia đình ở tạm trên mảnh đất bán ngập này ngót 16 năm. Nơi đây rất hẻo lánh, không ánh đèn điện, nguồn nước đào được thì nhiễm phèn trầm trọng. Mỗi khi em nấu xong nồi canh để nguội thì nước chuyển sang màu đen.


Em cười vô tư bảo với tôi: “Cô ơi, chắc cái bụng con chứa một lớp phèn trong ruột rồi! Con quen rồi cô ơi, bởi vậy con sẽ cố gắng học thật giỏi để làm bác sĩ chữa bệnh này!”. Nghe em nói mà tôi nghẹn ngào, một cô bé vừa học vừa chăn trâu lại có một hoài bão lớn lao như vậy. Có lẽ vì có hoài bão nên em đã nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống hiện tại chăng?


Hằng ngày, ngoài thời gian học ở trường em đi chăn trâu mướn cùng mẹ. Mỗi con trâu được chủ trả công 3.000 đồng sau một ngày chúng được lùa đi ăn no nê. Nhìn em lững thững cầm cây roi lùa các chú trâu ra đồng tôi mới cảm nhận được hết nỗi vất vả của em.


Dù nắng nóng hay mưa bão, không có bóng cây cao để ẩn nấp, em vẫn ngồi đó, nhỏ bé giữa bầy trâu đang mải mê gặm cỏ. Đàn trâu tám con cũng giúp hai mẹ con kiếm được 24.000 đồng/ngày. Còn ba em đêm đêm lội nước để đặt từng cái lờ tép, ngày trúng lắm kiếm được khoảng 50.000 đồng.


Em chưa một lần bước vào lớp học thêm, nhưng thành tích học tập của em thật đáng nể: bảy năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.


Cô bé có nước da ngăm đen, hiền lành và có ước mơ trở thành bác sĩ ấy chính là Nguyễn Ngọc Duyên, học sinh lớp 7E Trường THCS Thị Trấn, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh.


Nguyễn Hồng Phương
(GV Trường THCS thị trấn huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh)

hongbinh
16-10-2011, 04:07 PM
Bệnh tật không dập tắt được ước mơ



http://www.tuoimuctim.net/uploads/thongtin/tmtim_210819.jpg

Một cô bé đã vượt qua bao đau đớn tật bệnh để trở thành học sinh giỏi suốt bảy năm liền. Hiện cô bé đang chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh...


Cô bé có nghị lực phi thường đó là Nguyễn Thị Nguyệt, đang học lớp 8 Trường trung học cơ sở xã Nga Văn, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.


Sinh ra là một đứa trẻ khỏe mạnh, nhưng khi lên 2 tuổi bỗng Nguyệt không đi được nữa, đi khám mới biết em có một khối u ở lưng ảnh hưởng tới dây thần kinh... Nhà nghèo, số tiền phẫu thuật quá lớn, mãi tới năm 2001 gia đình mới vay đủ tiền đưa em đến bệnh viện. Nhưng thật trớ trêu, sau phẫu thuật đôi chân Nguyệt gần như liệt hoàn toàn, sống lưng thì cong về phía trước. Sau đó Nguyệt phải trải qua sáu lần điều trị tại các bệnh viện khác nhau nhưng không có tiến triển nào.


Lên 8 tuổi, nhìn thấy bạn bè đi học Nguyệt khóc đòi bố mẹ cho em đi. Cảnh nhà khó khăn, nhưng thương con quá mỗi sáng mẹ Nguyệt cũng tranh thủ đạp chiếc xe lọc cọc chở em tới trường. Những ngày đầu chân Nguyệt không co duỗi được, cứ thòng quệt xuống mặt đường chảy máu. Vậy mà Nguyệt vẫn quyết tâm đi học. Thương con cháy lòng, mẹ khuyên nghỉ học nhưng em nhất quyết không chịu... Thấy tình cảnh ấy, nhà trường đã vận động mua cho em một chiếc xe lăn.


Vượt qua mọi mặc cảm, không phụ lòng bố mẹ, suốt bảy năm qua Nguyệt là học sinh giỏi, luôn là một trong những học sinh dẫn đầu lớp. Hiện tại Nguyệt đang chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh. “Nguyệt là một cô bé rất có ý chí, lại rất có lòng. Em luôn nhiệt tình giúp đỡ các bạn trong học hành...” - cô Nguyễn Thị Anh, giáo viên dạy văn, cho biết. Võ Thị Hồng Nhung, bạn cùng lớp với Nguyệt, chia sẻ: “Nguyệt luôn là một tấm gương cho bọn em, tuy bị khuyết tật nhưng bạn học rất giỏi và luôn giúp đỡ các bạn kém hơn mình”.


Chuyện trò, Nguyệt tâm sự: “Em phải cố gắng để bù lại phần thiếu hụt đôi chân của mình, đó là cách em báo hiếu với bố mẹ. Mỗi khi thấy mẹ đi làm về mồ hôi nhễ nhại mà không giúp được gì, em chỉ muốn khóc... Vì vậy em phải quyết tâm học thật giỏi...”.

Tác giả: Trần Thị Hạnh (Lớp báo chí K33 Đại học Khoa học - Huế)
Nguồn: Tuổi Trẻ