PDA

View Full Version : Nhớ Bằng Trái Tim



hongbinh
28-02-2012, 07:38 AM
Nhớ Bằng Trái Tim

Có những điều ba mẹ quên, nhưng có những chuyện xưa lắc ba mẹ nhớ hoài... Bởi nguồn "dinh dưỡng" nuôi những cái nhớ ấy chính là tình yêu thương.


http://teen.tuoitre.vn/ImageView.aspx?ThumbnailID=423337

Bữa tối, cả nhà ngồi quây quần trước tivi xem phim. Giữa phim xen ngang mẩu quảng cáo về một loại thuốc bổ có tác dụng tăng cường trí nhớ. Mẹ - bình thường là người ngay lúc bệnh cũng không chịu uống thuốc - quay sang ba bảo hôm nào ba mua về cho mẹ xem có cải thiện tình hình trí nhớ đi xuống một cách thê thảm không. Ba chỉ cười. Ba biết thừa quảng cáo chỉ đúng có vài phần trăm tí tẹo và cũng biết thừa mẹ chẳng bao giờ chịu uống dù ba có mua về.

Xã hội phát triển nhanh, cuộc sống bận rộn, con người ta có quá nhiều chuyện phải làm, phải nhớ. Người trẻ bây giờ nhớ nhớ quên quên cũng lộn xộn cả lên.

Ở nhà con gái hay nói chuyện với mẹ, đang tính nói chuyện gì đó mà chuyển sang cái khác một hồi quay lại là “Nãy mẹ vừa định nói gì với con mà quên mất rồi”. Nhà buôn bán, việc cần phải chỉ bảo nhân viên làm thì nhiều, mà trí nhớ lại “còm cõi” - mẹ vẫn thường nói thế. Vậy là cái khó ló cái khôn, mẹ cắt giấy trắng còn sót lại từ mấy cuốn tập cũ của con gái trước khi bán ve chai, đóng thành cuốn sổ nhỏ, đi đâu cũng xách theo bên mình.

Mỗi khi có việc gì cần phải ghi nhớ thì mẹ lại viết vào đấy. Ba thấy thế cũng lôi điện thoại ra, dùng chương trình Note và Calendar để ghi lại những chuyện cần làm ở công ty, ở nhà. Trang trắng trong cuốn sổ nhỏ của mẹ ngày càng ít đi, và Note (ghi chú) lẫn Calendar (lịch biểu) trong điện thoại của ba ngày càng chi chít hơn. Con gái nhìn thấy thế thì cười, ba mẹ bảo thôi thì cái gì mình không nhớ nổi cứ để cái khác nhớ thay vậy.

Cứ tưởng câu chuyện về trí nhớ thế là cũng trôi qua. Ấy vậy mà con gái lại tình cờ phát hiện một chuyện thú vị mà trước giờ vô tâm không hay biết.

Sáng dậy sớm đi tập thể dục với ba. Con gái tò mò hỏi ba ngày xưa thế nào mà cưới mẹ. Ba hơi bất ngờ với câu hỏi khá tinh quái của con rồi cũng vừa cười vừa kể lại chuyện ngày xưa ba mẹ quen nhau thế nào, rồi lần đầu ba nắm tay mẹ, cho tới chuyện ba thấy mẹ tốt thế nào mà thương. Vậy là có gia đình nhỏ của con gái bây giờ.

Sau bữa cơm trưa, cả nhà ngồi nhâm nhi trái cây và kể chuyện. Con gái lôi bí mật hồi sáng vừa dụ ba kể ra khoe lại với mẹ làm mẹ cười trách yêu ba sao lại đi “bật mí” với con gái làm gì. Vậy là chuyển đề tài sang những ngày xưa lắc. Nói đến chuyện khám bệnh hồi đó. Ba ngồi kể lại vanh vách đứa lớn đi khám bác sĩ quen nào, đứa nhỏ đi khám bác sĩ nào, đi bệnh viện nào.

Mẹ gật gù phụ họa thêm đứa lớn hồi bé chỉ phải đi cấp cứu chỉ có một lần lúc nửa đêm, mà ngay ngày hôm sau là được bác sĩ cho về ngay; đứa nhỏ thì chỉ ốm vặt có vài lần chứ không bệnh tật gì nặng hết ráo.

Thế là cứ ngồi một chỗ nói mãi không thôi. Con gái cười tít cả mắt. Câu chuyện cứ thế xoay vòng, hé lộ những chuyện ba mẹ ít bao giờ nhắc tới, từ hồi con gái và em gái còn chưa ra đời, cho tới những ngày con gái mới vào cấp I tối ngày nhong nhong ngoài đường đi phá phách như con trai, hay chuyện em gái hồi nhỏ hay khóc nhè mít ướt thế nào…

Tự nhiên con gái thấy khóe mắt mình cay cay.

Bất ngờ, con gái nhận ra điều bình dị cỏn con nhưng rất tuyệt vời mà trước giờ chẳng để ý. Đó là ba mẹ có thể quên rất nhiều những việc cần phải làm trong cuộc sống tất bật hằng ngày, có thể phải mượn đến những công cụ thay thế tạm thời cho bộ nhớ của mình; nhưng lại chẳng bao giờ cần đến bất kỳ sự trợ giúp nào khác cho những kỷ niệm về con cái, về gia đình vốn hằn sâu vào tâm trí và trái tim - dẫu có là hai chục năm, ba chục năm chăng nữa.

Vậy là con gái đã hiểu ra rằng liều thuốc tốt nhất mà ba mẹ dùng nuôi dưỡng những kỷ niệm ngày xưa luôn sống động trong trí nhớ chính là tình yêu thương…

An Hạ

hongbinh
28-02-2012, 07:41 AM
Bài Học Của Kiến

http://gxdaminh.net/hinhanh/tulieu/kien.jpg

Tôi nhớ, năm tôi học lớp bốn, một hôm đi học về, tôi sà vào lòng ba khóc nức nở:

- Ba ơi, con là một đứa trẻ không thông minh phải không?

- Sao con lại nói vậy?

- Hôm nay, trên lớp, khi cô giảng, các bạn trong lớp đều đồng thanh đã hiểu bài. Chỉ riêng con là không hiểu gì cả.

- Thế con có nói với cô giáo không?

- Dạ không ạ! - Tôi rụt rè.

- Tại sao?

- Con sợ cô giáo và các bạn biết con dốt - Tôi vừa nói vừa quệt nước mắt.

Ba tôi thoáng nghĩ ngợi rồi xoa đầu tôi:

- Không sao đâu, con gái. Con không giải được bài toán đó nhưng con đã làm được rất nhiều bài toán khác cơ mà.

Dù được ba an ủi, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn luôn tự ti về trí thông minh ít ỏi của mình. Từ bé, tôi gầy như cái que và quanh năm cảm sốt, sổ mũi. Vì vậy, tôi không được nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác. Đôi khi, tôi coi việc học là một cực hình. Ba thương tôi lắm và luôn tìm cách an ủi, động viên tôi.

Buổi chiều hôm ấy, thấy tôi loay hoay với hết bài tập toán đến vẽ, bài tập tiếng Việt. Cứ làm bài tập này không được, tôi lại xem bài tập kia, nhưng cuối cùng, tôi chẳng hoàn thành được bài tập của môn nào cả. Thấy tôi ngồi chống cằm chán nản, ba dẫn tôi ra hiên nhà, nơi có những chú kiến nhỏ đang cần mẫn bò theo mép tường. Ba cùng tôi theo dõi những chú kiến chui vào cái lỗ nhỏ xíu, tấp nập những con kiến khác ra vào.

- Con có biết phía sau cái lỗ nhỏ xíu kia là gì không?

Tôi lắc đầu. Ba nói tiếp:

- Đó là một tổ kiến khổng lồ.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ba giải thích:

- Con thấy đấy, những con kiến này nhỏ xíu, chúng rất yếu đuối nhưng lại xây được cái tổ lớn hơn bản thân gấp nhiều lần, với rất nhiều thức ăn dự trữ. Chúng có thể làm được điều ấy bởi có lòng nhẫn nại, kiên trì tha từng chút mồi về tổ. Và đặc biệt, chúng không bao giờ tự ti về thân hình nhỏ bé của mình.

Tôi đưa mắt nhìn ba tỏ ý không hiểu, ba mỉm cười:

- Có thể con không làm được một bài toán trong 5 phút, nhưng nếu chịu khó suy nghĩ, ba tin con sẽ làm được cho dù mất nhiều thời gian hơn, có thể là 20 hay 30 phút. Tuy chậm hơn một chút nhưng con vẫn tự làm được mà, phải không?

Tôi của cái thuở thơ ngây đó đã ngồi rất lâu để ngắm nghía đàn kiến tha mồi từng chút một với nỗ lực không mỏi mệ. Mỗi lần thất bại, tôi lại nghĩ đến những chú kiến bé nhỏ với sự kiên trì và nhẫn nại đáng nể phục. Tôi bắt đầu biết tin vào bản thân hơn và học được một điều: đừng bao giờ bỏ cuộc.

Cảm ơn ba và bài học về loài kiến!

Hải Trang

hongbinh
28-02-2012, 07:46 AM
Bữa Cơm Chiều


http://muacuoi.vn/Pictures/Eva/tam_ly_tinh_yeu_phu_nu_VP_1.jpg

Nhiều bữa cơm ấm êm, chan hòa tình cảm gia đình đang thưa vắng dần. Thay vào đó là những bữa cơm… bình loạn về những tình tiết và nhân vật xa lạ trên màn hình.

Từ khi có tivi, vào những bữa cơm chiều, các thành viên trong nhà biếng nhác nhìn mặt người thân mà chỉ tập trung nhìn “khuôn mặt chữ điền, khá đẹp nhưng thường đổi thay sắc diện” của anh chàng diễn viên trên truyền hình với những thước phim lâm ly, gay cấn.

Những bữa cơm… phim

Bữa cơm chiều là lúc xả stress, cả nhà “tiểu kết” một ngày làm việc, học tập, nạp năng lượng từ tổ ấm để bước vào ngày mới. Nhưng rất tiếc, khi cả nhà vừa ngồi vào bàn ăn thì cũng là lúc tivi được bật lên, cuốn hút tất cả. Quên mất người thân của mình ngồi bên cạnh, ai cũng dán mắt vào màn hình, dõi theo nhất cử nhất động của các nhân vật Tây, Tàu trong phim. Những đũa thức ăn được đưa vào miệng theo quán tính, răng tự phát nhai qua loa, còn thức ăn thì vào thực quản một cách... hững hờ.

Có vẻ như người ta “nuốt” những ái, ố, hỉ, nộ vào dạ dày do tác động của từng diễn biến trong phim chứ không phải là nuốt thức ăn. Cách ăn cùng lúc với xem phim đã triệt tiêu không khí thân thuộc của gia đình, đẩy người ăn vào thế giới ảo, sợi dây liên lạc với hiện tại rất mong manh, trong khi hiện tại - bữa cơm đoàn tụ dưới mái ấm gia đình - là món quà hạnh phúc mà không phải nhà nào cũng có được.

Tùy nội dung của từng tập phim mà bữa cơm diễn ra với khá nhiều “cung bậc”. Bữa cơm “chan nước mắt” với cảnh đôi tình nhân chia ly vì gia thế của chàng là thượng lưu còn nàng mang thân phận nghèo hèn. Bữa cơm “tóe lửa” với những pha rượt đuổi, đánh đấm kinh hoàng. Bữa cơm đầy “sát khí” với ngựa hí gươm khua, máu chảy đầu rơi…

Có người sống chết với phim đến nỗi “nhập vai” luôn: vừa ăn, vừa xem, rồi hét lên khi nhân vật thần tượng của mình sắp gặp hiểm nguy: “Đừng đi nữa, có bọn cướp phía trước đấy. Trời ơi, vẫn đi hả, ngu thế!”. Thức ăn đang ngậm trong miệng văng ra tùm lum. Nhiều khi cả nhà tranh nhau dự đoán cái kết cho phim. Vợ chồng, cha con bỏ bát xuống mâm, nhao nhao lên khiến bữa cơm tối thành bữa cơm… tồi.

Đang phim, ông truyền hình bỗng độn vào những pha quảng cáo. Mọi người vẫn nhìn theo thói quen những hình ảnh phản cảm trong bữa cơm. Chẳng hạn, một giám đốc đang họp, một học sinh đang học… bỗng ôm ngực ho sù sụ. Có cả cảnh một em chân dài, giơ cánh tay lên, xịt nước hoa vào… nách trước cuộc hẹn để tạo một “làn hương quyến rũ”. Phim hết, thức ăn còn la liệt. Chứng dạ dày của bố lên tiếng. Đi viện, bác sĩ hỏi vừa rồi ăn món gì, bố nhìn mẹ, mẹ nhìn con, con bóp trán suy nghĩ hồi lâu mới nhớ. Đó là một trong những hệ lụy của bữa cơm… tất cả cho phim, thừa món ngon nhưng thiếu cái đẹp của tình cảm gia đình.

Bữa cơm êm ấm

Em trai của mình là một thị dân thành đạt. Mỗi lần ghé thăm, mình đều dùng bữa với vợ chồng chú nó. Bữa cơm thường với những món quê giản dị khiến mình rất thích. Nhưng thích nhất là không có món… tivi. Không khí bữa cơm ấm cúng và rất thoải mái. Chú ấy nói, suốt một ngày căng mình trong công việc, bữa cơm chiều bên vợ con là chọn lựa số một của em.

Đề cập đến chuyện xem phim trong bữa cơm, chú em kể: nhà em trước đây cũng có thói quen này. Em “đấu tranh” mãi mới dẹp được. Mỗi ngày chỉ có bữa cơm chiều cả nhà mới được ngồi bên nhau. Đừng để tivi khuấy động sự bình yên của những bữa cơm đoàn tụ. Xúm xít bên nhau, vợ chồng kể cho nhau nghe những vui buồn, những trải nghiệm trong công việc. Con cái kể cho bố mẹ nghe chuyện học hành, cả những băn khoăn, thắc mắc hồn nhiên của tuổi mới lớn. Hãy nghe để cảm thông và giúp nhau giải quyết những khó khăn gặp phải trong đời thường.

Nhá nhem tối. Mình cùng vợ dọn cơm. Con gái nhỏ đang xem truyền hình đưa remote lên nhấn nút. Bà nội gật đầu: “Ừ, đúng đó cháu, tắt tivi ăn cơm cho ngon”. Vợ chồng mình cũng góp lời: “Tạm thời cho tivi câm để tình cảm gia đình lên tiếng!”.

Trần Cao Duyên