PDA

View Full Version : Bàn tay mẹ



hongbinh
02-03-2012, 08:45 PM
Bàn tay mẹ


http://thanhcavietnam.net/forum/imagehost/152154f50ced3e7131.jpg ('http://thanhcavietnam.net/forum/vbimghost.php?do=displayimg&imgid=720')

Mỗi đêm, mẹ vào phòng đắp chăn cho tôi, dù tôi đã lớn qua tuổi ấu thơ. Như thói quen từ lâu, mẹ cúi xuống vuốt nhẹ mái tóc che trán tôi và đặt vào đó nụ hôn âu yếm trước khi rời phòng.

Tôi không nhớ từ khi nào cử chỉ này làm tôi khó chịu, cái cách mẹ vuốt tóc tôi qua một bên. Bởi vì bàn tay mẹ khô nhám vì công việc chạm vào vầng trán ngây thơ của tôi. Cuối cùng, đêm đó, tôi gạt tay mẹ và hét lên: “Mẹ đừng làm như vậy nữa, tay mẹ nhám qúa!”

Mẹ tôi không nói gì. Nhưng từ ngày ấy, mẹ không còn làm những cử chỉ yêu thương như vậy mỗi tối nữa. Nằm trằn trọc trên giường, lời ấy cứ văng vẳng và ray rứt tôi. Nhưng vì tự ái lấp mất trí khôn, tôi đã không xin lỗi mẹ.

Nhiều năm qua, việc này vẫn ám ảnh tôi nhiều đêm. Tôi thèm nhớ bàn tay mẹ, thèm cái hôn âu yếm mỗi tối. Nhiều khi tôi cảm thấy sự việc như mới hôm qua, có lúc lại như xa xăm trong qúa khứ. Nhưng chắc một điều, nó vẫn đeo đuổi và ám ảnh tôi mãi.

Thêm nhiều năm nữa trôi qua, tôi không còn là cô gái thơ ngây nữa. Mẹ tôi nay đã vào tuổi bảy mươi, bàn tay mẹ mà tôi bảo là khô nhám, vẫn tiếp tục đều đặn lo cho tôi và gia đình tôi. Mẹ là thầy thuốc, lấy thuốc cho cháu lúc ốm đau, hay băng bó cho các đầu gối bị trầy trượt. Mẹ vẫn nấu món gà chiên tuyệt vời, tay mẹ không ngừng bày biện và dọn dẹp những bữa ăn thịnh sọan cho cả đại gia đình. Mẹ còn khâu vá, giặt giũ và tẩy những vết loang tưởng chừng như không bao giờ sạch, trên áo quần của con tôi. Qua những tháng năm dài của mẹ, nào đâu đã có máy giặt, máy xấy, hay những thứ vải không nhăn. Vẫn một tay mẹ lo cho cả gia đình, áo quần tươm tất thơm tho.

Bây giờ con tôi đã lớn, đã có gia đình. Ba tôi đã khuất, mẹ chỉ còn một mình, và thỉnh thỏang tôi lại có dịp ghé qua, một mình ngồi bên mẹ. Đã nhiều lần tôi muốn gợi lại cái đêm ấy để xin lỗi mẹ, nhưng lại không có can đảm. Cuối cùng dịp may đã đến. Dịp lễ Tạ ơn năm nay, sau một ngày dài, tôi thiếp đi trên chiếc giường nhỏ năm xưa. Tôi mơ màng thấy bàn tay mẹ ngập ngừng vuốt mái tóc tôi, rồi đặt vào trán tôi cái hôn thật nhẹ. Trí tôi vụt trở lại cái đêm hôm ấy, khi tôi gạt tay mẹ và hét lên: “Mẹ đừng làm vậy nữa. Tay mẹ nhám quá!” Như một phản xạ, tôi vùng dậy, bắt được bàn tay mẹ. Tôi lẩm bẩm mấy lời xin lỗi mẹ. Những tưởng mẹ sẽ nhớ ra cái tội hỗn láo ấy. Nhưng nhìn mẹ, tôi biết bà không nhớ, cũng chẳng biết tôi nói gì. Bà đã quên, đã tha thứ cho tôi từ bao lâu rồi!

Đêm ấy, tôi ngủ ngon hơn bao giờ hết, và không ngừng cảm ơn những tháng năm mẹ đã lo cho tôi. Bàn tay mẹ tuy thô nhám, những lòng mẹ mềm mại và bao la biết bao. Chỉ khổ cho tôi, đã không biết mẹ tha thứ cho tôi từ lâu rồi, trong khi tôi vẫn khư khư ôm cái mặc cảm tội lỗi canh cánh bên lòng suốt bao tháng năm●

Godissart McQuillen – Phạm Ruệ dịch

hongbinh
02-03-2012, 08:52 PM
Con tim thổn thức



http://thanhcavietnam.net/forum/imagehost/152154f50d045467f2.jpg ('http://thanhcavietnam.net/forum/vbimghost.php?do=displayimg&imgid=721')

Chính lòng trắc ẩn là sự chứng thực quả tim
bạn đang còn là quả tim của một con người.

Tai con nghe tiếng bom nổ, tiếng la hét, khóc than. Đám dân chạy tán loạn, chiến tranh ! chiến tranh !.

Mắt con trông thấy rõ một người nghèo đói lả, nằm bên cổng nhà, mình ghẻ, quần rách, tóc bù xù, mùi tỏa hôi. Vọng xa tiếng rên rỉ bởi trăm ngàn chứng bệnh, nấm mồ chờ bên, sự chết đã gần.

Kìa, trên phố, em bé không nhà, nằm ngủ mê man, cuộc đời lủi thủi và tương lai dập vùi.

Gần đó, tiếng cãi nhau và mua gian, bán lận, họ đang phun vào nhau cơn giận cả một mùa hè nóng bức, bà bán cá hay bà bán thịt ? chợ hay nhà ?

Đây rồi, cập trai gái : yêu, buồn, giận, ghét ..

Hạnh phúc hay bất hạnh, bền chặt hay vỡ nhanh, vui mừng hay thất vọng ? một giờ , một đêm hay một đời !

Chúa, ai hiểu họ, an ủi họ, cho họ tình thương, chỉ họ lối đi, tạo niềm hy vọng, cảm thông tình người. Linh mục hay là con ? Tu sĩ hay là con ? Giáo dân hay là con ? một sự thật đau lòng, nếu lại là người ngoại đạo, không giáo dân, không tu sĩ, không linh mục và cũng không phải là con.

Chúa ! niềm hy vọng, niềm hy vọng độc nhất, tình thương còn lại sau cùng – Đấng lấp đầy nỗi trống vắng, Đấng an ủi khi cô đơn – Chúa ơi, họ cần được hiểu và con, chính con phải chỉ cho họ điều đó.

ST

hongbinh
03-03-2012, 09:51 PM
MẸ, NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN


http://thanhcavietnam.net/forum/imagehost/152154f522f7736bea.jpg ('http://thanhcavietnam.net/forum/vbimghost.php?do=displayimg&imgid=722')

Mỗi dịp ngày Nhà giáo Việt nam, 20.11, tôi lại nhớ đến những người thầy, người cô đã từng dạy dỗ, cho tôi bao kiến thức để bước vào đời. Nhưng có lẽ người thầy lớn nhất cuộc đời tôi, người đã sinh ra tôi và nuôi dạy tôi khôn lớn đến ngày hôm nay, đó là mẹ. Mẹ, người thầy đầu tiên và cũng là “người đưa đò suốt đời”.

Mẹ, người đã chín tháng mười ngày “mang nặng” để tôi có mặt trên đời này. Ngay từ lúc chập chững, mẹ đã dìu dắt, hướng dẫn tôi cách đi để tôi biết bước những bước đi đầu tiên. Đến khi lớn hơn một chút, mẹ đã dạy tôi những điều cơ bản nhất để tôi tiến bước trên đường đời: “học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Mẹ, người đã dạy tôi cách cư xử với mọi người, người dạy tôi cách mỉm cười với cuộc sống, người còn dạy tôi cách đứng dậy mỗi khi vấp ngã, dạy tôi biết qúy‎ trọng những gì mình có chứ đừng để mất đi rồi nuối tiếc.

Mẹ, người đã dạy tôi qua những câu chuyện cổ tích, kể cho tôi nghe về những cuộc chiến tranh tàn khốc để từ đó giúp tôi biết yêu chuộng hoà bình, người còn kể cho tôi nghe chuyện đói khổ của những năm tháng đất nước khó khăn để tôi biết qúy‎ trọng cuả cải và biết tiết kiệm đúng mức trong cuộc đời, người đã dạy tôi…
Mẹ, người đã dạy tôi tìm thấy niềm vui kì thú từ những trang sách, người cũng dạy tôi luôn biết lắng nghe trong cuộc sống nhưng phải sàng lọc tất cả qua tấm lưới chân lí‎ để gạn lấy những diều qúy‎ giá trong cuộc đời. Mẹ, người còn dạy tôi biết bán sức lực và trí óc cho những người trả giá cao nhất nhưng không bao giờ được phép rao bán trái tim và tâm hồn mình.

Mẹ, người đã dạy tôi đức tin đầu tiên để tôi biết tìm về Chân- Thiện- Mĩ, người cũng dạy tôi biết yêu thiên nhiên để suy ngẫm về những bí ẩn muôn đời của tạo hoá mà Thiên Chúa đã tạo dựng, biết lắng nghe Lời Ngài trong mọi lúc mọi nơi…

Trên hết, mẹ đã dạy cho tôi sự dũng mạnh không thể nhẫn nại để luôn cố gắng trở thành một “con người bình thường” chứ không được phép là “người tầm thường”.

Suốt một đời, mẹ đã giành hết tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục tôi, có lẽ đi hết cả cuộc đời tôi cũng không thể hiếu hết và viết lên hết những gì mẹ đã giành cho tôi. Nhân ngày Nhà giáo Việt nam, 20.11, tôi xin dâng lời cầu chúc chân thành cho tất cả những người mẹ, những người thầy đầu đời của chúng ta, để những người lái đò suốt đời sẽ nở nụ cười mãn nguyện khi đưa qua, lại giữa hai bến bờ của dòng đời.
Ai trong chúng ta chẳng có một người mẹ…
Tôi muốn viết vài lời đơn sơ nhất
Tận đáy lòng để dâng tiếng cảm ơn
Tôi vẫn nhớ mãi những ngày thơ ấu
Thuở còn thơ, những bước đi đầu đời…
Những ngày thuở ấy tôi còn thơ dại
Chưa biết nhiều lẽ phải và điều hay
Nhưng mẹ cha đã ân cần dạy bảo
Mong cho đàn con khôn lớn lên người
Có biết chăng trong những ngày thơ ấy
Cha mẹ đã bao vất vả nhọc nhằn
Bỏ bao thời gian vàng bạc qúy giá
Để chăm lo, nuôi dạy tôi nên người.
Mẹ với cha cũng là thầy cô giáo,
Đã cho tôi đôi cánh bước vào đời
Trong lòng tôi sẽ luôn ghi nhớ mãi:
Ơn mẹ cha suốt cả cuộc đời này.

Gioan Đình Sơn

hongbinh
05-03-2012, 08:49 PM
Mẹ Tôi


http://thanhcavietnam.net/forum/imagehost/152154f54c3725e9be.jpg ('http://thanhcavietnam.net/forum/vbimghost.php?do=displayimg&imgid=724')

(Một câu chuyện cảm động của một tác giả vô danh nhận được qua e-mail của một người bạn ở Malaysia, mong được chia sẻ với mọi người)

Suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng ghét mẹ tôi. Lý do chính có lẽ vì bà chỉ có một con mắt. Bà là đầu đề để bạn bè trong lớp chế giễu, châm chọc tôi.

Mẹ tôi làm nghề nấu ăn để nuôi tôi ăn học. Một lần bà đến trường để kiếm tôi làm tôi phát ngượng. Sao bà lại có thể làm như thế với tôi? Tôi lơ bà đi, ném cho bà một cái nhìn đầy căm ghét rồi chạy biến. Ngày hôm sau, một trong những đứa bạn học trong lớp la lên: “Ê, tao thấy rồi. Mẹ mày chỉ có một mắt!”.

Tôi xấu hổ chỉ muốn chôn mình xuống đất. Tôi chỉ muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Ngày hôm đó đi học về tôi nói thẳng với bà: “Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười!”.

Mẹ tôi không nói gì. Còn tôi, tôi chẳng để ý gì đến những lời nói đó, vì lúc ấy lòng tôi tràn đầy giận dữ. Tôi chẳng để ý gì đến cảm xúc của mẹ. Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi nhà, không còn liên hệ gì với mẹ tôi. Vì thế tôi cố gắng học hành thật chăm chỉ, và sau cùng, tôi có được một học bổng để đi học ở Singapore.

Sau đó, tôi lập gia đình, mua nhà và có mấy đứa con. Vợ tôi là con nhà gia thế, tôi giấu nàng về bà mẹ của mình, chỉ nói mình mồ côi từ nhỏ. Tôi hài lòng với cuộc sống, với vợ con và những tiện nghi vật chất tôi có được ở Singapore. Tôi mua cho mẹ một căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng lén vợ gởi một ít tiền về biếu bà, tự nhủ thế là đầy đủ bổn phận. Tôi buộc mẹ không được liên hệ gì với tôi.

Một ngày kia, mẹ bất chợt đến thăm. Nhiều năm rồi bà không gặp tôi, thậm chí bà cũng chưa bao giờ nhìn thấy các cháu. Khi thấy một bà già trông có vẻ lam lũ đứng trước cửa, mấy đứa con tôi có đứa cười nhạo, có đứa hoảng sợ. Tôi vừa giận vừa lo vợ tôi biết chuyên, hét lên: “Sao bà dám đến đây làm con tôi sợ thế? Đi khỏi đây ngay!”. Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ trả lời “Ồ, xin lỗi, tôi nhầm địa chỉ!” và lặng lẽ quay đi. Tôi không thèm liên lạc với bà trong suốt một thời gian dài. Hồi nhỏ, mẹ đã làm con bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã, bây giờ mẹ còn định phá hỏng cuộc sống đang có của con hay sao?

Một hôm, nhận được một lá thư mời họp mặt của trường cũ gởi đến tận nhà, tôi nói dối vợ là phải đi công tác. Sau buổi họp mặt, tôi ghé qua căn nhà của mẹ, vì tò mò hơn là muốn thăm mẹ. Mấy người hàng xóm nói rằng mẹ tôi đã mất vài ngày trước đó và do không có thân nhân, sở an sinh xã hội đã lo mai táng chu đáo.

Tôi không nhỏ được lấy một giọt nước mắt. Họ trao lại cho tôi một lá thư mẹ để lại cho tôi:

“Con yêu quý,

Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi về việc đã dám qua Singapore bất ngờ và làm cho các cháu phải sợ hãi. Mẹ rất vui khi nghe nói con sắp về trường tham dự buổi họp mặt, nhưng mẹ sợ mẹ không bước nổi ra khỏi giường để đến đó nhìn con. Mẹ ân hận vì đã làm con xấu hổ với bạn bè trong suốt thời gian con đi học ở đây.

Con biết không, hồi con còn nhỏ xíu, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt. Mẹ không thể ngồi yên nhìn con lớn lên mà chỉ có một mắt, nên mẹ đã cho con con mắt của mẹ. Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con. Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới, bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ..Mẹ yêu con lắm,

Mẹ...".

Sưu Tầm trên net

hongbinh
05-03-2012, 09:19 PM
Bữa Cơm Chiều


http://thanhcavietnam.net/forum/imagehost/152154f54ca95ab4ed.jpg

Nhiều bữa cơm ấm êm, chan hòa tình cảm gia đình đang thưa vắng dần. Thay vào đó là những bữa cơm… bình loạn về những tình tiết và nhân vật xa lạ trên màn hình.

Từ khi có tivi, vào những bữa cơm chiều, các thành viên trong nhà biếng nhác nhìn mặt người thân mà chỉ tập trung nhìn “khuôn mặt chữ điền, khá đẹp nhưng thường đổi thay sắc diện” của anh chàng diễn viên trên truyền hình với những thước phim lâm ly, gay cấn.

Những bữa cơm… phim

Bữa cơm chiều là lúc xả stress, cả nhà “tiểu kết” một ngày làm việc, học tập, nạp năng lượng từ tổ ấm để bước vào ngày mới. Nhưng rất tiếc, khi cả nhà vừa ngồi vào bàn ăn thì cũng là lúc tivi được bật lên, cuốn hút tất cả. Quên mất người thân của mình ngồi bên cạnh, ai cũng dán mắt vào màn hình, dõi theo nhất cử nhất động của các nhân vật Tây, Tàu trong phim. Những đũa thức ăn được đưa vào miệng theo quán tính, răng tự phát nhai qua loa, còn thức ăn thì vào thực quản một cách... hững hờ.

Có vẻ như người ta “nuốt” những ái, ố, hỉ, nộ vào dạ dày do tác động của từng diễn biến trong phim chứ không phải là nuốt thức ăn. Cách ăn cùng lúc với xem phim đã triệt tiêu không khí thân thuộc của gia đình, đẩy người ăn vào thế giới ảo, sợi dây liên lạc với hiện tại rất mong manh, trong khi hiện tại - bữa cơm đoàn tụ dưới mái ấm gia đình - là món quà hạnh phúc mà không phải nhà nào cũng có được.

Tùy nội dung của từng tập phim mà bữa cơm diễn ra với khá nhiều “cung bậc”. Bữa cơm “chan nước mắt” với cảnh đôi tình nhân chia ly vì gia thế của chàng là thượng lưu còn nàng mang thân phận nghèo hèn. Bữa cơm “tóe lửa” với những pha rượt đuổi, đánh đấm kinh hoàng. Bữa cơm đầy “sát khí” với ngựa hí gươm khua, máu chảy đầu rơi…

Có người sống chết với phim đến nỗi “nhập vai” luôn: vừa ăn, vừa xem, rồi hét lên khi nhân vật thần tượng của mình sắp gặp hiểm nguy: “Đừng đi nữa, có bọn cướp phía trước đấy. Trời ơi, vẫn đi hả, ngu thế!”. Thức ăn đang ngậm trong miệng văng ra tùm lum. Nhiều khi cả nhà tranh nhau dự đoán cái kết cho phim. Vợ chồng, cha con bỏ bát xuống mâm, nhao nhao lên khiến bữa cơm tối thành bữa cơm… tồi.

Đang phim, ông truyền hình bỗng độn vào những pha quảng cáo. Mọi người vẫn nhìn theo thói quen những hình ảnh phản cảm trong bữa cơm. Chẳng hạn, một giám đốc đang họp, một học sinh đang học… bỗng ôm ngực ho sù sụ. Có cả cảnh một em chân dài, giơ cánh tay lên, xịt nước hoa vào… nách trước cuộc hẹn để tạo một “làn hương quyến rũ”. Phim hết, thức ăn còn la liệt. Chứng dạ dày của bố lên tiếng. Đi viện, bác sĩ hỏi vừa rồi ăn món gì, bố nhìn mẹ, mẹ nhìn con, con bóp trán suy nghĩ hồi lâu mới nhớ. Đó là một trong những hệ lụy của bữa cơm… tất cả cho phim, thừa món ngon nhưng thiếu cái đẹp của tình cảm gia đình.

Bữa cơm êm ấm

Em trai của mình là một thị dân thành đạt. Mỗi lần ghé thăm, mình đều dùng bữa với vợ chồng chú nó. Bữa cơm thường với những món quê giản dị khiến mình rất thích. Nhưng thích nhất là không có món… tivi. Không khí bữa cơm ấm cúng và rất thoải mái. Chú ấy nói, suốt một ngày căng mình trong công việc, bữa cơm chiều bên vợ con là chọn lựa số một của em.

Đề cập đến chuyện xem phim trong bữa cơm, chú em kể: nhà em trước đây cũng có thói quen này. Em “đấu tranh” mãi mới dẹp được. Mỗi ngày chỉ có bữa cơm chiều cả nhà mới được ngồi bên nhau. Đừng để tivi khuấy động sự bình yên của những bữa cơm đoàn tụ. Xúm xít bên nhau, vợ chồng kể cho nhau nghe những vui buồn, những trải nghiệm trong công việc. Con cái kể cho bố mẹ nghe chuyện học hành, cả những băn khoăn, thắc mắc hồn nhiên của tuổi mới lớn. Hãy nghe để cảm thông và giúp nhau giải quyết những khó khăn gặp phải trong đời thường.

Nhá nhem tối. Mình cùng vợ dọn cơm. Con gái nhỏ đang xem truyền hình đưa remote lên nhấn nút. Bà nội gật đầu: “Ừ, đúng đó cháu, tắt tivi ăn cơm cho ngon”. Vợ chồng mình cũng góp lời: “Tạm thời cho tivi câm để tình cảm gia đình lên tiếng!”.

Trần Cao Duyên

hongbinh
06-03-2012, 08:45 PM
CHA TÔI



http://thanhcavietnam.net/forum/imagehost/152154f561411acc1e.jpg

Từ nhỏ, cha tôi đã bị bệnh. Cha không nói được và cũng không nghe được. Bệnh câm điếc đã vô tình theo cha suốt cả cuộc đời. Mọi người trong gia đình đều thương cha vì cha bệnh tật, lại là đứa con út, là người nhỏ nhất trong nhà. Khi lớn lên, ông bà nội cho cha đi học ở trường Câm Điếc Lái Thiêu. Sau biến cố năm 1975, cha phải trở về với gia đình. Tình cờ, cha gặp mẹ, và hai người đã nên duyên. Gia đình tôi có bốn anh em, một trai và ba gái. Điều lạ lùng là cả bốn anh em chúng tôi không ai mắc bệnh giống cha. Mặc dù cha tôi không nói được và không nghe được nhưng người đã dạy dỗ tôi rất nhiều điều trong cuộc sống.
Cha bị bệnh nhưng tính tình rất điềm tĩnh và bình thản. Rất ít khi tôi thấy cha khó chịu hay bực bội với con cái. Cha sống rất hiền lành. Ngôn ngữ của cha là những cử điệu của hai bàn tay. Cha biết viết. Chữ không đẹp nhưng dễ đọc. Khi người khác không hiểu hoặc khi đi xưng tội, cha thường viết vào giấy để chia sẻ nỗi lòng và nói lên những tâm tình thầm kín của riêng mình.
Chúa ban cho cha tôi có được sức khoẻ rất tốt, có nhiều khả năng. Người làm việc chân tay rất giỏi. Cha thường làm việc nhà, làm ruộng, và chài cá rất giỏi. Ngoài công việc nhà, cha còn tham gia những công tác của Họ Đạo. Cha làm việc rất nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm. Có lẽ vì quá vất vã nên bây giờ chân tay của cha đã chai cứng, nứt nẻ.
Rồi tôi phải đi học xa. Mỗi lần về thăm nhà, cha rất mừng. Người đến bên cạnh và ra dấu hiệu bằng tay để hỏi tôi được nghỉ học bao nhiêu ngày. Đến lúc trở lại trường, cha luôn ra hiệu cho mẹ lấy tiền cho tôi. Lần nào, cha cũng làm như thế. Có khi hai cha con chỉ nhìn nhau mà không biết nói gì, không biết tâm sự như thế nào, vì cha con tôi chỉ có thể hiểu ý nhau trong những chuyện đơn giản và thực tế mà thôi. Khi biết tôi muốn đi tu, cha rất ủng hộ. Ngày tôi được thụ phong linh mục, cha rất vui và hạnh phúc.
Bất ngờ! Mẹ tôi bệnh nặng, phải vô hoá chất để điều trị. Thuốc làm mẹ rụng tóc và đau đớn. Về thăm mẹ, tôi thấy cha rất buồn và lo lắng. Các em kể lại: cha ra dấu là đừng đi bệnh viện nữa, vì đi nên mới rụng tóc và mệt mỏi như thế. Tự nhiên, lòng tôi đau nhói. Hai mắt cay xè. Tôi vội đi nơi khác để cố nén cảm xúc của mình. Lúc đó, tôi thương mẹ và thông cảm cho cha. Tôi phải nói như thế nào để cho cha hiểu được bệnh tình của mẹ đây! Sau một thời gian điều trị, Chúa thương cho mẹ tôi được bớt bệnh. Gia đình tôi rất vui. Nhưng không bao lâu, em gái tôi lại phát bệnh khá nặng, phải chạy chữa nhiều nơi, tốn nhiều tiền nhưng không thoát được thần chết. Em ra đi lúc còn rất trẻ, để lại cho chồng hai đứa con còn nhỏ dại. Khi đó gia đình tôi rất buồn, đặc biệt tôi thấy cha tôi khóc rất nhiều. Cha rất đau khổ vì mất đi đứa con gái thân yêu.
Cha tôi như thế đó! Người không nói được, không nghe được, nhưng tâm hồn lại dạt dào tình cảm. Cha thường biểu lộ tình thương bằng hành động, không cần lời nói. Cha luôn lo lắng cho gia đình, cho con cái. Cha bị bệnh phần xác nhưng tâm hồn rất mạnh khoẻ. Con tim của cha luôn chan hoà hơi ấm tình yêu. Cám ơn Chúa đã ban cho con một người cha như thế. Cám ơn cha đã yêu thương và chăm sóc cho anh em chúng con. Thỉnh thoảng khi có dịp về thăm gia đình, tôi thấy cha gầy hơn và yếu hơn. Thấy cha già nên lòng tôi cũng ngậm ngùi, lo lắng. Nguyện xin Chúa thương ban cho cha được nhiều sức khoẻ và bình an trong cuộc sống.
Tác giả Trương Hoàng Phong, Lm

hongbinh
09-03-2012, 08:50 PM
Em là ai?


http://thanhcavietnam.net/forum/imagehost/152154f5a09c4a369a.jpg

Ngày xưa, có một loài hoa nhỏ, dáng tựa hoa hồng…Chúa đi qua đó với thập tự đè nặrng trên vai, từng bước chập choạng lảo đảo. Ôi! Như thế nào là nỗi đau tưởng có thể chết đi. Chặng đường tử nạn như có một mình! Mồ hôi lẫn máu nhỏ xuống thấm vào đất, len vào thân cây hoa nhỏ…Sao lạ kỳ! Trên thân cây chợt nhú ra những chồi gai, những chồi gai nhọn hoắt và nụ hoa nhỏ nhoi, đơn sơ chợt biến sắc: cái đẹp làm ai cũng ngẩn ngơ. Mồ hôi lẫn máu nhỏ xuống một mình…Có lẽ tên “hoa hồng” mang ý nghĩa đó…

Có phải em đó không? Nụ hồng nhỏ trên bàn học của cô bé ngày tròn thêm môt tuổi. Những nụ hồng ngát hương, nồng nàn và rực rỡ. Ta thấy em đang hạnh phúc nở những nụ thật tròn đem niềm vui cho cô bé ngày sinh nhật để như thêm lời chúc “Càng thêm tuổi, thêm phần dễ thương và khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và người đời.” Có phải vậy không, hỡi em, hoa hồng? Nhưng có phải dưng không mà em có được nét rực rỡ và nồng nàn đó, để em trở nên niềm vui và vẻ đẹp cho cuộc đời, cho buổi tiệc thêm phần ý nghĩa hay chính những chồi gai đã làm cho em có nghĩa?

Hay là em – bé nhỏ dịu dàng như nụ ngọc lan bé nhỏ khiết trinh mà ít người biết đến, bởi em bé nhỏ ẩn mình sau những ngọn lá lớn rất xanh. Em luôn được bao phủ bởi thân cây thẳng tắp xem ra thật vững chải và lớn lao. Vâng, người ta ít nhìn thấy em, nhất là nơi đất nước này. Nhưng chính em là hương hoa rất đỗi dịu dàng mà trầm lặng ở một góc đường nào của thành phố cũ mà chỉ thường sau mỗi cơn mưa chiều, sau một ngày dài mệt nhọc với cuộc sống, tiếng đàn dương cầm của thiếu nữ ở góc đường nào đó, dạo mãi khúc nhạc của Schubert, thường thì lúc đó hương thơm của em âm thầm tỏa bay trong không gian, giúp cho bao người cảm nhận cuộc sống này vẫn còn ấp ủ chút thơm tho. Vâng, chính là em đấy ư? Đoá hoa nhỏ toả hương dịu dàng trong chiếc khăn tay của cô bạn nhỏ e ấp nhận quà của người bạn cùng lớp cũ xưa, của những năm tháng đẹp nhất đời người. Quà tặng rất đơn sơ và bình thường nhưng gói ghém biết bao xôn xao thuở đầu đời, hỡi em, quà tặng tuy đơn sơ ấy nhưng thâm trầm, quý giá và sâu sắc biết bao mà hình như chỉ nơi quê hương mình xem ra nghèo nàn đó mới có ngưòi muốn trao và có người muốn nhận; hương thơm theo cô gái nhỏ đem về ủ vào ngăn bàn học, để một ngày dù đã héo khô, hoa vẫn còn chút hương ngày cũ rất đỗi dịu dàng, thân thiết.

Có phải em đó không, cây thông giữa trời lộng gió…Em đứng thẳng, vút cao như tuổi trẻ Việt Nam, hiên ngang ngẩng cao đầu làm người dân Việt – dù đất nước em cơ hàn, đói khổ, nhưng em hãnh diện về quê cha đất tổ của em; nơi đó đang cần em, tuổi trẻ Việt Nam đầy sức sống để về xây dựng lại cơ đồ. Một ngày nào đó, em sẽ trở về với cội nguồn dân tộc đem theo những kiến thức, khả năng được đào tạo nơi đất nước văn minh, tiến bộ này cùng với một trái tim rực cháy yêu thương. Em sẽ hy sinh niềm vui riêng mình và vẫn giữ cho mình một tâm hồn rất Việt Nam…để dựng lại nhé em những gì tang thương và đổ nát sau nhiều năm xa cách. Em ơi, bởi thế em đâu còn được phép sống buông mình theo những cám dỗ của cuộc sống vật chất xa hoa với muôn ngàn cạm bẫy nơi đây. Thông xanh, hãy cứ reo vui giữa trời lộng gió dẫu nhiều cơn bão đang thổi qua đời sống và thổi đến em. Em vẫn là thông xanh giữa trời ngợi ca Thượng Đế Tình Yêu, em nhé.

Có phải em đó không, cánh cửa mà vị linh mục già thường mở ra nơi cuối thánh đường để chờ hoài một ai đó bước chân vào an nghỉ nơi những dãy bàn ghế mãi buồn tênh…Cánh cửa luôn rộng mở như lòng Cha trên trời luôn đón chờ em sau những ngày lữ hành nơi thế gian mà tưởng mình cô đơn ghê lắm, những lúc em tưởng chỉ có mình em lang thang đơn độc giữa chợ đời huyên náo. Tâm hồn em khát khao tìm về Chân Thiện Mỹ, em khát khao tình yêu thương thật sự, em khát khao lòng bao dung, quãng đại của người thân, nhưng hỡi em, cuộc đời đây oan khiên, nghiệt ngã, đầy ngộ nhận, nên đâu chỉ như Người Lữ Hành Cô Đơn mà Gheorghiu đã viết – Giêsu xưa còn khắc khoải đến cùng, “ Ta khát!”…Em ạ, Anh Cả Giêsu đã sống rất “người” thế đó để em biết rằng có đó rồi, trong cuộc đời em, một “Ai Đó” đã hiểu và yêu thương em đến tận cùng, để cùng với Ngài em sẽ gieo mình vào lòng Cha trên trời…Ngài luôn ở đó để chờ đợi, yêu thương và nâng niu em…Để rồi chính em lại là cánh cửa luôn mở rộng cho bao tâm hồn chờ em ngồi xuống, yên lặng và lắng nghe. Ngài không đòi em đi rao giảng trên bục cao, Ngài mời em trở thành ‘tiên tri’ chỉ để lắng nghe, để chia sẻ nỗi đớn đau của bạn bè. Ngài muốn em sống rất người như chính Ngài xưa kia đã rất ‘người’ “ngồi phệt bên giếng cùng với thiếu phụ Samarie.” Em có sẵn lòng không? Em có biết quên đi những đau khổ riêng mình, ngay cả những vấp ngã và tội lỗi riêng em? Bởi ra Ngài cho em sống phận người với những xót xa, vấp ngã, bị từ khước và yếu hèn để em có thể cảm thông với anh em hơn. Em ạ, Ngài cho em biết thế nào là thân phận trần trụi của con người trong cuộc sống nơi đất nước giàu có văn minh này, để em có thể nở một nụ cười thân ái với người bạn cô đơn trong gia đình, trường lớp; vòng tay em rộng mở dẫn đưa cụ già ngơ ngác với cuộc sống mà con cái mình tưởng rằng vụt mất khỏi tầm tay. Mẹ già ngỡ ngàng, bàng hoàng vì những đảo điên của cuộc đời làm hư hỏng đứa con thơ. Bên cạnh em, nơi em học, chỗ em làm nào có thiếu. Mở bàn tay, trái tim và tấm lòng em nữa…em sẽ thấy bao điều quanh em, bao tâm hồn đang cần đến một chút dịu dàng, ủi an và thông cảm. Cuộc sống quá máy móc và vội vã, em có bằng lòng để cho Ngài qua em để ngồi lại và lắng nghe? Nơi đất nước giáu có và phì nhiêu này, mà sao em thấy quá đỗi chật hẹp phải không? Em có thấy tù túng khi ngồi trong chiếc xe hơi mà bạn bè ở quê nhà thường mơ ước? Có lẽ em thèm được trở lại con đường lá me xưa với chiếc xe đạp nhỏ của mình, được thênh thang với đất trời để sợi tóc dài thổi tung trong chiều lộng gió. Em có thấy ngột ngạt đến muốn vỡ tung lồng ngực khi ngồi trong căn phòng khách đầy đủ tiện nghi mà thèm một khoảng trời trên đồi cao để thở hơi trời? Vâng, em ạ, đất trời nơi đây quá rộng, vật chất dư thừa nhưng vẫn có những giọt nước mắt chợt ứa ra nhưng không, khi nghe tin tác giả những bài hát rất dễ thương về tình yêu và cuộc sống này đã tự ý lìa đời nơi một góc sân chùa vắng. Có phải bởi không còn chỗ để trở về nữa rồi, một nơi chốn để trở về yên nghỉ chút hồn mình…Em có là một nơi chốn để một ai cần đến tìm chút ủi an…?

Có phải em đó không thiên thần nhỏ dễ thương như bạn bè em vẫn thường gọi đó? Có phải bởi em quý yêu màu trắng, màu của tinh khôi đất trời, của chút hồn thơ dại, của tà áo dài thời trung học mà sau nhiều năm không còn được mặc đến trường vì thời cuộc đổi thay? Ngày đầu tiên học sinh được khoác lại trên mình chiếc áo dài trắng đến trường…Em đấy ư? Với áo dài xanh mùa thu sương khói, cô giáo nhỏ đến trường đã ngẩn ngơ nhìn đàn bướm trắng tung bay trên những nẻo đường thành phố. Em ơi, lúc ấy, gã tình si là em: em tương tư và thương quý áo trắng học trò đến thế sao? Thiên thần ạ, thấy em rộn rã đùa vui và nghịch ngợm với bạn bè, nhưng em cũng thật lặng thầm và nhút nhát. Em mong manh và dễ vỡ như thủy tinh, bởi thế nên bạn bè gọi em bằng tên gọi dễ thương là thiên thần đấy ư? Em, Tuổi Trẻ Việt Nam ơi. Thiên thần của ta ơi! Ta bắt gặp em đâu đó trong cuộc đời. Em bé bỏng, dịu dàng và run rẩy trước những đổi thay của con người và đời sống. Em hoang mang trước viễn ảnh thế giới thiếu tình người, em còn biết tin vào ai? Em với những hoài bão lớn lao cho quê hương, dân tộc mà ngơ ngác đi trong cuộc đời vì nhìn những người đi trước. Họ đang đi về đâu, nơi nào trong cuộc sống? Em đớn đau nhìn mình yếu đuối, giới hạn trong thân phận con người cùng với anh em mình nhận chân mình lỗi tội. Em ạ, chúng ta sống trong thành phố mang tên thành phố của những thiên thần, tuyệt vời quá phải không em? Thế mà, biết bao cảnh hỗn loạn, nhiễu nhương xảy ra nơi đây, làm sao có thể nguôi quên và dễ dàng chữa lành? Có phải chăng chính chúng mình, tất cả mọi con người sống nơi đây đều góp phần làm nên nó. Cách này cách khác có gì gọi là hạnh phúc và đớn đau của con người, nhân loại mà mình có thể dửng dưng, đứng ngoài mà chẳng góp phần làm nên.

Hãy là hoa hồng rực rỡ nhé em, dẫu cuộc đời vốn không thể khác, dẫy đầy gai góc và oan khiên như những chồi gai em mang trên mình. Như Thầy Giêsu xưa một mình vác thập tự lên núi cao, em với những thử thách và cô đơn em một mìmh mang lấy. Nhưng vượt lên trên những chồi gai của thập tự sẽ là hoa hồng tình yêu phục sinh nở tuyệt vời cho cuộc sống hôm nay.

Hãy là hương thơm diụ dàng ẩn khuất nhé em. Dẫu rằng em được bao phủ với những khô cằn, cứng cỏi. Em vẫn là em nhỏ bé rất đỗi dịu dàng như hương hoa ở một góc vườn của đan viện xưa em vẫn thường tìm đến để an nghỉ với Ngài. Em cần ở lại đó để tìm lại chút diệu cảm của Tin Mừng, để dẫu cuộc đời đòi buộc em phải quên mình đi trong đám đông vây kín, thì em vẫn phải trở về với chính mình và với anh em đúng nghĩa, là lặng thầm như một giòng sông hiền hoà, như đoá ngọc lan cài lên tóc mẹ, nhé em.

Hãy là thông xanh em nhé, kiêu hãnh ngẩng cao bước đi trong cuộc đời, bởi mình là người dân Việt. Em sẵn sàng cống hiến sức lực và tuổi trẻ em, để đến một ngày em chỉ còn là cội thông già sau khi đã đem nhựa sống dâng cả cho đời. Em có bằng lòng trở thành những thanh củi nhỏ đốt cháy mình để thắp lên ngọn lửa sáng cho cuộc đời của các bạn trẻ đang cần niềm tin và hy vọng không hở thông xanh?

Hãy là cánh cửa mở rộng nhé em. Cánh cửa của tâm hồn và trái tim em để đón nhận những buồn đau của mẹ già. Ngồi xuống đi em, để nghe mẹ kể về những buồn tủi của tuổi già xế bóng, ngồi xuống đi em với trái tim đầy ắp yêu thương nhẫn nại nghe cô bé kể về những vấp ngã trong cuộc đời mà không một ai thông hiểu. Mở rộng vòng tay em với tất cả ân cần em có thể để trao tặng, để đỡ nâng, chia sẻ với những người đang thiếu thốn một tình thương, một chân tình trong đời sống.

Hãy là thiên thần nhỏ, hỡi em, giữa cuộc đời đảo điên và vật chất, con người vẫn khát khao chút gì đó tinh tuyền và thánh thiện. Em hãy giữ cho lòng mình an tịnh và sáng ngời niềm tin. Hãy hát bài ca ngợi khen Thượng Đế Tình Yêu, hãy hân hoan chia niềm vui vì biết mình được yêu thương đến tận cùng khi Anh Cả Giêsu của chúng ta đã chẳng tiếc thân mình khi đến và ở lại trần gian. Hãy gìn giữ cho mình chút mong manh của tâm hồn thơ trẻ để nhìn Thiên Chúa đang tiếp tục cứu độ trần gian này qua em, qua chúng ta, và qua tất cả những người thiện chí. Ta thấy em dễ thương và hồn nhiên vui sống, ta vui với em niềm vui trong sáng phát xuất tự đáy lòng lấp lánh ngôi sao của yêu thương…

Em hỡi, vậy em là ai, em là gì trong cuộc sống hôm nay khi chính em mang trong mình những tuyệt vời kia? Em ngỡ ngàng cũng như ta ngỡ ngàng tự hỏi, nơi em có phải kết tụ của những mâu thuẩn hay những phong phú tuyệt vời…Em là ai? Em ở đâu giữa cuộc đời mà ta hằng tìm kiếm? Tuổi Trẻ Việt Nam…Hãy trả lời cho ta…Tuổi Trẻ Việt Nam..

Có gì đâu, gì đâu..
Tôi chỉ là con chim nhỏ.
Buổi sáng thức dậy thấy mình bé bỏng,
Vỗ cánh bay đi..
Và hót giữa Vô Cùng…●

Tiêu Di

hongbinh
09-03-2012, 08:58 PM
Lời cảm ơn nhân ngày sinh nhật


http://thanhcavietnam.net/forum/imagehost/152154f5a0c44e769a.jpg

Con cảm ơn ông bà đã sinh thành dưỡng dục cha mẹ con và đã hướng dẫn để cha mẹ con đến với nhau cách tốt đẹp nhất.

Con cảm ơn cha mẹ đã yêu thương và đón nhận nhau. Con cảm ơn cha mẹ đã vì nhau và vì tình yêu của nhau để tạo nên con.

Con cảm ơn mẹ đã mang nặng con 9 tháng 10 ngày để con được nên vóc nên hình. Con cảm ơn cha đã luôn ở bên mẹ để yêu thương và chăm sóc mẹ suốt những tháng ngày vất vả.

Con cảm ơn cha đã không ruồng rẫy mẹ. Con cảm ơn mẹ đã không dứt bỏ con khi con bắt đầu trong lòng mẹ bằng một tế bào. Con cảm ơn mẹ đã không bao giờ có ý nghĩ sẽ tống con ra khỏi lòng mẹ bằng những liều thuốc cực mạnh, bằng cụm từ hoa mỹ “điều hòa kinh nguyệt” mà thực chất là người ta sẽ phải cắt đầu con, tay chân con, cả trái tim bé bỏng của con nữa để gắp con ra khỏi lòng mẹ.

Con cảm ơn cha đã đưa mẹ đến trạm xá để con không phải nằm giữa vườn rau hoặc trong sọt rác như những hài nhi bất hạnh khác. Con cảm ơn mẹ đã bọc con trong tã êm, quấn con trong khăn ấm, để con không bị kiến bu, không bị những con chó hoang tha đi như một miếng mồi ngon.

Con cảm ơn ông bà, cô dì đã ẵm bồng con, cười đùa với con thay vì hắt hủi xua đuổi như bao đứa trẻ vô thừa nhận khác.

Con cảm ơn mẹ đã cho con bú bằng dòng sữa ấm áp ngọt ngào của mẹ thay vì bú bình để vóc dáng mẹ đẹp hơn, mẹ rảnh tay hơn. Con cảm ơn mẹ đã hát ru con bằng những câu ca dao ngọt ngào.

Con cảm ơn cha đã chơi đùa với con, đã chỉ cho con thấy những tia nắng đầu tiên trong đời.

Con cảm ơn cha mẹ đã một nắng hai sương, vất vả tần tảo để con được đến trường thay vì phải đi bán vé số, đi đánh giày, hay bị người ta bẻ lọi tay để đi ăn mày thiên hạ.

Con cảm ơn cha đã dạy cho con biết lễ nghĩa phải trái, biết ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Con cảm ơn mẹ đã dạy con biết rửa chén, quét nhà, biết khâu lại một nếp áo đã sờn, biết nấu một bữa cơm gia đình. Con cảm ơn cha vì những lằn roi khiến con không còn dám trốn học. Con cảm ơn mẹ vì những lời răn bảo để biết lễ phép hiếu kính với ông bà.

Con cảm ơn cha mẹ đã dạy con biết đứng dậy và đi lên bằng đôi chân của mình. Dù chậm nhưng con sẽ không bao giờ còn sợ đối mặt với khó khăn, thất bại, với cả những cám dỗ của cuộc đời.

Con cảm ơn Chúa đã tạo dựng con, đã gieo con vào một gia đình êm ấm, đã ban cho con những người cha, người mẹ tốt nhất. Con cảm ơn Chúa đã cho con hiểu rằng, con chính là điều kỳ diệu của Chúa, là một mầm sống đã được chính tay Ngài gieo vào lòng thế giới và để con được lớn lên.

Bi bi