PDA

View Full Version : Lời Xin Lỗi Muộn Màng



hongbinh
22-05-2012, 05:41 PM
http://gxthohoang.net/images/thumbnails/images/hinh/h/loixinloi_mm-500x375.jpg (http://gxthohoang.net/images/hinh/h/loixinloi_mm.jpg)TTCN - Tôi sinh ra trên một mảnh đất khô cằn đá sỏi thuộc miền Trung. Tuổi thơ của tôi gắn liền với sự khốn cùng mà chiến tranh để lại.
Khi chiến tranh kết thúc ba tôi đi học tập cải tạo, bỗng chốc gia đình tôi trắng tay. Trở về, ba tôi trở thành người cay nghiệt, cay nghiệt với xã hội, cay nghiệt với gia đình.


http://thanhcavietnam.info/HongBinh/Truyen/LoiXinLoiMuonMang_PhamHoaiDuc.mp3

Quen sống trong cảnh ăn sung mặc sướng, cách sống gia trưởng nên ba tôi không chấp được cuộc sống cơ cực, mọi khốn khổ đều đổ lên đầu mẹ tôi. Vốn xuất thân từ cô nhi viện, không quen công việc nhà nông nặng nhọc vất vả nhưng mẹ tôi đã cố gắng để lo cho chồng con. Trong khi ba tôi luôn tìm đủ thứ chuyện để gây gổ, mẹ chỉ yên lặng, nín chịu. Nơi mẹ tôi nhìn thấy được tình yêu là hi sinh, là ý chí diệu kỳ.
Nhà càng ngày càng túng quẫn, các anh tôi phải nghỉ học phụ giúp gia đình. Trong nhà chỉ còn mình tôi được đi học, nhưng vì mặc cảm nhà nghèo nên tôi chẳng còn muốn học hành. Sau một ngày đi làm cực nhọc mẹ tôi lại phải kèm tôi học. Có lần mẹ bắt tôi viết chính tả nhưng tôi không chịu, tức mình mẹ tôi mắng: “Con nhác học thì ra chuồng bò mà ở!”.
Thế là tôi bỏ học ra chuồng bò ngồi. Vì thương con, sợ con bị muỗi đốt nên mẹ tôi lại ra dẫn tôi vào, cũng không la mắng nhưng trong giọng bà tôi nghe như nghèn nghẹn: “Má thương con nên chỉ muốn con học hành đàng hoàng để sống cho nên người”. Nhưng lúc đó tôi đâu hiểu được ý nghĩa của lời mẹ dạy!
Ngày tháng trôi qua, chúng tôi lớn lên, mối quan hệ giữa ba mẹ tôi không thể hàn gắn được, còn nhà thì vẫn cứ nghèo. Mẹ đã đưa các anh tôi đi về quê ngoại ở miền Nam để lập nghiệp, còn tôi ở lại với ba. Khi ra đi mẹ và các anh tôi chỉ có hai bàn tay trắng, dù biết tương lai là những ngày cực khổ nhưng có thể đó là giải pháp tốt nhất cho gia đình tôi.
Tôi ở lại sống trong sự buồn bã chán nản, trong khi ba tôi không hề quan tâm đến tôi, mặc tôi muốn làm gì cũng được. Tôi theo bạn bè rượu chè, cờ bạc. Học xong lớp 9, tôi nghỉ học vì không có tiền và vì tôi cũng chẳng muốn đi học nữa. Tôi chỉ muốn có thật nhiền tiền để cuộc sống được sung sướng hơn, để không bị người ta khinh khi, để gia đình tôi được đoàn tụ.
Cũng trong khoảng thời gian này người ta phát hiện có mỏ vàng trên miền rừng núi Trường Sơn. Trong xóm tôi có vài người đi đãi vàng, khi về người nào cũng khấm khá; thế là phong trào đi đào vàng trong xóm tôi bùng lên. Những người có sức khỏe, trai tráng thì đi đào vàng còn phụ nữ hay những người không đào vàng thì đi cõng chuyến (vận chuyển hàng hóa vào bãi vàng để bán cho những người đãi vàng). Tôi nghĩ đây có thể là cơ hội để đổi đời.
Có một người hàng xóm từ bãi vàng về và thế là tôi xin đi theo anh. Lúc đầu anh không cho vì tôi còn nhỏ sợ không đủ sức đào vàng mà cuộc sống trong bãi vàng lại vô cùng gian khổ. Nhưng tôi năn nỉ và rồi anh cũng chấp nhận dẫn tôi theo.
Cuộc đời tôi rẽ sang một bước khác. Sống trong vùng rừng núi Trường Sơn, nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong cái tích tắc, tôi cũng như những người ở đây không biết ngày mai của mình rồi sẽ ra sao. Có khi tối đi ngủ nhưng không biết ngày mai mình có thức dậy nổi hay là chìm trong giấc ngủ ngàn thu. Vì vậy mà bao nhiêu tiền làm ra người ta đều tiêu xài hết. Sống một cuộc đời bạt mạng, không còn chút hi vọng vào tương lai, tôi trở nên nghiện rượu và thuốc lá.
Được khoảng vài tháng, khi biết tôi đã bỏ học đi làm vàng mẹ tôi lặn lội từ miền Nam trở về, đến bãi vàng để tìm tôi. Trong lòng bà lúc này chỉ có một nỗi lo sợ mất con. Để đến được chỗ tôi ở bà phải theo những người cõng chuyến mất một ngày đêm đi bộ trong rừng sâu. Khi gặp tôi bà vừa vui mừng vừa đau đớn khi thấy tôi ốm yếu xanh xao như người sắp chết. Rượu, thuốc lá và thêm căn bệnh sốt rét hành hạ nên tôi trông không còn giống một con người. Mẹ khóc lóc, năn nỉ tôi về cùng bà nhưng tôi không chịu.
Tôi vẫn còn hận mẹ vì đã bỏ tôi ở lại một mình trong đơn độc, đau khổ. Nhưng chính những người anh, những người bạn cùng làm vàng với tôi đã chỉ cho tôi thấy được tình yêu thương của mẹ đã dành cho tôi, chỉ có tình yêu thương vô hạn ấy mới khiến bà lặn lội đường xa, bất chấp khó khăn và cả nguy hiểm để tìm lại đứa con đã lạc mất giữa rừng. Rồi tôi miễn cưỡng đi về. Mẹ tôi vui mừng khôn xiết, hết lời cảm ơn những người đã từng cưu mang, giúp đỡ tôi và đã khuyên tôi trở về nhà cùng bà.
Tôi theo mẹ vào Nam, được chữa bệnh, được mẹ khuyên lơn cai thuốc, cai rượu. Cũng lúc đó tại địa phương vừa xây trường cấp III, vì trường mới thiếu học trò nên tôi được đi học lại. Sau một năm nghỉ học, kiến thức mai một, tôi lại mặc cảm vì không theo kịp bạn bè, chán nản muốn bỏ học. Do thấu hiểu được những khó khăn của tôi nên mẹ không bao giờ la mắng, chỉ lựa lời an ủi. Chính nhờ vậy mà tôi vượt qua được những khó khăn.
Hiện tại tôi không phải là người thành đạt, giàu sang nhưng tôi đang sống như một con người. Một con người mà mẹ tôi đã sinh ra, nuôi dưỡng để lớn lên. Đã bao nhiêu lần tôi vấp ngã nhưng đều được chính bàn tay đã từng bồng ẵm tôi đỡ nâng tôi dậy, chỉ cho tôi con đường để bước đi, để sống cuộc đời hữu ích cho mọi người.
Trong gia đình tôi là người làm mẹ tôi đau lòng nhất, vậy mà tôi chưa một lần xin lỗi mẹ về những điều tôi đã gây ra, cũng như chưa một lần cảm ơn tình yêu cao hơn trời, rộng hơn biển mà mẹ đã dành cho tôi.
Mẹ ơi, qua những dòng chữ đơn sơ này con muốn kính gửi đến mẹ lời xin lỗi và lòng biết ơn mà con chưa một lần bày tỏ...
PHẠM HOÀI ĐỨC
Việt Báo (Theo_TuoiTre)