PDA

View Full Version : Hãy Nâng Tâm Hồn_ Tháng Bảy



hongbinh
07-07-2012, 09:24 PM
http://gxthohoang.net/images/thumbnails/images/hinh/h/nangtamhonlen-500x280.jpg (http://gxthohoang.net/images/hinh/h/nangtamhonlen.jpg)
Gxthohoang.net tiếp tục giới thiệu cùng quý đọc giả 31 bài dùng cho 31 ngày trong tháng bảy giúp chúng ta nâng tâm hồn lên với Chúa, hãy cố gắng đọc một ngày một bài hy vọng sẽ có ích cho chúng ta.


1 THÁNG BẢY
Đấng Cầm Quyền Tối Cao
Luôn Ân Cần Săn Sóc
Các biểu tượng cổ xưa của đức tin và của truyền thống Kitô giáo diễn tả chân lý về sự quan phòng bằng từ La tinh “omni-tenens” (nắm giữ tất cả) – ứng với từ Hi lạp “panto-krator” (cai quản tất cả). Tuy nhiên, những ý niệm ấy vẫn chưa nói được gì so với sự hàm súc và vẻ đẹp của hình ảnh người mục tử trong Thánh Kinh. Hình ảnh người mục tử là một hình ảnh đầy ấn tượng có sức mạc khải chân lý về sự quan phòng thần linh.
Thật vậy, người mục tử là một người cầm quyền đầy quan tâm, thực hiện một kế hoạch đời đời đầy khôn ngoan và yêu thương qua việc cai quản thế giới tạo vật và nhất là xã hội loài người (Vat. II, TDTG số 3). Đó là một quyền bính đầy cẩn trọng, bao gồm cả quyền lực lẫn lòng nhân.
Theo bản văn của Sách Khôn Ngoan mà Công Đồng Vatican I trích dẫn, quyền bính ấy “vươn rộng từ chân trời này tới chân trời kia, cai quản mọi sự thật tốt đẹp” (Kn 8,1). Nghĩa là, nó bao trùm lấy, nâng đỡ, bảo vệ, và – một cách nào đó – nó nuôi dưỡng nữa. Quyền bính đó chính là Thiên Chúa chúng ta, Đấng săn sóc chúng ta như mục tử săn sóc đàn chiên của mình.
2 THÁNG BẢY
Quyền Bính Đặt Điểm Tựa Trên Lòng Nhân
Quyền bính của Thiên Chúa được diễn tả qua mối quan tâm từ phụ. Một cách nào đó, chân lý này chứa đựng chính cốt lõi của chân lý về sự quan phòng thần linh. Thánh Kinh sử dụng hình ảnh của một Mục Tử Tốt Lành để diễn tả sự thật về lòng từ phụ của Thiên Chúa: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi; tôi sẽ không còn phải thiếu thốn chi” (Tv 23,1). Thật là một hình ảnh độc đáo!
Các biểu tượng cổ xưa của đức tin và của truyền thống Kitô giáo diễn tả chân lý về sự quan phòng bằng từ La tinh “omni-tenens” (nắm giữ tất cả) – ứng với từ Hi lạp “panto-krator” (cai quản tất cả). Tuy nhiên, những ý niệm ấy vẫn chưa nói được gì so với sự hàm súc và vẻ đẹp của hình ảnh người mục tử trong Thánh Kinh. Hình ảnh người mục tử là một hình ảnh đầy ấn tượng có sức mạc khải chân lý về sự quan phòng thần linh.
Thật vậy, người mục tử là một người cầm quyền đầy quan tâm, thực hiện một kế hoạch đời đời đầy khôn ngoan và yêu thương qua việc cai quản thế giới tạo vật và nhất là xã hội loài người (Vat. II, TDTG số 3). Đó là một quyền bính đầy cẩn trọng, bao gồm cả quyền lực lẫn lòng nhân.
Theo bản văn của Sách Khôn Ngoan mà Công Đồng Vatican I trích dẫn, quyền bính ấy “vươn rộng từ chân trời này tới chân trời kia, cai quản mọi sự thật tốt đẹp” (Kn 8,1). Nghĩa là, nó bao trùm lấy, nâng đỡ, bảo vệ, và – một cách nào đó – nó nuôi dưỡng nữa. Quyền bính đó chính là Thiên Chúa chúng ta, Đấng săn sóc chúng ta như mục tử săn sóc đàn chiên của mình.
3 THÁNG BẢY
Nguồn Thiện Hảo Bất Tận Của Thiên Chúa
Vị Thiên Chúa hằng săn sóc chúng ta ấy là ai vậy? Sách Gióp mô tả Ngài là Đức Chúa của mọi tạo vật: “Hãy xem: Thiên Chúa cao cả khi bày tỏ quyền năng, tôn sư nào sánh được với Ngài? … Các giọt nước mưa, Ngài gom góp lại, rồi đem nghiền nát thành sương mù. Các tầng mây đổ mưa xuống trên phàm nhân hết thảy… Quả thật, Ngài dùng nước mà nuôi dưỡng chư dân – cho họ có lương thực dồi dào” (G 36,22.27-28.31).
“Ngài dùng hơi nước tạo thành mây, và từ mây, Ngài làm cho chớp lóe. Mây lang thang xoay đủ mọi chiều, theo đúng chương trình Ngài hoạch định, để trên toàn cõi đất chúng thực thi mọi lệnh Ngài truyền” (G 37,11-12).
Sách Huấn Ca âm vọng lại những lời của Sách Gióp – và nói về Thiên Chúa của tạo vật: “Ngài ra lệnh truyền, tuyết liền sa xuống. Ngài phóng những tia chớp làm phán quyết của Ngài” (Hc 43,13). Tác giả Thánh Vịnh cũng tán dương “sức mạnh đáng sợ của Ngài”, “sự tốt lành vô lượng của Ngài”, “uy phong rạng rỡ của Ngài”, Ngài là “Đấng thành tín và đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm”. Tác giả Thánh Vịnh thốt lên: “Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê. (Tv 145,6-7.15-16).
Hơn thế nữa, tác giả Thánh Vịnh nhắc đến tình yêu và sự quan tâm của Thiên Chúa dành cho tất cả những gì mà Ngài đã dựng nên: “Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng. Từ ruộng đất họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tuơi, nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ” (Tv 104,14-15).
4 THÁNG BẢY
Biến Cái Hỗn Mang Thành Trật Tự
Trong nhiều bản văn, Thánh Kinh ca ngợi sự quan phòng thần linh như là quyền bính tối cao của thế giới, quyền bính đầy quan tâm đối với mọi tạo vật, nhất là đối với con người. Thiên Chúa, trong tư cách là chủ nhân đầy tình yêu thương đối với tất cả những gì mà Ngài đã tạo dựng, vẫn luôn luôn làm việc trong mọi sự.
Thiên Chúa, bằng sự khôn ngoan đầy sức sáng tạo của Ngài, dự liệu mọi sự và làm việc trong mọi sự. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt xa sự khôn ngoan và cẩn trọng của con người. Thật vậy, Thiên Chúa – Đấng siêu việt trên mọi sự – làm cho thế giới có thể biểu hiện trật tự lạ lùng theo ý Ngài ở nhiều cấp độ khác nhau.
Chính sự quan phòng và khôn ngoan này của Đấng Tạo Hóa làm cho thế giới có thể vận hành như một vũ trụ có hệ thống và trật tự chứ không phải như một mớ hỗn mang. “Chúa đã sắp xếp có chừng có mực, đã tính toán và cân nhắc cả rồi” (Kn 11,20). Thánh Kinh trầm trồ về sự khôn ngoan sáng tạo của Thiên Chúa.
5 THÁNG BẢY
Tính Tự Trị Của Các Vật Thụ Tạo
Mặc dù cách diễn tả của Thánh Kinh gán quyền cai quản mọi loài trực tiếp cho Thiên Chúa, chúng ta vẫn có thể nhận ra rõ ràng sự khác biệt giữa hành động của Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa – và hoạt động của các thụ tạo. Đó là sự khác biệt giữa nguyên nhân đệ nhất và các nguyên nhân đệ nhị. Đây là vấn đề rất thường được đặt ra bởi con người thời nay: Thế giới thụ tạo có được sự tự trị và sự tự do đến mức nào? Đâu là vai trò của con người trong việc phát minh, sáng tạo và xây dựng thế giới?
Theo đức tin Công Giáo, sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa làm cho sự quan phòng của Ngài có thể hiện diện trong thế giới – trong khi thế giới thụ tạo vẫn có được một sự tự trị nào đó theo quyền của mình. Công Đồng Vatican II đã đề cập đến mầu nhiệm này. Một đàng, Thiên Chúa giữ gìn mọi sự và làm cho mọi sự có thể là chính chúng: “Chính vì được tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững chãi, chân thực, tốt lành cùng những định luật và trật tự riêng” (MV 36). Đàng khác, nhờ cách thế mà Thiên Chúa cai quản thế giới, các tạo vật – nhất là con người – có thể có được sự tự trị nào đó “theo ý muốn của Đấng Sáng Tạo” (MV 36).
Sự quan phòng của Thiên Chúa được diễn tả một cách chính xác trong “tính tự trị của các loài thụ tạo”, trong đó cả sức mạnh lẫn sự ân cần của Thiên Chúa đều được thể hiện. Chúng ta nhận ra rằng – đối với con người – sự quan phòng của Thiên Chúa sẽ vẫn luôn luôn còn là một sự khôn ngoan nhiệm mầu bao trùm hết thảy mọi sự (“từ chân trời này đến chân trời kia”). Sự quan phòng ấy được nhận ra nơi mọi sự với đầy sức sáng tạo và với trật tự rõ ràng của nó. Tuy nhiên, nó vẫn còn chừa lại nguyên đó vai trò của con người trong việc xây dựng và phát triển thế giới. Đó chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa chúng ta.
6 THÁNG BẢY
Đâu Là Vai Trò Của Chúng Ta
Trong Tư Cách Là Thụ Tạo?
Con người có một vai trò đặc biệt trong việc phát triển thế giới. Và đó vốn là vai trò của con người ngay từ thuở ban sơ. Vai trò đó cho thấy con người là gì trong tư cách là người con được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài. Theo Sách Sáng Thế, con người được dựng nên để “thống trị tạo vật” và để bắt mọi tạo vật “qui phục” mình (St 1,28).
Bằng cách tham dự vào quyền cai trị của Thiên Chúa trên thế giới, xét như là một chủ thể có lý trí và tự do song vẫn đồng thời là một tạo vật, một cách nào đó chính con người trở nên một “sự quan phòng”, theo cách diễn tả tuyệt vời của Thánh Tô-ma (Tổng Luận Thần Học I,22,2&4). Con người được mời gọi để bảo vệ và cai quản mọi tạo vật với một tình yêu và mối quan tâm mục tử. Cũng chính vì thế mà con người mang một trách nhiệm đặc biệt đối với Thiên Chúa và đối với tạo vật.
7 THÁNG BẢY
Đừng Lo Lắng !
Nhận thức của chúng ta về sự quan phòng thần linh trong Cựu Ước được củng cố và được làm cho phong phú thêm trong Tân Ước. Trong tất cả những lời nói của Đức Giêsu về chủ đề này, những lời được ghi lại bởi hai Thánh Sử Matthêu và Luca sau đây đặc biệt cho ta nhiều ấn tượng: “Vậy, anh em đừng băn khoăn về những vấn đề như mình sẽ ăn gì uống gì hay mặc gì. Những kẻ không tin luôn luôn theo đuổi những thứ ấy. Nhưng Cha của anh em trên trời biết anh em cần gì. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, và mọi thứ khác sẽ được ban cho anh em” (Mt 6,31-33; Lc 12,29-31).
“Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Ngài cũng đếm cả rồi.Vậ anh em đừng sợ; anh em còn quí giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10,29-31; Lc 21,18).
“Hãy xem chim trời: chúng không gieo không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quí giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!” (Mt 6,26-30; Lc 12,24-28).
Với một giáo huấn mạnh mẽ như vậy, Chúa Giê-su không chỉ củng cố giáo huấn của Cựu Ước về sự quan phòng thần linh mà thôi. Người còn cho thấy tại sao chúng ta không bao giờ được phép nghi ngờ sự quan phòng ấy. Người bảo chúng ta đừng lo lắng, bởi vì chúng ta có thể ung dung thanh thản trong tình yêu của Cha trên trời dành cho chúng ta.
8 THÁNG BẢY
Dưới Bóng Đấng Toàn Năng
Không ai có thể phủ nhận vẻ hùng tráng của những vần thơ trong Thánh Vịnh tán dương Thiên Chúa như là nơi trú ẩn, như là sự bảo vệ và là đồn lũy cho con người. Chẳng hạn, chúng ta đọc thấy trong Thánh Vịnh 91:
“Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao
và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối,
hãy thưa với Chúa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa,
Ngài là nơi con trú ẩn, là đồn lũy chở che,
con tin tưởng vào Ngài’…
Vì bạn có Chúa làm nơi trú ẩn,
có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân…
Chúa phán: ‘Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát,
người nhận biết Danh Ta sẽ được sức phù trì.
Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại;
lúc ngặt nghèo, có Ta ở kề bên” (Tv 91,1-2.9.14-15).
Những diễn tả ấy thật rất đẹp và rất đánh động. Nhưng những lời của Đức Kitô còn có ý nghĩa nhiều hơn thế nữa. Thật vậy, đó là những lời được nói lên bởi chính Chúa Con, Đấng thấu suốt mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa. Lời Đức Kitô mang lời chứng hoàn hảo về mầu nhiệm Chúa Cha: mầu nhiệm quan phòng và mối quan tâm từ phụ đối với mọi tạo vật, ngay cả đối với cỏ dại ngoài đồng và con chim sẻ bé nhỏ. Sự quan phòng ấy càng đặc biệt hơn biết mấy đối với con người chúng ta! Và đây chính là điều mà Đức Kitô nhấn mạnh trước hết.
9 THÁNG BẢY
Con Người Chiếm Một Chỗ Đặc Biệt
Trong Trái Tim Thiên Chúa
Đối với tạo vật nói chung, Thiên Chúa còn dành cho mối quan tâm như thế, thì đối với các con trai con gái của Ngài trong loài người – cao trọng hơn các tạo vật khác nhiều – Thiên Chúa còn muốn săn sóc ân cần hơn biết mấy! Trong bản văn Tin Mừng này nói về sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta nhận ra bậc thang các giá trị rất rõ ràng của thế giới tạo vật: con người chiếm địa vị ưu tiên trên mọi tạo vật khác. Sở dĩ thế bởi vì con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Con người chiếm địa vị ưu tiên bởi vì Cha trên trời ưu tiên quan tâm săn sóc con người. Thiên Chúa dành chỗ đặc biệt trong cung lòng Ngài cho con người.
Đức Giêsu xác quyết rằng con người – vì chiếm chỗ ưu tiên trong cung lòng Thiên Chúa như thế – nên có trách nhiệm phải cộng tác với ân huệ mà mình đã nhận được từ sự quan phòng ấy. Con người không thể hài lòng duy chỉ với những giá trị của thế giới này. Con người phải trước hết tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, rồi tất cả những giá trị khác (của đời này) sẽ được ban cho con người (Mt 6,33).
Lời của Đức Kitô dẫn chúng ta tới chỗ suy tư về sự săn sóc quá đỗi ân cần và yêu thương của Thiên Chúa – tức sự quan phòng. Một cách thiết yếu, sự quan phòng này tôn trọng bản chất của người ta xét như là một tạo vật có lý trí và tự do.
10 THÁNG BẢY
Hậu Quả Cay Đắng
Của Sự Tự Do Sai Quấy
Trên hành trình đào sâu nhận thức về mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta thường phải đối diện với vấn nạn này: Nếu Thiên Chúa hiện diện và điều hành mọi sự, thì làm sao con người có thể tự do được? Và nhất là, đâu là ý nghĩa và vai trò của tự do trong đời sống chúng ta? Và đâu là hậu quả cay đắng của tội lỗi gây ra do sự tự do sai quấy? Làm sao có thể hiểu tất cả những điều này trong ánh sáng của sự quan phòng thần linh?
Chúng ta hãy nhớ lại giáo huấn của Công Đồng Vatican I: “Tất cả những gì Thiên Chúa đã tạo thành thì Ngài giữ gìn và điều khiển với sự quan phòng của Ngài – sự quan phòng mở rộng từ chân trời này đến chân trời kia và cai quản mọi sự một cách tốt đẹp (Kn 8,1). Mọi sự đều phơi bày rõ ràng trước mắt Ngài (Dt 4,13), kể cả những gì diễn ra trong sáng kiến tự do của tạo vật” (DS 3003).
Mầu nhiệm quan phòng thần linh tác động trên tất cả thế giới tạo vật một cách thâm sâu. Trong tư cách là một diễn tả của sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa, kế hoạch quan phòng đến trước chính công cuộc sáng tạo. Trong tư cách là một diễn tả quyền lực của Thiên Chúa, nó hướng dẫn và triển khai công cuộc ấy. Một cách nào đó, chúng ta thậm chí có thể nói rằng sự quan phòng được thực hiện trong chính công việc của nó. Đó là một sự quan phòng siêu việt, nhưng đồng thời nó cũng hiện diện trong mọi sự. Điều này áp dụng cho giáo huấn của Giáo Hội mà chúng ta vừa mới nhắc lại trên đây, nhất là khi vận dụng vào con người với lý trí và tự do của mình.
Sưu Tầm

hongbinh
07-07-2012, 09:25 PM
11 THÁNG BẢY
Con Đường Tiến Tới Thành Toàn
Sự quan phòng bao trùm một cách đặc biệt những tạo vật được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài – tức con người. Con người nhận được “sự tự trị của những hữu thể thụ tạo” trong ý nghĩa đầy đủ nhất theo diễn tả của Công Đồng Vatican II (MV 36). Nhưng không chỉ con người mà thôi – vì còn phải kể đến các tạo vật có bản tính tinh thần thuần túy nữa. Nhưng chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề này sau – vấn đề liên quan đến thế giới vô hình.
Trong thế giới hữu hình, đối tượng đặc biệt của sự quan phòng thần linh là con người. Theo ngôn ngữ của Công Đồng Vatican II, “con người là tạo vật duy nhất trong thế giới được Thiên Chúa yêu thương vì chính nó” (MV 24). Vì thế, “con người không thể hoàn thành chính mình nếu không chân thành trao hiến chính mình” (MV 24).

12 THÁNG BẢY
Không Có Gì Giấu Ẩn Đối Với Thiên Chúa
Vâng, con người là triều thiên của thế giới tạo vật hữu hình! Điều này mở ra cho chúng ta một nhận thức hoàn toàn mới về mầu nhiệm quan phòng thần linh. Công Đồng Vatican I đã nhấn mạnh đến giáo huấn đức tin này khi xác quyết rằng trong ánh nhìn khôn ngoan và thượng trí của Thiên Chúa, tất cả đều phơi bày trần trụi – kể cả những hành vi tự do của các tạo vật có lý trí, tức những hành vi đến từ một sự chọn lựa có ý thức và một sự quyết định tự do.
Sự quan phòng của Thiên Chúa – một cách đầy ân cần và yêu thương – đưa dẫn con người tiến về mục tiêu của mình, đồng thời vẫn tôn trọng sự tự do của con người. Đó chính là quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa Quan Phòng.

13 THÁNG BẢY
Sự Tự Do Của Con Người
Diễn Tả Sự Khôn Ngoan Của Thiên Chúa
Ở đây, khi đối diện với kế hoạch sáng tạo từ đời đời của Thiên Chúa, chúng ta đứng trước một mầu nhiệm lạ lùng và khôn dò. Mầu nhiệm đó chính là mối quan hệ mật thiết giữa các hành động của Thiên Chúa và những quyết định của con người.
Chúng ta biết rằng sự tự do chọn lựa là khả năng tự nhiên của một tạo vật có lý trí. Kinh nghiệm cũng cho chúng ta biết rằng tự do của con người là cái có thực – ngay cả khi nó bị làm cho thương tổn và suy yếu đi bởi tội lỗi. Về mối quan hệ giữa sự tự do của con người với hành động của Thiên Chúa, chúng ta nên nhìn trong ánh sáng của những gì mà Thánh Tô-ma Aquinô đã nói về sự quan phòng thần linh. Thánh Tô-ma mô tả sự tự do của con người như biểu hiện của sự khôn ngoan Thiên Chúa – sự khôn ngoan xếp đặt và hướng dẫn mọi sự đạt đến mục tiêu của chúng (cf. Tổng Luận Thần Học I,22,1). Tất cả những gì được Thiên Chúa tạo thành đều nhận sự hướng dẫn này, và trở thành đối tượng của sự quan phòng thần linh (vs. 2).
Qua con người – được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa – tất cả thế giới tạo vật hữu hình tiến tới gần Thiên Chúa và tìm thấy con đường đưa dẫn chúng đến sự thành toàn cuối cùng. Quan niệm này được diễn tả bởi nhiều người khác nữa, trong đó có Thánh I-rê-nê và được phản ảnh bởi giáo huấn của Công Đồng Vatican II về tác động phát triển thế giới của con người (MV 7). Nói tắt, sự phát triển hay sự tiến bộ đích thực mà con người được mời gọi thực hiện trong thế giới không được phép chỉ hạn định trong phương diện kỹ thuật, mà phải bao gồm phương diện đạo đức nữa. Đây là điều kiện thiết yếu để xây dựng Nước Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo này (MV các số 35,43,57,62).

14 THÁNG BẢY
Được Trao Ban Những Ân Sủng Đặc Biệt
Được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài, con người là tạo vật hữu hình duy nhất mà Đấng Tạo Hóa “nhắm đến vì chính nó” (MV 24). Thiên Chúa – Đấng cai quản thế giới với sự khôn ngoan và quyền lực siêu việt của Ngài – trao cho con người mục tiêu để đạt đến trong cuộc sống này. Nhưng con người cũng là một cứu cánh nơi tự thân mình, không giống như các tạo vật khác. Con người cần đạt đến sự thành toàn trong tư cách là một nhân vị được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài.
Được làm cho phong phú với một ân huệ đặc biệt – và cũng là một trách nhiệm – con người có quan hệ mật thiết với mầu nhiệm quan phòng thần linh. Chẳng hạn, chúng ta đọc thấy trong Sách Huấn Ca: “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người… Ngài mặc cho nó sức mạnh… để chúng thống trị muông chim cầm thú. Ngài ban cho chúng trí khôn, lưỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ. Ngài làm cho chúng đầy kiến thức thông minh, tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu. Ngài đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Ngài… Ngài còn ban kiến thức cho chúng, và cho thừa hưởng luật đem lại sự sống” (Hc 17,1.3.5-7.9).

15 THÁNG BẢY
Con Người Tự Viết Nên
Lịch Sử Của Chính Mình
Được ban cho trí khôn và linh hồn bất tử, con người bắt đầu hành trình của mình trong thế giới. Con người bắt đầu viết nên lịch sử của chính mình. Thiên Chúa – trong sự quan phòng của Ngài – luôn luôn sát cánh với con người mọi nơi mọi lúc trong cuộc hành trình ấy. Cũng trong sách Huấn Ca, chúng ta đọc thấy: “Đường lối của chúng luôn luôn ở trước mặt Ngài, và không bao giờ giấu mắt Ngài được” (Hc 17,15).
Tác giả Thánh Vịnh cũng thốt lên cùng ý nghĩa này:
“Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,
đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,
tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn,
cánh tay hùng mạnh giữ lấy con…
Hồn con đây Ngài biết rõ mười mươi;
xương cốt con Ngài không lạ lẫm gì” (Tv139, 9-10.14-15).

16 THÁNG BẢY
Thiên Chúa Trên Đường Đời Ta
Sự quan phòng của Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong cuộc đời của con người và trong lịch sử thế giới. Thiên Chúa có mặt đó: trong suy nghĩ của con người, trong tự do của con người, trong trái tim và trong lương tâm con người.
Nơi con người và cùng với con người, sự hiện diện đầy năng lực cứu độ của Thiên Chúa đạt được một chiều kích lịch sử. Sự quan phòng của Thiên Chúa đồng hành với cuộc sống con người và đi vào trong nhân tính. Tuy nhiên, sự quan phòng ấy cũng luôn luôn bất khả dò và bất biến.
Vâng, sự quan phòng của Thiên Chúa là một sự hiện diện vĩnh cửu trong lịch sử của con người – cả của các cá nhân lẫn của các cộng đồng. Lịch sử của các quốc gia và của toàn nhân loại diễn tiến dưới ánh nhìn đầy quan tâm của Thiên Chúa và trong hành động toàn năng của Ngài. Mọi tạo vật đều được bảo vệ và được cai quản bởi sự quan phòng đầy lòng từ phụ của Thiên Chúa. Ngài cũng hoàn toàn tôn trọng sự tự do của con người trong tư cách là những hữu thể có lý trí và tự do – được tạo dựng theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài.

17 THÁNG BẢY
Thiên Chúa Đặt Trước Mặt Chúng Ta:
Lửa Và Nước
Việc tôn trọng sự tự do của tạo vật thì khẩn thiết đến nỗi Thiên Chúa – trong sự quan phòng của Ngài – thậm chí cho phép xảy ra sự tội nơi con người và nơi các thiên thần. Các tạo vật có lý trí – quả thật cao cả song cũng vẫn giới hạn và không hoàn hảo – có thể lạm dụng tự do của mình và bất tuân phục Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Chính khả năng ấy đã gây rắc rối cho tâm trí con người.
Sách Huấn Ca suy tư về thực tại này rất sâu sắc: “Từ nguyên thủy, chính Chúa đã làm nên con người, và để nó tự quyết định lấy. Nếu con muốn, thì hãy giữ các điều răn mà trung tín làm điều đẹp ý Ngài. Trước mặt con, Ngài đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó. Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao, Ngài mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả. Ngài để mắt nhìn xem những ai kính sợ Ngài, và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện. Ngài không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội” (Hc 15,14-20).

18 THÁNG BẢY
Tiếng Nói Cuối Cùng
Là Tiếng Nói Yêu Thương
“Ai có thể giải thích sự tội?” – tác giả Thánh Vịnh đã thốt lên như thế (Tv19,13 theo bản La tinh). Sự quan phòng của Thiên Chúa soi rọi ánh sáng trên sự phản nghịch bi đát của con người, để chúng ta có thể học biết tránh tội.
Con người được tạo dựng trong tư cách là một hữu thể có lý trí và tự do trong một thế giới mà sự tội không những có thể xảy ra mà còn được thấy như là một thực tại ngay từ đầu. Tội lỗi là sự chống đối triệt để đối với Thiên Chúa. Nó là điều mà Thiên Chúa dứt khoát không muốn. Tuy nhiên, Ngài vẫn cho phép nó xảy ra khi tạo dựng con người có tự do. Ngài cho phép xảy ra sự tội – là kết quả của sự lạm dụng tự do đã được Ngài ban cho.
Từ thực tế không thể đảo ngược này (được chúng ta biết đến nhờ mạc khải và được chúng ta kinh nghiệm trong thế giới đã sa ngã của chúng ta), chúng ta biết rằng rất cần có sự tự do trong thế giới thụ tạo này, cho dù nó có thể bị lạm dụng, hơn là chúng ta bị tước mất tự do – nhằm để khỏi có nguy cơ phạm tội. Đó là góc nhìn thích đáng đối với sự khôn ngoan có tính quan phòng của Thiên Chúa – trong đó Thiên Chúa nhìn thấy cứu cánh của mọi sự.
Đành rằng Cha nhân lành của chúng ta cho phép tội xảy ra, nhưng Ngài đã nhìn thấy trước từ đời đời con đường cứu độ bằng tình yêu của Ngài. Thật vậy, sự tự do được ban cho con người là để con người có thể yêu thương. Người ta không thể yêu thương nếu không có tự do đích thực. Và trong cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa tội lỗi và ơn cứu độ, tình yêu luôn luôn là tiếng nói quyết định cuối cùng.

19 THÁNG BẢY
Rồi Tôi Sẽ Đi Về Đâu?
Vấn đề định mệnh con người là một nỗi khắc khoải của mọi con tim. Đây là một vấn đề vừa quan trọng vừa gay go: “Rồi ngày mai tôi sẽ ra sao?” – chúng ta thường băn khoăn tự hỏi như thế. Và chúng ta thường dễ có nguy cơ hài lòng với một câu trả lời không thích đáng, và bị lung lạc bởi một thuyết định mệnh yếm thế nào đó, hoặc bị đánh lận bởi một cảm giác yên ổn giả tạo. “Đồ ngu! Nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng sống ngươi” (Lc 12,20).
Nhưng cũng chính ở đây, chúng ta nhận ra lòng từ bi và ân sủng khôn cùng của Thiên Chúa Quan Phòng. Vì Đức Giêsu không đưa ra lời cảnh báo đó để tố cáo chúng ta. Trái lại, khi Người đề cập đến sự quan phòng thần linh trong Bài Giảng Trên Núi, Người đã kết thúc với giáo huấn rất sáng tỏ này: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài; và mọi sự khác sẽ được ban thêm cho các ngươi” (Mt 6,33; Lc 12,31).
Chúng ta đã suy tư về mối quan hệ thâm sâu giữa sự quan phòng thần linh và sự tự do của con người. Chính bởi vì con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã đề cập với con người về Nước Thiên Chúa và sự khẩn thiết phải ưu tiên tìm kiếm Nước ấy trước hết.
Mối liên kết này giữa sự quan phòng của Thiên Chúa và mầu nhiệm về Vương Quốc của Ngài – vốn phải được thực hiện trong thế giới thụ tạo – giúp chúng ta nghĩ đến định mệnh của con người trong Đức Kitô: đó là, con người được tiền định ở trong Đức Kitô. Sự kiện con người và thế giới được tiền định ở trong Đức Kitô càng xác nhận mạnh mẽ hơn nữa giáo thuyết về sự quan phòng thần linh: đó là, sự quan phòng của Thiên Chúa nhằm hướng đến việc bảo đảm ơn cứu độ dứt khoát và chung cuộc cho con người. Chính Đức Giêsu có ý nói đến điều này trong cuộc đàm thoại với Ni-cô-đê-mô: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi trao ban chính Con Một của Ngài, để những ai tin vào người Con ấy thì không phải hư nát, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).

20 THÁNG BẢY
Ước Gì Mọi Miệng Lưỡi Đều Ngợi Khen
Ân Sủng Rạng Ngời Của Ngài
“Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi trao ban chính Con Một của Ngài, để những ai tin vào người Con ấy thì không phải hư nát, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Lời ấy của Đức Giêsu làm nên cốt lõi của giáo thuyết về sự tiền định. Chúng ta nhận ra giáo thuyết này trong giáo huấn của các Tông Đồ, nhất là trong các Thư của Thánh Phao-lô.
Chẳng hạn, chúng ta đọc thấy trong Thư Ê-phê-sô: “Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Kitô Chúa chúng ta, … đã tuyển chọn chúng ta trong Người, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta làm nghĩa tử trong Đức Kitô – để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời mà Ngài ban tặng cho chúng ta trong người Con yêu dấu” (Ep 1,3-6).
Những xác quyết ấy về định mệnh của chúng ta trong Đức Kitô giải thích hùng hồn yếu tính của điều mà chúng ta gọi là “tiền định”. Thật vậy, cần phải làm sáng tỏ ý nghĩa của thuật ngữ này để phòng tránh mọi nguy cơ ngộ nhận khi người ta sử dụng nó – điều khá thường xảy ra. Chẳng hạn, người ta có thể ngộ nhận rằng sự tiền định đồng nghĩa với một số mệnh mù quáng nào đó – hay là “cơn giận” thất thường của một vị chúa hay ghen tị. Trong mạc khải thần linh, từ ngữ “tiền định” có nghĩa là sự chọn lựa đời đời của Thiên Chúa. Sự chọïn lựa đó luôn luôn tích cực, sáng suốt và đầy lòng tư øphụ. Đó là một sự chọn lựa của tình yêu.

hongbinh
07-07-2012, 09:26 PM
21 THÁNG BẢY
Hồng Ân Nghĩa Tử
Sự chọn lựa đầy yêu thương của Thiên Chúa và hệ quả nhất định của nó luôn luôn gắn liền với sự sống mật thiết của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự sống đầy sống hoạt trong tình yêu này liên quan đến Chúa Cha cũng như Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Con người chia sẻ sự sống thần linh này vì con người được mời gọi tham dự vào kế hoạch sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Con người được tiền định ơn tuyển chọn thần linh này ngay cả trước khi vũ trụ được tạo thành (Ep 1,5).
Con người – ngay cả trước khi được dựng nên – đã được Thiên Chúa “chọn lựa”. Sự chọn lựa này xảy ra nơi Người Con Đời Đời (Ep 1,4). Nghĩa là, nó xảy ra nơi Ngôi Lời Vĩnh Cửu, nhờ Ngài mà thế giới được tạo thành. Như vậy, con người được tuyển chọn trong Chúa Con để nhờ chức phận làm con của Người mà con người được Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử. Đây chính là cốt lõi của mầu nhiệm tiền định. Và đây chính là sự biểu lộ tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha đối với chúng ta. Như Kinh Thánh nói: “Vì yêu thương, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử trong Đức Giê-su Kitô” (Ep 1,5).
Như vậy, sự tiền định cho thấy từ đời đời Thiên Chúa kêu gọi con người tham dự vào bản tính của Ngài. Đó là một ơn gọi tiến tới sự thánh thiện thông qua ơn nghĩa tử – trở thành những người con “tinh tuyền thánh thiện trước thánh nhan Ngài” (Ep 1,4).

22 THÁNG BẢY
Chính Thiên Chúa Chọn Chúng Ta Trước
Sự tiền định đi trước cả sự tạo thành vũ trụ. Bằng việc áp dụng những loại suy của ngôn ngữ con người vào sự sống thần linh, chúng ta có thể nói rằng trước hết Thiên Chúa muốn thông truyền chính Ngài – trong thần tính của Ngài – cho con người, bởi vì con người được mời gọi trở thành hình ảnh của Ngài và giống như Ngài trong thế giới thụ tạo. Tiên vàn, trong người Con Vĩnh Cửu của Ngài, Thiên Chúa chọn con người để con người tham dự vào chức phận làm con ấy nhờ ân sủng. Rồi, Thiên Chúa muốn thu họp tất cả thế giới thụ tạo về với chính Ngài trong Đức Kitô.
Như vậy, mầu nhiệm tiền định hoàn toàn hòa hợp với toàn bộ kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa. Mạc khải về kế hoạch vĩ đại này vén mở trước mắt chúng ta viễn tượng về Vương Quốc của Thiên Chúa. Nó dẫn chúng ta đến chính trung tâm của Vương Quốc này – ở đó chúng ta khám phá ra mục đích tối hậu của công cuộc tạo dựng. Chúng ta hiểu Thiên Chúa muốn gì.

23 THÁNG BẢY
Thông Dự Vào Ánh Sáng
Chúng ta đọc thấy trong Thư Cô-lô-sê: “Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của các thánh trong cõi đầy ánh sáng. Ngài đã giải thoát ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào Vương Quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1,12-14).
Vương Quốc của Thiên Chúa là Vương Quốc của “Thánh Tử chí ái”, theo một nghĩa rất đặc biệt, bởi vì chính nhờ công cuộc của Người mà “ơn cứu chuộc” và việc “thứ tha tội lỗi” được hoàn thành. Những lời của Tông Đồ Phao-lô ám chỉ đến tội lỗi của con người. Vì thế, sự tiền định tác động hiệu năng không duy chỉ do mối quan hệ của con người với việc sáng tạo thế giới và chỗ đứng của con người trong thế giới. Một cách căn bản, sự tiền định đối với con người có liên hệ với công cuộc cứu chuộc của Chúa Con – là Đức Giê-su Kitô.
Công cuộc cứu chuộc ấy trở thành một diễn tả cụ thể sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa, Cha chúng ta, cai quản mọi sự một cách đầy quan tâm, nhất là đối với những thụ tạo mà Ngài đã trao ban cho sự tự do.

24 THÁNG BẢY
Tạo Vật Mang Dấu Ấn Của Đức Kitô
Trong Thư Cô-lô-sê, chúng ta thấy rằng chân lý về sự tiền định trong Đức Kitô có mối gắn kết chặt chẽ với chân lý về việc sáng tạo trong Người. Thánh Phao-lô viết: “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo. Vì nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất” (Cl 1,15-16).
Ở đây chúng ta nắm bắt được một sự thật kỳ diệu. Ngay từ thuở đầu sáng tạo, thế giới mang trong mình nó ơn gọi và thậm chí mối đảm bảo được tiền định trong Đức Kitô, bởi vì thế giới được tạo dựng trong Đức Kitô và được cung hiến cho Thiên Chúa như tặng phẩm đầu tiên của sự quan phòng. Thế giới đã được tạo thành nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức Kitô, Đấng mở ơn cứu độ ra cho mọi con người và, cuối cùng, cho thế giới. “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1,19).
Sự viên mãn cuối cùng của trái đất, nhất là sự chuyển hóa của con người, được đạt đến chính là nhờ tác động của sự viên mãn vốn hiện diện nơi Đức Kitô. Đức Kitô đem lại cho chúng ta sự viên mãn của Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó, chính trong Đức Kitô mà chương cuối cùng của lịch sử thế giới – nhất là lịch sử con người – được hoàn tất.

25 THÁNG BẢY
Thiên Chúa Muốn Mọi Người Được Cứu Độ
Giờ đây chúng ta hiểu một khía cạnh nền tảng khác của sự quan phòng thần linh. Đó là, công cuộc cứu độ của Đức Kitô và sự hoàn thành cuối cùng của công cuộc đó vào hồi tận thời khi Đức Kitô đến lại. Thật vậy, “Thiên Chúa muốn mọi người đều được cứu độ và nhận thức được chân lý” (1Tm 2,4).
Chúng ta cần điều chỉnh quan điểm nhiễm màu tự nhiên chủ nghĩa của chúng ta về sự quan phòng – trong đó quan phòng chỉ được giới hạn trong sự sắp xếp tốt đẹp của thiên nhiên hay ngay cả trong sự ứng xử theo luân lý tự nhiên. Thực ra, sự quan phòng thần linh được diễn tả xuyên qua kế hoạch cứu độ từ đời đời của Thiên Chúa gắn kết với công cuộc cứu độ của Đức Kitô. Nhờ “sự viên mãn” của Đức Kitô, chúng ta biết rằng trong Người và qua Người chúng ta có thể chiến thắng tội lỗi của chúng ta – và tội lỗi tự yếu tính của nó chống lại sự hoàn thành công cuộc của Đức Kitô, chống lại sự hoàn thành mà thế giới và con người sẽ tìm thấy nơi Thiên Chúa.
Đề cập đến sự viên mãn nơi Đức Kitô, Tông Đồ Phao-lô tuyên bố: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người – cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,19-20).

26 THÁNG BẢY
Thiên Chúa Muốn Thiết Lập Vương Quyền
Của Ngài Trong Đời Sống Chúng Ta
Từ những suy tư rút ra từ các Thư của Thánh Phao-lô như trên, chúng ta có thể hiểu hơn giáo huấn của Đức Kitô về sự quan phòng bao trùm mọi sự của Cha trên trời (Mt 6,25-34 và Lc 12,22-31): “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, rồi các thứ khác sẽ được ban thêm cho” (Mt 6,33; Lc 12,31).
Nói “trước hết”, Đức Giêsu cho thấy rõ Thiên Chúa muốn gì trước hết nơi mỗi chúng ta. Điều mà Thiên Chúa nhắm đến trước hết trong công cuộc sáng tạo thế giới, điều mà Ngài ao ước ở chung cuộc của thế giới chính là thiết lập “Nước của Ngài và sự công chính của Ngài” trong đời sống chúng ta. Toàn thể thế giới đã được tạo thành trong định hướng qui về Vương Quốc này. Thế giới được tiền định để đạt tới sự viên mãn của nó nơi con người và nơi lịch sử của con người trong thời gian của Thiên Chúa. Vương quyền của Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, đó là điều mà thế giới và con người được tiền định từ đời đời trong Đức Kitô.

27 THÁNG BẢY
Thiên Chúa Kiên Quyết Cứu Độ Chúng Ta
Cùng với nhãn quan của Thánh Phao-lô về sự tiền định, chúng ta cũng bắt gặp những lời của Thánh Phê-rô: “Chúc tụng Thiên Chúa là thân phụ của Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Ngài cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Ngài đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết” (1Pr 1,3-5).
Vâng, “chúc tụng Thiên Chúa” – Đấng mạc khải cho chúng ta sự quan phòng rất kiên thủ và đầy yêu thương của Ngài vì ơn cứu độ của chúng ta. Sự quan phòng ấy luôn luôn hoạt động cho đến đích điểm cuối cùng. Như vậy, sự tiền định dành cho chúng ta trong Đức Kitô sẽ được hoàn thành trọn vẹn nhờ “sự sống lại của Đức Giê-su Kitô”, Đấng là “An-pha và Ô-mê-ga” của định mệnh con người chúng ta (Kh 1,8).

28 THÁNG BẢY
Những Người Chiến Thắng Trong Đức Kitô
Và Còn Hơn Thế Nữa
Chúng ta hãy xem lại bản văn trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phê-rô: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em…” (1Pr 1,3-4).
Liền sau đó, Tông Đồ Phê-rô nhấn mạnh một điểm vừa rất sáng tỏ vừa đầy khích lệ: “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quí hơn vàng gấp bội, – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế khi Đức Giê-su Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1Pr 1,6-7).
Vâng, chúng ta có thể an tâm tin tưởng qua sứ điệp ấy! Vì sự tiền định của thế giới thụ tạo và nhất là của con người trong Đức Kitô là nền móng tất yếu cho mối quan hệ giữa sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa và thực tại sự dữ và đau khổ. Ở đây chúng ta có một niềm hy vọng vững chắc về chiến thắng cuối cùng của mình trên sự dữ và đau khổ. Nhờ sự chiến thắng của Đức Kitô, chúng ta sẽ chiến thắng sự dữ và đau khổ dù thuộc hình thức nào đi nữa. Chúng ta được tiền định trong Đức Kitô để toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta (Rm 8,37).

29 THÁNG BẢY
Vấn Đề Đau Khổ
Đối với nhiều người, thực tại sự dữ và đau khổ là trở ngại chính khiến họ khó chấp nhận sự thật về sự quan phòng của Thiên Chúa trên đời sống của họ. Trong một số trường hợp, trở ngại này được thấy là rất lớn lao. Người ta chua cay nguyền rủa Thiên Chúa vì những sự dữ và những đau khổ tung hoành trên thế giới, đến độ họ từ chối sự thật về Thiên Chúa và phủ nhận chính sự hiện hữu của Ngài. Đây là quan điểm của tư tưởng vô thần.
Một cách ít triệt để hơn, nhưng không kém nhũng nhiễu, đó là trường hợp nhiều người chất vấn Thiên Chúa và những ý định của Ngài. Khi người ta cố gắng dung hòa giữa chân lý về sự quan phòng thần linh với thực tại sự dữ và đau khổ mà họ cảm nghiệm, thì bao nhiêu ngờ vực, cật vấn, hay những mâu thuẫn lồ lộ bật lên.
Để thấu hiểu vấn đề này, chúng ta cần trở lại với Thánh Kinh. Cái nhìn về thực tại sự dữ và đau khổ được trình bày đầy đủ trong những trang Thánh Kinh. Thánh Kinh tiên vàn là một quyển sách vĩ đại nói về đau khổ. Vì đau khổ là một trong những thực tại mà Thiên Chúa dạy cho con người nhận hiểu “bằng nhiều cách … qua các tiên tri; và trong những ngày sau hết … qua chính Con của Ngài” (Dt 1,1). Ý nghĩa của đau khổ bật ra trong mạc khải của Thiên Chúa về chính Ngài cũng như bật ra trong chính Tin Mừng cứu độ. Đó là lý do vì sao con đường duy nhất thích hợp để tìm câu trả lời cho vấn nạn về sự dữ và đau khổ trên trần gian này không nằm ở đâu khác ngoài Thánh Kinh.

30 THÁNG BẢY
Sự Dữ Có Nhiều Bộ Mặt
Trước hết chúng ta phải hiểu mình muốn nhắm đến điều gì trong ý niệm “sự dữ” và “đau khổ”. Nó mặc lấy rất nhiều hình thức. Chẳng hạn, người ta thường phân biệt giữa ý nghĩa thể lý và ý nghĩa luân lý. Sự dữ luân lý được phân biệt với sự dữ thể lý chủ yếu ở sự kiện rằng nó có bao hàm tội lỗi, vì nó tùy thuộc vào ý chí tự do của con người.
Sự dữ luân lý phân biệt với sự dữ thể lý bởi vì sự dữ thể lý không thiết yếu và không trực tiếp liên quan đến ý chí của con người. Nói vậy không có nghĩa rằng sự dữ thể lý không thể bị gây ra bởi con người hay không thể là hậu quả của tội lỗi con người. Thực tế, rất nhiều sự dữ thể lý do chính con người gây ra. Đôi khi sự dữ thể lý xảy ra do sự ngu muội hay bất cẩn của con người, nhiều trường hợp khác nó xảy ra một cách gián tiếp do sự cẩu thả hoặc do những hành động trực tiếp tác hại.
Nhưng chúng ta biết rằng trên thế giới có nhiều nguyên nhân của sự dữ thể lý xem ra không liên can gì đến con người. Chẳng hạn, ta có thể nghĩ đến các vụ thiên tai hay những trường hợp rối loạn tâm thần không do con người gây ra.
Đối diện với những vấn nạn ấy, chúng ta cảm thấy – như Gióp – rằng thật khó đưa ra câu trả lời. Chúng ta tìm kiếm câu trả lời không ở nơi chính mình, nhưng phải khiêm tốn và tín nhiệm để tìm nơi Lời Chúa. Trong Cựu Ước, chúng ta gặp thấy một tuyên bố trứ danh và rất hàm súc: “Từ chân trời này, đức khôn ngoan vươn mạnh tới chân trời kia, cai quản mọi loài thật tốt đẹp” (Kn 7,30; 8,1).

31 THÁNG BẢY
Ngay Cả Sự Chết Cũng Phục Vụ Cho Sự Sống
Chúng ta nhận thấy Cựu Ước – trong khi nhìn nhận sự có mặt của nhiều loại sự dữ và đau khổ trong đời – đã làm chứng hùng hồn rằng sự khôn ngoan và lòng từ ái của Thiên Chúa (biểu hiện qua sự quan phòng thần linh của Ngài) tất thắng trên mọi sự dữ và đau khổ.
Cảm nhận này được trình bày trong Sách Gióp, cuốn sách xoáy trọn vào chủ đề sự dữ và tiếng kêu ai oán thất vọng. Cuốn sách quan trọng này (về chủ đề sự dữ) đôi khi được thấy như một kiểm nghiệm hùng hồn ‘đo lòng’ người công chính. Nhưng đây chỉ là một khía cạnh phụ thuộc của quyển sách mà thôi. Cốt lõi của quyển sách chính là sự đúc kết vừa rõ ràng vừa công phu của tác giả rằng Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Qua Sách Gióp, chúng ta nắm bắt những giới hạn và bản chất phù du của mọi tạo vật. Chúng ta nhận ra rằng một số hình thức của sự dữ thể lý có thể là do bản chất sa ngã của thế giới gây ra.
Chúng ta cũng ý thức rằng tất cả những gì thuộc vật chất đều ở trong một mối quan hệ hỗ tương gần gũi nhau – như câu nói xưa: “Đây chết thì kia sống”. Như vậy, xét một mức nào đó, ngay cả sự chết cũng phục vụ cho sự sống. Qui luật này cũng không loại trừ con người – vì con người vừa là xác thịt vừa là tinh thần, vừa khả diệt vừa bất tử.
Trong chiều hướng này, những ý tưởng của Thánh Phao-lô càng vén mở các chân trời rộng hơn nữa: “Dù con người bên ngoài chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới” (2Cr 4,16). Rồi ngài nói thêm: “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4,17).
Nguồn: Sưu Tầm
http://gxthohoang.net/index.php/giup-nhau-song-dao/item/600-h%C3%A3y-n%C3%A2ng-t%C3%A2m-h%E1%BB%93n_-th%C3%A1ng-b%E1%BA%A3y