PDA

View Full Version : TRUYỆN CÁC THÁNH - phần bổ sung



Pages : 1 [2]

augustino.nghia
13-12-2012, 12:06 PM
Ngày 04 tháng Mười Hai




THÁNH GIOAN DAMAS



Thánh Gioan Damas sống vào cuối thế kỷ thứ VII đầu thế kỷ thứ VIII. Thánh nhân sinh ra tại thành phố Damas trong một gia đình Công giáo tốt lành.
Khi thân phụ qua đời, Gioan trở thành thống đốc của thành Damas. Lúc này, hoàng đế ra luật cấm các Kitô hữu không được trưng bày các ảnh tượng của Chúa Giêsu và các thánh. Gioan cùng một số người nữa đã ra sức bảo vệ thói quen thực hành Kitô giáo này. Chính Đức Thánh cha đã xin Gioan Damas cứ nói cho dân chúng biết việc trưng bày các ảnh tượng là một điều tốt. Việc ấy giúp chúng ta dễ dàng suy tưởng về Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các thánh. Nhưng hoàng đế nhất quyết không nhượng bộ cả với Đức Thánh cha. Ông tiếp tục cấm đoán việc trưng bày các ảnh tượng tại các nơi công cộng. Thánh Gioan Damas đã can đảm viết ba lá thư với nỗ lực giải thích cho hoàng đế nhận hiểu lối thực hành này.
Hoàng đế tức giận đến nỗi ông muốn trả thù. Thấy vậy, Gioan Damas quyết định từ chức thống đốc. Ngài phân phát tất cả tiền bạc của mình cho những người nghèo khổ và đi tu.
Gioan tiếp tục viết những cuốn sách tuyệt vời để bảo vệ đức tin Công giáo. Cùng lúc đó, thánh nhân cũng làm hết mọi công việc khiêm tốn trong dòng. Ngày kia, Gioan đi bán thúng mủng trên các đường phố thành Damas, nhiều người trước đây quen biết Gioan đã nhạo cười ngài vì, chính nơi đây, một người đã từng làm tới chức thống đốc vĩ đại của thành phố bây giờ lại đi bán thúng mủng! Nhưng Gioan Damas biết rằng số tiền ngài kiếm được sẽ đóng góp vào việc chi tiêu chung của tu viện. Thánh nhân nghĩ tưởng về Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, mà lại đã chọn sinh ra trong một chuồng bò hôi tanh! Gioan Damas cảm thấy mình thật có phúc vì được bắt chước gương khiêm nhường của Chúa Giêsu.
Thánh Gioan Damas về trời cách an bình năm 749.

Bức tượng Chúa Chịu Nạn treo trên tường cùng với ảnh tượng các thánh trong nhà cũng như các ngôi thánh đường nhắc nhớ chúng ta rằng quê hương vĩnh cửu của chúng ta là thiên đàng. Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Damas giúp chúng ta biết sống cách nào để, một ngày nào đó, Chúa Giêsu sẽ chào đón chúng ta vào ngôi nhà vĩnh cửu của Người.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”




của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
13-12-2012, 12:08 PM
Ngày 05 tháng Mười Hai




THÁNH SABAS



Thánh Sabas sinh năm 439, là một trong số các tu sĩ nổi danh nhất ở xứ Palestin.
Thân phụ ngài là một sĩ quan quân đội. Khi vị quan chức phải sang Alexandria, Ai Cập, ông đã trao cậu con trai bé bỏng của ông cho người em rể trông nom. Và vì người cô đối xử tệ bạc, nên cậu bé Sabas đã phải trốn đi tới nhà một người chú khác. Khi hai người chú của Sabas tranh chấp nhau về tài sản của ngài, Sabas cảm thấy rất choáng váng. Sabas chỉ thích nhìn thấy mọi người sống trong hòa thuận với nhau mà thôi! Vì thế, Sabas đã bỏ đi và tìm đến sống tại một tu viện. Sau đó, cả hai người chú đều cảm thấy xấu hổ, họ bảo Sabas hãy trở về nhà và họ sẽ trao lại cho Sabas tất cả gia sản của ngài. Nhưng lúc này, Sabas rất hạnh phúc khi sống trong tu viện. Ngài muốn sống ở đây mãi mãi,
Khi lên 18 tuổi, Sabas trẩy tới Giêrusalem. Ngài muốn học cách sống thân mật với Thiên Chúa. Người ta đã khuyên Sabas nên sống ở một tu viện khác một thời gian vì thánh nhân còn quá trẻ. Sabas nghe theo và vui vẻ làm hết tất cả những công việc vất vả. Sabas chặt củi và mang xách những thùng nước lớn. Ngày kia, thánh Sabas được gửi sang Alexandria, Ai Cập, đang khi đồng hành cùng với một tu sĩ khác. Tại đó, Sabas đã gặp lại thân phụ và thân mẫu của mình. Họ muốn cho Sabas được hưởng những vinh dự mà thân phụ ngài đang hưởng, nhưng Sabas chỉ quan tâm đến vinh quang có được khi thực thi ý Chúa. Thậm chí Sabas cũng không muốn nhận tiền của song thân. Sau đó, khi trở lại tu viện, Sabas đã đem tiền nộp cho tu viện trưởng.
Về sau, Sabas đã có thể trải qua 4 năm sống hoàn toàn cô độc như ngài ao ước. Nhưng có quá nhiều môn đệ đã tìm đến với thánh nhân để học cách sống đời tu sĩ đến nỗi Sabas đã phải thiết lập một tu viện mới cho họ. Chẳng bao lâu, Sabas được trao cho trách nhiệm trông coi tất cả các tu sĩ ở xứ Palestin.
Đôi lúc Sabas cũng được sai đến với hoàng đế để bàn thảo những vấn đề quan trọng liên quan tới Giáo hội. Ngay cả những khi ấy, thánh nhân cũng chỉ khoác một mảnh vải thô nghèo khó và vẫn giữ đủ các giờ cầu nguyện.
Thánh nhân về trời năm 532.

Thánh Sabas là một người rất say mê cầu nguyện. Thánh nhân đã ra khỏi chính mình để kết hợp với Thiên Chúa. Nếu chúng ta cảm thấy tiếng ồn bên ngoài làm cho lãng trí và bối rối, chúng ta hãy dâng một lời cầu xin lên thánh Sabas. Thánh nhân sẽ giúp chúng ta lấy lại sự bình an để có thể lắng nghe được tiếng Chúa.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”



của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
14-12-2012, 11:01 AM
Ngày 08 tháng Mười Hai




Lễ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM



Ông Adam và bà Eva, nguyên tổ của chúng ta, đã phạm tội trọng vì không vâng phục Thiên Chúa. Chúng ta gọi thứ tội đầu tiên này là “sự sa ngã của con người”. Vì thế, mọi người sinh bởi Adam và Eva đều mang nguyên tội. Chúng ta là con cháu của Adam và Eva, do đó, cả nhân loại chúng ta đều bị vương lây tội của nguyên tổ.
Thế nhưng, Thiên Chúa đã ban cho Đức Trinh Nữ Maria một đặc ân tuyệt diệu. Vì sẽ trở nên Mẹ của Chúa Giêsu, nên Đức Maria được đầu thai trinh khiết trong cung lòng thánh nữ Anna. Thiên Chúa đã giữ gìn Mẹ khỏi mọi tội lỗi, kể cả nguyên tội, nhờ hành vi Cứu Chuộc của Chúa Giêsu trên Thánh Giá! Chẳng bao giờ có một dấu vết tội lỗi nào, dù rất nhỏ, nơi người Mẹ của chúng ta. Đó là lý do tại sao trong bài thánh ca của Giáo hội, chúng ta hát lên :
“Ôi Maria, Mẹ thật xinh đẹp, vì Mẹ chẳng vương lây tội truyền!”
Đặc ân cao trọng này của Đức Trinh Nữ Maria được gọi là đặc ân “Vô nhiễm Nguyên tội”. Vào năm 1854, Đức Thánh cha Piô IX đã công bố cho toàn thế giới biết rằng Mẹ Maria được chịu thai vô nhiễm nguyên tội.
Bốn năm sau, Đức Mẹ hiện ra cho thánh nữ Benadetta tại Lộ Đức. Khi thánh Benadetta hỏi Bà Đẹp là ai, thì Đức Mẹ đã chắp tay lại, ngước mắt lên trời và nói :
“Ta là Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội!”

Chúng ta hãy tôn kính Mẹ Maria với tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên Tội bằng lời nguyện : “Ôi Maria, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con!” Chúng ta cũng hãy tôn kính Mẹ bằng việc dâng lên Mẹ 3 kinh Kính Mừng trước lúc đi ngủ và sau khi thức dậy.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”




của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
14-12-2012, 11:03 AM
Ngày 09 tháng Mười Hai


THÁNH JUAN DIEGO



Chính nhờ Juan Diego mà Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa lần đầu tiên đã mạc khải chính mình cho thế giới với tước hiệu Đức Mẹ Guadaloup.
Juan Diego sống vào thế kỷ thứ XVI khi Mexico lúc ấy chỉ được biết đến với cái tên Thung Lũng Vàng Anahuac. Juan Diego thuộc gốc người Chichimeca, và có tên gọi là “con Đại Bàng biết nói”. Juan Diego là tên thánh của ngài.
Vào ngày 12/12, ngày lễ kính Đức Mẹ Guadaloup, (chúng ta có thể tìm đọc cuốn sách Các sự kiện lạ lùng về việc Đức Mẹ hiện ra với Juan Diego), khi nhiệm vụ đặc biệt của Juan hoàn tất, người ta nói rằng ngài đã đi tu làm ẩn sĩ. Juan dùng phần đời còn lại của mình để cầu nguyện và sám hối. Túp lều nhỏ của Juan nằm gần bên ngôi đền thờ đầu tiên được xây trên ngọn đồi Tepeyac. Juan rất được dân chúng quý trọng. Các bậc cha mẹ đều coi đó như niềm ao ước lớn nhất của họ nếu con cái họ cũng sống như Juan Diego.
Juan trông coi ngôi đền nhỏ và chào đón những khách hành hương tới kính viếng Đức Mẹ Guadaloup. Ngài chỉ cho họ xem tilma, hay còn gọi là tấm áo choàng kỳ diệu, có in hình Đức Mẹ.
Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong Juan Diego lên bậc chân phước ngày 06/05/1990. Đức Thánh cha đã thân hành đến viếng ngôi thánh đường nguy nga dâng kính Đức Mẹ Guadaloup. Ở đó, Đức Thánh cha đã cầu nguyện cho tất cả mọi người dân Mexico, cách riêng cho những người bị giết chết trong cuộc bách hại Giáo hội khủng khiếp vào nửa đầu thế kỷ thứ XX. Ngài cũng cầu nguyện cho hết thảy các khách hành hương đến viếng ngôi thánh đường xinh đẹp này với niềm tin vào Mẹ Thiên Chúa.
Juan Diego được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh hôm 31/07/2002.

Thánh Juan Diego là một người rất nhạy cảm và hay cầu nguyện. Lối sống của thánh nhân đã giúp người khác nhận ra tình thương của Thiên Chúa đối với dân Người trong bức ảnh Guadaloup kỳ diệu.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”

của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
15-12-2012, 10:57 AM
Ngày 10 tháng Mười Hai




THÁNH GIOAN ROBERTO



Thánh Gioan Roberto sinh năm 1577 tại xứ Wales.
Mặc dù không phải là tín hữu Công giáo nhưng Gioan được một linh mục cao tuổi dạy dỗ. Vì thế, như Gioan bộc bạch sau này, Gioan đã luôn sống trong Giáo hội Công giáo. Gioan Roberto tới trường đại học Oxford ở Anh học một thời gian ngắn. Và dù là một người thuộc giáo phái Thệ phản nhưng niềm tôn trọng đối với Giáo hội Công giáo đã khiến Gioan Roberto không ký tên vào bản Lời Thề Tối Cao, có nội dung phủ nhận quyền bính của Đức Thánh cha. Gioan Roberto đã phải bỏ Oxford, vì thế ngài tới Paris, nơi ngài gia nhập Giáo hội Công giáo.
Sau biến cố này, Gioan Roberto chẳng phải mất nhiều thời giờ để học làm linh mục. Thánh nhân tới ghi tên học tại một trường đại học của Anh tại Tây Ban Nha và trở thành tu sĩ Bênêđictô. Ba năm sau đó, ước mơ muốn trở về Anh quốc của Gioan đã biến thành sự thực. Gioan Roberto và một tu sĩ khác đã được phép về lại quê hương. Cả hai đều biết những đau khổ đang chờ mình phía trước. Thực sự, họ đã không phải chờ lâu. Họ tiến vào nước Anh với chiếc nón màu mận chín và thanh gươm đeo bên mình. Tuy vậy, cả hai đã sớm bị phát hiện là linh mục và lập tức bị đuổi ra khỏi đất nước.
Thánh Gioan Roberto trở lại Luân Đôn lần nữa vào năm 1603 để giúp hàng ngàn người mắc bệnh dịch tả. Thánh nhân đã làm việc đêm ngày và đã giữ đức tin luôn ngời sáng trong suốt thời các Kitô hữu bị bách hại cách tàn nhẫn. Nhiều lần Gioan Roberto cũng bị bắt, bị bỏ tù và bị trục xuất, tuy nhiên thánh nhân luôn quay trở về nước Anh. Lần cuối cùng cha Gioan Roberto bị bắt giữ, lúc ấy cha vừa dâng xong thánh lễ. Lần này thì không thoát nổi! Khi được hỏi, cha đã thừa nhận mình là tu sĩ và là linh mục. Cha Gioan Roberto giải thích rằng cha tới Anh quốc là vì ơn cứu độ của dân chúng.
“Nếu sống lâu hơn,” – cha Gioan Roberto nói – “tôi sẽ tiếp tục làm những gì tôi đang làm!”
Và khi từ chối không chịu ký vào bản Lời Thề Tối Cao, cha Gioan Roberto đã bị lên án tử.
Trong đêm trước lúc bị treo cổ, một phụ nữ Tây Ban Nha tốt bụng đã xếp đặt để người ta đem cha Gioan Roberto đến làm bạn với 18 tù nhân khác. Họ cũng đang phải chịu đau khổ vì đức tin Công giáo. Trong suốt buổi ăn tối với nhau, thánh Gioan Roberto rất vui vẻ. Sau đó, thánh nhân nghĩ rằng có lẽ không nên gây quá nhiều trò vui nhộn nữa. Và thánh nhân đã hỏi cô phục vụ mình :
“Cô có nghĩ là tôi đang làm gương xấu bằng niềm vui của tôi không?”
Cô phục vụ trả lời :
“Cha không thể làm điều gì tốt hơn là giúp cho mọi người nhận thấy lòng can đảm vui tươi khi cha sắp được phúc tử đạo vì Chúa Kitô!”
Ngày hôm sau, 10/12/1610, cha Gioan Roberto bị treo cổ.
Thánh nhân được Đức Thánh cha Phaolô VI tôn phong là một trong số 40 vị tử đạo của Anh quốc và xứ Wales năm 1970.

Các vị truyền giáo cần những lời cầu nguyện của chúng ta để có thể thực hiện được nhiều hy sinh. Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Roberto giúp chúng ta hiểu được vai trò quan trọng mà các nhà truyền giáo đã làm cho Giáo hội của Chúa Kitô.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”




của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
15-12-2012, 11:00 AM
Ngày 11 tháng Mười Hai




THÁNH DAMASO I



Thánh Damaso I sinh tại thành Roma vào thế kỷ thứ IV.
Thánh nhân là một linh mục quảng đại và hy sinh.
Khi Đức Thánh cha Liberio qua đời năm 366, Damaso được bầu lên kế vị. Ngài đã phải đối diện với nhiều khó khăn nghiêm trọng. Lúc ấy có một ngụy giáo hoàng tên là Ursino. Ông và những người theo ông đã bách hại thánh Damaso. Họ vu oan cho Damaso, kết tội ngài về đời sống luân lý. Đức Giáo hoàng Damaso đã phải chịu xét xử trước những nhà cầm quyền Roma. Sau đó, Damaso được chứng nhận là vô tội, nhưng ngài đã phải chịu rất nhiều đau khổ qua cuộc xử án này. Người bạn nổi danh của Damaso, thánh Giêrônimô, đã nói nhiều về nhân đức của vị Giáo hoàng này.
Đức Thánh cha Damaso I nhận thấy rằng giới giáo sĩ trong thành Roma đang sống một lối sống quá giàu có. Các giáo sĩ phục vụ tại thôn quê thì sống giản dị hơn. Damaso đã xin các linh mục đơn giản hóa lối sống của mình và đừng thu tích của cải cũng như tiền bạc. Về điểm này, chính thánh nhân đã nêu gương sáng thật tuyệt vời.
Cũng có nhiều học thuyết sai lầm xuất hiện trong thời Damaso I làm Giáo hoàng. Thánh nhân đã cắt nghĩa cho dân chúng hiểu về đức tin chính truyền. Ngài cũng triệu tập Công đồng chung thứ 2, tổ chức tại Constantinop. Giáo hoàng Damaso, một học giả về Kinh Thánh, đã hết sức khuyến khích dân chúng đọc Kinh Thánh. Chính vị Giáo hoàng này đã cho xuất bản qui điển Kinh Thánh, còn gọi là danh sách chính thức gồm các sách Kinh Thánh. Ngài chỉ định cho thánh Giêrônimô dịch bộ Kinh Thánh sang tiếng Latinh và khuyến khích thánh nhân viết các lời bình, giải thích các phân đoạn của Kinh Thánh. Đức Thánh cha cũng thay đổi ngôn ngữ chính thức của phụng vụ từ tiếng Hy Lạp – trừ kinh Thương Xót – sang tiếng Latinh.
Đức Thánh cha Damaso I qua đời vào khoảng 80 tuổi, nhằm ngày 11/12/384. Thánh nhân được chôn cất chung phần mộ với thân mẫu và em gái ngài trong nguyện đường nhỏ mà ngài đã xây cất.

Thánh Giáo hoàng Damaso I đã có thể làm được nhiều việc vĩ đại cho Giáo hội vì thánh nhân có một niềm tin và tình yêu lớn lao. Ngài nuôi dưỡng niềm tin và tình yêu này bằng cách đọc sách, nghiên cứu và suy niệm Kinh Thánh. Chúng ta hãy noi gương vị Giáo hoàng thánh thiện này và tạo một giải pháp là dành ra mỗi ngày ít phút để đọc Kinh Thánh.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”




của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
16-12-2012, 06:29 AM
Ngày 12 tháng Mười Hai




ĐỨC MẸ GUADALOUP




(Bổn mạng các nước Mexico – Philippin và dân châu Mỹ Latinh)



Chúng ta vừa mừng lễ kính thánh Juan Diego hôm 09/12. Hôm nay, chúng ta mừng kỷ niệm những cuộc hiện ra của Mẹ Maria trên ngọn đồi Tepeyac ở Mexico.
Vị thượng khách từ trời cao xuống viếng thăm dân Người vào ngày 09/12/1531. Juan trở về với đức tin Công giáo lúc được 55 tuổi. Khi thánh Juan đang trên đường đi lễ thì Đức Mẹ chặn ngài lại ngay tại chỗ dốc của ngọn đồi Tepeyac. Đức Mẹ xin Juan đến thông báo cho đức giám mục rằng Đức Mẹ muốn ngài xây một ngôi thánh đường nguy nga tại nơi Mẹ đang đứng. Người đàn ông nghèo khó này đã bị choáng váng! Tận đáy lòng, Juan Diego rất muốn thực hiện điều Đức Mẹ yêu cầu, nhưng đến với đức giám mục làm sao đây? Ai có thể tin vào một lời thỉnh cầu lạ lùng như vậy được?
Juan Diego đã đi gặp đức giám mục. Và đức giám mục, dù không biết là có nên tin vào câu chuyện lạ lùng hay không, đã nghĩ ra cách thức để xử lý tình cảnh này. Ngài nói với Juan :
“Con hãy đi xin Đức Mẹ một dấu lạ!”
Trước khi thực hiện yêu cầu của Đức Mẹ, đức giám mục muốn có sự kiểm chứng.
Sáng sớm ngày 12/12, Juan Diego đang vội vã men theo con đường mòn, vì người cậu của ngài đang hấp hối và cần gặp linh mục, thì Đức Mẹ đã hiện ra và bảo Juan rằng cậu của Juan đã khỏe rồi. (Về sau, Juan nhận ra rằng người cậu của mình đã được chữa lành ngay lúc ấy!). Đức Mẹ muốn Juan trở lại với đức giám mục để xin ngài xây một ngôi thánh đường. Và Juan thưa với Đức Mẹ rằng đức giám mục muốn xin một dấu lạ.
Rồi Đức Mẹ đem Juan Diego vào khu đồi đá gần bên và bảo Juan hãy thu gom tất cả những hoa hồng mọc ở đó. Juan hết sức ngạc nhiên, vì lẽ đang là mùa đông và hết mọi bụi cây đều trơ trụi! Nhưng Juan đã thực hiện theo lời Đức Mẹ và rất kinh ngạc khi nhận thấy thực sự có rất nhiều hoa hồng – và toàn những hoa hồng đẹp! Juan Diego hái hết mọi hoa hồng và lên đường tới gặp đức giám mục.
Juan đã cẩn thận đựng hoa trong tấm tilma, tấm áo choàng của ngài. Vào nhà của đức giám mục, Juan Diego đã trải chiếc áo choàng của mình và những hoa hồng xinh đẹp ra nền nhà. Juan mỉm cười và sau đó nhận thấy có một điều gì đó khác lạ đang lôi kéo sự chú ý của đức giám mục. Juan Diego theo dõi đôi mắt của đức giám mục, đôi mắt đang chăm chú nhìn vào tấm áo choàng. Ở đó, trên tấm tilma của Juan Diego, là một ảnh Đức Mẹ tuyệt đẹp, giồng hệt như khi Đức Mẹ hiện ra trên ngọn đồi Tepeyac. Đức giám mục đã nhận được dấu lạ và ngôi thánh đường dâng kính Đức Mẹ được xây cất.
Ngày nay có một thánh đường lớn, cũng gọi là Vương cung Thánh đường, được xây tại nơi Đức Mẹ Guadaloup đã hiện đến với con dân của Mẹ.
Đức Thánh cha Benedicto XIV đã đặt Đức Mẹ Guadaloup làm bổn mạng đất nước Mexico. Đức Mẹ Guadaloup cũng là thánh bổn mạng của dân châu Mỹ Latinh và đất nước Philippin.

Chúng ta hãy cầu khẩn Đức Mẹ Guadaloup ban cho những ơn cần thiết. Đức Mẹ là người mẹ dịu hiền và nhân hậu sẽ cầu xin Thánh Tâm Chúa Giêsu, Con Mẹ cho chúng ta.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”



của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
16-12-2012, 06:33 AM
Ngày 15 tháng Mười Hai




THÁNH MARIA ROSA



Vị thánh nữ này, Paula Rosa, sinh năm 1813.
Ngài xuất thân trong một gia đình đông con ở Brescia, nước Ý. Thân phụ Paula là ông chủ rất thành công của một nhà máy dệt. Thân mẫu Paula qua đời khi ngài còn nhỏ, và Paula đã được chính các sơ sống tại miền Brescia giáo dục.
Lên 17 tuổi, Paula Rosa phải nghỉ học để giúp thân phụ trông coi việc nhà. Thân phụ nghĩ là đã đến lúc Paula nên lập gia đình, nhưng Paula lại muốn tận hiến đời mình để giúp đỡ tha nhân.
Paula khởi sự bằng việc tập trung một nhóm chị em làm việc ở nhà máy của thân phụ ngài lại. Họ cùng nhau cầu nguyện và làm các việc bác ái. Suốt thời gian căn bệnh dịch tả hoành hành, Paula đã săn sóc các bệnh nhân tại bệnh viện. Khi người ta dựng một nơi cư trú cho các thiếu nữ nghèo khó và vô gia cư, Paula Rosa đã được mời tới để điều hành ngôi nhà này. Paula cũng tạo những cơ hội cho các chị em làm việc và thiết lập một trường học dành cho những người khiếm thính.
Nhưng tất cả những hoạt động ấy mới chỉ là khởi điểm cho công việc vĩ đại sau này của Paula. Khi được 27 tuổi, Paula Rosa thành lập một hội dòng dành cho các chị em, gọi là dòng Nữ Tỳ Bác Ái. Các nữ tu này tận hiến cuộc đời phục vụ cả hai nhu cầu thể xác lẫn tinh thần cho những người nghèo khổ và đau bệnh. Trong thời gian chiến tranh, Paula Rosa và các chị em dòng ngài đã săn sóc những thương binh trong các trạm quân y và cả trên chiến trường.
Năm 1850, dòng Nữ Tỳ Bác Ái được giáo quyền chính thức phê nhận. Lúc ấy Paula Rosa nhận tên là sơ Maria Thánh Giá.
Sơ qua đời năm 1885, kiệt sức vì phục vụ các bệnh nhân.

Thánh nữ Maria Rosa là một mẫu gương về niềm đam mê đối với mỗi người chúng ta. Thánh nữ có thể chỉ cho chúng ta cách nhìn những người sống xung quanh mình bằng cặp mắt của Chúa Giêsu, nhận thấy những người đang đau khổ hay buồn chán và đến giúp họ với tình bạn chân thành.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”



của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
17-12-2012, 09:49 AM
Ngày 16 tháng Mười Hai




THÁNH ADELAIDE



Thánh nữ Adelaide sinh năm 931.
Lên 16 tuổi, vị công chúa của nước Burgundia này đã kết hôn với hoàng đế Lothair. Ba năm sau, Lothair qua đời. Vị đại thần đã vu khống cho Adelaide là đã đầu độc hoàng đế và đã cố ép Adelaide lấy con trai của ông ta. Nhưng Adelaide nhất quyết từ chối. Tức giận, quan đại thần đã xử với Adelaide rất ác độc. Thậm chí ông đã nhốt giam ngài trong một lâu đài trên hồ.
Adelaide được trả tự do khi vua Otto Cả của nước Đức đánh bại nhà cầm quyền nước Burgundia. Dù nhỏ hơn mình 20 tuổi, nhưng Otto vẫn lấy Adelaide đáng yêu làm vợ vào ngày lễ Giáng sinh. Khi Otto đem bà tân hoàng hậu này về quê nhà, cả dân Đức đã cảm thấy mến yêu Adelaide ngay lập tức. Adelaide duyên dáng, dịu dàng cũng như rất đỗi xinh đẹp! Thiên Chúa đã ban cho đôi vợ chồng vương giả này 5 người con. Họ sống bên nhau hạnh phúc suốt 22 năm. Khi Otto băng hà, con trai lớn của ông lên nắm quyền cai trị nước.
Người con này, là Otto II, có ý tốt nhưng lại hành động quá nóng vội và chẳng suy nghĩ gì. Ông đã nghe theo lời của vợ mà chống lại thân mẫu của mình. Và Adelaide đã bị ép phải rời khỏi lâu đài. Nhưng thánh nữ Adelaide đã chẳng phải đi lâu vì Otto nhận thấy mình đã được mẹ khuyên bảo nhiều điều bổ ích. Chính đan trưởng của đan viện Cluny, thánh Majolo, đã giúp cho hai mẹ con làm hòa với nhau. Adelaide gặp lại con mình ở Ý và nhà vua đã xin mẹ tha thứ cho mình. Tới lượt Adelaide, ngài đã cầu nguyện cho người con và đã dâng nhiều tiền của để xin lễ tại đền thánh Martino thành Tours.
Lúc về già, thánh nữ Adelaide được mời cai trị đất nước vì cháu nội của ngài còn quá nhỏ. Adelaide đã thiết lập nhiều tu viện, đan viện và thánh nữ là tấm gương sáng về đức tin cho người dân thành Slaver. Suốt cuộc đời, thánh nữ Adelaide đã noi theo lời khuyên của những người thánh thiện. Thánh nữ luôn sẵn lòng tha thứ cho những người làm ngài đau khổ.
Thánh Ado thành Cluny đã gọi Adelaide là “sự kỳ diệu về vẻ đẹp và ân sủng”.
Adelaide về trời ngày 16/12/999.

Thánh nữ Adelaide xinh đẹp nhưng không phải chỉ đẹp về thể xác. Thánh nữ là người xinh đẹp vì là một Kitô hữu đạo hạnh đã sống thật tốt những chuẩn mực Kitô giáo. Như thánh nữ Adelaide, chúng ta cũng hãy cố gắng trở nên những Kitô hữu sống đúng với những giá trị của mình.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”




của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
17-12-2012, 09:51 AM
Ngày 17 tháng Mười Hai




THÁNH OLYMPIA



Vị thánh nữ này sinh khoảng năm 361 trong một gia đình quý tộc ở Constantinop.
Khi song thân qua đời, Olympia được một bà đạo đức dưỡng dục. Sau đó, Olympia, được thừa hưởng một gia tài kếch xù, đã kết hôn với Nebridio, là thống đốc thành Constantinop. Chính thánh Grêgôriô Nazianzênô đã có lời cáo lỗi vì không thể đến dự đám cưới của hai người được. Thậm chí thánh nhân đã gửi cho Olympia một bài thơ đầy những lời khuyên nhủ tốt lành.
Tuy vậy, chỉ ít lâu sau, Nebridio qua đời, và nhà vua đã khuyến khích Olympia tái hôn. Nhưng thánh nữ trả lời :
“Nếu Thiên Chúa muốn tôi làm vợ, thì Người đã chẳng cất mất Nebridio xa khỏi tôi!”
Và Olympia đã khước từ việc tái hôn. Thánh Grêgôriô đã gọi Olympia là “vinh quang của những quả phụ trong Giáo hội Đông phương”. Cùng với nhiều quả phụ đạo đức khác, Olympia đã dùng cuộc đời của mình để làm việc bác ái. Thánh nữ ăn mặc giản dị và cầu nguyện rất nhiều. Thánh nữ bố thí tiền bạc cho những người nghèo khổ. Cuối cùng, thánh Gioan Kim Khẩu đã phải nhắc nhở thánh nữ Olympia nên cẩn trọng trong việc bố thí của cải. Thánh nhân nói :
“Con không được phép khuyến khích sự lười biếng của những người sống dựa vào con cách không cần thiết. Việc đó giống như con ném tiền xuống biển vậy!”
Rồi thánh Gioan Kim Khẩu làm Tổng Giám mục thành Constantinop. Với cương vị của mình, thánh nhân đã hướng dẫn thánh nữ Olympia và các môn sinh của thánh nữ thiết lập một ngôi nhà dành cho trẻ mồ côi, và họ cũng xây cất một nguyện đường. Họ đã giúp đỡ rất nhiều người. Thánh Gioan Kim Khẩu là vị hướng dẫn rất quý mến của Olympia. Khi thánh nhân bị đi đày, Olympia rất đau buồn. Sau đó, thánh nữ cũng phải chịu bách hại. Cộng đoàn của thánh nữ, gồm các quả phụ và các chị em độc thân, bị bắt phải giải tán các hoạt động từ thiện. Ngoài ra, sức khỏe của Olympia không được tốt và thánh nữ thường hay bị phê bình. Tuy nhiên, thánh Gioan đã viết thư cho Olympia :
“Cha luôn gọi con là đấng thánh. Sự nhẫn nại và thái độ bình thản của con trước những đau khổ cũng như sự khôn ngoan và bác ái của con đã giúp con chiếm được phần thưởng và vinh quang cao cả trên thiên đàng.”
Thánh nữ Olympia về trời năm 408, lúc mới chỉ hơn 40 tuổi. Thánh nữ được mô tả là một “người phụ nữ tuyệt vời, giống như chiếc bình quý chứa đầy Chúa Thánh Thần”.

Thánh nữ Olympia đã nhận được nhiều phúc lành từ nơi Thiên Chúa. Thánh nữ đã dùng những ơn ấy – thời giờ, tiền bạc, tài năng – để giúp đỡ tha nhân. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Olympia giúp chúng ta nhận ra những đặc ân của mình để có thể chia sẻ với tha nhân.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”



của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
18-12-2012, 10:37 AM
Ngày 18 tháng Mười Hai




CHÂN PHƯỚC ANNA ROSA GATTONO



Chân phước Anna Rosa Gattono sinh ngày 14/10/1831 tại Genoa, nước Ý.
Song thân ngài rất đạo hạnh và Anna Rosa được lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy trong cùng ngày sinh. Vì gia đình khá giả nên Anna Rosa được học hành ngay tại nhà của mình, thể theo truyền thống lúc bấy giờ. Anna Rosa học rất giỏi. Ngài chăm chỉ lưu ý đến môn Lời Chúa và sống theo Lời Chúa dạy.
Khi lên 21 tuổi, Anna Rosa kết hôn với Jerolamo Custo và đôi vợ chồng chuyển tới Marseille (Pháp) để sinh sống. Nhưng ở đó, vì gặp nhiều khó khăn về tài chính, nên cả hai đã quyết định về lại Genoa. Và nhiều cảnh thương tâm sắp xảy đến cho Anna Rosa. Người con gái tên Carlotta bị bệnh rất nặng và kết quả là phải câm điếc suốt đời. Mới chỉ 6 năm kết hôn, và sau khi không ổn định được tài chính, Jerolamo qua đời. Ít lâu sau, đứa con trai út của Anna Rosa cũng chết theo.
Dù phải chịu tất cả những thống khổ này, Anna Rosa Gattono vẫn tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Ngài phó thác bản thân, gia đình, sự sống, sự chết cho lòng yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Sau đó, Anna Rosa nhìn lại quãng thời gian vừa trôi qua như một cuộc trở về của chính bản thân ngài. Anna Rosa cảm thấy Thiên Chúa mỗi lúc một đem ngài tới gần Người hơn, ngay cả khi Anna Rosa mất đi những người thân yêu nhất.
Anna Rosa Gattono tận hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô và đã sống cuộc đời cầu nguyện cùng làm nhiều việc bác ái. Anna Rosa thiết lập một hội dòng gọi là dòng Nữ Tử Thánh Anna.
Ngài mở các trường săn sóc bệnh nhân cũng như các trường dành cho người nghèo. Anna Rosa thiết lập các trung tâm trông coi trẻ em cho các nông dân trong khi họ vất vả cả ngày trên đồng ruộng, và những nơi cư trú dành cho các đối tượng lỡ lầm muốn cải tà quy chính.
Như một dấu chỉ chúc lành cho Anna Rosa và các công việc ngài làm, Chúa Giêsu đã ban cho Anna Rosa được phúc in năm Dấu Thánh của Người – mà Anna Rosa chỉ được cảm nhận chứ không được nhìn thấy.
Anna Rosa qua đời ngày 06/05/1900 tại Roma.
Ngài được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 09/04/2000.

Qua đời sống của mình, chân phước Anna Rosa Gattono dạy chúng ta rằng không phải mọi sự xảy ra như ý chúng ta muốn thì chúng ta mới tin rằng Thiên Chúa đang ở với chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin cho mình được tăng thêm lòng tin để có thể cảm thấy Thiên Chúa gần gũi ngay cả trong những lúc thất vọng và đau khổ.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”




của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
18-12-2012, 10:40 AM
Ngày 19 tháng Mười Hai




CHÂN PHƯỚC URBANO V



Tên thật của chân phước Urbano V trước khi làm Giáo hoàng là William Grimoard. Ngài sinh tại Pháp vào năm 1313 và đi tu dòng Bênêđictô.
Sau khi phục vụ Giáo hội với nhiều chức vụ cao cả, ngài đã được chọn lên làm giáo hoàng. Thời gian ấy, Đức Giáo hoàng sống ở một thành phố bên Pháp tên là Avignon. Tuy vậy, Đức Thánh cha Urbano quyết định sẽ trở về Roma vì nơi đây mới là giáo đô và là nơi an cư của Đức Giáo hoàng. Đức Thánh cha Urbano làm giám mục giáo phận Roma, và ngài biết Roma mới là nơi ở của mình. Và đã có nhiều khó khăn xảy ra. Tuy người dân Pháp phản đối việc ra đi của ngài, nhưng Đức Thánh cha Urbano vẫn thực hiện điều ngài biết là đúng.
Dân thành Roma rất vui sướng chào đón Đức Thánh cha trở về. Họ đặc biệt vui mừng vì có một người thánh thiện là đức Urbano V. Việc đầu tiên Đức Thánh cha làm là sửa chữa lại ngay các ngôi nhà thờ lớn của Roma. Ngài giúp đỡ người nghèo và khuyến khích dân chúng lấy lại lòng nhiệt thành sốt sắng.
Hoàng đế Carolo IV rất kính trọng Đức Thánh cha. Nhưng đức Urbano V đã phải gặp nhiều khó khăn, cộng thêm sức khỏe luôn yếu kém của ngài. Chiến tranh đang nổ ra giữa hai nước Anh và Pháp. Nhiều vị Hồng y đã năn nỉ Đức Thánh cha trở về lại Avignon. Vì vậy, sau cùng đức Urbano V đã nhượng bộ. Đang lúc sửa soạn rời khỏi Roma, dân chúng đã kéo đến nài xin ngài ở lại. Đức Thánh cha rất buồn nhưng dầu sao, ngài cũng phải ra đi. Khoảng 3 tháng sau, đức Urbano V qua đời. Đó là năm 1370.
Urbano V là một người tốt lành và thánh thiện. Ngài đã làm được nhiều việc cho Giáo hội, cho các trường học, các đại học và cho dân chúng. Người ta đã gọi đức Urbano V là “ánh sáng của thế gian và là đường dẫn tới chân lý”.

Đức Urbano V đã có nhiều trách nhiệm cũng như công việc phải giải quyết. Hàng ngày chúng ta hãy nhớ cầu nguyện cho Đức Thánh cha đương kim của chúng ta. Chúng ta hãy thưa lên với Chúa : “Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy bảo vệ Đức Thánh cha của chúng con, Xin Chúa hãy trở nên ánh sáng, an ủi và sức mạnh cho ngài!”



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”



của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
19-12-2012, 09:49 AM
Ngày 20 tháng Mười Hai




THÁNH ĐAMINH SILO



Thánh ĐaMinh Silo, cậu bé chăn chiên người Tây Ban Nha, sinh vào đầu thế kỷ thứ XI.
Thánh nhân đã trải qua nhiều giờ chăn chiên một mình tại thung lũng của dãy núi Pyrénée. Chính tại đây, ĐaMinh đã triển nở lòng yêu mến cầu nguyện. Sau đó, ĐaMinh đi tu và trở nên một tu sĩ rất thánh thiện. Rồi ĐaMinh được chỉ định làm bề trên tu viện và ngài đã canh tân rất nhiều vấn đề.
Tuy nhiên một ngày kia, ông hoàng Garcia III xứ Navar (Tây Ban Nha), nói rằng một số tài sản của tu viện là thuộc về ông ta. Thánh ĐaMinh đã không làm theo sự đòi hỏi của ông. Ngài nghĩ rằng thật vô lý khi trao cho ông hoàng này những tài sản của Giáo hội. Và quyết định của ĐaMinh đã làm cho ông hoàng Garcia III rất tức giận. Ông đã ra lệnh cho ĐaMinh phải rời khỏi xứ sở của ông.
Tu viện trưởng ĐaMinh và các tu sĩ của ngài được một ông hoàng khác, Ferdinand I xứ Castile, chào đón. Ferdinand nói rằng các tu sĩ có thể sử dụng một tu viện cổ, gọi là tu viện thánh Sêbastianô ở Silo. Tu viện này tọa lạc tại một nơi hẻo lánh và rất tồi tệ. Thế nhưng, với tu viện trưởng ĐaMinh, chẳng bao lâu tu viện cổ đã có một bộ mặt mới. Thực sự, tu viện trưởng đã làm cho nó trở thành một trong các tu viện nổi danh nhất trong toàn cõi Tây Ban Nha.
Thánh ĐaMinh Silo đã làm nhiều phép lạ chữa mọi loại bệnh tật. Nhiều năm sau khi qua đời. ĐaMinh Silo đã hiện ra với một phụ nữ tên là Gioanna, tức nữ chân phước Gioanna Aza. Thánh nhân nói với Gioanna Aza rằng Thiên Chúa sẽ ban cho bà thêm một người con nữa. Khi sự việc xảy ra, Gioanna Aza đã biết ơn thánh ĐaMinh Silo và đã lấy tên của thánh nhân mà đặt cho con trai mình. Người con ấy chính là thánh cả ĐaMinh, đấng sáng lập dòng Anh Em Thuyết Giáo (lễ kính ngài ngày 08/08).
Thánh ĐaMinh Silo về trời ngày 20/12/1073.

Qua cuộc sống của mình, thánh ĐaMinh Silo chỉ cho chúng ta thấy rằng việc cầu nguyện cũng thiết yếu như chuyện ăn uống và hít thở vậy. Mỗi ngày, chúng ta hãy xin thánh ĐaMinh Silo nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cần dành thời giờ cho Thiên Chúa.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”




của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
19-12-2012, 09:50 AM
Ngày 22 tháng Mười Hai




THÁNH MARGUARIT YOUVILLE



Thánh nữ Marguarit Youville sinh ngày 15/10/1701 tại Québec (Canada).
Thân phụ thánh nữ qua đời năm 1708 và gia đình lâm vào cảnh túng thiếu. Những người bà con đã trả tiền học phí cho Marguarit. Marguarit học tại trường dòng thánh Ursulin ở Québec. Hai năm học tại trường nội trú đã chuẩn bị cho Marguarit làm gia sư cho các em trai và em gái của ngài. Thánh nữ có tấm lòng quảng đại và thân thiện. Ngài giúp đỡ gia đình bằng việc chế tác và bán các dãi ren đẹp.
Năm 1722, Marguarit kết hôn với Phanxicô Youville. Dường như cuộc hôn nhân của hai người rất hạnh phúc. Thế nhưng, con người thực của Phanxicô đã được bộc lộ dần qua năm tháng. Ông Phanxicô chỉ thích quan tâm tới việc làm và tiêu tiền hơn là chuyện sống với gia đình của mình. Ông đã bỏ mặc Marguarit một mình với con cái và chẳng đoái hoài gì đến họ.
Rồi Phanxicô Youville đột nhiên qua đời năm 1730, sau 8 năm kết hôn. Ông để lại cho Marguarit những món nợ kếch xù phải trả. Một linh mục có tâm hồn quảng đại, cha Lescoat, đã khích lệ Marguarit. Cha đoan chắc với thánh Marguarit rằng Thiên Chúa yêu thương thánh nữ và muốn thánh nữ thực hiện một công việc cao cả cho Người.
Ngày 21/11/1737, Marguarit Youville nhận cho ở trọ một người đàn bà vô gia cư và bị mù lòa. Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu của công việc tuyệt vời là Marguarit sẽ chăm sóc cho những người bệnh hoạn nghèo khổ tại các bệnh xá, và sau đó là tại các bệnh viện.
Marguarit Youville thiết lập một hội dòng dành cho các chị em, và người ta đã gọi họ là “Các sơ Áo Xám”, vì tu phục của họ màu xám. Các sơ đã phục vụ tại bệnh viện đa khoa của Montrieux. Bệnh viện hiện rất tồi tàn và đang mắc nhiều nợ. Người ta đã chế nhạo các sơ! Thật khó để tin rằng các sơ có thể đảm nhận thành công một nhiệm vụ nhiêu khê như thế! Nhưng Mẹ Marguarit Youville và các nữ tu của Mẹ không hề nao núng. Các nữ tu đã làm việc, sửa chữa và xây dựng. Nhất là các sơ chào đón mọi người thiếu thốn. Không ai là người quá nghèo hoặc quá yếu đau mà không thể đến điều trị tại bệnh viện của các sơ được.
Năm 1765, bệnh viện bị một cơn hỏa hoạn, nhưng Mẹ Youville và các nữ tu của Mẹ đã nhờ người ta xây dựng lại và sau 4 năm thì hoàn tất.
Hai người con trai của Marguarit Youville lần lượt trở thành linh mục : Carolo, coi xứ Bosevil và Phanxicô, chánh xứ thánh Aos. Năm 1769, cha Phanxicô bị gãy tay. Chính thân mẫu của cha đã vội vã đến săn sóc cho ngài. Mẹ Youville cũng tỏ lòng quảng đại phục vụ các vùng truyền giáo Indiens của Montrieux khi các vùng này bị cơn dịch đậu mùa hoành hành. Và suốt Cuộc Chiến 7 Năm nổ ra giữa Anh và Pháp, Mẹ Youville đã giúp đỡ các binh lính cả về nhu cầu vật chất lẫn tinh thần. Mẹ giấu các thương binh Anh trong các căn hầm tối của tu viện. Ở đó, các nữ tu của Mẹ đã âm thầm giúp họ cho tới khi họ được bình phục.
Mẹ Marguarit Youville về trời ngày 23/12/1771.
Mẹ được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh ngày 09/12/1990. Mẹ Marguarit Youville là vị thánh đầu tiên có nguyên quán tại Canada.

Mẹ Marguarit Youville đã không để những khó khăn chế ngự được Mẹ. Mẹ nhìn thấy điều cần phải làm, tin rằng Mẹ có thể làm được ; và, tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Mẹ đã tiến lên với niềm xác tín vững vàng. Chúng ta có để ý thấy ai cần giúp đỡ không? Chúng ta có thể làm được gì để giúp đỡ họ?



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”



của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
20-12-2012, 09:09 AM
Ngày 23 tháng Mười Hai


THÁNH GIOAN KANTY



Vị thánh gốc người Ba Lan này sinh năm 1390, là con trai của một nông dân tốt lành.
Nhận thấy con mình rất thông minh, song thân Gioan đã gửi ngài tới học tại trường đại học Kracow. Gioan Kanty học hành rất giỏi. Sau đó, Gioan trở thành linh mục, giáo sư và một nhà giảng thuyết.
Thánh nhân cũng nổi tiếng về lòng yêu thương người nghèo. Lần kia, Gioan Kanty dùng bữa tại nhà ăn của nhà trường. Bắt đầu bữa ăn, Gioan nhận thấy có một người hành khất đi ngang qua cửa sổ. Ngay lập tức, Gioan Kanty đã chạy ra và trao phần ăn tối của mình cho người ăn xin này.
Một số người đã ghen tức với sự thành công của thánh Gioan Kanty, vì ngài vừa là giáo sư vừa là nhà thuyết giảng. Và họ đã tìm cách tước khỏi ngài chức vị giáo sư đại học và chuyển ngài đến trông coi một xứ đạo. Tại đây, Gioan Kanty đã dồn hết tâm huyết vào nhịp sống mới. Tuy nhiên, thoạt đầu mọi sự chưa mấy tốt đẹp. Dân chúng chưa hết lòng cộng tác với ngài, và Gioan Kanty cũng sợ trách nhiệm. Dầu vậy, Gioan Kanty quyết không nhượng bộ, và cố gắng của Gioan Kanty đã đem lại nhiều kết quả. Lúc người ta mời cha Gioan Kanty về lại trường đại học, bổn đạo trong giáo xứ đã tỏ lòng thương mến ngài cách đặc biệt. Họ đã tiễn Gioan một đoạn đường dài. Thật ra, vì thấy họ rất buồn khi tiễn đưa mình ra đi, cha Gioan Kanty đã nói với họ :
“Sự phiền muộn này không làm hài lòng Thiên Chúa đâu! Nếu trong những năm qua cha đã làm điều gì tốt cho các con, các con hãy ca lên bài ca hân hoan!”
Trở lại Kracow, thánh Gioan Kanty lại tiếp tục dạy các lớp Kinh Thánh, và thánh nhân lại trở nên rất nổi tiếng. Gioan được mời về làm gia sư cho các con em thuộc gia đình quý tộc. Tuy nhiên, thánh nhân vẫn ăn mặc hết sức giản dị, và ngài đã bố thí cho người nghèo tất cả những gì mình có. Lần kia, thánh Gioan Kanty mặc một bộ áo dòng đen (cũng gọi là áo chúng thâm) cũ kỹ đến dự tiệc. Các người hầu đã không cho Gioan Kanty vào. Thánh nhân phải trở về nhà và thay một bộ áo mới. Trong buổi dạ tiệc hôm ấy, có người đã vô ý làm đổ đĩa thức ăn lên bộ áo của Gioan.
“Đừng nghĩ ngợi gì,” – vị thánh nói với giọng hài hước – “bộ áo dòng của tôi dù sao cũng đáng được dùng một chút thức ăn, vì không có nó, tôi đã chẳng được ngồi ở đây!”
Thánh Gioan Kanty sống thọ 83 tuổi. Trong suốt những năm ấy, rất nhiều lần thánh nhân đã bán những của cải ngài có để giúp đỡ người nghèo. Khi người ta bật khóc vì nghe biết Gioan Kanty đang hấp hối, thánh nhân đã an ủi họ :
“Anh em đừng lo lắng cho cái nhà tù hay hư nát này, hãy nghĩ tới linh hồn sắp sửa được thoát khỏi chốn ngục tù ấy!”
Thánh Gioan Kanty về trời năm 1473.
Đức Thánh cha Clêmentê XIII tôn phong ngài lên bậc hiển thánh năm 1767.

Chúng ta hãy học nơi thánh Gioan Kanty sự chuyên cần chu toàn việc học cũng như việc nhà. Thiên Chúa chỉ mong đợi chúng ta cố gắng hết mình và Người sẽ chúc lành cho những nỗ lực của chúng ta. Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Kanty giúp chúng ta làm việc với tinh thần vui tươi phấn khởi.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”


của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
20-12-2012, 09:13 AM
Ngày 24 tháng Mười Hai




THÁNH PHÊRÔ NOLASCO



Thánh Phêrô Nolasco sinh tại nước Tây Ban Nha, gần thành Barcelona, vào cuối thế kỷ thứ XII.
Thánh nhân là con trai của một thương gia buôn bán tại vùng Địa Trung Hải. Khi Phêrô Nolasco đi tàu, ngài nhận thấy có rất nhiều Kitô hữu đến từ Bắc Phi bị bắt làm nô lệ. Trái tim Phêrô đã hướng ngay về những anh chị em này trong Chúa Kitô, và thánh nhân đã dùng tiền bạc của mình để chuộc lại những nô lệ này theo khả năng của ngài.
Thánh Râymunđô Penyapho, giám mục giáo phận Barcelona, đã tổ chức một nhóm giáo dân để lo công việc này, và ngài đã đặt Phêrô làm đầu. Nhóm này về sau trở thành một dòng, được đặt dưới sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi. Các thành viên của dòng được gọi là những người có tấm lòng thương xót. Họ tuyên giữ ba lời khấn Thanh khiết, Khó nghèo, Tuân phục và một lời khấn thứ tư – mà thánh Phêrô Nolasco thêm vào – là dâng hiến sự tự do của mình, và nếu cần, kể cả mạng sống, để chuộc lại tự do cho những nô lệ Công giáo.
Thánh Phêrô Nolasco dùng phần đời còn lại của mình đi khắp các nước Tây Ban Nha và Algiéria chuộc lại hàng trăm nô lệ.
Thánh nhân qua đời khoảng năm 1256.
Hội dòng mà thánh Phêrô Nolasco thành lập hiện vẫn tồn tại cho đến ngày nay, vẫn đang hoạt động để giải phóng nhiều người trên khắp thế giới thoát khỏi các thể chế áp bức.

Chúng ta có biết ai đang bị bắt nạt hoặc bị đối xử bất công không? Chúng ta có được sự can đảm của thánh Phêrô Nolasco là đứng về cùng phe với họ không? Chúng ta có dám trở nên những người quảng bá tình hữu nghị và sự thân ái không?



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”




của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
21-12-2012, 08:12 AM
Ngày 25 tháng Mười Hai




Lễ Giáng Sinh, Sinh Nhật CHÚA GIÊSU



Đã đến lúc Thiên Chúa sai chính Con Một yêu dấu của Người đến cứu độ trần gian. Mẹ Maria, thân mẫu của Đấng sắp Giáng sinh được hứa ban cho nhân loại, và thánh Giuse, hôn phu của Mẹ Maria, đã phải rời bỏ quê nhà Nazareth để trẩy lên Bethlem. Lý do của cuộc hành trình này là vì lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế Roma : mọi gia đình có gốc Do Thái đều phải về lại thành phố nơi tổ tiên sinh sống để làm cuộc đăng ký kiểm tra ấy. Và do Mẹ Maria và thánh Giuse thuộc dòng dõi hoàng tộc David, nên các ngài cũng phải trở về thành của vua David là Bethlem. Chính hoàng đế là người ra sắc lệnh, nhưng lại giúp hoàn tất chương trình của Thiên Chúa. Theo Kinh Thánh, Đấng Cứu Thế phải được sinh ra tại Bethlem.
Thật là một hành trình buồn tẻ và gian khó vì phải băng qua miền đất có nhiều đồi núi! Nhưng Mẹ Maria luôn an vui và nhẫn nại. Mẹ biết rằng Mẹ đang thực thi ý muốn của Thiên Chúa. Mẹ sung sướng nghĩ tới người Con Chí Thánh của Mẹ sắp Giáng sinh. Khi Mẹ Maria và thánh Giuse tới Bethlem, các ngài đã không tìm ra được nơi nào để lưu trú. Sau cùng, các ngài tìm thấy một cái hang. Và ở đó, nơi chuồng lừa tanh hôi ấy, Con Thiên Chúa đã Giáng sinh. Mẹ yêu quý của Chúa Hài Nhi Giêsu đã bọc Người trong chiếc khăn ấm và đặt Người nằm trong máng cỏ. Chúa Giêsu đã chọn giáng sinh trong khung cảnh nghèo nàn như thế là để dạy ta không nên đánh giá quá cao những của cải và tiện nghi đời này.
Trong đêm Chúa Giêsu giáng thế, các thiên thần đã được Thiên Chúa sai đi loan báo tin vui. Thiên Chúa đã không sai các thiên thần đến với hoàng đế hay các bậc vương công trần gian, cũng không đến với các tiến sĩ hay tư tế trong đền thờ Giêrusalem. Thiên Chúa sai các thiên thần đến với các mục đồng nghèo khó và khiêm tốn, đang canh giữ đàn chiên trên sườn đồi cạnh thành Bethlem. Ngay khi nghe sứ điệp của các thiên thần, các mục đồng liền vội vã chạy tới thờ lạy Đấng Cứu Thế. Sau đó họ trở về nhà, lòng tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa.
Các tổ phụ và các tiên tri thời Cựu Ước đã được an ủi khi biết một ngày kia Đấng Cứu Thế sẽ giáng sinh. Giờ đây, Người đã thực sự sinh ra giữa chúng ta. Chúa Giêsu giáng sinh vì loài người chúng ta. Kinh Thánh nói rằng :
“Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người.” (Ga 3,16)
Nếu những người sống trong niềm hy vọng đợi chờ cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu đã vui mừng, thì chúng ta còn phải vui mừng biết bao! Vì chúng ta có những giáo huấn của Chúa Giêsu, có Giáo hội và có chính Chúa Giêsu hiện diện trên bàn thờ mỗi khi chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể. Lễ Giáng Sinh chính là thời điểm thuận tiện để mỗi người chúng ta nhận ra tình yêu thương lạ lùng của Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta.

Hôm nay chúng ta hãy dâng lên Đức Mẹ và thánh Giuse một lời cầu nguyện. Trong ngày lễ Giáng Sinh này, chúng ta hãy nài xin các ngài giúp chúng ta nhận ra món quà mà Chúa Giêsu mong muốn nhận được từ nơi chúng ta.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”




của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
21-12-2012, 08:14 AM
Ngày 28 tháng Mười Hai




Các THÁNH ANH HÀI Tử Đạo



Theo sách Phúc Âm của thánh ký Matthêô, khi Chúa Giêsu giáng sinh tại Bethlem, thì có các đạo sĩ từ Đông phương tìm đến thờ lạy Người. Họ đã đến với vua Hêrôđê và hỏi xem có thể gặp được vua Do Thái cũng là Đấng Cứu Thế mới sinh ra ở đây không? Hêrôđê là một bạo chúa độc ác và gian manh. Khi nghe các đạo sĩ nói về vị tân vương, ông bắt đầu lo lắng sợ mất ngai vàng của mình. Nhưng ông không cho các đạo sĩ biết điều ông đang suy nghĩ. Ông liền triệu tập các trưởng tế lại và hỏi họ xem Kinh Thánh nói Đấng Mêsia sẽ sinh ra ở đâu. Và họ đã trả lời : “Tại Bethlem!”
“Hãy đi và tìm hài nhi này!” – ông vua độc ác nói với các đạo sĩ – “Khi các khanh tìm thấy nơi Người ở, hãy về và tin cho trẫm hay. Sau đó, trẫm cũng sẽ đến và triều bái Người!”
Và ba đạo sĩ lên đường. Họ đã gặp thấy Chúa Giêsu là Đấng Mêsia và Đức Mẹ cùng với thánh Giuse. Họ liền sấp mình thờ lạy Người và dâng kính Người lễ vật của họ. Lúc ấy, trong một thị kiến, họ được báo rằng đừng trở về gặp Hêrôđê. Rồi một thiên thần hiện ra bảo thánh Giuse hãy đem Chúa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập. Bằng cách này, Thiên Chúa đã làm hỏng kế hoạch độc ác của Hêrôđê đối với Chúa Hài Nhi Giêsu.
Khi Hêrôđê nhận ra các đạo sĩ không trở lại với mình, ông rất đỗi tức giận. Ông ta vốn là một người quỷ quyệt và bạo tàn, và giờ đây nỗi sợ bị mất ngai vàng lại càng làm cho ông thêm quẫn trí. Ông đã sai các binh lính của mình đi sát hại tất cả các con trẻ ở thành Bethlem từ 2 tuổi trở xuống, hy vọng rằng sẽ giết được Đấng Mêsia đang hiện diện giữa họ. Và quân lính đã thi hành lệnh truyền kinh khủng này. Có một nỗi đau đớn xảy ra trong thành Bethlem vì các bà mẹ khóc than những đứa con nhỏ của họ bị sát hại.
Các hài nhi này hôm nay được Giáo hội tôn kính như các thánh tử đạo. Các ngài còn được gọi là các thánh Anh Hài.

Chúng ta hãy nài xin các thánh Anh Hài bảo vệ các trẻ em khỏi mọi điều nguy hại. Chúng ta hãy xin các ngài thay đổi lòng dạ những người ủng hộ việc phá thai. Chúng ta cũng hãy cầu xin cho những người bỏ rơi hay lạm dụng các trẻ em.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”




của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
22-12-2012, 06:35 AM
Ngày 29 tháng Mười Hai




THÁNH TÔMA BECKET



Thánh Tôma Becket sinh năm 1118 tại Luân Đôn (Anh).
Sau khi song thân qua đời, thánh nhân nhận được một chức vụ nơi nhà của đức Tổng Giám mục giáo phận Canterberry. Tôma Becket bắt đầu học làm linh mục. Chẳng bao lâu, thánh nhân trở thành một sủng thần của vua Henri II. Người ta nói rằng đức vua và Tôma – hai người chỉ có một con tim và một tâm trí. Họ là đôi bạn rất thân thiết của nhau.
Khi Tôma Becket được 36 tuổi, vua Henri II đặt ngài làm thủ tướng trong vương quốc của ông. Với chức vị là thủ tướng nước Anh, Tôma có rất nhiều người giúp việc và được sống sung sướng. Khi đức Tổng Giám mục giáo phận Canterberry qua đời, Henri II muốn Đức Thánh cha trao cho Tôma Becket chức vị này, và chức vị này đòi Tôma Becket phải thụ phong linh mục. Nhưng Tôma Becket đã nói thẳng thắn với vua Henri II rằng ngài không muốn nhận chức vụ Tổng Giám mục thành Canterberry. Tôma nhận thức rằng với chức vụ đó, ngài sẽ sống đối lập trực tiếp với Henri II. Tôma biết ngài phải bảo vệ Giáo hội chống lại Henri, và lúc ấy vấn đề sẽ rất phức tạp. Tôma cảnh báo Henri :
“Lòng quý mến nhà vua dành cho tôi sẽ hóa thành sự thù hận đó!”
Nhưng vua Henri II chẳng màng gì đến lời cảnh tỉnh đó và Tôma được đặt làm linh mục rồi giám mục năm 1162.
Tôma Becket lập tức thay đổi cuộc đời. Thánh nhân sống giản dị hơn và dành nhiều thời giờ hơn để cầu nguyện. Trước hết, mọi sự diễn ra thật tốt đẹp. Tuy vậy, ít lâu sau nhà vua bắt đầu đòi xin tiền của Giáo hội mà Tôma Becket nhận thấy là không hợp lý. Henri II càng lúc càng trở nên tức giận với người bạn cũ của ông. Cuối cùng, ông đã xử với Tôma Becket cách tàn nhẫn. Phần Tôma Becket, lúc đầu ngài hơi nhượng bộ. Nhưng về sau, thánh nhân nhận thấy Henri II có ý muốn khống chế luôn cả Giáo hội. Tôma Becket rất hối hận vì đã nhượng bộ nhà vua. Thánh nhân đã đền tội vì yếu đuối của mình và quyết tâm sau này sẽ cương quyết hơn.
Ngày kia, ông vua rất giận dữ lên tiếng :
“Không ai giúp ta diệt trừ đức Tổng Giám mục này sao?”
Và một số hiệp sĩ của Henri II đã xung phong đi thi hành án lệnh ngay tức khắc. Họ đã ám sát đức Tổng Giám mục. Họ tấn công Tôma Becket ngay tại nhà thớ chính tòa của giáo phận. Thánh Tôma Becket đã chết đang khi nói rằng :
“Nhân danh Chúa Giêsu và để bảo vệ Giáo hội, tôi xin sẵn sàng chịu chết!”
Hôm ấy là ngày 29/12/1170. Toàn thể thế giới Công giáo đều kinh tởm thứ tội ác này.
Đức Thánh cha Alexandre III đã giúp vua Henri II ý thức được tội sát nhân đó. Một năm sau, Henri II đã xin đền tội cách công khai. Và các phép lạ bắt đầu xảy ra trên phần mộ của Tôma.
Tôma Becket được chính Đức Thánh cha Alexandre III tôn phong hiển thánh năm 1173.

Thánh Tôma Becket dạy chúng ta hãy biết đặt đức tin và lòng trung thành đối với Chúa Giêsu lên trên cả những tình bạn riêng tư của mình. Nếu có người bạn xin chúng ta làm một điều gì đó mà chúng ta biết là phật lòng Thiên Chúa, chúng ta hãy cương quyết chỉ chọn làm điều tốt mà thôi. Hy vọng lòng can đảm và gương sáng của chúng ta cũng sẽ giúp các bạn bè của mình sống thân mật hơn với Thiên Chúa.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”




của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
22-12-2012, 06:37 AM
Ngày 30 tháng Mười Hai




CHÂN PHƯỚC VINHSƠN VILA DAVID



Chân phước Vinhsơn Vila David sinh ngày 28/06/1889 tại Valencia, Tây Ban Nha.
Ngài là con út trong gia đình có 8 người con. Song thân Vinhsơn làm nghề gốm sứ, và họ là các Kitô hữu rất mực sùng đạo. Họ giáo dục con cái mình trong môi trường Kitô giáo. Sau khi học với các cha dòng Piarist, Vinhsơn Vila David ghi tên vào học trường kỹ thuật và đỗ bằng kỹ sư công nghiệp.
Vinhsơn Vila David kết hôn với một thiếu nữ tên Isabel và cả hai cùng sống đời Kitô hữu đạo hạnh. Vinhsơn quan tâm đến giáo xứ của mình và năng giúp các linh mục mỗi khi có thể. Ngài cũng đảm nhận việc quản lý công ty gốm của thân phụ ngài. Các công nhân giúp việc cho Vinhsơn không những coi ngài như ông chủ mà còn như một người cha hay thương yêu con cái. Vinhsơn Vila David luôn quan tâm đến việc đối xử công bằng cũng như nhân phẩm và nhân quyền của công nhân.
Mùa hè năm 1936, tại Valencia, cuộc nội chiến lên đến đỉnh điểm. Cuộc bách hại các Kitô hữu và Giáo hội của chế độ cai trị cũng rất ác liệt. Vinhsơn Vila David đang dạy học tại một trường kinh doanh đồ gốm, cũng bị nã súng vì là người Công giáo. Vinhsơn Vila David vẫn anh dũng tiếp tục khích lệ các Kitô hữu khác và giúp đỡ các linh mục những gì có thể.
Ngày 14/02/1937, Vinhsơn Vila David bị mời ra trước tòa án và bị cấm thực hiện các hoạt động nhân danh Giáo hội. Vinhsơn trả lời rằng được làm Kitô hữu chính là một ơn gọi rất cao cả và ngài sẽ không từ bỏ ngay khi cả phải chết. Lập tức Vinhsơn bị mang đi xử tử. Vinhsơn được phép nhìn mặt người vợ thân yêu lần cuối và ngài đã khích lệ nàng với những lời lẽ đầy đức tin. Vinhsơn công khai tha thứ cho kẻ thù và những kẻ bách hại ngài. Rồi Vinhsơn bị bắn chết vào chính ngày ngài bị bắt giam.
Các công nhân nhà máy gốm như bị sỉ nhục. Họ đã đình công ba ngày liền để phản đối việc xử tử Vinhsơn Vila David. Họ nói với các quan chức xã hội chủ nghĩa, những người đã gắng sức ngăn chặn cuộc đình công của họ, rằng :
“Các ông đã cướp đi khỏi chúng tôi một người chủ và một người cha, vì Vinhsơn là người khôn ngoan, rộng lượng và luôn quan tâm đến điều kiện làm việc của chúng tôi. Chúng tôi không chỉ kính trọng mà còn yêu thương ông ấy nữa!”
Vinhsơn Vila David được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 01/10/1995.
Cái chết của Vinhsơn Vila David, do bàn tay hung bạo của kẻ thù, được xem như một cuộc tử đạo đích thực vì đức tin.

Đức tin của chúng ta áp dụng được cho mọi lãnh vực của đời sống. Trong gia đình cũng như ngoài xã hội, lúc ở trường cũng như khi làm việc, chúng ta đều được mời gọi hãy thực hành những giá trị mà Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”




của Susan Helen Wallace, FSP)

augustino.nghia
22-12-2012, 06:38 AM
Ngày 31 tháng Mười Hai




THÁNH SYLVESTER I



Vị thánh Giáo hoàng này sống vào thời Giáo hội sơ khai, lúc hoàng đế Constantino trị vì.
Sylvester I đắc cử ngôi Giáo hoàng năm 314, và ngài đã cai trị Giáo hội suốt thời gian 21 năm cho tới khi qua đời năm 335.
Truyện kể rằng thoạt đầu Constantino bách hại Giáo hoàng Sylvester I. Ông mắc bệnh phong cùi và, tuyệt vọng vì không chữa trị được, ông đã cho cử hành một nghi thức tà đạo. Dường như Constantino đã nằm mơ thấy hai thánh Phêrô và Phaolô hiện ra nói chuyện với ông. Hai vị bảo ông hãy đến với Đức Giáo hoàng Sylvester I để xin ngài chữa cho. Sau đó, Constantino xin được chịu phép Thanh Tẩy. Trong lúc lãnh nhận Bí tích này tại đền thánh Gioan Laterano thì Constantino được chữa lành hoàn toàn. Kết quả là Constantino không chỉ cho phép Kitô giáo được du nhập vào vương quốc của ông mà ông còn khuyến khích phát triển nó nữa.
Lòng sùng kính thánh Giáo hoàng Sylvester I rất phổ biến trong thời Giáo hội sơ khai. Thánh nhân là vị Giáo hoàng đầu tiên không phải chịu tử đạo.
Trong đền thánh Gioan Laterano ở Roma, hiện vẫn còn một bức khảm rất ấn tượng treo trên tường. Bức khảm mô tả Chúa Giêsu đang trao chìa khóa quyền cai trị thiêng liêng cho thánh Giáo hoàng Sylvester I.

Trong ngày tất niên hôm nay, chúng ta hãy nài xin thánh Giáo hoàng Sylvester I canh giữ chúng ta, các Kitô hữu của thời đại này, như thánh nhân đã canh giữ đàn chiên của ngài.



(Chép từ “Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ Mỗi Ngày”




của Susan Helen Wallace, FSP)