PDA

View Full Version : Anh Hùng Sơn Cước



hongbinh
19-09-2012, 08:42 PM
Anh Hùng Sơn Cước

http://thanhcavietnam.net/ThieuNhi/attachment.php?attachmentid=389&d=1348652444

* LOẠI HOA ĐỎ : truyện phiêu lưu, mạo hiểm, trinh thám
* Tác giả: THÙY HƯƠNG
* Nhà xuất bản Tuổi Hoa
* Nguồn: THU HỒ sưu tầm, scan và BC đánh máy

http://tuoihoa.hatnang.com/node/470

Chương 01

Vụ hè năm đó, ông Ngọc Quang, một thương gia ở Sàigòn, đã quyết định đóng cửa hàng một tháng để cùng bà vợ và ba con lên Ban Mê Thuột thăm người em. Luôn dịp, cả nhà sẽ đi cắm trại miền rừng núi.
Hồi niên thiếu, ông Ngọc Quang đã là một “sói già” trong đoàn Hướng Đạo và hoạt động rất hăng say. Nhưng từ khi lập nghiệp, vì mãi công chuyện kinh doanh, suốt năm ông không có một ngày nghỉ xả hơi. Với dự định đi cắm trại, ông cảm thấy trong người như trẻ lại đến vài chục tuổi và máu phiêu lưu bỗng bừng dậy trong huyết quản. Bà Ngọc Quang cũng là người giàu tinh thần thể thao, nên đã tán đồng ngay ý kiến của ông . Tuy nhiên, cũng như phần đông các bà mẹ Việt Nam có tính thu vá thu vén, bà thấy hơi tiếc rẻ số thất thu trong những ngày tiệm đóng cửa .
Còn ba tí nhau: Việt 13 tuổi, Hằng 12 tuổi và bé Tâm 8 tuổi, khi nghe thấy ba và má bàn luận vấn đề trên thì cảm thấy hồi hộp trong lòng. Tuy chúng đã gia nhập các đoàn “Sói con” và “Chim non”, nhưng chỉ được đi cắm trại loanh quanh miền đồng bằng gần thủ đô, chớ chưa bao giờ được đi xa tới vài trăm cây số, hay miền sơn cước như Ban Mê Thuột.
Đối với chúng, cái xứ “Buồn muôn thuở” này không phải hấp dẫn vì phong trào trồng cà phê đầy triển vọng từ mấy năm nay . Mà nó hấp dẫn ở những cái tên như Krong-Ana, B. Đon, B.Trap, B.Ho, M.Drak, v.v… nghe lạ tai và huyền bí vô cùng.
*** Nơi cắm trại cách tỉnh lỵ chừng 10 cây số, ở một vùng rừng núi hoang vu, trên một bờ hồ bao la, thơ mộng. Nếu nói rằng tới đây để “sống với thiên nhiên” thì không có gì đúng nghĩa hơn được nữa .
Sáng hôm đó, nằm trong lều, mắt vẫn còn nhắm, Hằng tát con muỗi đậu trên má, rồi thò tay với chiếc đồng hồ mà mỗi tối nó lấy chiếc kim băng gài trên đường máy của vải lều, để lúc nào nó cũng sẵn có giờ phút vừa tầm tay .
- Mới sáu giờ mười lăm .., nó lẫm bẫm . Nhưng ta chẳng thấy buồn ngủ nữa! Chắc bên ngoài mát mẻ lắm … ta thử ra coi .
Hằng nhảy xuống đất, ra vén cửa lều. Một tia nắng mặt trời lùa vào tận cuối lều và trúng ngay trên mũi Việt . Nó cằn nhằn :
- Cái gì vậy? Hằng đó à? Đứng làm gì thế? Đã tới giờ dậy rồi kia à?
- Không, không anh cứ ngủ nữa đi, Hằng đáp. Xin lỗi đã làm anh thức giấc, nhưng không phải em chủ tâm . Em không buồn ngủ nữa, nên muốn ra ngoài cho mát .
Tối hôm trước, ông bà Ngọc-Quang đã dặn các con là sáng nay, ông bà sẽ dậy sớm để đi câu cá ở Cầu Mây, phía bờ hồ bên kia .
Thường thường, Việt và Hằng vẫn ngủ đến tám giờ như các trẻ khác ở cái tuổi 11, 12. Còn bé Tâm sẳn sàng nằm kéo gỗ đến tận quá ngọ nếu người ta không nhớ đánh thức bé dậy .
Ông Ngọc-Quang đã dặn các con rằng : “Sau khi ngủ dậy, các con cứ thủng thẳng điểm tâm rồi xuống bờ hồ chơi ở đó, đợi ba má ở Cầu Mây về “.
- Thưa ba, có phải mang điểm tâm của ba má xuống bờ hồ không ạ? Hằng hỏi .
- Khỏi con ạ, ba má sẽ mang theo. Con chỉ cần xách cái làn đựng bữa cơm trưa thôi .
Như vậy là mọi vấn đề đã được xếp đặt thật giản dị và sẽ diễn tiến không có gì trắc trở . Nhưng, khốn thay, lại có chuyện con muỗi … Và nhiều khi, chỉ vì một lý do nhỏ nhặt mà có thể làm xáo trộn những chương trình soạn thảo rất công phu.
Bây giờ con Hằng đã tỉnh ngủ hẳn, nó bắt đầu xuống suối để rửa mặt mũi, chân tay . Thế rồi, giầu óc tưởng tượng, nó tự kể chuyện một mình . Nó là một nàng tiên bị cầm tù và tự an ủi bằng cách soi bóng mình vào giếng nước . Nhưng gió nồm làm lay động tấm gương thiên nhiên đó và đến cả bộ tóc đen của nó cũng không còn thấy rõ dưới bóng nước. Thất vọng, nó bỏ trò chơi đó .
- Thôi, ta đi lên sửa soạn bữa điểm tâm thì vừa! Nó thầm nghĩ .
Xách nước suối về tới lều, nó lấy bếp cồn ra nhóm và cẩn thận để bếp trên một phiến đá xa đám cỏ để tránh hỏa hoạn, như má nó đã thường dặn . Trong khi nó đang cắt bánh thì Việt đã ló ra cửa lều, mắt nhắm mắt mở:
- Anh cũng chẳng ngủ lại được nữa! Thế em đã sửa soạn bữa điểm tâm rồi kia à, hay quá! Thôi để anh pha cà phê cho .
- Anh mà biết pha!
- Có chứ, rồi em coi .
Cà phê và sữa dĩ nhiên là chất bột. Mỗi tay cầm chiếc hộp. Việt do dự:
- Anh không nhớ rõ tỷ lệ là bao nhiêu nữa. Có phải mỗi thứ một thìa không em?
- Đó, đó, em đã biết mà! Hằng đáp với giọng đắc thắng. May mà có em ở đây chứ. Anh cho một thìa nhỏ cà phê, hai thìa lớn sữa … Bây giờ thì rót nước nóng vô … Chết rồi, còn đường để trong giỏ .
- Đó thì em cũng quên đấy chứ kém gì ta.
Rồi hai đứa ngồi thưởng thức bữa điểm tâm mà chúng thấy có vẻ ngon hơn mọi khi vì chính tay chúng nó làm ra . Ăn xong, Việt vươn vai hỏi:
- Chúng ta làm gì bây giờ nào? Chẳng lẽ ngồi khoanh tay đợi đến giờ xuống bờ hồ!
- Tất nhiên! Anh thấy nên làm gì?
- Hay ta xây một cái lò, để mà làm bánh cho bọn mình ăn .
- Nhưng làm gì có bột mà làm bánh?
- Thì ta sẽ xuống quận lỵ mà mua, khó gì!
Gia đình cắm trại này cứ mỗi tuần hai lần xuống quận lỵ bằng thuyền để mua thực phẫm . Vừa mới hôm qua, Việt, Hằng và bé Tâm đã xuống quận cùng ba má .
- Em không thích xuống quận từ khi có cảnh sát ở tỉnh phái về . Hằng nói .
- Thì em cũng nghe thấy họ nói đó: họ định lùng bắt một tên tướng cướp đang lẩn trốn trong vùng này .
- Y Blơm ấy à? Anh tin rằng nhân vật này có thật hay sao?
- Tin chứ: tất cả mọi người đều nhắc tới hắn mà. Em còn nhớ nhà phóng viên mà bọn mình đã gặp trong quán đó không ?
- Ông Thanh Tùng ấy à? Cái ông mà khoe rằng mình sẽ đi phỏng vấn được tên tướng cướp trước khi nhà chức trách tóm được hắn. Em thì chẳng tin “một ly ông cụ nào” những lời ông nói. Thế anh?
- Đâu phải chỉ có một mình ông ta nói đến tên cướp. Chính vì Y Blơm mà chính quyền ở đây phải xin biệt phái một Đại úy cảnh sát ở tỉnh lỵ về để chỉ huy toán lính hành quân truy nã .
- Dầu sao, anh em mình cũng chẳng nên đá động đến vấn đề này trước mặt bé Tâm. Tính nó đã nhút nhát sẵn .
Hai anh em cả cười .
- Anh này, em có một ý kiến. Bây giờ chúng ta sẽ đi thẳng tới kiếm ba má, chắc ba má sẽ phải ngạc nhiên, anh nghĩ sao?
- Nhưng ba má đã về tới bờ hồ đâu?
- Không phải ở bờ hồ. Em muốn nói đi đến Cầu Mây kia mà .
- Ừ, cũng hay đấy. Nhưng em nghĩ lần theo bờ hồ dễ lắm sao? Làm gì có lối đi. Đúng ra mình phải băng qua ngọn đồi, rồi xuống thẳng Cầu Mây mới được .
- Anh nói phải đó. Và bây giờ ta phải đánh thức ngay bé Tâm dậy mới được .
- Việc ấy mới khó đấy! Việt cười vang đáp .
- Khỏi lo, em biết cách này hiệu nghiệm lắm cơ .
Hằng vội nướng hai miếng bánh mì thật thơm có phết bơ đàng hoàng và rót một chén cà phê sữa nóng hổi .
- Anh coi nè !
Nói đoạn Hằng bưng bánh và cà phê sữa vào trong lều, tiến lại gần cái nệm cao su bơm hơi trên đó bé Tâm nằm ngủ say sưa. Quả nhiên chẳng mấy chốc, đầu thằng bé đã đụng đậy, hai lỗ mũi nó phập phồng, rồi hai tay nó đưa lên dụi mắt. Nó mỉm cười hỏi :
- Đã đến giờ điểm tâm rồi kia à?
- Thấy chưa anh? Hằng bảo Việt .
Khi được biết dự tính đi bộ tới Cầu Mây với ba má, bé Tâm cũng thích lắm. Chúng sẽ không phải đi bộ nhiều, vì từ Cầu Mây về sẽ được ngồi thuyền với ba má .
- Mình phải mang theo đồ ăn chứ! Bé Tâm nhắc .
- Chúng ta sẽ mang theo cái làn mây đựng bữa cơm trưa mà sáng nay má đã sửa soạn trước khi đi .
- Có nặng quá không?
- Không nặng đâu, chớ lo. Em chỉ cần mang đôi giầy cao cổ, vì phải băng qua đồi.
- Thế có gặp kẻ cướp không?
Việt nghe hỏi vậy chỉ nhún vai làm thinh. Một lát sau cả bọn lên đường .
Lối đi bắt đầu lên dốc, rồi lại xuống đèo tới lòng một cái suối đã cạn nước .
- Ồ thơm quá! Bé Tâm vừa nói vừa hít mùi thơm của các giống hương thảo mọc đầy hai bên lối đi .
Sau một chặng dài, lối đi tách làm hai. Chúng nó bàn nhau đi theo lòng suối, vì như thế sẽ chắc chắn tới bờ hồ. Nhưng chẳng bao lâu, lối đi trở thành khó khăn, những tảng đá lở nằm ngổn ngang bịt kín mất lòng suối, muốn vượt qua phải đi quanh .
- Đi mãi chẳng thấy đến nơi! Bé Tâm thở dài than .
- Đi mãi đâu nào? Việt đáp. Mấy giờ rồi Hằng ?
Con nhỏ dơ thay lên xem đồng hồ, nhưng vội kêu lên :
- Khỉ quá, em đã quên đồng hồ ở lều rồi! Nhưng anh này, em nghe thấy tiếng người đi tới, ta thử hỏi thăm đường xem sao .
Vừa lúc đó, lũ trẻ thấy từ một lùm cây trước mặt nhó ra một người đàn bà đi thất thểu, tay giắt một con lừa đeo một chiếc va li lớn .
Bé Tâm đi nép vào với anh chị. Việt tiến lại gần người đàn bà. Con lừa hoảng sợ, kéo dây thừng muốn chạy. Bà già bị ngã chổng kềnh ra đất, để lộ hai ống quần sọc . Đồng thời, chiếc khăn quàng tuột xuống để lộ ra một chiếc đầu hói bóng loáng, lơ thơ vài sợi tóc .
- A! bác Thanh Tùng, Hằng kêu lên .
- Con nhà Ngọc Quang đây mà! Nhà phóng viên vừa đáp vừa luống cuống ngồi dậy. Các cháu đừng nói với ai là gặp bác ở đây nhé! Sẽ mất tất cả đó .
- Thưa bác mất gì ạ? Việt lấy làm lạ hỏi .
- Thì bài phóng sự của bác chứ gì nữa! Ta sắp đạt được kết quả rồi. Tên đó – Các cháu biết là ai rồi chứ - hiện đang lẩn trốn ở khu này! Ta đã cải trang để có thể tới gần mà hắn không nghi ngờ! Thế các cháu đi đâu vậy?
- Thưa bác, các cháu muốn đi tới Cầu Mây với ba má. Hằng đáp .
- Cầu Mây à? Dễ lắm, các cháu đi về phía tay trái là thẳng xuống đó .
- Thưa có xa lắm không ạ? Bé Tâm hỏi .
- Độ nửa tiếng thôi. Nhưng các cháu phải nhớ kỹ nhé: Không được nói một câu gì về bác, nghe không?
- Các cháu nhớ ạ, Việt đáp .
Ba đứa bèn từ giã nhà phóng viên rồi đi theo lối vừa được chỉ dẫn. Nhưng quá nửa giờ mà vẫn chẳng thấy bờ hồ đâu .
- Đáng lẽ ban nãy ta phải rẽ tay trái mới phải, Hằng nói .
- Em nói đúng, vậy bây giờ mình lộn lại .
- Lộn lại! Bé Tâm rền rĩ kêu .
Đôi mắt van lơn của nó làm Hằng mủi lòng, con nhỏ hiểu rằng em nó đã bắt đầu mỏi mệt .
- Anh Việt này, hay ta leo lên ngọn đồi, Hằng đề nghị, có lẽ nom thấy bờ hồ và Cầu Mây .
Khi chúng lên tới ngọn đồi, chỉ thấy một mầu cỏ cây như một mặt biển xanh vô tận .
- Thôi đành trở xuống vậy. Việt nói .
Vẻ mặt nó lúc này nghiêm trọng quá nên bé Tâm chẳng dám cãi lại và cắm đầu bước theo, miệng im thin thít. Đi thêm một chặng dài, chúng tới một nơi quang đãng .
Việt nói với vẻ thất vọng :
- Chúng ta chưa hề đi qua chỗ này bao giờ .
- Anh Việt ơi, Hằng lẩm bẩm, hay là chúng ta đã …
Nó sắp nói “bị lạc”, nhưng hai chữ này đã ngừng lại trên môi khi nó trông thấy bé Tâm ngồi cách đó chừng vài thước, đang nhặt một viên sỏi trong giày ra. Dù lo lắng đến đâu, chúng cũng không muốn để lộ cho bé Tâm thấy .
- Bây giờ chúng ta thử tìm phương hướng bằng mặt trời vậy, Việt nói. Mặt trời đang lên, vậy là nó ở phía đông. Bờ hồ ở phía tây, bên kia .
- Thế nào cũng phải tìm thấy bờ hồ mới được, Hằng đáp. Bé Tâm buộc chiếc giày xong chưa ?
- Em mệt rồi, thằng nhỏ thở dài đáp. Anh Việt đã nói là không xa mấy kia mà .
- Một đứa con trai đã lớn như em chẳng nên nói là mệt rồi, khi mới đi có … có …
Hằng bỏ dở câu nói, vì nó sực nhớ ra rằng chúng đã đi từ ba tiếng đồng hồ rồi .
- Thế còn xa không hả chị? Bé Tâm hỏi. Mà em cũng thấy đói bụng rồi! Nó vừa nói vừa nhìn chiếc làn với đôi mắt thèm thuồng .
Hằng gắt:
- Đã có ba má đâu mà đòi ăn? Bé Tâm thở dài :
- Vậy thì đi mau lên chứ!
Rồi chúng nó lại tiếp tục đi. Sau một tiếng đồng hồ mà chúng thấy dài như một thế kỷ, Việt quyết định dừng lại nghỉ. Bé Tâm không thể bước đi được nữa, hai đứa lớn cũng đã thấm mệt. Mặt trời đã lên tới đỉnh đầu, cây cỏ lơ thơ không có bóng mát .
- Bây giờ chúng ta ăn cơm đi, Hằng đề nghị với giọng cố làm vui vẻ. Có lẽ bé Tâm đói lắm rồi nhỉ !
Thằng nhỏ hỏi :
- Nhưng … còn ba má?
Hai đứa lớn thấy lòng se lại, không phải vì bữa cơm, mà vì chúng đoán rằng ba má đang lo sợ khi trở vê không thấy chúng đâu cả .
- Chỉ có ba người mà nhiều bánh quá! Bé Tâm nói. Để dành đến chốc nữa cho ba má, chị Hằng nhé!
- Ừ, để dành …
Nhưng Hằng không nói thêm “cho ba má “. Nó vừa nghĩ rằng chúng sẽ cần đến những cái bánh này nếu …
Rồi nước mắt nó chạy quanh. Để bé Tâm khỏi thấy, nó chỉ cho bé Tâm ra xem một tổ kiến lớn gần đó. Nó xếpbánh vào làn và nói:
- Anh Việt này, em không dám nói trước mặt bé Tâm, nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật! Chúng ta bị lạc rồi phải không?
Việt gật đầu:
- Ta chỉ còn một cách: Cứ theo lối trước mặt mà đi về hướng tây .
- Thế mình có thể tới trước khi trời tối không? Hằng nghẹn ngào hỏi .
- Làm sao biết được? Anh đã định rằng nếu trời tối, ta sẽ đặt bé Tâm nằm dưới một gốc thông rồi anh em mình thay phiên nhau mà trông nó. Ở đây không có thú dữ đâu mà sợ .
- Nhưng có Y-Blơm!
Việt bỗng chột dạ. Hôm qua khi nhà phóng viên Thanh Tùng nói đến Y-Blơm, nó còn ước ao muốn gặp tên tướng cướp để xem thế nào. Nhưng nay thì …
Tuy nhiên, nó không muốn tỏ ra sợ hãi. Nó là anh cả, chủ gia đình. Lúc thường ở nhà, nếu có một đôi khi con Hằng tỏ ra bộ hơn nó ở vài điểm, thì trái lại, lúc này, nó cảm thấy em gái nó phải tin tưởng vào lòng can đảm của nó, nên nó không thể làm cho em nó phải thất vọng. Nó quả quyết:
- Chúng ta sẽ không gặp Y-Blơm đâu! Tin sao được lời ông phóng viên! Em không mệt là tốt. Ta sẽ cõng bé Tâm nếu cần. Thôi, đưa chiếc làn mây anh mang rồi chúng ta lên đường

Chương 02

Đi được một lúc lâu, bọn trẻ tới một cao nguyên bằng phẳng, có mấy gốc thông. Bé Tâm khẩn khoản:
- Chúng ta nghỉ đi, anh chị ơi! Em đi hết nổi rồi! Còn xa nữa không hả?
Đây là lần thứ ba nó hỏi câu đó. Nhưng Việt chẳng biết trả lời làm sao vì chúng nó bị lạc hẳn rồi. Từ trưa tới giờ, ba đứa cứ đi liều lĩnh cầu may theo hướng mặt trời .
Bé Tâm có lẽ cảm thấy nỗi lo âu của anh nó, vì nó hỏi thêm:
- Anh chắc biết lối đấy chứ, anh Việt?
Việt không muốn nói dối. Nhưng nếu nó nói thật thì bé Tâm có đủ can đảm tiếp tục đi nữa hay không? Nó mỏi mệt rồi, chân nó bị phồng lên.
Việt bảo em:
- Ta hãy dừng lại một lát, em ngồi nghỉ đi. Ăn cái bánh nhé .
- Thế còn anh chị?
Việt liếc nhìn Hằng đáp:
- Hằng và anh chưa đói đâu, em cứ ăn trước đi .
Trong khi bé Tâm ăn bánh, hai đứa lớn xích lại gần nhau thì thầm:
- Mặt trời đã xuống thấp rồi đó, Hằng nói .
- Tuy nhiên, có lẽ chưa quá 4 giờ đâu .
- Em cảm thấy như chúng ta đã đi bộ cả một thế kỷ rồi .
Một lát sau chúng lại lên đường. Hằng phải lôi tay bé Tâm. Bỗng nhiên, Việt chỉ cho hai em thấy phần dưới các cây đã bị mất hết lá .
- Sao thế này? Nó lẩm bẩm. Hình như lá cây đã bị thú vật ăn hết thì phải .
- Hay là chó sói? Bé Tâm vừa nói vừa nắm chặt tay Hằng .
- Ở đây làm gì có chó sói, vả lại chó sói có ăn lá cây bao giờ? Có lẽ là … phải rồi, những con dê đây mà! Kia trông vết tích của chúng!
Trên mặt đất, người ta thấy rải rác những viên nho nhỏ đen đen mà những con dê để lại khi chúng đi qua. Hằng nói :
- Vậy thì sắp có sữa uống cũng nên? May quá? Em đang khát khô cả cổ!
- Có dê tất nhiên phải có người chăn, Việt đáp. Họ sẽ chỉ đường cho bọn ta và chắc cũng có một cái buôn gần đâu đây mà ta có thể ngủ nhờ qua đêm .
Bé Tâm lo lắng hỏi :
- Thế ta không đi tới chỗ ba má à?
- Có chứ, Hằng đáp. Tuy nhiên, có thể ta chưa tới kịp tối nay mà thôi .
Rồi chúng tiếp tục lần theo dấu vết của đàn dê.
Bỗng nhiên Hằng dừng bước:
- Anh Việt! Hình như có tiếng động.
Chúng bèn lắng tai nghe .
- Đúng là người chăn dê rồi, Hằng kêu lên với vẻ sung sướng. Ta phải mau mau tới đó mà hỏi thăm .
Tiếng nói bây giờ nghe rõ hơn và là tiếng một bà già, hình như đang giận dữ .
Hằng cầm lấy tay bé Tầm rồi cùng Việt tiến lại gần .
Chúng chợt nom thấy một bà già người Thượng ngôì trên một tảng đá, tay cầm chiếc gậy. Mụ có một chiếc mũi quặm và bộ tóc dơ dáy buông lòa xòa xuống đôi mắt nhìn hau háu .
Việt lên tiếng rất lễ phép:
- Thưa bà, bà có thể …
Nom thấy chúng, mụ chăn dê vội đứng phắt dậy, quát lên một tiếng rồi dơ chiếc gậy lên hăm doạ chúng .
- Bà đừng sợ, Hằng nói. Chúng cháu bị lạc đường và …
Mụ già không hiểu tiếng Kinh. Mụ lại quát lên và tiến thêm một bước gần lũ trẻ .
Chúng chỉ kịp lùi lại để tránh một ngọn gậy mà mụ vụt xuống .
- Mụ này ác quá, bé Tâm lẩm bẩm. Chị Hằng ơi! Chắc là mụ phù thủy! Chạy đi em sợ lắm!
Hằng đang muốn chạy. Nhưng Việt lấy lại can đảm, cố gắng thuyết phục bà già .
- Bà cho bọn cháu biết bờ hồ ở phía nào. Phía này hay phía kia? Nó vừa nói vừa dơ tay chỉ .
Mụ ta có vẻ sợ sệt hơn, kêu lên vài tiếng và biến mất sau những bụi cây .
Đàn dê chạy theo mụ, trong khi ba đứa trẻ nhìn nhau với vẻ chán nản .
- Ta thử đi theo mụ xem sao. Việt đề nghị. Chắc mụ ta phải đi về một buôn hay một trại gần đây. Tới đó sẽ có người cho ta hỏi thăm .
- Anh nói phải lắm. Hằng đáp.
Nhưng bé Tâm níu lấy áo chị nó kêu lên:
- Em không muốn đi! Đó là mụ phù thủy! Mụ sẽ cho mình biến thành dê hết, hoặc mụ ta nhốt mình vào một hang đá rồi mình không thoát ra được! Chị Hằng ơi, em van chị!
Hằng do dự. Việt cầm tay bé Tâm nói với giọng cả quyết :
- Bé Tâm, ta phải đi theo. Em đã nghe thấy đó: Chúng ta bị lạc rồi. Em muốn ngủ đêm ở rừng này hay sao ?
Bé Tâm thôi khóc nhưng nó run rẩy cả chân tay .
Đi được mấy bước, chúng đã thấy mất hút lối đi của mụ chăn dê. Chúng đi một lúc nữa nhưng chẳng nhận ra dấu vết gì nữa .
Việt thât vọng nói :
- Em Hằng, chúng mình có đi nữa cũng vô ích. Tốt hơn hết ta nên tìm một nơi kín gió để bé Tâm ngủ.
Hằng nghẹn ngào hỏi :
- Nhưng còn ba má?
Việt lắc đầu buồn bã. Nó thấy bỏ cuộc là điều rất khổ tâm. Nhưng chẳng còn cách nào khác .
Nhìn quanh, chúng thấy một rặng thông có vẻ kín gió, chúng bèn đi tới và ngạc nhiên thấy một cái lều nấp dưới bóng cây. Lều bỏ trống, cửa để ngỏ, sàn có trải rơm .
- Ở đây chắc bé Tâm khỏi rét, Việt nói, ta ngồi xuống đây rồi lấy đồ còn lại ra ăn, sau đó ráng ngủ tới sáng mai .
Chúng thấy vừa mệt vừa đói. Chỉ còn vài chiếc bánh. Việt khuyên nên nhai thật lâu để có cảm tưởng rằng được ăn nhiều. Nó đã đọc thấy những nhà thám hiểm bị lưu lạc ở giữa bãi sa mạc thường đánh lừa cái dạ dày bằng cách nhai những hạt chà là .
Chúng còn hai trái cam, Việt và Hằng chia nhau một trái, còn một trái đưa cho bé Tâm .
- Em không lấy đâu! Thằng nhỏ cố cãi. Anh chị cũng khát như em chứ …như vậy là không công bằng .
Đứng tụm lại với nhau ngoài cửa lều, chúng nhìn bóng tối dâng lên chung quanh như một bức tường. Hai đứa lớn không dám nói lên một ý nghĩ hiện giờ át hết các ý nghĩ khác :
“Ba má chúng … bao giờ thì chúng gặp lại ba má chúng?”
Bé Tâm vừa thiu thiu ngủ, nằm ngả người vào chị Hằng gọi :
- Má ơi, má! Má đâu rồi?
Thật là quá sức chịu đựng: Con Hằng thấy nước mắt nó sắp trào ra. Còn thằng Việt thì nắm chặt hai tay lại để khỏi bật khóc .
Giọng nó nghẹn ngào :
- Mai em sẽ có má, bé Tâm à! Anh hứa với em …
- Mai em ạ! Hằng nhắc lại với vẻ bán tín bán nghi .
May thay bé Tâm đã ngủ say rồi: sự mệt nhọc đã thắng nổi lo âu của nó .
- Hằng đặt bé Tâm xuống rơm đi, Việt nói. Rồi em cũng nằm xuống mà ngủ . Bây giờ để anh thức trước, rồi lát nữa em sẽ thay phiên .
- Không, anh để em thức trước cho. Anh thường ngủ nhiều hơn em. Vả lại, em nhớ ba má quá nên không thể nhắm mắt được .
- Em muốn thế cũng được. Nhưng khi nào em buồn ngủ thì phải đánh thức anh dậy nhé. Hứa chứ ?
- Em hứa .
Việt nằm xuống cạnh bé Tâm, nó mệt quá nên vừa đặt mình xuống là ngủ ngay .
Hằng ra cửa lều ngồi. Khi còn một mình, hai giòng lệ nó tuôn ra như mưa. Nó tưởng tượng ra ba má ở nơi cắm trại đang lo lắng. Nó rất hối hận vì ý kiến của nó đi tới Cầu Mây mà xảy ra nông nổi này .
- Má ơi, má tha lỗi cho con!
Rồi sự đau khổ của nó cũng nguôi dần dần. Nhưng bỗng nhiên nó thấy hoảng sợ. Bóng đêm tối mịt mùng hình như che dấu những sự khủng khiếp. Vùng này không có thú dữ, đã đành, nhưng nó sực nghĩ đến Y-Blơm. Nếu tên tướng cướp hiện ra, chĩa súng vào nó, thì nó sẽ phải đối phó ra sao?
Nỗi sợ sệt làm nó tỉnh ngủ. Nhưng rồi vì quá mệt mỏi, nó tựa vào cửa thiếp đi .
Lối một giờ sau, nó giựt mình thức giấc. Nó thấy có ánh sáng bao bọc chung quanh, một ánh sáng xanh xanh êm dịu. Nó chưa hiểu đó là ánh trăng mới lên và nó tưởng tượng rằng ánh sáng đó là của một bà tiên mang tới!
Thoạt tiên, nó thấy mừng thầm trong bụng, vì nó nghĩ bọn người này có thể chỉ đường cho chúng! Nhưng nó lại vừa nhận ra mụ chăn dê dẫn đầu và chỉ huy bọn kia bằng chiếc gậy cầm trong tay .
Con nhỏ bỗng thốt ra một tiếng kêu. Không thể lầm được nữa: bọn người này có ác ý đây! Thấy con nhỏ cử động, bọn người dừng lại, nụ già bèn cầm gậy chĩa về phía lều như dọa dẫm, còn những người khác thì do dự, có vẻ vừa tức giận vừa sợ sệt .
Hằng đứng đờ người ra, sự kinh hãi làm máu nó như ngưng chảy. “Bé Tâm” nó nghĩ thầm, chúng sẽ giết bé Tâm!
Bỗng có tiếng thì thầm bên tai nó :
- Em đừng sợ, có anh ở đây. Họ muốn tấn công mình hay sao? Việt hỏi nho nhỏ
- Có lẽ anh ạ. Sao họ lại ác cảm với bọn mình như thế?
- Em vào tạm trong lều đi, để anh ra nói chuyện với họ .
- Không, em ở đây với anh .
- Nếu họ tấn công, chúng ta sẽ chống cự. Đưa cho anh chiếc gậy ở cạnh cửa đó .
Hằng nhặt gậy đưa cho anh. Việt tiến lên một bước, bọn người kia vội lùi lại .
Nhưng sau một lát do dự, bọn họ lại tỏ vẻ hung hăng. Mụ chăn dê hét lên một tiếng và tiến lên, bọn người kia tiến theo. Việt bèn đẩy Hằng về phiá sau, rồi đứng chận ngay lối cửa ra vào lều, sẵn sàng nghênh chiến.
Mụ già có vẻ bạo dạn hơn bọn kia, mụ vừa tiến vừa dơ gậy lên phía trước. Đợi cho mụ gần tới, Việt liền vung gậy gạt mạnh một cái, chiếc gậy của mụ bị văng xuống đất. Mụ vội nhặt lên, rồi hai bên lại đứng thế thủ .
Những vòng người mỗi lúc một thu hẹp lại chung quanh ba đứa trẻ. Làm cách nào để ngăn họ khỏi xông vào lều?
- Lạy trời che chở cho chúng con! Hằng lẩm bẩm .
Lời cầu khẩn của nó hình như đã được trời nghe thấy! Một giọng nói oang oang từ trong rừng vọng ra. Mụ chăn dê và đồng bọn nhớn nhác quay lại. Ngay lúc đó, một người đàn ông cao lớn hùng dũng từ trong rừng xông ra, trông như một vị thiên thần .
Hoạt cảnh thay đổi một cách kỳ lạ. Bọn người kia không dám xông vào lều nữa, mà họ líu ríu tiến đến chỗ người lạ với dáng điệu khúm núm sợ sệt .
Việt và Hằng mở to đôi mắt để hiểu lý do của sự thay đổi lạ lùng đó .
Người lạ dơ tay ngoắc bọn kia lại gần rồi dùng tiếng Thượng nói với họ, hình như để la rầy sự bạo hành mấy đứa trẻ trong lều .
Rồi chàng dơ tay ra hiệu cho bọn người rút lui .

Chương 03

Sau đó người lạ mặt quay nhìn về lều với vẻ mặt trầm ngâm. Trong sự im lặng của đêm khuya, thái độ này làm cho hai đứa nhỏ thấy lo lắng. Chúng nghĩ rằng lúc này có lẽ lại sa vào một mối nguy hiểm lớn hơn trước .
Người lạ mặt tiến lại hỏi:
- Các em làm gì ở đây trong đêm khuya khoắt như thế này?
- Thưa ông, chúng cháu đi lạc đường, Việt đáp .
- Lạc đường, các em từ đâu tới? Từ quận lỵ chăng?
- Thưa ông không, Hằng đáp. Chúng cháu cắm trại với ba má ở bờ hồ. Chắc ba má cháu đang lo sợ lắm .
- Ta không hỏi con nhỏ, ta hỏi thằng anh kia! Đứa con trai, bao nhiêu tuổi?
- Thưa ông cháu 12 tuổi, Việt đáp .
- Em can đảm thế rất tốt. Ta đã thấy em kháng cự lại bọn dân làng ban nãy. Ta rất mến những đứa con trai không nhút nhát như cáy .
- Nhưng thưa ông, sao dân làng lại ác cảm với chúng cháu? Hằng hỏi .
- Mụ chăn dê có tính dở người. Mụ nói với dân làng rằng các em mang bùa ngãi tới định hại họ nên họ muốn đuổi các em đi nơi khác .
- Kỳ thật! Việt đáp. Còn bé Tâm thì lại cho mụ ấy là mụ phù thủy .
- Bé Tâm là ai? Phải con bé này không?
- Thưa không, đó là em cháu, nó đang ngủ trong lều .
- A, lại thêm một đứa nữa! Người lạ nhăn mặt nói. Các em có tất cả bao nhiêu đứa? Tám? Mười? Không, ba thôi à? Dầu sao, không phải là mấy chục đứa thì cũng đỡ. Nhiều thì cũng vui đấy, nhưng ta biết làm gì với một đàn trẻ bây giờ .
Hằng rụt rè hỏi :
- Thưa ông, ông có thể đưa chúng cháu về với ba má không ạ?
- Không, không thể được, người lạ mặt đáp một cách khô khan. Ta đâu phải là một vú em? Thôi để ta suy nghĩ đã. Ta không thể để mặc các em ở đây, sợ dân làng lại tới hỏi thăm một lần nữa .
- Thưa ông, ông không ở trong buôn này ạ? Việt hỏi .
- Ta chẳng ở đâu nhất định .
- Thế ông làm nghề gì ạ? Hằng hỏi .
- Ta là người đốt than .
- Thưa ông, Việt đề nghị, ông cho chúng cháu ở lại đây với ông tới khi kiếm được ai dẫn đường cho chúng cháu .
- Ta cũng chẳng thấy có cách gì khác. Tuy nhiên, ta không thể ở lại đây với các em được. Ta còn phải đi chừng một giờ nữa mới tới nơi dùng bữa. Còn các em đã ăn uống gì chưa?
- Thưa, chúng cháu ăn chút xíu rồi ạ. Việt đáp .
- Như vậy các em chắc còn đói lắm! Vậy đi cùng ta. Gọi thằng nhỏ dậy, lẹ lên .
- Thưa ông để cháu gọi. Hằng vừa nói vừa chạy vào lều .
Người đốt than và Việt đứng đợi .
- Thưa ông, ông đi săn về ạ? Việt vừa hỏi vừa chỉ cây súng của người lạ mặt .
- Đi săn về? Người kia nhắc lại. Không phải! Nếu đi săn về thì ta phải mang thú vật chứ!
- Cũng có ngày không bắn được gì ạ …
- Ta thì không thế! Người kia đáp với giọng kiêu hãnh. Cây súng này chưa bao giờ bắt trượt …
Việt sợ câu nói trên đã làm người này phật ý nên nó nín thinh .
Hằng đã gọi được bé Tâm dậy và dắt nó đi ra, mắt nhắm mắt mở .
- Thằng này hãy còn bé thế kia à? Người đốt than kêu lên. Nó còn ngái ngủ. Có sao không nhỏ?
Bé Tâm nhăn nhó đáp: Cháu bị đau chân ạ .
- Ừ, chân nó bị trầy thật. Rồi mai ta chữa cho. Bây giờ bé không đi được thì ta có cách .
Nói đoạn người đó cúi xuống, nhấc bổng bé lên trông nhẹ như một cái lông chim, và đặt bé ngồi lên vai mình .
- Thưa ông, nó nặng lắm đó ạ, Hằng nói. Ba cháu cũng không vác được nó lâu
- Khỏi lo. Nhỏ con ngồi chắc nhé! Còn hai em theo ta .
Việt và Hằng bước theo một cách chật vật, vì người đốt than tuy vác nặng mà vẫn đi nhanh .
- Thế nào? Đi được chứ? Người đó quay lại hỏi. Được, ta thấy hai em đi cũng còn khỏe đấy…sắp tới nơi rồi .
Việt và Hằng đinh ninh rằng sẽ đi tới một xóm nhà hay một nông trại. Nhưng chúng rất ngạc nhiên thấy mục tiêu của cuộc hành trình cũng lại là một căn lều bằng gỗ, ẩn trong bụi rậm .
Người đốt than vào lều, bật lửa lên để thắp đèn, rồi đi lấy chiếc túi để ở góc lều .
- Tốt lắm, hắn nói, ta thấy tên đầu bếp của ta đã không quên bữa ăn chiều … Các em ngồi xuống đây, để ta xem trong túi có gì nào .
Rồi hắn lần lượt lôi ra bánh mì, thịt hộp, trái cây .
Ba đứa trẻ bụng đói như cào, nuốt nước miếng .
- Nào các em ăn đi .
Rôi bốn người cùng ăn rất ngon lành .
Bỗng nhiên Hằng ngừng lại:
- Nhưng thưa ông, chúng cháu đang ăn hết lương thực của ông!
- Em cứ yên tâm. Số lương thực này ta dùng được hai ngày: mai ta sẽ kiếm cái khác lo gì?
Khi mọi người đã no nê rồi, người đốt than nói :
- Bây giờ các em có thể lại đi ngủ. Có đủ chổ cho bốn người trong lều này, hơi chật chút thôi…Chắc các em có thể ngủ ổ rơm được .
- Thưa ông, nếu là dân cắm trại chính cống, thì có thể nằm đâu cũng được ạ! Việt đáp .
- Vậy thì tốtt lắm, nằm xuống ngủ đi. Còn ta ra ngoài hút điếu thuốc cái đã . Nhân tiện, ta dặn các em: nếu sáng mai thức dậy không thấy ta thì chớ có lo nhé, cứ ở đó đợi ta về .
Hằng hỏi :
- Có lẽ ông đi đốt than ạ?
- Phải, à không! Bây giờ ta chưa đốt, ta chỉ đi kiếm sẵn địa điểm để mai kia dùng
Việt nói :
- Tiếc quá cháu muốn được xem ông đốt than ra sao .
- Dể lắm, rồi em sẽ được xem. Mai ta sẽ cho em đi săn cùng ta, phải kiếm cái gì ăn chứ, vì lương thực đã cạn rồi. Chắc em cũng thích đi săn …À, mà tên em là gì?
- Thưa ông, cháu tên Việt ạ!
- Còn con nhỏ kia ?
- Thưa ông, Hằng ạ. Em cháu là Tâm. Thưa, còn ông ?
Người đó ngần ngừ :
- Mọi người gọi a là Ê Ban
Rồi ba đứa trẻ nằm xuống ổ rơm .
- Thưa ông, cho cháu đặt bé Tâm vào phía trong cho khỏi rét, Hằng nói .
- Trong ổ rơm thì không bao giờ rét cả. Nhưng để ta đắp cho nó ấm .
Nói đoạn người đốt than cởi áo ngoài ra đắp cho bé Tâm, lúc đó đang ngủ say .
- Nhưng còn ông? Hằng hỏi .
- Không, ta đã quen rồi. Em cũng đi ngủ đi chứ. Em còn thắc mắc gì mà cứ loanh quanh như vậy?
- Thưa, cháu muốn … Hằng ngập ngừng. Cháu muốn … Ông hứa sẽ không bỏ đi trong đêm khuya .
Người đốt than mỉm cười :
- Thế em tưởng rằng ta bỏ các em hả?
- Cháu không rõ, nhưng cháu lo ngại .
- Thôi đuợc, ta hứa, nếu như thế làm cho em yên tâm. Và ai cũng biết là Ê Ban chưa bao giờ sai lời nói .
Con nhỏ vẫn đứng yên đó .
- Bây giờ thì em đi ngủ đi, vì hết thắc mắc rồi. Ta thấy hình như em không muốn ngủ, sao vậy?
- Thưa ông, cháu muốn thức để canh anh Việt, cháu nghĩ hai đứa không nên ngủ cả một lúc. Chúng cháu biết rằng ở đây không có thú dữ, nhưng chúng cháu sợ tên tướng cướp…
Người đốt than chau mày :
- Tên tướng cướp? Tướng cướp nào?
- Thưa , Y Blơm ạ!
- Y Blơm … người đó nhắc lại với một giọng lạ lùng. Ai nói với em rằng hắn ở vùng này?
- Thưa ông, tuần trước ở dưới chợ quận, chúng cháu thấy một toán cảnh sát được phái đi lùng bắt hắn .
- À! Các em trông thấy … Thế có nhiều cảnh sát không?
- Thưa ông, có tới hai chục người ạ .
- Thế ai chỉ huy? Em có thấy viên đại úy không ?
- Thưa, ba cháu có nói chuyện với ông ta .
- Có phải là một người nhỏ, gầy có râu mép không?
- Thưa đúng ạ .
- Ta thấy khó lòng mà bắt được Y Blơm .
Người đốt than như có vẻ rất vui thích nghĩ rằng tên tướng cướp sẽ thoát khỏi tay cảnh sát. Hắn nói với giọng rất ôn tồn :
- Như các em thì khỏi lo ngại gì cả, Y Blơm không làm hại trẻ con đâu .
- Vậy ông biết hắn? Hằng hỏi .
- Ai ai cũng đều biết Y Blơm cả .
- Thế ông không sợ hắn ta? Người ta đồn hắn dữ tợn lắm .
- Ta chẳng sợ ai cả .
- Vậy nếu Y Blơm tới đây, ông sẽ …
- Đừng có nghĩ gì đến Y Blơm nữa. Đứa con gái nào cũng hay đặt câu hỏi! Khi chúng mới biết nói là hỏi “tại sao”, “thế nào” và hỏi những câu mà chẳng ai có thể trả lời được. Trông anh cháu kìa, nó có hỏi gì đâu?
Hằng nhìn Việt. Anh nó không hỏi là vì có lý do: mới nằm xuống ổ rơm, nó đã ngủ say như bé Tâm, dù súng đại bác có bắn bên tai cũng không làm chúng thức dậy .
Con nhỏ vào lều nằm và không bao lâu nó cũng ngủ say như chết .
Trong khi đó, cây súng kẹp ở đùi, vị cứu tinh của chúng đang hút nốt điếu thuốc chót ngoài cửa lều .
- Rắc rối quá! Hắn nghĩ thâm. Với lũ trẻ này, làm sao đây? Ta không thể bỏ chúng trong tay các dân làng. Và trong rừng này, chúng không thể tìm lối về, cái đó là chắc chắn. Nhưng ta cũng không thể làm vú em cho chúng! Riêng một mình ta cũng đã nhiều khó khăn, huống hồ còn đèo bồng thêm kẻ khác…vậy làm sao đây?...
Hắn hút nốt điếu thuốc, dẫm lên cho tắt hết rồi vào lều. Trước khi ngủ, hắn đặt cây súng vừa tầm tay, như để đề phòng một sự gì nguy hiểm sắp xảy đến

(Còn tiếp)

hongbinh
19-09-2012, 08:49 PM
Chương 04

Sáng hôm sau, khi Hằng thức dậy, nó không thấy người đốt than trong lều. Mới đầu, nó chột dạ, sợ rằng người đó đã bỏ đi mất, nhưng rồi nó lại vững tâm: Người ấy chẳng hứa với nó rồi sao? Vả lại, chiếc áo của người đó vẫn còn đắp trên người bé Tâm đang nằm ngáy khò khò.
Đến lượt Việt cũng tỉnh dậy. Nó dụi mắt, nhìn quanh như không biết mình đang ở đâu, rồi mỉm cười với Hằng:
- A, khỏe rồi! Nó vươn vai nói. Ông Ê Ban đâu hả em?
- Em không rõ, ông ta có dặn rằng chớ có ló ra ngoài nếu sáng dậy không thấy ông …
- Có lẽ ông ta đi báo cho ba má tụi mình biết cũng nên .
Hằng thở dài não nuột:
- Khổ thân ba má quá chừng! Em chắc ba má cũng mất ăn mất ngủ vì nghĩ rằng chúng ta bị kẻ cướp giết chết hay bị mất tích vĩnh viễn.
- Nếu không có ông Ê Ban thì chắc chúng ta lâm vào cảnh đó rồi chứ còn gì nữa .
- Chúng ta sẽ bị chết đói chết khát .
- À ! Lại nói đến chuyện đói. Ta thèm ăn cái gì điểm tâm … thế còn em? Một chén cà phê sữa, với bánh mì nuớng phết bơ?
- Gớm, anh chỉ nghĩ đến ăn, Hằng vừa đáp vừa tự hào rằng con gái không háu đói cũng là một ưu điểm hơn bọn con trai .
Vừa lúc đó, chúng nghe thấy tiếng chân người đi tới. Người đốt than đã trở về :
Dưới ánh sáng ban ngày, trồng mặt người đó có vẻ đen hơn vì bộ râu mọc quanh hàm .
Bộ râu làm ông ta thành dữ tợn. Hằng tự nghĩ. Đáng lẽ mỗi sáng ông ta phải cạo râu như ba mình mới phải .
Ông Ê Ban vui vẻ nói:
- Đêm qua ta có đặt bẫy, lát nữa chúng ta sẽ ra coi, chắc thế nào cũng kiếm được bữa ăn ngon .
- Sao ông không săn thỏ bằng súng ạ?
- Súng gây tiếng động lớn, dưới quận nghe thấy được .
- Như thế thì có sao ạ? Hằng hỏi .
Ê Ban không đáp. Hắn vào lều mang ra chiếc túi hôm qua .
- Trong này chẳng còn nhiều nhặn gì, hắn nói. Chỉ có chiếc bánh mì, may ra ăn tạm vậy .
Trong khi đó, Hằng quan sát chung quanh rồi hỏi:
- Thưa, ông ở đây có một mình ạ?
- Phải!
- Ông không có vợ con?
- Đó đó! Lại những câu hỏi! Em này tò mò quá há? Không, ta không có vợ, không có con …Bây giờ em còn muốn hỏi gì nữa không?
Hằng đỏ mặt đáp:
- Thưa, không phải cháu tò mò. Nhưng cháu chỉ nghĩ rằng cuộc đời không vui vẻ mấy nếu sống cô độc. Tuy nhiên, ông không có vẻ buồn rầu, trái lại … thấy luôn luôn ông mỉm cười.
- Em thấy rằng trong rừng này, thỉnh thoảng ta cũng gặp người này người khác chứ!
Mọi người chia nhau chiếc bánh mì. Ăn xong, Ê Ban đề nghị chữa chổ chân đau cho bé Tâm .
- Ông có thuốc ạ? Hằng hỏi .
- Cần chi thuốc, rồi em xem .
Hắn bèn lấy cái bong bóng lợn đựng đầy rượu cần và đổ ra rửa chổ đau cho bé Tâm thật kỹ .
- Chẳng có gì tốt hơn! Hắn nói. Một chỗ đau mà rửa bằng rượu cần thì không làm độc .
Bé Tâm nghiến răng cố chịu sót không kêu .
- Rồi! Em không còn đau nữa. Kiêng đi bộ từ giờ tới chiều là khỏi .
Không đi bộ! Việt và Hằng đưa mắt nhìn nhau, lo lắng:
- Nhưng thưa ông, Việt ngượng ngùng nói, chúng cháu cần phải …
Ê Ban chau mày, vẻ mặt của hắn trỏ nên nghiêm khắc, gần như giận dữ .
- Em nói sao?
- Thưa ông, Việt ấp úng, chúng cháu muốn sớm được vễ nơi cắm trại .
- Thưa ông, Hằng giải thích thêm, ba má chúng cháu đã biệt tin của chúng cháu từ một ngày nay rồi. Chúng cháu phải về trước chiều nay .
- Ồ, chuyện đó thì không thể được!
Việt và Hằng nhìn nhau. Không thể được? Tại sao vậy? Con nhỏ thấy nước mắt nó chạy quanh. Sau khi đã tưởng là được cứu thóat, có phải nay chúng lại mắc vào một cuộc phiêu lưu khác hay không?
Nó mạnh dạn hỏi:
- Thưa ông vì sao, vì sao không thể được?
- Vì ta bảo thế, Ê Ban đáp sẵng giọng .
- Thế chúng cháu phải ở đây lâu ạ?
- Lâu thì không lâu, chỉ tới khi nào ta nhận được một vài tin tức cần thiết mà thôi .
- Tin tức? Hằng nhắc lại. Cháu không hiểu sao những tin tức lại có thể tới một nơi mà không có người phát thơ .
- Phải tin tức, người đốt than đáp với giọng bực bội. Dầu sao thì lúc này ta cũng không thể xuống tới bờ hồ được .
- Thưa ông, có phải vì Y Blơm?
Ê Ban nhìn Hằng bằng con mắt kỳ dị đáp:
- Phải, vì Y Blơm .
- Nhưng ông nói rằng hắn không ở trong vùng này kia mà .
- Ta không nói vậy, vả lại, nếu hôm qua hắn không ở đây, thì hôm nay hắn cũng có thể tới đây chớ sao .
- Ông cũng nói là ông không sợ hắn .
- Ta chẳng sợ ai hết. Nhưng ít ra ta cũng có quyền làm theo ý muốn của ta chớ, phải không? Ta sẽ báo trước khi nào ta sẽ có thể dẫn các em về. Cho tới khi đó thì …
Việt hỏi :
- Chúng cháu phải ở trong rừng này?
- Đúng thế, và ta khuyên các em đừng có dại dột trốn đi nhé, các em đã thấy cái gì xảy đến rồi đó .
- Thưa ông không, chúng cháu không trốn đâu ạ, xin ông yên tâm. Hằng đáp .
Ê Ban mỉm cười. Khi hắn mỉm cười, vẻ mặt gân guốc của hắn bỗng trở nên rất hiền hậu .
- Tốt lắm, hắn đáp, ta thấy em biết điều. Vậy ở đây với thằng nhỏ con, trong khi Việt đi cùng ta kiếm thức ăn sáng .
Bé Tâm háo hức hỏi:
- Ông đi chợ ạ?
- Mày ngu quá! Hằng nói. Trong rừng mà có chợ à?
Ê Ban và Việt đi soát các bẫy đã chăng hôm qua .
Việt nhìn người đó với vẻ mặt lo âu, nhưng hắn không còn vẻ gì giận nữa, trái lại, hắn cười với đôi mắt hóm hỉnh .
Việt thấy hắn đeo súng trên vai, vội hỏi:
- Cháu tưởng ông không muốn săn bằng súng?
Ê Ban lắc đầu:
- Ta sẽ không dùng súng, nếu trời muốn thế, nhưng ta cần luôn luôn mang nó theo người .
- Vì Y Blơm ạ?
- Đúng như lời em nói .
Hằng ở nhà ngồi đợi tự nghĩ:
- Ta mong họ về quá! Ta thấy yên dạ hơn khi ông Ê Ban có nhà. Tuy nhiên, nhiều khi ông cũng làm ta sợ, ông ấy kỳ dị quá, lúc thì tốt như một người cha hay một người anh cả, lúc thì giận dữ, gần như tàn nhẫn … Nhưng sao ông ta lại lưu giữ chúng ta ở đây khi ông ta có thể đưa chúng ta về với ba má hoặc cho người nào khác đưa đi .
Khi nghĩ đến ba má, nó thấy lòng đau nhói .
Trong rừng Ê Ban và Việt đang đi soát từng cái bẫy. Cái thứ nhất chẳng có gì, Ê Ban chỉ cho Việt cái nút bằng giây kẽm dấu trong cỏ. Nếu con thỏ chạy qua và chui đầu vào nút tức thì nút thắt lại và con vật sẽ bị mắc .
- Em thấy đó, chẳng có con nào qua đây. Tuy nhiên, đây là một chỗ tốt lắm: có nhiều dấu vết của thỏ. Bây giờ ta xem cái thứ hai .
- Ông làm thế nào để tìm ra những chiếc bẫy ạ? Thằng nhỏ hỏi .
- Đó là điều khó nhất! Khi ta mới bắt đầu chăng bẫy, có lần tìm không thấy, ta nổi khùng vì nghĩ rằng mất những con thỏ tốt .
Đến bẫy thứ hai cũng chẳng có gì, nhưng tới bẫy thứ ba thì họ thấy một con thỏ rừng lớn .
Ê Ban chỉ cho Việt ngắm nghía mầu lông hung hung rất đẹp của nó, khác hẳn màu xám của những con thỏ thường. Việt bỏ con vật vào túi mang theo và hai người quay về lều. Khi về tới nơi. Việt hỏi :
- Chân bé Tâm thế nào?
- Tốt lắm. Hằng đáp. Em chẳng thấy bé kêu đau một lần nào nữa .
- Bây giờ ta đi sửa soạn bữa ăn. Ê Ban nói. Đáng tiếc là không có soong chảo gì hết. Nhưng thỏ rừng rô ti cũng tuyệt lắm .
Ê Ban làm thịt con vật, trong khi Hằng và bé Tâm kiếm cành khô để nhóm lửa. Ê Ban quay xong con thỏ, bèn tắt lửa cẩn thận và bảo lũ trẻ đem tro đổ vào bụi cây .
- Thưa ông để làm gì? Hằng hỏi .
- Để không còn dấu vết gì khi chúng ta rời khỏi nơi này .
- Lửa đã tắt hết thì cái đó có quan hệ gì ạ?
- Ta bảo sao thì cứ làm vậy, cớ gì cứ hỏi căn vặn thế?
Hằng không dám nói gì thêm .
Ê Ban lấy dao cắt thịt thỏ và chia cho mỗi đứa một miếng lớn. Chúng ăn thật thỏa thích .
- Ngon quá! Bé Tâm vừa nói vừa mút mấy ngón tay .
Xong bữa, Ê Ban nói:
- Bây giờ các em có thể ngủ vài giờ, ta cũng nằm nghỉ trong khi trời đang nóng. Phải nghỉ ngơi cho khỏe: có lẽ chúng ta phải đi trong đêm nay .
Hằng hỏi:
- Sao thế ạ? Thế ta không ngủ ở đây?
- Lại con bé này! Em không thể ngưng đặt câu hỏi hay sao? Ngộ ta không thích trả lời có được không?
Nghe giọng nói đó, Hằng cắn môi muốn khóc. Tuy nhiên, nó mến người đó lắm; khi hắn vui vẻ thì nó tin cậy như một người thân trong gia đình .
Hằng nằm xuống định ngủ, nhưng nó không thể nào chợp được mắt. Thấy Việt cũng chưa ngủ, nó xích lại gần:
- Anh Việt này, tại sao ông Ê Ban lại không chịu đưa chúng ta về với ba má?
- Anh không rõ. Chắc có một lý do nào đó. Nhưng đừng lo em ạ: Ông ta đã cứu tụi mình ; đó là điều quan trọng nhất lúc này .
Tuy nhiên, chính Việt cũng không yên dạ mà nó không dám nói ra … Những chuyện trẻ con bị bắt cóc, cha mẹ phải chuộc với một số tiền lớn đang lởn vởn trong đầu óc nó. Nếu ông Ê Ban định giữ chúng trong rừng để đòi một số tiền của ông bà Ngọc Quang thì sao?
- Không thể được! Nó tự nhủ. Chỉ có bọn cướp mới hành động như thế! Ông Ê Ban đâu phải …
Nhưng một ý nghĩ khác xuất hiện trong đầu óc nó. Ông Ê Ban có thật là người đốt than như ông nói hay không? Việt dự định sẽ quan sát hai bàn tay của ông, nếu có vết than đen là ông ta nói thực. Bằng không …
Nó nhìn Hằng, rồi nhìn bé Tâm đang ngủ, trong lòng lo ngại .

Chương 05

Sau giấc ngủ trưa,những đứa trẻ đang ngồi chờ để lên đường, nhưng ông Ê Ban cho biết tin tức chưa đến nên cần phải đợi thêm. Rút con dao ra, ông bắt đầu khắc trên thỏi gỗ một hình người cho bé Tâm .
Ngồi cạnh đó, thằng nhỏ chăm chú theo dõi thằng người thành hình. Cái tượng trông thật ngộ nghĩnh, với một cái mũi lớn, một lọn tóc xõa xuống trán và đôi mắt to .
- Ơ này, bé Tâm nói, trông ngộ quá, nó giống hệt bác sĩ Phước đã chữa cho em khi em bị ho gà! Trông này chị Hằng, có đúng là bác sĩ Phước không?
- Trời ơi, ông Ê Ban là một nghệ sĩ tài ba! Con nhỏ nói .
Việt làm bộ ngắm nghía bức tượng. Nhưng thực ra, nó nhìn kỹ hai tay ông Ê Ban, gân guốc và đen cháy vì thời tiết, nhưng không mang một vết than nào cả. Việt thầm nghĩ:
- Ông ta nói dối! Khi người ta nói dối thì phải có điều gì dấu diếm …Trời ơi! Sự thật ra sao đây?
Như trong một cơn ác mộng, nó nghe ba người kia đang đấu chuyện thân mật .
- Ta luôn luôn ham thích khắc gỗ, ông Ê Ban nói với Hằng và bé Tâm. Hồi xưa, ở trong buôn, ta vẫn khắc những bức tượng nhỏ mà mẹ ta mang đi bán cho các du khách .
- Bây giờ ông thôi khắc rồi ạ? Bé Tâm hỏi .
- Bây giờ thì ta không về buôn từ lâu. Nhưng mẹ ta vẫn ở đó .
- Ông không đi thăm cụ à? Hằng hỏi .
Ê Ban không đáp, nhưng mặt ông ta thoáng buồn. Thấy vậy, con nhỏ rất hối hận đã nói quá nhiều .
Ông ta tiếp tục khắc một lúc lâu nữa. Bức chân dung bây giờ đã rõ hẳn: mái tóc như gợn sóng, một cái nhìn mỉa mai tỏa ra từ đôi mắt .
- Đúng là ông bác sĩ! Bé Tâm vừa nói vừa vỗ tay reo. Chị Hằng còn nhớ không, lúc ông ấy chọc em bảo em phải kiêng ăn mãi mãi không? Khi ấy ông ta có hệt đôi mắt nhìn này .
Khi bức tượng khắc xong, Ê Ban đưa tặng bé Tâm. Nó cám ơn rối rít. Rồi ông ta ngồi xuống, vẻ mặt trầm ngâm. Hằng cũng im lặng, hai tay đan mấy sợi rơm .
Bỗng nhiên có tiếng chân người đi tới, Ê Ban đứng phắt dậy, tay với khẩu súng .
Rồi có mấy tiếng Thượng nói lên, Ê Ban vội bước ra gặp người mới tới .
Đó là một thiếu niên độ 14-15 tuổi, dáng lanh lẹ, đôi mắt sắc. Hắn đưa một cái túi cho Ê Ban. Ông này chỉ cho người kia thấy ba đứa trẻ .
- Hằng ơi! Việt thì thầm. Chắc là tin tức mà ông Ê Ban đang đợi! Có lẽ ông sắp dẫn chúng ta xuống bờ hồ chăng?
- Vâng, nếu được vậy thì hay quá, khi em nghĩ tới ba má …
Ê Ban dẫn thiếu niên tới gần lều, vừa đi hai người vừa noi chuyện nho nhỏ . Bọn trẻ lắng tai nghe nhưng chẳng hiểu được tiếng nào vì họ nói toàn tiếng Thượng. Tuy nhiên, nhiều lần Việt nghe như họ nhắc đến tên Y Blơm .
Khi tới gần lều, Ê Ban vui vẻ hỏi:
- Các em đã đói chưa? Trông này, đây là bữa cơm chiều vừa từ trên trời rơi xuống cho ta .
- Chào ông, Hằng nói rất lễ phép với người mới tới .
Không phải ông, Ê Ban cải chính, đây là Y Môh, một người bạn rất tốt .
Ê Ban cầm súng lên nói:
- Trong khi mấy em ăn cơm, ta đi đằng này một lát. Y Môh ở đây với các em và ta sẽ trở về trước khi trời tối, đừng lo lắng gì cả .
Mấy đứa trẻ tụm lại gần nhau. Y Môh hỏi Việt:
- Anh ở Sàigòn đi học trường trung học?
- Vâng, còn anh?
- Tôi học trường trung học Ban Mê Thuột, lúc này đang nghỉ hè. Có lẽ sau này tôi thi vào nghành sư phạm. Còn anh sẽ vào ngành nào?
- Tôi định vào Kỹ thuật .
- Còn chị? Y Môh hỏi Hằng .
- Tôi thì chưa rõ. Có lẽ tôi viết sách .
Y Môh nhìn Hằng từ đầu đến chân:
- Chị là con gái thì dù bắt đầu bằng nghề gì, sau này vẫn phải trông con và quét nhà phải không?
- Thế cũng là khá rồi còn gì! Hằng đáp với vẻ hơi mếch lòng .
Trong lúc đó, bé Tâm đang xây nốt căn nhà, nó thêm một phòng cho thằng người gỗ mà ông Ê Ban mới tặng .
Việt ghé gần Y Môh:
- Ban nãy, trong câu chuyện với ông Ê Ban, tôi nghe như anh nhắc mấy lần tên Y Blơm. Hắn có ở trong vùng này không anh?
Y Môh có vẻ phật ý:
- Sao anh hỏi tôi câu đó? Anh đã nghe lầm: Tôi không nói đến Y Blơm. Vả lại, nếu hắn ở trong vùng này thì có sao?
- Tôi muốn gặp hắn ta! Việt cười đáp .
- Tại sao vậy?
Y Môh có vẻ tức giận lắm. Bọn trẻ không hiểu ly do vì sao .
- Đó là một tên tướng cướp! Việt đáp. Nếu anh gặp hắn thì anh có vui không?
Y Môh nhìn Việt với vẻ khinh bỉ :
- Tôi đã gặp hắn …và gặp nhiều lần!
Hằng ngạc nhiên:
- Thế hắn không làm hại anh hay sao?
- Làm hại tôi? Nhưng tôi hỏi hai người có điên khùng không thế? Anh lại tin vào những lời người ta đồn đại ở thành thị à? Nếu anh muốn biết rõ dân chúng nghĩ gì về Y Blơm, anh phải kiếm những người nhà quê, những người nghèo khó mà hỏi! Trong suốt cả vùng này, người ta sẽ cho anh biết rằng bất cứ ai xin Y Blơm giúp đỡ đều không bị từ chối bao giờ…, rằng hắn che chở cho đàn bà con nít, hắn giúp đỡ những kẻ hèn yếu và kẻ khốn cùng …Nếu hắn lấy tiền bạc của những kẻ phi nghĩa để cho những kẻ xứng đáng, thì tôi hỏi dở ở chỗ nào?
- Đúng … đó là hành động của Hiệp Sĩ Rừng Xanh, Hằng phê bình .
Vẫn chưa bị nao núng hẳn, do lời giải thích của Y Môh, Việt cãi:
- Tuy nhiên, hắn đã giết người!
- Hắn đã làm đúng! Y Môh lớn tiếng đáp. Nếu ở địa vị hắn, tôi cũng hành động như thế đó! Anh thử hỏi tất cả mọi người ở vùng này. Họ sẽ nói rằng hắn ta có lý .
Hằng hỏi:
- Vậy tại sao cảnh sát lại lùng bắt hắn?
- Họ bị bắt buộc, đó là nghề nghiệp của họ. Và họ lùng bắt với dụng ý không tìm ra hắn; bởi lẽ đó mà người ta mới bổ nhiệm một Đại uý cảnh sát từ tỉnh lỵ về đây, không phải là người xứ này, chẳng hiểu biết tí gì về Y Blơm và coi hắn như là một tên sát nhân tầm thường .
Việt nói với Hằng:
- Đó là vị Đại úy mà anh em mình đã gặp ở quận lỵ .
Hằng hỏi:
- Theo anh thì tất cả mọi người ở vùng này mến Y Blơm?
- Đúng thế Y Blơm là người mà tôi khâm phục nhất trên đời này!
Việt chẳng hiểu thế nào cả. Tại sao một người bị cảnh sát truy nã vì phạm tội sát nhân, lại được dân cả một vùng – theo lời Y Môh – sùng bái như một vị anh hùng .
- Tôi sẵn sàng hiến mạng sống của tôi cho hắn! Y Môh nói tiếp. Hắn là một người Thượng chính tông! Và tôi rất hãnh diện là đồng bào với hắn!
Bọn trẻ không dám cãi lại Y Môh. Một lát sau ông Ê Ban trở về, vai đeo súng .
- Chúng ta có thể khởi hành bây giờ, ông nói, và ngủ đêm ở buôn Ea Kniêr .
- Ở nhà người đốt than ạ? Y Môh hỏi .
Ê Ban gật đầu .
- Đã sẵn sàng chưa, các em? Bữa nay ta khỏi phải vác thằng nhỏ con chứ? Nào, ta lên đường!
Trước khi đó, Ê Ban và Y Môh đã cẩn thận mang tro liệng vào bụi rậm: họ không muốn để lại dấu tích gì. Bé Tâm đang lo họ sẽ phá hủy cái nhà của nó mà nó ước ao để ba má nó được xem một ngày nào đó. Nhưng khi Y Môh sắp hủy thì Ê Ban ngăn lại:
- Để đó, không phải cái này làm cho “họ” theo dõi bọn ta .
Tụi trẻ không dám hỏi “họ” là ai. Y Môh càu nhàu để lại cái nhà rồi họ lên đường.
Họ đi lâu lắm. Qua những quãng đường khó đi, Ê Ban phải bế bé Tâm trên tay . Trái lại, Y Môh tỏ vẻ lạnh nhạt: người ta thấy hắn có ý ghen tức với tình bạn mà Ê Ban dành cho ba đứa trẻ .
Trong khi họ đi trên một ghềnh đá, Ê Ban quay lại nói nhỏ với Y Môh:
- Ông ấy nói gì thế? Hằng hỏi Việt .
- Anh không hiểu, thế em?
- Hình như họ có nghe thấy gì … Phải, trông kìa … chắc là người, anh Việt ạ, em thấy cành lá động đậy …Lạy trời không phải là …
- Đừng sợ, em Hằng, dù là bọn cướp thì ông Ê Ban sẽ bảo vệ chúng ta .
Sau khi đã bàn luận với Y Môh một lát, Ê Ban trở lại chỗ ba đứa trẻ nói nho nhỏ:
- Các em đợi ở đây nhé. Y Môh và ta đi xuống con đường dưới sườn đồi kia. Dù các em có nghe thấy gì cũng ở yên đây đợi ta về .
- Nhưng …
Ê Ban ra hiệu bảo Việt im. Một lát sau, hai người Thượng đã đi khuất sau những bụi cây .
Bé Tâm hỏi:
- Họ sắp làm gì thế?
- Không hiểu, Việt chau mày đáp. Hằng, em đứng đây một lát với bé Tâm, để anh đi theo xem họ làm gì .
Đi được một quãng, Việt đã trông thấy con đường ở sườn đồi, Ê Ban và Y Môh đang đứng rình sau một bụi cây .
Vài phút sau, một người bộ hành hiện ra ở chỗ rẽ. Coi bộ hắn như là một chủ trại giàu có. Hắn xách một cái túi, vừa đi vừa nhìn hai bên đường như sợ gặp kẻ gian phi .
Ê Ban cầm súng trên tay cùng với Y Môh tiến ra giữa lộ. Thấy vậy, người chủ trại khựng người lại với vẻ khiếp đảm. Hắn bỏ cái túi xuống đất và định chạy trốn, nhưng Ê Ban đã tới gần đặt tay lên vai hắn, nói vài cầu gì đó .
Người bộ hành lấm lét nhìn miệng súng, rồi run run nói với vẻ sợ sệt .
Lúc đó, Việt thấy có ai đụng tay mình, đó là Hằng, không dám đứng một mình với bé Tâm đã theo tới đây .
- Suỵt! Việt để tay lên môi bảo Hằng im .
Ê Ban và Y Môh mở chiếc túi ra xem có gì bên trong . Rồi người chủ trại dơ tay lên để Ê Ban nắn khắp mình .
- Ông ấy làm gì thế ? Hằng thì thầm .
Ông ấy khám xem người kia có khí giới không. Cảnh sát vẫn làm thế khi bắt được gian phi .
- Người đó là gian phi à? Hằng hỏi .
- Không rõ …
Không bao giờ Việt dám nói cho Hằng biết sự nghi ngờ của mình, mỗi ngày thêm rõ rệt .
Một lát sau, người chủ trại nhặt chiếc túi lên đưa cho Ê Ban. Ông này vừa cười vừa bắt tay hắn. Rồi người kia bước đi thỉnh thoảng ngoái cổ nhìn về phía người đốt than.
Kinh ngạc trước sự việc đã xảy ra trước mắt, những đứa trẻ không buồn dấu diếm sự có mặt của chúng. Khi hai người kia lên tới, Hằng lại kéo tay Ê Ban hỏi:
- Thưa ông, ai thế ạ?
- À! Em cũng có ở đây à? Đó là một người rất độc ác, hắn vẫn cho thuê với giá cắt cổ những cái chòi tồi tàn cho người nghèo khổ, họ phải nhịn ăn để trả tiền cho hắn .
- Tiền đó ở trong túi này ạ?
- Phải .
- Vì hắn đã nạp cho ông, có lẽ hắn đã hối hận .
Việt chẳng nói gì cả. Nó hiểu rằng không phải người chủ trại tự ý nạp túi tiền, mà vì hắn sợ Ê Ban. Câu chuyện giữa nó và Y Môh ban sáng về tướng cướp Y Blơm trở lại trí nhớ của nó. Y Môh đã nói rằng Y Blơm không phải là một tên cướp tầm thường như những tên cướp khác … hắn lấy tiền của những kẻ phi nghĩa để mang cho những người thiếu thốn .
Người chủ trại đã làm ra tiền bằng cách bóc lột những người nghèo …và người đốt than đã đoạt lại .
Người đốt than? Ê Ban tự nhận là người đốt than, nhưng Việt tin rằng không phải. Từ mặt mũi cho đến hai bàn tay người đó đều không có dấu vết gì của than cả. Hắn đi lưu động trong rừng, luôn luôn đổi chỗ, tránh các đường lộ và làng mạc .
Khi Hằng nói đến cảnh sát thì hắn hỏi có bao nhiêu người, ai là vị chỉ huy. Hắn nói rằng vị Đại uý sẽ chẳng có cách gì bắt được nổi Y Blơm .
Bọn người lại tiếp tục băng qua rừng. Ê Ban đi tiên phong như mọi khi, rồi đến Hằng, bé Tâm, Việt và Y Môh .
Việt có cảm tưởng như mình đeo chì ở chân. Bây giờ thì nó chắc chắn rồi: cái người mà anh em nó đã sống chung từ hôm qua, tự xưng là người đốt than rồi cứ dẫn chúng đi vào rừng sâu, chính là Y Blơm!
- Trời ơi! Việt nghĩ thầm, làm thế nào bây giờ đây?
Những ý nghĩ khủng khiếp dồn dập trong đầu óc nó. Ba anh em nó đã thoát khỏi bàn tay dân làng thì nay lại lọt vào tay tướng cướp! Bây giờ ai sẽ giải cứu cho chúng? Chẳng có ai cả … Chính Y-Blơm đã nói không bao giờ cảnh sát có thể bắt được hắn .
Nhưng tại sao hắn lại dẫn chúng đi theo như vậy? Hy vọng một số tiền chuộc? Dĩ nhiên. Y Môh sẽ đi gặp ba má chúng, nói rằng chúng vẫn được yên ổn và sẽ được trả tự do về với gia đình nếu chịu nạp một số tiền lớn …% Nhưng nếu cha mẹ chúng không đủ số tiền thì sẽ ra sao?
Việt mải suy nghĩ nên bước theo mọi người như một cái máy. Đi tới một mỏm đá lởm chởm, Ê Ban cúi xuống bế bé Tâm lên còn tay kia dắt Hằng để vượt qua những chướng ngại vật .
- Dầu sao thì lúc này hắn cũng không có ý hãm hại chúng ta , Việt nghĩ. Nhưng sau này? Và chúng ta sẽ tự vệ ra sao?
Ê-Ban quay lại hỏi:
- Việt mệt hả? Cố lên chứ, sắp tới nơi rồi …
Việt gật đầu không đáp. Trong lòng lo sợ, nó vẫn bước theo bọn người đi sâu vào rừng, xa cha mẹ chúng, xa mọi người …

Chương 06

Bọn người đi tới một rừng thông. Đêm đã xuống, trên nền trời nhạt, các cành thông vươn lên như những cánh tay đe dọa .
Hằng và bé Tâm, mệt mỏi, đi như người nửa tỉnh nửa mê, vấp vào đá và rễ cây, chỉ mong chóng đến nơi để được nằm nghỉ. Việt cũng mệt không kém nhưng còn tỉnh táo hơn vì trong bụng nó đang lo lắng .
Bỗng nhiên, một ánh sáng xuyên qua cành lá. Cả bọn tới gần một đám nhà chòi, có bóng người qua lại chung quanh một đống lửa .
- Tới nơi rồi, Ê Ban nói. Bây giờ các em có thể nghỉ ngơi .
Bé Tâm nép vào Hằng thì thầm:
- Đây là đâu hả chị? Những người kia là ai? Khiếp, mặt mũi đen xì … Em sợ quá, chị Hằng ơi!
Hằng cũng thấy sợ trước hiện tượng lạ lùng đó. Ê Ban đưa hai ngón tay lên miệng huýt sáo. Vừa lúc đó, hai người đàn ông và một người đàn bà tiến ra gặp bọn người mới tới .
Tâm dấu mặt vào vai chị:
- Em không muốn nhìn họ … em sợ!
Việt lại gần hai em:
- Đừng sợ, các em thấy đó là những người đốt than. Vì vậy mà mặt mũi họ đen xì.
Bé Tâm vẫn chưa yên dạ:
- Nhưng ông Ê Ban cũng đốt than, sao mặt mũi ông ấy không đen?
Mặt dầu hình thù trông dễ sợ, những người đốt than chẳng có gì giống lũ quỉ, họ có vẻ hiền lành và hơi bẽn lẽn. Việt thấy họ rất kính cẩn đối với Ê Ban .
Một lúc sau, cơm nước được dọn ra và mọi người ngồi xuống dùng bữa. Tuy món ăn không có gì đặc sắc, nhưng từ hai ngày nay những đứa trẻ chưa được ăn đồ nóng, nên chúng thưởng thức rất ngon lành .
Suốt bữa ăn, mọi người nói chuyện nhiều nhưng toàn bằng tiếng Thượng, Việt và Hằng chẳng hiểu gì cả. Con nhỏ nghĩ đến ba má phải qua một đêm nữa vắng chúng nó. Với chiều tối, nỗi buồn của sự xa cách lại càng thấm thía hơn. Nó không muốn khóc, sợ làm buồn lây những người chung quanh, nhưng nó tự hỏi không biết cố gắng được mãi không.
Việt thì bị thao thức về điều bí mật của nó nên không buồn ngủ .
- Ta có nên nói thật cho Hằng biết không? Nó tự hỏi? Không, vì nó sẽ lo sợ và bé Tâm cũng vậy. Có lẽ phải làm như ta không hay biết gì cả và coi sóc chúng là tốt hơn.
Ba đứa được dẫn vào một cái chòi để ngủ. Một lát sau, Việt nghe thấy Hằng gọi nhỏ:
- Anh Việt ơi! Còn thức không đấy?
- Thức … Nhưng em mệt thế, tại sao không ngủ?...
- Có lẽ vì em quá mệt nên khó ngủ …Nhưng chắc em sắp ngủ đây .
Nó ngáp một cái dài rồi nói tiếp:
- Em thấy ông Ê Ban đối với anh em mình tốt quá .
- Anh … anh cũng vậy .
- Vả lại, ai ai cũng quí mến ông ta cả, phải không? Anh thấy ban nãy các người đốt than đón tiếp ông ta trịnh trọng không? Và người chủ trại ban trưa đã tặng ông cả một túi tiền …
“Nếu em ta biết rõ sự thật!” Việt nghĩ thầm. Nó thấy điều bí mật của nó quá nặng nề; đành vậy, nó sẽ nói hết với Hằng. Cả hai đứa sẽ mạnh dạn hơn để bảo vệ cho bé Tâm, nếu …
Việt khẽ gọi:
- Hằng này!
Nhưng Hằng không đáp. Con nhỏ đã ngủ rồi .
Việt trở mình mãi trên đống bao tải để phấn đấu với giấc ngủ. Nó định bụng sẽ thức suốt đêm để canh chừng rồi ngày mai sẽ ngủ bù .
Bên ngoài, chung quanh đống lửa, câu chuyện vẫn kéo dài, “họ nói những chuyện gì? Việt tự hỏi, có lẽ họ nói về ba anh em chúng ta, họ đang bàn tính về số phận của chúng ta. Nếu ta hiểu tiếng Thượng thì ta sẽ núp sau một bụi cây để nghe” .
Khi câu chuyện đã tàn, và những người đốt than vào cái chòi bên cạnh nó cảm thấy không chống lại được giấc ngủ. Nó định bụng:
- Ta sẽ ra cạnh đống lửa; nếu người ta thấy, ta sẽ nói là ta rét .
Nó đứng dậy, lần ra ngoài cửa chòi, và tiến ra cạnh đống lửa còn vài cục than cháy đỏ. Nó nhận thấy hai bóng người ngồi đó không xa: đó là Ê Ban và Y Môh .
Hai người đang nói chuyện nho nhỏ. Việt ở quá xa không nghe rõ, nhưng nó đoán họ đang nói tiếng Kinh .
“Ta phải nghe mới được” nó nghĩ thầm .
Nó lủi ra sau một bụi cây rồi bò sát đất để lại gần không gây một tiếng động .
Tim nó đập tưởng đến vỡ lồng ngực, vì nó yên chí rằng nếu bắt được nó nghe trộm, hai người kia sẽ giết nó ngay tức thời .
Nó tới được gần để nghe rõ. Y Môh có vẻ tức bực, còn Ê Ban thì trả lời với giọng bình tĩnh hơn, nhưng chứa đựng ưu tư .
- Anh thấy đó, Y Môh nói, chúng nó chỉ mang lại cho bọn mình những sự rắc rối .
“Chúng nó”? Việt tự nghĩ, chắc là anh em ta …
Nó bò lại gần thêm, nhịn thở .
- Anh nên nghe em, chúng ta phải giải quyết chúng đi càng sớm càng hay, Y Môh nói. Nếu không …
- Ta biết, ta biết, Ê Ban cắt ngang. Thằng lớn thì dễ rồi: nó đi bộ như một ngườì lớn. Đứa bé gái thì cũng có thể thu xếp được. Nhưng còn thằng nhỏ con, không, nó còn bé quá .
- Khó gì, thằng này thì anh cứ …
Vừa lúc ấy một cơn gió thổi qua làm than cháy nổ lép bép, nên Việt không nghe rõ phần cuối câu nói của Y Môh .
Sau đó, Ê Ban nói:
- Em khỏi lo, chỉ trong vòng tối đa một hai ngày nữa thôi .
Rồi hắn đứng dậy đi tới chỗ lò than. Việt còn nghe thấy Y Môh đáp:
- Một hai ngày cũng quá lâu. Nếu em ở địa vị anh, thì ngay đêm hôm nay .
Tiếng nói của hai người nhỏ dần. Việt rụng rời đứng dậy trở về chòi. Điều nó vừa nghe thấy làm nó rất lo lắng. Trước hết, nỗi thắc mắc của nó đã thành sự thật: Y Môh chẳng gọi Ê Ban là Y Blơm sao?
Còn vấn đề khác thì quá rõ ràng. “Thằng lớn thì dễ rồi … Đứa bé gái thì cũng có thể thu xếp được, chỉ còn thằng nhỏ con …”. Rõ ràng là Y Blơm có ý định cho anh em nó nhập bọn; nó thì sẽ phải dự vào các cuộc cướp bóc, Hằng sẽ giúp công việc nấu ăn. Bé Tâm thì nhỏ quá không dùng làm gì được. Có lẽ nó được đưa về với ba má? Nếu vậy thì phải cho nó biết ngay nó sẽ thuật lại với ba má để sớm tìm ra hai em nó .
Việt còn thấy văng vẳng bên tai tiếng nói của Y Môh: “Một hai ngày cũng quá lâu … Em ở địa vị anh thì ngay đêm hôm nay …” Thật là một lời khuyên sâu độc mà Y Môh nói với chủ tướng hắn!
Đinh ninh rằng sắp gặp nguy cơ, Việt suy nghĩ cách đối phó:
“Hay là ta gọi Hằng và bé Tâm dậy? Chúng đã được nghỉ ngơi một lúc rồi . Chúng ta sẽ trốn vào rừng, rồi cứ thẳng trước mặt mà đi … chắc thế nào cũng gặp được ai. Dù có phải đi lang thang rồi chết đói chết khát, cũng còn hơn …”
Nó vào chòi. Trước khi quyết định đánh thức hai em nó dậy để trốn đi, nó lại tự hỏi:
“Nếu ý định của Y Blơm không xấu xa như của Y Môh thì sao?”
Trong khi còn mối hy vọng đó, Việt nghĩ tốt hơn hãy tạm nằm xuống chờ đợi . Nghe ngóng .
Nó đang bắt đầu thiu thiu ngủ thì một tiếng động rất nhỏ làm nó giựt mình tỉnh dậy. Không một cử động, nó lắng tai nghe .
Quả nhiên, một bóng đen tiến vào … nhẹ, thật nhẹ. Việt phỏng đoán .
“Chắc thằng Y Môh nó vào hạ thủ anh em mình đây!”
Trong khoảng khắc, nó đã định sẵn một kế hoạch đối phó .
Khi thấy thằng kia tiến vào tới cửa, nó sẽ phóng người ra ngáng chân địch thủ cho ngã xuống rồi bóp cổ. Y Môh lớn hơn nhưng Việt lại khỏe hơn: khi tên kia ngã xuống rồi thì phần thắng sẽ về nó. Giáo sư dạy thể dục vẫn khen nó là có hai quả đấm của võ sĩ.
Nhưng không phải bóng của Y Môh hiện ra ở khung cửa, mà là bóng ngưòi cao lớn của Y Blơm. Hắn đứng dừng một lát cho quen với bóng tối trong chòi rồi nhè nhẹ tiến tới chỗ bé Tâm nằm ngủ .
Chết rồi! Việt thấy mạch máu nó ngưng chạy trong cơ thể. Nó còn vẳng nghe thấy tiếng nói của tên tướng cướp: “Thằng nhỏ con thì còn bé quá”.
Vậy là hắn đã quyết định như thế. Thanh toán bé Tâm và giữ hai đứa lớn lại! À, không, nếu hắn muốn giết bé Tâm thì phải bước qua xác chết của anh nó trước .
Y Blơm cúi xuống gần thằng nhỏ, lấy tay sờ nó. Trong một phút, lâu như một thế kỷ, Việt lấy đà sẵng sàng để phóng người tới .
Nhưng tên tướng cướp làm gì thế này? Sao hắn lại đứng dậy? Sao hắn lại cởi chiếc áo ngoài ra?
Rồi thong thả để khỏi gây tiếng động, Y Blơm lại cúi xuống lấy chiếc áo đắp lên người của bé Tâm vẫn ngủ say. Rồi hắn bước rón rén ra ngoài chòi như lúc nào .
Các bắp thịt của Việt đang căng thẳng để tấn công, nay bỗng nhiên trùng hẳn lại … Nó nằm bật trên tấm bao bố; nó vừa muốn cười vừa muốn khóc cùng một lúc .
Không, Việt đã thấy rõ: Y Blơm sẽ không làm hại bé Tâm! Sau này dù tình hình có nguy biến đến đâu thì cũng khỏi phải lo ngại điều đó .
Hết lo âu, Việt đánh một giấc ngủ thật say .

Chương 07

Ba đứa trẻ vẫn tưởng rằng nghề đốt than là một nghề nhàn hạ. Nhưng hôm sau, chúng mới thấy là chúng đã lầm .
Mới sáng tinh sương, cả gia đình thức giấc. Một lò than đã cháy xong, người ta chọc những lỗ thông hơi để khói thoát ra ngoài và để cho than nguội. Rồi người ta lại thiết lập ngay một lò than khác .
Mặc dầu đầu óc băn khoăn, ba anh em vẫn mải mê theo dõi công việc lạ mắt này .
Ông Ê Ban mới đi đâu về bảo Việt:
- Em đi với ta để kiểm những cái bẫy đã gài hôm qua .
- Em có đi không ạ? Y Môh hỏi .
- Em cùng đi nếu em muốn .
Hiện giờ đã biết rõ Ê Ban là ai, Việt thấy mình phải thu hết can đảm để đi theo hai người. Nó tự hỏi có phải họ dẫn nó đi để hạ thủ nó ở một chỗ khuất nào đó chăng? Nhưng hồi tưởng lại sự việc đêm qua, nó lại thấy vững dạ .
“Chắc hắn tìm cách dùng ta trong đảng cướp”. Nó nghĩ thầm .
Mặc dầu ít cảm tình với Y Môh, nó cũng vẫn đi theo hắn, không một lời kêu ca .
Còn hai đứa nhỏ ở lại chòi. Bé Tâm thì bắt chước dựng lên một lò than nhỏ xíu . Còn Hằng thì hoang mang suy nghĩ:
“Nếu có công việc gì làm cho khuây khỏa thì ta sẽ bớt nhớ ba má … và thêm can đảm để chờ đợi giờ phút được về với ba má. Không hiểu sao ông Ê Ban lại chưa muốn dẫn ngay chúng ta về. Hay là ông sợ Y Blơm? Tên này có lẽ ghê gớm lắm, nên một người can đảm như ông mới phải sợ chứ!
Nhìn quanh không thấy có việc gì làm, nó trở vào chòi và trông thấy một chiếc áo đen móc trên đinh ở cột nhà. Đó là chiếc áo mà ông Ê Ban đã đắp cho bé Tâm đêm qua . Hằng thấy một tay áo bị rách một miếng khá lớn .
- Uổng quá, ta không có cây kim! Nó nghĩ thầm, đáng lẽ ta có thể vá chỗ rách kia … Trong túi ta có một cuộn chỉ xanh nước biển: không đúng màu hẳn, nhưng trên nền áo đen cũng không rõ lắm!
Cầm cái áo lật qua lật lại, nó thấy một cây kim gài ở ve áo .
- À đây rồi! Nó vui vẻ tự nghĩ. Chiếc kim hơi lớn một chút, chắc ta không thể mạng đẹp như ở lớp học may, nhưng dầu sao cũng hơn là để áo rách .
Rồi nó ngồi xuống trước cửa chòi và bắt đầu mạng. Một lát sau, mạng xong, nó treo áo lên chỗ cũ .
Ba người đi săn mang về một con thỏ rất lớn. Y Môh làm lông, còn đứa con trai và người đốt than thì quạt lửa cho than thật hồng .
Lúc đó trời hơi lạnh, Ê Ban vào chòi lấy áo ra khoác. Hắn nhận thấy ống ta áo tự nhiên hết rách .
- Ủa! Cái gì thế này? Hắn ngạc nhiên hỏi. Áo của ta … phải, áo của ta đã được mạng! Ta không hiểu sao? Hắn vừa quay lại nhìn lũ trẻ .
Hằng đỏ mặt nói:
- Thưa ông, cháu tìm thấy một cây kim và cháu có sẵn một cuộn chỉ nên cháu mạng cho nó hết rách .
- Chính em đã làm đó à?
Tiếng nói của hắn khác lạ đi. Hắn không còn vẻ gì là độc ác hay mỉa mai. Hắn cầm cái áo trên tay; những đứa trẻ ngạc nhiên thấy hắn rơm rớm nước mắt .
- Điều này làm ông không vui ạ? Hằng lo lắng hỏi .
- Trái lại, ta rất vui, vì từ bao lâu nay không có ai vá áo cho ta cả! Khi ta còn ở trong buôn, mẹ ta vẫn vá áo cho ta … Bây giờ … nhưng tại sao em muốn làm cho ta vui?
Câu trả lời được thốt ra không chút ngần ngại:
- Vì ông rất tốt với chúng cháu .
- Bây giờ chúng ta đi ăn cơm! Ê Ban nói với giọng hoan hỷ .
Trong bữa ăn, Việt rất băn khoăn nghĩ rằng Ê Ban là một tên tướng cướp đã giết ngưòi, đáng ghê tởm .
Nó không thể hiểu nổi Ê Ban .
“Hắn đã cứu anh em ta, Việt tự nhủ, hắn đã chữa chân đau cho bé Tâm, hắn đã cởi áo đắp cho bé Tâm ban đêm. Tuy nhiên, hắn đã giết người và cướp của! Hay là điều này sai sự thực và hắn bị thiên hạ vu cáo? Nhưng tại sao hắn lại phải trốn tránh? Tại sao hắn sống như một kẻ man rợ trong rừng, không dám tới gần làng mạc?
Tất cả các câu hỏi trên, nó không thể tìm thấy câu trả lời. Chỉ có một người có thể giải thích cho nó: Chính là Y Blơm. Nên nó đã có chủ định .
Tối đến, trong khi Ê Ban tay cầm súng đang đi tuần ở ngoài rừng, Việt thừa dịp lại bên. Thấy nó, Ê Ban vui vẻ hỏi:
- Em muốn đi dạo một vòng với ta hả?
Việt nói với giọng quả quyết:
- Cháu … Cháu biết ông là ai rồi!
Ê Ban chau mày, nhìn thằng nhỏ một lúc lâu rồi đặt tay lên vai nó .
- Vậy thì sao? Hắn hỏi Việt. Em sợ ta? Em cho rằng ta sẽ giết cả bọn?
Việt đỏ mặt nhớ lại những gì nó đã trông thấy hôm qua .
- Sao em biết? Ê Ban hỏi. Có phải vấn đề người chủ trại hay không?
- Sự đó và nhiều sự khác nữa. Em thấy ông không phải là một người đốt than và ông cứ muốn trốn tránh … Ông không muốn đi tới bờ hồ .
- Bây giờ thì em đã hiểu vì sao. Nhưng chớ lo, ta sẽ dẫn các em về khi nào có thể được. Có lẽ mai hay mốt; Y Môh cho rằng cảnh sát đi về phía bắc. Ông đốt than và người con rất sẵn sàng đưa các em tới chỗ cắm trại, nhưng họ không thể bỏ được lò than .
- Thế còn Y Môh?
- Y Môh chẳng ưa gì các em cả; nó ghen tức vì ta coi các em như bạn. Điều đó rất dễ hiểu: nó đã rời bỏ tất cả để tới đây làm vệ sĩ cho ta. Nếu các em đi cùng nó, ta sẽ không yên lòng .
- Ông cho rằng hắn sẽ hãm hại chúng cháu?
- Ta không rõ. Nó là đứa hiếu thắng và hơi xảo trá. Nó mến ta nhưng có khi nó không vâng lời ta .
Việt nhìn Y Blơm rất chăm chú. Nó còn một câu hỏi nữa: một câu quan hệ nhất có thể, tùy theo lời giải đáp, đính kết hoặc ngắn hoặc dài, hoặc ngăn trở vĩnh viễn tình bạn của hai người .
- Em nhìn ta như vậy là nghĩa gì? Y Blơm hỏi .
- Xin ông đừng giận … Người ta đồn rằng ông là một tướng cướp … Điều này không đúng, phải không ạ?
- Danh từ đó không đồng nghĩa đối với tất cả mọi người, Y Blơm đáp với vẻ tự nhiên. Ta chỉ lấy những của phi nghĩa đem trả cho những người nào xứng đáng. Số tiền mà người chủ trại hôm qua đã bóc lột của kẻ nghèo khó, ta mang cho những ngưòi nào mà đã kiếm ra bằng mồ hôi nước mắt. Nếu làm như vậy mà thiên hạ gọi ta là tướng cướp, và ta còn lấy làm hãnh diện là đằng khác!
- Riêng cháu nhận thấy việc làm của ông rất tốt. Nhưng người ta còn nói … xin lỗi ông … Là ông đã giết người!
Nét mặt Y Blơm bỗng nhăn lại với vẻ đau khổ:
- Đúng, nhưng đó là ngoài ý muốn của ta, ta xin thề với em. Vì em là bạn của ta, ta không có quyền nói dối em. Phải ta đã giết một người .
Việt sửng sốt hỏi:
- Sao có thể như thế được?
Y Blơm bảo nó ngồi xuống bên cạnh rồi nói:
- Em đã khá lớn để hiểu được vấn đề. Chắc em yêu má em lắm, phải không?
- Vâng, với tất cả tấm lòng em.
- Vậy, nếu cần thì em có sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ má em không?
- Tất cả, Việt đáp không do dự .
- Vậy thì câu chuyện xảy ra như sau:
“Có một tên đã khiếm lễ với mẹ ta. Ta đã đi kiếm thủ phạm để trừng phạt. Ta không định tâm giết hắn, ta xin thề trước trời đất! Ta chỉ muốn cho hắn một bài học xứng đáng thôi. Khốn thay! Chính hắn đã tấn công ta bất ngờ. Một bữa kia, ta đi từ nhà tới chỗ làm rẫy, ta thấy hắn núp sau một bức tường. Rồi một tiếng súng nổ. Viên đạn bay vèo bên tai ta. Nổi giận, ta giơ súng lên ngắm và bóp cò. Địch thủ của ta vừa lúc ấy ló người ra nên bị trúng đạn giữa ngực. Khi ta thấy hắn chết, ta bèn trốn vào rừng. Tuy nhiên, ta đã ở thế tự vệ chính đáng. Nhưng chẳng ai hiểu cho ta, và ta cũng chẳng có cách nào để chứng minh điều đó. Vả lại, ta muốn được tự do và ta không muốn thấy mẹ ta phải tủi hổ khi thấy con mình bị cảnh sát còng tay mang đi”.
- Nhưng mẹ ông bây giờ chỉ có một mình! Bà cụ có khổ lắm không?
- Những người lối xóm vẫn săn sóc giúp bà. Ta bí mật gởi cho bà những đồ cần thiết. Một hôm ta về buôn để thăm bà. Nhưng ta suýt bị bắt và bà đã căn dặn ta đừng về nữa .
- Tội nghiệp ông Ê Ban! Việt vừa nói vừa nắm cánh tay tướng cướp .
- Nếu em muốn làm cho ta vui lòng, em đừng nên cho Hằng và bé Tâm biết rõ ta là ai. Ta không muốn cho chúng sợ ta. Em hứa chứ?
- Cháu xin hứa .
- Em là một mẫu con trai mà ta rất thích. Nếu ta có con, ta cầu mong cho nó giống em. Bây giờ em đã biết ta là ai, vậy em có muốn làm bạn sinh tử với ta khôn?
Việt gật đầu .
- Vậy đưa tay để ta bắt. Từ giờ phút này trở đi, giòng huyết quản của ta thuộc về em; nếu em cần đến ta, ta sẽ đến bất cứ trong trường hợp nào. Em có thể thực lòng nói với ta như vậy chăng?
Việt mỉm cười:
- Giòng huyết quản của cháu thuộc về ông; nếu ông cần đến cháu, cháu sẽ đến bất cứ trong trường hợp nào .
Hai người buông tay ra. Việt thấy trái tim mình nhảy rộn ràng trong lồng ngực vì sung sướng .
“Vậy mà, nó rất hổ thẹn tự nghĩ, đêm hôm qua ta lo ngại ông ấy ám sát bé Tâm!”
Khi nó về tới chòi, Hằng nhận thấy nét mặt hân hoan của nó .
- Trông anh vui thế, anh Việt? Ông Ê Ban đã nói những gì với anh vậy?
Việt không thể trả lời thẳng vào câu hỏi .
- Anh cũng thế, Hằng ạ. Anh rất yêu quí ông Ê Ban. Bây giờ anh chắc chắn là ông sẽ dẫn chúng ta về khi nào có thể được. Chúng ta cứ tin cậy vào ông, lúc sinh cũng như lúc tử .
- Em biết, nhưng có lẽ cũng vì em một phần đó. Nếu em không mạng cho ông chiếc áo lúc trưa …
Việt muốn cãi lại. Chiếc áo? Chiếc áo có ăn nhằm gì đến tình bạn sâu đậm giữa Y Blơm và Việt? Nhưng nó lại tự nén: có những điều con gái không thể hiểu được .
- Em đã làm được một việc tốt. Nếu khi nào áo ông ấy rách nữa, anh mong rằng em sẽ vá ngay cho ông ta .

hongbinh
19-09-2012, 08:57 PM
Chương 08 Buổi tối hôm đó, Y Blơm đi đâu cùng với Y Môh một lúc lâu, rồi trở về chòi ngủ, không nói năng gì cả. Sáng sớm hôm sau, hắn gọi Việt bảo:
- Ta phải nói với em một chuyện này. Ra ngoài rặng thông với ta .
- Em có đi không ạ? Y Môh hỏi .
- Lúc này em chưa cần phải đi .
Y Môh ra vẻ giận dỗi, trở lại vờ giúp đỡ những người thợ xây lò than. Nhưng mắt nó vẫn liếc về phía rặng thông, chỗ Y Blơm và Việt đang ngồi .
- Em này, Y Blơm nói với Việt , để có thể dẫn các em về với ba má, ta phải biết rõ có cảnh sát đi lùng xét ở phía bờ hồ hay không. Khổ thay, những người có thể thông tin cho ta lại không biết gì về vấn đề trên cả .
- Vậy làm sao bây giờ ạ?
- Ta nghĩ mình có thể dò hỏi bằng cách khác. Trong rừng ta đã gặp một người khá kỳ dị, đàn ông cải trang đàn bà, tay dắt một con lừa .
- Ông Thanh Tùng! Việt nói .
- Em biết ông ấy hả?
- Vâng, chúng cháu gặp ông ấy dưới quận. Đó là một nhà phóng viên tới đây tìm cách phỏng vấn ông để viết một thiên phóng sự cho những tờ báo ở Sàigòn .
- Vậy ta không ra mặt là phải lắm: cái ông bép xép ấy có thể nói với cảnh sát thì phiền lắm. Nhưng vì ông ta ở quận lên đây, chắc ông ta biết rõ hành trình của toán cảnh sát đang lùng bắt ta. Nếu ta hỏi chuyện ông ta một cách khôn khéo, chắc ta có thể biết rõ những điều cần thiết .
- Hay ta dụ ông ấy tới đây .
- Không nên, ta đi gặp ông ấy thì hơn: chúng ta sẽ giả dạng làm những người đốt than và tới bắt chuyện với ông ta .
- Sợ ông ấy nhận ra mình .
- Chúng ta sẽ lấy than bôi đen mặt mũi. Không phải đây là lần đầu tiên ta hóa trang như vậy!
Việt rất thích thú về cuộc phiêu lưu này, vội đi theo Y Blơm về chòi. Rồi hai người lấy than bôi đen hết mặt mày, dưới sự ngạc nhiên của Hằng và bé Tâm .
Hằng hỏi Ê Ban:
- Ông và anh Việt làm gì vậy?
- Đây là công việc của đàn ông? Ê Ban bí mật đáp .
Y Môh bỏ công việc tới hỏi với giọng bất mãn:
- Các anh đi đâu vậy?
- Chúng ta đi công việc một lúc, Y Blơm đáp .
Y Môh tái mặt đi, hỏi lớn:
- Sao Việt đi mà không phải em?
- Vì ta cần đến nó, Y Blơm điềm nhiên đáp. Y Môh! Em phải nhớ rằng ta không thích những kẻ ghen ghét và hỏi lôi thôi đâu nhá! Ta giao cho em con bé Hằng và thằng nhỏ Tâm. Em phải trông nom chúng trong khi chúng ta vắng nhà, chúng ta sẽ sớm về, đừng lo lắng gì cả .
Y Môh ném tới Việt một cái nhìn làm cho Hằng phải run sợ. Nhưng Việt không hề để ý vì đang bận nghĩ đến cuộc phiêu lưu sắp tới .
Việt hỏi Hằng:
- Trông anh có giống người đốt than không em?
- Giống lắm, nếu không phải là anh của em thì chắc em không thế nào nhận ra được.
- Thật hay dối đấy?
- Em nói dối bao giờ?
Để bổ túc việc hoá trang, Y Blơm sắp xếp cho mỗi người một bó củi. Bó của hắn lớn hơn, có dấu khẩu súng trường bên trong. Trong khi đi cùng Y Blơm, Việt phải thán phục cách di chuyển trong rừng của hắn, y như một con chó thính mũi .
- Ông làm thế nào, Việt hỏi, để không bao giờ đi lầm đường trong rừng núi?
Y Blơm mỉm cười:
- Thế ở Sàigòn, em đi lại ngòai đường phố có gì khó khăn không?
- Không ạ, nhưng mà …
- Vậy, miền rừng núi này là Sàigòn của ta .
- Cháu thấy không giống ở Sàigòn các đường phố đều có tên, có số nhà, có những đài kỷ niệm, nhà thờ, chùa chiền, chợ búa, vườn hoa …
- Thì ở đây cũng có những mỏm đá, suối nước, cây cối khác biệt hẳn nhau. Thí dụ như chỗ này, em coi, các cây thông đều ngả về một phía, vì trên mỏm núi này có gió ở thung lũng trước mặt thổi vào quanh năm .
- Vâng đúng thế .
- Em thì không nhận ra vì không ở đây. Trái lại, ta thuộc lầu lầu trong bụng, vì từ ba năm nay ta luôn luôn di chuyển khắp vùng rừng núi này .
- Ông không hối tiếc cái buôn của ông hay sao?
- Ta được tự do, ta không ước muốn gì hơn .
Đi tới một chỗ có nhiều tảng đá nằm ngổn ngang, tướng cướp dừng lại nói:
- Thôi ta đứng đợi ở đây được rồi .
Việt lấy làm lạ hỏi:
- Sao ông biết rằng ông ta sẽ đi qua ngã này ạ?
- Ta nghe thấy bước đi của ông ta rồi. Để tai xuống đất em sẽ nghe thấy .
Việt bèn nằm xuống, để tai sát mặt đất. Quả nhiên nó nghe thấy tiếng chân người.
- Cháu nghe thấy, cháu nghe thấy, nó thì thầm .
Đợi một lát không thấy ai tới, hai người đi về phía có tiếng một con lừa kêu. Chẳng mấy chốc họ thấy một bà nhà quê đang nắm đuôi một con lừa để kéo mà nó vẫn cứ đứng nguyên chỗ không chịu đi .
- Thưa bà, có chuyện gì thế? Y Blơm tiến tới hỏi .
- À ! Những chú đốt than! Ông Thanh Tùng reo lên. May quá, ta thoát nợ rồi! Các chú đưa ta mượn một bó củi để ta phang cho con vật bất trị này một trận nó chỉ muốn làm cho ta khổ thôi .
- Tôi nghĩ ông nên để cho nó gặm cỏ một lát là ổn, Y Blơm đáp với vẻ thành thạo.
- Chú chắc vậy à? Ông Thanh Tùng hỏi với vẻ bán tín bán nghi. Thì lúc nào mà nó chẳng gặm cỏ. Ta không tin rằng như thế nó sẽ ngoan ngoãn hơn .
Con lừa được yên thân liếc nhìn Y Blơm bằng đôi mắt cảm kích và bắt đầu gặm cỏ một cách thoải mái .
- Ông đi từ xa tới với con lừa này? Chú đốt than giả hiệu hỏi .
- Từ quận lên. Nhưng đi từ mấy hôm nay rồi mà ta chẳng gặp ai … trừ những toán cảnh sát. Chắc các chú cũng biết họ đang lùng bắt tên Y Blơm ghê gớm đấy chứ?
Anh này đưa mắt nhìn Việt với đầy ý nghĩa .
- A! Ông đã gặp những toán cảnh sát?
- Phải, sáng hôm qua, lúc khởi hành từ quận lỵ .
- Thế họ đi ngã nào? Tôi muốn hỏi ông là vì con tôi đây (hắn chỉ vào Việt) rất mong mỏi họ đi qua ngã này: tính nó rất say mê những bộ đồng phục .
- Ta e rằng chú nhỏ sẽ thất vọng đó. Họ đã được tin Y Blơm ở về phía Bắc nên họ đã tiến về phía ấy. Vì vậy ta định đi tắt sang đó để gặp họ .
- Nếu vậy, sao tôi lại thấy ông đang đi về phía Nam? Y Blơm hỏi .
- Ấy chỉ vì con lừa bất trị này đó thôi. Ta đã ngắm đúng hướng Bắc trên địa bàn và quay mõm con lừa về hướng đó. Thế mà nó cứ đi quanh co làm ta mất cả bình tĩnh rồi mất luôn cả chiếc địa bàn nữa. Vì vậy, từ hai ngày nay, ta cứ đi lạc lõng trong rừng này và rất nguy kịch là lương thực sắp cạn rồi .
- Nếu vậy, xin mời ông dùng bữa với chúng tôi? Chúng tôi chẳng giàu có gì, nhưng thành thực mời ông .
- Ta rất vui lòng. Các chú không lo sự tốn kém, ta sẽ trả tiền phần ăn của ta đàng hoàng. Rất may cái ví của ta còn đầy bạc đây này. Nhưng suỵt! Phải nên thận trọng, ta biết rằng Y Blơm hiện không có mặt trong vùng này, nhưng “cẩn tắc vô áy náy” .
Y Blơm nháy nháy mắt Việt, nó lấy làm khóai chí lắm .
- Thế ông chắc chắn rằng Y Blơm không có mặt ở vùng này thật à? Hắn hỏi với giọng lo lắng. Vừa đúng lúc cha con tôi nói chuyện về nó. Chúng tôi chẳng có gì mà sợ mất mát, tuy nhiên chúng tôi thấy không gặp nó vẫn hơn .
- Các chú cứ yên trí, ông Thanh Tùng đáp với giọng đầy tự tin. Sáng qua ta đã nói chuyện với vị Đại úy chỉ huy cảnh sát. Ông ta xác nhận rằng ta có thể đi khắp vùng này mà không gặp một bất trắc nào cả, ngoài sự bất trắc lạc đường mà thôi. Bây giờ thì ta lại thấy sự bất trắc này đáng quan tâm gấp bội .
- Một người sống trong vùng này phải thông thuộc đường lối chứ, Y Blơm nói với giọng hơi mỉa mai .
- Nhưng ta có phải là người ở vùng này đâu?
Việt thấy câu chuyện này phải cười ra nước mắt khi nghĩ rằng ông Thanh Tùng chạy ngược chạy xuôi khắp khu rừng để tìm gặp Y Blơm, mà lại không dè ngay lúc này ông ta đang ngồi ngay trước mặt hắn .
Bữa cơm chấm dứt, ông Thanh Tùng lấy tiền ra trả, nhưng Y Blơm nhất định từ chối. Rồi hắn chỉ cho ông một lối đi tưởng tượng để ông đi gặp cảnh sát .
- Sao ông lại chỉ cho ông ta một lối trật vậy? Việt hỏi Y Blơm .
- Để cho ông ta không tới nơi quá sớm. Vì nếu ông ta lại mô tả bọn mình cho cảnh sát thì họ có thể nghi ngờ tung tích của ta lắm .




Chương 09 Việt bước theo Y Blơm qua những đám cỏ lau rậm rạp. Nó vừa đi vừa nghĩ thầm:
“Đời tướng cướp như Y Blơm lấy của người giàu phi nghĩa để chia cho kẻ nghèo, thật xứng danh là “Anh Hùng Sơn Cước !”
Bỗng Y Blơm nói:
- Như vậy là chúng ta chẳng biết gì hơn lúc trước … Ông Thanh Tùng nói rằng cảnh sát đi về phía Bắc, có thể tin được không?
- Cháu nghĩ chẳng thể tin được .
- Nếu vậy, mình đã uổng công hỏi chuyện lão ta .
Rồi hai người xuống suối gần đó rửa mặt mũi cho sạch than. Trên đường về, họ đi qua một cái chòi có vườn rau bao bọc. Một con chó vàng gầy ốm chạy ra sủa mấy tiếng, rồi một đàn con nít chạy ra vây quanh Y Blơm với những tiếng chào hỏi ríu rít .
Một người đàn bà đứng tuổi hiện ra cửa, trông xanh và gầy, mắt thâm quầng. Y Blơm chào một cách thân mật:
- Bác Klô Niê đã khỏe chưa? Trông bác hãy còn xanh lắm .
- Tôi vất vả quá. Anh thấy không, nuôi một đàn 6 đứa con, cực lắm. Sang thu này, bố chúng sẽ ở công trường về thì chắc dễ chịu hơn. Nhưng không rõ tôi có chịu đựng nổi tới ngày đó hay không? Trồng trọt cái vườn rau này, rồi xuống dưới buôn lại trở lên núi hai ngày một lần .
- Thế các cháu không giúp bác được gì sao?
- Chúng còn nhỏ quá, chưa mang nổi những thúng rau .
- Đây tôi tặng bác ít tiền để mua vật dụng cần thiết trong khi đợi bác trai về .
- Ồ, anh Y Blơm, anh tốt quá, anh cứ giúp đỡ tôi luôn, làm tôi cảm động vô cùng .
- Bác có gặp mẹ tôi không?
- À, hồi này bà cụ không được khỏe lắm anh ạ. Bệnh thấp làm bà đau luôn luôn, và không thể ra giếng múc nước được, hàng xóm phải giúp đỡ. Bà cụ nghĩ đến anh nhiều lắm! Bà nghe nói cảnh sát lúc này truy lùng anh gắt gao nên bà rất băn khoăn lo lắng .
- Tôi rất muốn xuống thăm mẹ tôi .
- Ấy đừng, anh Y Blơm!
Thấy Việt không hiểu rõ câu chuyện, Y Blơm bèn cắt nghĩa rằng mẹ hắn ở gần đây, trong một cái buôn mà Klô Niê thường xuống bán rau cỏ. Hắn không thể về đó được, vì chính ở nơi đây mà hắn đã phạm tội giết người. Gia đình nạn nhân sẽ báo thù và sẽ bắt ngay Y Blơm nếu hắn lai vãng về buôn .
- Hai năm trước đây, Y Blơm thuật lại, một hôm mẹ ta tới thăm ta ở nhà bác Klô Niê này. Nhưng bây giờ với hai bàn chân đau, bà không thể leo đồi được .
- Hai năm! Việt lẩm bẩm .
Y Blơm bèn dắt Việt ra ngoài và chỉ cho nó cái buôn nằm ở dưới thung lũng. Hắn đặt tay lên vai Việt nói:
- Em thấy đó, ta đã ra chào đời ở nơi ấy, khi ta còn nhỏ ta vẫn lên đồi này chơi với các bạn. Ngôi nhà mẹ ta nằm ở cuối dẫy bên phải cạnh nhà thờ .
Giọng nói của Y Blơm bỗng nghẹn ngào, vẻ mặt hắn đanh lại, hai bàn tay nắm chặt:
- Ta không thể chịu nổi, ta không thể ở gần mẹ ta như thế này mà không được thăm bà. Em có thể giúp ta một chút được không, Việt?
- Em sẵn sàng .
- Vậy khi mọi người đã ngủ, em sẽ xuống buôn, em đi tới nhà ta, gõ vào cửa theo cách ta dặn. Mẹ ta sẽ hiểu. Nếu bà bảo em rằng ta có thể về không có gì nguy hiểm, em sẽ trở lại đây kiếm ta .
- Thế ngộ ngưòi ta bắt ông thì sao?
- Nếu ta bị bắt, em sẽ trở lại nhà bác Klô Niê nhờ bác đưa em về nhà đốt than . Nhưng họ không thể bắt ta được!
Trong khi Y Blơm đang nói, trông mắt hắn như phóng ra những tia lửa .
Đêm bắt đầu xuống, những ánh đèn hiện lên trong buôn .
- Phải đợi cho đèn tắt hết, Y Blơm nói, không lâu lắm vì ở đây dân chúng không thức khuya như ở thành thị .
Hai người trở lại nhà Klô Niê và báo cho bác biết dự định của họ .
- Như thế sẽ khinh xuất đó, Y Blơm! Nên coi chừng điều bất trắc có thể xảy ra .
- Không cần, mẹ tôi ở đó, tôi muốn thăm bà .
Việt rất thông cảm sự ương nghạnh của hắn . Nó nghĩ rằng nếu nó ở trường hợp ấy thì không có nhân lực nào có thể ngăn cản nó đi thăm mẹ nó .
Một lát sau, Y Blơm cho biết đã tới giờ khởi hành .
- Ừ, anh đi đi! Klô Niê nói, bác cầu trời phật phù hộ cho anh. Nhưng chớ nên coi thường, Y Blơm! Anh nên nhớ rằng nếu anh bị bắt thì mẹ anh sẽ buồn phiền mà chết.
Hai người đi ra. Y Blơm dặn dò Việt lần chót những điều cần thiết .
- Cháu hiểu rồi, xin ông chớ lo .
Rồi Việt lần theo con đường nhỏ xuống đồi, tới đầu buôn. Các ánh đèn đã tắt hết, mọi nhà trong buôn chìm đắm trong bóng tối chứng tỏ dân chúng đã ngủ cả .
- Ông ấy dặn ta rẽ tay phải, Việt nghĩ thầm, và vòng theo đường nhà thờ mà đi .
Bỗng một con chó sủa vang. Hoảng hốt, Việt vội núp vào một bức tường nhà .
May thay, con chó thôi sủa. Việt từ chỗ núp bước ra, đi tới nhà thờ rồi lần theo bức tường .
Tới nhà Y Blơm, nó gõ vào cửa ba tiếng chậm rồi ba tiếng mau, đúng như Y Blơm đã dặn .
- Miễn là bà cụ chưa ngủ! Nó nghĩ thầm. Nếu ta phải gõ mạnh hơn, ta sẽ đánh thức cả làng dậy không chừng .
Nó không biết rằng những người già cả, nhất là một bà mẹ nhớ con chỉ ngủ chập chờn.
Một lát sau, một tiếng động khe khẽ trong nhà. Tiếng chân bước ngập ngừng trên mặt đất, rồi một câu hỏi bằng tiếng Thượng từ sau cửa phát ra, Việt thì thầm đáp:
- Thưa cụ, cháu là bạn của con cụ, xin cụ mở cửa .
Cửa hé mở, Việt lách vào trong nhà. Tối như bưng, nó không thấy hình người, nó chỉ nghe tiếng thở yếu ớt .
- Thong thả, để ta thắp đèn .
Cửa đóng lại nhè nhẹ, rồi một ngọn nến được thắp lên. Việt thấy một bà cụ lưng còng, da nhăn nheo, vịn vào tường đi lệt bệt. Nhưng vẻ mặt bà tươi cười, đôi mắt bà sáng như hai hòn than, giống hệt mắt Y Blơm .
- Một em nhỏ! Bà reo lên khi nhìn thấy Việt. Vậy là con ta đã nhờ cháu tới đây. Nó có mạnh khỏe không? Có điều chi xẩy đến không?
- Thưa cụ không ạ, xin cụ an lòng. Con cụ hiện ở gần đây, lát nữa sẽ về thăm cụ .
Đôi hàng lệ của bà cụ bỗng tuôn rơi lã chã:
- Về thăm ta! Bà lẩm bẩm! Y Blơm con ơi! Đã hai năm nay … Ôi ta cảm ơn trời phật, ta đã lo nhắm mắt mà không được gặp mặt con!
- Vậy cháu có thể đi dẫn ông ấy tới đây?
Bỗng bà cụ vội kéo tay Việt và để một ngón tay lên môi. Bên ngoài có tiếng cửa mở và tiếng chân người băng qua đường. Có tiếng gõ cửa .
- Cụ Y Blơm ơi! Một tiếng gọi nho nhỏ .
- Ơi! Bà cụ đáp.
- Tôi thấy ánh đèn sáng bên cụ và nghe có tiếng động. Cụ có bị đau không thế?
- Không, không. Ta quên không đậy bát mỡ, sợ con mèo nó lục nên phải dậy cất đi đó thôi. Đi ngủ đi, cháu Thăn Knul .
Những bước chân xa dần. Bà cụ bỏ tay Việt ra .
- Người hàng xóm, bà thì thầm. Kẻ thù không đội trời chung của con ta đó. Cháu thấy đó, nó luôn luôn rình rập ta. Nếu con ta tới đây thì sẽ bị bắt giữ và tố cáo tức thời .
- Vậy bây giờ phải làm sao thưa cụ?
- Cháu phải bảo Y Blơm chớ có tới đây, vì mẹ nó cấm. Cháu nói với nó rằng ta rất thương nó, ta sẽ cố sống với hy vọng sẽ được gặp mặt nó sau này. Nhưng cháu cũng nói là ta quí sinh mạng của nó hơn cả sinh mạng của ta và ta ngăn nó đừng nên dấn thân vào chỗ nguy hiểm .
Bà đẩy Việt ra cửa nói tiếp:
- Thôi cháu đi đi. Thăn Knul đang rình cháu ở sau vách, nhưng không sao, nó sẽ thấy tầm vóc cháu không phải là Y Blơm. Xin trời phật phù hộ cho cháu!
Rồi bà cụ đóng cửa lại. Việt men theo tường rào nhà thờ, ra khỏi buôn và chạy một mạch về chỗ Y Blơm đang đợi .
- Thế nào? Tướng cướp hỏi .
Việt vừa thở vừa tường trình kết quả:
- Ông không thể về nhà được, cụ bà cấm ông điều đó. Tên hàng xóm ngày đêm rình rập cụ; nếu ông về ông sẽ bị bắt ngay .
- Thằng khốn kiếp Thăn Knul! Y Blơm nghiến răng nói. Thế cụ còn dặn gì nữa không?
- Cụ nói rằng cụ quí sinh mạng của ông hơn cả sinh mạng của cụ, và cụ sẽ cố gắng sống để được gặp ông sau này .
Tướng cướp ngồi xuống một phiến đá và gục đầu vào hai tay. Việt nghe thấy tiếng thổn thức. Một lát sau tướng cướp ngửng đầu lên:
- Em biết rằng ta không phải là một kẻ yếu hèn. Nhưng ta đau khổ em Việt …
- Cháu hiểu lắm! Nếu chính cháu cũng không được gặp má cháu …
Nghĩ đến đây, Việt thấy nước mắt nó rưng rưng .
- Em đừng lo, mai ta sẽ dẫn em về với má .
Rồi hai người ngồi yên lặng một lúc lâu .
Việt hiểu rằng tình bạn của nó cũng mang lại phần nào an ủi cho người này .
Mặc dầu cuộc đời bất thường, hắn vẫn giữ một tấm lòng đầy mến thương và hắn yêu quí mẹ như một đứa trẻ thơ .
- Vậy mà ta vẫn ước ao một đời sống tướng cướp. Việt nghĩ thầm. Bây giờ ta đã hiểu rằng cuộc sống ngoài lề xã hội, luôn luôn phải trốn tránh, bị xa cách những người thân yêu, nó khủng khiếp như thế nào .
Y Blơm hỏi Việt:
- Bây giờ chúng ta làm gì? Vào ngủ nhờ nhà bác Klô Niê hay em còn đủ sức về tới nhà người đốt than?
Việt thấy mệt mỏi, nhưng nó nghĩ rằng đi xa nơi làng của Y Blơm sẽ đỡ đau khổ cho ông ta .
- Cháu muốn về nhà chòi. Chắc Hằng và bé Tâm đang mong đợi cháu .
Y Blơm cầm súng lên rồi hai người bước ra về .











Chương 10 Về tới nhà người đốt than, Y Blơm và Việt thấy mọi người đã ngủ yên, trừ có Hằng vẫn còn thức vì lo lắng. Khi nó nghe tiếng bước chân hai người, nó vội ra ngoài chòi để đón .
- Anh Việt! Thấy anh về em mừng quá. Em không sao ngủ được vì em lo lắng hết sức .
- Sao vậy? Em biết rằng anh không đi một mình kia mà .
- Vâng, nhưng em nghĩ đến gì có thể xảy đến cho cả hai người. Nếu gặp Y Blơm thì sao? Em biết rằng ông Ê Ban can đảm lắm, nhưng ông làm gì được để đối phó với tên tướng cướp?
Việt không đáp; vả lại nó buồn ngủ muốn chết. Nó vội vào nằm trong chòi và đánh một giấc gần tới trưa hôm sau .
Hằng dậy trước, giúp bà chủ nhà làm bếp. Nó có cảm tưởng như đang sống đời cắm trại, và nếu nó không bị xa cách ba má thì chắc nó thấy sung sướng với đời sống trong khu rừng này .
Bé Tâm đang làm một cái giường cho thằng người gỗ .
- Hôm nay mình có khởi hành không thế chị Hằng? Nó hỏi .
- Chị không rõ. Nếu đi, ông Ê Ban sẽ báo cho mình rõ .
Hằng đảo mắt tìm Y Môh nhưng không thấy hắn đâu cả. Nó lo lắng về sự vắng mặt này vì nó biết hắn ghen ghét với tình bạn mà ông Ê Ban đã dành cho Việt và sợ rằng hắn sẽ tìm cách trả thù. Cả ngày hôm qua, con nhỏ đã cố làm cho hắn vui, nhưng hắn vẫn tỏ vẻ đăm chiêu và khổ sở .
- Không biết hắn đi đâu, Hằng lẩm bẩm .
Nó có cảm tưởng rằng một sự gì đang xảy ra mà nó không hiểu được. Ông Ê Ban cũng có vẻ buồn bã; ông tránh không muốn gặp chúng nó và một mình đi tuần chung quanh các lò than, khẩu súng trên tay .
Hằng tiến ra chào ông ta:
- Thưa ông có ngủ ngon không ạ? Nó hỏi .
- Không được ngon lắm. Ta cũng giống em, ta chỉ ngủ chập chờn. Em có vui không nếu chúng ta về nơi cắm trại?
- Để tái ngộ cùng ba má ạ? Con nhỏ reo lên .
- Ta đã cho Y Môh đi thăm dò tin tức. Nếu đúng như điều ta trông đợi thì chiều nay chúng ta khởi hành .
- Ồ ! Thế thì sung sướng quá!
Việt thức giấc, Y Blơm dắt nó ra một chỗ để báo cho nó biết tin đó .
- Ta đã cho Y Môh xuống quận để thăm tin tức xem cảnh sát đang đi về hướng nào. Nếu lối đi được ổn thỏa, chúng ta sẽ khởi hành .
- Thưa ông, phải mất bao lâu để tới chỗ cắm trại?
- Lối 6 hay 7 giờ. Ta sẽ đi bộ 3 tiếng chiều nay, rồi ta dừng lại để Hằng và bé Tâm nghỉ, sáng hôm sau lại tiếp tục .
- Vậy chúng ta tới nơi vào buổi trưa ạ?
- Nếu không có gì bất thường xảy ra .
- Trời ơi! Thích quá. Ông sẽ ở lại chơi với gia đình cháu vài ngày nhé!
- Em quên rằng ta phải trốn tránh hay sao? Y Blơm buồn bã đáp .
Trong khi chờ đợi Y Môh trở về, Y Blơm khuyên Việt nên nghỉ ngơi để lấy sức . Rồi Y Blơm lấy dao ra khắc một cái hình bằng gỗ. Việt chăm chú theo dõi. Bỗng nó reo lên .
- Nhưng chính là hình cháu đây mà .
- Phải, đây là chân dung của em. Từ khi quen biết em, ta đã định thực hiện.
- Hay quá! Miễn là ông có đủ thì giờ khắc xong trước khi Y Môh về tới đây! Cháu rất muốn mang về cho má cháu .
Nhưng bức chân dung làm rất lâu và nó còn thiếu nhiều chi tiết khi Y Môh trở về .
Mặt hắn vẫn đăm chiêu và có vẻ giả dối hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, tin tức nó mang về rất tốt: mọi người có thể đi tới bờ hồ không phải lo ngại gì cả vì toán cảnh sát do vị Đại úy chỉ huy đã đi về hướng Bắc từ hôm qua .
- Ông Thanh Tùng đã nói đúng! Việt vừa cười vừa nói .
Ba đứa nhỏ sửa soạn để khởi hành. Chúng cám ơn nồng nhiệt ông bà chủ nhà đã cho chúng tạm trú .
- Em có cùng đi không? Y Môh hỏi .
- Không, Y Blơm đáp, ta muốn em ở lại đây, ta sẽ trở về ngay khi trả những đứa trẻ này cho gia đình chúng .
Y Môh không cãi lại, nhưng nó có cái nhìn làm Hằng thấy lạnh người. Nó chẳng nói với ai nửa lời và rút lui vào chòi, vẻ mặt buồn bã và giận dỗi .
- Bây giờ ta lên đường! Y Blơm ra lệnh .
Họ tiến vào rừng sâu. Bé Tâm đã được nghỉ dưỡng sức trong hai đêm, bây giờ nó đi rất dẻo dai, không cần phải ai giúp đỡ cả .
Vì cảnh sát không ở trong vùng này nên không cần đề phòng. Y Blơm thực hiện dùng kế hoạch đã dự liệu và thẳng xuống bờ hồ .
Khi mặt trời xế bóng, họ trông thấy trước mặt một làn nước đỏ hồng dưới ánh tà dương .
Hằng vui vẻ reo:
- Hồ đây rồi !
- May quá! Bé Tâm phụ hoạ, em cứ tưởng là không bao giờ trông thấy nó nữa .
Thưa ông, chúng ta còn xa nơi cắm trại không ạ? Việt hỏi .
- Độ bốn tiếng đi bộ. Bây giờ chúng ta dừng lại đây để ngủ, rồi sáng mai lại lên đường .
Họ kiếm chỗ khuất gió để ngồi và lấy lương thực ra ăn .
Chưa ăn xong thì bé Tâm đã ngáp dài .
- Em nhỏ nằm xuống ngủ đi, Y Blơm nói, sáng mai dậy đi sớm .
Thằng nhỏ ngủ liền. Mắt con Hằng cũng chớp chớp muốn nhíu lại. Nhưng nó quá sung sướng nghĩ đến lúc gặp lại ba má nên nó không muốn ngủ đêm nay. Nó định thức để ngắm ánh trăng trên mặt hồ, một cảnh trí huyền ảo chưa từng thấy. Nhưng rồi mắt nó cũng nhắm lại lúc nào không biết. Đến lượt hai người lớn cũng ngủ nốt .
Nhiều giờ trôi qua bỗng Hằng sực tỉnh dậy; mở mắt ra, nó thấy ông Ê Ban đã đứng lên, tay cầm súng lăm lăm đang chực nổ cò .
Nó lẩm bẩm:
- Có chuyện chi vậy?
Nó lo sợ bọn cướp sắp hiện ra; nó không ngờ cái ngưòi mà cảnh sát đang lùng bắt lại là người đang trông nom chúng nó! Nhưng một lát sau, nó nghe thấy trong bụi rậm một tiếng nói quen thuộc, họng súng hạ xuống và nó thấy Y Môh hiện ra .
Thằng này trông như một kẻ mất hồn: run rẩy, nó thở hồng hộc như mới chạy từ xa tới .
- Cảnh sát, cảnh sát! Nó kêu nho nhỏ. Phải đi mau, họ sắp tới đây bây giờ .
- Cảnh sát? Y Blơm ngạc nhiên hỏi. Nhưng tại sao vậy?
- Họ khởi hành từ quận lỵ từ tối qua, Y Môh đáp. Họ đặt nhiều toán dọc bờ hồ .
- Vậy thì nguy rồi, Y Blơm chau mày đáp .
Hằng đã lại gần và nghe rõ cuộc đối thoại .
- Nhưng sao ông lại không muốn gặp cảnh sát? Nó ngạc nhiên hỏi .
Y Blơm nhún vai đáp:
- Bây giờ không phải là lúc giải thích. Nhưng Y Môh! Em đã nói là họ tiến lên phía Bắc kia mà?
Y Môh chắp hai tay năn nỉ:
- Em xin lỗi anh .
Y Blơm đi thẳng tới nắm lấy vai nó:
- Vậy là mày đã phản tao? Hắn hỏi với giọng làm Hằng phải rợn người. Mày phải nói thật, mau, không thì tao đập chết tức thì .
- Anh có thể giết em, em rất đáng tội!
Bữa qua em đã nói dối anh; em biết là cảnh sát hành quân phía bờ hồ … em chủ tâm không nói cho anh hay .
- Mày muốn cho tao bị bắt?
Y Môh im lặng không đáp .
- Anh ấy ghen tức, Hằng nói xen vào. Cháu đã thấy anh ấy ghen tức vì ông cho anh Việt đi theo mà anh ấy phải ở nhà .
- Có đúng vậy không, Y Môh? Tướng cướp hỏi .
Thằng nhỏ vội quì xuống thú nhận:
- Đúng vậy, em tức điên người nên em đã hành động không suy xét. Rồi em hối hận. Em muốn chết vì hổ thẹn! Em sẽ tự sát nếu em không nghĩ rằng còn có thể cứu anh .
- Mày còn có thể, Y Blơm đáp. Không mất thời giờ nữa, gọi hai đứa kia dậy mau, Hằng! Y Môh, mày đi về phía cảnh sát, gây tiếng động trong bụi, ráng đánh lạc hướng họ. Khổ thay, họ sẽ tiến nhanh hơn ta nhiều, nhất là với thằng nhỏ này!
- Thế anh tha tội cho em? Y Môh vừa hỏi vừa thổn thức .
- Cái đó là tùy ở mày. Đi mau lên, không thể chậm trễ một phút .
Hằng đã gọi Việt dậy và báo cho biết sự tình. Nó rất ngạc nhiên khi thấy anh nó cũng hoảng hốt không kém Y Blơm khi nghe tin cảnh sát tới gần:
- Sao vậy, anh Việt?
- Sau này em sẽ hiểu .
Hằng thở dài. “Sau này em sẽ hiểu”, đó là câu nói của người lớn. Nếu Việt cũng dùng nó thì …
Khi Việt tới gần, Y Blơm cho biết kế hoạch hành động:
- Y Môh sẽ cố cầm chân cảnh sát; trong khi đó chúng ta cứ tiến. Khi chúng ta đã tới gần chỗ cắm trại để các em khỏi bị lạc, ta sẽ để các em đi một mình rồi ta biến vào rừng sâu .
- Sao ông không để các cháu đi một mình ngay từ bây giờ? Việt hỏi. Chúng cháu chẳng sợ cảnh sát, họ sẽ dẫn chúng cháu về với ba má .
Y Blơm suy nghĩ một lát rồi đáp:
- Đúng, các em không có gì phải sợ …Nhưng ta không thể bỏ các em đi một mình. Nếu cảnh sát không tới đây, các em sẽ không thể nào tìm lối được. Ta đã nói: phải thông thuộc đất đai .
- Y Môh đã báo rằng họ sẽ đến. Thế ông cho là anh ấy vẫn nói dối?
- Nói dối thì nó không dám! Nhưng cảnh sát có thể thay đổi chiến thuật. Thôi chẳng nên nói gì thêm, nhất định ta không thể để các em đi một mình được .
Trong khi đó, Hằng kêu bé Tâm dậy, nhưng nó buồn ngủ quá, nó năn nỉ để cho nó nằm ngủ thêm.
- Thôi mặc nó, Y Blơm nói, để ta cõng nó cho .
Lúc này vừng đông đã ló rạng, mặt hồ từ bóng tối hiện ra lóng lánh .
- Bây giờ ta xuống sát bờ hồ và tiến thẳng. Y Blơm nói, như vậy sẽ lợi đường hơn.
Khi xuống tới bờ hồ, họ phải lần theo những tảng đá có rêu trơn. Ba đứa trẻ mang giầy đế kếp nên tiến rất vất vả .
Y Blơm bế bé Tâm trên tay dẫn đầu. Hằng theo sau rất khó khăn. Đi tới một kẽ đá phẳng cao hơn mặt nước chừng một thước, nó bị trượt chân và té xuống hồ. Nó muốn bám lấy vách đá nhưng không được vì rêu trơn nên cứ bì bõm dưới nước sâu .
Thấy thế, Việt ở phiá sau vội vàng chạy lên, lẹ hơn, Y Blơm đã đặt bé Tâm xuống đất và nhảy xuống nước. Vừa bơi vừa đỡ cho Hằng, hắn kêu Việt giúp sức:
- Em nằm trên kè đá. Ta đỡ Hằng lên, em nắm lấy hai tay Hằng. Rồi bây giờ kéo lên. Hằng phải để ý kẻo bị sướt chân .
Khi Hằng được kéo lên rồi, Y Blơm đu lên kè đá rồi nhảy lên bộ một cách dễ dàng .
Nhưng hắn nhìn quanh với vẻ mặt nhớn nhác .
- Súng của ta đâu rồi? Ta đã để nằm trên mặt đất trước khi nhảy xuống nước kia mà? Trời ơi! Khẩu súng đã tụt xuống vũng nước, ưót hết còn dùng làm sao được nữa!
Trong khi hắn ngắm nghía nhìn món võ khí, những đứa trẻ xúm lại, vẻ mặt ân hận.
- Thưa ông, có thể phơi khô được không ạ? Hằng hỏi .
Y Blơm lắc đầu:
- Một khẩu súng không thể khô như một món quần áo. Ta sẽ phải tháo nó ra lau chùi .
- Chắc ông không kịp làm ngay bây giờ?
- Cảnh sát đã đuổi tới chân, còn làm gì bây giờ nữa? Phải đi cấp tốc, với bất cứ giá nào. Thôi đành, trăm sự nhờ trời!
Rồi họ tiếp tục đi với ngàn nỗi khó khăn. Tới một quãng rừng, họ thấy được vững dạ hơn. Y Blơm tỏ ra rất thông thạo đường lối và tiến trong bụi rậm như trên một con đường vẽ sẵn .
Bé Tâm lúc này đã tỉnh ngủ hẳn, xin cho đi một mình; nó bước dài để theo kịp người lớn .
- Chúng ta có thể tới kịp bữa ăn trưa không? Nó hỏi .
Hằng đáp:
- Chao ơi! Lúc này còn lòng dạ nào mà nghĩ đến ăn nữa!
- Từ tối hôm qua chúng ta đã được ăn gì đâu …em cũng có quyền được đói bụng chứ!
- Em khỏi lo, Y Blơm nói, nếu cứ đi như thế này không vướng vấp gì, chúng ta sẽ tới nơi cắm trại trước 12 giờ trưa .
Vừa nói xong câu đó, bỗng hắn đứng dừng ngay lại .




Chương 11 Bọn người đứng bất động một lát, Y Blơm nắm cánh tay Việt .
- Em trông kìa! - Hắn vừa nói vừa chỉ về phía chân đồi.
Thằng nhỏ nhìn theo. Trong bụi rậm, nó thấy ánh sáng một mũi súng .
- Cảnh sát! - Nó lẩm bẩm .
Y Môh lại làm phản nữa chăng? Hay là hắn đã không thực hiện được kế hoạch? Lúc này không thể đặt câu hỏi nữa, mà phải hành động gấp rút .
- Ông nên trốn ngay đi! - Việt khẩn khoản - Không nên để cho họ nom thấy . Bây giờ chúng cháu có thể đi một mình được rồi ạ .
Y Blơm liếc nhìn khẩu súng vô dụng của mình. Lúc bình thường, hắn chỉ cần một phát đạn là ngăn cản được bất cứ ai. Nhưng bây giờ … Việt nói phải: Chỉ còn nước chạy trốn mới mong thoát khỏi .
- Ông chạy đi, thằng nhỏ giục giã. Ông chớ có lo, cháu sẽ biết cách trả lời họ .
Y Blơm do dự một chút, rồi giơ tay vẫy các bạn một lần chót, hắn biến vào rừng sâu .
Ba đứa trẻ đứng tụm lại với nhau. Bé Tâm nắm chặt tay Hằng, lúc đó cũng hơi run rẩy .
- Anh có chắc là cảnh sát không? - Hằng hỏi nho nhỏ .
- Chớ còn ai nữa ?
- Có thể là kẻ cướp không chừng .
Việt nhún vai nói :
- Hai em nghe anh dặn đây nhé: khi cảnh sát tới đây, để một mình anh nói thôi, và để ý những lời anh nói. Nếu nghe thấy điều gì lạ thì đừng tỏ vẻ gì ngạc nhiên cả. Bé Tâm phải giữ im lặng, dù họ có hỏi. Còn Hằng, nếu phải trả lời thì cứ nhắc lại đúng những lời anh nói. Hiểu chưa ?
- Em hiểu rồi! Hằng đoán sẽ có những điều quan trọng sắp xẩy ra .
- Em hiểu rồi. Bé Tâm nhắc lại .
Bỗng nhiên, bụi rậm gần đấy lay động; một cái đầu người đội mũ sắt xuất hiện . Việt nhận ra là một ông cảnh sát mà chúng đã gặp ở quận lỵ ngày phiên chợ .
- Ơ này, trẻ con, ông cảnh sát reo lên với vẻ ngạc nhiên. Mời Đại úy lại đây. Em vừa khám phá ra một sự lạ .
Viên Đại úy cũng vừa đi tới, mặt đỏ gay, mồ hôi nhể nhại, giọng cáu kỉnh:
- Thế còn người kia đâu?
- Thưa Đại úy, chẳng có ai khác cả, cảnh sát viên đáp .
- Có, có. Chính mắt ta đã trông thấy bóng nó kia mà; nó có phép tàng hình hay sao? Thằng nhỏ kia, phải cung khai sự thật, ban nãy có một người đi với tụi bay phải không?
Hằng nhìn Việt chăm chú; tự hỏi không biết anh nó sẽ trả lời làm sao. Nó rất ngạc nhiên thấy Việt gật đầu. Thằng nhỏ nghĩ rằng viên Đại úy đã trông thấy Y Blơm thì nói dối cũng vô ích .
- Thưa ông, có ạ, chúng cháu có một người dẫn đường. Nhưng hắn vừa đi khỏi .
- Nó đi về phía nào?
- Thưa ông, phía quận lỵ…- Việt đáp không ấp úng vì nó biết rằng Y Blơm đã đi lối ngược lại .
- Phía quận lỵ? Mày chắc chắn chứ?
- Thưa ông, chắc chắn .
- Tốt lắm, tốt lắm, viên Đại úy nói với giọng thỏa mãn. Ta thấy công việc tiến hành khả quan .
- Có chắc người đó là Y Blơm không? Một cảnh sát viên hỏi .
- Thì còn ai vào đây nữa. Tụi bây có quen tên đó từ trước không?
- Thưa ông không, chúng cháu ngủ trên bờ hồ và sáng nay, khi thức dậy thì đã thấy hắn ở đó .
- Trên bờ hồ? Nhưng tụi bây làm gì trên bờ hồ ban đêm? Tụi bây là con cái nhà ai?
- Em biết! - Cảnh sát thứ nhất nói - Đây là con của một thương gia ở Sàigòn, đã mất tích từ ba ngày hôm nay. Em đã nói với cha mẹ chúng rằng thế nào chúng cũng tìm về .
Hằng vội hỏi:
- Thưa thầy đã gặp ba má cháu ạ? Xin thầy cho biết có phải ba má cháu vẫn còn ở chỗ cắm trại không ạ? Chắc rằng má cháu lo lắng lắm .
- Cháu nói là tuyệt vọng thì đúng hơn. Người ta tìm thấy gần Cầu Mây một chiếc thuyền bị lật, nên đóan rằng các cháu bị tai nạn dưới hồ. Cha cháu đã mướn thuyền chài mò kiếm từ sáng tới chiều. Còn mẹ cháu thì ngồi ở lều để đợi các cháu tìm về. Nhưng đầu đuôi câu chuyện ra sao thế?
- Thưa thầy, chúng cháu bị lạc trong rừng .
- Thế thì ba ngày nay, các cháu cứ đi lang thang không ăn uống gì cả à?
- Thưa, chúng cháu có gặp những người đốt than, người ta cho ăn ngủ nhờ .
- Như vậy là may mắn đó! Cách đây hai năm, một bọn người du lịch đã bị lạc như rứa, phải một tuần sau mới tìm ra họ .
Viên Đại úy tuyên bố:
- Bây giờ, cuộc phiêu lưu của tụi bây đã chấm dứt, ta phải dẫn tụi bây về quận lỵ .
- Về quận lỵ! - Hằng kêu lên. - Thưa ông không được ạ ! Chúng cháu phải về gặp ba má cháu ngay bây giờ, ngay hôm nay …
- Điều đó không thành vấn đề! Chúng ta đang lùng bắt Y Blơm và anh mày vừa nói rằng nó đi về phía quận lỵ!
- Thưa ông, anh cháu không nói rằng … Hằng bắt đầu đáp .
Bỗng dưng nó im bặt. Như một làn chớp nhoáng, sự thật vừa loé lên trước mắt nó. Ông Ê Ban và Y Blơm chỉ là một! Và Việt đã biết rõ sự thật, vì hắn đã tìm cách lạc hướng toán cảnh sát .
Trong sự kinh ngạc, nó không thể thốt được nên lời .
Viên Đại úy bây giờ đang thảo luận với thuộc cấp. Cảnh sát viên thứ nhất, người đã nhận ra lũ trẻ, cho rằng nếu không trả chúng về với cha mẹ ngay chiều hôm nay sẽ là một điều ác tâm .
- Họ đã đợi 3 ngày rồi, họ có thể đợi thêm 24 tiếng hoặc 48 tiếng nữa, có sao đâu? Viên đại úy nói .
- Thưa Đại úy, chắc Đại úy không thấy họ ở tình trạng nào khi họ tới quận lỵ khai ba đứa con bị mất tích! Bà ta trông thật đáng ngại; mặt bà ta tái nhợt, em cứ sợ bà ta chết ngay tại chỗ .
- Ta biết; họ muốn xin ta cấp cho mấy nhân viên để giúp đỡ trong việc tìm kiếm . Họ làm như chúng ta chỉ có việc lo chuyện tư gia không bằng! Nhà cầm quyền phái ta từ tỉnh lỵ lên đây để truy nã một tướng cướp chớ không phải để chăn dắt những đứa trẻ lạc đường .
Ba đứa nhỏ im lặng đứng nghe người ta bàn cãi số phận của chúng .
Viên Đại úy vẫn khăng khăng, không thể ai lay chuyển nổi; những thuộc viên thì cho rằng ông ta quá khắc nghiệt .
- Thưa Đại úy, cảnh sát viên thứ nhất đề nghị, xin để cho hai người chúng em dẫn những đứa trẻ này về cho cha mẹ chúng, rồi chúng em sẽ chạy theo nhập bọn sau .
- Hai người trong bọn các anh! - Viên chỉ huy mỉa mai. - Thế nhỡ các anh gặp Y Blơm thì sao? Không, không, chúng ta không thể phân tán lực lượng như thế được .
- Thưa Đại úy, chúng em thấy cũng phải dẫn những đứa trẻ này về với gia đình chúng chứ, cảnh sát viên khẩn khoản một lần nữa .
- Nhưng nhiệm vụ của chúng ta không phải là dẫn trẻ con, mà là truy nã Y Blơm! Vì tên này đã đi về phía quận lỵ, vấn đề rất giản dị. Những đứa trẻ này không thể tiếp tục đi một mình thì chúng ta phải dẫn chúng đi theo, chỉ có vậy thôi .
Hằng đã lấy lại được can đảm, nó bắt đầu nói:
- Nhưng thưa ông Đại úy …
Viên này thấy chỉ có một đứa bé gái lên tiếng, bèn quay lại:
- Im ngay! - Ông ta cắt ngang. - Mệnh lệnh là mệnh lệnh, và ta biết ta phải làm gì! Còn các chú! Quay phải, quay! Ta trở về quận lỵ bằng mỗi toán hai người: hai người ở bờ hồ, hai trên kè đá, hai trên ngọn đồi và hai trong bụi rậm. Để chắc hơn, chính ta sẽ coi lũ trẻ. Hiểu chưa?
Hằng thấy lòng chán nản vô hạn. Về gần tới má rồi mà phải quay lại! Hai mắt con nhỏ đẫm lệ. Nó nắm chặt thêm bàn tay của bé Tâm. Trước sự buồn phiền của chị nó, thằng nhỏ cũng muốn bật khóc .
- Chị Hằng ơi! Hay là chúng mình trốn đi? Nó thì thầm bên tai chị nó .
- Suỵt, suỵt, im mồm! - Con nhỏ nói .
Một lúc sau, thừa dịp viên chỉ huy còn bận cắt đặt nhân viên, Việt lại gần Hằng nói:
- Em này, vì ta lộn lại, tất nhiên ta sẽ theo con đường cũ, phải không?
- Chắc vậy .
- Em có nhớ cái chỗ mà Ê Ban đã chỉ cho chúng ta một cái hang nhỏ nằm khuất giữa hai tảng đá không?
- Nhớ, nhớ !
- Chỗ đó mình dễ nhận biết lắm, các tảng đá trắng như cẩm thạch. Chúng ta sẽ để viên chỉ huy đi trước, khi gần tới đá trắng, anh sẽ bế bé Tâm chạy thật nhanh tới hang đá và em sẽ chạy theo .
- Anh cho rằng ông ấy sẽ không tìm ra chúng ta?
- Ông ta không phải là thổ dân ở đây, Y Blơm nói rằng rất ít ngưòi biết cái hang đó. Suỵt! Vờ như không có chuyện gì nhé, ông ta đang trở lại kìa .
Viên chỉ huy đã cắt đặt lính xong xuôi và sắp khởi hành .
- Thế nào? - Ông hỏi - Đã vui vẻ chưa? Tụi bây phải hiểu rằng cảnh sát không phải để lo những vấn đề nhỏ mọn của tụi bây! Nhất là khi họ có nhiệm vụ truy tầm một tên tướng cướp như Y Blơm!
Hằng nghĩ thầm rằng nếu ông ấy để yên thì những cảnh sát viên đã dẫn chúng về với ba má rồi. Nó ghét cay ghét đắng ông Đại úy và nó cầu cho không bao giờ có thể bắt được Y Blơm .
- Nào đi! - Ông ra lệnh. - Thằng lớn đi trước, bé gái và thằng nhỏ theo sau, còn tao bọc hậu. Như vậy tao sẽ không đi quá nhanh, sợ tụi bay theo không kịp.
Sự xếp đặt này rất hợp lý, nhưng lại làm trở ngại kế hoạch của những đứa trẻ, và Hằng thấy thất vọng. Nhưng Việt nháy mắt cho biết rằng nó đã có ý định .
Thật vậy, một lát sau, con nhỏ nhận thấy anh nó luôn luôn tìm những lối khó khăn mà đi; họ phải leo qua những tảng đá, dấn bước vào những bụi rậm. Viên Đại úy đã thấy sốt ruột:
- Tao đã bảo mày đi thẳng kia mà! Khó khăn gì kia chứ! Hình như mày dụng ý làm thế phải không?
Việt quay lại ông ta một bộ mặt ngây thơ có thể làm mềm lòng một tên đao phủ .
- Thưa ông, cháu đã cố gắng hết sức đó ạ .
- Đã vậy để tao đi trước, mày đi tập hậu. Tao sẽ đi thong thả để tụi bay theo kịp .
Những đứa nhỏ cười thầm trong bụng. Chúng vui mừng nhận thấy ông Đại úy là người xa lạ, không thể đi trong rừng với sự chắc chắn như Y Blơm luôn luôn ông ta do dự, tìm kiếm lối đi và chỉ có thể trông coi chúng bằng một con mắt .
Một lát sau, những tảng đá trắng đã hiện ra sau những bụi cây .
- Để bé Tâm đi sau em! Việt nói nhỏ với Hằng .
Khi chúng tới gần cái hang, Việt bế xốc thằng nhỏ lên và chạy thẳng vào bụi rậm . Không chậm một bước, Hằng chạy sát theo .
Chúng ẩn được vào trong hang trước khi viên Đại úy nhận thấy sự việc xảy ra .
- Cái gì thế? - Ông ta vừa hỏi vừa quay lại khi nghe tiếng động - Thế này là nghĩa gì? Ba đứa đâu cả rồi? Đồ bất trị, có lẽ nó khiếm lễ với mình rồi! Ồ nhưng mà không được đâu nhá, coi chừng đó, các con!
Nép vào vách cái hang nhỏ xíu, bọn trẻ nghe thấy ông ta vừa lục soát vừa nói một mình .
- Chúng đi ngã nào rồi hả? Có lẽ đây … có những cành cây gãy … Ồ! Rồi tao sẽ kiếm ra chúng mày, đồ khốn kiếp!
Bé Tâm bật cười; Hằng vội lấy tay bụm miệng nó lại .
Viên Đại úy đi loanh quanh mãi. Có lúc ông ta chỉ cách bọn trẻ có vài thước . Nhịn thở, chúng nhìn nhau lo lắng. Nhưng cửa hang bị che dấu sau bụi cây rậm rạp, ông ta không thấy, lại quay đi chỗ khác .
- Chắc chúng không thể trốn ở đây, ông ta nói, nếu có thì ta đã thấy chúng ở giữa các khối đó này. Không! Có lẽ chúng đã đi về lối rừng thông đằng kia. Nếu cứ đuổi theo chúng, ta sẽ về tới quận lỵ sau tất cả mọi người. Thôi, kệ xác chúng nó! Cần bắt được Y Blơm trước hết đã .
Ông ta bỏ mũ sắt ra để lau mồ hôi chảy nhễ nhại trên trán rồi thất thểu bước đi .
Sau một lúc lâu, những đứa trẻ mới từ trong hang chui ra .
- Anh thấy chúng mình đã đi được chưa? - Hằng thì thầm hỏi - Ông ta không núp sau mấy bụi cây chứ?
- Không đâu, chắc ông ta không lộn lại, vì còn vội đi kịp những người kia .
Cánh rừng chìm đắm trong im lặng. Không có âm thanh gì khác ngoài những tiếng côn trung rên rỉ dưới trời nắng buổi trưa .
- Chúng ta thoát rồi! - Hằng reo lên - Anh Việt này, chắc bọn họ sẽ cười ông ta khi thấy ông ta lủi thủi bò về một mình nhỉ!
- Nhất định rồi!

hongbinh
19-09-2012, 09:06 PM
Chương 12

Ba đứa trẻ lại bắt đầu đi theo lối bờ hồ để tiến về chỗ ba má cắm trại. Cho tới chỗ mà Y Blơm đã từ giã chúng, đường đất không có gì khó khăn nên Hằng thừa dịp hỏi anh:
- Anh Việt, anh biết rõ chuyện đó từ bao lâu rồi?
- À, anh biết từ bữa đầu, khi chúng ta đi tới nhà người đốt than và hắn đã lấy tiền của người chủ trại .
- Thế không phải người chủ trại tự nguyện đưa cho “hắn” hay sao?
- Không, người đó biết rõ hắn là Y Blơm nên sợ mà phải đưa .
- Khi anh đã biết rồi, anh không sợ hay sao?
- Có chứ, anh lo sợ lắm, nhưng chẳng bao lâu anh hết sợ. Vì hắn đã tốt với chúng ta quá: hắn đã cứu chúng ta khỏi tay dân làng. Nếu em biết rõ thì em có sợ không?
- Sợ chứ, nhưng anh Việt này, tại sao ông Ê Ban là người tốt như thế, mà lại có thể là tướng cướp Y Blơm được?
- Anh hiểu rõ điều đó lắm. Ba năm trước đây, Y Blơm có giết một người .
- Ủa thật à? - Hằng kêu lên với vẻ sợ hãi .
- Phải, nhưng hắn không định tâm, hắn ở trong tình trạng tự vệ. Tuy nhiên, chẳng ai hiểu rõ sự thật cả; vì vậy cảnh sát mới truy lùng hắn. Để tránh cảnh lao tù, hắn bèn trốn vào rừng. Từ ngày đó, hắn không thể sống như mọi người. Dân chúng bắt đầu thấy sợ hắn, rồi phao đồn đủ thứ chuyện .
- Nhưng các chuyện họ phao đồn đều không đúng, phải không anh?
- Không đúng! Hắn chỉ dùng cái tiếng tăm mà người ta gán cho hắn, để làm cho những người giàu bất chánh phải sợ hãi mà hoàn trả số tiền bóc lột của người nghèo một cách phi nghĩa .
- Như thế đâu phải là những hành vi trộm cướp?
- Em nói đúng. Đáng lẽ phải gọi việc làm đó là “Thế Thiên Hành Đạo” mới phải? Em có nhớ những tay giang hồ hiệp khách ngày xưa không thế? Cũng vậy đó .
- Có chư, có chứ, em phục lắm. Nhưng Y Blơm có sung sướng không anh?
- Hắn khổ, hắn rất khổ! - Em còn nhớ không, cái buổi tối mà anh đi cùng hắn là để tới cái buôn mà mẹ hắn đang ở. Bà cụ vừa già vừa đau; hắn muốn về thăm bà cụ. Anh đã tới nhà bà giữa đêm khuya để thông tin cho bà biết .
Hằng nhìn anh, giọng thán phục:
- Anh đã làm được việc đó à?
- Phải anh có thể làm nhiều hơn thế nữa! Nếu hắn yêu cầu! Nhưng bà mẹ hắn bảo anh không nên để cho hắn đến. Trong khi anh còn ở đó, tên hàng xóm đã rình mò. Bà cụ nói rằng nếu hắn tới thì thế nào cũng bị bắt. Và nếu người ta bỏ tù hắn, ba ta sẽ chết .
- Vậy hắn đã phải bỏ đi, không thăm được mẹ sao?
Việt gật đầu; Hằng nghẹn ngào hỏi:
- Tội nghiệp quá, anh có thể tưởng tượng khi chúng ta không gặp được má không?
- Nhưng chúng ta sắp gặp má phải không? - Bé Tâm nói xen vào.
- Phải, và không bao lâu nữa, chị hy vọng như thế .
Ba đứa trẻ cứ lần theo bờ hồ mà đi mãi .
Bỗng nhiên, chúng reo mừng khi trông thấy đằng xa một vết trắng dưới ánh mặt trời .
- Đó là chiếc lều của chúng ta! - Hằng kêu lên - Anh Việt ơi, chúng mình chạy lên, chạy mau lên! Chắc má đang đợi chúng ta ở đó!




Chương 13

Không bút nào tả xiết nỗi thất vọng của ông bà Ngọc-Quang khi chiều hôm đó, sau hai tiếng đồn hồ chờ đợi, ông bà phải nhìn nhận sự thật: ba đứa con yêu quý nhất đời đã mất tích! Ông Ngọc-Quang tưởng vợ sắp phát điên. Suốt đêm hôm đó, hai người ngồi bên nhau lắng tai nghe ngóng, lòng lo sợ trong cảnh vắng lặng của miền sơn cước .
Sáng hôm sau, ông Ngọc-Quang đã xuống quận lỵ để trình báo với nhà chức trách. Trên đường về, thấy chiếc thuyền bị lật, ông cho rằng ba đứa con ông đã bị chết đuối.
Còn bà Ngọc-Quang thì không muốn tin rằng chúng bị mất tích vĩnh viễn. Trong khi ông tìm kiếm trong hồ thì bà ngồi đợi trước lều, mắt nhìn về phía chân trời .
“Nếu chưa tìm thấy xác, ta tin rằng chúng hãy còn sống”, bà tự nhủ .
Thương thay! Nguồn hy vọng rất mong manh! Chiếc thuyền bị lật nói lên quá rõ ràng tấn thảm kịch .
Bà chỉ còn là cái bóng của chính mình. Mắt bà trũng xuống, nước da bà tái nhợt làm cho ông Ngọc-Quang lo ngại cho tính mạng của bà. Mặc dầu bà vẫn nuôi nguồn hy vọng trong đáy lòng, mỗi giờ trôi qua vô tăm tín lại làm tăng thêm nỗi lo âu hun đốt tâm hồn .
Thỉnh thoảng, lắng hai tai, bà tưởng như nghe thấy tiếng gọi của những đứa trẻ. Bà đứng dậy, gọi tên chúng nó; nhưng đó chỉ là tiếng gió trong rừng cây. Và, mệt mỏi thêm, bà lại ngồi xuống để tiếp tục việc canh gác đau thương .
Hôm đó, khi bà nghe tiếng gọi “Má ơi! Má ơi!” từ xa vọng lại, bà đã thấy vui mừng. Nhưng bà lại ngồi xuống, cho là một sự ảo tưởng .
Nhưng lần này, ảo tưởng đã thành sự thật. “Má ơi, má ơi, chúng con đã về đây” tiếng gọi thất thanh của Hằng vọng tới. Rồi tiếng gọi the thé của bé Tâm: “Má ơi, má ơi!”
Không, bà không lầm! Chúng đã về tới nơi, chúng đang leo lên đồi .
Bà vội chạy ra trước lều, xông vào đám cỏ lau. Vài phút sau, bà đã ôm chầm ba đứa con vào lòng .
- Các con! Các con yêu quí của má! Bà vừa nói vừa khóc vì sung sướng .
Bà sờ chúng, vuốt ve chúng, ngắm nhìn chúng để xem có phải thật là chúng hay không. Bà không cần hỏi đầu đuôi ra sao: chúng đã về, chúng còn sống! Thế là đủ, bà không muốn gì hơn.
- Thế má tưởng chúng con chết thật sao, thưa má? - Bé Tâm hỏi .
Bà không đáp, bà ôm chặt thêm nó vào lòng. Cảm thấy tất cả sự đau khổ vừa qua của bà, ba đứa trẻ cũng ngồi lặng yên, xúc động trước tình mẫu tử bao la đó .
Khi nguôi bớt nỗi cảm động, bà mới hỏi các con từ đâu về .
- Từ đằng kia má ạ! - Bé Tâm vừa nói vừa chỉ về phía rừng .
Hằng vừa nói vừa nép vào người mẹ:
- Thưa má, chúng con sẽ kể hết đầu đuôi để má nghe. Chúng con sung sướng biết bao khi thấy má!
- Không, không các con ơi! - Bà Ngọc-Quang vội đáp - Trước khi kể cho má nghe, các con phải báo tin để ba biết đã! Chúng ta đã ước hẹn rằng ai có tin tức gì trước sẽ treo một miếng vải trắng lên một cây gậy cao .
Việt bèn lấy một cái khăn buộc lên nóc lều .
Ông Ngọc-Quang vẫn lo công việc tìm kiếm dưới hồ. Thỉnh thoảng ông ngước mắt trông về phía đồi, rồi không thấy gì, ông lại lắc đầu tiếp tục công việc .
Bỗng nhiên, một người thuyền chài kêu lên:
- Ô kìa! Ông nhìn xem .
Ông Ngọc-Quang vội ngẩng nhìn thì thấy một miếng vải trắng đang phất phới trên nóc lều. Ông vội vàng chèo thuyền vào, nhảy lên bộ và hộc tốc chạy về lều .
Rồi đến lượt ông ôm chầm lấy các con. Bà Ngọc-Quang mắt còn ngấn lệ tay run run, bỏ các con ra nói:
- Chắc các con vừa mệt vừa đói, vậy mà má quên mất chỉ vì mải ngắm nhìn các con .
Bé Tâm hỏi:
- Thưa má, có gì ăn không ạ?
- Có chứ, nhiều thức ăn lắm. Rồi con sẽ thấy .
- Má đã lại xuống chợ quận ạ?
Bà Ngọc-Quang không đáp. Sự thật là từ khi ba đứa con mất tích, hai ông bà không thể nào nuốt trôi được một miếng cơm. Bao nhiêu thực phẩm vẫn còn nguyên . Các hộp thịt cá được mở ra, ba đứa ăn như gió. Còn hai ông bà thì quên đói vì vui sướng. Ông bà đã thấy quá đầy đủ khi ngắm nhìn ba đứa con yêu quí mà ông bà tưởng không bao giờ còn gặp lại .
Vừa ăn, Việt vừa kể lại cuộc phiêu lưu: Chúng con định đi đến Cầu Mây rồi bị lạc trong rừng. Rồi tiếp tục đến gặp mụ chăn dê và sự ác cảm của dân làng .
- May thay - Nó nói tiếp - Y Blơm đã tới …
- Y Blơm? - Bà mẹ kêu lên .
- Vâng ạ. Y Blơm! Xin má đừng sợ, Y Blơm không giống như người ta phao đồn đâu ạ! Chúng con đã sống mấy ngày với ông ta … Ông ấy tốt biết chừng nào .
- Con đã mạng cho ông ấy cái áo - Hằng tiếp .
- Ông ấy đã khắc cho con cái tượng - Bé Tâm vừa nói vừa giơ thằng người gỗ ra .
Hai ông bà nhìn nhau ngạc nhiên:
- Y Blơm? Không thể nào tin được! Các con đã thấy hắn thực à? Vậy mà người ta đồn rằng hắn không ở vùng này! - Bà Ngọc-Quang nói .
- Có lẽ cái ông phóng viên khôi hài ấy nói với má chớ gì! - Hằng đáp với vẻ chế riễu .
- Hay là ông Đại úy cảnh sát! - Việt phụ hoạ .
- Ông đó ác quá má ạ! - Bé Tâm thêm - Ông ta muốn ngăn cản, không cho chúng con về với má, và định dẫn chúng con về quận lỵ kia đấy .
Việt tiếp tục kể chuyện đi bộ trong rừng với Y Blơm tới nhà người đốt than . Hằng và bé Tâm thỉnh thoảng lại nói chen vô để sửa đổi hoặc thêm thắt một vài chi tiết .
- Anh không kể Y Môh ghen tức à?
- Anh không kể ông Y Blơm khắc cho em cái tượng à?
- Khoan, khoan, anh sẽ kể hết!
Rồi Việt kể đến chỗ cảm động nhất của câu chuyện. Khi nó kể rằng nó đã tới nhà bà mẹ Y Blơm để tìm cách dẫn Y Blơm về thăm bà nhưng việc đã không thành thì đôi mắt bà Ngọc-Quang đã đẫm lệ .
- Tội nghiệp bà cụ quá! - Bà vừa lẩm bẩm vừa nhìn các con quây quần chung quanh .
- Các con thấy đó - ông Ngọc-Quang nói - Người ta không thể sống vô tội ngoài vòng luật pháp. Theo như chúng con kể lại, Y Blơm có lẽ là ngưòi tốt. Nhưng vì hắn vô ý giết người, hắn muốn trốn thoát những hậu quả của hành động ấy. Từ đó, hắn bị đầy ải ra ngoài lề xã hội .
- Thưa ba - Việt nói - Tuy hắn đã giết người nhưng không phải lỗi hắn .
- Hắn cần phải chứng minh điều đó - ông Ngọc-Quang giải thích - Vì lẽ ấy mà có toà án và các quan tòa . Y Blơm không may đã mắc tội ngộ sát thì đáng lẽ phải ra đầu thú với nhà chức trách để xin xét xử. Vì trường hợp đặc biệt, có lẽ hắn đã được trắng án và trở lại đời sống bình thường .
- Thưa ba, con rất mừng được ba giải thích - Việt thở dài đáp - Con nhận thấy rằng Y Blơm đã chạy trốn là có lỗi, nhưng con không biết cách giải thích cho ông ấy hiểu. Tuy nhiên, ông ấy đã thành người bạn thân của con .
Bà Ngọc-Quang mỉm cười nói:
- Má sẽ rất vui khi được gặp hắn để cảm tạ hắn đã giúp đỡ các con!
Trong khi bà Ngọc-Quang chia trái cây cho các con, bé Tâm nói nó rất mến ông Y Blơm, nhưng thức ăn của ông thì không ngon bằng của nhà .
- Má mời ông ta đi - nó nói - và má sẽ làm cho ông ta một chiếc bánh. Con chắc ông ấy sẽ rất thích .
- Nhưng tìm ông ấy ở đâu? - Hằng thở dài nghĩ rằng có lẽ không bao giờ chúng lại được gặp ông ta nữa .
Cả gia đình nghỉ ngơi buổi chiều, rồi ông Ngọc-Quang dẫn mọi người xuống bờ hồ để gặp những người thuyền chài mà nhiệm vụ lúc này đã kết thúc. Trong khi chờ đợi chủ nhân, họ đã thả câu và bắt được một con cá rất lớn .
Họ niềm nở nói:
- Con cá này, chúng tôi xin biếu ông bà để mừng ngày trở về của các em nhỏ!
Cả gia đình lại trở về lều sớm, vì mấy đứa nhỏ hãy còn mệt. Mọi người đang tụ tập trước cửa lều bỗng bà Ngọc-Quang hỏi:
- Có ai nghe thấy tiếng gì không? Hình như có người lên đồi thì phải. Ai vậy?
- Có lẽ một người thuyền chài - Việt đáp .
- Không phải vậy đâu, có lẽ là …
Vừa nói tới đây, ông Ngọc-Quang bỗng im bặt vì tiếng một người thở hồng hộc mới hiện ra. Hắn để đầu trần, tay xách cây súng .
- Y Blơm! - Việt reo lên rồi chạy ra đón .
Hằng và bé Tâm cũng chạy ra theo. Tên tướng cướp hình như bị xúc động mạnh.
- Cảnh sát, hắn nói, họ đuổi theo ta - Họ đã bao vây ngọn đồi - Ta không may đã gặp họ ở gần quận lỵ và họ theo ta tới đây. Và với cây súng này, không thể nào cản bước họ được .
Trông thấy người đã cứu con bà đang bị bao vây như con thú dữ, bà Ngọc-Quang thấy tức giận lắm. Bà lay cánh tay ông chồng và nhìn ông với đôi mắt van lơn. Ông Ngọc-Quang hiểu ý bèn đứng dậy và tiến ra gặp tướng cướp .
- Ông nên vào ẩn tạm trong lều chúng tôi. Cảnh sát sẽ không dám vào lùng xét đâu. Lẹ lên, kẻo họ tới .
Y Blơm do dự một lát rồi nhìn những đứa trẻ .
- Vô đi ông, vô đi! - Hằng chắp tay khẩn khoản nói .
Y Blơm lẩn vào lều. Cả gia đình ông Ngọc-Quang đứng án ngữ ngoài cửa lều . Vừa kịp, vì ngay lúc đó một cảnh sát viên đã xuất hiện ở bụi rậm gần đấy .
Một lát sau, viên Đại úy cũng tiến về phiá lều, theo sau có 6 cảnh sát viên .
Trông thấy những đứa trẻ, ông ta chau mày nói:
- A đây rồi, những đứa trẻ đã bất lịch sự trốn ta hồi sáng! Nhưng hãy tạm để chúng đó. Bây giờ chúng ta còn việc khác. Thưa ông, một người vừa tới đây!
Ông Ngọc-Quang không đáp. Chính ông cũng thấy ác cảm trước thái độ vừa rồi .
- Ông không đáp hay sao? - Viên Đại úy gằn giọng .
- Thưa ông muốn tôi phải nói gì ạ? Tôi có thể đưa giấy tờ để ông coi một lần nữa nếu ông muốn .
- Ông nhạo tôi phải không? - Cảnh sát viên, vào lục soát trong lều này cho ta!
Hằng thấy trống ngực đập thình thình. Nhưng ông Ngọc-Quang giơ tay nói:
- Thưa ông, cái lều này là nhà của tôi, ông không có quyền xâm phạm nếu không có lịnh của tòa án .
- Không có quyền? - Ông lại nói chuyện quyền với tôi à? Rõ là cha nào con ấy!
Ông Ngọc-Quang tái mặt đi. Bà Ngọc-Quang ôm lấy bé Tâm và Hằng đứng án ngữ ngoài cửa lều. Các cảnh sát viên đứng vây chung quanh. Trông dáng điệu của họ, người ta nhận thấy họ không tán đồng thái độ của cấp chỉ huy. Nhưng họ không có quyền can thiệp. Viên đại úy mỗi lúc mặt đỏ thêm. Ông vung cây súng trường lên nạt:
- Để ta đi qua! Nếu không …
- Tôi không quen nhượng bộ trước sự dọa nạt - ông Ngọc-Quang đáp .
Viên Đại úy xông tới .
Bà Ngọc-Quang kêu thét lên. Như một con quỉ từ đáy hộp lò xo bật lên, tên tướng cướp bỗng hiện ra cửa lều .
- Y Blơm! - Một cảnh sát viên kêu lên .
Viên Đại úy cười ngạo nghễ .
- Hà hà hà! Ta biết là phải tóm được mi mà! Lần này mi đừng có hòng thoát nữa nhé! Dù chết hay sống, ta cũng phải điệu mi về quận lỵ .
Đảo mắt nhìn quanh. Y Blơm thu hình lại thủ thế. Với đôi mắt sáng chói như hai tia lửa, trên nét mặt gân guốc đen sạm và đôi môi nhếch lên, trông hắn như một con mãnh thú bị vây sắp nhẩy chồm vào địch thủ .
- Bắn! Viên Đại úy ra lệnh cho thuộc hạ. Bắn đi chứ, còn đợi gì nữa?
Bọn cảnh sát như bị tê liệt vì kinh ngạc. Những con mắt của họ đều dán vào tên tướng cướp như bị thôi miên .
Y Blơm thấy đã đến lúc hành động, hắn phác một cử động. Thấy vậy, viên Đại úy sợ thoát miếng mồi ngon, bèn dơ súng lên ngắm và bóp cò .
Viên đạn nổ vang ở phía rừng. Sự gì đã xẩy ra? Việt … Phải, Việt khi thấy tính mạng của bạn mình bị đe dọa, đã nhẩy xông vào giữa hắn và viên Đại úy. Ông này chỉ kịp, trong một tích tắc đồng hồ, chếch mũi súng lên và viên đạn bay qua nóc lều vào trong rừng .
Nhanh như chớp, Y Blơm nhảy vọt ra, xô hai cảnh sát viên ngã lăn xuống đất, rồi chạy biến vào rừng mất dạng .
- Bắt lấy nó, viên Đại úy hét to. Các anh phải đền tội nếu để nó chạy thoát!
Lúc này, các cảnh sát viên bớt kinh ngạc vội đuổi theo tên tướng cướp, trong khi bà Ngọc-Quang mặt tái xanh và run rẩy ôm lấy Việt .
Viên Đại úy tiến lại gần thằng nhỏ:
- Thằng nhỏ này sẽ phải đền tội! - ông vừa nói vừa giơ quả đấm lên dọa dẫm - Mày phải theo tao về trại giam ở quận lỵ ngay bây giờ .
- Xin lỗi ông - ông Ngọc-Quang lạnh lùng đáp - Thằng này là con tôi, và tôi chịu trách nhiệm về những hành vi của nó. Bây giờ nó cần phải ngủ yên suốt đêm nay .
- Ông lại muốn trốn tránh pháp luật chăng?
- Thưa, không bao giờ; tôi sẽ đích thân đi theo ông nếu cần, và tôi sẵn sàng trả lời trước quan tòa .
- Tôi sẽ lập phúc trình cho coi! Tôi sẽ nói rằng ông đồng lõa với tên Y Blơm, rằng ông tán trợ những tội ác của nó!
- Ông muốn nói gì xin tùy ý; tôi sẽ dành quyền tái lập sự thật .
Viên Đại úy không thể đi khỏi chỗ này, vì còn phải đợi các cảnh sát viên trở về . Nhưng để tỏ vẻ cừu hận với gia đình này, ông ra ngồi thật xa trên một hòn đá, quay lưng trở lại .
Một lát sau, những cảnh sát viên trở về. Họ lắc đầu không tìm thấy Y Blơm. Ông Đại úy hăm doạ sẽ trừng phạt họ rất nặng. Ông để lại ba cảnh sát viên để gia đình “gian phi” này khỏi trốn thoát và kéo ba nhân viên kia đi .
Việt rất hài lòng, vì trong số ba nhân viên còn lại, có ông lúc sáng đã đề nghị đưa chúng về. Nó kể lại sự việc với ông Ngọc-Quang, ông liền ra bắt tay ông cảnh sát và ngỏ lời cám ơn những thiện ý của ông ta .
- Tôi cũng là chủ gia đình - ông cảnh sát đáp - Tôi có ba đứa con từ tám tuổi đến mười hai tuổi, tôi hiểu tôi sẽ cảm thấy gì nếu chúng gặp phải trường hợp tương tự .
Rồi ông ta đưa ảnh các con cho mọi người xem, các nhân viên khác cũng vậy, một không khí đằm thắm cởi mở đã tới với mọi người. Bà Ngọc-Quang bèn mời ba ông cảnh sát dùng cơm với gia đình: Con cá lớn mà những người thuyền chài đã tặng sẽ thừa sức cho tám người ăn .
Các cảnh sát viên rất vui vẻ nhận lời. Họ không giận gì hành động của Việt mà nhờ đó Y Blơm đã trốn thoát. Trái lại, họ còn khen ngợi thằng nhỏ đã liều mình cứu bạn.
- Khi có thể làm được một việc như thế - ông thứ nhất nói - thì không phải là một thiếu nhi nữa mà là một người lớn rồi !
- Hy sinh cho tình bằng hữu, đó là một điều cao đẹp nhất trên đời - Ông thứ hai phụ hoạ .
Ông thứ ba diễn tả một câu mà họ cho là câu khen ngợi tuyệt tác nhất :
- Cậu nhỏ này xứng đáng là con rồng cháu tiên!
Trong bữa cơm, dĩ nhiên, mọi người đã nói rất nhiều về Y Blơm .
- Tôi biết rõ hắn ta lắm, một cảnh sát viên kể. Thưa ông, đó là một công dân tốt, một người con hiếu thảo, một người làm việc rất giỏi … Ông chưa thấy những cái tượng mà hắn sáng tác ra để bà mẹ mang đi bán .
- Bức tượng bằng gỗ mà hắn đã khắc cho bé Tâm - bà Ngọc Quang nói - tôi dám chắc sẽ được hoan nghênh ngay tại thủ đô Sàigòn .
- Mặc dầu lời đồn đại của thiên hạ - ông cảnh sát nói tiếp - tôi biết rõ hắn nên tôi không tin là hắn đã giết người . Địch thủ của hắn đã bị giết, đúng, nhưng dân chúng trong buôn đã xác nhận với tôi rằng tên đó đã tấn công trước và Y Blơm đã ở tư thế tự vệ chánh đáng. Khốn thay, vì lòng tự kiêu, Y Blơm chẳng muốn giải thích và đã trốn vào rừng .
- Nhưng sau đó - ông Ngọc Quang hỏi - hắn có phạm vào tội ác nào khác nữa không?
- Không bao giờ! Nếu một đôi khi hắn có bắt những người đã bóc lột dân nghèo phải hoàn lại số tiền, thì chẳng ai chê trách gì hắn cả, trái lại! Không ai có thể nói rằng Y Blơm đã hành tội ai mà không xứng đáng .
- Thưa ông, chính Y Blơm cũng nói thế - Việt vừa nói vừa rất hài lòng vì thấy các ông cảnh sát cũng có cảm tình với Y Blơm .
- Thưa ông, chắc ông hiểu rằng, một ông cảnh sát khác nói, tại sao chúng tôi không muốn hạ người đó như một con thú rừng! Nếu chúng tôi bắt hắn, ấy là để hắn được xét xử theo luật pháp: chúng tôi chắc chắn, rằng hắn sẽ được tha bổng. Và ai mà nói xấu hắn thì sẽ coi chừng chúng tôi!
- Tôi rất khen ngợi quý vị - ông Ngọc Quang nói - Nhưng ông Đại úy lại nghĩ khác, có phải không?
- Ông ấy không phải là người ở đây nên không hiểu rõ vấn đề của Y Blơm .

Chương 14 (hết)

Hai tuần lễ trôi qua. Gia đình ông Ngọc Quang đã trở lại với đời sống cắm trại bị gián đoạn một cách bi thảm .
Không ngày nào là họ không bàn đến Y Blơm .
- Không hiểu bây giờ ông ta ở đâu? - Hằng nói .
- Điều cốt yếu là ông ta không bị bắt ! - Việt đáp .
- Thưa ba - Hằng hỏi - chúng ta có thể đi thăm ông ta không ạ?
- Đi bằng cách nào hả con?
- Thưa ba, thí dụ đến chỗ mấy người đốt than. Con chắc rằng nếu đi với ba sẽ dễ dàng tìm thấy lối .
- Khó lắm, làm như thế cảnh sát sẽ lưu ý đến họ. Chắc Y Blơm cũng không muốn điều đó .
- Thế không bao giờ gặp lại ông ta sao? - Hằng thở dài nói .
Một buổi chiều kia, trong khi cả nhà đang quây quần trước cửa lều thì thấy ông Thanh Tùng đi tới. Chuyện vãn một hồi, ông Ngọc Quang hỏi nhà phóng viên có chịu bỏ ý định phỏng vấn Y Blơm không?
- Bỏ ý định! - Ông Thanh Tùng đáp - Ông muốn nói rằng tôi đã gần tới mục tiêu?
- Vậy ông vẫn tiếp tục tìm kiếm hắn?
- Đúng thế, bởi vì ông Đại úy đã đổi đi nơi khác rồi, việc canh phòng đã chểnh mảng: Y Blơm không cần đề phòng nữa. Vậy trong vài ngày nữa, thể nào tôi cũng tìm thấy hắn và tờ báo Đèn Pha sẽ là tờ báo đầu tiên ở Sàigòn đăng những lời tâm sự của tên tướng cướp .
- Thưa bác, có thể không ạ? - Việt hỏi với giọng ranh mãnh .
Nó bèn chui vào lều và mang ra một tờ báo mà ông Thanh Tùng nhận ra là một phụ trương đặc biệt của tờ Sàigòn Tân Văn, vừa đưa từ quận lỵ lên tối hôm qua .
Ở trang nhất có hàng tít lớn tám cột như sau :
“Ba đứa trẻ được tướng cướp Y Blơm thù tiếp”
- Thế này là nghĩa gì? - Ông Thanh Tùng sững sờ hỏi .
- Thưa bác - Hằng đáp - thế này có nghĩa là ba anh em chúng cháu đã ở ba ngày với Y Blơm, chúng cháu đã viết thiên phóng sự và ba chúng cháu đã gởi …
- Cho báo Sàigòn Tân Văn! - Ông Thanh Tùng cười khẩy đáp - Và quí vị muốn tôi tin là câu chuyện đó có thực hay sao đó?
- Thưa bác, thực một trăm phần trăm ạ - Việt đáp - Nếu bác chịu khó đọc, là bác sẽ thấy hai gã đốt than mà bác gặp bữa đó chính là Y Blơm và cháu đó ạ!
- Thôi đi cậu! - Ông Thanh Tùng nhún vai đáp - Cậu mà là một trong hai gã đó! Muốn nuốt cho nổi, có họa là phải ngây thơ như … như …
- Như một độc giả của báo Đèn Pha! Phải không ạ? - Hằng đáp .
- Nhưng ta phải nói trước là ta không tin cậu đâu nhé! Cậu phải biết là ta cũng thuộc vào làng bịa chuyện đấy nhé!
Rồi nhà phóng viên từ biệt để đi tìm Y Blơm .
Sáng hôm sau, trong khi ông bà Ngọc Quang, Việt và Hằng đang dạo ở bờ suối thì bé Tâm chạy xuống. Nó vừa thấy ở cửa lều một vật mà tối hôm trước không thấy có . Đó là một thằng người gỗ khác .
Việt reo lên:
- Hình của tôi đây mà! Hồi đó ông Y Blơm đã bắt đầu khắc nhưng không đủ thời giờ hoàn tất! Trông này, em Hằng!
- Đúng là ông ta đã tới đây đêm qua. Đáng lẽ ta phải đoán ra ngay ông đến để đưa tặng cho con kỷ vật này … Thưa ba, có lẽ ông còn ở đâu gần đây …
Nó nhìn về phía rừng như là tìm kiếm sau mỗi bụi cây lay động hình bóng Y Blơm .
Sau vài ngày, ai cũng phải tin rằng Y Blơm đang ở gần đâu đây. Ngày nào hắn cũng bày tỏ sự có mặt của hắn: lúc thì một bó hoa rừng, lúc thì một vật bằng gỗ khắc, để cạnh cửa lều lúc ban đêm. Người ta có cảm tưởng rằng hắn không thể rời bỏ nơi mà các bạn hắn đang ở, nhưng hắn không muốn ra mặt sợ gây phiền lụy .
Một tháng nghỉ sắp hết. Tuần tới gia đình ông bà Ngọc-Quang sẽ khởi hành về Sàigòn. Một buổi sáng, trong khi cả nhà đang sửa soạn xuống bờ hồ, Việt thấy Hằng có vẻ băn khoăn .
- Em nghĩ gì vậy?- Việt hỏi .
- Em nghĩ đến ông Y Blơm. Hồi này ông ở loanh quanh gần đây. Nhưng chúng ta sắp về Sàigòn rồi, chúng ta không thể gởi thư cho ông ta được .
- Nếu ông ta chịu ra đầu thú thì hay quá. Vì ông sẽ được trắng án theo lời các ông cảnh sát .
- Điều đó không hợp với bản tính của ông. Như vậy có lẽ không bao giờ chúng ta gặp lại ông nữa .
Ông Ngọc-Quang đang xếp đồ câu vào thuyền. Bỗng nhiên, mọi người nghe thấy tiếng bé Tâm kêu thét lên. Nó vừa leo lên cái kẽ đá và bị trượt chân ngà xuống đất cao tới gần hai thước, chân đụng phải một tảng đá có cạnh. Ông Ngọc-Quang chạy bổ tới bế thằng nhỏ lên .
- Có sao không con? - bà Ngọc-Quang hỏi .
Thằng nhỏ mê man không đáp, một cẳng chân nó lủng lẳng trông rất thương tâm. Ông bố đặt chân nó nằm xuống cát .
- Chân bị gãy rồi, phải để nó nằm nguyên - ông nói. Việt chạy lên lều lấy cái chăn và giẻ để buộc, Hằng đi kiếm một thanh gỗ cho ba .
- Cái bơi chèo bị gãy hôm qua có thể dùng được ông ạ, bà Ngọc-Quang vừa nói vừa sụt sịt khóc .
- Phải đấy … Bây giờ phải hành động cho mau. Sau khi cẳng chân được cột chắc chắn, ta phải đưa con đến y sĩ ngay .
- Y sĩ! Nhưng mà làm thế nào có y sĩ?
- Chắc ở quận lỵ phải có. Nếu đi mau thì có thể về tới quận lỵ trong một tiếng rưỡi. A! Thôi chết rồi!
- Cái gì vậy hả ông ?
- Tôi quên mất rằng mình chỉ còn một chiếc bơi chèo … làm sao mà bơi thuyền được?
- Có đi bộ theo lối bờ hồ được không?
- Chắc được, nhưng đi vòng mất nhiều thì giờ lắm và tôi phải bế con .
Hai ông bà nhìn nhau lo lắng. Thằng nhỏ rên se sẽ; khi ngã xuống nó đã ngất đi; bây giờ nó không có vẻ đau lắm, nhưng người nó run rẩy .
Lúc đó, Việt đã chạy xuống, tay mang chăn và giẻ buộc. Ông bà Ngọc Quang lấy chăn cuộn Tâm vào đó. Thằng nhỏ đã tỉnh lại, nó kêu la ầm ỉ .
- Trời ơi! Đau quá ! Má ơi, má ơi ! Chân con gãy rồi, đừng mó vào tôi, tôi không muốn đi đâu hết, để tôi nằm yên ở đây .
Việt và Hằng thấy ứa lệ. Bà Ngọc Quang cảm thấy quá thất vọng. Làm thế nào mang được bé Tâm theo đường bộ? Chắc chắn là phải mất nhiều tiếng đồng hồ. Khi tới nơi vết thương của thằng nhỏ đã làm độc? Nếu người ta phải cưa chân nó? Nếu thằng nhỏ sẽ phải tàn tật suốt đời?
Bỗng nhiên có tiếng động từ trên đồi. Những đứa nhỏ quay lại thì thấy một người đàn ông mặc đồ đen từ sau bụi rậm hiện ra đang chạy xuống Việt và Hằng cùng kêu lên:
- Y Blơm!
Phải, đúng là hắn! Không hiểu sao, hai đứa trẻ tự nhiên thấy vững dạ .
- Tôi nghe thấy tiếng kêu của bé Tâm - hắn nói với ông bà Ngọc Quang, tôi hiểu rằng bé Tâm đã bị tai nạn .
Ông Ngọc Quang kể lại vắn tắt sự việc xảy ra .
- Với tuổi của em, vết thương rất chóng bình phục - Y Blơm nói - trong vòng hai tháng thì em đi lại được như thường .
- Với điều kiện là phải chữa chạy kịp thời - bà Ngọc Quang nói - Nhưng chiếc thuyền bị gãy một bơi chèo rồi, làm sao đi tới quận lỵ được?
Nét mặt Y Blơm trở thành đăm chiêu: hắn đang suy nghĩ. Bỗng nhiên, đôi mắt hắn nhìn xuống bé Tâm với một vẻ dịu dàng đầy thương hại .
- Nếu đi đường bộ theo lối tắt - hắn nói chậm rãi - ta có thể tới quận lỵ trong hai tiếng .
- Ông có thể chỉ vẽ cho tôi con đường đi hay không? - ông Ngọc-Quang hỏi .
- Chỉ vẽ thì không thể rõ được, nhưng con đường đó tôi có thể nhắm mắt mà đi không lầm. Vậy không nên mất thì giờ nữa. Chúng ta đi ngay bây giờ. Tôi sẽ bế bé Tâm, vì tôi vẫn quen vác nặng để đi bộ trong rừng .
Hai ông bà nhìn nhau. Họ ngại rằng nếu đi về quận lỵ, Y Blơm sẽ có thể gặp cảnh sát. Tuy nhiên, mạng sống của bé Tâm có thể bị đe dọa …
- Ông Y Blơm ! - bà Ngọc-Quang ấp úng .
- Bây giờ nói nữa vô ích, vội lắm, xin đi gấp .
Bé Tâm được đặt vào hai cánh tay Y Blơm rồi bọn ngưòi đi sâu vào rừng .
Đi lâu lắm, lúc lên dốc, lúc xuống đèo rất là vất vả. Thỉnh thoảng bé Tâm thốt ra một tiếng kêu rên rỉ .
- Ngoan đi bé, sắp tới nơi rồi - Y Blơm dỗ nó .
Tới một ngọn đồi, mọi người đã trông thấy những ngôi nhà đầu tiên của quận lỵ, Y Blơm dừng lại một lát; ông Ngọc-Quang tới gần hỏi:
- Thôi, có lẽ ông không nên đi thêm nữa, rất nguy hiểm cho ông. Bây giờ đã trông thấy quận lỵ rồi, chúng tôi có thể đi tới một mình được .
Y Blơm lắc đầu:
- Không, khi xuống đến thung lũng, ông sẽ không trông thấy gì nữa, ông có thể bị lạc và đi vòng quanh hàng giờ. Tôi phải đến tận nơi mới được .
- Nhưng … cảnh sát ? - Việt nói .
Y Blơm nhún vai bước đi .
Được một quãng, họ nghe thấy tiếng chân người sau bụi rậm .
- Ông Y Blơm, xin ông … bà Ngọc-Quang năn nỉ .
Nhưng bà chưa kịp nói hết câu thì đã thấy những họng súng từ trong bụi rậm chĩa ra tua tủa. Một lát sau, cả bọn đã bị cảnh sát vây quanh .
Viên đội trưởng là ông cảnh sát tóc hoa râm đã bênh vực cho lũ trẻ trước kia . Ông ta tiến lên đặt tay lên vai Y Blơm:
- Chúng ta đã theo mi từ nãy tới giờ. Các chú, tiến lên, bắt lấy hắn và giải về quận.
- Vô ích - Y Blơm thản nhiên đáp, tự tôi sẽ đi tới đó. Các ông để tôi mang em nhỏ này tới nơi đã, nó bị thương nặng, nếu đổi tay sẽ làm nó đau đớn lắm .
Ông cảnh sát lo sợ bị mắc mưu:
- Mi hứa danh dự rằng tới quận mi sẽ đầu hàng chứ?
Y Blơm đưa mắt nhìn về phía rừng sâu, rồi lại nhìn bé Tâm. Nếu hai tay hắn được tự do, chắc chắn sẽ biến vào rừng sâu và có thể bị trúng một viên đạn. Nhưng với đứa nhỏ trên tay thì vô kế khả thi .
- Tôi hứa … - hắn đáp .
Viên đội trưởng liền ra hiệu cho các cảnh sát viên giãn ra, chỉ cần đi theo bọn người đến quận lỵ .
Chẳng bao lâu, những nhà của quận lỵ đã hiện ra, viên đội trưởng chỉ cho ông Ngọc Quang phòng mạch của y sĩ, rất may là ông này có nhà. Ông cho bé Tâm vào thẳng phòng điều trị rồi chích thuốc và bó bột cho nó. Ông cho biết là chỗ gãy không có gì khó chữa và cái chân sẽ lành hẳn không để lại dấu vết gì .
Ngoài cửa phòng, Y Blơm và các cảnh sát viên theo dõi việc chữa chạy. Khi xong xuôi, viên đội trưởng bảo Y Blơm:
- Bây giờ cần phải đi .
Đôi mắt tướng cướp sáng lên. Nhưng hắn đã hứa rồi, hắn không thể chạy trốn được .
- Nếu không phải vì em nhỏ …- hắn giải thích với bà Ngọc Quang .
- Tôi hiểu lắm, bà đáp. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên hành động cao cả của ông. Nhưng ông sẽ được tự do một ngày gần đây, tôi xin thề .
Việt và Hằng muốn chạy lại để chia tay với người bạn thân, nhưng các cảnh sát viên đã kéo Y Blơm đi .
***Một tháng sau, tại tòa án Ban Mê Thuột, một nhóm người đang đứng chờ một can nhân được tòa tha bổng, sau một phiên tòa lịch sử. Ông Ngọc Quang đã từ Sàigòn lên cùng với một vị luật sư danh tiếng để bào chữa cho Y Blơm, do ông đài thọ hết mọi phí tổn .
Trước hết, trạng sư đã chứng minh rằng tên “tướng cướp” không đáng kết tội về vụ giết người, vì hắn ở trong tình trạng tự vệ chánh đáng .
Còn về các tội khác, đó chỉ là những lời đồn đại vô căn cứ. Trạng sư đã dẫn đến tòa nhiều nhân chứng, toàn là những người mà Y Blơm đã giúp đỡ. Sau hết, ông ta đã đề cao sự tận tâm của người này, đã không ngần ngại hy sinh sự tự do của chính mình để cứu một đứa nhỏ .
Tòa tuyên bố Y Blơm được tha bổng .
Trước sân tòa án, ông Ngọc Quang đang đứng cùng trạng sư, Việt và Hằng. Hai đứa nhỏ đã được ông xin phép nhà trường cho nghỉ học ba ngày để lên dự phiên tòa và được gặp Y Blơm. Riêng bé Tâm và bà Ngọc Quang không có mặt vì chân thằng nhỏ chưa được lành hẳn .
Cửa tòa vừa mở, mọi người thấy Y Blơm xuất hiện, lúc này, hắn không còn là một tên cướp bị truy nã thuở trước nữa. Vẻ mặt tươi cười, áo quần bảnh bao, trông hắn rõ ra một trang thanh niên quắc thước .
Hắn chào hỏi mọi người rất niềm nở. Ông chánh án và ông trạng sư chúc mừng hắn được trở lại đời sống bình thường của một công dân tự do .
- Tôi có một sự ngạc nhiên cho ông Y Blơm - ông Ngọc Quang nói .
Rồi ông dắt hắn tới chỗ chiếc xe hơi đậu ở góc sân tòa. Một bà già nhỏ nhắn, da nhăn nheo, đang ngồi ở nệm sau và nhìn ra với đôi mắt sáng như hai hòn than. Đó là bà thân mẫu Y Blơm và ông Ngọc Quang đã đến tận buôn để đón bà ra tòa mục kích việc phóng thích con bà .
Hai mẹ con không cầm được giọt lệ vì sung sướng. Hằng bất giác nghĩ tới bài hát “Lòng mẹ”. Nó se sẽ hát: “Lòng mẹ thương con như biển Thái Bình dạt dào …”; lòng rộn lên nỗi vui mừng trước cảnh đoàn tụ của mẹ con Y Blơm. Chàng “Anh hùng sơn cước” nay đã được trở về mái ấm gia đình vui sống với mẹ già và phụng dưỡng bà với tất cả tấm lòng hiếu thảo.
THÙY HƯƠNG
----------------------------------------------------------------------------------
* Chân thành cám ơn bạn Thu Hồ đã sưu tầm, scan truyện và bạn BC đã đánh máy truyện gửi cho Tủ sách Tuổi Hoa (http://tuoihoa.hatnang.com (http://tuoihoa.hatnang.com/))