PDA

View Full Version : Văn hóa MẸ



paulma2010
17-05-2009, 10:59 PM
Dân gian tin rằng cả một nước là một đại gia đình, cùng chung huyết thống, cùng chung mái nhà Việt Nam. Dù thuộc sắc tộc này hay sắc tộc kia, họ đều có một mái nhà chung Việt Nam, một đất Mẹ nuôi nấng, họ được gắn kết với nhau bằng dòng sữa Mẹ ngọt ngào, nên rằng, người ta vẫn thường hằng khuyên nhau: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống mà chung một giàn”.

Từ tâm lý hướng về Mẹ, người Việt đi đến triết lý Mẹ, Mẹ là người gia trưởng chứ không phải là cha. Luân lý phụ quyền là ảnh hưởng của Nho Giáo. Theo nguyên lý phát sinh, Mẹ là cội nguồn sinh ra các con cái, mẹ là người nuôi dưỡng, mẹ là người dạy dỗ, là người chăm sóc những đứa con từ mới sanh cho đến khi tới mộ. Không chỉ con người mới có mẹ, những vật vô tri vô giác kia cũng có mẹ: Mẹ đất, mẹ nước, mẹ lúa, mẹ rừng, mẹ sông, mẹ suối…Mẹ hiện diện khắp nơi, có mẹ mới có gia đình, đạo lý dân Việt là ở đó. Từ văn hoá Mẹ lan rộng và ảnh hưởng sâu xa trong tâm thức dân Việt, vào buổi sơ khai, những khi chưa có ngành khoa học phát triển để chống lại sự dữ, nguyên lý Mẹ trở thành bảo pháp, che chở, phù trì cho con cái. Mẹ, vì thế mang một uy quyền, sự dữ có mạnh như sóng gió nhưng cũng khép mình với mẹ sông, dã thú dù có hung tàn vẫn phải khép mình với mẹ núi. Chính vì thế mới có những thần sấm của đạo nhân nghĩa được vang lên: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”, triết lý Mẹ sản sinh ra lối sống hài hoà, yêu chuộng hoà bình, lấy nhân nghĩa để xử thế, đem con tim mà cai quản muôn dân..

Mẹ trở thành tín ngưỡng của dân Việt, ngọn nguồn và giáo lý của tín ngưỡng ấy thì mênh mông, không thể liệt kê, bởi vì, người Việt không theo đạo nhưng sống đạo. Sống đạo, chính vì thế mà không thể giới hạn chiều sâu, rộng, tầm cao, thấp nhưng bàng bạc trong đời sống.


Xem xét hệ thống thần linh trong Tứ phủ, ngoài những nét độc đáo của các mẫu còn có bên cạnh các cô, các cậu chết trẻ, những vị anh hùng liệt sỹ hy sinh vì đất nước, kể cả những người chỉ hình thành từ hư cấu những câu chuyện dân gian như bà Lê Mại Đại vương, cô Cam Đường, Bắc Lệ, Ba Bông, bà Ngự Tân… Mẹ có ở khắp nơi, nơi đâu mà không có mẹ.

Tín ngưỡng không chỉ dừng lại ở hình thức cúng bái, nên trong tín ngưỡng đạo mẫu còn có cả những nét sinh hoạt được diễn ra bằng nghệ thuật hoặc bằng những diễn đạt qua những điệu múa, bằng những áng bản chầu văn. Nếu có dịp đi xem một bản giá đồng, ta có cảm tưởng như đi xem một vở kịch, một điệu múa, mà ngôn ngữ ở đây chủ yếu là các động tác. Bằng ngôn ngữ không lời ấy mới có thể bắt gặp được mối giao cảm tiên trần, giải thoát con người khỏi những trần tục vương mắc. Nội dung của các bài chầu văn ấy nhắm về giáo dục tình yêu, khi thì gợi nhớ tình thuỷ chung, khi thì gợi nhớ những đức hạnh của một người nữ, khi thì biểu hiện chữ nhẫn để nêu nét kiên trung…Tất cả những nét đặc trưng ấy biểu đạt một nền luân lý, lấy nhân nghĩa đễ cư xử, lấy luân thường làm đạo lý…Tất cả những bài học ấy nhằm giáo dục một cộng đồng biết sống yêu thương đùm bọc, để xây dựng mối ấm êm từ trong gia đình đến xã hội. Sự thanh bình ấy được diễn tả qua các đặc trưng dạo chơi trên những du thuyền, bềnh bồng thả trôi trên con nước, lãng du trên những bình nguyên. Những ý niệm ấy tràn khắp cả các đoạn văn chầu, đó là biểu hiện của một tâm hồn thanh bình không vương tội ác, yêu lắm sắc màu thiên nhiên và thương lắm cuộc đời.

Thử tìm nội dung của vài bài giáng bút, ta sẽ thấy những điều đó được tỏ lộ:

“Muốn cho trai gái thảo hiền

Mọi điều dạy bảo phải chuyên đêm ngày

Và nghe người nói xưa nay

Uốn cây nên uốn những ngày còn non

Dạy con từ thưở còn son

Đến khi cả lớn, ắt khôn hơn người

Dạy ăn, dạy nói, dạy cười

Dạy đi thong thả, dạy ngồi nết na.”

Dạy các điều luân lý nhưng lại liên hệ những bậc anh hùng trong sử sách thì thường có nhắc:

“Chuyện bà Trưng thưở trước

Chuyện chị Triệu khi xưa

Hỏi em đã nghe chưa

Biểu trung trinh lừng lẫy

Tiếng anh hùng lừng lẫy…”

Đạo lý Mẹ trở thành ngôn ngữ sử dụng rộng rãi trong nhiều lãnh vực: Giao thông: Sông mẹ, sông con, sông cái, sông cả, đường cái, đường chính; Tên miền vùng: Cái Mơn, Cái Cồn, Cái Răng, Cái Lược…; Dụng cụ: Cái dao, cái rựa, cái nia, cái sàng, cái bàn, cái ghế…; ngôn ngữ triết học: Cái có – cái không không, cái nhiên, cái siêu việt, cái điều, cái chính…, trong giao tiếp: cái bắt tay, cái thân thiện, cái thân thương…

Cái, có khắp nơi, ở đâu có cái là có phụ, có con.

Mẹ là nguồn cội, nên cũng là nơi bắt đầu sự sống và đạo lý của làm con là Uống nước nhớ nguồn và truyền thống ấy làm nên những văn hoá khác nhau mà sẽ muôn đời ghi nhớ khắc sâu.
Sưu tầm