PDA

View Full Version : Sống Lời Chúa Hôm Nay _CHÚA NHẬT4THƯỜNG NIÊN NĂM c



hongbinh
28-01-2013, 07:47 PM
LỜI THẬT MẤT LÒNG
CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN NĂM C (03/02/2013)
[Gr 1,4-5.17-19; 1 Cr 13,4-13; Lc 4, 21-30]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Có một sự trùng hợp diệu kỳ giữa các Bài Sách Thánh của các Chúa Nhật đầu Mùa Thương Niên Năm C và thực tế của xã hội và Giáo Hội Việt Nam! Kinh nghiệm kim cổ cho chúng ta thấy rằng khi thì hành sứ mạng ngôn sứ, các “phát ngôn viên” của Thiên Chúa thường sẽ gặp phải sự chống đối, thù hận, thậm chí ám hại của người đời nữa. Chuyện này không chỉ xẩy ra trong thời Cựu Ước mà vẫn đang xẩy ra trong thế giới văn minh ngày nay. Bằng chứng hùng hồn là hàng năm con số các nhà báo và các nhà truyền giáo bị giết hại luôn làm cho nhiều người phải kinh ngạc. Họ bị giết hại, không phải vì chiến tranh bom đạn mà vì họ đã “to gan” dám nói lên sự thật, dám bênh vực công lý và dám tố cáo cách làm ăn phi pháp hay tội ác của một số cá nhân hay đảng phái, thậm chí cả chính quyền của một số quốc gia.
Bài Phúc âm hôm nay cho ta thấy chính Đức Giê-su Ki-tô cũng đã từng bị đối xử tồi tệ bởi chính những người đồng hương của Ngài ở Na-da-rét. Vậy muốn bước theo chân Chúa Giê-su trong sứ vụ ngôn sứ, tiên vàn chúng ta phải ý thức rằng “lời thật mất lòng” nhưng “sự thật mới giải phóng con người!”

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Gr 1, 4-5.17-19): Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.
4 Dưới thời vua Giô-si-gia-hu có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: 5 "Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.
17 Còn ngươi, ngươi hãy thắt lưng. Hãy chỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ; nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn. 18 Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ: từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ. 19 Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì - sấm ngôn của Đức Chúa - có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi."

2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 13, 4-13): Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.
12/31 Thưa anh em, trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.
13/1 Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. 2 Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. 3 Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. 4 Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, 5 không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, 6 không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. 7 Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.8 Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. 9 Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. 10 Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. 11 Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. 12 Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. 13 Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.

2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 4, 21-30): Như các ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa, Đức Giê-su không phải chỉ được sai đến với dân Do-thái mà thôi.
21 Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." 22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
23 Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!" 24 Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
25 "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa ở trong nước Ít-ra-en; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi."
28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Gr 1, 4-5.17-19) là một đoạn văn quan trọng của Sách Giê-rê-mi-a nói về sứ mạng của vị ngôn sứ. Để thi hành sứ mạng khó khăn ấy, Giê-rê-mi-a phải biết rõ mình có trách nhiệm nói Lời Chúa với ai (cả dân Chúa và dân ngoại), sẽ gặp trở ngại gì (bị tấn công) và phải có thái độ dũng cảm (đừng sợ) và tin tưởng vào sự hiện diện và hỗ trợ của Thiên Chúa.
à Trong đoạn Gr 1,4-5.17-19 trên, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là một nhà sư phạm và quan phòng tuyệt diệu. Trước hết Chúa gọi và giao sứ mạng ngôn sứ cho Giê-rê-mi-a; thứ đến là Chúa chuẩn bị tinh thần cho ông và sau cùng là Chúa cam kết sẽ luôn ở bên cạnh ông để giúp ông thực hiện sứ vụ được giao. Với mỗi người Ki-tô hữu, Thiên Chúa cũng cư xử như vậy, vì Người là Thiên Chúa không bao giờ thay đổi.

3.1.2 Bài đọc 2 (1 Cr 12, 31 – 13,30) là đoạn văn có thể xem là hay nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ, nói về đức ái Ki-tô giáo. Đời sống tôn giáo của người Ki-tô hữu được xây dựng trên ba nhân đức (gọi là đối thần) là tin, cậy, mến thì đức mến là đức tồn tại lâu bền nhất. Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu được tràn ngập những đặc sủng (ơn nói tiên tri, ơn hiểu biết, ơn nói tiếng lạ, ơn đức tin chuyển núi dời non, ơn dũng cảm hy sinh cả mạng sống) thì ơn đức mến là ơn cao trọng hơn cả, vượt trên tất cả các đặc sủng mà người Ki-tô hữu có quyền ước ao và cầu xin.
à Trong đoạn 1 Cr 12,31 - 13,3 trên, chúng ta nhận ra bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu. Là Tình Yêu nên Thiên Chúa là Đấng giầu có và quảng đại vô cùng trong việc ban phát các ơn huệ của Người cho con cái.

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 4, 21-30) là tường thuật của Phúc âm Lu-ca về thái độ và cách đối xử tồi tệ của những người dân làng Na-da-rét dành cho Chúa Giê-su. Nguyên nhân sâu xa là họ không tin vào Ngài, không khám phá ra con người và không nhận biết sứ mạng của Người.
à Qua đoạn Phúc Âm Lc 4,21-30 này, Chúa Giê-su đã cho chúng ta thấy Người “quân tử” và “quyền năng” như thế nào. Quân tử khi Người thẳng thắn nói cho dân làng Na-da-rét biết họ sai, họ dở ở chỗ nào. Nhưng ngài cũng không chấp nhất thái độ hẹp hòi, thiển cận, ghen tỵ và phẫn nộ của họ. Quyền năng vì Ngài đã thoát khỏi sự ám hại của những người đồng hương một cách tài tình.
3.2 Sứ điệp Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: Chúa Giê-su cũng như các ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Ê-li-a, Ê-li-sa và tất cả các Ki-tô hữu chúng ta có sứ mạng nói Lời Thiên Chúa với mọi người sống trong thế giới này. Để chu toàn sứ mạng ấy, “phát ngôn viên” của Thiên Chúa phải có 4 điều sau:
(1o) ý thức trách nhiệm ngôn sứ của mình,
(2o) thấy trước những khó khăn, thử thách và chống đối của người đời và dũng cảm thực hiện sứ vụ được giao,
(3o) tin tưởng và phó thác trọn vẹn vào Chúa là Đấng quyền năng và yêu thuơng, luôn ở bên cạnh để phù giúp các sứ giả của Người!
(4o) thể hiện đức ái đích thực với tha nhân, nhất là với những kẻ ghen ghét và làm hại mình.

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa Cha là Đấng trân trọng các ngôn sứ khi giao cho họ sứ vụ nói Lời Chúa cho mọi người ở mọi nơi. Sống với Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng đã thi hành sứ vụ ngôn sứ một cách hoàn hảo đến nỗi chịu nạn chịu chết cho sứ vụ ấy. Sống với Chúa Thánh Thấn là Đấng hiệp thông với Cha và với Con để làm cho Lời Chúa vang dội trong lòng người và trong lịch sử loài người.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, tôi phải nghiêm túc xét mình về bốn điều nêu trong phần sứ điệp của Lời Chúa ở trên. Cụ thể:
(1o) Tôi ý thức như thế nào về sứ mạng ngôn sứ, về vai trò và trách nhiệm của tôi là “phát ngôn viên” của Thiên Chúa?
(2o) Tôi có thấy trước những khó khăn, thử thách, chống đối đang chờ đợi tôi không? Tôi chùn bước, tháo lui hay dũng cảm tiến lên phía trước?
(3o) Tôi có trông cậy, tin tưởng và bám vào Thiên Chúa không? Tôi có biết dựa vào sức mạnh của Người mà sống và chiến đấu cho Công Lý và Nước Trời không?
(4o) Tôi có thực sự yêu thương và bao dung, quảng đại đối với những người Chúa gửi đến cho tôi không? Đối chiếu với các cách biểu hiện đức ái mà Thánh Phao-lô đã trình bày (trong bài đọc 2) tôi nhận thấy mình còn thiếu những gì?

V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ LOÀI NGƯỜI
5.1 «Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân tộc trên thế giới ngày hôm nay để họ biết lắng nghe tiếng nói ngay thẳng của các ngôn sứ là những phát ngôn viên của Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.2 «Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ; nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, cho các Hồng Y, Giám Mục và Linh Mục, để các ngài được ơn dũng cảm trước mọi kẻ thù và trong mọi nghịch cảnh mà bênh vực công lý và quyền con người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.3 «Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Hội Thánh tại Việt Nam nói chung, cho giáo dân của giáo xứ chúng ta nói riêng, để trong Năm Đức Tin này, mọi thành phần Dân Chúa sống Đức Ái là nét đặc trưng của các môn đệ Chúa Ki-tô, nhất là với những người hiện đang thù ghét và bách hại các Ki-tô hữu chúng ta.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.