PDA

View Full Version : Người Cha Không Thể Quên Của Tôi



hongbinh
05-03-2013, 08:24 PM
Người Cha Không Thể Quên Của Tôi


Sau khi cha tôi mất vì bệnh thận ở tuổi 35, mẹ tôi dần dần quen một số người khác.

- Đây là Al, mẹ tôi giới thiệu vẻ ngượng ngùng. Al Sbarra.

- Tên thật của chú là Attilio, ông ta nói giọng thân thiện. Nhưng ai cũng gọi chú là Al, còn bạn thân thì kêu là Al Bananas.

Một năm sau, Al không những ăn tối ở nhà tôi mà còn dự tính lập gia đình với mẹ. Tôi rất khó chịu khi thấy bức hình của Al đặt tại vị trí trước kia là khung hình của bố.

- Nếu gọi ông ta là bố thì khác nào tôi không còn nhớ gì đến cha ruột của mình - tôi đã nghĩ vậy.

Suốt nhiều năm sau, tôi chỉ xem Al như là một người bạn của mẹ, thường xuyên đến dùng bũa cơm tối và lúc nào cũng ra về truớc lúc 22 giờ. Cuối cùng, khi Al chính thức lập gia đình với mẹ, tôi đã trưởng thành, đậu đại học và ở riêng. Một ngày kia, khi tạt vào thăm nhà, tôi nghe văng vẳng giọng hát Frank Sinatra và thấy mẹ đang khiêu vũ với Al trong nhà bếp. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ cùng bố khiêu vũ trước kia cả. Đợi hết bài nhạc, tôi vào phòng. Al tỏ vẻ vui khi thấy tôi.

- Này, có một việc ở Jersey lương 2,25 đôla một giờ. Nếu cháu thích, ngày mai hãy đi với chú!

Đang kiếm việc làm thêm trong kỳ nghỉ hè, tôi đồng ý ngay. Sau ngày làm việc đầu tiên, tôi mệt rã người. Al hỏi thăm và động viên sau khi lắng nghe tôi kể về công việc.

Trong tôi vẫn chưa muốn thừa nhận Al là cha mình thì ông ta lại luôn ân cần với tôi. Khi nghe tôi mới quen được một cô gái, Al hỏi ngay:

- Nói cho chú biết về cô ấy đi! Mẹ cháu kể cô ta dễ thương lắm mà...

Thái độ ân cần của Al chỉ khiến tôi bực mình. Hết kỳ hè, Al đề nghị tôi phụ ông ấy khi nhận thêm vài công việc vặt vào những ngày thứ bảy để kiếm thêm thu nhập. Khi làm, Al đặt hộp đồ nghề cạnh bên mình và chỉ yêu cầu tôi làm các công việc đơn giản. Dường như ông ấy muốn tôi tự học khi quan sát và nghe hướng dẫn.

Một ngày kia, tôi kể với Al công việc sẽ làm sau khi tốt nghiệp và lộ vẻ bực tức khi không tìm đưọc việc hợp với sở thích hơn, Al an ủi tôi, cho rằng rồi thì việc gì cũng quen cả, và rằng không phải lúc nào mình cũng đạt được nguyện vọng, ước mơ. Sau đó, Al kể tại sao người ta lại gọi ông là Bananas. Bố Al đẩy xe bán chuối dạo khắp đường phố Philadelphia sau khi bị mất việc. Thường theo cha đi bán chuối như thế, Al phải đến từng nhà gọi mời. Từ đó, bạn bè bắt đầu đặt cái tên Bananas cho ông.

- Cha chú kiếm được ít tiền lắm..... -Al nói thêm.

Tôi bắt đầu lờ mờ hiểu Al thường kiếm việc làm cho tôi, và đó là một cách để tôi nhận ra giá trị của sức lao động. Không bày tỏ lòng thương yêu bộc trực, Al đã đóng vai trò một người cha đích thực trong việc giáo dục ý nghiã cuộc sống cho tôi, theo hệt cách bố ông ấy đã dạy dỗ ông ấy. Al khác gì cha ruột tôi đâu, từ lúc ông ấy mua cho tôi chiếc xe cứu hỏa, khi tôi vẫn còn nằm liệt trên giường bệnh cách đây nhiều năm...

Trưa hôm sau, Al đến căn hộ tôi, mang theo số tiền lương:

- Cháu trông không được khỏe, Al nói. Thôi, để chú về nói mẹ cháu làm món súp gà. Cháu cần thêm gì không?

Không suy nghĩ, tôi nói ngay:

- Một chiếc xe cứu hỏa, được không chú?

Al lộ vẻ ngạc nhiên, nhưng mỉm cười:

- Được thôi.

Khi chú ấy đặt món tiền lương lên cái bàn cạnh giường, tôi nói:

- Cảm ơn...Bố

Vài tuần sau, Al gọi điện nói ông định viếng mộ bố mẹ mình, và hỏi tôi có đi cùng không. Tôi đồng ý, bởi nghiã trang đó cũng là nơi có mộ bố ruột tôi. Khi thấy Al trầm lặng cúi đầu trước mộ bố mẹ chú ấy, tôi đi tìm mộ bố mình. Lát sau, Al quay lại, nói:

- Bố cháu là một người tốt...

Tôi bật khóc.....

Trên đường về nhà, tôi bắt đầu cảm nhận được ý nghiã hành động của Al. Chú ấy muốn tôi cùng đến nghiã trang, dường như là để tôi có thể lấy lại một phần của cuộc đời mà tôi thậm chí không biết nó đang mất hay rất quan trọng cho đến khi đối diện với nó. Đó chính là ký ức về bố tôi. Al đã chỉ cho tôi thấy, bằng cách cùng có mặt trước mộ bố tôi, rằng có một khoảng trống trong tim tôi dành cho cả bố tôi lẫn chú ấy.

Hơn 10 năm sau, vào một ngày hè, Al thức dậy với cơn đau quặn. Bản phim quang tuyến cho thấy Al bị ung thư phổi. Tuy vậy, Al vẫn không tỏ vẻ bi quan hay than phiền về những cơn đau của mình. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy bố – vâng, Al đã thực sự là bố tôi – bố mỉm cười, một nụ cười hạnh phúc ẩn dưới ống truyền dưỡng khí.

- Đừng lo gì cả. Chuyện gì cũng giải quyết được hết mà!

Tôi nắm tay bố khi giờ khắc ngắn ngủi của cuộc đời bố đang cạn dần. Tôi tự hỏi không biết bố đang nghĩ gì...Khi đến lúc phải ra về, tôi nói:

- Con yêu bố!

Al ngước lên, gật đầu nhẹ, bóp tay tôi và mỉm cười. Bố đã hiểu...Trưa hôm sau, bố mất. Tôi bàng hoàng lúc nhận được tin.

Và tuần sau đám tang, tôi lấy hộp đồ nghề của bố ra, run rẩy với nỗi buồn thảm và tiếc nuối. Nhìn thấy mẹ, bây giờ lần đầu tiên tôi mới hiểu bố quan trọng như thế nào trong quãng đời của mẹ....Tôi mang hộp đồ nghề của bố về căn hộ mình và sẽ trân trọng gìn giữ như một kho tàng. Tôi sẽ không bao giờ quên những gì bố đã dạy, về tình yêu không chút vị kỷ, về sự tha thứ những nỗi đau quá khứ. Chỉ khi như vậy, trái tim chúng ta mới thực sự rộng mở. -

M.K