PDA

View Full Version : Mẹ Tôi-Thầy Tôi



hongbinh
05-03-2013, 08:27 PM
Mẹ Tôi-Thầy Tôi


Tôi nhìn trìu mến vào bức thư, nét chữ quen thuộc làm tôi liên tưởng đến giọng nói không lẫn vào đâu của mẹ. Tiếng Thái của mẹ nhuần nhuyễn đến nỗi chỉ mang chút xíu âm điệu quan thoại, và chữ viết thì khéo đến độ ai cũng nghĩ đó là người bản xứ....

Mẹ tôi di cư đến Thái lan cách đây hơn 60 năm. Khi tôi còn bé, mẹ vẫn chưa sử dụng thành thạo tiếng Thái và trở thành trò đùa cho vài người hàng xóm khiếm nhã.

Ngay cả bố tôi - người Thái - cũng tỏ vẻ xem thường tiếng Thái lõm bõm của mẹ. Tôi chưa bao giờ có thể hiểu được tại sao một người trí thức từng du học tại Anh như bố lại chọn mẹ làm vợ. Một phụ nữ có học hẳn sẽ thích hợp với bố hơn. Cuối cùng, bố chọn sắc đẹp làm tiêu chuẩn lập gia đình. Thế rồi, qua năm tháng, sắc đẹp của mẹ tàn phai và bố trở nên chán nản khi nhận ra rằng ông đang sống với một phụ nữ trung niên mà hai người gần như chẳng hiểu nhau.

Chuyện bắt đầu thay đổi khi tôi tới tuổi cắp sách đến trường. Mẹ ép tôi phải dạy lại cho bà những gì tôi vừa học được. Bà nhờ tôi giải thích nội dung trong các sách giáo khoa. Tôi cảm thấy bực mình trước những câu hỏi của mẹ. Sự đau khổ của tôi càng tăng bội phần khi gia đình nhận được một thông báo của chính quyền. Tôi có thể đọc to lên được, tất nhiên, nhưng mới học lớp 3 thì làm sao tôi có thể hiểu nội dung viết trong đó nói gì. Một ngày kia, mẹ bắt đầu dùng sách tiểu học của tôi để học viết và đọc tiếng Thái. Thật tréo ngoe, tôi trở thành thầy dạy cho mẹ. Thay vì hãnh diện, tôi cảm thấy rất khó chịu. Mẹ đã ở tuổi 36 và tôi thậm chí chưa lên 10.

Sau những buổi cơm chiều, mẹ và tôi ngồi tại bàn ăn cùng học. Thỉnh thoảng, mẹ ngắt quãng tôi khi hỏi về cách phát âm một từ nào đó, làm tôi phải ngưng chuyện học của mình để giải thích cho mẹ. Chẳng bao lâu, các quyển tập cũ của tôi đầy những dòng chú thích của mẹ. Bây giờ, khi nghĩ lại, tôi mới nhận ra mình thu thập được rất nhiều điều từ phương pháp học đầy lòng kiên nhẫn của mẹ. Nhưng lúc đó, tôi nghĩ chuyện mẹ học chỉ khiến tôi hao phí thời giờ. Bài tập của tôi rất nhiều mà mẹ thì cứ hỏi hết câu này sang câu khác. Đến giờ, tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh mẹ ngồi bình thản khi đứa con gái duy nhất của bà càu nhàu lên tục. Nếu trong trường hợp tương tự, chắc tôi đã bỏ cuộc từ lâu, nhưng mẹ tôi thì không.....Sau 5 năm học như thế, mẹ tôi đã có thể đọc được tất cả mọi thứ bằng tiếng Thái, từ tiểu thuyết, sách lịch sử đến báo chí. Khi sử dụng tiếng Thái nhuần nhuyễn, bà lại học thêm tiếng Anh.

Như hầu hết phụ nữ cùng thế hệ, mẹ tôi làm chuyện nhà suốt ngày, gần như không bao giờ ra ngoài, giải trí duy nhất là nghe radio. Thế giới phụ nữ gói gọn trong chuyện nội trợ và đợi chồng con đi làm về. Với mẹ, khả năng hiểu được tiếng Thái đã mở ra một thế giới rộng lớn cho bà. Mẹ bắt đầu hiểu quê hương thứ hai này và cách sống của dân bản địa. Nét u buồn trước kia thường xuất hiện trên gương mặt mẹ nay đã biến mất, và thay vào đó là cảm giác hạnh phúc. Mẹ không còn là gánh nặng của ai nữa.

Bây giờ, mẹ lại dạy cho đám cháu của bà, vì tôi không có thời giờ chăm sóc con mình. Bà biến những khó khăn trong chuyện học của bản thân thành bài học cho tụi nhỏ. Bà nói với chúng:

- Thoạt đầu, khi cố làm điều gì đó, các cháu cảm thấy rất khó khăn. Khi cố

vượt qua, các cháu sẽ nhận thấy chắc mình không bao giờ thành công. Nhưng nếu cứ tiếp tục, các cháu có thể hoàn thành nguyện vọng với cảm giác thật dễ chịu.

Nghe mẹ dạy bọn trẻ bằng tiếng Thái rõ ràng, tôi mỉm cười hạnh phúc, hồi tưởng lại những đêm nóng nực mà bà cùng học với tôi. Bà nói đơn giản rằng mình không muốn dạy bọn trẻ đứng lên trong khi bản thân lại ngồi co ro. Bài học giá trị nhất mà mẹ truyền lại cho tôi là tất cả những gì cần khi bắt tay thực hiện một chuyện khó khăn, là sức mạnh và niềm tin mình có thể làm được.

(M.K )