PDA

View Full Version : Lịch sử Giáo Phận Hải Phòng



Nhật Minh
18-04-2013, 11:30 AM
Lịch sử Giáo Phận Hải Phòng



Cập nhật: 24/03/2009 09:48 (GMT +7)







I. LỊCH SỬ



“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Họ ra đi, đi mà nức nở,
mang hạt giống vãi gieo.
Lúc trở về, về reo hớn hở,
vai nặng gánh lúa vàng”.
(Tv 126,5-6)
Xin mượn lời Thánh Vịnh để tóm lược những nét chính yếu khai sinh giáo phận Hải Phòng, một giáo phận được thành hình từ ân sủng, cùng với mồ hôi và nước mắt, máu xương của các thừa sai linh mục, tu sĩ và giáo dân làm nên trang sử của giáo phận Hải Phòng và của Giáo hội Việt Nam.
Ngày 9-9-1659, với Đoản sắc Super Cathedram Principis, Đức Alexander VII (1655-1667) thiết lập ở Việt Nam hai giáo phận: Đàng Ngoài và Đàng Trong. Vùng đất Hải Phòng, Hải Dương lúc này đã có những “cư sở”, giáo xứ quan trọng trong giáo phận tiên khởi Đàng Ngoài như Xứ Đoài, Xứ Bắc, Kẻ Sặt...
Năm 1679, Đức Innocens XI (1676-1689) chia giáo phận Đàng Ngoài làm hai: Đông Đàng Ngoài và Tây Đàng Ngoài, lấy sông Hồng và sông Lô làm ranh giới. Cha François Deydier Phan, thuộc Hội Thừa sai Paris, được đặt làm giám mục tiên khởi của giáo phận Đông Đàng Ngoài, lúc đó toà giám mục thường ở Phố Hiến (tên một cảng nằm trên tả ngạn sông Hồng, do Nhà Lê mở vào cuối thế kỷ, phía Nam thị xã Hưng Yên ngày nay); sau đời Đức cha Deydier, toà giám mục thường đặt ở vùng Bùi Chu, đôi khi ở Kẻ Sặt, Hải Dương.
Theo báo cáo của các cha dòng Tên gửi Đức cha J. de Bourges những nơi các ngài coi sóc (hiện nay nằm trong các giáo phận Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Hoá) năm 1668-1707, có số giáo dân như sau: Đông và An Quảng 3.016; Bắc (Kẻ Noi) 990; Đoài 6.250.
Ngày 5-9-1848, Đức Piô IX (1848-1878) ban Chiếu thư chia tỉnh Nam Định và tỉnh Hưng Yên, lập thành giáo phận Trung, phần đất còn lại giữ tên cũ là giáo phận Đông, do Đức cha Jeronimo Hermosilla Liêm, O.P., giám mục tiên khởi người Tây Ban Nha, coi sóc. Ngày 6-11-1861, ngài tử đạo tại khu Năm Mẫu (Hải Dương). Trong thời Đức cha Liêm, giáo phận có diện tích đất rộng, lúc này giáo dân đã lên tới con số 45.000, ở rải rác trong 327 xứ, họ trên tổng số dân là 3 triệu người. Toà giám mục khi ở Nam Am, khi ở Kẻ Mốt (thuộc Bắc Ninh ngày nay). Giáo phận Đông đã có các trường Lý Đoán (Đại chủng viện) và La Tinh (Tiểu chủng viện) ở Đông Xuyên, Kẻ Mốt, Tử Nê.
Ngày 29-5-1883, Đức Lêô XIII (1878-1889) công bố Chiếu thư lập giáo phận Bắc, một phần tách từ giáo phận Đông, gồm các tỉnh Hải Dương (bấy giờ gồm cả Kiến An), Quảng Yên và Hải Ninh (tức Móng Cái), và vẫn giữ tên cũ là giáo phận Đông do Đức cha José Terrès Hiến coi sóc, toà giám mục đặt ở Hải Dương. Hải Phòng khi ấy chưa là sở cha chính, nhưng năm 1880, cha chính Salvador Masso Tế đã xây nhà thờ lớn.
Năm 1890, Đức cha Hiến dời toà giám mục ra Hải Phòng, còn sở cha chính chuyển sang Liễu Dinh một thời gian rồi đưa về Kẻ Sặt. Hàng giáo sĩ năm 1892 có Đức cha Hiến, 32 linh mục triều, 8 thừa sai, 2 cha dòng người Việt, 82 thầy giảng, 20 chủng sinh thần học, 20 chủng sinh triết, 20 tiểu chủng sinh, 281 học sinh trường thử và 41.120 giáo dân.
Ngày 3-12-1924, Toà Thánh đổi tên giáo phận Đông theo địa hạt hành chính, nơi đặt toà giám mục, gọi là giáo phận Hải Phòng, Đức cha Francisco Ruiz de Azua Minh, O.P. (1919-1929) coi sóc.
Ngày 14-1-1953, cha Giuse Trương Cao Đại, O.P., nhận sắc chỉ của Toà Thánh làm giám mục Hải Phòng và thụ phong tại Hồng Kông. Sau khi về nước nhận giáo phận, ngài xây dựng giáo phận về cả vật chất lẫn tinh thần. Công việc đang thuận lợi thì Đức cha lại phải di cư vào Nam sau hiệp định Genève (1954).
Ngày 7-5-1955, Toà Thánh bổ nhiệm linh mục Phêrô Khuất Văn Tạo làm giám quản tông toà giáo phận Hải Phòng. Ngài được tấn phong giám mục tại nhà thờ Sơn Tây ngày 7-2-1956; ngày 28-4-1956, Đức tân giám mục chính thức nhận giáo phận Hải Phòng.
Ngày 24-11-1960, Toà Thánh thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, giáo phận Hải Phòng được nâng lên hàng chính toà thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, Đức cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo được bổ nhiệm làm giám mục chính toà của giáo phận Hải Phòng. Đức cha đã cai quản giáo phận trong hơn 21 năm đầy gian khổ vì hầu hết các linh mục và giáo dân của giáo phận đã di cư vào Nam. Ngài mất ngày 19-8-1977. Hai năm sau (1979), giáo phận mới có Đức cha Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương thụ phong giám mục 18-2-1979 lên thay, ngài nhận giáo phận 24-2-1979. Ngài đã trùng tu toà giám mục, nhà thờ chính toà và kiến tạo hơn 100 nhà thờ xuống cấp ở các giáo xứ và họ đạo, đào tạo và truyền chức cho hơn 20 linh mục. Ngài qua đời ngày 10-3-1999. Trong thời gian giáo phận trống toà, Hội đồng Tư vấn Quản trị giáo phận, đứng đầu là linh mục niên trưởng Laurensô Phạm Hân Quynh. Linh mục Đa Minh Nguyễn Chấn Hưng làm Giám quản giáo phận cho đến ngày Đức Thánh Cha bổ nhiệm giám mục Giuse Vũ Văn Thiên làm giám mục chính toà, 26-11-2002.


II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ



1. Ranh giới:
(cập nhật 30-3-2008)
· Giáo phận Hải Phòng bao gồm toàn bộ thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, tỉnh Quảng Ninh và một phần nhỏ của tỉnh Hưng Yên, với tổng diện tích 9.241,10 km2.
· Hải Phòng ở giữa các cửa sông của hệ thống sông Lục Đầu: Bắc có sông Bạch Đằng mà đoạn trên gọi là sông Kinh Thầy, Đa Bách (Đá Bạc), dưới là cửa Nam Triệu, giữa là sông Kinh Môn, đổ ra biển bằng Cửa Cấm, đến sông Văn Úc, sông Thái Bình, đến sông Hoá chảy giữa Hải Phòng và Thái Bình.
· Tổng dân số địa phương : 4.854.292.
2. Địa chỉ Toà Giám mục:
46 Hoàng Văn Thụ, Hồng Bàng, TP. Hải Phòng.
Đt: (84) 0313 745387.
Fax: 84 0313 745765.
Email: josvuthien@hotmail.com
Website: gphaiphong.org
· Dân số Công giáo : 118.583.
· Dân chúng đa số làm nghề nông và nghề biển.


III. TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH



Giám mục: Giuse Vũ Văn Thiên.
Tổng Đại diện: Lm. Antôn Nguyễn Văn Ninh.
Thư ký Toà Giám mục: Lm. Phaolô Vũ Đình Viết.
Quản lý Toà Giám mục: Lm. Gioan B Vũ Văn Kiện.
Các Uỷ ban Giám mục:
- Uỷ ban Bác ái Xã hội: Lm. Giuse Nguyễn Xuân Đài.
- Uỷ ban Giáo dân: Lm. Giuse Nguyễn Văn Thông.
- Uỷ ban Giáo lý Đức tin: Lm. Antôn Nguyễn Văn Thăng.
- Uỷ ban Giáo sĩ và Chủng sinh: Lm. Antôn Nguyễn Văn Uy.
- Uỷ ban Loan báo Tin Mừng: Lm. Giuse Nguyễn Xuân Đài.
- Uỷ ban Phụng tự: Lm. Antôn Khổng Minh Số.
- Uỷ ban Thánh nhạc và Nghệ thuật Thánh: Lm. Antôn Trần Văn Minh.
- Uỷ ban Tu sĩ: Lm. Antôn Khổng Minh Số.
- Phụ trách thông tin: Lm. Phaolô Vũ Đình Viết.






















· TGM Hải Phòng