PDA

View Full Version : Sự tích Tấm Cám



Quang Hưng
19-05-2009, 06:46 AM
Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Mẹ Tấm chết từ hồi Tấm mới biết đi. Sau đó ít năm, người cha cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám. Tấm phải làm lụng quần quật suốt ngày; còn Cám được mẹ nuông chiều, chơi dông dài ngày nọ qua ngày kia.

Một hôm, mẹ Cám đưa cho Tấm và Cám mỗi người một cái giỏ, bảo ra đồng hớt tép, ai đầy giỏ thì được thưởng một cái yếm đỏ. Tấm ra đồng không quản trời nắng, mải miết hớt được đầy một giỏ vừa tôm vừa tép. Còn Cám nhởn nhơ hết bờ này bụi nọ, hái hoa, bắt bướm; trời đã về chiều mà giỏ của Cám vẫn chưa có tí gì.

Thấy Tấm giỏ đầy tép, Cám bảo chị:

- Chị Tấm ơi, đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng.

Tấm tin là thật, xuống ao, ra tận chỗ sâu tắm rửa. Tắm xong, Tấm lên bờ, sờ đến giỏ tép thì chỉ còn giỏ không: Cám đã trút hết tôm tép của Tấm vào giỏ mình và về trước mất rồi.

Tấm ngồi xuống bờ ruộng, bưng mặt khóc nức nở. Thốt nhiên, Tấm thấy sáng ngời trước mặt... Bụt hiện lên hỏi:

- Sao con khóc

Tấm kể sự tình cho Bụt nghe, Bụt bảo:

- Con thử xem trong giỏ còn có gì không?

Tấm nhìn vào giỏ và thưa:

- Chỉ còn có con cá bống

Bụt bảo Tấm

- Con đem cá bống về thả xuống giếng mà nuôi; mỗi bữa, đáng ăn ba bát thì con ăn hai, còn một thì đem cho Bống. Mỗi lần cho ăn thì con nhớ gọi: Bống bống bang bang, mày ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.

Dứt lời, Bụt biến mất. Tấm theo đúng lời Bụt dặn, mỗi bữa ăn, Tấm bớt một bát cơm, giấu đi đem cho Bống. Mỗi lần, nghe tiếng gọi là Bống lại ngoi lên mặt nước, đớp kỳ hết cơm, rồi mới lặn.

Thấy sau bữa ăn nào Tấm cũng ra giếng, mụ dì ghẻ sinh nghi, sai con đi rình. Một lần kia, sau bữa ăn, Cám ra giếng, nấp sau một bụi cây. Nghe Tấm gọi Bống, Cám nhẩm cho thuộc, về kể cho mẹ nghe.

Sáng hôm sau, mẹ Cám nắm sẵn một nắm cơm, gọi Tấm đến đưa cho, dặn rằng:

- Con ơi, con! Hôm nay, chăn trâu thì chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu.

Tấm VÂNG LỜI DÌ GHẺ, CHO TRÂU ÐI ĂN THẬT XA. Ở nhà, hai mẹ con Cám đem bát cơm ra giếng, cũng gọi Bống như Tấm đã gọi. Bống nổi lên mặt nước, hai mẹ con Cám vội bắt lấy đem về làm thịt.

Ðến chiều Tấm dắt trâu về. Cũng như mọi lần ăn xong, Tấm đem cơm cho Bống. Tấm đứng trên bờ giếng gọi mãi mà mặt nước vẫn phẳng lặng, không thấy Bống đâu cả. Một lúc lâu, một cục máu nổi lên, Tấm bưng mặt òa khóc.

Giữa lúc ấy, Bụt hiện lên, hỏi Tấm:

- Sao con khóc?

Tấm kể hết sự tình. Bụt bảo:

- Con Bống của con, người ta ăn thịt mất rồi. Con về nhà nhặt lấy xương nó, kiếm lấy bốn cái lọ mà đựng, rồi đem chôn ở chân giường.

Về nhà, Tấm tìm mãi, không thấy được cái xương nào. Con gà thấy thế, kêu:

- Cục ta cục tác, cho ta nắm thóc, ta bới xương cho!

Tấm bốc cho gà nắm thóc. Gà vào bếp bới một lúc thì xương Bống phơi cả lên mặt tro. Tấm nhặt bỏ vào bốn cái lọ, đem chôn ở bốn chân giường.

Mụ dì ghẻ bắt Tấm làm việc mỗi ngày một nhiều, còn hai mẹ con mụ thì ăn trắng mặc trơn, không hề nhúng tay vào một việc gì.

Ðược ít lâu, có tin vua mở hội. Hai mẹ con con Cám hí hửng sắm sửa quần lành, áo tốt, còn Tấm vẫn quần áo rách mướp. Ðến ngày hội, mẹ con Cám lấy một đấu gạo trộn với một đấu thóc, bảo Tấm rằng:

- Phải nhặt cho xong mớ gạo lẫn thóc này, mới được đi xem hội.

Dặn xong, mụ tất tả đưa con gái đi ngay.

Ngồi nhặt thóc được một lúc, Tấm bực dọc, tủi thân, òa lên khóc. Bụt lại hiện lên hỏi:

- Sao con khóc?

Tấm thưa:

- Hôm nay là ngày hội, dì con đem thóc trộn với gạo, bắt con nhặt hết thóc mới được đi xem..

Bụt bảo Tấm

- Ðể ta sai một đàn chim sẻ xuống nhặt giúp con.

Ðàn chim sẻ bay xuống kêu ríu rít, nhặt thóc ra đằng thóc, gạo ra đằng gạo. Chỉ trong chớp mắt, đàn chim đã nhặt xong.

Nhưng nhìn đến bộ quần áo rách như xơ mướp của mình, Tấm tủi thân muốn khóc. Bụt lại hiện lên bảo Tấm:

- Con hãy đào bốn cái lọ ở chân giường lên thì sẽ có quần áo mặc.

Tấm đào lên thì thấy đủ cả quần áo, khăn, giày đẹp đẽ. Một bộ áo mới ba mầu quan lục, mầu hoa đào, mầu hoàng yến, một cái yếm mầu hoa hiên, một cái quần nhiễu điều, rồi nào thắt lưng hoa đào, khăn nhiễu tam giang. Ðến đôi giày văn hài thì thật xinh xẻo, chỉ đôi chân bé nhỏ của Tấm mới đi vừa. Tấm mặc quần áo, nòng chân vào giày, thấy thứ nào cũng đều vừa cả. Tấm lại lấy ở một cái lọ ra được một con ngựa bé tí tẹo. Tấm vừa đặt con ngựa xuống đất thì nó hí lên một tiếng rồi lớn lên bằng con ngựa thật, có đủ cả yên cương.

Vui sướng quá, Tấm tắm rửa sạch sẽ, rồi thay bộ quần áo mới vào, cưỡi ngựa đi xem hội. Ðến chỗ lội, Tấm đánh rơi một chiếc giày xuống nước. Tấm vội xuống ngựa, mò mãi mà không thấy.

Một lúc sau, voi của vua đi đến chỗ lội, cứ gầm lên không chịu đi. Vua sai lính hầu thử xuống nước mò xem thì nhặt được một chiếc giày văn hài thật xinh xẻo. Vua ngắm nghía chiếc giày, rất vừa ý. Vua truyền lệnh hễ trong đám đàn bà, con gái đi xem hội, ai ướm vừa chiếc giày thì vua sẽ lấy làm vợ.

Ðàn bà, con gái trong đám hội chen nhau đến ướm chân. Cả hai mẹ con Cám cũng đến ướm, nhưng không chân ai vừa cả. Ðến lượt Tấm xin đến ướm thử, thì vừa vặn xinh. Chiếc giày văn hài mà lính nhà vua nhặt được cùng với chiếc giày Tấm đang cầm ở tay vừa đúng một đôi.

Cám đứng ngoài xem, thấy một người con gái tươi giòn rõ là Tấm, liền gọi mẹ bảo rằng:

- Mẹ ơi, trông ai như chị Tấm nhà ta

Mẹ nó bảo

- Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh ném ngoài bờ tre. Chị Tấm nhà mày làm gì có quần áo đẹp mà đến đây!

Ðến khi quân lính đem kiệu đến rước Tấm về cung, hai mẹ con con Cám sán đến gần xem, mới biết đích là Tấm. Hai mẹ con đều lấy làm lạ, không biết Tấm đã lấy được quần áo và ngựa ở đâu mà đẹp thế.

Vào cung vua, Tấm rất sung sướng, nhưng Tấm vẫn nhớ con trâu mình thường chăn dắt trên đồng cỏ xanh, nhớ vườn ruộng mình thường chăm bón những ngày sương thu, nắng hạ. Nhân ngày giỗ bố, Tấm xin phép vua về thăm nhà.

Thấy Tấm bây giờ sung sướng, mụ dì ghẻ rất ghen ghét, nhưng ngoài mặt thì niềm nở, vui cười. Mụ bảo Tấm:

- Con trèo lên cây cau, xé lấy một buồng để cúng bố.

Tấm vâng lời, trèo lên cây. Tấm đang mải với tay xé buồng cau thì mụ dì ghẻ chặt gốc cây. Thấy cây rung mạnh, Tấm hỏi thì mụ trả lời:

- Dì đuổi kiến cho con đấy mà!

Cây cau gãy, Tấm ngã lộn xuống ao chết. Mụ dì ghẻ lột hết quần áo của Tấm, mặc vào cho Cám và đưa con gái mình vào cung vua, nói dối là Tấm không may bị ngộ cảm chết, nên đưa em vào thay chị.

Tấm hóa chim vàng anh, bay thẳng vào cung vua. Vua đi đâu, chim cũng bay theo. Thấy Cám thua chị đủ mọi bề, và thấy con chim quấn quýt mình, vua thương nhớ Tấm, bảo chim vàng anh rằng:

- Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh chui vào tay áo!

Vua vừa nói dứt lời, chim vàng anh chui tọt vào tay áo vua.

Một hôm, trong khi Cám giặt áo cho vua, chim vàng anh đậu ở cành cao, bảo nó:

- Giặt áo chồng tao, thì giặt cho sạch, giặt mà không sạch, tao rạch mặt ra; phơi áo chồng tao, thì phơi bằng sào, chớ phơi bờ rào, tao cào mặt ra!

Nghe chim kêu, Cám vừa lo sợ vừa tức giận. Vua rất yêu chim, cho chim ở lồng son, đi đâu cũng xách đi theo. Thấy thế, Cám càng thêm ghét chim.

Một hôm, Cám về nhà chơi, đem chuyện kể với mẹ. Mẹ nó bảo: Bóp chết con chim đi, đem nướng cho mèo ăn, rồi chôn lông chim cho mất tích. Về cung vua, Cám rình lúc vắng, bóp chết chim vàng anh, nướng cho mèo ăn, còn lông chim nó đem chôn sâu ngoài vườn, đúng như mẹ nó dặn. Chẳng bao lâu, ở chỗ chôn lông chim mọc lên một cây xoan đào thật đẹp; cây lớn rất mau, cành lá sum suê. Vua thấy cây xoan đào đẹp, liền mắc võng vào cây nằm nghỉ. Cứ mỗi khi nằm dưới bóng mát cây xoan đào, vua như thấy hình ảnh Tấm hiện ra trước mắt, nên lại càng vấn vít với cây, không thiết gì đến Cám. Cám không nói ra, nhưng trong lòng ghen lồng ghen lộn.

Nhân một ngày gió bão, vua lại đi vắng xa, Cám chặt cây đi, lấy gỗ xoan đào đóng khung cửi. Trong khi Cám ngồi dệt vải, con ác bằng gỗ trên khung cửi kêu: "Cót ca cót két, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra!". Nghe con ác kêu, Cám sởn cả tóc gáy, vội ném thoi đi, không dám dệt nữa.

Cám về kể với mẹ, mẹ nó bảo: "Ðốt khung cửi đi và đem tro đổ rõ xa". Cám đốt khung cửi, rồi đem tro đổ tận bên đường, thật xa cung vua.

Ở đống tro bên đường, chẳng bao lâu mọc lên một cây thị lớn, cành lá sum suê. Cây thị ra nhiều hoa, nhưng chỉ đậu có một quả thật to ở một cành cao vút.

Gần đó, có một bà cụ bán hàng nước rất hiền hậu. Mỗi khi đi qua dưới gốc thị, bà lại ngửng đầu lên nhìn quả thị, tấm tắc khen: "Sao mà thị đẹp thế!". Một hôm, bà thấy quả thị đã chín vàng, bà tần ngần đứng dưới gốc cây giơ bị ra hứng, nói lầm rầm:

- Thị hỡi, thị hời! Thị rụng bị bà, thị thơm bà ngửi, chứ bà không ăn.

Bà cụ nói dứt lời thì quả thị rụng ngay vào giữa bị. Bà cụ đem thị về nâng niu trên tay. Ðêm ngủ, bà để thị ở đầu giường. Ngày nào đi chợ, bà cũng dặn thị:

- Thị ở coi nhà, để bà đi chợ, mua quà thị ăn.

Bà cụ vừa đi khỏi nhà, thì một cô gái bé tí từ trong quả thị chui ra, và chỉ phút chốc, cô bé đã trở thành cô Tấm xinh đẹp. Tấm quét dọn nhà cửa sạch sẽ, làm cơm canh để phần bà cụ. Lần nào đi chợ về, bà cũng thấy mọi thứ đều ngăn nắp, có sẵn cơm dẻo, canh ngọt để phần.

Một hôm bà giả vờ đi chợ, rồi rón rén trở về nấp ở ngoài cửa. Tấm lại ở trong quả thị chui ra như mọi lần, thu va thu vén trong nhà. Nhìn thấy một người con gái xinh đẹp lại hay lam hay làm như thế, bà cụ vui sướng quá, chạy ngay vào ôm chầm lấy Tấm và xé tan vỏ thị đi. Từ đó, Tấm ở với bà cụ hàng nước, hai người thương yêu nhau như mẹ con. Người ngoài không ai biết, tưởng Tấm là con gái bà cụ mới ở xa về. Bao nhiêu công việc gói bánh, têm trầu, Tấm đều làm hết; chỉ riêng việc bán hàng, mời khách, là Tấm để bà cụ.

Một hôm, vua đi qua, thấy quán nước sạch sẽ, ghé vào ngồi nghỉ. Bà cụ rót nước, đưa trầu vua ăn. Thấy trầu têm cánh phượng rất khéo, giống hệt như miếng trầu vợ mình têm khi xưa, vua liền hỏi bà cụ:

- Trầu này ai têm?

Bà cụ đáp:

- Con gái già têm.

Vua ngỏ ý muốn gặp con gái bà cụ.

Bà cụ gọi Tấm ra! Vua nhận ra ngay vợ mình. Vua kể rõ sự tình với bà cụ và xin đón Tấm về cung.

Cám thấy Tấm trẻ đẹp hơn xưa, sinh lòng ghen ghét, ao ước cũng được trắng trẻo, tươi giòn như Tấm. Nó giả vờ như không biết chuyện gì, hỏi Tấm:

- Chị Tấm ơi, chị Tấm! Chị dầm sương dãi nắng, đi vắng khá lâu, sao giờ chị trắng?

Tấm đáp:

- Có muốn trắng, để chị bày cách cho.

Cám hí hửng bằng lòng ngay.

Theo lời chỉ bảo của Tấm, Cám sai đào một cái hố thật sâu và xuống ngồi ở dưới, rồi gọi người đem nước sôi giội xuống hố. Cám chết còng queo tức khắc.

Nghe tin Cám chết, mụ dì ghẻ uất lên, ngã vật xuống đất chết theo con.

Quang Hưng
19-05-2009, 06:54 AM
( Tóm Tắt nội dung )
Có hai vợ chồng một người nghèo khó tên là Thạch Sùng, sống bằng nghề ăn xin và góp nhặt được một số vốn. Một hôm Thạch Sùng nhìn điềm trời đoán biết sẽ mưa lụt to, nên đem tiền lên đong gạo tất cả. Tháng Tám năm ấy trời làm một trận lụt lớn, làm giá gạo tăng vọt. Thạch Sùng đem số gạo tích trữ của mình ra bán, trở nên giàu có và thôi nghề ăn xin.

Thạch Sùng trở thành một phú ông, lại nhờ tài buôn bán và cho vay lãi, gia tài của ông ngày càng lớn, và mua được địa vị, vua phong tước cho ông tước quận công.

Em hoàng hậu họ Vương cũng là tay cự phú và tiêu tiền phí vào bậc nhất, khi gặp Thạch Sùng trong một bữa tiệc hai bên đều muốn khoe của. Ai cũng khoe mình nhiều tiền của và tự cho mình là giàu hơn. Các quan thấy vậy bèn nói:

Hai ngài cãi nhau như thế không ích gì cả. Cần phải có chứng cớ thì chúng tôi mới tin. Hai ngài hãy trưng của cải ra cho chúng tôi xem. Ai thua phải nộp cho bên được mười thúng vàng. Chúng tôi sẽ làm chứng cho...
Hai bên nhận lời và ký vào giấy giao ước, nếu ai thua cuộc thì mất toàn bộ gia sản. Hai bên mang đủ thứ tài sản trong nhà ra khoe: gấm vóc, sừng tê, ngói thuỷ tinh, đá lát nhà, san hô, ngựa thiên lý, ngọc, bạc, vàng... Vẫn không ai chịu kém ai.

Hoàng hậu lo cho em mình thua cuộc, có phái mấy viên hoạn quan nhiều mưu trí đi theo để giúp sức bày kế cho Vương Khải nên thách Thạch Sùng đưa ra mẻ kho.

Vì mẻ kho là thứ nồi đất mẻ mà chỉ nhà nào cùng khổ lắm mới dùng để nấu thức ăn, mà lúc đó Thạch Sùng đã quá giàu có, bỏ đi từ lâu không dùng nữa, không có nên đành thua cuộc.

Thạch Sùng cay đắng nhìn thấy tất cả gia sản cho đến vợ con, nàng hầu, nô tỳ... đều chạy sang tay họ Vương, ông tắc lưỡi tiếc cho cơ nghiệp tự tay mình gây dựng trong bao năm đến nay lại hoàn tay trắng. Rồi ông chết, hóa thành con thạch sùng. Thạch sùng thỉnh thoảng lại chắt lưỡi kêu lên mấy tiếng chép miệng vì tiếc của.