PDA

View Full Version : Văn học thiếu nhi "khó nhằn" nhưng vẫn đam mê



Quang Hưng
05-06-2009, 10:33 AM
Văn học thiếu nhi "khó nhằn" nhưng vẫn đam mê

http://hoaikhanh.vnweblogs.com/gallery/2810/HK%202.09.jpg Tác giả Hoài Khánh
Nhà văn viết cho thiếu nhi của làng văn chương Việt Nam hôm nay khá khiêm tốn, làm thơ càng hiếm hơn. Hoài Khánh, có thể xem như một "của hiếm" khi anh luôn theo đuổi sự nghiệp văn chương của mình bằng những vần thơ cho thiếu nhi.

Trong năm 2008, đã có nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo và cả tổ chức trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi nói riêng, cho tuổi học sinh nói chung. Cũng đã có một nhóm sáng tác trao đổi văn học thiếu nhi mang tên "Nhiệt đới" được thành lập. Và trong năm cũng có vài "hiện tượng" tác phẩm cho tuổi học trò là sách "best seller" trên thị trường. Nhưng văn học cho thiếu nhi vẫn như một mảnh đất đầy tiềm năng, song nhiều thách thức, ít ai dũng cảm khai phá, và cũng chưa ai có thể vượt qua được "bóng" của các thế hệ trước về mảng đề tài này.

Nhà thơ Hoài Khánh, hiện đang giữ vai trò Phó Tổng thư kí Hội Nhà văn Hải Phòng. Và anh có lẽ là người "dũng cảm" khi định hình trong sáng tác của mình là "Thơ thiếu nhi".

Có thể nói điều gì đã mang anh đến với thơ thiếu nhi mà không phải thơ "người lớn"?

Lúc 14 tuổi, tôi đã yêu thơ và tập làm thơ. Khi đang là sinh viên Văn khoa ĐHSP, rồi sau đó về làm phóng viên ở Đài Phát thanh & Truyền hình Hải Phòng, tôi tích cực viết báo, thử sức sáng tác thơ, truyện ngắn và có khi hứng lên sáng tác cả ca khúc, viết kịch bản phim hoạt hình, soạn lời ca khúc chèo và cải lương. Nhưng thú thật, tôi chỉ thành công chút ít ở mảng thơ cho trẻ em. Tôi lặng lẽ viết, lặng lẽ gửi và hầu như bài thơ nào của tôi viết cho trẻ nhỏ cũng đều được đăng báo. Nhiều bài thơ của tôi được các em đón nhận, được các nhạc sĩ phổ nhạc thành những ca khúc thiếu nhi và dần dần đi vào đời sống tinh thần của các em. Bài thơ Đồng hồ báo thức ra đời cuối năm 1988, thì đang được in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 - tập 2. Tôi may mắn đoạt nhiều giải thưởng về thơ cho thiếu nhi. Nếu tôi sáng tác thơ cho người lớn, thì chưa chắc giành được những thàng công ấy. Từ đó tới nay, tôi nghĩ mình có "duyên" với công việc sáng tác thơ cho thiếu nhi, thì không thể chối bỏ và đẩy trách nhiệm đó sang ai, nhất là khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ đầu năm 2006.

Trước anh đã có mấy thế hệ viết cho thiếu nhi mà "cái bóng" của họ vẫn luôn bao trùm đến tận hôm nay như Tô Hoài, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Võ Quảng, Trần Đăng Khoa... Anh có bị "khớp" trước họ khi lao vào lĩnh vực gần như không có người cạnh tranh và phải vượt qua họ để khẳng định tên mình?

Tôi luôn tự hào về thế hệ các nhà văn chuyên sáng tác văn học cho thiếu nhi trước đây. Họ có nhiều tác phẩm "để đời" mà không dễ gì các thế hệ nhà văn tiếp sau có thể vượt qua. Ngay đội ngũ nhà văn hiện nay, có không ít tên tuổi mà nhiều khi họ lại được sáng danh từ những trang viết cho trẻ nhỏ. Qua những tác phẩm của các nhà văn lớp trước và đương thời, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm, để từ đó phát huy mặt mạnh, khắc phục yếu kém của riêng mình. Trong lĩnh vực sáng tác thơ cho thiếu nhi, không phải không có sự cạnh tranh, song chưa đến mức khốc liệt như ở mảng thơ "người lớn". Muốn khẳng định tên mình chỉ có cách mình phải thực sự là mình, không bị choáng ngợp hoặc không chịu núp bóng bất kì ai khác.

Anh có rất nhiều điều kiện để thành danh nếu đi theo con đường phần đông những nhà văn khác trong nghiệp văn chương. Anh có cảm thấy "liều" không khi anh theo mảng đề tài "khó nhằn" này, mà xác suất của sự thành công rất khó đoán trước được?

Biết làm sao được, khi khởi nghiệp văn chương, tôi đã chọn lĩnh vực sáng tác thơ cho thiếu nhi rồi. Nay nghĩ lại, tôi mới thấy mình "liều" thật. Nhưng cũng chẳng thể nói được trước điều gì nếu tôi không đi theo con đường ấy. Trong cuộc sống, tôi luôn biết hài lòng với những gì mình có. Tôi xác định sáng tác văn học cho thiếu nhi không phải là việc nhỏ.

Báo chí dành cho thiếu nhi là một con số cực kì nhỏ, trang văn chương dành cho thiếu nhi khá hiếm hoi, thơ càng hiếm hơn. Mà anh thì cứ đam mê với những vần thơ cho thiếu nhi, có khi nào anh cảm thấy "chùn chân" nản lòng, muốn "rẽ" sang lối khác?

Có "chùn chân" chứ! Nhưng "rẽ" sang lối khác đâu dễ dàng gì. Mỗi nhà văn đều có thế mạnh riêng. Sáng tác thơ cho thiếu nhi là thế mạnh của tôi. Nếu tôi xa rời nó có khác gì tự "trói". Vả lại, người chuyên sáng tác thơ cho thiếu nhi giờ đây không nhiều. Nếu ai cũng nản chí mà buông bút, thì sẽ chẳng còn thơ cho thiếu nhi nữa. Tiếc rằng, những nơi đăng tải đã ít lại chật chội quá, nên thơ cho các em ít có cơ hội được giới thiệu. Khâu phát hành ở ta còn quá khiêm tốn, số lượng đầu sách thơ đã ít, số lượng bản in cũng ít, nơi phát hành lại hiếm hoi. Tìm mua được một cuốn sách thơ cho trẻ em không dễ. Người làm thơ cho thiếu nhi in thơ ra để tặng nhau là chính. Liệu có tới được bạn đọc nhỏ tuổi hay không? Việc giáo dục thưởng thức nghệ thuật cho trẻ em chưa được tăng cường bao nhiêu. Nhà trường phổ thông đang cố gắng làm cho học sinh trở lại yêu thích môn văn. Buồn thay, khá nhiều bậc cha mẹ lại không muốn hướng con trẻ đến với văn học.

Nhưng đôi khi ở trên một vài tờ báo hoặc ngay trong blog riêng của anh, tôi vẫn được đọc những bài thơ không "thiếu nhi" chút nào do chính anh sáng tác, mà lại thấy cũng khá hay...

Thì tôi cũng viết thơ cho người lớn đấy chứ. Nhưng tôi nghĩ đó không phải là thế mạnh của mình. Mặc dù nhiều người cầm bút vẫn xem thường loại sáng tác văn học cho thiếu nhi, chỉ cho đó là loại sáng tác đơn giản, nhỏ lẻ, vụn vặt, khó giúp tác giả thành danh. Không nên chối bỏ ý thức lập danh của người cầm bút, nhưng cứ theo cách nhìn nhận ấy, thì chẳng mấy ai thiết tha viết cho thiếu nhi. Một nhà thơ cao tuổi từng khuyên tôi nên làm cả thơ cho người lớn nữa mới hi vọng thành danh được. Nhưng tôi không tin vào điều đó, bởi chính nhà thơ ấy tuy viết nhiều thơ cho người lớn, nhưng chỉ thành danh với nghề làm báo, bình thơ, biên tập thơ và với một bài thơ thiếu nhi in trong sách giáo khoa.

Thiếu nhi ngày hôm nay khác với thiếu nhi của thời anh, được tiếp cận nhiều kiến thức khoa học hiện đại, sống trong một xã hội cũng đầy phức tạp chung với người lớn... Theo anh, thơ thiếu nhi là thơ như thế nào để nó đúng là dành cho thiếu nhi?

Tôi nghĩ, thơ cho thiếu nhi trước hết phải là thơ, chứ không thể là bài luân lí dưới hình thức văn vần. Thơ dành cho lứa tuổi càng bé thì càng phải ít về số tiếng trong câu và số câu trong bài. Nên ưu tiên cho loại thể thơ cách luật, hạn chế thơ văn xuôi và thơ tự do. Thơ mang hình thức giống đồng dao càng tốt. Thế giới của trẻ được phản ánh trong thơ phải luôn vận động và phát triển. Đặt trẻ em vào vị trí chủ thể vĩ đại của thế giới ấy. Chúng không hề bé nhỏ mà có thể làm đảo lộn thế giới ấy trong những tình huống giả định bất ngờ. Sở thích khám phá thế giới của trẻ luôn đặt lên hàng đầu, bởi chúng thích ăn uống, thích ngắm nhìn, sờ mó, nghe ngóng, thích lí giải và thích kết bạn.

Thường sáng tác thơ nói riêng, văn học nói chung cho thiếu nhi, sự trong sáng, ngây thơ, hồn nhiên... là chủ đạo. Song thực tế hôm nay, nhiều trẻ em có số phận bất hạnh, nhiều trẻ vào đời sớm... nếu như đưa vào sáng tác thì có phải là sự thay đổi "diện mạo" văn chương dành cho thiếu nhi? Hay biến thiếu nhi thành người lớn qua tác phẩm?

Đó là việc bình thường, không hề làm thay đổi "diện mạo" của văn chương cho thiếu nhi. Có điều, chúng ta có chiều hướng sa đà khi phản ánh những đứa trẻ như vậy. Đã nhiều năm, chúng ta mải miết sáng tác cho lứa tuổi vị thành niên mà lại làm thiếu hụt những trang viết cho lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng, mẫu giáo. Rõ ràng, với một đội ngũ nhà văn chuyên sáng tác cho thiếu nhi quá ít, thì thiên về cái này sẽ bị lệch hẳn cái kia. Đã nói tới văn học thiếu nhi, chính là nói tới mảng văn chương do người lớn viết cho thiếu nhi hoặc của chính các em viết ra cho thế hệ mình. Gần đây, chúng ta chú ý nhiều đến các trang viết tuổi teen, lại thiếu quan tâm đến bồi dưỡng mầm non văn học ở lứa tuổi nhi đồng. Nhìn góc độ nào cũng thấy thiếu và yếu.

Trong một buổi toạ đàm về văn học thiếu nhi, có một nhà văn đã nói: Thiếu nhi bây giờ già hơn trong suy nghĩ và hành động, non hơn trong cảm xúc so với thế hệ trước. Anh nhận xét thế nào ý kiến đó và nếu đúng như thế, sáng tác cho thiếu nhi sẽ theo "kiểu" gì để thu hút được bọn trẻ? Riêng về thơ sẽ như thế nào để hấp dẫn, đắt khách?

Tôi đồng tình với ý kiến đó. Chính thế nên trang viết cho thiếu nhi rất cần sự trong sáng, ngây thơ, hồn nhiên và ngộ nghĩnh. Nhưng để thu hút được bạn đọc nhỏ tuổi, tôi thiết nghĩ, còn phải chú ý nhiều hơn đến sự tinh nghịch và tính giả tưởng. Bài học giáo dục nhân cách phải để ẩn trong mỗi tứ thơ. Ngôn ngữ thơ càng gần gũi và giản dị càng tốt. Tôi ưa dùng nhiều động từ, dùng nhiều từ láy và ẩn dụ. Viết thơ cho trẻ em phải bảo đảm sao cho các bé thích mà còn phải làm sao cho cả người lớn cũng thấy thú vị.

Cách đây không lâu, có một cuộc phát động sáng tác văn học giả tưởng cho thiếu nhi được sự tài trợ của nước ngoài. Trong thực tế cũng có khá nhiều tác phẩm văn học dịch đề tài này dành cho thiếu nhi được bọn trẻ hào hứng đón nhận. Nhưng ở Việt Nam, không biết có phải do lực lượng sáng tác yếu, mỏng, hay trình độ tư duy tưởng tượng của nhà văn không đạt được như yêu cầu của bọn trẻ nên gần như chưa có tác phẩm nào được sáng tác?

Yếu tố giả tưởng có vẻ mới trong văn học Việt Nam hiện đại, chứ không xa lạ gì đối với văn học dân gian nước ta. Những truyện thần thoại, cổ tích Việt Nam không chỉ trẻ em mà người lớn cũng thích. Thế nhưng các nhà văn chúng ta bao năm nay lại ít sử dụng yếu tố này vào các tác phẩm dành cho thiếu nhi. Cuộc vận động sáng tác văn học giả tưởng cho thiếu nhi đã và đang được tổ chức chính là sự khơi gợi lại "hồn cốt" của thể loại truyện thần thoại, cổ tích trong thế giới hiện đại mà thôi. Những năm gần đây, đội ngũ những người viết văn, làm thơ cho thiếu nhi xem ra có vẻ thưa thớt dần. May ra cả nước chỉ còn khoảng vài ba chục người. Những nhà văn cao tuổi hầu như đã đuối sức, viết không thường xuyên, thậm chí buông bút từ lâu. Tác giả mới xuất hiện thì không nhiều, bút lực cũng bị phân tán. Tư duy tưởng tượng là lợi thế của lớp tác giả trẻ. Đã có những sáng tác đầu tiên viết theo lối giả tưởng. Chúng ta tin rằng sẽ có những tác phẩm hay.

Vai trò truyền thống của văn học thiếu nhi là giáo dục. Nhưng nếu như hôm nay văn học thiếu nhi trở thành một thứ hàng hoá đặc biệt, vì không ai sáng tác là để cho không, mà cần "hút" độc giả, có "thị trường", nếu như để thoả mãn nhu cầu của bọn trẻ, bắt buộc sáng tác phải theo thị hiếu của chúng. Anh nghĩ thế nào về sự "định hướng"?

Viết theo thị hiếu của trẻ là đương nhiên. Không nên nghĩ thị hiếu của trẻ cái gì cũng xấu. Thị hiếu của trẻ em hôm nay cũng khác xa thị hiếu của trẻ em trước kia. Vấn đề ở chỗ, muốn đáp ứng được thị hiếu của trẻ em hôm nay thì văn học cho thiếu nhi cũng phải thay đổi cả việc sáng tác và khâu thẩm định tác phẩm. Không thể lấy chuẩn mực trước đây để đánh giá những sáng tác hiện nay. Sự định hướng là cần thiết nhưng đừng vì thế mà trói buộc sáng tạo. Trẻ em hôm nay thích nhiều thứ hơn thích văn chương. Bổn phận người sáng tác văn học cho thiếu nhi không chỉ viết theo sở thích của trẻ mà còn phải giúp cho các em yêu cuộc đời hơn qua tác phẩm và biết thưởng thức cái hay của tác phẩm.

Ở nước ngoài, văn học cho thiếu nhi không chỉ dành cho thiếu nhi mà còn cho cả người lớn đọc và cũng rất "hút" độc giả tuổi không còn trẻ, trở thành "best seller". Nó cũng đã trở thành một trào lưu, một kiểu sáng tác văn học thiếu nhi. Không biết trong sáng tác của anh sẽ theo "trào lưu" hay vẫn theo truyền thống?

Tôi nghĩ, ở Việt Nam ta chưa có "trào lưu" như vậy. Nếu có, tôi thấy mình chưa đủ sức chạy theo "trào lưu" ấy. Tôi vẫn đi theo hướng mình đã xác định. Theo truyền thống ư? Có thể thế. Nhưng viết theo lối truyền thống thì cũng không thể như trước được, vì như vậy dễ biến tác phẩm văn học thành bài luân lí thô thiển hoặc bài báo khoác "áo" văn chương.

Văn học thiếu nhi trong văn chương Việt Nam, theo suy nghĩ của anh, năm 2009 sẽ như thế nào? Tương lai có diện mạo ra sao?

Tôi không đủ tầm để trả lời câu hỏi này. Tôi nghĩ đó là một câu hỏi không dễ trả lời đối với những nhà quản lí. Nhưng tôi tin văn học thiếu nhi Việt Nam sẽ có bước phát triển trong tương lai không xa.
(sưu tầm )