PDA

View Full Version : LỬA TRẠI



hungdung
21-05-2009, 09:29 PM
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LỬA TRẠI




NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA LỬA TRẠI


I/ NGUỒN GỐC:

Trong cuộc sống nguyên thủy, ngẫu nhiên con người phát hiện ra lửa từ tiếng sét trên trời cao trong những đêm giông tố bão bùng. Và một ngày kia, vô tình họ cọ xát những viên đá vào nhau; tia sáng bừng lên và tạo ra lửa. Lửa trở thành nguồn sống của con người, giúp con người thoát khỏi đời sống nguyên sơ. Từ cuộc sống săn bắt, hái lượm, con người đã biết dùng lửa để sưởi ấm, nướng chín thức ăn, tránh thú dữ và hợp quần “bầy” sau những lúc săn bắt thú rừng, những lúc chiến thắng. Nhờ đó, lửa là sản vật thiêng liêng, vừa là khởi điểm cho những sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người sơ khai.

Ngọn lửa bừng sáng... bóng tối và cái lạnh đáng sợ lùi dần, đám dã thú sợ hãi và con người trở nên khổng lồ trước chúng. Ngọn lửa bùng lên... ngạc nhiên trong cái nhìn linh thiêng, cho con người cái ý nghĩa hãy đến với nhau, giúp sức và chia sẻ sự khó nhọc, tương trợ và cùng xây đắp tinh thần trước mỗi khó khăn. Rồi cũng từ đó cuộc sống “bầy, đàn” thêm ý nghĩa hơn lên; họ muốn nói, muốn hát cho nhau nghe, họ muốn múa, muốn nhảy để cảm tạ thiên nhiên cũng như biểu thị sự chiến thắng trước thiên nhiên.

Con người giờ đây đã biết sử dụng lửa để ăn chín, xua đuổi thú dữ, sưởi ấm, sum họp sau mỗi ngày lao động. Họ đã biết tổ chức lễ hội, mừng chiến thắng...

Lửa xua đi lạnh lẽo, bóng tối, sợ hãi... những sinh hoạt cộng đồng của các bộ tộc người nguyên thủy đã được tái hiện bên ánh lửa. Họ tâm sự, trao đổi kinh nghiệm sau ngày lao động vất vả; họ diễn tả lại những công việc họ làm một ngày... Cứ thế, cứ thế từ thế hệ này đến thế hệ khác không ngừng nghỉ...

Trong truyền thuyết Việt Nam có vua Lửa - có các lễ hội liên quan đến lửa: lễ hội cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, có tục cúng thần Lửa, thần Rừng, thần Núi và thần Sự Sống...

Trên thế giới, trong thần thoại Hy Lạp có thần Prômêtê đã đánh cắp lửa Trời cho nhân loại, chấp nhận sự trừng phạt của thần Dớt, đem lửa cho con người để xua đi mông muội, u tối...

Gần đây nhất, các thương đội sau một ngày vất vả, khi đêm xuống họ quây quần bên nhau quanh đống lửa kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn và đôi khi họ còn diễn lại các vai hào hiệp trong các câu chuyện thần thoại xa xưa, vừa canh lũ cướp, vừa chống lại cái lạnh của núi rừng, sa mạc... mang hơi ấm sẻ chia.

Nước ta từ xưa có một tục lệ rất hay là đêm giao thừa cả gia đình cùng quây quần bên lò nấu bánh để canh lửa chờ năm mới đến, trong thời gian này họ ôn lại hình ảnh của những người quá cố trong gia tộc, những người thân xa quê hương như hướng về cội nguồn, tổ tiên.


II/ Ý NGHĨA:

Từ đó lửa có ý nghĩa tượng trưng cho sự văn minh, chân lý, lẽ phải, cái thiện, xua đuổi cái ác, biểu tượng của sự đấu tranh cho chân lý; trở thành những tín ngưỡng thiêng liêng, những nghi lễ, nghi thức truyền thống (thờ thần Lửa, lửa thiêng Olempic, lửa truyền thống, lửa vĩnh cửu tôn vinh tinh thần các anh hùng liệt sĩ...), lửa còn biểu tượng cho khát vọng chiến thắng, cho sức trẻ, cho sự vươn lên của con người.

Ngày nay lửa được sử dụng trong sinh hoạt trại là hình thức sinh hoạt văn hóa, là nghi thức thiêng liêng trong khai mạc, bế mạc các hoạt động mang tính cộng đồng rộng lớn như trong các kỳ Đại hội TDTT - Olempic...

Khi sinh hoạt về đêm, lửa trại làm cho con người và khung cảnh thiên nhiên thêm hòa quyện; tình thân ái thêm đậm đà, kỷ niệm được khắc sâu, tinh thần đoàn kết, tinh thần đồng đội thêm thắm thiết, tâm hồn cao thượng, nhân ái được truyền đi trong mỗi con người; tình yêu quê hương đất nước được khơi dậy, xua đi những bận rộn toan tính đời thường để sống hồn nhiên thanh thản với mọi người và thiên nhiên.

Mọi người có thời gian tĩnh tâm:

+ Để chiêm nghiệm cuộc sống của mình trong thời gian qua, để sống đẹp hơn cho đời, làm cho tất cả thành viên hiểu biết nhau hơn, để thành tâm nhắc nhở những việc chưa hay, tuyên dương những điều tốt đẹp trong sinh hoạt và cuộc sống.
+ Để vui thân ái sau một ngày trại bằng lời ca, tiếng hát, bằng nhiều điệu múa hân hoan trong giọng nói tiếng cười hồn nhiên và sảng khoái.
+ Để kết đoàn trong vòng tay kết chặt, để tạo cho nhau niềm cảm mến và khắc lại những kỷ niệm không phai.

+ Để truyền đi lòng cao thượng và đọng lại trong mỗi trái tim lòng nhân ái.

+ Để từng lá cây, ngọn cỏ, tiếng sóng vỗ bờ, những ngôi sao trên cao và không gian bao la bên ngọn lửa mang lại cho mọi người những mối giao hòa bất tận.


CÁCH XẾP CỦI LỬA TRẠI

Có nhiều cách xếp củi để đốt lửa trại: Kiểu tăm xe, kiểu hình nón, kiểu tứ diện (củi chó), kiểu lục lăng, củi cây đinh liệu...
HÌNH TĂM XE Củi được xếp theo hình tăm xe, nghĩa là tất cả củi để dưới đất nhưng có một đầu chống lên nhau đầu kia hướng ra ngoài tạo thành hình tăm xe, dùng lối này ít tốn củi nhưng lửa không cháy cao được.

HÌNH NÓN
Là kiểu sắp xếp củi trên đầu chụm lại và dưới chân loe ra; củi nhỏ và khô ở nòm, củi lớn ở ngoài.

HÌNH TỨ DIỆN
Là kiểu xếp một hình nón ở giữa bằng củi nhỏ và khô, bên ngoài xếp thành hình vuông 2 củi ngang 2 củi dọc cứ thế mà chồng lên nhau bọc lấy hình nón, cao dần lên cho khuất chỏm hình nón, nhớ để chỗ châm lửa về phía gió thổi.

HÌNH LỤC LĂNG
Xếp hình nón ở giữa như trên, bên ngoài bao bọc bằng củi lớn xếp hình tam giác cân, xéo nhau cao lên.

HÌNH BÁT GIÁC
Như kiểu tứ diện song các hình vuông xéo nhau chia thành tám cạnh


ÂM THANH - TIẾNG ĐỘNG - NHẠC CỤ TRONG LỬA TRẠI


Các tiết mục tham gia chương trình lửa trại càng đơn giản gọn nhẹ và tự nhiên bao nhiêu thì càng cuốn hút người chơi bấy nhiêu. Chính vì lẽ đó, người tổ chức cần khuyến khích cho trại sinh tham gia với tinh thần “trở về cội nguồn”, hòa mình với thiên nhiên.

Do vậy, dù ngày nay đã có rất nhiều phương tiện hiện đại nhưng cũng nên sử dụng những công cụ giản đơn để tạo nên một đêm lửa trại.

Ở trại, những dụng cụ sau đây giúp ta thực hiện âm thanh - tiếng động trong lửa trại: Mấy mẩu gỗ cứng đủ cỡ, còi, túi nilông nhỏ (thổi lên túm lại đập như pháo), tù và, kèn tây, sáo, chuông, xe đạp, nhạc ngựa, lục lạc, chuông con, vải cũ (để xé), phèng la, chai đựng nước, tôn mỏng, bi đông nước trong có sỏi, sạn... (xem hình vẽ).
Đây là đại cương mấy cách làm tiếng động hậu trường:

MƯA
+ Mưa nhỏ:

Lấy chổi tre quét lên giấy báo.

Vò giấy gói đồ nhè nhẹ.

Cho sạn lên mặt trống rồi cầm trống mà sàn.

+ Mưa lớn có gió:

Bóp tròn hai quả bóng bằng giấy gói đồ rồi vo tròn chúng trên tay mạnh mẽ (lúc mạnh lúc nhẹ).

+ Mưa đá:
Cho những hòn sạn nhỏ rơi trên mặt kiếng.


SẤM SÉT
- Lấy tấm tôn mỏng treo lên rồi dùng tay hoặc cột dây vào dưới tấm tôn mà rung nhẹ hay mạnh tùy lúc để làm sấm sét.

- Treo một tấm thứ hai bên cạnh và dùng dùi có bọc vải đập mạnh vào giữa để làm sét đánh.

- Dùng trống lớn mà đánh thì giống hơn.

- Có thể đánh vào đáy nồi cũng được song hai cái dùi phải bọc vải cho êm kẻo nồi thủng.

BÃO
Làm giả tiếng gió bằng cách thổi qua ống loa.

CHỚP
- Nếu ở sân khấu thì lắp sẵn đèn trắng hai bên rồi thỉnh thoảng bật tắt.

- Ở lửa trại thì có thể làm một ống bễ lò rèn trong đó đốt sẵn mồi lửa và ủ trấu (vỏ thóc), ống thổi nối liền ở ngoài xa, lúc làm chớp thổi vỏ trấu cháy lòe bay lên (có thể làm bằng than vụn hay thứ gì cháy nhạy mà không thành lửa).

ĐÁM CHÁY
Cho đèn đỏ rực và làm tiếng động như có mưa lớn, vò giấy bóng kính bắt chước tiếng lửa nổ.

NÚI LỞ - ĐỘNG ĐẤT - TUYẾT RƠI
Làm như tiếng sấm và vò giấy bóng kính, hoặc nâng cao những bó củi, tảng đá, để rơi xuống đất, hay có thể dùng phèng la rung nhè nhẹ ở xa.

SAO ĐỔI NGÔI
Lấy một cây sào nhỏ hay thanh sắt đầu buộc bông có thấm cồn, đốt lên rồi phất nó qua lại (đèn tắt).

CHIM CHÓC
Nhờ tài bắt chước tiếng chim của một thành viên.

Cho nước vào một cái chén con như chén đựng gạo chim ăn, rồi tìm một ống thổi.

Thổi bằng ống bán sẵn.

NGỰA ĐI
Lấy 2 trái dừa khô gõ vào nhau theo nhịp đi, nếu không có dừa dùng những hộp tròn bằng gỗ gõ cũng được.

Nếu muốn làm tiếng ngựa đi trên đất cát thì bọc vải vào gáo hay gỗ rồi gõ theo nhịp đi.

NGỰA KÉO XE
Cho thêm vào trong cái mõ gỗ hay vỏ dừa khô vài vòng xích sắt làm như hàm thiết và buộc vào mỗi tay một cái nhạc ngựa để nó kêu khi tay cử động.
TIẾNG SÚNG BẮN
Đánh vào trống.
Cột đũa vào ống bơm, đặt ngửa xe đạp lên quay bánh sau cho chạy rồi dí đầu đũa vào làm súng liên thanh.

XE LỬA
Kê tấm tôn lên rồi lấy 2 cây chổi chà đập trên đó.

Dùng tay nắm nện trên trốc thùng phuy không.TÀU ĐIỆN

Kéo lê xích sắt trên một tấm tôn.

TIẾNG MÁY NỔ
Lấy que gỗ hay tre cột vào hộp sắt vuông rỗng rồi dí vào bánh xe đạp như kiểu làm tiếng súng liên thanh.

XE HƠI BẮT ĐẦU CHẠY
Đẩy một chiếc patin chạy trên tấm gỗ ép kê cao một bên.

SUỐI CHẢY
Dùng nilông trắng, hai người hai đầu sân khấu rung lên cho nilông động

ÁO KHOÁC LỬA TRẠI
Thường thường để tránh lạnh về đêm, người ta hay quàng chiếc mền trên người để dự lửa trại, tiện thì có tiện nhưng nhiều khi bất lợi như trong trường hợp trời mưa, hoặc ẩm ướt.

Vì thế, thông thường những người hay đi cắm trại luôn luôn chuẩn bị cho mình một cái áo choàng để dùng trong sinh hoạt lửa trại. Áo này không cần mẫu mã nhất định mà tùy theo sở thích cá nhân, nó có thể là một cái mền cắt thủng 1 lỗ ở giữa để chui đầu vào được, nó có thể là một áo choàng dài tới chân, màu sắc tùy nghi, trên áo thường được thêu hay đính vào các kỷ niệm, dấu hiệu các trại mà người đó từng tham dự.

Thông lệ này rất hay và đáng được khuyến khích.


Sưu tầm (Tài liệu này được st rất lâu nên kô nhớ nguồn gốc)

Damsan
05-06-2009, 06:13 PM
LỬA TRẠI (http://kynangtrai.blogspot.com/2008/06/la-tri.html)

- Trong một cuộc cắm trại (có ở lại đêm) sẽ không trọn vẹn nếu thiếu lửa trại. Nhưng đây cũng là một hoạt động dễ bị hiểu lầm và lạm dụng nhiều nhất trong sinh hoạt.

http://3.bp.blogspot.com/_TV_Ps5kLemw/SGr-9m5E28I/AAAAAAAAAak/1vKncATcGr0/s320/DSC01028_resize.jpg
- Hãy nên nhớ rằng: lửa trại không phải là một buổi trình diễn văn nghệ cho trại sinh có dịp giải trí sau một ngày hoạt động, hay để giúp vui cho dân chúng trong vùng, hoặc để phô diễn tài nghệ cá nhân... mà chúng ta phải lưu ý đến tính chất giáo dục và mục đích rèn luyện của lửa trại. Lửa trại không dành cho các tài tử hay diễn viên chuyên nghiệp mà dùng cho các trại sinh. Ở đây, họ được giao lưu kết bạn, xây dựng tình đồng đội, giao lưu... được cùng vui chơi, ca hát, nhảy múa, đóng kịch... giúp các bạn phát triển năng khiếu nghệ thuật, lòng tự tin, mạnh dạn, óc quan sát, trí tưởng tượng...- Ngoài ra, lửa trại còn để lại trong tâm hồn trại sinh những dấu ấn sâu sắc, khó quên, nhất là những buổi lửa tĩnh tâm, lửa dặm đường.- Lửa trại phải diễn ra ở khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, tránh những khu vực đông đúc nhiều người qua lại, để bầu không khí được thân mật, ấm cúng, các trại sinh dễ dàng biểu lộ khả năng hay mạnh dạn sinh hoạt.- Có nhiều loại lửa trại, nhưng tựu trung được chia làm hai loại chính:


A. LỬA TRẠI CƠ BẢN:


Lửa trại cơ bản cũng chia thành nhiều loại như: lửa vui, lửa dặm đường (thanh đàm, mạn đàm), lửa tĩnh tâm...


1. Lửa vui:

http://2.bp.blogspot.com/_TV_Ps5kLemw/SGr--FPtDWI/AAAAAAAAAa8/TvJlvk7GewI/s320/DSC01034_resize.JPG

- Đây là một hình thức của lửa trại nguyên thủy như các cổ nhân ta xưa, khi phát hiện ra lửa; cứ đêm đêm họ cùng tụ tập bên đống lửa, nghỉ ngơi, sưởi ấm, xua đuổi bóng đêm và thú dữ. Họ kể cho nhau nghe những chuyện đã làm, dự kiến những chuyện sẽ làm... Họ nói, họ hát cho nhau nghe, họ múa, họ nhảy để cảm tạ thiên nhiên, thần thánh, trời đất...


- Lửa vui thường dành cho các tiểu trại, trong những đêm không có lửa trại chính thức.


- Loại lửa trại này sau khi đốt lửa lên rồi, các trại sinh đến tụ tập bên đám lửa kể chuyện hay đàn hát tự do. Không có chương trình hay nghi thức sắp đặt trước. Trại sinh muốn tham dự hay không tùy ý. Nhưng phải có một anh chị phụ trách ở đó giám sát, không cho xuất hiện những ngôn ngữ hay hành động quá đáng. Trong những lần lửa trại như thế này, người phụ trách sẽ nhận thấy rằng: Chính nhờ ngồi quanh đống lửa để chuyện trò thân mật, mình mới có thể tìm hiểu các em một cách sâu sắc hơn bất cứ một dịp nào khác. Cũng chính tại nơi đây, bầu không khí thân hữu nảy nở, khiến những e dè thường nhật bị xóa bỏ, chúng ta sẽ có thể dễ dàng chuyện trò thân mật hơn.


2. Lửa dặm đường:


- Đây là loại lửa trại đặc trưng của những anh chị đã trưởng thành. Hình thức tổ chức cũng giống như lửa vui, nhưng (có thể) có những chủ đề sâu sắc hơn để cùng bàn luận, đàm đạo... trong không khí thân mật, thoải mái.


- Như những người lữ hành, du mục, sau những chặng đường dài, họ đốt một đống lửa bên đường để tạm nghỉ. Ôn lại chặng đường đã qua và chuẩn bị cho chặng đường sắp đến. Họ truyền đạt cho nhau những kinh nghiệm sống, những kiến thức cuộc đời, động viên tinh thần, an ủi giúp đỡ lẫn nhau...


- Lửa dặm đường tổ chức rất gọn nhẹ, ấm cúng, thân mật... Đây cũng là một buổi thanh đàm thoải mái và tự do, ai muốn ngâm thơ, đàn hát, kể chuyện... tùy thích.


3. Lửa tĩnh tâm:


- Thường được tổ chức sau các chương trình lửa trại, khi tất cả các trại sinh không phận sự đã về lều, chỉ còn lại các đối tượng đã được xét chọn, những người có trách nhiệm và các anh chị phụ trách. Đây là một phương pháp giáo dục tâm hồn, nâng cao tinh thần hướng thượng...


- Trong tình thân ái cởi mở, những người được chọn nói lên những suy nghĩ, thắc mắc, ước nguyện... để chia sẻ với những người tham dự. Những người này sẽ hướng dẫn, động viên, giải tỏa và bồi dưỡng thêm cho đối tượng. Sau đó, tùy theo nội lệ của từng đơn vị, sẽ có nghi thức tuyên hứa hay kết nạp.


- Dù mỗi hoạt động, mỗi đơn vị có nghi thức tĩnh tâm khác nhau, nhưng tất cả đều hướng tới điều thiêng liêng cao đẹp nhất của con người.


B. LỬA TRẠI NGHI THỨC:


- Loại lửa trại này bầu không khí hoàn toàn khác hẳn. Sẽ có nghi thức khai mạc và chương trình sắp đặt từ trước - do một quản trò và một quản lửa điều hành buổi lửa trại được chia thành nhiều hình thức:


1. Lửa trại khai mạc:


- Đây là buổi lửa trại trong đêm đầu tiên ở đất trại - có thể xem đây cũng là một nghi thức khai mạc.


- Nội dung gồm những tiết mục có tính cách tự giới thiệu và kết bạn (nếu có nhiều đoàn cùng tham dự). Nên ngắn gọn - không kéo dài quá 1 giờ 30 phút.


2. Lửa trại tổng kết - tuyên dương:


- Đây là buổi lửa trại quan trọng nhất. Thường tổ chức vào đêm bế mạc trại. Đây cũng là buổi tổng kết, trao giải, biểu dương, khen thưởng những cá nhân và đơn vị đã xuất sắc trong kỳ trại.


- Chương trình được Quản trò lồng vào những tiết mục đã thu gom ở đơn vị hoặc cá nhân và được sắp xếp sao cho thật linh động, hấp dẫn.


3. Lửa trại truyền thống - kỷ niệm:


- Được tổ chức nhân kỷ niệm một sự kiện hay một danh nhân, một trong dịp sinh nhật của tổ chức Đoàn Hội hay của nhân vật quan trọng trong vùng.


- Lửa kỷ niệm - Đây là loại lửa trại có đề tài riêng - cho nên nội dung chỉ xoay quanh chủ đề đó. Khi tổ chức những hình thức lửa trại này, theo phép xã giao, ta nên mời chủ đất và gia đình, những nhân vật mà đoàn tiếp xúc, những ân nhân, v.v...

http://4.bp.blogspot.com/_TV_Ps5kLemw/SGr-93vYjgI/AAAAAAAAAas/j9If7tD8Blo/s320/DSC01042_resize.JPG

C. TỔ CHỨC MỘT ĐÊM LỬA TRẠI:


Để tổ chức một buổi lửa trại cho có kết quả, chúng ta phải biết chuẩn bị những công đoạn sau:


1. Chuẩn bị cơ bản:


- Thông báo cho các Tiểu trại hay các Đội trưởng trước về chủ đề của buổi lửa trại và số lượng tiết mục mà họ có thể tham gia.


- Trại sinh nếu chưa rành các nghi thức thì phải tập luyện hay ôn lại cho thống nhất và đồng bộ. Ôn lại những băng reo, bài hát, luân xướng, ca múa cộng đồng...


- Các dụng cụ hóa trang thường được tận dụng những thứ có sẵn như chăn màn, dụng cụ đi trại... chứ đừng đặt nặng vấn đề đạo cụ, may sắm như một đoàn hát. Các tiết mục trình diễn, được chuẩn bị trong thời gian ở trại. Nếu lửa trại có đề tài đã được thông báo trước, thì tiết mục nên xoay quanh chủ đề đã chọn.


2. Chuẩn bị địa điểm:


- Chọn một khu đất khô ráo, rộng rãi, thoáng đãng, không có tàn cây đưa ra trên đống lửa, không có những hố trũng, gốc cây, rễ cây... Dọn sạch sẽ đất đá và gom sạch lá khô chung quanh.


- Chuẩn bị chỗ ngồi cho khách mời (nếu có) và Ban Tổ chức được thoải mái tự do, trên gió, gần nơi trình diễn...


- Nếu là sân xi măng hay gạch, chúng ta lót thiếc, vỏ cây, lá cây... ở dưới trước, sau đó đổ cát lên, để sân không bị quá nóng dẫn đến nứt nổ.


3. Chọn đề tài:


- Để cho buổi lửa trại có ý nghĩa, chúng ta nên cô đọng chương trình trong một chủ đề nào đó.Thí dụ: Nếu là buổi lửa trại kỷ niệm ngày thành lập đơn vị, chúng ta nên xoay quanh nguyên lý phong trào, truyền thống đơn vị... Nhưng vẫn không làm mất đi sự vui tươi, trẻ trung, dí dỏm...


- Hoặc đang cắm trại tại một địa danh lịch sử, một đền thờ anh hùng dân tộc, một di tích... thì chủ đề cũng nên đặt trọng tâm vào đó, tìm hiểu và nêu gương để giáo dục trại sinh.


4. Sắp xếp củi:


Có nhiều hình thức sắp xếp củi cho một buổi lửa trại như: hình nón, hình kim tự tháp, hình lục lăng, hình tam giác... Cho dù sắp kiểu nào, thì chúng ta cũng phải cho những vật dễ bắt lửa ở dưới trước, rồi sắp cành cây hay củi nhỏ lên, sau hết mới chất củi lớn (nhớ chừa nơi châm lửa).


5. Sắp xếp đội hình:


- Nếu là lửa trại nguyên thủy thì quá dễ dàng, vì trại sinh tự động đến ngồi xuống xung quanh đống lửa là đủ. Nhưng nếu lửa trại tăng cường, nhất là những buổi lửa trại có quan khách và khán giả tham dự, thì chúng ta phải biết cách sắp xếp đội hình.


- Trại sinh ngồi hai ba vòng, không nên ngồi quá rộng, vì sẽ không nghe được tiếng nói của diễn viên (nếu không có hệ thống khuếch âm), cũng đừng để khán giả tràn vào nơi trình diễn, gây cảnh lộn xộn.


- Quan khách được tiếp rước và hướng dẫn đến chỗ ngồi dành sẵn, trên gió, gần nơi trình diễn.


- Nhưng các bạn hãy cẩn thận, một buổi lửa trại mà có quan khách và khán giả thì sẽ biến thành buổi biểu diễn văn nghệ, không khí thân mật ấm cúng sẽ không tồn tại. Các trại sinh dễ rụt rè nhút nhát bỏ mất dịp thử nghiệm tài năng. Như thế thì giá trị giáo dục của lửa trại sẽ chẳng còn bao nhiêu.


6. Chương trình lửa trại:


- Lửa trại là một buổi trình diễn văn nghệ tự nhiên nhưng không vì thế mà chúng ta thiếu cố gắng và dễ dãi với mình để đi đến coi thường tình cảm của khán giả, và tự hạ thấp tính năng giáo dục của nghệ thuật.


- Hãy suy nghĩ để sáng tạo cái đẹp, cái thiêng liêng của ngọn lửa - đừng để lố bịch, nhàm chán, rẻ tiền vì thiếu chuẩn bị.


- Chương trình lửa trại được Quản trò sửa soạn ít nhất là một ngày. Nhưng hình thức và nội dung được giữ kín để tạo sự hấp dẫn (ngoại trừ Quản lửa, để kịp phối hợp). Sau khi thu thập các tiết mục của các đơn vị - Quản trò sẽ tùy nghi sắp xếp, nhưng ca hát thường phải chiếm tối đa, nhất là ca múa cộng đồng. Như thế, bầu không khí sẽ sôi động, bớt uể oải, nhàm chán.


- Nên thu xếp sao cho các anh chị Ban Tổ chức và cả quan khách phát biểu hay tham gia một vài tiết mục hay mẩu chuyện (nhưng phải hỏi ý kiến của họ trước).- Thường thì chương trình được thiết lập theo khung sau:


+ Tập hợp (hò lửa).


+ Đón tiếp khách mời và Ban Tổ chức.


+ Gọi lửa, châm lửa, nhảy lửa.


+ Lời khai mạc (nếu có).


+ Sinh hoạt cộng đồng, văn nghệ, ca múa...


+ Giờ tinh thần (câu chuyện tàn lửa).


+ Giải tán.


- Quản trò nên sắp xếp làm sao cho đến khi gần kết thúc, thì chương trình trầm lắng dần dần và kết thúc trong im lặng.


7. Thủ tục khai mạc:


a. Cách thứ 1:


- Quản trò và một số người “Hò lửa”.


- Sau mỗi bài hát “Gọi lửa” thì nêu tên từng đơn vị mời ra khu vực lửa trại.


- Đơn vị nào nghe gọi tên mình sẽ “A” lên một tiếng thật dài và chạy ra.


- Sau khi trại sinh đã ra khu vực lửa trại hết thì mới mời các anh chị phụ trách và quan khách.


- Trại trưởng hay chủ tọa châm lửa.


- Hát bài “nhảy lửa” và cùng nhảy chung.


- Lời khai mạc (nếu có).


- Chương trình sinh hoạt, văn nghệ.


b. Cách thứ 2:


- Anh chị Ban Tổ chức tiếp tân đón quan khách từ xa và hướng dẫn vào khu vực lửa trại.


- Thần Bóng đêm ra chận lại, vừa khoe khoang khoác lác vừa hù dọa.


- Thần Ánh sáng (Quản trò) xuất hiện trong tiếng động inh tai (do trại sinh gõ bằng đủ thứ loại dụng cụ) với cây đuốc trong tay, đánh đuổi Thần Bóng đêm và hướng dẫn quan khách an tọa (trại sinh im lặng). Thần Ánh sáng lên tiếng trấn an và ca ngợi ngọn lửa, ca ngợi ánh sáng...


- Thần Ánh sáng hát bài “Gọi lửa” lần thứ nhất, tất cả hát lại lần thứ hai.


- Quản trò mời anh chị phụ trách hay chủ tọa châm lửa.- Múa và hát bài “Nhảy lửa”.


- Chương trình sinh hoạt, văn nghệ....


8. Bế mạc:


- Hết chương trình, Trại trưởng cám ơn quan khách và khán giả. Anh chị BTC tiễn quan khách trong khi trại sinh ca bài “Tạm biệt”.


- Nếu có tĩnh tâm, tuyên hứa thì giờ này bắt đầu chuẩn bị tiến hành.


9. Câu chuyện tàn lửa:


- Nếu lửa trại thường, thì trước khi bế mạc, Trại trưởng có “Câu chuyện tàn lửa” với tất cả trại sinh. Đây cũng là giờ tinh thần với những lời tâm tình nhắn nhủ ngắn gọn.


- Sau đó hát bài “Tàn lửa” rồi từ từ im lặng rút lui về lều của mình, tuyệt đối không vỗ tay, reo hò hay hô giải tán lúc này.


10. Quản trò:


- Người ta thường hiểu lầm: Quản trò là một anh hề, lên nhảy nhót, uốn éo để chọc cười thiên hạ. Không đơn giản như vậy đâu, người Quản trò là linh hồn của buổi lửa trại, nó quyết định sự thành đạt của buổi lửa trại đó. Người Quản trò ngoài óc khôi hài, dí dỏm, còn phải năng động, phản ứng nhanh, san lấp ngay những lỗ hổng của chương trình.


- Người Quản trò phải có nhiều vốn liếng sinh hoạt như: trò chơi, băng reo, ca múa cộng đồng... Phải biết lúc nào tạo bầu không khí sôi động, lúc nào phải trầm lắng. Biết cắt ngang một cách khéo léo những tiết mục quá dài hoặc có nội dung nhảm nhí. Biết phối hợp cùng Quản ca và Quản lửa để tạo nên một chương trình sống động.


11. Quản ca:


- Thường thì nhiệm vụ này Quản trò có thể kiêm nhiệm nhưng nếu trong buổi lửa trại lớn hay Quản trò không có năng khiếu về ca hát, thì phải có Quản ca để chia bớt gánh nặng.


- Quản ca không cần phải là ca sĩ mà chỉ cần biết hát và thuộc nhiều bài hát sinh hoạt, vui ca... Biết bắt nhịp, chia bè hát đuổi (luân xướng), biết một số bài ca múa cộng đồng, biết chọn bài hát cho đúng với hoàn cảnh, biết trại sinh đã thuộc những bài ca múa nào và cũng phải có óc hài hước, vui tươi, dí dỏm, phối hợp với Quản trò, Quản lửa cho nhịp nhàng.


12. Quản lửa:


- Là người chịu trách nhiệm về củi đốt và ánh sáng (nếu tổ chức lớn thì nên lập ra một ban ánh sáng) cho nên người Quản lửa phải biết kỹ thuật sắp củi sao cho cháy đều, hiểu rõ tính chất cháy của những loại củi khác nhau. Lo dự trù củi cho đủ dùng, không được thiếu nửa chừng. Là người chọn khu vực để đốt lửa, Quản lửa phải biết phòng hỏa, tránh đốt lửa dưới tàn cây xanh hay gần những cây có dầu.


- Trong lúc sinh hoạt văn nghệ, phải phối hợp với Quản trò, Quản ca, để biết khi nào cần tăng, khi nào cần giảm ánh sáng. Vì vậy Quản lửa phải biết một số xảo thuật ánh sáng và cách tạo màu cho lửa.


- Ghi nhớ:


+ Quản trò, Quản lửa, Quản ca không nên xuất hiện khi trình diễn, trừ trường hợp cần thiết.


+ Anh chị phụ trách nào muốn tham gia cũng phải báo cho Quản trò để sắp xếp, không được giẫm chân lên phần việc của họ.


13. Công cụ hỗ trợ cho lửa trại:


a. Chuột lửa:


Là một công cụ dùng cho việc châm lửa khai mạc, có nhiều cách để chế tạo chuột lửa, tùy theo sáng kiến của mỗi người. Hoặc từ trên cao chạy xuống đống lửa hoặc từ dưới thấp chạy lên cao rồi mới xuống đống lửa.


* Từ trên cao chạy xuống:


- Căng dây kẽm đến thân cây hay một điểm cao và có độ dốc vừa phải, đầu dây kẽm (phía đống lửa) chúng ta nối bằng một đoạn dây nylon ngắn để sau khi cháy thì dây đứt, không gây trở ngại cho việc trình diễn.


- Lấy lon sữa bò, lon bia... cho giẻ tẩm dầu vào, lấy dây kẽm làm thành một cái quai. Dùng tim đèn nối dài (hay vải se lại thành sợi) cột vào lon.


- Treo lon trên điểm cao nhất của sợi dây kẽm, cố định bằng dây thun, thòng dây tim xuống cho vừa tầm.


- Khi đốt, dây thun đứt, lon lửa sẽ trôi theo độ dốc xuống đống lửa.


* Từ dưới chạy lên:


- Nguyên tắc thì vẫn trượt theo dây kẽm nhưng một bên thì nhờ trọng lượng, một bên thì nhờ dây thun đàn hồi. Loại chuột lửa này chúng ta để cho hộp lon nằm ngang và làm hai khoen bằng dây kẽm để dễ dàng trượt theo dây hướng dẫn.


- Từ một góc nào đó, dùng dây thun tạo lực đàn hồi để bắn mồi lửa lên cao, có sẵn chuột lửa. Từ đó chuột sẽ chạy xuống đống củi.b. Làm đuốc:


- Dùng vải quấn quanh một cành cây tươi, lấy dây kẽm buộc lại, nhúng vào dầu. Cách này giản dị nhưng lửa cháy không bền.


- Lấy một lóng tre, trúc, nứa... vừa tay cầm và có mắt (loại còn tươi), đổ dầu vào lóng tre và nhét giẻ lại, ta có một cây đuốc cháy khá lâu.


- Chẻ một lóng tre ra làm 6 hay 8 phần đều nhau, lấy lon bia hay nước giải khát (loại nhỏ) để vào và dùng dây kẽm cố định cho thật chặt, đoạn đổ dầu và nhét giẻ vào.


c. Tạo màu cho lửa:


Trong khi trình diễn văn nghệ, nếu Quản lửa biết cách tạo màu cho lửa, thì tiết mục sẽ thêm hấp dẫn và vui mắt. Dưới đây là một số vật liệu mà Quản lửa phải chuẩn bị để tạo màu cho lửa.


+ Lửa bừng sáng: Ném vào lửa những bao nylon nhỏ có chứa dầu lửa hay xăng, rơm khô, giấy cắt vụn, thuốc pháo bông.


+ Tạo khói: Ném vào lửa rơm ướt, lá cây tươi.


+ Lửa màu đỏ: Bột than.


+ Lửa xanh: Bột sulfate đồng, giấy bạc trắng.


+ Lửa vàng: Muối bọt, nhựa thương phẩm.


+ Lửa tóe bông: Muối hột.Trên đây là một số vấn đề chung về tổ chức 1 đêm lửa trại, trong quá trình hoạt động tùy theo điều kiện cụ thể về địa điểm, đối tượng, nội dung trại ... mà ta tổ chức hoạt động lửa trại cho phù hợp.