PDA

View Full Version : Chúa Thánh Linh



Quang Hưng
09-06-2009, 09:50 PM
Chúa Thánh Linh, còn gọi là Chúa Thánh Thần, trong tiếng Hêbrơ là רוח הקודש Ruah haqodesh. Theo đức tin của Cơ Đốc giáo, ngài là Thiên Chúa, và là ngôi thứ ba trong Ba Ngôi; Từ “Thánh Linh” có nguồn gốc từ Tân Ước Hi văn pneuma (πνεύμα).
http://i25.tinypic.com/2rzpap0.jpg
Quan điểm của Cơ Đốc giáo
Tín hữu Cơ Đốc tin rằng Chúa Thánh Linh là một thân vị trong Ba Ngôi, bình đẳng với Chúa Cha và Chúa Con (Chúa Giê-xu).

Theo Tân Ước, Chúa Thánh Linh là đấng dẫn dắt con người đến với đức tin để tiếp nhận Chúa Giê-xu, ban cho họ năng lực để theo đuổi các giá trị của nếp sống Cơ Đốc. Chúa Thánh Linh ngự trong lòng tín hữu, xem họ là đền thờ của ngài.[1] Chúa Thánh Linh được miêu tả là “Đấng Dạy dỗ” hay “Đấng Cứu giúp” (paraclete trong Hi văn), dẫn dắt tín hữu vào lẽ thật.

Quyền năng của Chúa Thánh Linh thể hiện trong đời sống của tín hữu, theo quan điểm Cơ Đốc, sản sinh những kết quả tích cực được gọi là Hoa quả của Chúa Thánh Linh. Tín hữu Cơ Đốc tin rằng Chúa Thánh Linh là Đấng ban cho họ các loại ân tứ (khả năng) khác nhau như nói tiên tri, nói các thứ tiếng, khả năng chữa bệnh, sự hiểu biết...(một số người cho rằng sự ban cho này đã dừng lại kể từ sau thời Tân Ước). Tuy vậy, phần lớn tín hữu Cơ Đốc tin rằng các ân tứ ấy vẫn tiếp tục được ban cho, đặc biệt là các ân tứ hữu ích cho việc gây dựng hội thánh như khả năng thi hành mục vụ, giảng dạy, làm việc từ thiện, lãnh đạo, và lòng nhân ái.[2] Trong một số giáo phái, trải nghiệm nhận lãnh Chúa Thánh Linh được gọi là “được xức dầu”. Theo truyền thống Nhạc Phúc âm (Gospel music) của người Mỹ gốc Phi, trải nghiệm này thường được nhắc đến như là “nhận lãnh phước hạnh”.

Tín hữu Cơ Đốc tin rằng Chúa Giê-xu đã báo trước về Chúa Thánh Linh như là “Đấng An ủi”[3]. Sau khi sống lại, Chúa Giê-xu bảo cho các môn đồ biết rằng họ cần được “chịu lễ báp têm bởi Chúa Thánh Linh” và nhờ đó họ sẽ nhận lãnh năng lực siêu nhiên[4]. Lời hứa này đã được ứng nghiệm qua những diễn biến được ký thuật trong chương thứ hai của sách Công vụ các sứ đồ. Ấy là trong ngày Lễ Ngũ tuần (Pentecost) đầu tiên, các môn đồ của Chúa Giê-xu, khi đang nhóm lại với nhau tại Jerusalem, đột nhiên nghe tiếng gió thổi mạnh, và xuất hiện những lưỡi bằng lửa đậu trên từng người. Các môn đồ bắt đầu rao giảng Phúc âm cho một đám đông với nhiều sắc dân khác nhau bằng chính ngôn ngữ của các sắc dân ấy.

Trong phúc âm của mình, sứ đồ Giăng không tập chú vào những gì Chúa Thánh Linh làm cho Chúa Giê-xu, nhưng nhấn mạnh vào sự kiện Chúa Giê-xu ban Chúa Thánh Linh cho các môn đồ. Học thuyết này của vị sứ đồ, có ảnh hưởng sâu đậm trên tiến trình hình thành thuyết Ba Ngôi, nhìn xem Chúa Giê-xu là chiên con được hiến tế, đến thế gian để ban Thánh Linh của Thiên Chúa cho nhân loại.

Dù có văn phong tương tự với tác giả ba sách phúc âm còn lại khi miêu tả sự kiện Chúa Giê-xu nhận lãnh Thánh Linh, Giăng ký thuật sự kiện này với chủ tâm giúp độc giả hiểu rằng Chúa Giê-xu nhận lãnh Thánh Linh với mục đích ban Thánh Linh cho người theo Chúa Giê-xu, nhờ vậy mà họ có thể hiệp nhất với Ngài, ở trong Ngài và vì vậy họ cũng hiệp nhất với Cha. (Xem “Phúc âm theo Giăng”, chương nói về Pneumatology, tác giả Raymond Brown). Theo sứ đồ Giăng, nhận lãnh Chúa Thánh Linh có nghĩa là nhận lãnh sự sống vĩnh cửu, sự thông hiểu về Thiên Chúa, năng lực để vâng phục, để tương giao với người khác và tương giao với Chúa Cha.

Trái của Chúa Thánh Linh
Tín hữu Cơ Đốc tin rằng “Trái của Chúa Thánh Linh” là những đức hạnh được ban cho những ai chấp nhận Chúa Thánh Linh và để quyền năng của Ngài vận hành trong đời sống của mình. Những đức hạnh này được liệt kê trong Tân Ước (Gal 5.22): “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ”. Truyền thống Công giáo cũng liệt kê 12 Hoa quả của Chúa Thánh Thần (Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, Phần 1832): “từ thiện, vui thoả, bình an, nhẫn nại, nhân ái, từ tâm, độ lượng, hoà nhã, chung thuỷ, khiêm nhường, tiết chế và trinh bạch”. Nhiều tín hữu Cơ Đốc tin rằng những Trái của Thánh Linh ngày càng trở nên tinh tuyền bằng cách tuân giữ Lời của Thiên Chúa (Kinh Thánh) và bằng những trải nghiệm trong sống đạo.

Nhiều tín hữu Cơ Đốc tin rằng họ hiệp nhất với Thiên Chúa qua Chúa Giê-xu Cơ Đốc, bởi quyền năng của Chúa Thánh Linh là đấng ngự trong họ. Những người khác tin rằng sự qui đạo cần đi đôi với trải nghiệm đầy dẫy Thánh Linh (xảy ra cùng lúc hoặc sau đó). Họ gọi trải nghiệm này là “báp têm trong Chúa Thánh Linh”, theo họ, đó là lúc tín hữu thể hiện các ân tứ và khả năng.

Quang Hưng
09-06-2009, 09:53 PM
Sự sống trong Chúa Thánh Linh
“Sự sống trong Chúa Thánh Linh” là thuật từ thể hiện quan điểm của các tín hữu thuộc Phong trào Tin Lành, miêu tả nếp sống Cơ Đốc dưới sự soi dẫn, và được thêm sức, bởi quyền năng của Chúa Thánh Linh.

Trải nghiệm này được đề cập nhiều lần trong Kinh Thánh, cũng được triển khai bởi các nhà thần học như Tiến sĩ Gilbert Stafford trong một tác phẩm của ông, Theology for Disciples, “Hội thánh được ban năng lực không chỉ để gia tăng số lượng tín hữu mà còn để theo đuổi nếp sống Cơ Đốc chuẩn mực.” Chúng ta cần nhận biết quyền năng của Chúa Thánh Linh vận hành trong đời sống tín hữu, trong ba khía cạnh: chịu cáo trách về tội lỗi, sự thánh khiết trong bản chất, và năng lực để phục vụ.

Cáo trách tội lỗi: Đây là công việc của Chúa Thánh Linh. Lần đầu tiên Chúa Giê-xu đề cập đến điều này trong Phúc âm Giăng 16:8[5] Mục tiêu của sự cáo trách tội lỗi là khuyến khích tín hữu theo đuổi nếp sống thánh khiết hầu làm sáng danh Chúa. Chính sự cáo trách tội lỗi sẽ giúp tín hữu lớn lên trong nếp sống Cơ Đốc và đạt đến bản chất thánh khiết.
Bởi sự vận hành của quyền năng Chúa Thánh Linh trong đời sống tín hữu mà họ có thể theo đuổi nếp sống thánh khiết từ trong bản chất. Những người tiếp nhận và đi theo bước chân của Chúa Giê-xu sẽ được Chúa Thánh Linh ngự trị trong lòng. Trái của Thánh Linh sẽ thể hiện trong đời sống của họ, không chỉ giúp họ trưởng thành trong tâm linh mà còn ban cho họ năng lực để phụng sự Thiên Chúa và người khác.
Chúa Thánh Linh ban năng lực cho tín hữu để họ phụng sự Chúa, và gây dựng Vương quốc Thiên Chúa, để danh Chúa được vinh hiển và hội thánh được phát triển, tức là rao giảng thông điêp phúc âm cho mọi người.[6]

Chú thích
^ “Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Linh của Thiên Chúa ở trong anh em sao?” 1Corithians 3. 16
^ “Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tuỳ theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên tri, hãy tập nói theo lượng đức tin; ai được gọi đến làm chức vụ, hãy buộc mình vào chức vụ; ai dạy dỗ, hãy chăm mà dạy dỗ; ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo; ai bố thí, hãy lấy lòng rộng rãi mà bố thí; ai quản trị, hãy siêng năng mà quản trị; ai làm sự thương xót, hãy lòng vui mà làm”. La Mã 12. 6-8
^ “Nhưng Đấng An ủi, tức là Chúa Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi”. Giăng 14.26
^ “Lúc ở với các sứ đồ, Chúa Giê-xu dặn họ rằng đừng ra khỏi thành Jerusalem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa, là điều các ngươi đã nghe ta nói. Vì Giăng Báp-tít đã làm báp têm bằng nước, nhưng trong ít ngày, các ngươi sẽ chịu báp têm bằng Chúa Thánh Linh ..... Khi Chúa Thánh Linh giáng trên các ngươi, các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Jerusalem, cả xứ Judea, xứ Samaria, cho đến cùng trái đất” Công 1.4-8
^ ”Khi Ngài đến sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét.” – Phúc âm Giăng 16:8
^ ”Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Jerusalem, cả xứ Judea, xứ Samaria, cho đến cùng trái đất." - Công vụ các Sứ đồ 1: 8

( Sưu Tầm )