PDA

View Full Version : Khi Bố còn thơ



gấu trúc
17-06-2009, 01:30 PM
KHI BỐ CÒN THƠ


PHAN THẾ HƯNG- ĐỖ TƯ NGHĨA
Dịch theo bản tiếng Anh
When Daddy Was a Little Boy
Của Faina Glagoleva
Vài lời của tác giả

Các cháu thương mến!

Tôi muốn kể cho các cháu lý do viết cuốn sách này. Tôi có một cô con gái tên là Xasa. Bây giờ cô ấy đã lớn, khi nói về mình, cô ấy thường nói: “ Khi con còn bé…” Vâng, khi còn rất nhỏ, Xasa thường đau yếu, lúc thì cảm cúm, lúc thì viêm họng hay bị sưng tai. Nếu có lúc nào đó tai các cháu bị làm độc, các cháu mới biết nó đau đến dường nào. Nếu không, cũng chẳng còn cách nào giải thích cho các cháu hiểu được.

Có một lần Xasa đau tai, khóc suốt cả một ngày, một đêm, không ngủ được chút nào cả. Tôi thương con gái đến nỗi muốn khóc theo nó luôn. Tôi đã đọc sách hoặc kể chuyện vui cho cô bé nghe. Tôi kể câu chuyện vì sao lúc còn nhỏ tôi đã ném một quả bóng mới của mình xuống gầm xe. Xasa rất thích câu chuyện đó. Cô bé ngạc nhiên khi biết rằng Bố mình cũng từng là một cậu bé, đã làm những trò tinh quái, cũng đã từng bị phạt. Cô bé nhớ câu chuyện đó và cứ khi nào đau tai, Xasa lại kêu lên: “Bố ơi! Tai con đau quá! Kể cho con nghe chuyện lúc Bố còn bé đi!” Và mỗi lần như thế, tôi lại kể một câu chuyện. Các cháu sẽ đọc những câu chuyện đó trong tập sách này. Tôi đã cố nhớ lại tất cả các chuyện đã xảy ra với tôi vì tôi muốn làm cho cô con gái đau ốm của tôi cười lên. Hơn nữa, tôi muốn con tôi hiểu rằng thật không tốt đẹp gì khi mình tham lam, ích kỷ, khoe khoang hoặc hợm hĩnh.

Không có nghĩa là lúc nhỏ khi nào tôi cũng thế cả. Có khi không nghĩ ra được chuyện nào, tôi lại kể chuyện của những ông Bố khác mà tôi biết. Xét cho cùng thì ông Bố nào cũng từng là một cậu bé. Do đó, các cháu sẽ không thấy có chuyện nào trong này là bịa đặt cả, tất cả các cậu bé con nào cũng đã gặp phải. Bây giờ Xasa đã lớn. Cô ấy ít khi đau ốm và có thể tự mình đọc những cuốn sách rất lớn.

Nhưng tôi cho rằng có lẽ tất cả trẻ con đều muốn biết điều gì đã xảy ra cho một ông Bố khi còn nhỏ.

Đó là tất cả những gì tôi muốn nói. Nhưng hãy chờ đã! Còn có nhiều điều hơn nữa đối với cuốn sách này. Mỗi một người trong các cháu có thể tự mình khám phá phần còn lại bởi vì Bố của các cháu cũng có thể kể chuyện lúc ông ấy còn nhỏ và Mẹ của các cháu cũng vậy. Tôi cũng rất muốn nghe các câu chuyện đó nữa.

Chúc các cháu mọi sự tốt lành


Bạn của các cháu
A. RASKIN

gấu trúc
17-06-2009, 01:48 PM
1 - Bố ném bóng vào gầm xe ô tô


Khi còn bé, Bố sống ở thị trấn Pap-lô-vô Pô-xat. Ông bà nội cho Bố một quả bóng lớn, rất đẹp. Quả bóng trông y hệt ông mặt trời. Không! Phải nói là đẹp hơn mặt trời cơ? Nhìn nó, bạn sẽ lác mắt cho xem. Nó đẹp gấp bốn lần ông mặt trời vì nó có đến bốn màu khác nhau, mà mặt trời chỉ có mỗi một màu. Dứt khoát là như vậy! Một mặt của quả bóng có màu hồng như kẹo bạc hà, mặt kia là màu sô-cô-la, phía trên xanh như màu da trời và phía dưới lại có màu cỏ non. Chưa ai ở thị trấn Pap-lô-vô Pô-xat thấy một quả bóng như thế cả. Quả bóng được mua ở tận Mat-xcơ-va. Bố nghĩ là không thể có nhiều quả bóng như thế ở Mat-xcơ-va được. Bởi vì ngay cả người lớn cũng đến xem nó cơ mà!


- Ồ! Quả bóng đẹp quá! Họ đều nói như vậy cả.


Đúng là một quả bóng xinh xắn. Bố rất tự hào về nó. Nhìn dáng đi khệnh khạng của Bố, cứ tưởng như Bố đã làm ra quả bóng và sơn cho nó bốn màu ấy! Lúc Bố mang bóng ra ngoài chơi, tất cả bọn trẻ con từ mọi phía ùa lại.


- Ồ! Đẹp quá! Cho tớ chơi với. Nhưng Bố ôm chặt quả bóng.


- Không, tớ không cho đâu! Bóng của tớ. Không ai có quả bóng như thế này cả! Phải mua tận Mat-xcơ-va cơ đấy! Hãy đi đi! Đừng có mà đụng vào quả bóng!


Bọn trẻ con lại nói:


- Mày là thằng như thế đấy, ích kỷ lắm!


Bố mặc kệ chúng nó. Bố không để chúng chơi với quả bóng đẹp của mình. Bố chơi một mình thôi. Nhưng chơi bóng một mình thì chẳng có gì thú vị lắm. Thế là “Bố nhỏ ích kỷ” chơi gần với bọn trẻ. Anh ta muốn cho bọn chúng ganh tỵ.


Bọn trẻ nói:


- Đồ ích kỷ. Bọn mình nghỉ chơi với nó!


Trong suốt hai ngày chúng nó không chơi với Bố. Ngày thứ ba, bọn chúng nói:


- Quả bóng của cậu không xấu lắm. Nó lớn và màu thì rất đẹp. Nhưng nếu cậu ném nó xuống gầm xe, nó cũng sẽ nổ tung như bao quả bóng khác thôi. Không có gì mà cậu phải hếch mũi lên như thế!


- Bóng của tớ không bao giờ nổ cả! Bố nhỏ đáp lại một cách tự hào. Rồi anh ta hợm hĩnh như chính anh ta đã sơn bốn màu trên quả bóng.


- Nó nổ tung ra chứ. Bọn trẻ chế giễu.


- Không, nó sẽ không nổ!


Bọn trẻ nói:


- Có chiếc ô-tô đang đến đó. Có ngon ném bóng đi! Sợ à?


Bố nhỏ đã ném quả bóng xuống gầm xe. Cả bọn đứng đợi. Quả bóng lăn giữa hai bánh trước và dừng lại ngay dưới bánh sau. Chiếc xe nảy lên và cán lên quả bóng, phóng tới trước. Nhưng quả bóng vẫn còn đó.


- Nó không nổ! Nó không nổ! Bố gào lên và chạy đến lượm quả bóng. Đúng lúc đó, “bình” một tiếng. Quả bóng nổ tung. Bố nhỏ chạy đến, quả bóng chỉ còn là một tấm cao-su rách nát đầy bụi. Quả bóng chẳng còn gì là đẹp đẽ, xinh xắn nữa cả. Bố bắt đầu khóc, chạy về nhà. Bọn trẻ con thì cười toáng lên:


- Nó nổ rồi! Đáng đời lắm, thằng ích kỷ!


Khi Bố về nhà, Bố kể là tự mình đã ném bóng xuống gầm xe, bà nội đã phết Bố ra trò. Chiều tối, ông nội đi làm về, lại cho Bố một trận đòn nữa.


Khi ông nội đánh Bố, ông nói:


- Bố đánh con không phải vì quả bóng đâu, mà vì sự ngu ngốc của con.


Khá lâu sau đó, người ta vẫn còn ngạc nhiên không hiểu được tại sao có người lại đi ném một quả bóng đẹp như thế vào gầm xe. Họ nói:


- Chỉ có những đứa ngốc nghếch mới làm như thế!


Và bọn trẻ con lại chế giễu Bố:


- Ê, bóng mới của mày đâu?


Nhưng bác ở cạnh nhà thì không cười, mà bảo Bố kể lại câu chuyện từ đầu.
Nghe xong, bác ấy nói:


- Không, cháu không ngốc nghếch đâu!


Bố rất hài lòng.


Bác ấy nói tiếp:


- Nhưng cháu tham lam, ích kỷ và muốn khoe khoang thôi. Điều đó thật là tệ hại. Người nào muốn chơi bóng một mình thì luôn luôn là người thua cuộc. Người lớn cũng vậy thôi. Cháu sẽ luôn luôn hối hận nếu bây giờ không chịu thay đổi tính nết đi.


Bố sợ hãi và khóc. Bố nức nở nói là Bố không muốn ích kỷ, không muốn khoe khoang. Bố khóc dai và ầm ĩ đến nỗi bác láng giềng tin Bố và mua cho Bố một quả bóng mới. Quả bóng này không đẹp như quả bóng trước, nhưng tất cả bọn con trai trong phố đều được chơi chung. Mọi người đều vui vẻ và không còn ai nói Bố tham lam, ích kỷ nữa.

Dauan_tinhyeu
17-06-2009, 02:38 PM
Ui...Gấu trúc làm bài này hay lắm ...Cho mình củm ơn nha:8: Very Good

PetHoang
17-06-2009, 06:55 PM
....
Nhưng bác ở cạnh nhà thì không cười, mà bảo Bố kể lại câu chuyện từ đầu.
Nghe xong, bác ấy nói:
- Không, cháu không ngốc nghếch đâu!
Bố rất hài lòng.
Bác ấy nói tiếp:


- Nhưng cháu tham lam, ích kỷ và muốn khoe khoang thôi. Điều đó thật là tệ hại. Người nào muốn chơi bóng một mình thì luôn luôn là người thua cuộc. Người lớn cũng vậy thôi. Cháu sẽ luôn luôn hối hận nếu bây giờ không chịu thay đổi tính nết đi.


Bố sợ hãi và khóc. Bố nức nở nói là Bố không muốn ích kỷ, không muốn khoe khoang. Bố khóc dai và ầm ĩ đến nỗi bác láng giềng tin Bố và mua cho Bố một quả bóng mới. Quả bóng này không đẹp như quả bóng trước, nhưng tất cả bọn con trai trong phố đều được chơi chung. Mọi người đều vui vẻ và không còn ai nói Bố tham lam, ích kỷ nữa.



Đó là điều quan trọng, người nhận diện được sự việc, và phân tích cho trẻ thấy cái sai.... cái đúng để trẻ định hướng cuộc đời . Amen.

dominico_dung
18-06-2009, 11:59 AM
tiếp tục Gấu Trúc ới ơi, đừng lơ lửng thế, các cháu đọc chưa đã, chỉ cần Tên Truyện thôi đã làm anh chực nghẹn rồi em ơi;

gấu trúc
18-06-2009, 01:00 PM
2 - Bố dạy chó


Khi còn bé, Bố được đi xem xiếc. Thật là hấp dẫn. Bố thích người dạy sư tử vì ông ấy mặc quần áo rất đẹp, vì tiếng “ Người dạy sư tử” nghe thật lớn lao và vì tất cả sư tử, hổ đều sợ ông ấy. Ông có một cây roi và các khẩu súng lục, nhưng ít khi ông phải dùng đến chúng.


Trên sân diễn, ông nói:


- Các con thú sợ đôi mắt của tôi! Đôi mắt của tôi là vũ khí lớn nhất. Không một con vật nào chịu đựng nổi cái nhìn của con người vào mắt chúng.


Thật thế, khi ông nhìn vào sư tử, con sư tử ngồi xuống bục, nhảy vòng, ngay cả giả bộ chết, làm đủ trò chỉ vì không thể nào chịu nổi cái nhìn của ông ấy.


Khi có kèn trôm-pét làm lệnh, mọi người vỗ tay và nhìn người dạy sư tử. Ông đặt tay lên ngực trái và chào bốn phía. Thật là tuyệt diệu. Bố nhỏ cả quyết rằng mình cũng sẽ trở thành người dạy sư tử. Bố nghĩ là nên bắt đầu luyện một con vật nào không đến nỗi hung tợn lắm. Dù sao Bố cũng còn quá nhỏ. Bố biết là những con vật to lớn như sư tử, hổ không hợp với người mới vào nghề. Bố nên khởi đầu với một con chó, nhưng là một con chó đừng lớn lắm vì một con chó lớn thì cũng gần giống như một con sư tử nhỏ thôi! Điều Bố cần là một con chó không lớn lắm!


Không bao lâu, Bố đã tìm được điều Bố cần tìm.


Thị trấn Pap-lô-vô Pô-xat thời đó có một công viên nhỏ. Bây giờ thì ở đó đã là một công viên lớn. Nhưng chuyện này xảy ra lâu lắm rồi. Bà nội thường dẫn Bố ra công viên. Một hôm Bố chơi ở công viên còn bà nội thì ngồi đọc sách trên ghế băng. Một bà cũng ngồi ghế bên cạnh cùng với con chó nhỏ màu trắng. Bà ấy cũng đọc sách. Con chó rất nhỏ và có đôi mắt màu đen. Con chó nhìn Bố bằng đôi mắt to đen của nó như thể muốn nói: “Tôi muốn được dạy trò đây. Nào, cậu bé, cậu không muốn dạy trò cho tôi sao? Tôi không thể nào chịu nổi đôi mắt của con người đâu!”


Bố nhỏ băng qua lối đi để đến luyện cho con chó. Bà nội đang đọc sách còn bà chủ của con chó cũng say sưa đọc. Họ không thấy chuyện gì đang xảy ra. Con chó nằm dưới ghế, nhìn Bố nhỏ một cách kỳ lạ bằng đôi mắt to màu đen của nó. Bố đi rất chậm rãi đến gần con chó.


- À, có lẽ nó chịu được cái nhìn của mình! Mình nên bắt đầu với một con sư tử thì hơn. Chắc là con chó đã thay đổi ý định, nó không muốn được luyện trò nữa!


Hôm đó trời rất nóng. Bố chỉ mang giày xăng-đan và áo quần cụt. Bố tiếp tục đến gần con chó hơn, nhưng con chó vẫn nằm yên, chằm chặp nhìn Bố. Khi Bố đã đến sát nó, đột nhiên con chó nhảy chồm vào Bố và cắn vào bụng. Sau đó là một cảnh tượng nhốn nháo khủng khiếp. Bố gào lên. Bà nội cũng thét lên… Bà chủ con chó cũng gào lên, còn con chó thì sủa vang inh ỏi. Bố vừa gào vừa nói:


- Ối! Nó cắn con!


Bà nội kêu lên:


- Ôi, nó cắn thằng bé rồi!


Bà chủ con chó cũng thét lên:


- Thằng bé đã trêu chọc nó! Con chó của tôi không cắn ai bao giờ cả.


Còn các bạn có lẽ cũng đoán ra là con chó đang kêu gào điều gì rồi.


Mọi người tứ phía chạy tới. Mọi người đều nói:


- Thật là kinh khủng!


Bác bảo vệ công viên đến và hỏi:


- Này cậu bé, cháu có trêu chọc con chó không đấy?


Bố đáp:


- Không ạ, cháu chỉ muốn tập trò cho nó thôi!


Mọi người đều cười.


- Thế cháu tập nó như thế nào?


- Cháu đi đến gần nó và nhìn nó. Bố trả lời. Và bây giờ thì cháu đã hiểu con chó không thể nào chịu nổi cái nhìn của con người.


Mọi người lại cười vang.


Bà chủ con chó nói:


- Thấy chưa! Thằng bé đáng quở trách, không ai bảo nó tập tành gì con chó của tôi cả.


Quay sang bà nội, bà ấy tiếp:


- Còn bà sẽ nộp phạt vì không chăm sóc con của bà?


Bà nội thở hổn hển. Bà không nói được lời nào cả.


Bác bảo vệ công viên nói với người chủ con chó:


- Bà có thấy tấm biển kia không? CẤM CHÓ! Nếu mà tấm biển đề CẤM TRẺ EM! Thì tôi đã phạt bà này với thằng bé rồi. Nhưng bây giờ thì tôi mời bà ra khỏi công viên. Thằng bé này đang chơi nhưng con chó của bà cắn nó. Chơi ở đây thì được mà cắn thì không được đâu!


Quay sang Bố, ông ấy nói:


- Cháu phải suy nghĩ cẩn thận khi chơi. Con chó không thể nào biết được cháu đến gần nó làm gì. Có thể là con chó tưởng cháu muốn cắn nó thì sao! Hiểu chưa nào?


- Vâng ạ! Bố trả lời. Bố không còn muốn trở thành người dạy sư tử nữa.


Sau những mũi chích để phòng ngừa, Bố cho đó không phải là một nghề hay ho cho lắm.


Bây giờ Bố hiểu được rằng thú vật không thể chịu được cái nhìn của con người.


Về sau, khi Bố gặp một cậu bé đang tìn cách kéo mi mắt của một con chó lớn, Bố và cậu bé đó hiểu nhau ngay tức khắc.


Dĩ nhiên là cậu bé kia bị cắn vào hai má của mình thay vì vào bụng. Nhưng dù sao bị cắn vào chỗ nào đi nữa, rồi cậu bé cũng phải tiêm ngừa ở bụng vậy.

gấu trúc
19-06-2009, 06:34 AM
3- Bố làm thơ

Khi còn bé, Bố rất thích đọc sách. Bố đã biết đọc lúc lên bốn, và có thể đọc sách suốt ngày không chán. Trong lúc các đứa bé khác chạy quanh và chơi đủ trò hấp dẫn thì Bố mải miết đọc sách.

Ông bà nội rất lo lắng vì họ cho rằng đọc sách nhiều như thế thật là tai hại. Ông bà không đưa sách cho Bố nữa và chỉ cho phép Bố mỗi ngày đọc ba giờ thôi. Nhưng rồi chẳng được gì. Bố vẫn đọc từ sáng đến tối. Bố để ba giờ đọc sách công khai tại những nơi mà mọi người đều thấy được Bố, rồi Bố biến mất. Bố có thể chui xuống gầm giường, leo lên gác thượng hoặc ra kho trữ cỏ để đọc. Đọc ở kho trữ cỏ là thú vị hơn cả. Cỏ tươi có mùi rất dễ chịu. Bố có thể nghe moiï người sục sạo tìm Bố trong các gầm giường. Bố sẽ về nhà vào bữa cơm tối và lập tức bị phạt. Sau đó, Bố ăn cơm thật nhanh và đi ngủ.

Nửa đêm, Bố thức dậy, bật đèn lên đọc sách. Bố đọc truyện Cá sấu của Tru-côp-xki; Cuộc phiêu lưu của Guy-li-ve; Truyện cổ tích của Puskin; Ngàn lẻ một đêm và Rô-bin-xơn Kru-xô. Thế giới có nhiều sách tuyệt hay! Bố muốn đọc hết tất cả, từng cuốn.

Thời gian trôi qua, bà nội đi vào, lấy sách và tắt đèn. Một lát sau, Bố lại bật đèn lên lấy cuốn sách khác cũng hấp dẫn như cuốn trước. Rồi ông nội vào, lấy sách đi và tắt đèn, đồng thời phát vào mông Bố thật đau trong đêm tối. Nó không làm Bố đau cho bằng cảm thấy mình bị xúc phạm.

Mọi sự kết thúc thật đáng buồn. Trước hết, Bố đã làm hại mắt mình do việc thiếu ánh sáng trong giường, trên gác và ở kho cỏ. Hơn nữa, Bố đã tìm được một cách đọc sách mà không ai thấy Bố bằng cách trùm chăn, chỉ chừa một lỗ nhỏ cho ánh sáng vào để đọc. Thật là thiếu vệ sinh khi nằm đọc sách với ánh sáng mờ ảo như vậy. Thế là Bố phải mang kính.
Đúng vào lúc đó, Bố bắt đầu làm thơ.

Bố trông thấy con mèo, bèn nói:

Hãy cút đi
Con mèo lì!

Trông thấy con chó, Bố đọc:

Đi lang thang
Ăn ngọn cỏ dọc đàng!

Trông thấy con gà trống, Bố nói:

O ó ò!
Mạnh khỏe chứ!

Trông thấy ông nội, Bố ngâm:

Bố! Bố yêu quý
Cho con bơ đi!

Ông bà nội rất thích những câu thơ đó lắm. Ông bà ghi lại và đọc lên khi có bạn bè. Rồi những người khách cũng chép lại. Khi nào có đông người, sẽ có người nói:

- Cháu đọc những vần thơ của cháu đi!

Lúc đó, Bố đọc liền bài thơ mới nhất về con mèo một cách thích thú. Bài thơ chấm dứt như sau:

Con mèo Vatxca
Không muốn nghe thơ ca.

Người lớn cười rộ lên. Họ biết những vần thơ đó chẳng hay ho gì và ai cũng nghĩ ra được. Nhưng Bố lại cho là rất tuyệt diệu. Bố nghĩ là người lớn cười vì họ thích thú. Bố quyết định trở thành nhà thơ. Bố đọc thơ của mình ở bất cứ bữa tiệc sinh nhật nào, trước cũng như sau khi ăn bánh.

Khi dì Lida lấy chồng, Bố cũng làm một bài thơ. Lần này bài thơ chẳng thành công chút nào cả, vì nó bắt đầu:

Có ai nghĩ được không?
Dì Lida cũng lấy được chồng!

Khách khứa cười ầm lên vui vẻ, nhưng dì Lida bật khóc và chạy về phòng mình. Chú rể không cười và cũng không khóc được.

Bố đã không bị phạt vì Bố không cố ý xúc phạm dì Lida. Tuy nhiên, Bố thấy là một vài người lớn không còn ưa những vần thơ của Bố như trước nữa. Rồi Bố nghe một người nói:

- Tôi mong chú bé “Thần đồng” đừng có đọc lăng nhăng nữa!

Bố đến bên bà nội, và hỏi:

- Chú bé “Thần đồng” là gì vậy mẹ?

- Đó là một đứa bé khác thường. Bà trả lời.

- Nó khác thường về chuyện gì?

- Thì cậu ta chơi vĩ cầm hay giỏi toán, còn không nữa thì cũng không quấy rầy mẹ nó bằng lắm câu hỏi như thế!

- Thế khi lớn lên, nó ra sao?

- Sẽ trở thành một người rất thường thôi!

Bố nói:

- Cảm ơn mẹ. Thế là con đã hiểu!

Trong những bữa tiệc sinh nhật, Bố đã không đọc thơ nữa. Bố nói là bị nhức đầu. Sau đó lâu lắm, Bố không còn làm thơ. Cho đến bây giờ, khi có ai đề nghị Bố đọc thơ của mình trong tiệc sinh nhật, đầu Bố lại bắt đầu nhức nhối.

gấu trúc
19-06-2009, 10:17 PM
4 - Bố cắn ông bác sĩ

Khi còn bé, Bố thường bị cảm lạnh, thường hắt hơi và ho. Có khi Bố còn bị viêm họng hoặc đau tai nữa. Một hôm, ông bà nội đưa Bố đến gặp bác sĩ. Ở cửa phòng mạch có tấm biển: “Chuyên gia tai, mũi, họng”. Bố hỏi:

- Có phải tên ông ấy không, bố mẹ?

- Không đâu con. Đó là tên các loại bệnh ông ấy chuyên trị. Con đừng làm ồn!

Sau khi khám tai, mũi, họng của Bố, bác sĩ bảo cần phải giải phẫu. Thế là ông bà nội đưa Bố đến Mat-xcơ-va. Phải cắt thịt dư ở họng của Bố!

Đó là một giáo sư y khoa rất già, nghiêm nghị, tóc bạc phơ. Ông nói:

- Cháu hả miệng ra!

Bố hả miệng ra, ông giáo sư cũng không nói cảm ơn gì cả. Ông đưa ngón tay vào miệng Bố, rà qua rà lại bên trong. Thật là đau và khó chịu! Cho nên khi ông ấy bảo: “À, nó đây rồi” và ấn mạnh thì bất thần ông kêu lên và rút tay ra khỏi miệng bố. Mọi người thấy ngón tay ông bị chảy máu. Trong phòng mạch bỗng im lặng, ngột ngạt. Ông giáo sư bảo:

- I-ốt!

Người ta mang I-ốt đến, ông chấm vào ngón tay bị chảy máu và bảo:

- Băng!

Người ta đưa băng cho ông, ông dùng bàn tay kia băng ngón tay lại. Rồi cất giọng trầm trầm nói:

- Tôi đã hành nghề bốn mươi năm nay. Đây là lần đầu tiên tôi bị cắn. Ông bà tìm người khác để giải phẫu. Tôi đi đây, tôi không đụng vào việc này nữa!

Sau đó, ông rửa tay bằng xà-phòng và bỏ đi. Ông nội giận dữ nói:

- Bố đã mang con đến Mat-xcơ-va, để gặp cho được ông bác sĩ này. Ông ấy muốn cho con lành bệnh. Còn con đã làm gì thế? Bố nói cho mà biết, ở hành lang phía dưới có ông bác sĩ nhổ răng những đứa bé hay cắn bác sĩ. Lẽ ra con phải đến đó trước. Bố đã hứa cho con ăn kem sau khi giải phẫu xong rồi kia mà!

Khi nghe thấy tiếng kem, Bố bắt đầu suy nghĩ. Bố chưa bao giờ được ăn kem cả vì ông bà nội sợ bệnh tai, mũi, họng của Bố nặng thêm. Nhưng Bố thì rất thích kem. Người ta nói rằng sau khi giải phẫu, trẻ con phải ăn kem để khỏi chảy máu. Khi nghĩ đến kem, Bố nói:

- Con không cắn nữa đâu!

Tuy nhiên, ông bác sĩ trẻ làm giải phẫu cũng nhắc Bố:

- Này, nhớ lời đã hứa đấy nhé!

Bố lặp lại:

- Cháu không cắn nữa!

Họ đặt Bố ngồi trên một cái ghế đặc biệt, giữ chân tay của Bố, không phải sợ Bố cắn mà khi nào cũng phải giữ như thế để bác sĩ dễ làm việc. Thật là đau, nhưng Bố vẫn tiếp tục nghĩ đến kem.

Rồi ông bác sĩ nói:

- Ồ, tốt lắm! Cháu không khóc lấy một tiếng!

Bố rất sung sướng. Bỗng nhiên bác sĩ lại nói:

- Ồ, còn sót một tí! Cháu chịu khó một chút nữa, nhé!

- Dạ được ạ! Bố trả lời và lại nghĩ đến món kem.

Ông bác sĩ nói:

- Nào, xong rồi! Cháu ngoan lắm. Bây giờ ăn kem được rồi. Cháu thích loại kem nào?

- Dạ, kem va-ni ạ! Bố trả lời và nhìn ông nội, thế nhưng ông nội vẫn giận Bố.

- Không kem kiếc gì cả, để lần sau đừng có cắn nữa!

Bấy giờ, biết là không được ăn kem, Bố bật khóc. Mọi người xin lỗi hộ Bố, nhưng ông nội rất cương quyết. Bố nghĩ là chuyện đó không công bằng và nhớ mãi cho đến ngày nay. Từ đó đến nay, đã bao nhiêu lần Bố ăn kem, nào là kem va-ni, kem sô-cô-la, kem dâu, nhưng Bố cũng không quên được bữa kem đã hứa sau lần giải phẫu đó.

Sau khi giải phẫu xong, Bố không còn bị ốm thường xuyên như trước nữa. Bố ít hắt hơi và ho, cổ họng ít bị đau hơn, tai cũng khá hơn… Cuộc giải phẫu giúp cho Bố rất nhiều. Bố hiểu rằng đôi khi người ta phải chịu đau một chút để về sau không còn đau nữa. Sau lần giải phẫu đó, nhiều bác sĩ đã cắt, đã mổ xẻ cho Bố, nhưng Bố không còn cắn nữa vì Bố biết, các bác sĩ chỉ giúp cho Bố thôi. Sau mỗi một lần thăm bệnh ở bác sĩ về, Bố tự mua cho mình một ít kem vì Bố rất thích… mãi cho đến ngày nay.

gấu trúc
20-06-2009, 06:47 PM
5 - Lớn lên Bố định làm gì ?

Khi còn bé, mọi người thường hỏi Bố: “Lớn lên cháu sẽ làm gì?” và lúc nào Bố cũng có sẵn một câu trả lời, chỉ có điều cứ mỗi lần như vậy, câu trả lời lại khác nhau.

Đầu tiên, Bố muốn làm người gác đêm. Bố rất thích nghĩ rằng, khi cả thành phố đi ngủ, người gác đêm vẫn thức và Bố có thể làm ồn lên khi mọi người đang ngủ. Chắc chắn là lớn lên Bố phải làm người gác đêm. Nhưng rồi bác bán kem xuất hiện với cái xe đẩy màu xanh. Ồ, Bố có thể vừa đẩy xe, vừa ăn kem bao nhiêu cũng được.

Bố nghĩ: “Mình cứ bán một cây mình sẽ ăn một cây. Và mình sẽ cho tụi con nít ăn kem thả giàn!”

Ông bà nội rất ngạc nhiên khi biết Bố lại muốn trở thành người bán kem. Ông bà cho điều đó thật buồn cười, nhưng Bố lại nghĩ đó là một điều thích thú.

Một hôm, Bố thấy một người đàn ông lạ mặt ở ga xe lửa. Ông ấy cứ “chơi” với những toa tàu và đầu máy mà đây lại là những toa tàu và đầu máy thật. Ông ta nhảy lên những cái bục rồi bò xuống dưới toa, “chơi” một trò chơi thật hấp dẫn và lạ lùng.

Bố hỏi:

- Bác ấy là ai vậy?

- Người bẻ ghi xe lửa. Người ta nói như vậy.

Bây giờ thì Bố biết mình muốn làm gì rồi! Nghĩ xem! Bố sẽ chỉ đường cho các toa tàu. Còn gì hấp dẫn hơn nữa! Rõ ràng không có gì hơn cả. Khi Bố tuyên bố sẽ trở thành người bẻ ghi đường xe lửa, có người hỏi Bố:

- Thế còn kem?

Đấy mới thật là gay go. Bố muốn làm người bẻ ghi nhưng lại không muốn bỏ cái xe màu xanh. Sau cùng, Bố tìm ra lối thoát:

- Cháu vừa làm người bẻ ghi vừa bán kem!

Mọi người ngạc nhiên nhưng Bố giải thích rất rõ ràng:

- Chẳng có gì khó cả. Cháu sẽ bán kem vào buổi sáng. Bán một lúc cháu đến ga xe lửa. Ở đó, cháu chuyển đường tàu vài chuyến, rồi lại về bán kem, rồi bẻ ghi, rồi bán kem. Cứ thế! Không khó lắm. Cháu sẽ để xe kem gần ga xe lửa. Như thế thật là tiện lợi!

Mọi người lại cười, nhưng Bố giận và bảo:

- Nếu các bác cứ cười như thế thì cháu sẽ làm luôn cả người gác đêm. Dù sao, buổi tối cũng còn rảnh rỗi!

Mọi việc tưởng như đã định đoạt xong, nhưng rồi Bố lại muốn trở thành phi công, rồi bác sĩ. Đến khi ông nội đưa Bố đến nhà máy Bố quyết định làm thợ điện và chẳng bao lâu lại muốn là một thủy thủ. Có khi Bố muốn trở thành cậu bé chăn bò lang thang suốt ngày với đàn bò, vung vẩy cây roi trên tay.

Cuối cùng, Bố chắc rằng Bố thật tâm muốn làm một con chó. Suốt ngày hôm đó Bố chạy quanh bằng “bốn chân” và “sủa” lên khi có khách lạ. Có khi còn tìm cách cắn một bà già khi bà ấy vỗ về trên đầu Bố, Bố tập sủa rất tài, nhưng lại không thể gãi tai bằng chân như chó được dù Bố hết sức cố gắng. Bố nghĩ là nên ra ngồi gần con chó Rô-vơ ở nhà thì tập nhanh hơn. Và Bố đã làm y như thế thật.

Ngay lúc đó, một chú sĩ quan đi ngang qua phố. Chú ấy dừng lại, nhìn Bố. Sau một lúc, chú hỏi:

- Cháu đang làm gì đó?

- Cháu muốn làm một con chó. Bố trả lời.

Chú sĩ quan hỏi lại:

- Sao cháu lại không muốn làm người?

Bố trả lời:

- Cháu đã làm người lâu nay rồi!

- Nếu cháu không thể làm được cả chó, thì cháu là loại người nào nhỉ? Không lẽ con người lại như thế đấy à?

Bố hỏi lại:

- Vậy con người như thế nào chú?

- Cái đó thì tự cháu nghĩ lấy chứ! Nói xong chú sĩ quan bỏ đi.

Chú ấy không cười chút nào cả mà Bố lại rất lấy làm xấu hổ về mình và bắt đầu suy nghĩ… Bố nghĩ, nghĩ mãi và càng nghĩ Bố lại càng xấu hổ cho mình. Chú sĩ quan không giải thích điều gì cho Bố cả, nhưng Bố hiểu rằng không thể ngày nào cũng thay đổi ý định. Điều quan trọng hơn là Bố đã nhận thức là Bố quá nhỏ để biết được mình nên làm gì khi lớn lên. Lần sau đó, có người hỏi Bố sẽ làm gì khi lớn lên, Bố nhớ đến chú sĩ quan và trả lời:

- Cháu muốn làm một con người!

Không ai cười nữa. Bố hiểu đó là câu trả lời hay hơn cả. Bây giờ, Bố cũng nghĩ như vậy. Trước hết phải là một con người tốt đã. Đó là điều rất quan trọng cho dù là phi công, chăn bò hay người bán kem, thì con người cũng không cần biết gãi tai bằng chân như con chó.

gấu trúc
21-06-2009, 08:28 PM
6 - Bố học nhạc

Khi còn bé, ông bà nội mua cho Bố đủ loại đồ chơi, nào bóng, bộ cờ xổ số, nào xe ô-tô và thình lình ông bà nội mua một cây đàn dương cầm, nhưng đây không phải là đồ chơi. Đó là một cây đàn dương cầm thật trăm phần trăm, rất đẹp với nắp đậy màu đen sáng bóng. Cây đàn rất lớn, nó chiếm cả nửa gian phòng.

Bố hỏi ông nội:

- Bố có biết chơi dương cầm không Bố?

Ông nội trả lời:

- Không!

Bố lại hỏi bà nội:

- Thế mẹ đánh đàn được chứ?

Bà nội trả lời:

- Không!

Bố lại hỏi:

- Thế ai sẽ đánh đàn dương cầm?

Ông bà nội cùng nói:

- Chính con đấy!

- Nhưng con cũng không biết chơi đàn mà!

Ông nội bảo:

- Con sẽ học nhạc! Bà nội tiếp luôn:

- Cô giáo dạy nhạc của con là cô Nađetđa Fiôđorôpna.

Lúc đó Bố nghĩ rằng mình đã được một món quà rất tuyệt. Trước đây, chưa có thầy, cô giáo nào đến nhà. Bố thường một mình chơi với các đồ chơi mới.

Rồi cô giáo dạy nhạc đến. Cô là một phụ nữ lớn tuổi và có giọng nói rất dịu dàng. Cô đã đánh đàn cho Bố nghe rồi bắt đầu dạy cho Bố các nốt nhạc. Có bảy nốt tất cả: A, B, C, Đ, E, F, G thay cho các nốt La, Si, Đô, Rê, Mi, Fa, Sol. Bố học thuộc chúng rất nhanh vì bố vẽ hình các nốt nhạc y như trong tập sách học vần.

Bố đọc: A là anh em và vẽ hai anh em dắt nhau, B là bò và vẽ hình con bò; rồi vẽ một quả cam thay cho chữ C; con dê thay cho chữ D, bố lấy làm thích thú. Nhưng sau đó Bố biết là học đàn dương cầm không dễ chút nào. Bố đâm ra chán phải chơi một cái gì mãi. Dù sao đọc truyện, chơi đùa hoặc không làm gì cả cũng thích hơn nhiều. Được hai tuần lễ, Bố chán nản việc học nhạc đến nỗi không thể đứng nhìn cây đàn. Cô giáo Fiôđorôpna, dù lúc đầu rất bằng lòng về Bố, bây giờ cũng bắt đầu buồn bã.

Cô ấy hỏi Bố:

- Cháu không thích học nhạc sao?

Bố trả lời:

- Vâng ạ!

Mỗi lần nói như thế, Bố nghĩ là cô sẽ giận và không dạy Bố nữa, nhưng cô ấy vẫn tiếp tục.

Ông bà nội rầy la Bố:

- Con nhìn cây đàn xinh xắn bố mẹ đã mua cho con. Cô giáo đã đến học cùng với con. Thế mà con lại không muốn học đàn nữa, thật là xấu hổ!

Ông nội nói thêm:

- Bây giờ con không muốn học nhạc, rồi có ngày con sẽ bảo không muốn đến trường, rồi không muốn làm việc gì cả. Những đứa bé lười biếng như vậy cần phải được dạy dỗ thói quen lao động ngay từ lúc còn nhỏ. Bây giờ chắc con muốn học đàn dương cầm chứ?

Bà nội tiếp:

- Nếu mà mẹ được học nhạc lúc còn nhỏ, mẹ sẽ rất biết ơn đấy!

- Rất cám ơn mẹ, nhưng con không muốn học nhạc nữa. Bố trả lời.

Lần sau cô giáo đến, Bố biến mất. Mọi người tìm Bố khắp nhà, ngoài phố, nhưng không thấy Bố đâu cả. Khi hết giờ học đàn, Bố từ gầm giường chui ra và nói:

- Chào tạm biệt, cô Fiôđorôpna!

Ông nội bảo:

- Lần này thì con hối hận đấy!

Còn bà nội thì bảo với ông nội:

- Tôi sẽ phạt nó sau khi ông phạt nó xong!

Bố trả lời ngay:

- Bố mẹ làm gì con cũng được, miễn là đừng bắt con phải học nhạc nữa. Rồi Bố oà ra khóc. Dù sao, Bố cũng còn quá nhỏ và lại không thích âm nhạc!

Cô giáo bảo:

- Âm nhạc là nguồn vui đối với mọi người. Không có em học sinh nào của tôi lại trốn tôi ở gầm giường cả. Nếu có người thích nằm dưới gầm giường hàng giờ đồng hồ, có nghĩa là người đó không thích học âm nhạc. Thế thì không ích gì mà bắt buộc cả. Có lẽ khi lớn lên, người đó sẽ hối tiếc. Tôi xin chào tạm biệt để đến với các em nào không chui vào gầm giường ấy!

Thế là cô đã đi, không bao giờ trở lại nữa. Ông nội phạt Bố, rồi đến bà nội. Rất lâu sau đó, cứ mỗi lần đi ngang qua cây đàn dương cầm, Bố lại sa sầm nét mặt lại.

Khi lớn hơn, Bố hiểu rằng mình không có khiếu âm nhạc, thậm chí Bố không hát được một bài hát nào đúng cả. Lẽ ra Bố không nên học đàn.

Vâng, có lẽ không phải đứa trẻ nào cũng học đàn dương cầm được cả.

gấu trúc
22-06-2009, 06:29 PM
7 - Bố ném bánh mì khắp sàn nhà

Khi còn bé, Bố thích ăn thứ gì ngon như xúc-xích, bơ, thịt. Bố không thích bánh mì vì khi nào cũng nghe câu nhắc nhở: “Đừng quên ăn phần bánh mì của con đấy!”

Nhưng bánh mì lại không ngon chút nào cả, thật là khó nuốt! Bố nghĩ một cách dại dột như vậy. Ít khi thấy Bố ăn bánh mì vào các bữa ăn. Bố sẽ vò bánh mì thành những viên nhỏ, giấu các miếng bánh dưới khăn bàn và bảo là đã ăn xong bánh mì. Bố nghĩ rằng khi lớn lên, Bố sẽ không bao giờ ăn bánh mì và cũng không bắt con cái Bố ăn bánh mì nữa.

“Thật tuyệt diệu nếu mình khỏi ăn bánh mì!” Bố nghĩ một cách ngốc nghếch. “Mình sẽ nói: Sáng nay ăn gì đây? Bơ nhé? Được rồi, chúng ta sẽ không ăn bánh mì. Bữa ăn sẽ ngon biết dường nào nếu không có bánh mì!” Và xúc-xích không kèm bánh mì, bữa ăn trưa không có bánh mì, xúp hay thịt cũng không có bánh mì, bữa tối cũng không dùng bánh mì thì cuộc sống tuyệt vời biết bao. Và vô cùng phấn khởi nếu đi ngủ biết rằng ngày mai cũng không có bánh mì. Đó là những gì Bố nghĩ và Bố không đợi được đến khi lớn lên nữa.

Ông bà nội và nhiều người khác cho rằng Bố sai. Nhưng Bố không chịu nghe. Ai cũng nói bánh mì rất cần cho Bố và chỉ những đứa trẻ xấu xa, ngốc nghếch mới không ăn bánh mì. Rằng nếu không ăn bánh mì, người sẽ bị ốm, rằng Bố sẽ bị phạt nếu không ăn bánh mì. Nhưng Bố cũng chả thích bánh mì.

Một lần chuyện khủng khiếp đã xảy ra. Bố có một người vú già rất thương yêu Bố, nhưng cũng nghiêm khắc với Bố lúc ăn. Một hôm, ông bà nội đi vắng, Bố ăn tối một mình. Như thường lệ, Bố không ăn bánh mì.

Bà vú bảo:

- Ăn bánh mì đi, nếu không bà không cho ăn gì nữa đâu!

Bố trả lời ngay:

- Cháu không ăn! Và Bố ném bánh mì trên sàn nhà. Bà vú nổi giận, không nói một lời, nếu bà rầy la Bố thì hẳn là dễ chịu hơn. Bà chỉ im lặng nhìn Bố. Cuối cùng, bà nói:

- Cháu chỉ nghĩ việc ném bánh mì thôi sao? Nhầm rồi cháu ơi! Bà sẽ nói cho cháu biết. Khi còn nhỏ, bà chăn ngỗng suốt ngày để đổi lấy một mẩu bánh mì. Mùa đông năm ấy, nhà bà không còn chút gì để ăn cả, em của bà không lớn hơn cháu bây giờ bao nhiêu, đã chết đói. Lúc ấy nếu có người nào đó cho một mẩu bánh mì thôi thì em bà đã không chết. Người ta dạy cháu đọc, viết nhưng lại không dạy cho cháu biết từ đâu có bánh mì. Người ta phải làm lụng cực nhọc từ gieo hạt, đến làm bánh… để rồi cháu quẳng bánh mì xuống sàn nhà. Thật đáng xấu hổ! Bà cũng không muốn nhìn cháu nữa!

Bố đi ngủ, giấc ngủ đầy ác mộng. Sáng hôm sau, Bố bị phạt và hôm đó không được ăn bánh mì, đồ tráng miệng cũng không có. Có khi Bố phải đi ngủ bụng đói. Nhưng lần đó là lần đầu tiên trong đời Bố không phải ăn bánh mì. Bà vú có một ý nghĩ thật là hay! Bố ăn bữa sáng với bơ mà không có bánh mì. Thật là ngon và chỉ cần ăn trong một phút thôi. Nhưng sau bữa ăn sáng, Bố thấy còn đói vì đã không ăn bánh mì. Cho nên, Bố chẳng đợi nổi đến bữa ăn trưa… Mà thịt bò viên không có bánh mì cũng không no. Bố đói cả ngày. Bữa ăn tối Bố ăn trứng chiên và cũng ăn không có bánh mì.

Mọi người cười Bố, bảo là Bố sẽ không được ăn bánh mì suốt cả năm. Nhưng rồi sáng hôm sau người ta cho Bố một lát bánh mì. Thật là ngon! Không ai nói gì cả, chỉ nhìn Bố ăn bánh mì. Bố thấy thật xấu hổ!

Từ đó, Bố luôn luôn ăn bánh mì, không còn quẳng bánh mì xuống sàn nhà nữa.

gấu trúc
23-06-2009, 11:49 AM
8 - Bố thường hay dỗi


Khi còn bé, hầu như lúc nào Bố cũng cảm thấy mình bị xúc phạm. Ai cũng làm Bố giận được. Bố cảm thấy bực mình khi nghe nói: “Sao con ăn uống ngả ngớn như vậy?” hay “Sao con ăn ngồm ngoàm thế?”

Bố giận bà nội vì Bố muốn kể chuyện mà bà nội lại bận rộn không nghe Bố. Bố giận ông nội cũng vì thế. Khi ông bà nội đi thăm viếng ai hoặc đi coi hát, Bố giận dỗi và khóc lên. Bố muốn ông bà nội lúc nào cũng ở gần Bố. Nhưng khi Bố muốn coi xiếc mà Bố lại phải ở nhà thì Bố giận dỗi và khóc to hơn nữa.

Chú Vitya, em của Bố, rất nhỏ. Bố giận chú ấy vì chú không muốn nói chuyện với Bố. Chú Vitya cười với Bố và cắn ngón chân của chú ấy. Chú ấy còn nhỏ lắm và chỉ mới nói được “bố, bố” nhưng Bố vẫn cứ giận. Cô của Bố đến thăm, Bố cũng giận. Chú của Bố đến thăm, Bố cũng giận. Cả cô chú cùng đến, Bố cũng giận luôn. Có khi Bố nghĩ cô ấy muốn trêu Bố, còn chú thì không muốn nóii chuyện với Bố. Nói chung Bố có đủ mọi lý do khác nữa.

Bố cho rằng mình là người quan trọng nhất trên đời này. Nếu mà Bố nói, mọi người phải im lặng. Lúc nào Bố không muốn nói nữa, lúc đó cũng không ai được nói gì cả. Nếu Bố thích kêu meo meo hay sủa gâu gâu, gầm gừ hay rống lên như bò thì mọi người dù đang làm gì cũng phải ngưng lại để nghe những âm thanh tuyệt vời đó của Bố. Bố đâu cần biết là những người khác, dù lớn hay nhỏ cũng chẳng khác gì Bố cả. Có ai đó khuyên nhủ Bố điều gì hay ẵm Bố về chỗ cũ, Bố giận dỗi liền. Thật là dễ ghét! Bố sẽ mím môi, cáu gắt và giận dỗi bỏ đi ngay.

Khi nào Bố cũng như đang giận ai đó và cảm thấy mình bị xúc phạm. Từ sáng đến tối, lúc nào bố cũng cần được vỗ về và làm cho Bố vui.

Buổi sáng, mở mắt ra là Bố đã giận ông mặt trời đã đánh thức Bố. Buổi tối Bố cũng giận ai đó trong giấc ngủ. Tệ hơn nữa là lúc Bố chơi với những đứa bé khác, Bố muốn các bạn phải chơi như Bố và chỉ chơi với vài đứa mà Bố thích thôi. Bất cứ khi nào tranh luận, Bố luôn luôn nghĩ mình đúng. Bố có thể trêu chọc mọi người khác, nhưng không ai được chọc lại Bố. Một lúc rồi ai cũng chán Bố. Và mọi người bắt đầu cười Bố.
Ông bà nội hỏi:

- Con uống trà nhé? Có điều đừng dỗi nữa!

- Đi dạo nhé, nhưng đừng dỗi nữa!

- Con còn giận không?

- Dỗi mau lên, trễ rồi! Bố mẹ không rảnh đâu!

Và lập tức Bố sẽ dỗi. Những đứa trẻ trong phố chọc Bố, chúng hát:

- Khóc đi! Khóc đi! Cậu bé khóc nhè!

Và Bố nổi giận.

- Xem này, giờ tớ nhúc nhích ngón tay của tớ, nó cũng nổi giận đấy! Một trong những đứa trẻ ngọ nguậy ngón tay và thế là bố giận ngay. Rồi chúng cười rú lên. Những đứa trẻ rất thích vì rất dễ làm cho Bố nổi cáu và lúc nào chúng cũng chọc Bố. Sau cùng, một đứa lớn hơn thương hại Bố, bèn nói:

- Chú mày nghe đây, tại sao lúc nào chú mày cũng nổi cáu thế? Nếu chú mày bỏ tật đó đi, thì tụi nó sẽ không trêu nữa đâu!

Bố nghe lời khuyên đó, Bố cố gắng không giận dỗi, cho dù việc gì đi nữa. Thế là các cậu bé không còn trêu Bố. Nhưng Bố vẫn chưa bỏ được cái tật hay giận dỗi của mình. Thói quen đó vẫn còn với Bố khi đi học, sau đó là đi làm việc. Nó đã làm cho Bố mất nhiều bạn. Những người biết Bố lúc con bé thỉnh thoảng vẫn trêu Bố, nhưng bây giờ Bố không giận họ nữa, Bố đã ít nổi cáu hơn trước nhiều.

gấu trúc
24-06-2009, 12:38 PM
9 - Bố đã lầm lẫn

Khi còn bé, Bố thường uống sữa, nước, trà và cả dầu cá thu. Dầu cá rất tốt cho trẻ em nhưng mùi vị thì khủng khiếp. Bố nghĩ thế gian này không có gì tệ hại hơn dầu cá. Nhưng có một lần Bố đã lầm lẫn tai hại.

Hôm đó vào mùa hè, Bố đang chơi ngoài sân. Trời nóng, Bố thì chạy nhảy nhiều nên khát nước. Bố đâm bổ vào nhà. Trong nhà ai cũng bận rộn, người nướng bánh, người sắp xếp bàn ghế cho bữa tiệc. Không ai thấy Bố rót nước lạnh trong bình cả. Bố biết rằng nước lạnh đun sôi ở trong đó. Bố uống cả nửa ly… và sặc sụa. Bố không hiểu cái gì đã xảy ra.

Dường như Bố đã nuốt một con nhím còn sống. Bố chắc chắn rằng nước thì không sao cả, nhưng có lẽ là cơ thể Bố không được khỏe, có cái gì khó chịu trong người Bố. Bố sợ hãi, chắc mình sắp chết. Bố la lên. Mọi người chạy đến.

Bố ho và cảm thấy nghẹt thở, miệng Bố như bốc lửa. Không ai hiểu chuyện gì cả.

Bà nội rên rỉ:

- Nó bị đau ghê quá!

Ông nội bảo:

- Nó giả bộ đấy thôi!

Lúc đó bà vú vào, đoán được điều gì đã xảy ra. Bà vú nói:

- Nó uống rượu Vốt-ca đó, rượu trong bình kia kìa!

Mọi người lại ầm ĩ lên. Bà nội nói:

- Gọi bác sĩ ngay!

Ông nội quát lên:

- Tôi thì cho lột da nó ra!

Bà vú nói:

- Cho nó ăn cái gì đi!

Bố nhai một cái bánh mì xăng-uých và lầm bầm:

- Con nghĩ rượu Vốt-ca cũng tốt đấy!

Bỗng nhiên, Bố cảm thất tệ hại hơn. Bố chóng mặt và ngồi xuống sàn nhà.

Sau đó, Bố không còn nhớ gì cả. Mọi người nói Bố ngủ suốt cả ngày. Buổi tối Bố thấy khỏe hơn. Mọi người đến dự tiệc và uống rượu Vốt-ca. Bố nhìn mọi người qua khe cửa. Bố thấy thương hại cho họ quá vì Bố biết rằng chốc nữa đây họ sẽ cảm thấy tệ hại ra sao. Bố còn nói:

- Đừng có uống cái thứ khủng khiếp đó nữa!

Sáng hôm sau, Bố hoàn toàn khỏe mạnh. Từ đó Bố không uống nước trong cái bình đó nữa. Và bây giờ mỗi khi thấy rượu Vốt-ca, Bố lại rợn người.

Bố thường kể lại chuyện này và nói thêm:

- Thế là từ đó tôi bỏ uống rượu!

gấu trúc
25-06-2009, 09:59 AM
10 - Bố tập viết


Khi còn bé, Bố học đọc rất nhanh. Người ta nói: “Đây là chữ A, đây là chữ B” và Bố đã học đọc tất cả các chữ cái. Thật thú vị! Khi Bố biết đọc sách chứ không chỉ coi hình thôi thì Bố lại không thích học viết chút nào cả, Bố không thích tập cầm cây viết cho đúng mà cũng không thích cầm sai. Bố chỉ muốn đọc, không thích viết. Đọc sách thật thích thú, còn viết thì chán lắm!

Ông bà nội bảo:

- Nếu con không viết thì cũng không học được!

Rồi ông bảo Bố:

- Bây giờ thì con viết những chữ này đi!

Suốt ngày, từ sáng đến tối, cái điệp khúc đó nghe mãi và ngày nào cũng phải tập viết dù Bố rất chán.

Chữ của Bố thật gớm ghiếc, nó ngoằn nghoèo, ngả về sau đến nỗi chính Bố cũng không muốn nhìn nữa. Vâng, chữ viết thì rất hỗn độn mà các vết mực thì lại rất đẹp. Không ai có thể dây được những vết mực lớn và xinh xắn như thế! Ai cũng đồng ý như vậy cả. Nếu mà tập viết bằng cách dây các vết mực thì Bố sẽ là người viết đẹp nhất trên thế giới.

Bố không viết chữ nào đều nét cả, mỗi trang vở đều đầy những vết mực to và đẹp. Bố luôn luôn bị la rầy vì tập viết và bị bắt phải viết mỗi chữ hai đến ba lần. Nhưng Bố càng viết càng tệ, các vết mực lại càng to hơn.

Bố không biết được tại sao người ta lại hành hạ Bố như thế! Dù sao Bố cũng đã biết đọc chữ và Bố cũng muốn viết cả chữ dài chứ không muốn viết từng chữ cái. Người ta bảo rằng, Bố không thể viết cả chữ nếu không biết viết từng chữ cái. Bố không tin như thế. Mãi cho đến khi đi học, ai cũng ngạc nhiên là Bố đọc rất tài mà viết thì quá tệ, tệ nhất trong lớp của Bố.

Thời gian trôi qua, Bố lớn lên và Bố vẫn thích đọc hơn là viết. Chữ viết xấu đến nỗi người ta nghĩ rằng Bố chỉ cố ý làm vậy thôi! Lắm lúc, Bố thấy ngượng vì chữ viết của mình.

Một hôm Bố ra Bưu điện, cô nhân viên Bưu điện hỏi:

-Ông biết viết chứ?

Bố tự ái, trả lời:

- Tất nhiên!

Cô nhân viên hỏi:

- Thế chữ gì đây, ông?

Bố trả lời với giọng gần như thì thầm:

- Chữ U đấy!

- Chữ U à? Ai lại viết chữ U như thế?

Bố lầm bầm:

- Tôi viết!

- Ồ, lúc ấy Bố ước gì mình viết được chữ đẹp, rõ ràng, không dây chút mực nào cả! Bố ước ao được tập cầm cây viết lại cho đúng. Bố tiếc là đã không chịu rèn luyện chữ viết đàng hoàng. Nhưng bây giờ thì đã muộn.

Tất cả đều do Bố!

Dauan_tinhyeu
25-06-2009, 12:58 PM
Tôi thích những mẩu chuyện này, hay và có ý nghĩa lắm đếy:41:

gấu trúc
26-06-2009, 12:22 PM
11 - Bố bỏ chú Vitya một mình

Khi còn bé, Bố có một đứa em trai còn rất bé. Em của Bố nay là chú Vitya, là một kỹ sư và có một đứa con trai cũng tên là Vitya.

Nhưng lúc đó, chú ấy còn bé lắm, mới biết đi chập chững, có lúc còn thích bò hơn, đôi khi lại ngồi lê la trên đất. Vì vậy, không thể bỏ chú ấy một mình. Chú còn bé quá!

Một hôm, Bố và chú Vitya chơi ngoài sân. Một lát, quả bóng lăn ra đường, Bố chạy theo bóng còn chú Vitya thì bò theo Bố. Nhà ông bà nội ở trên một ngọn đồi, quả bóng lăn xuống đồi. Bố chạy theo, còn chú Vitya thì lăn xuống theo. Cuối cùng, quả bóng dừng lại trên con đường dưới chân đồi, Bố bắt kịp quả bóng còn chú Vitya cũng bắt kịp Bố. Quả bóng chẳng mệt chút nào cả dù nó bé nhất trong ba người. Bố chỉ hơi mệt, nhưng chú Vitya thì gần như ngất đi. Dù sao chú cũng mới tập đi thôi mà. Vì vậy chú ngồi luôn giữa đường.
Lúc ấy, xa xa một đám bụi mù bốc lên. Một đoàn người, ngựa đang phi nước kiệu xuống con đường như hồi còn chiến tranh.

Biết rằng chiến tranh đã qua, nhưng Bố vẫn sợ hãi. Bố mặc kệ quả bóng và chú Vitya giữa đường, bỏ chạy về nhà. Còn chú Vitya thì vẫn ngồi đó chơi với quả bóng. Chú chẳng sợ gì người hay ngựa! Chú còn bé quá mà!

Đoàn người ngựa đã đến gần. Viên đại úy cưỡi con ngựa trắng quát lên: “Dừng lại!”

Ông ta xuống ngựa, bồng chú Vitya lên. Ông tung chú lên, bắt lấy và cười.

- Sao, việc gì không? Ông ấy hỏi chú.

Chú Vitya lại cười và đưa cho ông ấy quả bóng. Trong lúc đó, ông bà nội và Bố chạy xuống đồi.

Bà nội la lên:

- Con tôi đâu rồi?

Ông nội quát:

- Đừng có la như vậy!

Bố thì đang nức nở khóc.

Viên đại úy nói:

- Con các bác đây! Thằng bé giỏi lắm! Ngựa cũng không sợ!

Viên đại úy lại tung chú Vitya lên rồi bắt lấy, đưa cho bà nội, rồi nhìn Bố, cười:

- Garun chạy nhanh hơn cả thỏ!

Mọi người đều cười. Đoàn kỵ binh lên ngựa đi. Ông bà nội, Bố cùng chú Vitya trở về nhà. Ông nội nói:

- Garun chạy nhanh hơn cả thỏ vì hắn là một kẻ hèn nhát. Đó là câu chuyện trong một bài thơ của Lecmôntôp. Thật đáng xấu hổ!

Đúng, Bố xấu hổ ghê gớm!

Khi lớn lên, và khi đọc những dòng thơ của Lecmôntôp, Bố luôn luôn thấy hổ thẹn.

gấu trúc
27-06-2009, 10:52 AM
12 - Bố chơi với một cô bạn

Khi còn bé, Bố có một người bạn gái nhỏ tên là Masa. Hai đứa hay chơi đùa với nhau rất dễ thương. Bố và cô ấy làm một cái nhà xinh xắn trên cát, thả những chiếc thuyền giấy trên vũng nước, có khi còn câu cá trong vũng nước đó nữa, chẳng bắt được con cá nào dù phải tốn rất nhiều thời gian.

Bố rất thích chơi chung với Masa. Cô bé không đánh Bố, không ném đá vào Bố, không ngáng chân cho Bố té. Các cậu bé khác, bạn Bố mà cũng như Masa thì vui biết mấy! Nhưng tụi nó lại hoàn toàn khác. Chúng trêu Bố vì Bố chơi thân với con gái. Thấy mặt Bố là chúng hát lên:

Xasa yêu Masa, Xasa yêu Masa.

Rồi hỏi:

- Lúc nào đám cưới đấy?

Đối với bọn chúng con trai chơi với con gái là một điều khủng khiếp. Bố rất tự ái, đôi khi muốn khóc nữa. Nhưng Masa chỉ cười, nói:

- Chúng trêu thì mặc chúng!

Cho nên, chúng nó thấy trêu cô bé chẳng thú vị gì nên chả thèm chọc cô bé mà chỉ thích chọc Bố.

Một hôm, một con chó thật lớn chạy vào sân. Bọn trẻ hét lên:

- Chó điên!

Những đứa bạo gan nhất cũng sợ hãi bỏ chạy. Còn Bố thì đứng tại chỗ, sợ cứng người lên. Con chó đến gần Bố. Lúc đó Masa chạy đến và đập cái xẻng nhỏ vào con chó. Cô bé hét lên:

- Đi khỏi đây ngay!

Con chó “điên” cụp đuôi, chạy ra khỏi sân. Khi biết không phải là con chó điên, bọn con trai lập tức vác gậy, đá đuổi theo con chó. Nhưng đâu cần can đảm mới làm chuyện đó! Con chó chắc cũng hiểu như vậy, nên ra tới đường, nó quay lại sủa đe dọa.

Bọn con trai trở lại sân, bắt đầu chế giễu Bố:

- Nhát như thỏ đế! Mày sợ quá chạy cũng không nổi nữa!

Nhưng Bố bảo:

- Đâu phải một mình tớ sợ. Chúng mày đều sợ cả, chỉ có Masa là không thôi!

Bọn con trai thấy xấu hổ. Chúng không nói gì cả. Masa lại nói:

- Không đúng đâu! Tôi cũng sợ đó thôi!

Cả bọn cùng cười. Chúng nó không còn chế giễu Bố nữa. Bố và Masa vẫn chơi thân với nhau.

gấu trúc
28-06-2009, 12:16 PM
13 - Bố muốn thử sức

Khi còn bé, Bố có rất nhiều bạn cùng chơi hàng ngày. Có khi cãi lộn và đánh nhau nữa, nhưng rồi cả bọn lại làm lành. Thế mà có một đứa không bao giờ đánh nhau, tên cậu ta là Vôva Nazarôp. Vôva thấp bé, khỏe mạnh. Bố cậu ấy là một kỵ binh, nên Vôva rất thích nói chuyện về ông Buđiônni, người chỉ huy nổi tiếng của Bố mình. Ông ấy can đảm ra sao, đánh bọn Bạch vệ như thế nào. Ông ta không bao giờ biết sợ mấy ông tướng tá hay súng đạn, gươm đao. Vôva còn biết cả cây gươm và con ngựa của ông ta nữa. Lúc nào Vôva cũng nói: “Lớn lên, tớ sẽ như ông Buđiônni!”

Bố thích đến nhà Vôva chơi vì ở đó rất vui. Vôva luôn luôn bận rộn. Cậu ấy phải ra cửa hàng mua bánh mì, chẻ củi, quét nhà, rửa bát. Bố thấy trong nhà ai cũng yêu Vôva. Thường thường bố của Vôva nói chuyện với cậu ấy như là nói chuyện với người lớn:

- Chủ nhật này ta sẽ mời ai đến ăn cơm, Vôva nhỉ?

- Củi đủ đun đến mùa xuân không Vôva?

Và Vôva luôn luôn biết cách trả lời. Bạn nào của Vôva đến thăm nhà, cũng sẽ được đãi ăn cái gì đó, rồi mới chơi. Lúc nào Bố cũng tiếc là ở nhà mình không vui bằng nhà Vôva. Bố chơi thân với Vôva, nhưng Bố cũng không hiểu sao Vôva lại không thích đánh nhau. Bố hỏi Vôva:

- Cậu sợ đánh nhau à?

- Đánh nhau với bạn mình để làm gì? Vôva đáp.

Một lần, cả bọn con trai bàn cãi ai là người mạnh nhất trong bọn. Một cậu bé nói:

- Tớ chẳng sợ ai to con hơn tớ. Tớ có thể ném các cậu như búp-bê đấy. Nào, nhìn bắp thịt tớ đây này!

Một đứa khác bảo:

- Tớ mạnh đến nỗi chính tớ cũng không tin được nữa, nhất là tay trái của tớ, nó làm bằng thép đấy!

Đứa thứ ba thì khoe:

- Muốn biết tớ mạnh ra sao, các cậu chỉ cần làm cho tớ nổi giận lên. Lúc đó thì liệu mà tránh ra, nếu không, tớ không chịu trách nhiệm những gì xảy ra đâu!

- Bàn cãi với các cậu vô ích thôi, tớ biết là tớ mạnh nhất. Bố nói:

Bọn trẻ cứ tiếp tục khoe khoang, còn Vôva thì không nói một lời. Lúc ấy, một đứa nói:

- Tớ đề nghị: Vật lộn đi! Ai thắng người đó sẽ mạnh nhất.

Cả bọn đồng ý. Chúng bắt đầu vật lộn. Đứa nào cũng muốn vật với Vôva vì Vôva không bao giờ đánh lộn. Bọn chúng cho là Vôva rất yếu đuối.

Lúc đầu, Vôva không muốn vật lộn, nhưng khi thằng có “cánh tay bằng thép” túm lấy Vôva, Vôva tức lên, quật nó xuống đất trong nháy mắt. Thế rồi, cậu bé đe dọa sẽ quẳng cả bọn như búp-bê thì đang nằm ngửa trên mặt đất. Đến lượt cậu bé cho là mình rất mạnh lúc bị chọc tức cứ la lên là chưa nổi giận, nhưng Vôva cũng cứ cho cậu ta đo đất. Bố cũng quay lơ trên mặt đất nhưng vì Bố và Vôva là bạn rất thân nên Vôva giả bộ khó lắm mới vật Bố xuống được.

Bọn trẻ nói:

- Vôva, cậu là người mạnh nhất! Thế tại sao cậu lại không nói gì cả?

Vôva cười bảo:

- Khoe khoang mà làm gì!

Cả bọn im lặng. Từ đó trở đi, chúng không còn khoe sức mạnh của mình nữa. Còn Bố thì hiểu rằng, mạnh thật sự khó hơn nhiều so với việc khoe khoang và Bố càng thích Vôva nhiều hơn.

Thời gian trôi qua, Bố đã lớn, Bố đến một thành phố khác và bây giờ không biết Vôva ở đâu, nhưng chắc chắn Vôva đã trở thành một người tốt.

gấu trúc
29-06-2009, 12:46 PM
14 - Bố đi học

Khi còn bé, Bố thường hay đau ốm, không có bệnh trẻ con nào mà Bố không mắc phải: lên sởi, quai bị, cả ho gà nữa. Cứ sau cơn bệnh Bố lại gặp các biến chứng của nó và khi khỏi các biến chứng, Bố lại “chuẩn bị” cho một cơn bệnh khác.

Đến lúc đi học, như thường lệ Bố lại bị ốm. Khi hết bệnh, Bố đến trường lần đầu tiên thì Bố biết là những đứa trẻ khác đã học được một thời gian rồi. Bọn chúng đã quen nhau và cô giáo cũng đã biết tất cả học trò. Còn Bố thì chẳng ai biết. Họ nhìn Bố. Thật là khó chịu, tệ hơn nữa là có đứa còn lè lưỡi chọc Bố.

Một đứa cố ý ngáng chân Bố, làm Bố té, nhưng Bố không khóc, đứng ngay dậy và đẩy nó một cú, thằng kia lại bị té, nó đứng dậy và đẩy lại Bố, Bố ngã một lần nữa, lần này Bố cũng không khóc, lập tức Bố dụi thằng bé xuống đất. Nếu không có chuông vào lớp, có lẽ Bố và cậu bé kia cứ xô đẩy nhau như thế mãi! Tất cả vào lớp và ngồi xuống. Bố không biết ngồi ở đâu. Cô giáo bảo Bố ngồi gần một đứa con gái. Cả lớp cười ầm lên, cả cô bé ngồi bên cạnh Bố cũng cười. Bố chỉ chực khóc thôi, nhưng bỗng nhiên Bố thấy buồn cười quá và Bố cười to lên. Cô giáo cũng cười và cô nói:

- Thế là tốt! Cô chỉ sợ em khóc thôi!

Bố trả lời:

- Vâng, cháu cũng sắp khóc đấy! Cả lớp lại cười nữa!

Cô giáo bảo:

- Nào, các em! Cô muốn các em nhớ rằng khi nào gần khóc thì mình cố gắng cười lên. Đó là một lời khuyên cho cả cuộc đời các em. Thôi, bây giờ bắt đầu học.

Trong buổi học đầu tiên đó, Bố khám phá ra rằng, Bố đọc tốt nhất lớp, nhưng chữ viết của Bố thì xấu hơn cả. Tuy nhiên, khi cả lớp biết rằng Bố nói chuyện nhiều hơn cả, cô giáo phải chỉ tay nhắc nhở Bố.

Đó là một cô giáo tốt. Cô nghiêm khắc, nhưng rất tốt bụng, học với cô thật vui. Bố nhớ lời khuyên của cô suốt đời.

Dù sao, đó mới chỉ là ngày đầu đi học, còn nhiều ngày khác sau này nữa. Nhiều điều vui, buồn, tốt, xấu xảy đến với Bố, nhưng đó lại là chuyện khác.

gấu trúc
30-06-2009, 11:48 AM
15 - Bố luôn luôn trễ

Khi còn bé, Bố đi học y như tất cả những đứa trẻ khác. Tất cả những đứa trẻ khác đến trường trước khi chuông reo. Nhưng Bố thì luôn luôn trễ. Đôi khi Bố tìm cách trễ cả tiết học thứ hai. Điều này thực sự làm cô giáo ngạc nhiên. Cô nói trước kia họ chưa bao giờ có một học trò như thế. Ông hiệu trưởng nói rằng có lẽ không có một câu học trò như Bố tại bất cứ một trường nào khác.

- Cậu bé luôn luôn trễ, - ông hiệu trưởng nói. – Bố mẹ cậu nói họ đành bó tay. Tôi đã nói chuyện với họ hai lần rồi.

Quả thật, ông bà nội đành bó tay. Đêm nào như đêm nấy, cùng một câu chuyện cũ rích ấy được tái diễn.

- Con đã làm bài về nhà chưa? – Bà thường hỏi.

- Đợi con chút xíu, - Bố thường trả lời.

- Ngừng đọc và bắt đầu làm bài về nhà ngay! – Ông sẽ nói.

- Chỉ một trang nữa thôi, - Bố sẽ nói.

Bố sẽ đọc xong trang đó và giở sang trang khác. Bố không thể buông một cuốn sách hay để bắt đầu làm những bài tập buồn tẻ!

- Đặt cuốn sách ấy xuống!

- Đợi con chút xíu.

- Đặt cuốn sách ấy xuống!

- Đợi con chút xíu.

Sau cùng, ông bà phát cáu lên rồi giật quyển sách khỏi tay Bố.

- Mày sẽ thành một đứa lười biếng vô tích sự! – Ông bà nội đe dọa.

Rồi Bố sẽ cảm thấy tự ái bị thương tổn. Bố sẽ bắt đầu khóc và gào to đòi lại quyển sách. Bố nói rằng Bố sẽ không bắt đầu làm bài về nhà cho đến khi nào ông bà nội trả sách lại cho Bố.

Thế là buổi tối sẽ vụt trôi qua. Sau cùng khi Bố ngồi xuống để làm bài về nhà, Bố sẽ ngủ thiếp đi. Ông bà nội sẽ đánh thức Bố dậy. Rồi Bố lại ngủ thiếp đi. Nhưng họ sẽ cứ đánh thức Bố dậy. Và như thế, Bố làm bài về nhà trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Vào lúc Bố làm xong bài, đêm đã khuya lắm. Ông bà nội thường mệt nhoài.

Vào buổi sáng lại có một chuyện khác:

- Dậy đi con! – Bà thường nói.

- Đợi con chút xíu. – Bố lầm bầm.

- Dậy đi! – Ông sẽ quát lên.

- Đợi con chút xíu.

- Trễ rồi!

Ai cũng biết khó mà dậy sớm khi ta thức khuya vào đêm trước. Ta có tất cả những giấc mơ đẹp nhất vào buổi sáng. Nhất là nếu ta phải đến trường.

Thời gian chạy vùn vụt trong khi Bố vươn tay và ngáp, mặc vội áo quần một cách ngái ngủ, rửa ráy, ngủ gà ngủ gật qua bữa điểm tâm và sau cùng tìm cách thu thập sách vở. Rồi Bố ra khỏi nhà và chạy đến trường, vừa chạy vừa nhìn một cách khiếp sợ mỗi cái đồng hồ treo tường thấy trên đường đi.

Sau cùng khi Bố thở hổn hển chạy vụt vào lớp, lũ trẻ sẽ gào lên mà cười. Ngay cả cô giáo cũng cười.

- A cậu bé ngủ muộn đây rồi! – cô sẽ nói.

Người ta vẽ hình Bố trên một tờ báo tường. Bức tranh vẽ cảnh Bố đang ngủ say trên giường, trong khi ông bà nội đang múc nước từ hai cái bình lớn tưới lên Bố. Một đồng hồ báo thức đang kéo một tai Bố và một cậu bé đang thổi kèn trôm-pét vào tai kia. Dòng chữ thuyết minh ở dưới: “Bài hát ru con”. Nó làm cho Bố tức giận, nhưng Bố vẫn cứ luôn luôn trễ.

Bởi vì Bố làm bài về nhà vào phút chót, không bao giờ Bố làm tốt cả. Vì trễ học nên Bố thường bỏ mất lời giảng của cô giáo về một bài mới. Điều này càng khiến cho Bố khó hiểu những gì mà những học sinh khác của lớp đang làm. Thêm vào đó, vì trễ mà bao giờ Bố cũng tất bật và hồi hộp lo lắng. Tất cả đều có tác dụng xấu đối với Bố. Nhưng dù thế, Bố vẫn luôn luôn trễ.

Ước gì tôi có thể kể cho các bạn nghe, nhờ các thầy cô giáo và các bạn chế giễu mãi như thế nào, mà sau cùng một hôm Bố đã đến trường sớm hơn những học sinh khác và không bao giờ trễ nữa.

Nhưng tôi không thích nói dối.

Bố luôn luôn trễ suốt đời. Trễ ở trường phổ thông, trễ ở trường đại học, trễ trong công việc. Người ta luôn luôn chế giễu Bố. Bố bị phạt, bị la mắng, bị sỉ nhục. Bố đã bỏ mất nhiều cơ hội trong cuộc sống bởi vì thói quen khủng khiếp này. Bố thường trễ các buổi tiệc đến nỗi người ta không bao giờ mời Bố nữa. Bố trễ những buổi hẹn để bàn công việc và làm hỏng cả kế hoạch.

Nhiều lần Bố đón năm mới một mình trên đường phố vắng tanh, vì trễ buổi tiệc mừng Năm Mới mà Bố đang tất bật tới dự… Nhiều người chờ đợi Bố uổng công.

Bạn bè Bố thích kể những câu chuyện buồn cười về cái bệnh trễ của Bố. Ngay bây giờ Bố không biết thế nào là đi bộ thong thả. Bao giờ Bố cũng vội vàng, bởi vì Bố đã quen trễ.

Ban đêm thậm chí Bố nằm mơ thấy mình lại trễ. Bố rùng mình và rên rỉ trong giấc ngủ. Đôi khi Bố nằm mơ thấy mình lại là một cậu bé đang chạy đến trường. Nhưng khi Bố nhìn lên đồng hồ lớn trong mơ, thì vẫn còn sớm! Mọi người hoan nghênh Bố. Vị hiệu trưởng trao tặng Bố một bó hoa. Người ta treo hình Bố tại hội trường. Một ban nhạc chơi mừng Bố. Nhưng Bố luôn luôn thức dậy vào thời điểm ấy, và nghĩ rằng, nếu Bố được nhỏ lại thành một cậu bé, Bố sẽ không bao giờ trễ học nữa.

gấu trúc
01-07-2009, 12:35 PM
16 - Bố đi xem phim

Khi còn bé, Bố không được đến rạp hát. Ông bà nội nói: “Con còn bé quá. Lớn tý nữa hãy hay. Bây giờ thì chẳng có gì cho con xem đâu.” Rồi bà dì sẽ nói thêm vào: “Nếu cháu hỏi, dì sẽ nói rằng, rạp hát chẳng là cái gì khác hơn một ổ vi trùng. Không có gì ngoài bệnh sởi, bệnh sốt rét ngã nước và bệnh ho gà, chưa kể đến bệnh bạch hầu.”

Và dì sẽ đọc một bài diễn thuyết dài về bệnh bạch hầu. Bố nài nỉ xin đi, nhưng vô ích. Bố phân trần rằng tất cả các bạn của Bố đều đã đến rạp hát từ đời xửa đời xưa, mà có đứa nào mắc bệnh sởi, bệnh sốt rét ngã nước hoặc ho gà đâu, nói chi đến bệnh bạch hầu!

Nhưng họ vẫn không nghe. Câu trả lời luôn luôn vẫn là:

- Khi con đã tới tuổi đi học, thì không thành vấn đề nữa. Lúc ấy, bố mẹ không thể tránh cho con khỏi bị lây bệnh. Con có thể đến rạp hát thường xuyên như con thích.

Bố “xem” tất cả những phim mới nhất, qua sự “trình diễn” của bạn bè. Các cậu trai thường diễn lại cho Bố xem Đuglat Febanh phi nước đại như thế nào qua Điểm 0, ông ta đấu kiếm ra sao, ông ta xuất hiện trong chiếc mặt nạ đen và tiêu diệt mọi kẻ thù như thế nào. Chúng bắt chước Sacli Saplin và diễn viên hài kịch Hynxky, chàng Pat cao và gầy, và chàng Patasơn lùn và mập. Chúng cố hết sức cỡi lên lưng nhau phi nước đại vòng quanh, bắt chước anh cao bồi nổi tiếng Uyliam Hac. Rồi Bố nghe những người lớn nói rằng Mery Pichfo có một nụ cười mê hồn.

- Cô ta có loại nụ cười nào thế? – Bố thường hỏi các bạn. Một cậu trai diễn lại cho Bố xem nụ cười của Mery Pichfo. Cậu ta cố hết sức, và các cậu trai khác đều bảo rằng cậu ta mỉm cười còn đẹp hơn Mery Pichfo rất nhiều. Bố nghĩ, hẳn là đúng như thế. Bởi vì cô ta đã mỉm cười nhiều năm và được trả thù lao, trong khi nụ cười của bạn ấy (bắt chước Mery Pichfo) thì mới nở được hai ngày, mà đấy lại là nụ cười diễn lại cho bạn mình xem, hoàn toàn miễn phí.

Bố biết rằng những cậu trai đang cố giúp Bố, nhưng điều ấy chỉ càng khiến cho Bố ước ao đến rạp hát hơn.

Ngày hạnh phúc, sau cùng, đã đến, Bố trở thành một cậu học trò. Chính vào ngày chủ nhật đầu tiên, cô giáo đưa lớp đi xem xuất sáng của phim Những tiểu quỷ đỏ. Bố đã đọc cuốn sách. Bố muốn thấy những trinh sát trẻ, hung thần Măcnô và tất cả những cuộc mạo hiểm tuyệt vời và hấp dẫn trên màn ảnh.

Rạp hát rất gần nhà Bố. Thậm chí chú Vitya cũng biết nó ở đâu. Vì Bố luôn luôn trễ nên chú đã đến đó trước Bố, và có thời gian làm quen với những học sinh còn lại của lớp. Cô giáo cũng có cảm tình với chú nữa. Khi Bố thấy chú Vitya ở đó, Bố không nói một lời. Bố chụp lấy tai chú và kéo phăng chú đi. Chú Vitya gào to đến nỗi ba cái kẹo trong miệng chú rơi ra. Những cô gái trong lớp Bố đã cho chú kẹo và chú Vitya bé bỏng rất lịch sự. Nếu ai đó cho chú một cái kẹo, chú không bao giờ từ chối.

Chú Vitya khóc to quá đến nỗi tất cả học sinh trong lớp Bố đứng về phe chú. Ngay cả cô giáo cũng nói: “Cứ để cho em bé đi với chúng ta. Cô chịu trách nhiệm cho.”

Nghe nói thế, Bố buông tai chú ra. Mọi người đi vào trong rạp. Lũ trẻ đang ùa vào cửa lớn từ mọi phía. Chú Vitya sung sướng đang nhảy nhót phía trước mọi người như một con thỏ. Bỗng nhiên chú trượt chân và té xuống. Bố ở ngay sau chú. Bố vấp vào chú và ngã đè lên chú. Và cả lớp đang ùa vào phía sau, ngã đè lên nhau. Khối thịt rất nặng. Nhất là đối với những người ở dưới cùng. Và chú Vitya - mới đây nhảy nhót như con thỏ - bây giờ kêu gào như chú lợn con. Bố cũng gào nữa. Ngay lúc ấy, cô giáo của Bố và hai giáo viên của trường khác đến cứu. Họ ngăn đám đông lại. Họ bế Bố và chú Vitya lên. Cả hai đều tím bầm và được mang về nhà như những thương binh. Vừa thấy chúng tôi, bà dì kêu lên thích thú: “Thấy chưa, dì đã bảo rồi mà!”

Sau đó, Bố không được phép đến rạp hát một thời gian dài. Tuy thế, sau cùng ông bà cũng cho Bố đi, và Bố được xem phim Những tiểu quỷ đỏ và nhiều phim khác nữa. Bây giờ Bố vẫn còn thích xem phim. Cả chú Vitya cũng vậy.

gấu trúc
02-07-2009, 12:43 PM
17 - Các bạn gái trêu chọc Bố

Khi Bố còn bé và những ngày đầu đến trường thì sự việc thường diễn ra như sau: Chuông sẽ reo, giờ ra chơi sẽ hết và mọi hành lang sẽ trống rỗng. Lũ trẻ sẽ ngồi vào chỗ nhưng Bố thì vẫn đứng ngoài cửa lớp, khóc thảm thiết trong khi cả lớp cười ồ lên, có đứa cười khúc khích. Cô giáo vào lớp, cô đã biết cái gì đã xảy ra.

- Có chuyện gì thế? – Cô sẽ mỉm cười hỏi- Các bạn gái đang trêu ghẹo em phải không? – và Bố sẽ gật đầu.
Tại sao bọn con gái xử tệ với Bố? Và chúng đã làm gì Bố thế?

Mọi sự rất đơn giản. Khi mọi người vào lớp sau giờ chơi, ba hoặc bốn cô gái sẽ ùa nhau ngồi vào bàn của Bố. Chúng vừa nhìn Bố vừa cười nắc nẻ. Bố là một đứa con trai cả thẹn và ít nói. Cô gái mà Bố từng quen trước đó là Masa. Lẽ đương nhiên là Bố luôn luôn tìm cách tránh xa lũ con gái. Cánh con gái nhận ra ngay điều này và trêu ghẹo Bố. Câu chuyện bắt đầu như thế đấy.

Nếu bạn phải ngồi cạnh một cô gái thì đó chẳng phải là điều quá xấu. Nhưng khi bốn đứa đang ngồi tại bàn của bạn và cười ầm lên khi thấy bạn, thì đó lại là một chuyện khác. Nếu cả lớp cũng đang hưởng ứng trận cười của chúng, thì có nghĩa là hết thuốc chữa rồi. Và bởi thế Bố sẽ chạy ra ngoài và đứng sau cửa lớp, khóc những giọt nước mắt đau thương. Thật tình mà nói, trông Bố ngố lắm. Những cậu trai khác thường nói:

- Tại sao cậu để tâm đến chúng? Đuổi chúng khỏi bàn của cậu! Đẩy nó ra! Và làm cho thật mạnh vào, cho nó một bài học.

Và chúng sẽ đẩy cô gái cười to nhất và trêu ghẹo nhiều nhất. Ấy là một cô gái rất nhí nhảnh và khả ái. Tên cô ta là Tamara. Hay là Galya? Có lẽ là Vêra hay Luxy gì đó. Không, đó là Valya. Và có lẽ cô ta biết rằng Bố mến cô ta nhất trong số bạn gái cùng lớp. Bọn con gái luôn luôn nhạy bén về những chuyện như thế. Có lẽ vì vậy mà cô ta cười lớn nhất. Nhưng điều đó làm cho Bố khóc.

Sau cùng, cô giáo đã chán ngấy cái màn bi hài kịch ấy lắm rồi. Một lần, cô vào lớp- theo sau là Bố, đang thút thít khóc- và nói:

- Có mười sáu nữ sinh và mười tám nam sinh trong lớp ta. Mười sáu cô gái trêu ghẹo một cậu trai, và chỉ cậu ấy. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao lũ con gái không trêu ghẹo mười bảy đứa con trai khác? Ai có thể cho cô câu trả lời?

Mọi người cười. Rồi cô giáo nói:

- Tại sao các em chỉ trêu ghẹo một cậu trai thôi? Cô hỏi thật đấy, và cô muốn có một câu trả lời.

Cả lớp im lặng. Một vài cô gái cười khúc khích. Một cậu trai đưa tay lên và nói:

- Bởi vì bạn ấy hay khóc ạ!

- Đúng rồi! – Cô giáo nói- Hãy nhớ lấy. Chúng ta nhất trí rằng cười thì tốt hơn khóc. Em hiểu không? – Cô giáo hỏi Bố.

- Vâng ạ! Bố thút thít trả lời.

- Vậy em hãy nhớ điều ấy, cô giáo nói. Nếu em không nhớ thì các cô gái sẽ trêu ghẹo em suốt đời đấy! Bố không muốn điều khủng khiếp ấy xảy đến cho mình. Lần sau đó, khi lũ con gái ngồi vào bàn của Bố và cười nhạo Bố, Bố không khóc. Bố chỉ việc đi xuống dãy phía dưới và ngồi vào bàn cô gái mà Bố mến nhất. Rồi mọi người bắt đầu chế giễu cô ta. Cô ta không khóc, nhưng cô ngưng cười. Sau lần đó cánh con gái không còn trêu ghẹo Bố nữa. Thậm chí chúng trở thành bạn của Bố. Sau đó, Bố chỉ bị lũ con trai xử tệ mà thôi. Nhưng con trai là con trai và chúng không đối xử phân biệt: chúng xử tệ với cả mọi người

gấu trúc
03-07-2009, 01:02 PM
18 - Bố đi săn cọp

Khi còn bé và đi học có một lần Bố đi săn cọp. Con cọp cũng bé nữa. Và mặc dù nó không đi học, nó sống trong sân trường. Mọi chuyện xảy ra như sau:

Một buổi chiều mùa xuân, khi tan học, Bố và các bạn đang ngồi trong sân trường, dưới nắng. Như những cậu trai ở khắp nơi, họ đang nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Họ đang nói về bóng đá và bài kiểm tra ngày mai, về cuộc đánh nhau hôm qua và phim Tên cướp thàng Bat-đa, những loại kem ngon được ưa thích, về chuyện ai sắp đi trại và ai sẽ trải qua một mùa hè buồn tẻ với bố mẹ tại vùng quê. Khi họ đang nói chuyện, Bố đang đọc một quyển sách. Bố không biết quyển sách nói gì, nhưng có lẽ đó là một quyển sách phiêu lưu.

Và bởi thế, khi mọi người ngưng nói chuyện, Bố bỗng nói:

- Ồ, đi săn cọp không thú ư?

Mọi người cười. Misa quát to:

- Cho tớ đi với!

Và tất cả lũ con trai quát to:

- Và tớ! Tớ nữa!

Rồi một trong những cậu trai nói:

- Chúng mình hãy đi chung! Cả lớp!

Mọi người thích ý kiến này.

- Nhưng cậu săn cọp như thế nào? Misa hỏi.

- Rất dễ, - Bố nói. – Trước hết, ta cưỡi voi vào rừng. Rừng thì đầy khỉ, chuối và những con vẹt.

- Và lừa, và cà-rốt, - Misa reo lên. – Kể cho chúng tớ nghe về cọp đi.

- Đó là cái mà tớ đang tìm cách kể cho các cậu nghe đây. Cọp nấp trong rừng. Rồi thì nó nhảy ra và tấn công những con voi. Rồi mọi người bắn. Và một trong những con voi cuộn cái vòi của nó xung quanh con cọp, quật nó xuống và chà lên nó. Thấy không? Có đủ cả trên bức tranh này.

Lũ con trai nhìn vào bức tranh, nhìn lâu và kỹ. Rồi Misa nói:

- Tớ biết rồi! Cậu, cậu, cậu và cậu sẽ làm voi. Chúng tớ sẽ làm những thợ săn. Sân trường là rừng. Mọi thợ săn dùng gậy, giả làm súng. Sẵn sàng cả chưa? Bây giờ hãy lên voi và đi! Kia là con cọp! Thấy những cái vằn của nó không?

- Ấy chỉ là một chú mèo con! – Bố nói.

- Im đi! Cậu lẩn thẩn lắm. Bây giờ, nghe đây, các thợ săn và voi, tiến lên!

Bố là một thợ săn. Khi Bố ngồi trên mình voi, Bố thấy chú mèo con có vằn nhỏ bé nhìn lên những con voi và những thợ săn với cái nhìn kinh ngạc. Nó quá ngạc nhiên đến nỗi thậm chí nó không tìm cách chạy trốn. Misa quát lên:

- Bắn!

Gậy và đá bay như mưa xuống chú mèo con khốn khổ. Trước khi Bố biết mình đang làm gì, Bố cũng đã ném cây gậy. Nhưng ném trật. Con mèo bé nhỏ khiếp sợ lao đi. Ngay lúc ấy một trong những hòn đá ném trúng vào đầu nó. Con mèo kêu meo meo và ngã xuống, chân nó giật giật, rồi nó nằm im.

- Chúng ta đã giết chết con cọp! Misa quát to. Nhưng rồi một trong những cậu trai nói:

- Chú mèo con chết rồi!

Chúng chạy lại để xem.

Quả bóng bằng lông thú bé nhỏ có vằn vẫn nằm im. Bố chợt hiểu rằng chú mèo con trước đây còn sống và bây giờ nó đã chết. Nó sẽ không bao giờ còn chạy nhảy, hay chơi đùa với những chú mèo con khác. Nó không bao giờ lớn lên thành con mèo lớn. Nó sẽ không bao giờ bắt chuột, hoặc kêu meo meo trên mái nhà. Bây giờ thế là hết. Hẳn là nó không muốn chơi săn cọp tý nào. Nhưng không ai hỏi ý kiến nó. Những cậu trai đứng xung quanh chú mèo con đã chết, thẫn thờ im lặng. Cả Misa cũng im lặng nữa.

Rồi chúng nghe ai đó khóc:

- Hu hu! Mèo con của tôi! Mèo con bé bỏng của tôi! Ấy là một cô bé có cái kẹp tóc xanh lớn. Cô ta bế con mèo lên và mang về nhà. Lũ con trai cũng đi về nhà. Chúng quá xấu hổ đến nỗi không dám nhìn mặt nhau. Từ đó về sau không bao giờ Bố làm đau một con mèo, một con chó, hoặc bất cứ một con vật nào nữa- trong đời Bố. Và Bố vẫn còn ân hận mãi về chú mèo vằn bé bỏng xưa kia.

gấu trúc
04-07-2009, 09:04 AM
19 - Bố học vẽ

Khi còn bé, Bố thích vẽ. Và khi người ta cho Bố một hộp bút chì màu, Bố ngồi vẽ suốt ngày. Bố vẽ những ngôi nhà bé nhỏ. Mỗi ngôi nhà bé nhỏ có một ống khói. Mỗi ống khói có khói bay ra. Có một cây gần mỗi nhà. Trên mỗi cây có một con chim. Mọi ngôi nhà đều đỏ. Mọi mái nhà đều vàng. Mọi ống khói đều đen. Và khói bay ra từ ống khói thì có màu xanh nhạt và hồng. Cây có màu xanh da trời, chim có màu xanh lá cây. Một mặt trời vàng óng chiếu sáng trên bầu trời màu cải hương. Một vầng trăng bạc lơ lửng trôi bên cạnh mặt trời và được vây quanh bởi những ngôi sao vàng và bạc. Đó là một bức tranh rất đẹp. Nhưng người nào nhìn bức tranh cũng nói:

- Cậu đã từng thấy cây màu thiên thanh và chim màu xanh lá cây ở đâu thế?

Và Bố sẽ nói:

- Trên bức tranh này.

Khi Bố chưa đi học Bố nghĩ rằng Bố vẽ rất đẹp. Nhưng mọi người ở trường thì nghĩ khác. Bố vẽ quá tệ đến nỗi thầy giáo dạy vẽ không bao giờ nói với Bố một lời. Ông thường nói với những đứa trẻ khác: “Tốt!” hoặc “Không tốt”, hoặc “Vẽ thẳng nét này” nhưng ông không bao giờ nói với Bố: “Không tốt”. Khi ông đi ngang qua bàn Bố và nhìn vào bức vẽ của Bố thì mặt ông trở nên nhăn nhúm lại, dường như ông đã ăn phải một quả chanh lớn.

Một vài đứa bạn gái thương hại Bố. Khi thầy quay lưng, chúng thường vẽ nhanh một cái gì đó trong vở tập vẽ của Bố, chúng cố vẽ thật xấu. Nhưng không ai có thể vẽ xấu hơn Bố cả. Thầy giáo thường nhận ra sự khác biệt ngay. Rồi ông nói với Bố:

- Ai vẽ đây?

- Không phải em, ạ!

- Thầy đã biết rồi. – Thầy giáo sẽ nói. – Nhưng thầy muốn biết ai đã giúp em, không bao giờ nên học vẽ bằng lối này. Em phải tự vẽ lấy.

- Bây giờ em sẽ tự vẽ ạ. – Bố sẽ nói và rồi Bố sẽ vẽ một cái gì đó và thầy giáo lại co rúm cả người lại.

- Bây giờ thầy có thể thấy đó là nét vẽ của em!

Vào buổi họp cha mẹ học sinh kế đó thầy giáo nói một lời phát biểu ngắn. Đây là điều ông nói:

- Thưa quí vị cha mẹ học sinh, năm học sinh trong lớp này đạt điểm xuất sắc về môn vẽ. – Và ông đọc lớn tên của chúng.

- Hầu hết học sinh đạt điểm khá. Có dăm bảy em vẽ quá tệ!

Và ông đọc tên ba học sinh nữa. Rồi thầy dạy vẽ nói:

- Nhưng có một em, - lúc này ông ta nhăn mặt và nói tên Bố - không phải là em vẽ quá tệ, mà tôi nghĩ là em có vấn đề. Có một cái gì đó ngăn cản không cho em học vẽ.

Bà và ông rất bực mình. Nhưng đó là sự thực.

Về sau, Bố học xong phổ thông. Rồi Bố hoàn tất chương trình tại một trường kỹ thuật, rồi Bố tốt nghiệp đại học. Trong suốt khoảng thời gian này Bố chỉ tập vẽ một con mèo. Nhưng bất cứ đứa bé nào cũng biết vẽ mèo. Bố rất ganh tỵ với chúng, bởi vì những con mèo của chúng thì đẹp hơn mèo của Bố nhiều. Có lần Bố thực sự thấy một họa sĩ cũng vẽ xấu như Bố, nhưng ông ta nói: “Đây là cách tôi thấy khuôn mặt này, cái cây này, con ngựa này và tôi đã vẽ chúng theo cách đó.”

Thật đáng tiếc là xưa kia Bố chưa từng nghĩ đến việc nói điều này với ông thầy dạy vẽ của mình.

gấu trúc
05-07-2009, 01:05 PM
20 - Bố đánh lừa cô giáo

Khi còn bé Bố mến cô giáo lắm. Lũ trẻ đứa nào cũng mến cô. Cô có dáng người rất cao và không đẹp gái. Cô luôn luôn mặc áo dài màu tối. Những người lớn nói rằng cô chẳng đẹp tý nào cả. Nhưng Bố thì nghĩ rằng cô rất đẹp. Tên cô là Afanaxia Nikifôrôpna. Cô vui tính, nhưng cũng nghiêm khắc. Quan trọng hơn cả, cô là một người rất công bình. Đứa trẻ nào cũng biết rằng nếu cô giận chúng, thì chúng là người có lỗi. Không bao giờ cô giận mà không có lý do chính đáng. Và trong lớp, cô không thiên vị một ai. Cô thương yêu đồng đều tất cả. Cô có thể giận riêng từng học sinh và cả tập thể lớp nếu chúng không làm bài về nhà, hay làm ồn trong giờ học. Mọi người biết rằng cô đã dạy học hai mươi năm. Mọi người cũng biết rằng cô không thích những đứa khoác lác, mách lẻo hoặc những đứa tham lam.

Những bài học của cô Afanaxia Nikifôrôpna thì luôn luôn hấp dẫn. Vì thế lũ trẻ rất yên lặng trong giờ học. Một hôm, có ai đó thọc một cây kim vào lưng Bố. Thật là đau nhức.

- Ối! Bố hét lên.

Cô giáo hỏi:

- Cái gì thế?

Bố không nói gì.

Rồi cô giáo nói:

- Ra khỏi lớp!

Bố đứng lên và đi về phía cửa lớn. Ngay lúc đó hai đứa con gái nói to lên:

- Zaichicôp lấy kim chích trò ấy!

Rồi cô giáo nói:

- Cô muốn người làm ồn rời phòng, cả người chích và cả người mách lẻo cũng thế. Các em đồng ý không?

Cả lớp hét to:

- Đồng ý ạ!

Và như thế, hai đứa con gái rời phòng cùng với Bố và Zaichicôp.

Bố đang khóc. Bố rất khổ sở, vì Bố vừa bị chích đau lại vừa bị đuổi ra khỏi lớp. Zaichicôp thì đang cười nhạo những cô gái và Bố. Nhưng ta có thể thấy rằng cậu ta không thực sự vui như cậu ta đang giả bộ. Các cô gái không cười cũng không khóc. Nhưng chúng thấy tự ái bị thương tổn.

Ngày hôm sau, Bố mang đến trường một cái đinh lớn. Khi cô giáo quay lưng về phía lớp học và bắt đầu viết lên bảng đen, Bố lấy cái đinh ra khỏi túi và thọc nó vào tay Zaichicôp. Cậu ta gào to đến nỗi Bố trở nên kinh hãi.

Cô giáo rất giận dữ hỏi:

- Lại em nữa, hả Zaichicôp?

- Không phải em đâu. Trò ấy đâm em đấy ạ! – Zaichicôp rên rỉ, chìa bàn tay ra cho cô xem.

- Hôm qua em chích người ta, và hôm nay người ta đâm em. Hay lắm! Ai đâm Zaichicôp thế?

Đứa nào cũng quay nhìn Bố, nhưng không ai nói một lời. Không ai muốn là một đứa mách lẻo. Ngay cả Zaichicôp cũng không nói gì. Cậu ta chỉ tiếp tục khóc thút thít.

- Ồ, ai thế? – Cô giáo nói, giọng nghiêm khắc. Bố sợ quá đến nỗi Bố bỗng nghe tiếng mình nói:

- Em không đâm trò ấy.

Rồi cô giáo hỏi:

- Em không đâm trò ấy bằng cái gì?

- Thưa cô bằng cái đinh này.

Cả lớp cười ồ lên. Chúng cười ầm ĩ đến nỗi thầy giáo từ phòng bên cạnh đến. Ông ta nói:

- Afanaxia Nikifôrôpna, có gì vui thế?

Và cô nói:

- Chúng tôi vui vì một cậu trai không đâm một cậu trai khác bằng cái đinh này. Cậu trai kia không khóc và không có ai bép xép. Và không có ai lừa dối cô giáo già của mình cả.

Rồi lũ trẻ cảm thấy rất xấu hổ và mọi người tức giận nhìn Bố. Bố đứng lên và nói:

- Hôm qua trò ấy chích em và em đã hét to. Hôm nay em đâm trò ấy và trò ấy hét to. Và em đã nói dối cô.
Rồi Bố ngừng lại và nói thêm:

- Em sẽ không làm thế nữa, thưa cô.

- Em cũng thế- Zaichicôp nói, nhưng cậu ta đưa nắm đấm ra dọa Bố và không ai tin lời cậu ta.

Cô Afanaxia Nikifôrôpna nói:

- Không có gì xấu hơn nói dối!

Và Bố không bao giờ nói dối cô giáo nữa. Không bao giờ.

gấu trúc
07-07-2009, 04:26 PM
21 - Bố chận tàu điện

Khi còn bé, Bố có một người bạn học cùng lớp tên là Misa.

Misa là một cậu bé rất nghịch ngợm. Vào giờ chơi luôn luôn có một đám đông vây quanh cậu. Mọi người muốn nghe cậu giả tiếng mèo kêu meo meo, sủa gâu gâu như chó, kêu vù vù như ong hay kêu eng éc như lợn. Cậu ta sở trường về môn nhại tiếng gà gáy. Thực là một màn hấp dẫn. Trước hết, cậu ta thường bắt đầu bằng cách bắt chước một con gà trống tơ đang cố gáy tiếng đầu tiên trong đời. Tiếng “Cô- cô- cô…” sẽ phát ra một cách trơn tru, nhưng tiếng “cồ” thì lạc nhịp. Nhưng rồi con gà trống nhỏ sẽ bay lên đỉnh một hàng rào, gáy chững chạc lần đầu tiên, và đập cánh lộp bộp. Ở chỗ này, Misa sẽ kéo áo sơ-mi ra khỏi quần dài và đập lòng bàn tay vào cái bụng trần của cậu. Âm thanh phát ra giống hệt như tiếng một con gà trống đập cánh. Nhưng không có giờ chơi nào dài đủ cho Misa trình diễn hết tất cả tài năng của cậu… Bởi thế một đôi khi một chú mèo con sẽ kêu meo meo hay một chú lợn con sẽ kêu eng éc ngay giữa một bài học.

- Misa Goocbunôp! – cô giáo sẽ nói. – Ngưng cái trò kêu meo meo và eng éc kia đi! Cô không muốn nghe tiếng gà cục tác nữa, có nghe không? Hãy ngừng tiếng gâu gâu đó! Em định kêu ủn ỉn bao lâu nữa? Có phải em lại đang kêu chiêm chiếp? Thêm một tiếng ong vù vù nữa là cô sẽ mời em ra khỏi phòng, rõ chưa?

Nhưng hiếm khi Misa bị đuổi ra khỏi phòng. Cô giáo mến cậu và thường cười trước cái trò tinh nghịch của cậu. Ngay cả ông hiệu trưởng cũng không nhịn được, phải cười to trước mặt mọi người. Chuyện xảy ra khi ông gọi Misa đến phòng hiệu trưởng đọc cho cậu nghe một bài "diễn văn" dài về chuyện tinh nghịch của cậu. Cuối cùng ông nói:

- Bây giờ cậu có thể đi, nhưng tôi không muốn thấy cậu đặt chân vào đây lần nữa!

Bởi vậy, Misa lập tức trồng chuối ngược và đi ra khỏi phòng hiệu trưởng trên hai bàn tay của mình. Đúng là sau lần đó ông hiệu trưởng đã cho mời bố mẹ cậu đến, nhưng trước đó, mọi người đã thấy ông cười.

Một hôm sau giờ học Misa nói:

- Các bạn có muốn tớ chận xe điện không?

Dĩ nhiên mọi người hét to lên: “Muốn!”

- Thế thì đi! Misa nói.

Tất cả lũ con trai theo cậu ta ra ngoài. Tuyến đường xe điện ở gần trường.

- Các bạn hãy ở đây và quan sát nhé! Misa nói.

Khi xe điện xuất hiện đàng xa, Misa nằm ngang qua đường sắt và đưa tay ôm lấy đầu. Xe đang tới gần rất nhanh. Khi người tài xế thấy một cậu bé đang nằm trên đường sắt, ông ta rung chuông thật mạnh.
Misa không nhúc nhích. Xe đến mỗi lúc một gần, tiếng chuông rung mỗi lúc một to. Các cậu bé khiếp vía chôn chân tại chỗ. Khi xe đến rất gần, nó ngừng lại. Lúc chuông ngừng rung, Misa nhảy vụt đứng lên và chạy ba chân bốn cẳng lên một hẻm phố. Người lái tàu chỉ cỏn biết đưa nắm đấm về phía cậu ta. Rồi xe lăn qua. Những cậu bé vây quanh Misa.

- Cậu không sợ ư?

- Việc gì mà phải sợ?

- Nhưng nhỡ nó không ngừng?

- Thì ông ta sẽ đi tù.

- Nhưng nếu ông ta chộp được cậu?

- Ông ta không được phép rời khỏi xe.

Bạn có thể thấy rằng Misa đã đặt kế hoạch chu đáo từ trước.

Ngày hôm sau, Kôlia Stêpanôp chận xe, ngày sau nữa là Kôxchia Fêđô tôp. Sau đó là anh em Xikoocxki. Rồi có ai đó mời lũ con gái đến xem.

Lần lượt tất cả bọn con trai đều chận xe, trừ Bố ra. Và bọn con gái đứa nào cũng biết như thế. Bố phải theo gương lũ con trai. Khi tin đồn loan ra rằng Bố sắp nằm xuống đường sắt để chận xe, các cô gái từ những lớp khác cũng đến nữa. Ai cũng biết Bố là một cậu bé nhút nhát và chúng tò mò muốn xem Bố sẽ xoay xở để chận xe như thế nào.

“Khán giả” đến xem quá đông, đến nỗi từ đằng xa người lái tàu đã thấy. Trong khi Bố nằm đó trên đường sắt mắt nhắm tít, thì người tài xế bình tĩnh cho xe ngừng lại, nhảy xuống xe và lao xuống chộp lấy Bố. Bố chắc mẩm rằng xe đã không ngừng lại và đã cán qua người Bố. Bố không biết rằng đấy là ông tài xế đang lay Bố và quát to:

- A ha! Sau cùng, ta đã chộp được chú mày?

Tất cả lũ trẻ sợ hãi tản đi. Chỉ còn có Misa hét lên từ hẻm phố:

- Ông không có quyền rời xe kia mà!

Nhưng không ai nghe lời cậu ta.

Bố được đưa tới trạm dân quân. Người ta ghi địa chỉ của Bố. Rồi thì ông bà nội và ông hiệu trưởng được gọi đến trạm dân quân. Rồi Bố bị phạt ở nhà và bị chế giễu ở trường. Có một bài báo về Bố trên tờ báo của trường. Ông hiệu trưởng và ông bà nội đều nghĩ rằng Bố là đứa duy nhất nằm trên đường sắt để chận xe mỗi ngày. Bố rất muốn nói với họ rằng Misa Goocbunôp, Kôlia Stêpanôp, Kôxchia Fêđôtôp và anh em nhà Xikoocxki đều đã chận xe. Nhưng mà Bố đã không mách lẻo khai chúng ra.

Lũ trẻ không để cho chuyện ấy qua đi thầm lặng. Nhưng điều tệ nhất là cả con trai lẫn con gái đều chế giễu Bố, bởi vì Bố là người duy nhất bị chộp. Ngay cả bạn Misa của Bố cũng nói:

- Nếu cậu không biết làm một cái gì đó, thì đừng có đâm đầu vào!

Sau đó không ai nằm trên đường sắt nữa. Bố sung sướng vì lúc bấy giờ Bố đã bị chộp, và xe chưa bao giờ cán phải ai. Và đấy thực là một điều kỳ lạ.

gấu trúc
08-07-2009, 12:40 PM
22 - Bố giết một con rắn

Khi còn bé, Bố đã giết một con rắn. Chuyện xảy ra như sau:

Một hôm sau giờ học cô giáo nói:

- Này các em, ngày mai chúng ta sẽ đi vào rừng. Chúng ta sẽ đi bộ trong rừng trên cỏ xanh đẹp và các em sẽ chơi dưới nắng. Ai muốn đi?

Tất cả đều đưa tay lên, Bố cũng thế.

Cô giáo mỉm cười và hỏi:

- Ai phản đối?

Tất cả đều lại đưa tay lên, cả Bố cũng đưa tay.

Cô giáo rất ngạc nhiên.

- Nghĩa là thế nào? – Cô hỏi- Các em muốn đi dạo trong rừng hay không muốn?

- Dạ muốn ạ! – Bọn trẻ la lên.

- Tại sao các em bỏ phiếu không tán thành?

Không ai có thể giải thích. Sau cùng, một cô gái nói:

- Bởi vì chúng em thích bỏ phiếu tay ạ.

Rồi mọi người cùng cười, cả cô giáo cũng cười. Cô nói:

- Cô thấy các em đều lẩn thẩn. Nghe cô dặn: Đừng quên mang theo thức ăn trưa. Nhớ đấy! Người ta không bán thức ăn ở trong rừng đâu nhé. Cho các em ra về.

Tất cả lớp đứng lên. Bỗng nhiên Bố lại đưa tay lên.

- Có chuyện gì thế, em? – Cô hỏi- Em thích bỏ phiếu lắm, đúng không?

- Em có thể mang theo xẻng không ạ?

Cô giáo nói:

- Vì các em ai cũng thích bỏ phiếu, chúng ta sẽ bỏ phiếu về vấn đề này nữa. Ai bảo rằng trò ấy sẽ mang theo xẻng?

Mọi người đưa tay lên.

- Nhất trí rồi nhé. – Cô giáo nói.

Và như thế, Bố mang xẻng vào rừng. Dù sao đi nữa, Bố còn bé quá. Bố thích cái xẻng của mình và Bố sung sướng vì mọi người đều nhất trí để cho Bố mang theo xẻng.

Trong rừng thật đáng yêu. Cây thì xanh và cỏ non đẹp quá đến nỗi Bố nhìn ngắm ngây ngất.

- Này các em, hãy nhìn cây này. – Cô giáo nói- Có ai biết cây này thuộc loại gì không?

- Đó là một cây sồi! Một cây sồi! – Tất cả hét lên.

Và cô bé thích bỏ phiếu (tên cô bé là Ôlya) nói:

- Một cây sồi già hùng vĩ!

Không ai hiểu sao cô bé lại nói thế. Cả cô giáo cũng có vẻ ngạc nhiên. Rồi cô hỏi:

- Cây gì đây?

Mọi người lại hét to lên:

- Đó là một cây phong bé nhỏ.

Bố thấy Ôlya mở miệng và Bố nói nhỏ:

- Đó là một cây phong nom bé nhỏ mà hùng vĩ!

Ôlya phật lòng và lè lưỡi ra với Bố.

Rồi Bố nói lớn:

- Một cái lưỡi non hùng vĩ!

Mọi người cười, nhưng cô giáo nói:

- Em nào xen vào bài học, cô sẽ mời ra khỏi rừng!

Cô nói bằng giọng nghiêm khắc đến nỗi bọn trẻ trở nên im thin thít, nhưng rồi chính cô cũng cười.

Rồi cô nói cho tất cả lớp nghe về những cây khác nhau mọc tại những khu rừng phía Bắc và những cây mọc tại phía Nam của đất nước ta.

Rồi có ai đó tìm thấy một con bọ và mọi người hát:

Này chú bọ ơi
Hãy bay đi thôi
Nhà chú cháy rồi!

Nhưng con bọ không muốn bay đi. Rồi ai đó nhớ đến bữa ăn trưa và cảm thấy đói. Đi du ngoạn trong rừng thật thú vị! Họ dùng một gốc cây to làm bàn. Mọi người mời nhau ăn, và khi cô giáo lấy một hộp kẹo từ trong xắc tay ra, tiếng reo hò vang lên vui nhộn. Bỗng nhiên có người hét to:

- Có một con rắn! Một con rắn!

Người đang hét là Ôlya. Cô bé đang ngồi ở bìa rừng, cạnh Bố, cô nhảy đứng lên và tiếp tục hét, mỗi lúc một to hơn:

- Cứu với! Ôi, mẹ ơi!

Bố cũng nhảy đứng lên. Bố thấy một con rắn đen đang bò gần Ôlya. Đây là lần đầu tiên Bố thấy một con rắn. Và Bố quá khiếp hãi đến nỗi Bố dùng hết sức bình sinh đánh vào nó. Bố đánh nó bằng cái xẻng của Bố và chặt nó làm đôi. Mỗi phần lại bắt đầu bò đi. Ôlya tiếp tục la hét. Bây giờ tất cả lũ con gái đều la hét.

Nhưng cô giáo thì không. Cô đang quan sát Bố một cách thích thú. Bố đang làm việc cật lực. Thoạt tiên, Bố chặt con rắn thành bốn, rồi từ bốn chặt thành tám. Hẳn là Bố đã chặt thành mười sáu hay ba mươi hai, nhưng cô giáo đến bên Bố và cầm chặt tay Bố, nói:

- Đủ rồi! Đó là một con rắn cỏ. Nó không độc. Rắn cỏ thì tốt.

Bố ngừng chặt. Những cô gái ngừng la hét. Nhưng Ôlya thì không.

- Một con rắn! Một con rắn! – Cô bé cứ hét lên.

Lúc đó, tất cả bọn con trai đều quát to.

- Cứu với! Cứu với! – Chúng hét lên- Cứu với! Mẹ ơi! Bố ơi! Một con rắn!

- Tất cả im! Cô giáo nói. Và sau cùng khi mọi người đã im, cô dịu dàng nói:

- Rắn cỏ thì không độc. Chúng rất có ích và các em không nên giết nó. Các em phải biết phân biệt một con rắn cỏ với một con rắn độc! Hãy nhớ lấy điều đó. Và cũng cần nhớ rằng các em không nên la hét như lợn bị thọc tiết trước khi các em biết các em đang la hét vì chuyện gì. Và nếu một em trai nghĩ rằng đó là một con rắn độc mà không bỏ chạy, nhưng ở lại bảo vệ bạn của mình, thì không có lý do gì lại chế giễu cậu ta, mặc dù thực ra các em không nhất thiết phải chặt con rắn thành trăm mảnh!

Rồi mọi người cười, cả con trai lẫn con gái, Bố ném cái xẻng vào bụi. Một thời gian dài sau đó, mọi người ở trường cứ tiếp tục hét to với Bố: “Cứu với! Một con rắn!”, dù Bố cảm thấy rằng lẽ ra chúng nên trêu Ôlya thì đúng hơn. Đó là con rắn cuối cùng mà Bố đã từng giết chết.

gấu trúc
09-07-2009, 12:29 PM
23 - Bố lười học tiếng Đức


Khi còn bé, Bố được đủ loại điểm số. Bố được điểm “tốt” trong môn tiếng Nga, “khá” trong môn toán, “yếu” trong môn tập viết và “rất yếu” trong môn vẽ. Ông thầy dạy vẽ hứa sẽ tặng Bố một con điểm “rất yếu” nữa, nếu Bố không trau dồi.

Một hôm, một cô giáo mới vào lớp. Cô rất khả ái. Cô trẻ đẹp và tươi cười, cô mặc một chiếc áo rất dễ thương.

- Tên cô là Yêlêna Xecgâyepna. Tên các em là gì? – Cô hỏi và mỉm cười. Mọi người nhao nhao lên:

- Em là Zhênya! Em là Zina! Em là Liza! Em là Misa! Em là Kôlia!

Cô Yêlêna Xecgâyepna ép hai bàn tay cô vào tai và chúng ngừng hét. Rồi cô nói:

- Cô sắp dạy các em tiếng Đức. Các em thích không?

- Thích ạ! Thích ạ! – Cả lớp hét to.

Và như thế Bố bắt đầu học tiếng Đức. Lúc đầu, Bố thích nghĩ rằng “ghế” trong tiếng Đức là “der Stuhl”, “bàn” là “der Tisch”, “sách” là “das Buch”, “cậu trai” là “der Knabe”, “cô gái” là “das Madchen”.

Nó giống như một trò chơi, lũ trẻ đứa nào cũng thích. Nhưng khi bắt đầu chia động từ và chia ngữ cách, một vài “Knabe” (cậu trai) và “Madchen” (cô gái) trở nên chán. Chúng nhận ra rằng chúng phải học để biết tiếng Đức. Và đó chẳng phải là một trò chơi gì cả. Nó cũng là một môn học giống y như toán hay tiếng Nga vậy. Cô giáo cố hết sức để làm cho những bài học trở nên hấp dẫn. Cô mang sách có những chuyện vui cười viết bằng tiếng Đức đến lớp. Cô dạy chúng những bài ca tiếng Đức và kể cho nghe những chuyện cười bằng tiếng Đức. Những đứa trẻ chăm học thì thấy vui nhiều. Nhưng những đứa lười học thì không thể hiểu được. Đương nhiên là chúng chán. Chả mấy khi chúng ngó ngàng tới “das Buch” (sách) và im thin thít như “der Tisch” (cái bàn) khi cô Yêlêna Xecgâyepna gọi đúng tên chúng.

Đôi khi, ngay trước khi giờ học Đức ngữ bắt đầu, một tiếng kêu lớn vang lên: “Ich habe spazieren!” có nghĩa là “Tôi phải đi bộ!” Nhưng ý câu ấy muốn nói là: “Chúng ta hãy ra khỏi đây!”

Khi âm thanh đầu tiên của tiếng hét ấy vang lên, nhiều đứa sẽ hưởng ứng. Và cô giáo Yêlênz Xecgâyepna khốn khổ sẽ đến lớp để phát hiện ra rằng tất cả các cậu trai đều đang chia động từ “spazieren” (đi bộ) và chỉ còn những cô gái ở lại học. Cô rất khổ sở. Bố cũng là một trong những cậu trai chia động từ “spazieren”.
Bố không cúp giờ với dụng ý làm cho cô giáo buồn khổ. Chỉ có điều cúp giờ, trốn hiệu trưởng, các thầy cô và cô Yêlêna Xecgâyepna trên gác mái của trường- việc ấy thật thích thú. Vui hơn là ngồi trong lớp không hiểu bài, và để trả lời câu hỏi tiếng Đức của cô: “Em có một con dao nhíp không?”, thì chúng chỉ đứng ngớ ra và sau cùng lắp bắp nói: “Em không…”

Những cô gái sẽ chế giễu một câu trả lời như thế. Bố không muốn người ta chế giễu mình. Bố thích chế giễu một người nào khác thôi. Nếu khôn ngoan hơn, hẳn Bố đã khởi sự học bài nghiêm túc. Nhưng Bố rất giận cánh con gái. Bố giận tiếng Đức và Bố trả thù nó. Không bao giờ Bố học tiếng Đức nghiêm chỉnh như lẽ ra Bố phải học. Khi sang một trường khác, Bố cũng học tiếng Pháp một cách lơ là. Rồi lên đại học, Bố cũng bỏ bê luôn môn tiếng Anh. Và bây giờ Bố không biết một ngoại ngữ nào. Bây giờ Bố nhận biết rằng bản thân Bố đã bỏ mất cơ hội. Bố không thể đọc nhiều quyển sách mà Bố ưa thích bằng nguyên bản. Bố thường được giới thiệu với những người nước ngoài. Tuy họ nói tiếng Nga còn kém, nhưng tất cả họ đều đang ra sức học tiếng Nga và ai cũng hỏi Bố:

- Ông nói được tiếng Đức không? Tiếng Anh? Tiếng Pháp?

Bố lắc đầu, chỉ vỏn vẹn nói được:

- Ich nicht (Tôi không thể).

gấu trúc
10-07-2009, 04:15 PM
24 - Bố viết hai bài tập làm văn

Khi còn bé, Bố có một người bạn tên là Vaxia Xêrêđin. Vaxia sống cạnh nhà Bố. Cả hai thường đi học và về nhà cùng với nhau. Và cùng ngồi cạnh nhau ở trường. Vaxia có thể làm toán nhanh hơn bất cứ ai trong lớp. Và cậu ta giúp Bố. Bố giúp Vaxia học thuộc lòng những bài thơ và viết bài tập làm văn. Cả hai rất hài lòng về nhau, và khi đánh lộn, họ cũng chỉ thích đánh lẫn nhau thôi- không đánh ai khác.

Một hôm cô giáo nói rằng bài làm ngày mai sẽ là một bài luận, đầu đề là: “Tôi đã nghỉ hè như thế nào?”

- Tớ chả biết viết gì cả. – Vaxia nói với Bố.

- Cậu nghỉ hè ở đâu? – Bố hỏi.

- Tớ ở vùng quê. – Vaxia nói.

- Vậy thì hãy viết về vùng quê đi!

- Tớ sẽ viết gì?

- Cậu đã làm gì?

- Chẳng có gì đặc biệt. Tớ đi bơi, bắt cá và lêu lổng trong rừng.

- Cậu sẽ viết về những thứ đó. – Bố nói.

Thoắt một cái, bài luận của Vaxia đã xong. Cậu ta đưa cho Bố xem. Đây là những gì mà cậu đã viết:

TÔI ĐÃ NGHỈ HÈ NHƯ THẾ NÀO?
Tôi đã nghỉ hè với bà tôi ở vùng quê.
Tôi đi bơi, bắt cá và đi với những cậu bé vào rừng.
Mùa hè ở vùng quê thật là thích.
V. Xêrêđin

- Đấy chẳng phải là một bài tập làm văn, - Bố nói. – Hãy viết về bà cậu, về hình dáng, điều bà nói, cái bà làm, những bài ca mà bà hát.

- Bà tớ không hát. Bà kể chuyện thôi. – Vaxia nói.

- Vậy thì hãy viết về những câu chuyện… Hãy viết về những cậu trai, về con sông, về những khu rừng.

- Tớ không biết phải viết như thế nào, - Vaxia nói. – Cậu nghĩ sao, nếu tớ kể cho cậu và cậu viết ra?

Và Vaxia kể hết cho Bố nghe về những cậu trai, về con sông và những khu rừng. Bố viết một bài dài. Bố gắng hết sức. Bài tập làm văn thật tốt. Vaxia rất hài lòng.

- Tớ sẽ chép lại. – Cậu ta nói. – Và trong khi đó, cậu sẽ bắt đầu viết bài tập làm văn của chính cậu đi. Trễ rồi!

Khi Vaxia về, Bố ngồi xuống viết bài tâp làm văn của mình, nhưng thật khó khăn. Bố cũng đã sống qua mùa hè ở vùng quê. Bố cũng đã ở trong rừng và đi bơi trên sông. Nhưng Bố đã viết hết chuyện đó trong bài tập làm văn của Vaxia rồi. Ý nghĩ duy nhất của Bố bây giờ là phải viết một bài khác với bài của Vaxia. Nếu không, cô giáo sẽ đoán là có chuyện gì không ổn. Từ lúc ấy, Bố không quan tâm là bài của mình hay hay là dở nữa. Bố đã viết một bài tập làm văn hoàn toàn không giống với bài của Vaxia. Thực ra, như cô giáo nói, nó chả giống cái gì cả.

Khi cô giáo trả vở cho học sinh, cô nói:

- Đây là những bài tập làm văn của các em. Bài của Vaxia hay nhất. Cô sẽ đọc to cho các em nghe.

Và cô đọc bài tập làm văn thứ nhất của Bố, bài mà Bố đã viết cho Vaxia.

- Tốt lắm, Vaxia! – cô giáo nói. – Em đã làm một bài văn hay tuyệt! Thật lôi cuốn, viết tốt và không có lỗi. Em có một người bà tuyệt vời và những người bạn tuyệt diệu.

Rồi, không hiểu sao, cô nhìn Bố. Mặt Vaxia đỏ bừng. Cậu không thích được ngợi khen về cái mà cậu không làm ra. Rồi cô giáo nói:

- Và bây giờ cô sẽ đọc bài tập làm văn kém nhất. Rồi cô đọc bài mà Bố đã viết lần thứ hai. Bây giờ Bố đỏ mặt, Bố không thích bị rầy la vì một điều không phải lỗi của mình và Bố thấy xấu hổ.

Khi đọc xong bài của Bố, cô nói:

- Cô hy vọng lần sau em sẽ làm tốt hơn. Và Vaxia sẽ không thụt lùi. Rõ chưa?

- Dạ rõ! – Bố rụt rè nói.

- Rõ chưa, hở Vaxia? – cô giáo hỏi.

- Dạ rõ ạ! – Vaxia cũng nói nhỏ nhẹ.

Cả hai ngồi cạnh nhau, má đỏ bừng mà không đứa bạn nào hiểu được. Bố và Vaxia không nói gì về điều “bí mật” ấy. Nhưng từ hôm ấy, Bố tự mình làm toán. Còn Vaxia bắt đầu viết bài tập làm văn mà không nhờ Bố giúp. Lúc đầu Bố làm toán sai nhiều và những bài tập làm văn của Vaxia không tốt lắm. Dần dần cả hai đều tiến bộ và bắt đầu nhận biết rằng nếu ta không tự mình làm lấy những sự việc thì ta sẽ không bao giờ học được điều gì. Nhưng cả hai cũng vẫn ngồi chung bàn nhiều năm sau nữa.

gấu trúc
11-07-2009, 12:45 PM
25 - Bố nói chuyện với nhà thơ Maiacôpxki

Khi còn bé, có một lần Bố nói chuyện với Maiacôpxki, hay đúng hơn, Maiacôpxki đã nói chuyện với Bố. Câu chuyện xảy ra như thế này:

Bố đã viết một bài thơ nhan đề “Người thợ mỏ” và đưa cho cô giáo xem. Cô đọc xong và nói:

- Trường ta không ai làm thơ. Vì thế, cô sẽ đưa bài thơ của em vào báo trường. Em làm thơ được là tốt lắm. Nhưng em chớ vội nghĩ rằng mình là Puskin, nhé!

Và Bố đã hứa, Bố sẽ không nghĩ mình là Puskin.

Bài thơ xuất hiện trên báo trường. Bởi vì tất cả học sinh đều đọc tờ báo ấy, chúng phát hiện ra rằng có một cậu bé học lớp ba làm thơ. Các cô, thầy giáo ngợi khen Bố. Những đứa con trai trêu: “Cậu ta là một nhà thơ mà không biết đấy!” Tất cả những cô gái lớn tuổi hơn đều yêu cầu Bố viết một đôi dòng vào tập lưu niệm của họ. Và “chủ bút” tờ báo trường nói:

- Cậu nên gởi thơ đến cho mỗi số báo tường, nếu không, cậu sẽ ân hận đấy!

Và cậu ta lắc lư quả đấm dưới mũi Bố.

Khi Bố lớn lên, Bố nhận biết rằng có một chủ bút như thế là điều mơ ước của một nhà thơ. Nhưng vào thuở đó Bố chỉ thấy sợ. “Chủ bút” là một cậu trai to con ở lớp bảy và quả đấm của cậu ta đủ lớn để làm cho bất cứ ai phải sợ. Vì thế mà từ đó mỗi số báo đều có một bài thơ của Bố. Đôi khi có đến hai bài.

Bố viết về mọi thứ dưới ánh mặt trời. Có những bài thơ về mùa xuân, mùa đông, mùa thu và mùa hạ. Có một bài thơ về Công xã Pa-ri. Có những bài thơ về những đứa hay bắt nạt, về chuyện quay cóp. Thậm chí có một bài thơ về “Cuộc nổi dậy của Pugachôp”, chuyện về lớp sáu cúp giờ học hóa. Nhan đề xuất phát từ cái tên của thầy giáo dạy hóa, có tên là Pugachôp! Trong thời gian hai năm Bố đã viết khá nhiều thơ. Nhưng Bố không biết chúng hay hay dở. Mọi người ở trường khen ngợi Bố nhưng Bố có cảm tưởng rằng đây không phải là thơ chính phẩm. Và Bố rất muốn biết xem, có bao giờ Bố viết được loại thơ chính phẩm chăng? Ai có thể mang lại câu trả lời cho câu hỏi này? Chỉ có một nhà thơ đúng nghĩa, rõ ràng như thế. Nhà thơ kiệt xuất nhất và nổi tiếng nhất. Tóm lại, đó là Maiacôpxki.

Bố chọn những bài thơ hay nhất và quyết định trao cho Maiacôpxki xem. Nhưng Bố ngại đi đến chỗ Maiacôpxki, vì Bố còn bé quá. Và Bố quyết định gọi điện thoại. Bố tìm thấy số điện thoại của Maiacôpxki trong một quyển danh bạ điện thoại. Suốt dăm bảy buổi chiều, chọn lúc không có ai ở nhà, Bố trải những bài thơ ra trên bàn, lấy hết can đảm, cầm ống nghe, nói cho nhân viên tổng đài số điện thoại, và… gác máy. Bố sợ quá, không dám nói chuyện với Maiacôpxki.

Sự việc này tiếp tục cả tuần lễ. Bố rất xấu hổ về chính mình.

Sau cùng, một chiều chủ nhật khi ông bà nội đi đến rạp hát, Bố lại gọi điện thoại cho Maiacôpxki. Run rẩy vì xúc động, Bố chụp lấy ống nghe. Lần này Bố không cúp điện thoại và nghe thấy một giọng nói vang vang như sấm, một giọng nói mà Bố còn nhớ suốt đời. Giọng nói chiều hôm ấy rất giận dữ và hỏi rất nghiêm khắc:

- Ai nói đó?

Bố mất can đảm. Bố ngộp thở và không nói được gì. Giọng nói vang lên:

- Ai nghịch đó? Có một thằng ngốc nào đó cứ gọi tôi mỗi đêm. Chỉ gọi mà chả nói gì cả. Vâng, nói một cái gì đi! Hát cho tôi nghe đi, em bé!

Nhưng Bố quá sợ, đến nỗi Bố nói không ra lời. Bố đã bỏ mất khoảnh khắc khi mà Bố đã có thể xin lỗi, nói lời chào, giải thích một điều gì đó. Thế mà, Bố chỉ lắng nghe trong sững sờ, im lặng. Đấy chính là điều Bố đã làm.

- Chào nhé! Cứ đợi mà xem, tôi sẽ chộp được chú bé cho coi! Cứ gọi nữa đi, rồi sẽ biết!

Và Maiacôpxki đặt mạnh ống nghe xuống. Bố không bao giờ gọi điện cho nhà thơ nữa. Bố không bao giờ thấy ông và nghe lời ông nói nữa. Bố chưa bao giờ nói với ai về điều đã xảy ra, vì đã nhiều năm, chỉ có hai người biết về cuộc nói chuyện ấy. Bố và Maiacôpxki. Rồi chỉ còn mình Bố biết về nó. Nhưng Bố không bao giờ quên cuộc đàm thoại này với Maiacôpxki. Và bây giờ thì các bạn cũng đã biết nữa.

gấu trúc
13-07-2009, 07:15 PM
26 - Bố diễn văn nghệ ở một trường bạn

Khi còn bé, một trường bạn mời trường Bố đến dự một buổi liên hoan văn nghệ. Đây là một cuộc thăm viếng trả lễ. Những học sinh một trường nọ đã trình diễn tại buổi liên hoan văn nghệ của trường Bố. Họ đã hát, múa, ngâm thơ và biểu diễn thể dục. Thậm chí họ còn diễn một cảnh trong Boritx Gôđunôp của Puskin. Thực ra, cậu bé đóng vai Grigôri đã vướng kẹt vào bậu cửa sổ khi lẽ ra cậu ta phải nhảy qua nó - làm hỏng cả màn kịch.

Nhưng chuyện rủi ro ấy kể ra cũng là chuyện bình thường. Nhìn chung, họ trình diễn rất hay. Bây giờ, trường Bố phải trình diễn tại trường bạn. Trường Bố muốn làm cho bọn trẻ kia phải lác mắt. Nhưng làm thế nào? Họ bàn bạc về chuyện đó.

- Chúng ta hát được, nhưng chúng nó cũng hát được. Chúng ta múa được, chúng nó cũng múa được và còn múa đẹp hơn mình. Còn biểu diễn thể dục thì mình cũng ngang với tụi nó là cùng, và nếu kim tự tháp của mình đổ xuống thì cũng huề, chính chúng nó cũng bị “bể dĩa” đó thôi. Chúng ta đọc thơ được, nhưng chúng nó cũng đọc được. Ta có cái gì mà chúng nó không có.

Mọi người bắt đầu suy nghĩ nát óc.

- Chúng ta có Misa Goocbunôp. – Sau cùng có ai đó nói.

Rồi mọi người bắt đầu cười và hét lớn:

- Cậu ấy sủa được!

- Cậu ấy gáy được!

- Cậu ấy kêu meo meo được!

- Cậu ấy có thể đi bằng hai tay!

Cô giáo nói:

- Đừng nhao nhao lên như thế! – Tiếng ồn dịu xuống.

Misa nói:

- Cái gì? Những việc ấy ai làm mà chẳng được! Nếu tớ biết làm thơ, đấy mới là cái độc đáo! – Và cậu ta nhìn Bố. Mọi người khác cũng nhìn Bố.

Cô giáo nói:

- Đúng lắm! Các em, chúng ta có một nhà thơ.

- Và chúng nó không có! – Bọn trẻ hét lên.

Rồi Bố nói rằng Bố chưa từng trình diễn trên sân khấu và nơi trường lạ. Thêm vào đó, chưa nói tới việc Bố sẽ đọc thơ của mình. Nhưng lúc đó mọi người hét lên:

- Đừng lo chuyện ấy!

- Cái ấy không thành vấn đề!

Và cô giáo nói:

- Mọi sự sẽ tốt đẹp thôi. Nhưng đừng quên rằng em không phải là Puskin nhé!

Cô đã nói điều này với Bố trước kia và Bố vẫn chưa quên.

Cái ngày khủng khiếp ấy, sau cùng đã đến. Bố run rẩy vì sợ, bước lên sân khấu cùng với những diễn viên thể dục, diễn viên múa và những ca sĩ. Bố đang đứng nơi cánh gà của một sân khấu lạ, nhìn vào một thính đường xa lạ, đông nghẹt những học sinh trai gái. Ngồi ở hàng ghế trước là ông hiệu trưởng và những thầy cô giáo xa lạ, họ đang nhìn lên sân khấu với những đôi mắt xa lạ và cười một cách xa lạ. Các bạn chắc biết rằng đó cũng chỉ là những đứa con trai, con gái và những giáo viên bình thường. Họ nhìn lên sân khấu, cười và vỗ tay y hệt mọi người vẫn làm nơi trường của Bố thôi. Nhưng Bố thấy khớp ánh đèn sân khấu của trường lạ đến nỗi mọi sự có vẻ kỳ quặc.

Misa thì thầm vào tai Bố một cách vô ích:

- Trường này cũng thế thôi! Người ta cũng như mình, có khi còn kém hơn đấy!

Các cô gái tặng Bố những viên kẹo, nhưng cũng chẳng ăn thua gì.

Cô giáo nói hầu như cũng không có tác dụng:

- Xấu hổ quá! Em thuộc bài thơ, chứ?

- Vâng ạ! – Bố trả lời với đôi môi run rẩy.

Và sau cùng, khoảnh khắc khủng khiếp đã đến.

- Bây giờ các bạn sẽ nghe một bài thơ do một nhà thơ trường chúng tôi sáng tác và trình bày. – Bố nghe người xướng ngôn nói.

Mọi người vỗ tay, Misa đẩy Bố và Bố kéo lê bàn chân nặng như chì, lảo đảo bước ra. Chưa bao giờ Bố thấy khớp như thế trong đời. Thính đường đang xoay vòng. Miệng Bố khô như cát. Tai Bố lùng bùng, ồ ồ đều đều giống như tiếng sóng vỗ.

Bố không thể nhận ra được một khuôn mặt nào trong thính đường. Thay vào đó, Bố thấy một vệt sáng nhiều màu chuyển động thành những vòng tròn quay nhanh. Nó đang vỗ tay. Rồi tất cả im lặng. Mọi người đang đợi bài thơ của Bố, nhưng Bố cứ đứng ngớ ra như ông phỗng đá. Về sau, Misa nói rằng, lúc đầu mặt Bố trắng như tờ giấy, dần dần chuyển thành màu xanh da trời, rồi xanh lá cây và được bao phủ bằng những chấm đỏ. Misa nói:

- Ồ, ước chi các cậu được xem nó trình diễn nhỉ. Nó giống hệt như một chiếc pháo bông. Tớ dám cá không ai trong trường tụi nó có thể làm việc đó.

Rồi có ai đó trong thính đường cười và sau cùng bố bắt đầu đọc bài thơ mà Bố viết cho trường Bố. Lúc đầu, mọi người chăm chú lắng nghe, nhưng khi Bố bắt đầu phần điệp khúc, thính giả trở nên ồn ào. Đây là điệp khúc:

Dẫu bạn gan lì hơn Rô-bin Hút
Nơi thung lũng, rừng sâu bạn nhìn thấy hết
Sẽ không bao giờ thấy ban nhạc hay
Như Trường 23 trên mặt đất này.

Bởi vì buổi liên hoan văn nghệ đang diễn ra tại Trường số 9, bọn trẻ không đồng ý với điều mà Bố đang nói. Tự nhiên, chúng cảm thấy rằng danh dự của trường chúng bị đe dọa và chúng bắt đầu giậm chân và hét to. Bố quá khiếp hãi đến nỗi Bố khó lòng hiểu được cái gì đã xảy ra. Bố đưa tay và nói:

- Xin đừng ngắt lời tôi nửa chừng. Khi tôi đọc xong khổ thơ, các bạn có thể làm ồn bằng thích.

Mọi người im lặng. Bố không biết Bố đã phạm một sai lầm nguy hiểm khi đưa ra lời yêu cầu đó. Lũ học sinh tại Trường số 9 rất tinh ranh. Và việc đọc thơ tiếp tục như một trò chơi hứng thú. Bố đọc một khổ thơ và mọi sự trở nên im lặng. Nhưng khi Bố đọc phần điệp khúc thì sự hỗn loạn lại bùng lên. Bọn trẻ gào, sủa, huýt sáo và giậm chân. Rồi tiếng ồn ào sẽ dịu xuống. Bố ngắc ngứ đọc qua đoạn sau và tiếng ồn lại bắt đầu. Bài thơ có quá nhiều khổ và Bố tiếp tục đọc từ khổ này sang khổ khác cho đến hết. Khi Bố đọc xong, mọi người cười lăn chiêng, cả khán giả lẫn những đứa đang đứng nơi cánh gà, cả học sinh trường lạ và bạn cùng trường với Bố. Còn Misa đang cười bò quanh sàn. Cô giáo của Bố cũng đang cười. Bố không bao giờ quên được sự nhục nhã này.

Nhiều năm trôi qua, Bố đã trưởng thành. Nhưng cho đến ngày nay, nếu có một người nào đó cỡ tuổi trung niên, đột nhiên chạy vụt về phía Bố và hét to: “Dẫu bạn gan lì hơn Rô-bin Hút” và kêu meo meo rồi vụt chạy biến mất, thì Bố biết rằng người đàn ông đứng tuổi này xưa kia đã từng học Trường số 9. Ông ta vẫn nhớ bài thơ của Bố. Và Bố không bao giờ quên rằng Bố không phải là Puskin.

gấu trúc
14-07-2009, 12:51 PM
27 - Bố chơi bóng bàn

Khi Bố còn bé, một trò chơi mới đã được sáng chế ra. Nó được gọi là bóng bàn. Bây giờ kể ra cũng có nhiều trẻ con chơi bóng bàn đấy. Nhưng thuở ấy thì tất cả trẻ con ở mọi trường, mọi lớp, mọi sân trường đều chơi môn bóng đó. Chúng chơi trên bàn, trên ghế dài, trên những dương cầm lớn, và trên sàn. Chúng chơi từ sáng đến tối. Vài đứa thậm chí còn chơi ban đêm. Và nhiều đứa quên rằng ngoài bóng bàn ra, cõi đời này còn có cái khác nữa. Mỗi ngày đều có những cuộc đấu bóng bàn tại trường Bố. Lớp này đấu với lớp kia. Rồi những cầu thủ vô địch của mỗi lớp đấu với nhau để tranh giải vô địch trường. Rồi những vô địch trường đấu với nhau và người thắng là vô địch quận. Rồi có cuộc đấu vô địch thành phố. Rồi Matxcơva và Lêningrat đấu với nhau.

Mọi chuyện này làm Bố kinh ngạc. Dùng những mái chèo đưa quả bóng trắng nhỏ nhảy lui nhảy tới, chỉ có vậy sao mà hấp dẫn đến thế nhỉ? Bố không hiểu được.

- Không phải mái chèo đâu, vợt đấy, - lũ trẻ nói.

- Cái gì? Tớ vẫn không thể hiểu.

- Tại sao cậu không thử chơi xem sao?

- Chả có gì thú!

- Sẽ thú!

- Sẽ không thú!

- Tại sao cậu không thử chơi xem?

- Tớ không muốn.

Cuộc đàm thoại này được lặp lại nhiều lần. Và tự nhiên, vào một ngày đẹp trời, Bố kiếm một cái vợt bóng bàn và đứng vào chỗ của mình ở một phía của bàn.

Thế là hết!

Tôi nói “một ngày đẹp trời”, nhưng chỉ “đẹp trời” với Bố thôi, còn ông bà thì luôn luôn xem đó là một trong những ngày u ám nhất đời mình. Và chung qui cũng vì Bố quá say mê bóng bàn. Thoạt tiên, Bố không biết làm sao để đánh trúng bóng. Rồi, Bố học cách đánh trúng bóng, nhưng nó không dội trên bàn. Sau cùng, khi Bố tìm được cách đánh trúng bóng và nó dội sang bên kia bàn, Bố thực sự thích thú với trò chơi này. Bố phát hiện ra rằng có nhiều cách khác nhau để đánh trúng quả bóng: bạn có thể chặt nó, hoặc xoáy nó. Khi bóng được đánh bằng cách đó, nó sẽ bay vào một trong các góc. Một đấu thủ cừ sẽ làm cho bóng dội xuống phần bất lợi nhất phía bàn của đối thủ. Bố bắt đầu nghĩ rằng bóng bàn là một trò chơi tuyệt diệu. Nhưng rồi Bố nghĩ rằng bóng bàn là một trò chơi hấp dẫn nhất trên đời. Bố bỏ đọc sách, ngưng làm bài về nhà. Bố đến trường chỉ vì một lý do duy nhất là chơi trò chơi ưa thích của Bố. Bố bắt đầu chơi càng ngày càng hay, nhưng điểm số của các môn học trở nên càng ngày càng xấu.

Cô giáo gọi riêng Bố ra và nói chuyện với Bố dăm bảy lượt. Cô giải thích rằng cái gì cũng có giới hạn của nó. Cô thậm chí nhắc Bố nhớ đến câu ngạn ngữ: “Giờ nào việc ấy”.

Bố không tranh cãi. Tranh cãi thì có ích gì? Làm thế nào làm cho cô giáo hiều rằng, đối với riêng Bố, thì bóng bàn là thứ lao động chính của đời Bố, trong khi tất cả mọi thứ khác chỉ là giải trí mà thôi!

Bố chơi bóng nhiều hơn bất cứ đứa bạn nào trong lớp. Bố đã có thể thắng nhiều đứa trong bọn chúng. Vào ngày Bố đoạt giải ba tại trường, cô giáo nói:

- Cô muốn nói chuyện với bố mẹ em. Tình hình không thể tiếp tục như thế này.

Cô viết cho ông bà nội một lá thư. Nhưng ông bà không bao giờ nhận được thư ấy. Bố đã tự mình kéo nó ra khỏi hộp thư, đọc xong và xé tan ra. Lá thư quá khủng khiếp đến nỗi Bố xé tan ra thành trăm mảnh nhỏ. Rồi cô giáo gửi cho bà nội một lá thư khác. Nội dung còn xấu hơn lá thư trước. Bởi thế Bố xé thành những mảnh nhỏ hơn nữa.

Bố xấu hổ phải nói về chuyện ấy, nhưng đúng là như thế. Cô giáo rất ngạc nhiên vì ông bà nội đã không đến trường để gặp cô. Ngay khi cô sắp viết lá thư thứ ba thì Bố thắng luôn tay vợt vô địch trường. Sau đó, Bố quyết định rằng không còn gì để làm trong trường nữa. Và bởi thế, Bố ngưng hẳn việc đi tới trường. Sáng sớm Bố sẽ giả bộ như đang đi học. Nhưng trong cặp chẳng có sách vở gì cả. Thay vào đó, dù chỉ có hai cái vợt bóng bàn, một cái lưới và ba quả bóng. Và một bánh xăng-uých, dùng thay bữa trưa. Suốt ngày Bố chơi bóng bàn. Bây giờ Bố có nhiều bạn mới, tất cả đều say mê bóng bàn như điếu đổ. Bố biết mặt tất cả các nhà vô địch Matxcơva. Anh em Fankêvich chào đón Bố như kẻ ngang hàng. Bây giờ Bố đã là một thành viên của đội Thiếu niên. Bố đã thua trận đầu tiên của mình. Bố…

Nhưng ở thời điểm này, cô giáo – vì không nhận được hồi âm các lá thư và không thấy Bố tại trường - đã đến nhà thăm Bố. Nhưng Bố vắng nhà. Dù thế, ông bà thì có nhà. Khi ông bà phát hiện ra bao lâu nay con trai mình không đến trường mà đang để hết thời gian vào việc đập chan chát quả bóng trắng nhỏ, cả hai đều sửng sốt. Ông bà chắc mẩm rằng Bố đã phát khùng rồi. Dù sao đi nữa, ông bà chưa từng biết chơi bóng bàn, nên giấu vợt và bóng rồi đưa Bố đến một bác sĩ. Không phải là một bác sĩ xoàng xĩnh đâu nhé, mà là một giáo sư, đã suốt đời chữa bệnh cho những người mất trí. Tuy nhiên, ông ta cũng chưa từng chơi bóng bàn. Ông không hiểu tại sao Bố có thể bỏ học vì nó. Nhưng Bố thì không hiểu tại sao ông ấy lại hỏi Bố những câu hỏi kỳ cục như:

- Các bạn ở trường có đánh cháu không? Cháu ngủ có ngon không? Buổi sáng cháu có bị nhức đầu không? Buổi tối? Có bao giờ bị lên cơn không? Có bị ngất không?

Và Bố trả lời “không” trứơc những câu hỏi này. Rồi vị giáo sư hỏi tiếp:

- Cháu có mến trường học không? Có mến cô giáo không? Ở trường cháu có bạn không? Bạn trai? Bạn gái?
Và Bố trả lời “có” trước tất cả những câu hỏi này. Rồi vị giáo sư nói:

- Có bạn gái nào cháu mến hơn những bạn gái khác không?

Bố tức giận và nói:

- Thưa giáo sư, tại sao giáo sư lại muốn biết những điều này? Cháu bỏ học vì bóng bàn. Tất cả những câu hỏi của giáo sư chẳng ăn nhập với cái gì cả?

- Được rồi. Vậy bây giờ cháu dự định làm gì?

- Chơi bóng bàn ạ! Bố trả lời không chút lưỡng lự.

- Cháu có biết mọi sự sẽ kết thúc như thế nào không? Có bao giờ cháu nghĩ đến điều ấy?

- Dạ, chắc chắn là có, - Bố nói - đội bóng bàn của tụi cháu sẽ đoạt giải Matxcơva.

- Tôi hỏi nghiêm túc đấy! Vị giáo sư hét to.

- Cháu cũng vậy!

Rồi vị giáo sư nhún vai. Ông ta pha một vài giọt thuốc vào một ly nước và bảo Bố uống.

- Cháu không muốn uống. Cháu không bệnh.

- Nhưng tôi bệnh, - giáo sư nói; và chính ông đã uống ly thuốc đó. Rồi ông nói thêm, thầm thì:

- Nếu tôi thuyết phục bố mẹ cháu để cháu chơi cho hết mùa, cháu có hứa mùa thu sẽ trở lại trường không?

- Dạ hứa, ạ- Bố nói.

Rồi giáo sư cho mời ông bà. Ông ta nói:

- Cậu bé hoàn toàn khoẻ mạnh. Cứ để cho cậu ta chơi. Dù sao thì cậu ta đã bỏ mất gần cả học kỳ rồi.

Và ông uống thêm thuốc.

Thế là ông bà đưa Bố về. Đội bóng bàn của Bố không đoạt giải nhất, nhưng cũng đoạt giải nhì. Rồi Bố nhận thấy bóng bàn không phải là việc quan trọng nhất trên đời. Thậm chí Bố bắt đầu nhớ trường, nhớ lớp. Bố thích thú trở lại trường vào mùa thu và sau cùng hoàn tất chương trình học. Nhiều năm trôi qua, cái vợt cũ vẫn nằm trên nóc tủ buýp-phê. Ông bà rùng mình mỗi khi nhìn thấy nó. Nhưng Bố nhìn nó trìu mến. Chắc chắn, bỏ trường để chơi bóng bàn là điều dại dột. Mọi người cười khi nghe chuyện này. Bố cũng vậy. Mặc dầu thế, Bố nghĩ bóng bàn vẫn là một trò chơi tốt. Bố sẽ viết về nó một ngày nào đó.

Khi Bố thấy rằng con gái ông đang bắt đầu chơi bóng bàn, ông trở nên vô cùng kinh hãi. Nhưng ông thở phào nhẹ nhõm khi thấy cô ta không bỏ học, dù cô ta thực sự trở thành đấu thủ vô địch trường.

Rồi thì Bố hiểu nỗi khổ tâm của ông bà và Bố giấu cái vợt của mình vào góc xa của tủ bưyp–phê. Nhưng đôi khi ông lấy nó ra và hồi tưởng lại những ngày xưa, “một thủa của bóng bàn”.

gấu trúc
15-07-2009, 12:14 PM
28 - Bố đóng một cái ghế đẩu

Khi còn bé, Bố đã hoàn toàn tự mình đóng lấy một cái ghế. Bố không bao gìơ quên cái ghế đó. Có lẽ không có một cái thứ hai giống nó trên thế giới. Zakha Patrôvich, ông thầy dạy mộc, chắc chắn rằng không thể có. Trường có một xưởng mộc. Và thầy Zakha Patrôvich dạy các cậu trai cách cưa, đóng đinh, bào và dán gỗ, cách tháo ra khi bị hỏng và làm đi làm lại cho đến khi chúng làm đúng. Ông ta là một người trung niên, nhỏ thó với đôi kiếng gọng thép. Câu ngạn ngữ ưa thích của ông ta là: “Bắt đầu tốt, tức là xong một nửa”. Đôi khi ông thường nói thêm: “Và một kẻ chây lười thì sợ lao động”.

Đây là cách ông bắt đầu bài học thứ nhất:

- Đây là cái gì?

- Thưa, một cái búa! - Mọi người hét to lên.

- Đúng. Và đây?

- Thưa, một cái đinh !

- Đúng nữa! Và đây là cái gì ?

- Thưa , một miếng ván !

- Tốt. Bây giờ việc phải làm là đóng cái đinh này vào miếng ván này bằng một nhát búa. Ai tình nguyện?

- Em!

- Em làm được !

- Để cho em làm!

Có nhiều đứa tình nguyện. Nhưng ngay cả những đứa khoẻ nhất cũng không thể đóng cái đinh bằng một nhát búa. Rồi thầy Zakha Patrôvich lấy một cái đinh khác, đặt nó lên tấm ván và đóng vào nó. Ông không đóng mạnh lắm. Mọi người thở hồi hộp: cái đinh đã đi ngay vào ván bằng một nhát búa.

- Các em cần một con mắt tinh và một bàn tay vững - Thầy Zakha Patrôvich nói. - Rõ chưa?

- Rõ ạ! - Bố nói và lấy hết sức bình sinh đập vào ngón tay cái của mình. Bố thấy những ngôi sao. Những cậu trai khác cười .

- Không có gì phải cười cả. - Thầy Zakha Patrôvich nói. - Các em nghĩ rằng thầy luôn luôn đập trúng vào đinh ư? Không đâu. Đôi khi thầy đập trúng ngón tay và rồi bị một cái tát vào mặt nữa. Ngày xưa người ta dạy thầy như thế đấy.

Mọi người thương hại cho cậu bé Zakha Patrôvich thuở xưa , nhưng rồi ông cười và nói:

- Đừng lo lắng. Thầy sẽ không đánh ai đâu. Ở đây các em chính là thầy của mình. Mọi sự ở đây là vì các em. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách đóng một cái ghế nhỏ.

Một cái ghế nhỏ! Còn gì đơn giản hơn? Nhưng các bạn hãy thử làm một cái mà xem. Và làm đúng theo kích thước đã cho. Ô, phải làm biết bao nhiêu việc: nào xẻ, nào bào, nào dán! Và biết bao nhiêu lần các bạn phải tháo ra cái đã làm xong và làm lai từ đầu! Ồ, các bạn cần đổ biết bao mồ hôi, biết bao công sức, biết bao kỹ năng và kiên nhẫn!

Misa Goocbunôp là người đầu tiên hoàn tất cái ghế của cậu ta.

- Mời ngồi! - Cậu ta tự hào nói.

- Mời em ngồi! Thầy Zakha Patrôvich trả lời.

Trông bộ tich Misa rất quan trọng khi cậu ta cẩn thận ngồi xuống. Cái ghế kêu “rắc” một tiếng và gãy đôi. Misa ngồi bệt xuống sàn trong khi mọi người cười.

- Em đã làm nhanh , nhưng làm ẩu. – Thầy Zakha Patrôvich nói- Bây giờ hãy làm lại từ đầu và đừng vội vã như thế, nếu không, em sẽ bị mọi người cười nhạo nữa đấy!

Không ai có thể làm mộât chiếc ghế tốt ngay lần đầu tiên. Mọi người đều phải làm đi làm lại.

- Đừng lo lắng, các em. - Thầy Zakha Patrôvich an ủi- Mat-xcơ-va không phải được xây dựng trong một ngày. Các em đã nghĩ rằng ai cũng có thể cưa và đập búa chăng? Vâng, đúng thế. Nhưng muốn thành công, các em phải đổ nhiều mồ hôi vào đó.

Bọn trẻ cố hết sức. Nó cũng y hệt như một bài học nội khóa: đứa nào cũng muốn là người đầu tiên giải xong bài toán. Thật là hứng thú. Nhưng thế nào đi nữa, bạn không thể ngồi trên một bài toán. Sau khi bạn giải xong, thế là xong việc. Nhưng ở đây, sau khi hoàn tất ghế của mình, bạn có thể ngồi lên nó. Và bạn có thể mời những người khác ngồi lên nó nữa.

Varia Glazunêva là người đầu tiên đóng được một cái ghế tốt. Nhưng đấy là một cô gái! Đúng, bố cô ta là thợ mộc. Ông đã dạy cho cô ta cách dùng một cái bào và một cái cưa. Thầy Zakha Patrôvich trầm trồ khen ngợi Varia.

- Thật là một việc làm xuất sắc! Em đã làm xấu hổ tất cả cánh con trai!

Những cậu trai bị chạm tự ai kinh khủng và bắt đầu trêu chọc cô ta.

Nhưng cô gái không bao giờ nổi cáu. Cô chỉ cứ nói:

- Ồ, ghế các bạn đâu nhỉ?

Misa Goocbunốp là người thứ hai nộp ghế.

Các cậu trai không còn cảm thấy bi quan nữa. Sau đó, mọi người khởi sự nộp cho thầy tác phẩm hoàn chỉnh của mình. Zakha Patrôvich nói:

- Dù sao thì nó cũng giống một cái ghế.

Sau cùng, Bố hoàn tất cái ghế của mình. Bố bị xây xát, bị vết cào và trên mặt trên tay lấm lem vì hồ dán, nhưng cái đó không làm cho Bố lo âu một tí xíu nào. Cái ghế đầu tiên của Bố cũng hoàn tất! Ngày sinh nhật của Bố chắc cũng chưa vui bằng cái ngày mà chiếc ghế đầu tiên của Bố ra đời! Thầy Zakha Patrôvich hẳn đã nhận ra điều đó.

- Cứ tiếp tục, ngồi lên đi! – Đó là những lời nói vang lên như lệnh truyền.

Bố ngồi lên rất thận trọng. Cái ghế thậm chí cũng không kêu cót két. Nhưng rồi thầy Zakha Patrôvich nhìn kỹ nó.

- Đếm lại số chân xem! – Ông nhẹ nhàng nói.

Bố rất kinh ngạc. Bố nhìn xuống chân mình. Có hai chân, như vẫn thế. Nhưng rồi lũ con trai và con gái bắt đầu cười khúc khích. Ông thầy cũng cười nữa.

Cho đến bây giờ, Bố vẫn không thể hiểu vì sao mà thuở đó mình đã cố làm một cái ghế năm chân. Nhưng mà nó còn kia. Chúng tôi vẫn giữ nó. Nó vẫn có năm chân. Năm, không phải bốn. Và Bố vẫn còn nghe văng vẳng bên tai lời thầy Zakha Patrôvich nói:

- Năm chân thì cũng chả hơi gì ba chân. Em hãy làm lại từ đầu!

Và Bố nghĩ rằng đấy là một điều mà ta nên ghi nhớ, dù ta đang làm công việc gì đi nữa.

gấu trúc
15-07-2009, 12:17 PM
Sau khi theo dõi 28 câu chuyện trong tập truyện "Khi Bố còn thơ", thì đã đến lúc chúng ta phải nói lời chia tay, vì truyện... đã hết.

Với "Khi Bố còn thơ":

Một cảm nghiệm của người làm bố.
Đã trải qua tuổi thơ của mình.
Với bao kỷ niệm buồn vui.
Với bao bài học làm người.

nenhongnho
15-07-2009, 02:00 PM
Câu truyện đến đây là hết rồi!
Rất cảm ơn gấu trúc đã mang đến cho ngôi nhà Thiếu nhi một món ăn tinh thần vô cùng quý gía. Những câu truyện kể về tuổi thơ của Bố mà khi đọc lên bất cứ người nào trong chúng ta cũng có thể chợt bắt gặp mình trong nhân vật "Bố".

- 28 câu truyện thật ý nghĩa và dí dỏm, khiến ta đôi lúc bật cười và bỗng thèm sống lại cái tuổi thơ ngây ấy.

- 28 câu truyện được gấu trúc type lại từ những tập sách ố vàng vì thời gian...

Cầu mong gấu trúc luôn được hạnh phúc và thành đạt trong cuộc sống.
Hy vọng nhà Thiếu Nhi sẽ tiếp tục nhận được nhiều món quà tinh thần, bổ ích từ chị gấu trúc

:103::103::103:

dominico_dung
16-07-2009, 03:58 PM
TUỔI THƠ CON ẨN TRONG TUỔI THƠ BỐ
GIỜ LÀM BỐ RỒI MỚI BIẾT THƯƠNG BỐ NHIỀU HƠN
MỚI BIẾT PHẢI THẾ NÀO ĐỂ LUÔN LÀ NGƯỜI BỐ TỐT
CHỈ MONG CÁC CON SẼ MÃI THƯƠNG YÊU BỐ, HIỂU BỐ,... VÀ LUÔN BIẾT VÂNG LỜI
ĐỂ KHỎI MỘT NGÀY TIẾC NUỐI VÌ KHÔNG CÒN BỐ ĐỂ CHỞ CHE, VÒI VĨNH...

XIN ĐA TẠ NGƯỜI ĐÃ DÀY CÔNG ĐÁNH MÁY LẠI TRỌN TÁC PHẨM ĐỂ LÀM TÀI SẢN QUÝ BÁU CHO DIỄN ĐÀN TNCG VÀ CHO TÔI.



ps: đọc truyện đã lâu, thời còn cắp sách đến trường, giờ đọc lại vẫn không dừng được cảm xúc...

mèo mướp
26-07-2009, 07:13 PM
Truyện hay quá, mèo lưu vào word để đọc từ từ. Cám ơn chị gấu trúc nhiều lắm

HaNhi_Maria
17-08-2009, 09:50 PM
truyện hay quá à HaNhi rất thích. Mà chuyện đọc lâu lắm ghiền luộn Mấy bài chị gửi HaNhi thấy toàn hay hay không à!!! :1: