PDA

View Full Version : Chúa Nhật Tuần XVI Thường Niên Năm B (19-7)



Ngaibiet_conratyeuduoi
11-07-2009, 10:40 AM
BÀI ĐỌC I: Am 7, 12-15
"Hãy đi nói tiên tri cho dân Ta".
Trích sách Tiên tri Amos.
Trong những ngày ấy, Amasia (vị tư tế ở Bêthel) nói cùng Amos rằng: "Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang đất Giuđa, sinh sống và nói tiên tri ở đó. Chớ tiếp tục nói tiên tri ở Bêthel, vì đó là thánh điện của vua và là đền thờ của vương quốc". Amos trả lời cùng Amasia rằng: "Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: "Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 84, 9ab -10. 11-12. 13-14
Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).
1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. - Đáp.
2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Tự mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. - Đáp.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái, đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Ep 1, 3-10 {hoặc 3-14}
"Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Đức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương.
Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này, Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài, theo ý Ngài đã định về Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong Đức Kitô.
{Cũng trong Người mà chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, được tiền định theo ý định của Ngài là Đấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trông cậy vào Đức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, và được ca ngợi vinh quang Ngài.} Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 1, 14 và 12b
Alleluia, alleluia! - Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 6, 7-13
"Người bắt đầu sai các ông đi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: "Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ". Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân. Đó là lời Chúa.

bethichconlua
20-07-2009, 10:46 AM
CHÚA NHẬT TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN


Ðức Kitô Là Thầy Nhân ,

Hôm ấy các tông đồ đi truyền giáo về Ðức Giêsu để cho họ nói họ đã làm và dạy những gì, rồi Người bảo họ hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ đi một chút đã.

Chúng ta có thể ngợi khen thái độ chăm sóc của Người. Rõ ràng Người là bậc thầy nhân ái, lắng nghe môn đệ phúc trình nhưng thương họ vì thấy họ cần được nghỉ ngơi.

Nhưng có lẽ đó không phải là điều thánh Marcô muốn chú ý trong đoạn Tin Mừng này. Nhất là như chúng ta sẽ thấy, họ đã gặp đám đông đến đón đường; và họ lại phải cùng Ðức Kitô làm việc cho dân. Như vậy, ý tưởng muốn cho môn đệ được nghỉ một chútg không phải là điều trọng yếu.

Ðọc kỹ đoạn văn này, chúng thấy dường như thánh Marcô muốn gắn liền các môn đệ vào với Ðức Giêsu. Họ phải nên một với Người. Thế nên ở đây có lẽ là chỗ duy nhất thánh Marcô đã dùng từ ngữ "Tông đồ" để nói về các ông. Chúng ta thấy các ông họp nhau lại chung quanh Thầy mình. Và các ông báo cáo công việc đã làm, mà theo như từ ngữ thánh Marcô dùng ở đây, cũng chính là công việc mà Ðức Giêsu vẫn làm. Người đã làm và đã dạy, thì Người cũng đã sai họ đi làm và dạy. Làm gì, dạy gì, thánh Marcô chẳng bao giờ xác định. Nhưng trong ý của người, Ðức Giêsu cũng như các tông đồ luôn làm và dạy một cách có uy quyền, chứ không như Biệt phái và Luật sĩ. Công việc của Chúa và lời dạy của Người tự bản chất đã khác thường vì đã có uy quyền đến nỗi luôn luôn người ta phải hỏi nhau: việc gì vậy, lời nào thế, sao mà chúng có uy quyền như vậy? Có thể nói rằng người ta ngạc nhiên về hết mọi việc Người làm và mọi lời Người nói. Họ không bỡ ngỡ về chính những việc và những lời ấy, nhưng về uy quyền thoát ra từ những việc và những lời này. Chúng trở thành như dấu hiệu về quyền năng của Thiên Chúa đang muốn tỏ hiện. Nói cách khác, trước mặt dân, Ðức Giêsu trở thành nên như con người có uy quyền của Thiên Chúa. Và thánh Marcô cũng muốn cho các tông đồ và cả Hội Thánh có uy quyền như vậy. Ðối với người, xưa Ðức Giêsu đã có uy quyền thần linh ở trước mặt dân thế nào, thì ngày nay Hội Thánh và các tông đồ cũng có sứ mạng như vậy.

Thế nên Hội Thánh và các tông đồ phải chia sẻ thân phận của Ðức Giêsu. Trong sách Tin Mừng Marcô luôn luôn sau mỗi khi tiếp xúc với dân chúng, Người lại rút lui vào yên lặng không phải để cầu nguyện hay nghỉ ngơi cho bằng để phủ nhận sự phấn khởi của quần chúng cứ muốn lôi Người vào quan niệm đầy trần tục về Ðấng Thiên Sai và vai trò cứu thế của Người. Họ muốn một vị cứu tinh làm thỏa mãn tâm tư tham lam của họ. Và đó là con đường hy vọng. Ðức Giêsu không bao giờ ưng thuận. Và Người bảo các tông đồ của Người phải lui xa, chứ việc rút lui vào nơi hoang vắng để nghỉ ngơi không phải là việc Người muốn khuyên bảo đâu. Ngược lại thì có.

Thật vậy, các tông đồ chưa kịp trốn người ta ở đầu này thì đã gặp quần chúng đón mình ở đầu kia. Thánh Marcô chọn nơi sa mạc làm địa điểm của cuộc gặp gỡ này. Người muốn cho chúng ta thấy Ðức Giêsu đứng giữa dân nơi sa mạc. Hình ảnh này không gợi lại khuôn mặt của Môsê đã tập họp con cái Israel lại nơi hoang vu để biến họ nên dân của Chúa sao? Chính Ðức Giêsu đã cảm nghĩ như vậy. Người thấy dân như các chiên tản mác... Người xót dạ chạnh thương. Lòng Người bây giờ là lòng của Thiên Chúa như đoạn sách Xuất hành chương 34, 6-7 đã mô tả.

Khi ấy Thiên Chúa thấy dân tội lỗi... Người thương họ hết sức, nên ban luật pháp để quay đầu họ lại. Họ trở nên dân riêng của Người và Người chăm sóc họ. Hôm nay Ðức Giêsu cũng làm như thế. Người chạnh lòng thương xót họ. Người đứng ra làm mục tử, kêu gọi các chiên quay đầu trở về đàn. Và vì thế Người đã dạy dỗ dân.

Vì sao Người không làm ngay phép lạ bánh hóa ra nhiều để cứu sống họ như Người đã làm, mà lại còn bắt những con người nhọc mệt đó nghe dạy dỗ trước đã? Sách Tin Mừng Yoan sẽ viết như vậy. Ðức Giêsu ban bánh cho dân ăn rồi mới khai triển ý nghĩa của việc Người làm. Ở đây Marcô nói rằng Ðức Giêsu đã bắt đầu dạy dỗ dân rồi sau mới ban bánh cho họ. Và Người đã dạy dỗ họ nhiều điều, tức là cũng phải khá lâu... Marcô có ẩn ý gì không khi kể như vậy?

Thiết tưởng như đã nói, ở đây Marcô không có ưu tư trước hết là bày tỏ lòng thương xót của Ðức Giêsu, nhưng là giới thiệu Người như mục tử của Chúa Cha gửi đến. Quần chúng phải thấy uy quyền của Người trước đã, tức là phải cảm thấy Người bởi Thiên Chúa mà đến. Thế mà trong sách Marcô, người ta đã bắt đầu nhận ra điều đó ngay từ hôm đầu tiên gặp Người ở hội đường Capharnaum. Hôm đó Người đã giảng dạy với uy quyền. Từ đó, Marcô luôn luôn coi việc dạy dỗ của Người như là một cách biểu lộ thần tính của Người.

Ðàng khác, công việc đầu tiên của Người mục tử đối với chiên lạc là gì, nếu không phải là kêu nó trở về? Tiếng của mục tử rất quan trọng. Lời giảng của Hội Thánh rất thiết yếu cho việc tập họp dân Chúa.

Hơn nữa khi nói rằng Ðức Yêsu đã dạy dỗ dân chúng nhiều điều trước khi ban bánh cho họ, thánh Marcô hẳn cũng đã có ý trung thành với cơ cấu tổ chức phụng vụ trong Hội Thánh. Dân Chúa họp nhau lại trước hết để nghe Lời Chúa dạy dỗ rồi mới bẻ bánh tạ ơn.

Ở đây, Marcô còn muốn gợi lên ý tưởng Ðức Yêsu là Môsê mới ở với dân trong sa mạc. Như Môsê cũ đã dùng lời nói và luật pháp quy tụ dân thì Ðức Giêsu cũng thành lập dân mới bằng lời dạy dỗ của Người. Ngay đến Manna mà Môsê xin được cho dân ơ nơi sa mạc về sau cũng được đánh giá tương đương với lời từ miệng Thiên Chúa phán ra. Tức là nó chỉ có giá trị vì là tạo vật do Lời Chúa tạo dựng, chứ chất nuôi dưỡng của nó đâu có gì đáng tâng bốc!

Như vậy, thánh Marcô thật rất có lý khi khiến chúng ta chú ý vào việc Ðức Giêsu dạy dỗ dân chúng trong sa mạc. Người là Môsê mới đến cứu dân. Người là vị mục tử mà Thiên Chúa hứa sẽ sai đến. Người đang thực hiện các lời tiên tri bằng cách dạy dỗ với uy quyền. Chính Lời của Người sẽ tập họp các chiên tản mác của Chúa lại và nuôi dưỡng chúng, để chúng sinh sản, tức là có đời sống kết quả phong phú, ở trong đồng cỏ của Người là Hội Thánh.

Ðức Giêsu đã dùng sứ mạng tiên tri để thi hành sứ mạng vương đế. Hội Thánh và các tông đồ cũng phải làm như vậy. Và hết thảy chúng ta khi sống ơn gọi tiên tri cũng sẽ thi hành sứ mạng vương đế là kéo mọi người về hợp nhất trong một gia đình có Thiên Chúa là Cha. Ðang khi ấy chúng ta cũng sẽ thi hành sứ mạng tư tế vì như sẽ thấy trong bài thư Phaolô ở nơi Ðức Giêsu cả ba sứ mạng tiên tri, vương đế và tư tế không hề rời nhau khiến chúng ta luôn có thể sống ba sứ mạng ấy một trật.. Amen.



http://www.dauantinhyeu.org (http://www.dauantinhyeu.org/)